Tài giỏi không có nghĩa là không bao giờ phạm phải sai lầm, mà ở chỗ nhanh chóng chuyển bại thành thắng.

Bertolt Brecht

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Trung Thiều
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2212 / 47
Cập nhật: 2016-05-15 20:27:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14
Ông Thanh Tuyến nằm một chỗ “an lạc”, nên không hề biết rằng bên ngoài của phòng ông, cuộc sống của gia đình đang hồi xáo trộn dữ dội. Có thể nói cả cơ nghiệp ông bỏ công lao xây dựng trong bao nhiêu năm sụp đổ nhanh trong vòng có mấy tuần. Mân dứt khoát loại ông Thanh Tuyến ra khỏi tổ hợp đấu thầu. Lý do gần quá dễ hiểu: ông Thanh Tuyến đã trở thành phế nhân. Nhưng còn một lý do sâu xa hơn. Mân tuy cần vốn của ông Thanh Tuyến, nhưng suốt hai năm nay, cứ ngay ngáy lo sợ có một ngày nào đó, hoạt động chính trị của Tường sẽ ảnh hưởng tai hại đến công cuộc làm ăn. Bây giờ ông Thanh Tuyến tê liệt nằm một chỗ, Mân phải chộp cơ hội hiếm có. Vì thế, Mân chỉ đến thăm ông Thanh Tuyến có một lần, rồi không bao giờ trở lại. Trong lần đó, Mân không đả động gì tới việc làm ăn. Mân coi như chưa hề có tổ hợp đấu thầu rác và cung cấp rau tươi cho hai doanh trại Mỹ ở Mỹ khê, và từ khi ông Thanh Tuyến bị nạn, Mân chưa hề dự tính một vụ đấu thầu nào tương tự. Bà Thanh Tuyến tiếc của, nhiều lần nhắc Quế hoặc Lãng lên nhà để bà hỏi cho rõ Mân tính thế nào, vốn liếng vợ chồng bà góp vào nay tiền lời chia chát ra sao. Lãng đã vào Ðà nẵng, còn Quế thì thành thật thưa rằng cô không biết gì hết.
Bà Thanh Tuyến nghĩ có một âm mưu sang đoạt tài sản của bà. Bà muốn làm tới. Nhưng làm thế nào? Thưa kiện với ai trong lúc này? Giấy tờ ở đâu?
Quỳnh Trang được điện tín từ Sài gòn về Huế thăm cha, thấy mẹ gầy gò hẳn đi. Bà Thanh Tuyến không ngủ được, đêm nằm gác tay lên trán thở dài sườn sượt. Quỳnh Trang tội nghiệp cho mẹ quá, đề nghị bỏ học để về đỡ đần bớt việc buôn bán.
Bà Thanh Tuyến nghe con gái lớn nói vậy, cảm động bật khóc. Bà mếu máo nói:
- Mẹ khổ lắm, con biết không? Mấy tháng nay tiền chỉ có ra chứ không vô đồng nào. Tình hình lộn xộn, cửa hiệu bữa đóng bữa mở. Nếu cứ cái đà này thì có ngày mấy mẹ con ra đường dắt díu nhau đi ăn xin! Thầy mày thì nằm một chỗ!
Quỳnh Trang ôm lấy vai mẹ, an ủi:
- Ở trong Sài gòn còn lộn xộn hơn đây nữa, nên buôn bán trong đó cũng ế ẩm. Ở trường Dược con có học hành gì được đâu. Thôi, mẹ cho con ở lại giúp đỡ me, me nhé!
Bà Thanh Tuyến đưa tay áo chặm nước mắt, rồi hỏi:
- Nhưng học được hai năm rồi, bỏ đi uổng quá. Con cứ vào lại đi, mọi việc có mẹ lo!
Quỳnh Trang quì xuống thảm để nhìn thấy mẹ rõ hơn. Nàng nói:
- Thầy me khổ, con không yên tâm. Mẹ cho con nghỉ học để con trông hàng, cho me săn sóc thầy.
