Làm việc cật lực mà không có tài thì đáng xấu hổ, nhưng có tài mà không làm việc cật lực thì thật là bi kịch.

Robert Half

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Trung Thiều
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2212 / 47
Cập nhật: 2016-05-15 20:27:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 25
ĩ nhiên đài phát thanh Huế là một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà quân đại tá Loan phải chiếm lại trước tiên, ngoài Ty Cảnh sát, Bưu điện, Quân trấn, Bộ chỉ huy Sư đoàn Một, Viện Ðại học… Cánh quân có nhiệm vụ tấn công tái chiếm đài phát thanh gặp vài kháng cự nhỏ của những toán thanh niên quyết tử ở khu Morin, nên chiếm lại mục tiêu có hơi chậm. Lúc ấy, Tường và Nam có mặt tại đài.
Nhờ những tiếng súng Carbỉne của thanh niên quyết tử báo động, nên Tường và Nam đã kịp thời chạy khỏi đài trước khi quân Sài gòn đến. Họ men theo bờ sông Hương lẻn ra phía sau Khu Công chánh, tới được Câu lạc bộ Thể thao. Đến đây, họ gặp phải một vùng công viên trống trải khó lòng giấu mình.
Tường lấy một cái périssoire chở Nam bơi dọc theo bờ sông, lên được tới vùng ven sông cây lá um tùm cạnh trường trung học Pellerin. Súng nổ tứ bề, xe GMC chở lính chạy rầm rập từ khu ga lên Kim long, qua cầu Bạch hổ. Tường bơi périssoire vào một lùm cây rậm cùng với Nam hồi hộp ngồi chờ tiếng súng lắng dịu bớt.
Từ lúc trốn khỏi đài phát thanh, hai người hoàn toàn im lặng, không ai nói với ai câu nào. Mãi tới lúc được tạm an toàn, Nam mới thút thít khóc. Tường lấy kính xuống lau bằng vạt áo sơ mi, mang vào nhìn Nam ngồi ủ rũ bên cạnh mình, âu yếm hỏi:
- Sao em khóc?
Nam thành thật thú nhận:
- Em sợ.
rồi như cảm thấy hai tiếng yếu ớt ấy chưa đủ ý nàng muốn nói, Nam thêm:
- Em lo cho anh.
Tường cảm động, nhìn Nam thật lâu không nói, vì biết nếu nói cái gì lúc này, giọng chàng sẽ thiếu hẳn vẻ tự tin cần thiết, càng khiến cho Nam mất bình tĩnh. Nam vẫn không thôi thút thít. Một lúc sau, Nam nói:
- Không biết bên nhà có sao không? Cả bên thầy me nữa.
Tường trầm ngâm hồi lâu, rồi cố an ủi Nam:
- Không sao đâu! Cả anh và em nữa. Chúng nó muốn làm tới cũng không được, vì Mỹ không để cho làm tới.
Nam nói, nửa xác nhận đồng ý, nửa ngờ vực:
- Anh nghĩ thế!
Lúc ấy bên kia sông, xe GMC không còn chạy nữa. Và thiên hạ đang túa nhau đi vớt bàn thờ. Tường bảo Nam:
- Mình tìm cách đi lên bờ!
Nam nhìn qua con đường chạy lên Kim long bên kia, lo lắng hỏi:
- Họ đã đi hết chưa?
Tường quả quyết đáp:
- Chúng nó đi hết rồi người ta mới ùa ra đường đông thế kia. Cơ hội tốt đấy. Càng đông mình càng dễ trà trộn.
Nam không nói gì, sợ ý kiến của mình nếu sai có thể liên lụy nguy hiểm đến cả tính mệnh Tường.
Tường tìm một chỗ thuận lợi rồi bắt đầu rời khỏi lùm cây, lấy hết sức chèo nhanh để đưa périssoire áp vào bờ bên kia con sông đào. Hai người lên bờ ở một khoảng sông khá vắng nên không bị ai chú ý. Men theo các xóm nhà cất dọc theo bờ sông, họ xuống gần đến khu ga Huế. Lúc ấy, người ta chen nhau đi vớt những bàn thờ Phật bị lính Sài gòn quăng xuống nước, nên không ai chú ý đến hai người. Tường sợ có người nhận ra mình nên kéo cao cổ áo lên, vuốt mái tóc dài cho phủ hết trán và cất cặp kính cận vào túi. Chàng không trông thấy rõ, cảnh vật trước mắt cứ mờ mờ ảo ảo. Mắt chàng xốn xang, nhức mỏi. Nam biết Tường bị mất kính trông không rõ nên đi sát cạnh Tường, lâu lâu nhắc chừng những chướng ngại vật có thể làm chàng vấp ngã.
