Sự khác biệt giữa người thành công và những người khác không nằm ở chỗ thiếu sức mạnh, thiếu kiến thức, mà là ở chỗ thiếu ý chí.

Vince Lambardi

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Trung Thiều
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2212 / 48
Cập nhật: 2016-05-15 20:27:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
ho đến đầu tháng tư, gần như các đô thị dọc duyên hải miền Trung đều ở trong tình trạng vô chính phủ. Tình hình an ninh nông thôn tương đối yên tĩnh, nhưng ở các thành phố, quận lỵ, chính quyền hoàn toàn bất lực. Ba năm xáo trộn từ ngày Ngô triều bị lật đổ với biết bao nhiêu cuộc đảo chánh chỉnh lý, với biết bao nhiêu tấn tuồng ở trung ương cũng như ở địa phương, đã đủ cho kẻ thức thời học bài học sống còn trong thời loạn. Bài học sống theo thời, cư xử đồng phục, có mặt mà vẫn vô danh, tham dự mà đường rút lui mở sẵn. Mỗi người là một tài tử đi dây, và khó hơn nữa, là phải tỏ ra mình là một tay đi dây hạng xoàng, để nếu lầm lẫn ngã xuống, kẻ thắng thế còn thương hại cho là kẻ không đáng trị. Thật ra nếu ở trung ương, tình hình trắng đen rõ rệt hơn thì hạng công chức tỉnh lẻ hoặc quân nhân cấp thấp đã đỡ phải mệt nhọc nín thở đi dây như vậy. Đàng này không ai biết tình thế sẽ về đâu. Sài gòn sẽ thắng hay miền Trung thắng? Quân đội, nhất là các ông tướng vùng, các tư lệnh binh chủng sẽ đứng về phe nào? Quan trọng nhất là người Mỹ. Họ ủng hộ ai? Các thành phố lớn miền Trung hồi đó đều ở sát các căn cứ quan trọng của quân đôi Mỹ. Nhiều nơi quân đội Mỹ lãnh nhiệm vụ chính trong công tác bảo vệ an ninh lãnh thổ. Cho nên, để dễ dàng ứng phó với tình thế, những sĩ quan giữ chức vụ điều khiển hành chánh và quân đội các tỉnh rán theo dõi cho được phản ứng của các cố vấn Mỹ. Họ nghĩ gì? Tướng Westmoreland nghĩ gì? Đại sứ Lodge nghĩ gì? Nhiều viên cố vấn kín đáo giấu nhẹm một sự thực khôi hài, là chính họ, họ cũng không biết chính phủ Mỹ ủng hộ phe nào, chính họ không hiểu vì sao đột nhiên tướng Kỳ cách chức tư lệnh quân đoàn Một.
Ban đầu, Barry Zorthian trưởng phòng thông tin dân sự tòa đại sứ Mỹ bảo với các phóng viên ngoại quốc rằng tướng Kỳ đã cách chức tướng tư lệnh vùng Một với sự thỏa thuận của đại sứ Cabot Lodge, vì cả hai xem đấy là bước đầu cần thiểt để củng cố uy quyền của Trung ương. Muốn chấm dứt tình trạng giang sơn nào anh hùng nấy lâu nay bốn ông tướng vùng mặc nhiên chấp nhận, ông Kỳ không có cách nào khác là đánh phủ đầu viên lãnh chúa sừng sỏ ương ngạnh nhất là tướng vùng Một. Tướng giỏi là tướng biên ải. Và tướng nguy hiểm dễ lấn lướt cậy công nhất, vẫn là tướng biền ải. Truyện Tàu đầy dẫy những trường hợp tướng biên ải kéo quân về vây ông vua bạt nhược ở triều đình để đặt lên ngai một ông vua bạt nhược hơn. Mà cũng không thiếu trường hợp ông vua lo xa kiếm cớ giết tên tưóng biên ải đầy công trạng để tránh hậu hoạn. Lập luận ấy nghe rất hợp lý, nhất là đã có xác nhận của một viên chức Mỹ rất am tường nội tình như Barry Zorthian.