Bà Thanh Tuyến nhận thấy không còn giải pháp nào khác. Nhìn lại gia đình, bà thấy quá đơn chiếc. Tường thì coi như không có. Quỳnh Như tính tình bộp chộp không đủ kiên nhẫn để lo việc chi li tiền bạc. Chỉ còn Quỳnh Trang là tin cậy được, tuy bà biết Quỳnh Trang còn chậm chạp vụng về khi cần giao thiệp bên ngoài. Muốn khỏi ân hận vì bắt con thôi học, bà bảo:
- Ðể me hỏi ý kiến thầy xem sao. Nếu thầy mày bằng lòng, mẹ mới yên tâm.
Rồi không hiểu nghĩ gì, bà lại thút thít khóc.
Buổi tối bà đem chuyện hỏi ý ông Thanh Tuyến. Ông cũng xót xa cả lòng như vợ, nhưng thấy chỉ còn cách giải quyết bất đắc dĩ này. Quỳnh Trang trở thành người quán xuyến mọi việc trong nhà. Một người nội trợ biết rõ vị trí và nhiệm vụ của mình, lặng lẽ nhận hết những việc đa đoan phức tạp không chút than van cũng như lặng lẽ thi thố quyền uy lớn lao của mình với người khác.
Mới từ Sài gòn về hôm trước, hôm sau Quỳnh Trang đã cùng với mẹ tính toán kiểm điểm lại sổ sách tới khuya. Quỳnh Như ngủ chung phòng với chị như hai năm trước, nên dần dà nhận ra những biến đổi của chị. Quỳnh Trang biến đổi từ cách đi đứng, ăn nói, cho tới cả cách ăn mặc. Trách nhiệm mau chóng biến Quỳnh Trang thành một người phụ nữ lớn trước tuổi, đến nỗi Quỳnh Như không còn dám nói đùa hoặc trêu chọc chị nữa. Mắt Quỳnh Trang trước kia tuy nghiêm nhưng lâu lâu không giấu được nét trẻ thơ ranh mãnh. Bây giờ ánh mắt ấy đầy lo lắng, đăm chiêu. Lời nói chậm và rõ, ăn mặc xuề xòa như một người đã có chồng con, không cần làm dáng với ai khác.
Quỳnh Như thấy thương chị, bùi ngùi nhớ lại những lần đùa nghịch với chị trước đây. Tuy vậy, Quỳnh Như không biết phải an ủi chị thế nào. Quỳnh Trang lặng lẽ thản nhiên quá. Quỳnh Như đâm ngại.
o O o
Nam lên thăm ông Thanh Tuyến mới biết Quỳnh Trang không vào Sài gòn nữa. Hai người bạn cũ dẫn nhau vào phòng đóng cửa lại nói chuyện riêng. Vừa khép cánh cửa lớn ăn thông ra phòng khách xong, Quỳnh Trang ôm lấy Nam khóc nức nở.
Nàng khóc nấc lên, và khóc thật lâu. Bao nhiêu đau khổ dồn nén, bao nhiêu tình cảm che giấu để yên lòng thầy mẹ và em, bây giờ được dịp giải tỏa. Nam để mặc cho Quỳnh Trang khóc, không nói gì. Vì Nam cũng khóc lặng lẽ theo bạn.
Một lúc sau, họ mới lấy lại được bình tĩnh. Nam thút thít hỏi:
- Trong đó biết tin hôm nào?
Quỳnh Trang cũng thút thít trả lời:
- Nhận điện tín hôm thứ bảy. Mãi thứ ba mình mới mua vé máy bay được. Số khách ứ đọng vì thời kỳ ngoài này lộn xộn không có máy bay, dồn nhiều quá, họ được ưu tiên đi trước.
- Trong đó vẫn yên ổn à?
- Yên ổn sao được. Một thời gian ngày nào cũng có một hai đám biểu tình diễu qua trước trường Dược. Tháng trước, tụi nó chận xe Mỹ lại đốt ngay trước cửa trường mình. Hai lính Mỹ trên xe phải chạy vào trường trốn, chờ MP tới đưa về.
Nam láu lỉnh hỏi:
- Rồi Trang có tham gia biểu tình không?
Quỳnh Trang lắc đầu. Nam cười.
- Vậy là thua xa tụi ngoài này rồi. Mai, buổi tối lại có hội thảo do anh Tường hướng dẫn. Trang đi với mình cho vui.