Khi hai người đi qua một đám đông đang xúm lại xem hai người đàn bà tranh giành cái bàn thờ Phật lấm bùn và ướt đẫm, đột nhiên Tường giật mình ngơ ngác vì có giọng con gái reo lên:
- Ủa, anh Tường!
Nam sợ quá, quay ngoắc lại. Diễm! Đúng là Diễm! Nam vội bước tới gần Diễm nói nhỏ:
- Em đừng nói lớn. Nguy lắm! Em hiểu không?
Diễm hiểu ngay! Qua phút ngỡ ngàng, Tường cũng nhận ra cô em gái Ngô. Tường hỏi nhỏ:
- Tụi này ghé nhà Diễm được không?
Diễm quên cả ông Bỗng, mau mắn đáp:
- Ðược chứ! Anh chị lại đằng em.
Nói xong, Diễm mới nhớ tới cha, nhớ tới vẻ hí hửng của ông Bỗng khi thấy những toán Thủy quân Lục chiến đi dẹp bàn thờ một cách nhanh gọn và khéo léo như vậy. Diễm e de nhìn Tường, không biết phải “nói lại” thế nào. Tường hiểu vì sao Diễm đổi sắc mặt, thấp giọng hỏi:
- Bên xưởng vẽ của Ngô, tiện không?
Diễm vụt nhớ tới cái nhà kho lâu nay kín cửa vì Ngô mải mê tranh đấu bỏ cả giá vẽ, vui mừng đáp:
- Phải rồi! Anh chị tạm náu bên đó.
nhưng Diễm lại xịu ngay nét mặt, lo âu hỏi Tường:
- Anh có gặp anh Ngô em ở đâu không?
Tường thấy có vài người bắt đầu tò mò nhìn ba người, nên đứng tránh sau lưng Nam, nhìn ra phía sông nói bâng quơ như không phải nói với Diễm:
- Không gặp được, nhưng không sao đâu!
Nam nóng ruột giục:
- Thôi chúng ta đi đi. Đứng đây không tiện.
Tường bước tới trước ghé gần tai Diễm hơn, nói nhỏ:
- Có lối nào đến xưởng vẽ mà khỏi qua nhà Diễm không?
Diễm đáp:
- Mình vào cửa ga, rồi đi theo đường xe lửa. Anh chị theo em đi lối tắt này, tiện hơn.
o O o
Tường nhờ Diễm đưa một lá thư đến địa chỉ ở dốc chùa Từ đàm, căn dặn phải đưa đúng tên người đề ngoài bì, rồi khoá kín cửa xưởng vẽ lại.
Tới lúc đó, Nam mới bật khóc nức nở, ôm chầm lấy Tường. Tường để mặc cho Nam khóc thoả thuê, hai tay ôm chặt lấy tấm thân nhỏ bé ốm yếu của Nam. Một lúc sau, chàng nâng ngửa khuôn mặt Nam lên, cúi xuống hôn lên khuôn mặt xanh xao đẫm nước mắt ấy. Chàng hôn lên đôi mắt long lanh ngấn lệ, hôn lên đôi má ướt và mặn, hôn lên đầu mũi lạnh, hôn lên đôi môi run rẩy. Họ quằn quại điên dại trong một cái hôn dài, đầu lưỡi tham lam tìm đầu lưỡi của nhau. Nam chới với hỏi trong cơn thảng thốt:
- Em không mất anh chứ Tường? Em không xa anh phải không Tường?
Tường cũng trả lời giữa cơn mê:
- Không bao giờ! Không bao giờ em mất anh!
