Kẻ nào chưa một lần thất bại trong quá trình trưởng thành, tức kẻ đó không có gan thực hiện những điều mới mẻ.

Woody Allen

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Trung Thiều
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2212 / 48
Cập nhật: 2016-05-15 20:27:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
gày hôm sau, Lãng dùng chiếc Honda 90 chạy một mạch từ Ðà nẵng về Huế. Không phải Lãng sợ tai bay vạ gió như ông Thanh Tuyến. Đối với Lãng, những chuyện có dính dáng tới súng đạn, tới máu đổ, vẫn hấp dẫn hơn việc làm ăn chí thú lắm bạc nhiều tiền. Vì có tiền, Lãng cũng chẳng biết tiêu gì khác ngoài các trò nhậu nhẹt hoặc đi tìm các em bán bar. Uống rượu thì Lãng chóng say, thường bị giới giang hồ chê là gà chết, là phá mồi. Vung tiền cho gái thì Lãng lại càng chịu thua thiệt hơn nữa. Mặc dù mỗi lần vào quán rượu hoặc tìm xuống các xóm chơi bời, Lãng cố ý để cho râu tóc thật cô hồn, nhưng cái tướng con nít của Lãng vẫn không giấu được. Lãng bị giới chị em gọi là “em bé”:
- Em bé mua cho chị một ly Sài gòn tea đi!
- Em bé đưa cho chị mượn vài nghìn!
- Này, hôm nay giở chứng hả! Em bé không được làm hỗn với chị!
Mọi lần như vậy, Lãng thấy mình “quê” dễ sợ! Càng giận dữ càng bị các cô chọc quê. Càng vung tiền ra, càng bị xem là con nít học đòi. Không có cô nào nghiêm trang nghe Lãng tán tỉnh cả! Họ mỉm cười lắng nghe, với đôi mắt ranh mãnh giễu cợt.
Lãng chỉ thực sự thấy mình trưởng thành khi đối đầu với bọn du thủ du thực mất dạy trong các băng bụi đời. Không phải Lãng cao lớn hoặc có võ nghệ siêu quần! Như Billy The Kid trong sách tranh của Mỹ, Lãng chỉ được cái nước liều. Bất kể đối thủ là ai, bất kể chúng tay không hay có dao, Lãng cứ xông bừa vào. Chết thì thôi, cóc sợ! Quả nhiên dân anh chị quay ra sợ Lãng. Nhờ vậy, Lãng giúp cho Mân dàn xếp nhiều vụ lộn xộn. Đôi khi vì cái tính liều của Lãng mà Mân và ông Thanh Tuyến giấu không cho Lãng biết một vài vụ phá thối của những kẻ tranh ăn quá nhiều quyền thế, hoặc của những băng đảng đông đảo. Vì hễ biết là Lãng xông vào húc bừa.
Lãng vội về Huế trước hết để thăm bệnh tình ông Thanh Tuyến, sau đó để báo cho ông biết chuyện làm ăn trong Ðà nẵng đã thuận buồm xuôi gió trở lại. Tình hình tạm yên, các doanh trại Mỹ đã cho người Việt nam ra vào như trước. Hơn thế nữa, ông tướng bà con với Mân đã chính thức ra nắm vùng Một.
Gặp Nam và Quế ở nhà, Lãng oang oang nói ngay:
- Tụi Thanh Bồ tìm cách ám sát bác Thanh Tuyến vì hận anh Tường. Chúng nó thấy ông Kỳ đem quân ra, tưởng thời cơ lại đến rồi!
Quế ngơ ngác hỏi:
- Tụi Thanh bồ nào?
Nam thì dè dặt:
- Có thật như thế không, hay Lãng đặt điều ba hoa?
Lãng quả quyết:
- Thực chứ. Các băng trong đó đều dưới tay em hết, nếu tụi nó ra tay, em phải biết. Chỉ có tụi Cần lao ở Thanh bồ mới dám làm như vậy thôi!
Thế là ngay buổi trưa hôm đó, Nam lên thăm bà Thanh Tuyến, rì rầm to nhỏ với bà cả giờ đồng hồ. Bà Thanh Tuyến lại rì rầm to nhỏ với Quỳnh Như. Buổi tối ở bệnh viện Huế, từ bác sĩ tới y tá chụm nhau lại xì xào về cái tin hấp dẫn: ông Thanh Tuyến bị Cần lao Ðà nẵng mưu toan ám sát. Tin sốt dẻo ấy lan nhanh trong một thành phố vừa tạm lắng dịu cơn sốt thời cuộc, mau chóng đến tai Tường.