Quỳnh Trang lại lắc đầu:
- Mấy chỗ đó mình không tới đâu!
Rồi Quỳnh Trang hỏi:
- Nam với anh Tường độ này thế nào?
Nam tươi ngay nét mặt, nhưng làm bộ chưa hiểu, hỏi bạn:
- Thế nào là sao?
Quỳnh Trang cười mỉm:
- Chuyện hai ông bà ra sao, con Quỳnh Như biên thư kể hết cho mình biết rồi. Như nó bảo Nam độ này hăng lắm, trở thành “lãnh tụ” chị em Phật tử rồi. Đúng thế không?
Nam lắc đầu làm ra vẻ chán ngán Quỳnh Như đặt điều, nhưng vui sướng hiện cả trong ánh mắt:
- Cái con bé không chừa cái tính mách lẻo lanh chanh. Nhưng mấy “tên tướng” trong đó như thế, làm sao mình ngồi nhà cho được!
Quỳnh Trang ngạc nhiên vì lối nói của Nam, nhìn bạn hồi lâu xem do đâu Nam không còn như xưa nữa.
Chưa hết! Nam còn thuyết cho bạn nghe đầy đủ tình hình thế giới, tình hình trong nước, cuộc oanh tạc leo thang ở Bắc Việt đi về đâu, bản chất giai tầng tướng lãnh ở các nước chậm tiến là gì, hậu quả cuộc đối đầu giữa Sài gòn và Phật tử Miền Trung sẽ ra sao, tướng Kỳ có dám đem quân ra Đà nẵng lần nữa hay không…
Nam càng say sưa nói, Quỳnh Trang càng kinh ngạc. Nàng tự hỏi phải chăng tình yêu Tường đã biến đổi cô bạn cũ nhút nhát nhạy cảm ngày xưa của nàng thành một người khác hẳn.
Trong lúc Nam nói, Quỳnh Trang mỉm cười tò mò nhìn bạn. Phải, người bạn yếu đuối nhạy cảm của Trang ngày xưa, bây giờ không còn yếu đuối nữa. Quỳnh Trang thử làm một cuộc so sánh. Trước hết là nét mặt điệu bộ của Nam. Không kể những lúc Nam ngồi yên lặng thu người nhỏ nhắn giữa đám đông, nét mặt lạc lõng giữa những khung cảnh náo nhiệt vui vẻ như sân trường giờ ra chơi, ở đại nhạc hội, ở một cuộc họp mặt thân hữu. Hãy kể những lúc Nam cảm thấy đủ an toàn để bỏ hết sự dè dặt e ngại, như các buổi tối Nam và Quỳnh Trang học chung với nhau. Những lần đó, Nam nói nhiều hơn, tâm sự chân thành và cởi mở hơn. Nhưng mỗi lần nói điều gì, Nam có thói quen cúi xuống giấu mặt, nói xong một câu lại ngửng lên liếc nhanh về phía bạn như sợ vừa nói một điều thất thố. Thói quen đó, bây giờ không còn! Nam kể chuyện thời sự nóng bỏng cho bạn nghe với đôi mắt sáng. Nàng nhìn chếch lên trời như kiểu các cha đạo giảng kinh, và y như các tu sĩ nhiệt tín, Nam có những nhận xét quá khích liều lĩnh bất cần người nghe có chấp nhận hay không, bất cần hợp lý hay trái lý. Lối nói đó, dáng diệu đó thật giống lối nói dáng điệu của Tường. Bây giờ Quỳnh Trang mới hiểu một điều lâu nay nàng vẫn thắc mắc: là không hiểu vì sao những cặp vợ chồng Trang quen biết đều rất giống nhau, cả hình dáng, tính tình lẫn lối cư xử với mọi sự trên đời. Về hình dáng, Quỳnh Trang tìm được một cách giải thích tạm ổn thỏa. Những đứa con trong gia đình đều có nét hao hao giống cha một ít, giống mẹ một ít. Nét mặt của chúng là một thứ hòa hợp kỳ diệu giữa hai nét mặt, nên trở thành cái gạch nối khiến hai vợ chồng trở nên tương tự nhau. Về tính tình, trước đây Quỳnh Trang không hiểu. Bây giờ, sau khi gặp lại Nam, nàng hiểu. Tình yêu thật sự nào cũng đưa đến sự tự xóa để thích nghi, kể cả những thứ tình yêu bao quát như yêu tổ quốc, yêu loài người, yêu cuộc sống. Lúc ấy con người cảm thấy nhỏ lại, cảm thấy mong manh, và khác với khát vọng sinh tồn thúc giục người ta chiếm hữu trong sung sướng và đau khổ khi thua thiệt, ở đây con người tìm được niềm hạnh phúc của kẻ tử đạo! Cuộc sống lứa đôi biến đổi cả hai vợ chồng lúc nào không hay, và tới một lúc nào đó, cả hai nói chung một thứ tiếng, vui buồn giận hờn chung một cung bậc, giận dữ phẫn nộ vì chung một nguyên do. Quỳnh Trang mỉm cười nhìn bạn, lòng pha lẫn nào trìu mến, nào ganh tị, nào mơ ước vu vơ…
o O o
Rồi phải tới lúc Nam thấy mình giành nói một mình, và nét mặt của Quỳnh Trang buồn buồn. Nam ngơ ngác hỏi bạn:
- Trang có chuyện gì thế?