Rồi chính các cố vấn Mỹ cũng đâm ra ngờ vực nguồn tin ban đầu của Zorthỉan. Nếu đại sứ Lodge thỏa thuận cho tướng Kỳ ra tay, hoặc nếu đã có một kế hoạch ổn định chính trị ngay từ hội nghị Honolulu thì tại sao các viên chức cao cấp của Mỹ tại Sài gòn không có một chỉ thị rõ rệt nào cho họ để đối phó với cảnh hỗn loạn. Chưa hết. Các phóng viên Mỹ đến Sài gòn trong thời hỗn loạn này còn được một viên chức cao cấp có thẩm quyền của tòa đại sứ cho biết rằng đại sứ Lodge không hề dính dáng gì đến vụ cách chức tướng tư lệnh quân đoàn Một, rằng lời loan báo trước đây của Barry Zorthian thiếu chính xác và vội vã, rằng tướng Kỳ đã nổi hứng tự ý hành động, sau đó mới thông báo cho đại sứ Mỹ.
Sư ổn định chính trị, mục tiêu của chính quyền trung ương và tòa đại sứ Mỹ, và có thể là mục tiêu của hội nghị Honolulu, đã được thực hiện theo cung cách bất ngờ và huyền bí lạ lùng, chẳng khác nào chuyện âm mưu tranh giành ngôi báu ở các cung đình ngày xưa. Hậu quả là ổn định không thấy đâu, đã thấy suốt dọc duyên hải miền Trung, dân chúng sống trong nom nớp thấp thỏm. Ðã bao năm nay rồi, dân quê ở các vùng xôi đậu muốn bám lấy quê hương thì phải đi dây giữa quốc gia và cộng sản, giữa sống và chết, giữa ngày và đêm, giữa thối nát và tàn bạo… Bây giờ, dân thành phố được dịp đi dây để chia sẻ số phận những người chân lấm tay bùn. Ít ra, lịch sử còn lẽ công bằng ở điểm nhỏ ấy!
Nhưng có phải biến động miền Trung bộc phát do sự tranh chấp và thanh toán lẫn nhau giữa hai ông tướng trẻ hay không? Nếu không có vụ cách chức viên tướng tư lệnh quân đoàn Một, cảnh hỗn loạn có xảy ra không? Trả lời câu hỏi ấy, không phải dễ!
Câu trả lời chính xác, có lẽ là “có” và “không”.
Không ai phủ nhận sự thực lịch sử này: là những cá nhân, nhờ khả năng hay may rủi nắm được vai trò quan trọng trong guồng máy quyền lực, có tác động nhiều hay ít đến chiều hướng lịch sử. Hoàn cảnh đưa đẩy họ đến vị trí đặc biệt nào đó, rồi từ vị trí ấy, họ có thẩm quyền ánh hưởng lại hoàn cảnh. Nhưng thẩm quyền này lại chịu vô số các động lực khác nhau, nên chỉ có những kẻ ngu dốt mới dám vỗ ngực cho ràng chính mình tạo ra biến cố này, chính mình xoay thời cuộc nọ. Lời chứng của người trong cuộc phần lớn đều là ảo tưởng, đều là những lời tự biện hộ đã đãi lọc hết tính phức tạp của lịch sử cho trở nên hợp lý dễ hiểu, chưa nói đến trường hợp những người chứng thất thế đó muốn tô vẽ quá khứ để thành một kỷ niệm đẹp cho mình.
Thành thử, phải trả lời “có”, vì rõ ràng biến động Miền Trung bắt đầu sau khi có vụ cách chức tư lệnh quân đoàn Một, nghĩa là làm mất đi cái thế liên minh tạm vững giữa sức mạnh quân đội và hậu thuẫn Phật giáo tại miền Trung. Ông tướng vùng đưa vào Phật giáo để củng cố thế lực đối với Trung ương và làm bậc thang lên cao hơn. Phật giáo miền Trung dựa vào ông tướng vùng để củng cố thế lực chính trị và thực hiện khát vọng đưa dân tộc đi theo giải pháp của mình. Ông tướng vùng Một chỉ quan trọng khi ông còn là tư lệnh một quân khu, dưới trướng có vũ khí có binh lính có phương tiện. Cho nên khi đại sứ Mỹ yêu cầu ông ra Huế để tìm cách hòa giải với các lãnh tụ Phật giáo, ông bằng lòng đi. Nhưng với cái bệnh thối mũi, tấm vé máy bay sắp sửa qua Mỹ chữa bệnh thối mũi và bàn tay thiếu gậy chỉ huy, ông không còn gì để thuyết phục hay ảnh hưởng đến ai! Ông hết còn gì để nói! “sứ mệnh” của ông thất bại.