Tường xấu hổ, mà chẳng biết phải làm gì. Lặng lẽ đồng ý để người khác thêm khâm phục mình, thì thô bỉ quá. Phủ nhận hay cải chính, thì ô nhục quá. Mà mỗi lần lên bệnh viện thăm cha, Tường đều phải nghe những lời xum xoe tâng bốc hoặc phải thấy những điệu bộ nghiêm trọng thành kính, y như lúc Tường tiếp những người đến thăm mình sau vụ Thanh bồ. Tường tự hỏi họ thật sự hời hợt dễ tin hay họ đóng kịch cho mình vào xiếc? Tường khó chịu, bất mãn với cả mình lẫn người, càng ngày càng tránh lên bệnh viện thăm cha.
o O o
Bác sĩ ở bệnh viện đã mổ và gắp mảnh lựu đạn nhỏ xíu ra khỏi đầu ông Thanh Tuyến. Vết thương mau chóng liền da, nhưng như nỗi lo của các bác sĩ ở Đà nẵng, mảnh lựu đạn đó đã phạm đến một dây thần kinh quan trọng. Ông bị bán thân bất toại. Điều này đã rõ ràng. Ông phải nằm một chỗ, việc đi lại khó khăn, chưa nói mọi việc kinh doanh buôn bán từ nay trở đi phải giao hết cho vợ.
Các bác sĩ ở bệnh viện Huế trước khi cho ông về nhà có an ủi là hiện nay, giới y khoa đã thành công trong việc dùng điện để kích thích phục hoạt các dây thần kinh bị tê liệt vì nhiều lý do, tê liệt vì bị đứt mạch máu cũng có, hoặc tê liệt vì tai nạn như trường hợp ông. Nhưng phương pháp này cần nhiều thời gian, phải kiên nhẫn.
Đó là niềm hy vọng để an tâm chịu đựng của ông Thanh Tuyến. Hằng ngày nằm một mình trên lầu, ông triền miên ôn lại cuộc đời mình. Có những chi tiết vụn vặt ở một thời kỳ heo hút mất dấu nào đó, bây giờ đột ngột hiện rõ trong trí ông, rõ đến từng chi tiết. Chẳng hạn một lần ông nhớ hồi còn học lớp ba trường làng, ông cùng với lũ bạn nhỏ đi chơi ngang qua cái giếng đá ở đầu đình. Cả làng ngoài Bắc quê hương ông đều uống nước ở cái giếng chung ấy. Lâu ngày lũ trẻ con rắn mắt vất bậy nhiều thứ xuống giếng nên nước đã bớt trong, làng cử ông Tuất ở xóm Nhì vét giếng. Ông lão khỏe mạnh răn chắc, tuy tuổi đã sáu mươi, lâu nay không có một tấc đất cắm dùi, lại dốt nát nên sống bằng cách đi quanh khắp làng trên chạ dưới làm việc vặt cho mọi nhà. Hôm đó, cậu bé con nhà giàu thấy ông Tuất đang dựa vào cái thang ở đáy giếng để vớt rác cho vào cái sọt tre đan. Nổi máu tinh nghịch, cậu bé cầm hai đầu thang rung mạnh. Ông lão ở dưới đáy giếng sợ quá, chửi vung lên. Những lời chửi bới thực tục tằn thô lỗ. Cậu bé căm lắm, vì cả ông bà tổ tiên gia đình cậu đều bị đào mồ cuốc mả lên hết. Cậu hằm hằm về nhà, nghĩ phải tìm cách trả thù. Phải trả thù cách nào cho đích đáng, cho xứng hợp với những lời chửi bới thô lỗ. Và cậu đã lấy một cái gáo dừa xúc đầy phân trâu, chờ đến ban đem lén ra đầu đình quăng tòm xuống giếng. Cậu nghĩ trả thù như thế mới đáng! Lão Tuất cố làm sạch giếng, thì cậu phá cho nó dơ đi. Cậu hãnh diện lắm. Ông Thanh Tuyến nhớ rõ là đêm hôm đó, sau khi vứt gáo phân trâu xuống giếng làng, cậu ngủ không được. Cậu hân hoan đến nỗi đắp chăn nằm cười một mình. Cậu quên bẵng là nhà cậu cũng uống nước cái giếng ấy!