Quỳnh Trang lắc đầu, cố tươi nét mặt cho bạn yên tâm:
- Không! Có gì đâu! Tự nhiên thấy nhớ Sài gòn.
Nam cười, chỉ vào mặt Quỳnh Trang tra vấn:
- Nhớ “chàng” nào phải không? Khai cho chị dâu đi!
Quỳnh Trang đỏ mặt, lúng túng nói:
- Bậy!
càng khiến cho Nam ngờ vực thêm. Trong nỗi hân hoan, Nam nghĩ mọi người cũng phải may mắn như mình, nên quyết tra gạn:
- Còn bậy gì nữa! Cũng học Dược phải không?
- Không có ai đâu! Mình xưa nay…
- Không có, sao Trang có vẻ ấp a ấp úng vậy?
Quỳnh Trang không muốn cho bạn biết rõ cuộc sống tình cảm heo hút, trống không của mình, tìm cách nói sang chuyện khác:
- Tại mình về đây rồi ở lại luôn, sợ con bạn thuê chung phòng trọ nó buồn. Con bé học năm thứ nhất, dễ thương lắm!
- Tiền thuê nhà trong đó có đắt không?
- Dĩ nhiên là đắt. Nhất là những khu không ồn ào ô hợp quá, lại gần trường. Mình ở khu Ðakao đó.
- Khu làm guốc phải không?
Quỳnh Trang bỡ ngỡ hỏi lại:
- Làm gì có khu làm guốc ở đấy?
Nam cười:
- Tại mình nghe guốc Ðakao, nên cứ tưởng ở đó toàn dân đóng guốc.Từ đó đến trung tâm thành phố Sài gòn có xa không?
- Không xa bao nhiêu. Trường mình học ở giữa đoạn đường từ nhà đến khu Catinat, dinh Độc Lập, nhà thờ Đức Bà. Muốn đi biểu tình phản đối hay xuống đường đã đảo ai, tiện lắm!
Nam không chú ý cái giọng hơi mỉa mai của Quỳnh Trang, chỉ nhớ đến hình ảnh tưởng tượng về nhà thờ Đức Bà, về con đường từ nhà thờ lớn chạy qua những dinh thự phố xá sang trọng nhất Sài gòn để gặp bến Bạch Đằng, về chỗ ngụ của một thứ quyền lực mạnh mẽ nhất nước. Giọng Nam có vẻ tiếc nuối:
- Mình lớn chừng này mà chưa biết Sài gòn rộng hẹp thế nào cả. Quê dễ sợ!