Ðáng lẽ đại sứ Cabot Lodge phải thấy trước điều đó, để ông khỏi phải nhọc công bay ra Huế. Như vậy thì chính đại sứ Lodge cũng quờ quạng giữa lịch sử. Ông đại sứ phù thủy từng chủ động tạo ra bao nhiêu cuộc biển dâu của lịch sử Việt nam, từng nặn ra bao nhiêu con cờ, từng là nguồn hứng khởi để văn hào Úc Morris West viết ra một cuốn tiểu thuyết sâu sắc tuyệt vời, chẳng qua cũng chỉ là một người lòa giữa đám sa mù.
Kể cả những người sau đó cử một ông tướng khác ra miền Trung để thương lượng với phe ly khai. Lại thêm một nạn nhân bất đắc dĩ cho trò xiếc lịch sử! Cho nên trả lời “không” vẫn đúng!
o O o
Công việc của Nam ở đài phát thanh ngày càng bận rộn. Ban đầu nàng chỉ làm nhiệm vụ tiếp nhận các thông cáo đưa đến nhờ phổ biến, xướng ngôn tin tức do hai anh sinh viên thu lượm, và đọc bài bình luận in trên những tờ nhật báo Phật giáo ở Sài gòn như Đất Tổ, hoặc các bài trên tờ Lập Trường. Nam có nhiều thì giờ rảnh, nhưng không lấy bài ra học được như đã dự tính. Chữ nghĩa trở nên khô khan lạnh lẽo dưới mắt Nam. Chẳng những thế, càng ngày nàng càng thấy những điều ghi trong sách vở trở nên phù phiếm. ‘Tình trạng chữ nôm thời Nguyễn Trãi viết Quốc âm thi tập… So sánh các dị bản cuốn Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp… Hình thức chữ quốc ngữ qua nhật ký chuyến hành hương đến Bồ Đào Nha của linh mục Philiphê Bỉnh... Cách tổ chức các khoa thi để tuyển chọn nhân tài dưới thời vua Lê Thánh Tôn… Thử góp phần đề nghị một phương pháp làm mục lục bộ châu bản triều Nguyễn… Có là người điếc người què mới có thể ngồi yên để đọc bấy nhiêu chuyện trời trăng đó giữa lúc ngay trước mặt đài phát thanh, người ta rộn rã xuống đường hoan hô đả đảo, khuyến cáo tố cáo, hò hét ca hát. Người ta làm lịch sử vào ban ngày, và ban đêm, người ta đốt đuốc diễn hành để thắp sáng tương lai, để giữ lửa tranh đấu, để soi rọi chân lý và lương tâm.
Mang sách đi rồi nặng nhọc mang về nhiều lần, cuối cùng Nam vứt đống cours quay ronéo, vở ghi chép, sách tài liệu, sách tham khảo vào xó. Thay vào đó, Nam sưu tầm báo chí, ghi chép các tin quan trọng, cắt để dành những tài liệu liên quan đến thời cuộc trước mắt.
Tường theo dõi biến đổi ấy nơi Nam một cách thích thú. Cho đến một hôm Tường vui vẻ đề nghị:
- Tại sao em không viết cho đài những bài bình luận sát với tình hình Huế hơn. Các thầy ở Sài gòn đâu biết gì thời sự ở đây. Vả lại, Huế là đầu tàu. Ðáng lẽ Sài gòn phải đăng lại những bài Huế viết, như là địa phương lặp lại chỉ thị của trung ương mới đúng. Em thử viết xem sao!