Một lần khác ông lại nhớ chuyện dĩa mắm kho. Vẫn ở làng quê trù phú ven sông Hồng của ông. Hồi đó gia đình ông có nuôi một chị vú để lấy sữa cho cô em gái lên một của ông. Ông Thanh Tuyến hồi đó lên bảy. Chị vú có một đứa con gái ba tuổi, mặt mày khá xinh nhưng có cái tật ưa khóc nhè. Cậu bé con nhà chủ ghét nó thậm tệ. Chẳng hiểu tại sao, mỗi lần thấy mặt nó, là cậu nổi sùng. Một hôm cậu xuống bếp thấy chị vú ăn cơm xong đem dĩa mắm kho còn lại cất kỹ vào cái nồi đất. Chị đậy vung lại, cẩn thận hơn, còn lấy cái thớt gỗ đằng lên cái vung lật ngửa, sợ mèo ăn mất chút mắm thừa. Cậu lén chị bếp đem cả dĩa mắm cho con mèo xiêm liếm sạch. Con mèo liếm xong, cậu còn đặt y nguyên cái dĩa vào nồi, và đằng cái thớt lên trên nắp nồi như cũ. Buổi chiều chị vú giở nồi thấy dĩa mắm đã hết, nghi ngay cho con bé. Chị nọc nó ra, đánh cho một trận nên thân. Nó khóc thét lên, mỗi lần nghe nó khóc, là mỗi lần cậu khoái trá…
Những chuyện ông Thanh Tuyến nhớ lại, đại loại đều như vậy cả. Ông lặng người mỗi lần ôn lại những mẩu kỷ niệm ấy, tự nhủ hãy rán quên đi để tìm những kỷ niệm đẹp trong đời, nhưng không tìm ra được. Ông cố gợi cho mình những mối tình cũ, những hò hẹn đầu đời, những lá thư không dám gửi, những rạo rực qua nụ hôn đầu, cảm giác còn lại khi vỡ lòng thú vui nhục dục, chiếc xe hơi đầu tiên, lần gặp gỡ với bà Thanh Tuyến… Nhưng những kỷ niệm ấy hiện đến rồi vụt đi, mờ nhạt vô vị! Ông chẳng hiểu tại sao!
o O o
Tất cả những bạn buôn bán kinh doanh của ông, bạn bè của Tường, Quỳnh Trang, Quỳnh Như… đều đến thăm ông. Ða số thăm cho phải phép. Những người thực tình trở lại thăm ông nhiều hơn, cho tới lúc mọi sự an bài thì không đến nữa. Có đến thì cũng không thể nói chuyện bệnh tật thuốc thang được. Vết thương của ông đã lành, chuyện chữa trị chứng bán thân bất toại phải cần dài ngày. Còn gì đâu để làm đề tài lấp đầy những cuộc viếng thăm gượng gạo. Nếu ông Thanh Tuyến ham nghe thời sự thì còn dễ xử. Đàng này ông hoàn toàn ơ hờ với thời cuộc. Còn nói chuyện gì bây giờ?
Ông bà Văn lên thăm ông một lần khi ông còn nằm bệnh viện, và hai lần khi ông đã trở về nhà, Mân và Lãng đến gặp ông nhiều lần khi bác sĩ chưa cho biết là ông bị tê liệt nửa thân thể không còn hoạt động đi lại như xưa. Trong doanh trường, ông là đồ bỏ. Mân và Lãng không cần tới ông nữa! Ông Thanh Tuyến thở phào nhẹ nhõm. Nếu không có tai nạn này, ông đã bỏ họ trước, khỏi cần bám víu vào cái trò nguy hiểm!
Chỉ có Ngữ là người thích được đến thăm ông luôn. Và ông cũng thích nói chuyện với Ngữ.
Cả hai đều kinh ngạc, chẳng hiểu tại sao nẩy sinh mối đồng cảm bất ngờ như vậy. Họ không hề có điểm chung nào, từ tuổi tác, nghề nghiệp, tính tình cho đến bối cảnh quá khứ. Ngữ tuy là bạn thân lâu năm với Tường, nhung tận thâm tâm, vẫn xem ông Thanh Tuyến là một “anh con buôn”. Ngược lại, ông Thanh Tuyến không ưa được hai người bạn thân của con. Ông xem Ngô và Ngữ như những thằng con nít gàn dở, vô tích sự, không có một chút ý niệm thiết thực nào về đời sống nên thơ mộng hóa những điều phù phiếm giả hình. Chưa hết! Ông còn khinh rẻ họ như những tên ăn bám, những kẻ bám vào con trai ông để ít ra cũng đỡ lo những khoản lặt vặt cà phê thuốc lá.