Quỳnh Trang tìm được đề tài thông thạo hơn Nam, nên kể:
- Dĩ nhiên phố xá trong đó tấp nập hơn đây, nhưng mình vẫn không chịu đựng được tiếng ồn liên tu bất tận từ sáng sớm đến khuya và mùi khói xe. Nam tính, ở đây mình xe đạp tà tà thong thả, đi đâu cũng tới, không việc gì vội. Ở trong đó hễ ra đường là phải chạy. Xe cộ như mắc cửi, nhất là xe gắn máy. Mình xin tiền me mua cái Solex để đi học, vì thấy ngoài này con Như nó đi Solex tiện quá. Mua rồi mới biết mình lầm. Đường Sài gòn cứ một đoạn là có đèn xanh đèn đỏ. Đi Solex, cái phiền là lúc dừng phải với tay ra phía trước kéo cái cần máy lên gài vào cái móc ở ghi-đông, đèn xanh lại thả cần xuống. Nam cứ tưởng tượng chạy một cây số mà phải lên cần xuống cần hàng chục lần như thế, thật mệt. Cho nên mình bán chiếc Solex đi và mua cái Honda dame. Loại xe gắn máy của Nhật mới nhập cảng đó.
Nam nói:
- Ở đây thiên hạ bắt đầu dùng loại đó khá nhiều rồi. Trông có vẻ nặng nề lắm, phải không?
- Không nặng đâu. Đi khoẻ lắm. Mình đèo con Trâm ngồi sau, vẫn chạy vù vù.
- Trâm nào thế?
- Con bạn thuê chung phòng mình nói lúc nãy.
Quỳnh Trang cười, giọng tự đắc:
- Nói thuê chung, nhưng thực ra mình trả gần hết tiền phòng. Nhà nó túng thiếu, thấy tội nghiệp quá!
Nam thắc mắc:
- Trang về đây, cô ấy ở đâu?
- Bởi! Cho nên mình lo cho nó!
Nam nhớ lại hồi gia đình còn túng bấn, nhớ lại mặc cảm thua sút đối với bạn suốt thời gian học trung học, đột nhiên thấy vẻ lo lắng kẻ cả của Quỳnh Trang có gì đáng ghét. Nam nói:
- Hôm nào mình sẽ nhờ thằng Lãng mua giùm một chiếc Honda dame. Lâu nay đi đâu cũng nhờ anh Tường chở, thật bất tiện. Còn đi xe đạp thì nhọc quá. Trang nghĩ coi, từ nhà đạp xe lên tận Từ đàm để họp hết cuộc họp này đến cuộc họp khác, sức đâu chịu nổi! Càng ngày họ càng khách sáo với nhau hơn, che giấu những điều bất lợi và khoe khoang cả những điều chưa có thật. Hai người bạn cũ cảm thấy vừa mất một cái gì đơn giản, chơn chất, thoải mái, tự nhiên. Câu chuyện tâm tình đi dần tới chỗ gượng gạo!
o O o
Lúc ông Thanh Tuyến gọi Quỳnh Trang mang vào cho ông bình nước trà, Nam chộp lấy cơ hội chấm dứt cuộc nói chuyện gượng gạo, ngỏ ý với bạn muốn về. Quỳnh Trang không lưu khách lại. Nam theo Quỳnh Trang vào buồng chào ông Thanh Tuyến. Cứ nghĩ thế nào ông cũng hỏi về Lãng hoặc Quế, nên nàng nói trước:
- Hồi chiều em Lãng vừa về đây. Cháu có rủ nó lên thăm bác, nhưng nó nói tối nay nó có việc bận, hẹn sáng mai thế nào cũng ghé bác trước khi vô Đà nẵng.
Ông Thanh Tuyến không nói gì, lại hỏi một câu hoàn toàn bất ngờ đối với Nam:
- Anh Ngữ bận gì hai hôm nay không lên đây chơi?
Nam ngỡ ngàng nhìn ông Thanh Tuyến hồi lâu, tưởng ông nói lầm. Ông Thanh Tuyến hỏi lại:
- Anh ấy vẫn đi làm đều bên Tiểu khu đấy chứ?
Nam biết chắc ông Thanh Tuyến hỏi về Ngữ, vội đáp:
- Dạ vâng. Anh con vẫn đi làm.
Ông Thanh Tuyến muốn nói gì thêm nữa, sau nghĩ sao, lại thôi.
Nam muốn về, nên nói nhỏ:
- Thưa thầy, con về!
Ông Thanh Tuyến giật mình, quay về phía Nam, nói:
- Được, con về!