Những bức tranh thiếu nữ vạm vỡ của Ngô bày dọc bức vách đối diện cánh cửa khoá kín làm chứng cho tình yêu quằn quại của họ. Thứ tình yêu trong cảnh vô vọng nên họ không còn so đo e ngại để mà giữ gìn với nhau. Suốt mấy ngày đêm giam mình trong xưởng vẽ, trừ những lúc hé cánh cửa để nhận tin tức hoặc thức ăn khô Diễm mang tới, họ quấn quít nằm ôm lấy nhau trên tấm chăn bẩn trải trên nền xi măng ẩm thấp. Không khí ẩm mốc hôi hám pha lẫn nào mùi sơn, mùi vải mục, mùi gián mùi chuột, mùi quần áo lâu ngày không giặt, mùi mồ hôi… phủ chụp lấy họ. Bóng tối vây quanh cuộc đời họ. Cảnh xáo trộn cùng những nỗi đe dọa chờ đón họ bên ngoài bức vách nhà kho bỏ hoang. Nhưng họ đâu còn biết gì nữa. Họ tự cho phép tạm thời quay lưng với cuộc đời để chỉ sống hối hả điên cuồng những giây phút quí giá mà cả hai đều biết là sẽ rất ngắn ngủi.
Cho nên nguồn đam mê bị dồn nén vì cuộc sống đột ngột bị thu hẹp chỉ còn một lối thoát là điên cuồng man dã tìm kiếm cảm giác trên thân thể nhau.
Họ quên cả ý niệm về thời gian vì căn phòng tối tăm không cho phép họ biết ngoài kia là đêm hay ngày. Bóng tối cũng đồng loã để họ khỏi ngượng nghịu vì những điều sỗ sàng, để họ khỏi phải co quắp người lại che giấu những khuyết điểm trên thân xác. Họ không cần mặc quần áo, hết làm tình lại ôm lấy nhau lặng lẽ tận hưởng cảm giác mệt mỏi êm ái, rồi ngủ vùi trong chu vi vòng tay nhau, ngủ dậy lại vuốt ve âu yếm rồi bắt đầu một cuộc ân ái khác.
Đêm phủ chụp lên cuộc đời họ, nhưng tia nắng nhục cảm và hạnh phúc chiếm hữu làm rạng rỡ cuộc tình của họ. Tia nắng chói chang làm cho Nam choá nắng ngây ngất, như ngọn đèn sắp lụn chợt sáng lên lần cuối có những ánh rực rỡ khác thường!
o O o
Nam thức dậy, nằm yên lơ mơ nghe tiếng chim sẻ rủ rỉ bên trên mái ngói. Có lẽ chỉ có một con chim sẻ đơn độc, nên tiếng chim nghe rời rạc, chậm và buồn như một lời than tiếc. Cành nhãn la đà theo chìều gió lâu lâu ngọn lá chạm vào mái kho kêu xào xạc.
Nam mỉm cười, quay đầu nhìn Tường. Nàng không thấy Tường nằm bên cạnh. Ánh sáng chói chang ngoài kia đủ chiếu vài ánh le lói qua khe cửa. Bất giác nàng đưa tay che lấy ngực, khép chặt hai chân lại. Tường đã mặc lại quần áo, đang ngồi đọc cái gì đó gần sát cánh cửa gỗ sơn xanh.
Nam vội đến cái giá tranh lấy quần áo mặc vào, rồi mới rón rén đến cạnh Tường. Tường bối rối không muốn cho Nam biết mình đang đọc gì. Nam xịu mặt, giọng trách móc:
- Anh đọc gì đó, sao muốn giấu em?
Tường vội đáp:
- Có gì đâu! “Anh em” bên ngoài cho biết tin tức, thế thôi!
Nam tin ngay lời Tường, hỏi nhỏ:
- Tình hình ra sao hở anh?
Tường suy nghĩ mọt lúc rồi đáp:
- Chúng nó đã kiểm soát được khắp nơi. Và bắt đầu truy nã dữ.
Nam hấp tấp hỏi:
- Họ có cho biết tin gì bên nhà không?Cả bên nhà em nữa?
Tường đáp gọn:
- Không. Ðài ngoại quốc cho biết có thêm mấy vụ tự thiêu nữa.
Nam buộc miệng nói:
- Đã đến nước này mà còn…
nhưng Tường cắt ngang lời Nam:
- Không! Chính nhờ các vụ tự thiêu đó mà chúng ta còn ở được tại đây. Chúng nó còn biết ngại dư luận thế giới. Nếu trước đây, bên chúng ta có người chịu hy sinh như bên Phật tử, có thể
Tường ngưng giữa lưng chừng câu, không nói tiếp. Nam cũng không nói gì, vì biết chắc ý tưởng của Tường không đúng với thực tế. Không muốn tiếp tục câu chuyện để khỏi làm trái ý Tường, Nam hỏi:
- Lúc em ngủ, Diễm có đến không?