Mảnh lựu đạn bằng đầu cây tăm thay đổi hẳn lối nhìn người của ông! Dường như mắt ông trông rõ hơn, tai thính hơn. Sự im lặng của căn phòng giúp ông nghe được những âm thanh khác, những tiếng nói không phát ra ở cửa miệng đầu lưỡi mà đến từ ánh mắt, hoặc từ sự vắng mặt.
Ông cảm nhận được thứ tiếng nói huyền nhiệm ấy nơi Ngữ! Mỗi lần gặp nhau, những điều Ngữ và ông Thanh Tuyến nói với nhau cách khoảng quá xa với những điều thiên hạ đang chú ý. Họ như hai người đi lạc vào một thế giới mù mờ mà họ không hiểu hết, tìm hết cách vẫn quờ quạng không thấy lối ra, nên chỉ còn một lối là tìm đến nhau. Hay chính họ là những kẻ bất lực giữa một thời cuộc quay cuồng, cô độc trước cuộc đào thải tàn nhẫn nên bấu víu nhau để tìm chút hơi ấm cảm thông.
Về sau này, Ngữ vẫn không nhớ rõ uyên nguyên từ đâu chàng và ông Thanh Tuyến đột nhiên đến với nhau. Có lẽ bắt đầu là do cách Ngữ thăm hỏi ông Thanh Tuyến. Không như những người khác, Ngữ không hề tò mò thắc mắc gì về nguyên do của tai nạn. Ngữ không xoi mói tới chuyện làm ăn của ông, cũng không cố tạo một lý do huyễn hoặc để tâng bốc an ủi ông như nhiều người đã làm. Cả hai lối nhìn, cả hai cách cư xử đều khiến ông Thanh Tuyến khó chịu. Ông lo lắng đề phòng, giữ gìn lời nói, cử chỉ, nét mặt, ở thế thủ. Như con chim bị tên, ông nhột nhạt với bất cứ lời nói xa gần nào liên quan tới tai nạn của mình.
Ngữ không như vậy! Chàng đọc được ở đâu đó một chân lý đơn giản: Đừng bao giờ rơi nước mắt cho những gì không thể thay đổi được nữa. Vô ích! Cũng đừng ép mình với tay lên chỗ biết rõ đã quá tầm tay. Vậy thì tại sao phải thắc mắc vì sao ông Thanh Tuyến bị kẻ lạ mặt ám hại, hoặc đặt điều bày trò để cố an ủi ông.
Nhờ thế, nằm nói chuyện với Ngữ, ông Thanh Tuyến cảm thấy thoải mái, có thể nói là thoải mái hơn cả lúc ông nói chuyện nhà với vợ. Ông vẫn bị tê liệt một nửa thân người, đôi môi không điều khiển được bình thường nên giọng nói biến đổi. Giọng ông khi thì phều phào, khi thì ngọng nghịu. Cho nên ông tránh nói nhiều, trừ những hôm gặp Ngữ. Ông đem hết mọi điều thoáng qua trong đầu ông những lúc nằm một mình để kể với Ngữ. Chẳng hạn ông đem kể chuyện ông trả thù ông lão Tuất, chuyện đĩa mắm kho. Những chuyện mà suốt cuộc đời may mắn và thành công của ông, chưa bao giờ ông nhớ tới. Rồi ông hỏi:
- Tại sao như vậy? Tôi còn nhớ thêm nhiều chuyện khác nữa, kể cả những mơ ước phi luân tàn ác nhất. Anh có muốn tôi kể hết những mơ ước thầm kín quái dị ấy không?