Quỳnh Trang lặng lẽ tiễn Nam xuống lầu. Cảnh cửa hiệu radio bề bộn hơn trước kia, bàn ghế xếp đặt lung tung thiếu hẳn vẻ ngăn nắp trật tự. Trong tủ kính ngay phía trái quầy thu ngân, chỉ bày lèo tèo ba cái radio nhỏ và một cái cassette hiệu Hitachi có hai loa rời. Nam tò mò hỏi:
- Sao hàng họ ít quá vậy?
Quỳnh Trang nói:
-Lâu nay thầy bận, không ai lo đặt thêm hàng. Mình lo xong sổ sách sẽ vào Sài gòn mua thêm!
Nam mừng rỡ dặn:
- Khi nào đi cho mình đi theo với! Nhớ nhé!
Quỳnh Trang không nói gì, lẳng lặng lục chìa khóa trong hộc bàn đến mở cửa sắt cho Nam ra. Nam dắt chiếc xe đạp dựng ở cái bàn kê gần cửa lách qua cửa, ra đường Trần Hưng Ðạo.
Nam về rồi, Quỳnh Trang ngồi một mình giữa cửa hiệu xơ xác, lòng bất an vu vơ. Nàng ngồi như vậy thật lâu, quên cả khóa cửa để còn lên lầu chuẩn bị đi ngủ.
Quỳnh Như về bắt gặp chị ngồi như pho tượng, lạ lùng hỏi:
- Sao chị chưa đi ngủ? Ngồi chờ ai thế? Chẳng lẽ chờ em?
Quỳnh Trang đáp chậm:
- Chị cũng sắp đóng cửa đấy. Mới đưa con Nam về xong.
Quỳnh Như reo len:
- Chị ấy có lên à? Hồi nào?
Quỳnh Trang đáp lơ mơ cho có đáp:
- Hồi nãy!
rồi hỏi chuyện khác, giọng trở nên gay gắt:
- Mày làm gì bây giờ mới về?
Quỳnh Như đưa tay quệt mồ hôi trán, cười nói:
- Thôi chị đừng hỏi nữa. Em không khôn khéo tốp bớt các bà ấy cãi nhau cho đến sáng. Em chúa ghét chuyện lý luận dài dòng. Làm gì thì làm quách đi, chứ ngồi đó bàn cãi nào “tôi thiết nghĩ rằng..., theo thiển kiến của tôi trong vấn đề này thì..., chị X đã trình bày thật hợp lý chính xác nhưng căn cứ vào tình hình thực tế thì…, quan niệm của tôi có lẽ không được chính xác lắm nhưng…”. Ôi chao! Cứ “rằng, thì, mà, nhưng, vì thế, tuy nhiên” mãi, nghe đến nhàm! Chẳng hiểu sao các bà càng ngày càng khoái lý sự thế không biết!
Quỳnh Trang hỏi:
- Các bà nào thế? Tiểu thương chợ Đông ba à?
Quỳnh Như hăng nói quá, chưa hiểu câu hỏi của chị. Ðến khi hiểu, nàng cười phá lên. Quỳnh Như đáp:
- Không! Các bà thanh nữ Phật tử.
Quỳnh Trang thắc mắc:
- Mày “đi” Phật tử hồi nào vậy?
Quỳnh Như lại cười:
- Em có “đi” đâu! Nhưng vì bên đó yếu quá, anh Tường đưa em qua tổ chức lại.
Giọng Quỳnh Trang vừa mỉa mai vừa âu yếm:
- Mày làm lớn dữ! Đúng là gia đình trị.
- Ừ! Đúng là gia đình trị. Chị Nam còn làm lớn hơn em nhiều! Chị ấy độ này nổi lắm. Ăn nói đâu ra đấy, ai cũng phải ngạc nhiên. À, chị Trang này!
- Cái gì?
- Hồi sáng me có nói gì với chị không?
- Me có nói gì đâu? À, có đấy. Me dặn làm gấp sổ sách để xem có cần đi Sài gòn mua thêm hàng không, với lại…
Quỳnh Như mất kiên nhẫn, cắt lời chị:
- Không phải chuyện đó. Chuyện của em cơ!
- Chuyện mày à? Chuyện gì vậy?