- Có. Cô ấy mếu máo lo cho thằng Ngô. Nam này!
- Dạ?
- Đã tới lúc mình rời khỏi đây được rồi!
Nam lo âu hỏi:
- Có chắc chắn an toàn không?
Tường quả quyết:
- “Anh em” đã xếp đặt xong. Anh chỉ băng qua một đoạn đường là tới chỗ “anh em” đón.
Nam mừng rỡ nói:
- Thế à! Anh chờ em chải lại tóc đã. Gớm! Rối như tổ quạ thế này!
Tường nhìn Nam do dự, một lúc mới bảo:
- Anh qua một mình trước. Ðừng xịu mặt như con nít như vậy! Anh sẽ cho người liên lạc với em liền.
Giọng Nam run run:
- Nhưng rồi em đi đâu?
- Em ở tạm đây chờ Diễm qua. Không có anh, em cứ thong dong về nhà, đàn bà con gái không việc gì đâu!
Nam nằn nì:
- Cho em đi với anh!
Tường cau mặt nói:
- Anh bảo không được!
Mắt Nam bắt đầu cay cay. Tường quay chỗ khác không muốn thấy Nam khóc. Chàng nói:
- Em nói với Ngữ là thế nào cũng gặp lại. Thưa với thầy me không nên quá lo cho anh!
Nam nghe cách nói của Tường thấy giống như lời trăn trối hoặc vĩnh biệt, chới với khóc nấc lên. Tường đến ôm vai Nam dỗ dành:
- Anh đã bảo đến chỗ hẹn xong sẽ cho người liên lạc với em. Nếu em yêu anh, nếu em yêu thì nên nghĩ tới chuyện làm sao... làm sao cho có lợi nhất. Đừng khóc nữa, Nam!
Nam ngồi yên để mặc cho nước mắt chảy xuống má, xuống môi… Vị mặn lan lên đầu lưỡi, pha lẫn vị chát. Bên ngoài, có tiếng gõ cửa nhẹ. Rồi hai tiếng khác liên tiếp, thong thả.Tường đứng dậy, ngập ngừng định đến bên Nam, nhưng sau lại thôi. Chàng chỉ nói nhỏ “Anh đi” rồi hé cửa lách ra ngoài.
Ánh sáng ùa vào phòng, mang theo mùi bụi đường khét nắng!
o O o
Cánh cửa khép nhẹ trở lại! Đêm lại về giữa lúc bên ngoài chói chang. Nam ngồi lặng người, nghe tiếng chân bước xa dần, xa dần…Bước chân nhẹ dè dặt không muốn làm đau mạt đất nhưng gây chấn động dữ dội lên tâm hồn Nam. Nàng ngồi lặng người hồi lâu, tim đập dồn dập đến nỗi tai nàng chỉ nghe những tiếng lùng bùng mơ hồ.
Nàng chỉ giật mình thức tỉnh khi có một loạt súng nổ, rồi tiếp theo sau nhiều loạt súng nổ khác, thật gần, dường như ngay phía trước nhà kho bỏ hoang. Ngoài đường, có tiếng chân chạy rầm rập, tiếng ơi ới gọi nhau, tiếng những cánh cửa đóng sập vội vã. Nam đau xé cả lòng, bật khóc lớn!
Từ lúc đó, nàng như người ngây, không còn ý thức rõ những gì đang xảy ra nữa. Nàng mở cửa “xưởng vẽ” đi ra như một người máy. Căn nhà Diễm kín cửa. Nam theo một lối cửa khác ra đường Phan Chu Trinh. Ðường vắng. Chân nàng bước trên mặt nhựa mà bập bồng như bước trên những dải mây xám.
Nàng thất thểu đi dọc hết ven đường Lê Lợi dài, qua cầu, vượt qua một phố hiu quạnh, lại qua cầu, thui thủi giữa hai dãy phố cũ kỹ của Gia hội.
Ông bà Văn mừng rỡ thấy Nam trở về. Bà Văn ôm chầm lấy con gái khóc nức nở. Lãng cũng đã về được tới nhà. Lãng hớn hở khoe:
-Em lanh lắm! Giả vờ như không dính dáng gì tới tụi bạn đang ngồi trên chiếc Dodge 4, tụi nó mới thả cho đi! Chị biết không, anh Ngô bị bắt rồi! Tụi nó trói ké anh Ngô với tám thằng kia lại đẩy lên xe thiết giáp chở ra đây luôn. Chắc là đã bị đưa vào lao Thừa phủ. Không biết bác Bỗng biết tin chưa?