Ngữ xua tay đáp:
- Thôi, bác ạ! Nhưng con xin đoán non đoán già nguyên nhân vì sao đột nhiên bác nhớ lại hết những kỷ niệm không đáng nhớ hồi nhỏ. Những “hận ngày xanh”, nếu bác với con muốn nói cho văn hoa. Bác như một người leo núi hăm hở cố bám cho chắc lấy dốc đời, để, bằng bất cứ giá nào, phải đặt chân lên đỉnh núi. Phải leo cho đến đỉnh trời chót vót, vì lên tới đó thì mọi sự sẽ được giải quyết. Bác sẽ nhìn hết được mọi sự, bác sẽ ở trên hết mọi người. Ai cũng mơ ước như vậy, kể cả con. Tường là một trường hợp khác. Ngô là trường hợp khác nữa. Mỗi người tự chọn cho mình một dốc núi, và người này chê cách chọn của người kia là sai lầm phù phiếm. Trong cuộc leo dốc ấy không ai còn tâm trí đâu để nhớ những chuyện vặt vãnh. Chỉ khi nào ta tới đích, hoặc khi nào ta đi lầm đường, leo tới một dốc núi hiểm trở đến nỗi không có đường lên mà cũng khó trở xuống, lúc đó, ta mới nhớ lại những gì đã quên suốt chặng đường đi qua. Bác ở trong hoàn cảnh ấy.
- Nhưng tại sao chỉ nhớ toàn những điều ân hận?
- Vì trong thâm tâm, bác cứ cố giải thích cái thất bại cuối cùng, cái rủi ro trước mắt. Những điều lâu nay bác hãnh diện hay các việc tốt bác đã đóng góp cho đời, không giúp ích gì cho bác. Nó chỉ khiến bác thêm uất ức, thấy ông Trời bất công. Bác cố trấn an bác rằng tất cả đều theo lẽ công bằng, rằng hiện trạng của bác là hậu quả tất nhiên. Bác phải moi óc tìm cho ra những điều ân hận để nối kết chúng lại thành một dây nhân quả hợp lý. Con xin thưa ngay với bác rằng, theo ý con, nếu thật sự có luật nhân quả, thì luật ấy không đơn giản như chuyện những con suối phải đổ hết vào sông, và giọt nước nào trên sông cũng trôi ra biển. Không đâu. Có những dòng suối chết. Có những mạch sông ngầm. Có những giọt nước bốc hơi tan loãng vào hư không. Có những giọt nước hóa thành đá nghìn năm trên đỉnh tuyết. Bác còn có nhiều, quá nhiều niềm hãnh diện trong đời, bên cạnh những điều ân hận. Bác đừng cố giải thích gì cả!
Càng nói Ngữ càng say sưa, trôi chảy, lời nói văn hoa như lời viết. Những lúc đó, ông Thanh Tuyến mỉm cười lắng nghe, và lòng ông trở nên an lạc. Nhiều hôm Ngữ mê mải nói đến nỗi lúc dừng lại, ông Thanh Tuyến đã ngủ lúc nào không biết. Trên môi ông, một nụ cười. Và vầng trán ông không còn nét nhăn cau có nào!
o O o
Thời gian đầu, khi tới thăm ông Thanh Tuyến, Ngữ thường gặp Tường. Ngữ nhận ra ngay thái độ bất thường của Tường đối với mình. Tường ăn nói nhát gừng, tìm cớ để khỏi đi sâu vào chuyện gia đình, cũng không chủ động lái câu chuyện sang thời sự để khuyến khích thúc giục Ngữ như những lần trước. Ngữ tưởng bạn giận thái độ lừng khừng của mình, tìm cách biện hộ:
- Mày hiểu cho tao. Tao thấy trong chuyện này có cái gì vương vướng!.
Tường quắc mắt nhìn Ngữ, giọng nói hơi lắp bắp:
- Thôi, dẹp quách chuyện đó đi. Không phải chuyện của mày.
Ngữ trố mắt nhìn bạn, ngơ ngác. Tường hiểu lầm mình, nên hạ giọng hỏi:
- Mày đang nói chuyện gì thế?
Ngữ đáp:
- Chuyện ông nói gà bà nói vịt, trước sau không thống nhất của phong trào tranh đấu ở đây. Mày thuộc thành phần dẫn đạo, mày hiểu tại sao chứ?
- Có gì đâu mà bất nhất?