Quỳnh Như cười bẽn lẽn, giọng mơn trớn:
- Em xin me ít tiền tiêu. Me bảo để me hỏi chị.
Quỳnh Trang cau mày hỏi:
- Bao nhiêu?
Quỳnh Như cười nhỏ, hạ thấp giọng:
- Em cần chừng hai nghìn thôi!
Quỳnh Trang giật bắn người, la lớn:
- Hai nghìn mà “thôi”! Mày nói đùa?
Quỳnh Như bắt đầu bực, hỏi chị:
- Em có đùa với chị bao giờ? Hồi me giữ tiền, em…
Quỳnh Trang ngồi lặng người, không nghe Quỳnh Như nói. Nàng nghĩ đã tới lúc phải cho em gái biết rõ tình trạng tài chánh của gia đình. Không chờ cho Như nói xong, Quỳnh Trang nói:
- Mày lớn rồi, phải biết nghĩ một chút. Lâu nay thầy lo vụ thầu trong Đà nẵng, một mình me lo cửa hiệu này. Bao nhiêu vốn liếng thầy đổ vào trong đó, ở đây chỉ buôn bán cầm chừng. Vả lại tình thế lộn xộn liên miên, còn buôn bán gì được. Cuối cùng hàng họ lèo tèo, như mày thấy đấy. Lúc chuyện làm ăn trong Đà nẵng thuận buồm xuôi gió thì không sao. Nhưng bây giờ, thầy nằm một chỗ. Vốn bỏ ra, không có mình, biết bao giờ mới thu lại được. Còn tiền thuốc thang cho thầy, tiền chi tiêu, tiền điện tiền nước, đủ bao nhiêu khoản phải chi. Tối hôm kia me nói cho tao biết hiện nhà còn bao nhiêu tiền, tao lạnh người. Me khóc, tao cũng khóc. Mày với anh Tường cứ tưởng nhà còn của kho nên vòi me đủ thứ. Mày với anh Tường có biết đâu me lo quá, không ngủ được. Mày có muốn biết hiện me còn được bao nhiêu trong tủ sắt không?
Quỳnh Như bất ngờ va đầu vào thực tế đen tối, thì thào đáp:
- Thôi, chị đừng nói cho em biết làm gì.
rồi nàng nói tiếp, sau một tiếng thở dài:
- Tôi nghiệp me!
Hai chị em im lặng nhìn nhau. Rồi Quỳnh Như chạy đến ôm chầm lấy chị, thút thít khóc.
o O o
Đó là đêm đầu tiên Quỳnh Như bắt đầu nhận ra cuộc sống phức tạp! Mọi vật chung quanh âm thầm đổi khác, nàng đâu có hay! Nói đâu xa, chỉ cần nhìn kỹ lại một vòng quanh căn phòng ngủ của hai chị em.
Nàng ngạc nhiên, tự hỏi tại sao mãi tới lúc này nàng mới thấy được những thay đổi ấy. Như ánh sáng trong căn phòng ngủ. Ánh sáng quá mờ, đến nỗi Quỳnh Như tìm cái kẹp tóc rơi trên tấm drap trải giường mãi không được. Hai ngọn đèn đặt sau cái chóa hình con sò vẫn còn đó, nhưng chỉ có một ngọn đèn sáng. Bóng đèn kia đã cháy dây, và chưa ai thay. Có thể me không đủ tiền để sai thằng Bá qua cửa hiệu bên cạnh mua một cái bóng 25 watts. Mò mẫm một lúc Quỳnh Như vẫn chưa tìm thấy cái kẹp tóc. Đưa tay bật công tắc ngọn đèn ngủ ở đầu giường, mới biết cái công tắc bằng nhựa đã vỡ. Tấm drap rít và ẩm mồ hôi. Nàng vào phòng tắm đánh răng trước khi đi ngủ. Ống kem đã hết, và ai đó lấy kéo cắt ngang đáy ống kem để cố nặn cho sạch khoảng kem thừa. Cục xà phòng Dove không còn nằm ở chỗ cũ, cạnh bồn tắm. Cả cái khăn tắm mầu hoa cà dài đến hơn một mét cũng bị cắt làm đôi…
Quỳnh Như không tin gia đình mình sa sút nhanh chóng trong vòng không đầy một tháng như vậy. Nhưng những biện pháp tiết kiệm phòng xa ấy là một dấu hiệu rõ rệt của sự sa sút. Của một tình thế tuyệt vọng. Nàng lau mặt qua, rồi trở lại phòng ngủ. Quỳnh Trang dưới nhà bếp đi lên, thay vì mặc bộ đồ ngủ bằng lụa lèo in những đóa hoa cúc đỏ, lại chỉ mặc một bộ pyjama cũ của bà Thanh Tuyến.