Nam ậm ừ cho qua, vào phòng đóng cửa lại, nằm vật xuống giường. Mọi người trong nhà đều ngơ ngác lấy làm lạ, nhưng thấy Nam bơ phờ, không ai nỡ vào phòng làm rộn Nam.
Nàng nằm úp mặt trên gối như vậy thật lâu, đầu óc ngây ngây ray rứt nhưng tuyệt nhiên không thể định được là đang nghĩ tới chuyện gì.
Nửa đêm, Nam choàng ngồi dậy. Tâm trí nàng tỉnh táo hơn. Nàng nhớ lại mấy loạt súng lúc Tường vừa rời khỏi nhà kho, đoán chắc thế nào Tường cũng gặp nạn.
Nàng lầm bầm tự nói với mình:
- Bây giờ ta làm gì đây? Thế là vĩnh biệt! Vĩnh biệt anh! Vĩnh biệt giấc mộng của đời em! Vĩnh biệt mơ ước cùng anh sống chung, dưới một mái nhà lúc nào cũng rộn tiếng trẻ cười! Vĩnh biệt những nhớ nhung thương yêu! Vĩnh biệt cả những hờn giận! Không còn nữa rồi, cơ hội được thấy anh cau có gắt gỏng! Phải, anh nhớ lại mà xem, trong bao nhiêu năm qua anh ân cần âu yếm với em được mấy lần? Lúc nào em cũng nơm nớp lo sợ, lúc nào em cũng chới với đuổi bắt, mà anh thì cứ ở ngoài tầm tay em! Chỉ lúc nào anh đau yếu, thương tật, em mới yên tâm. Em được làm chủ, ít ra là những lúc ấy, tấm thân tàn tạ của anh. Em xua đuổi được khỏi cuộc đời anh những ồn ào của lịch sử, quyến rũ ma quái của những mỹ từ, niềm náo nức của những cuộc xuống đường, âm vang lôi cuốn của những tuyên ngôn tuyên cáo. Em đóng chặt cửa không cho tiếng hoan hô đã đảo làm phiền đến anh. Em chỉ muốn anh là của em, một mình em thôi! Chao ơi! Có thời nào em thấy cuộc sống có ý nghĩa cho bằng thời em được ngày ngày chăm sóc anh, đút cháo cho anh ăn, thay băng cho anh, thay áo cho anh! Anh bị đả thương mà lòng em ngây ngất sung sướng! Thật là ngược đời, những anh hiểu cho em, chỉ những lúc đó, anh mới thật là của em. Của riêng em! Em không muốn anh làm gì khác ngoài việc yếu đuối nằm gọn trong vòng tay ôm của em, anh biết không?
Ý tưởng được ôm ấp che chở cho Tường khiến Nam ngồi bật dậy. Nàng chợt nghĩ:
- Biết đâu anh ấy chỉ bị thương mà thôi! Phải! Tại sao mãi đến bây giờ ta mới nghĩ ra? Tại sao ta cứ đinh ninh anh ấy bị bắn chết? Không! Không bao giờ anh ấy chết được! Anh ấy đang cần đến ta! Trời ơi! Sao ngay lúc súng nổ, ta không chạy đi tìm để cứu anh ấy? Ta điên rồi! Ta mất trí! Anh ấy chết chỉ vì ta ngu dại quá chừng! Làm sao đây? Làm sao tìm cho được anh ấy?
Nam vội vã chạy lại mở cửa phòng. Tiếng cánh cửa bật mạnh ra khỏi khung gỗ vang động trong đêm vắng. Nàng giật mình, lo sợ cả nhà sẽ thức dậy. Nam rón rén bước nhẹ ra phòng trước, se sẽ đẩy chốt cánh cửa sổ nhìn ra đường. Ngọn néon trên cột đèn nhấp nháy khi mờ khi tỏ, nhưng cũng đủ chiếu sáng để Nam nhận ra những người lính cầm súng đi tuần bên kia đường, ngay trước nhà Nam.
Nàng tuyệt vọng ngồi rũ xuống nền phòng khách, hai ban tay ôm lấy đầu. Nam khóc lặng lẽ giữa đêm giới nghiêm, một mình thấp thỏm chờ sáng.
Bão Nổi Bão Nổi - Nguyễn Mộng Giác Bão Nổi