Ngữ kể chuyện trong Tiểu khu:
- Chẳng hạn ở chỗ tao làm việc, ở Tòa Hành chánh và Tiểu khu. Mấy tuần trước đây, từ trên xuống dưới ai cũng nói một giọng: Thiệu Kỳ Có phải từ chức. Phải dứt khoát đứng về một phía để một phen sống mái với Sài gòn nếu ông Kỳ cho tấn công vào Đà nẵng hay đem quân ra đánh Huế. Từ ông đại tá tỉnh trưởng cho đến anh binh nhì, từ trên chùa cho tới khu đại học, khí thế bừng bừng. Chuyện đó mày biết rồi. Nhưng từ lúc ông Kỳ cho rút quân về, rồi Sài gòn hứa hẹn này nọ, thì chín người mười ý. Có người bảo nên dừng lại, chờ Sài gòn thực thi lời hứa. Có người nói phải làm tới, vì dừng lại nửa chừng trong khi ông Thiệu, ông Kỳ, ông Có vẫn còn đó, súng đạn trong tay, thì có ngày chết không kịp ngáp. Đã leo lên lưng cọp phải leo cho tới cùng, xuống khỏi lưng cọp nửa chừng tất nhiên phải bị cọp vồ. Trong Tiểu khu của tao số người chủ trương phóng lao phải phóng cho đến khi trúng đích nhiều hơn số người chủ hòa. Thế rồi mới hôm qua đây, các sĩ quan Tuyên úy Phật giáo lại phổ biến lời hô hào của thầy Trí Quang, bảo nên trở về với nhiệm vụ, phải tái lập trật tự trong khi chờ bầu cử quốc hội lập pháp. Thầy Trí Quang còn đoan chắc rằng sau khi bầu quốc hội xong, hai ông Thiệu Kỳ sẽ từ chức, và những quân nhận công chức tham dự tranh đấu được bảo đảm không bị biện pháp kỷ luật nào cả. Thế là thế nào? Bên phía sinh viên tranh đấu và Mặt trận Nhận dân Cứu quốc có chuyện đó không?
Tường đáp gọn:
- Không bao giờ!
- Nghĩa là chủ trương của mày không giống chủ trương trên chùa?
- Giống sao được! Không thể nói chuyện với họ bằng kinh kệ. Đồ tể mà buông dao xuống là thành Phật! Trời đất hỡi! Mấy ông sư điên hết rồi!
- Nghĩa là mày không tin những lời hứa của mấy ông tướng?
- Không.
- Họ sẽ làm gì?
- Sẽ làm như ông Kỳ đã làm, là chờ cơ hội để quật lại lần nữa. Nhất là bây giờ Mỹ công khai ủng hộ họ! Mày đã đọc hai bài báo New York Times chưa?
- Chưa! Nói gì trong đó thế?
Tường cau mày nhìn Ngữ như nhìn một quái vật:
- Mày đang ở đâu vậy? Tài liệu đó tụi tao quay ronéo phân phát khắp nơi, chẳng lẽ mày chưa hề đọc qua?
- Chưa!
Giọng Tường bực dọc:
- Vậy thì có còn gì để nói với mày nữa đâu! Chẳng trách mày cứ lừng khừng hoài!
Ngữ bị chạm tự ái, hỏi lại:
- Giả sử người Mỹ đứng về phía các tướng lãnh ở Sài gòn, mày sẽ làm gì?
- Còn giả sử giả thiết gì nữa! Chuyện đó đã rõ. Chúng liên minh với nhau. Một thứ liên minh ma quỉ.
Ngữ nghe những tiếng lạ, hỏi:
- Liên minh ma quỉ? Mày nhặt ở đâu cách nói lạ lùng vậy?
Tường không đáp, hỏi Ngữ:
- Nếu mày còn có lương tâm, mày phải chọn phía: hoặc đứng về phía dân tộc, hoặc đứng về phía những kẻ chống lại dân tộc.
Ngữ nổi nóng:
- Mày ám chỉ ai? Những người làm việc cho chính phủ, những người làm việc với người Mỹ à?
Tường ngửng phắt lên nhìn Ngữ đăm đăm, giận dữ. Tường nghĩ Ngữ chống chế bằng cách nhắc đến nghề thầu dịch vụ cho Mỹ của ông Thanh Tuyến. Tường gằn giọng nói:
- Mày hãy rờ vào ót mày trước đã!
Rồi bỏ đi. Từ đó Ngữ ít gặp Tường. Vả lại, Tường cũng ít về thăm nhà, trừ trường hợp phải về để lấy thêm tiền và thay quần áo cho thằng Bá giặt!
Bão Nổi Bão Nổi - Nguyễn Mộng Giác Bão Nổi