Hai chị em nằm xuống giường, kéo chăn lên tới cổ, rồi cố nhắm mắt ngủ, không ai nói với ai lời nào.
Đêm như mênh mông tang tóc hơn. Tiếng động dưới phố, từ tiếng một chiếc xe nhà binh chạy vụt qua cho đến tiếng trẻ con gọi nhau, đều có vẻ hấp tấp, vội vã, chới với. Rồi mọi sự im lìm. Rồi Quỳnh Như nghe một tiếng thở dài.
Không dằn được nữa, nàng quay về phía chị, gọi nhỏ:
- Chị ơi!
Quỳnh Trang vẫn nằm ngửa, mắt nhắm, thì thào hỏi:
- Gì vậy Như?
- Em xin lỗi chị!
Quỳnh Trang mở mắt ngỡ ngàng nhìn em. Một lúc lâu, Quỳnh Trang nói:
- Em có lỗi gì đâu!
- Em có lỗi đã không săn sóc me, đỡ đần cho me. Em cứ tưởng…
Quỳnh Như không dám nói hết ý. Hai chị em lại nằm im, cố ngủ để quên. Một lúc, Quỳnh Như lại hỏi:
- Em có nên nghỉ học không?
Quỳnh Trang kinh ngạc, quay về phía em, hỏi:
- Chi vậy?
- Để ở nhà kiếm tiền giúp me.
Quỳnh Trang im lặng khá lâu, mới hỏi:
- Bằng cách gì?
- Em cũng chẳng biết!
Suy nghĩ một lúc, Quỳnh Như nói:
- Như tìm chỗ kèm trẻ. Hoặc đi buôn như con Quế.
Giọng Quỳnh Như hăng hái hẳn lên:
- Phải đấy. Con Quế lanh không bằng em còn kiếm tiền được, huống chi…
Quỳnh Trang ngắt lời Quỳnh Như:
- Em có biết Quế nó kiếm được khá tiền nhờ cái gì không?
Quỳnh Như đáp liền:
- Nhờ nó chịu khó. Một mình mà lo mua rau cung cấp cho cả một trại lính Mỹ, đủ biết…
Quỳnh Trang lại cắt lời em:
- Không đơn giản thế đâu. Em có biết… có biết vì sao thầy bị nạn không?
Quỳnh Như không đáp ngay, nằm im suy nghĩ. Nàng nhớ lại bao nhiêu lời đồn đại chung quanh ông Thanh Tuyến, nhớ lại những lời xì xào to nhỏ, những nụ cười bí hiểm khi nàng hăng hái kể chuyện bọn Cần lao ám hại cha mình. Đột nhiên, Quỳnh Như hiểu hết. Nàng nhắm mắt bậm môi lại để dằn xúc động, nhưng nước mắt tự nhiên ứa ra. Quỳnh Như không dám đưa tay lên chùi nước mắt, sợ chị biết mình khóc. Nước mắt ban đầu còn ít, đọng lại ở bờ mi. Nhưng về sau, nước mắt chảy lan xuống má, chảy vào mũi. Nàng bắt đầu thút thít, rồi bật khóc òa.
Quỳnh Trang quay lại lặng lẽ ôm mặt em, lấy chéo mền chùi nước mắt trên má em. Quỳnh Như vừa khóc vừa nói:
- Em xin lỗi chị. Em xin lỗi me.
Quỳnh Trang nói:
- Em nên xin lỗi cả thầy nữa.
Quỳnh Như im lặng một lúc, rồi nói:
- Vâng, con xin lỗi thầy!
Bão Nổi Bão Nổi - Nguyễn Mộng Giác Bão Nổi