Nam ngộp thở vì hân hoan lẫn e ngại. Rồi nàng viết thử. Buổi chiều Tường có việc ghé đài phát thanh, Nam hồi hộp đưa cho Tường đọc như lần đầu một người tập tò làm thơ đưa tác phẩm cho một thi hào định giá. Tường chăm chú đọc, càng đọc càng chăm chú hơn, lâu lâu dừng lại, đăm chiêu. Nam lo âu hỏi:
- Tệ lắm phải không anh?
Tường không đáp ngay, chỉ phác tay bảo Nam im lặng để mình đọc tiếp. Khi đọc xong, Tường nghiêm trang nói:
- Em viết thế này, mà lâu nay giấu nghề! Anh viết cũng không bằng được em đâu!
Nam chưa bao giờ sung sướng đến như vậy. Nàng biết Tường thực lòng, không khen đãi bôi. Tường hào hứng nói:
- Từ nay em lo hẳn phần tin tức và bình luận đi. Khỏi cần xào lại báo Sài gòn. Mình làm riêng, cả phóng sự cũng vậy nữa. À, ngày mai Sài gòn lại cử một ông tướng khác ra đây tìm cách mua chuộc các thầy và anh em sinh viên. Tòa Hành chánh vừa cho biết ông ta muốn gặp anh đấy.
Nam cảm thấy hãnh diện vì vị thế của Tường, giọng hỏi lạc đi vì hân hoan:
- Thế à, lúc mấy giờ hở anh? Và ở đâu?
- Ở bên Morin. Anh định tiếp ông ta lúc mười giờ. có thể trễ hơn, vì ông ta lên chùa trước.
Nam do dự, rồi đề nghị với vẻ e dè:
- Cho em theo với, được không?
Tường chưa biết đáp thế nào, Nam đã nói thêm:
- Em có thể viết một bài tường thuật về cuộc tiếp xúc đó.
Tường nhớ ra, nên vui vẻ nhận lời!
o O o
Cuộc tiếp xúc diễn ra ở phòng quay ronéo của Ðại học Văn khoa giữa khung cảnh bề bộn dơ dáy. Không có cái bàn nào sạch vì đâu đâu cũng dính mực in. Giấy stencil cũ, những tờ ronéo quay hư bị vò nát vứt bừa bãi khắp nền phòng. Vài mẩu bánh mì... Những chai nước ngọt đã uống hết lăn lóc đây đó. Tường bỏ áo ra ngoài quần, tay áo xắn lên, bàn tay còn dính mực. Hai đại diện khác của sinh viên tranh đấu ăn mặc tề chỉnh hơn, áo sơ mi trắng bỏ vào trong đai quần đàng hoàng. Không nói cho ai biết, nhưng Tường cố ý bận bịu và ăn mặc xốc xếch như thế để gặp ông tướng.
Xe Jeep Tiểu khu đưa ông tướng đến. Vì sinh vien đã biết trước nên Tường vừa đưa ông vào phòng quay ronéo, kéo ghế mời ông ngồi thì bên ngoài, sinh viên tranh đấu đã ùn ùn kéo tới bu quanh các cửa sổ cửa lớn. Họ làm ầm ĩ quá đến nỗi viên tướng e ngại nhìn quanh như muốn tìm một lối thoát nào đó. Tường phải ra cửa nói lớn với anh em sinh viên:
- Yêu cầu anh em yên lặng cho! Tôi nhắc lại, yêu cầu anh em giữ trật tự.
Bên ngoài, đám đông chỉ im lặng được một chốc, sau đó tiếng ồn ào lại như cũ. Mạnh ai nấy nói:
- Cô nào trong đó vậy mày?
- Không được nói lớn. Vợ ông Tường đấy!
- Ổng có vợ rồi à?
- Bồ của ổng đấy. Mày không biết gì ráo mà ưa nói.
- Bồ gì mà ốm nhách vậy!
- Suỵt. Có tốp bớt cái radio lại không!
- Sao lại mang bồ đến chỗ này.
- Cô ấy làm bên phát thanh. Phải viết bài chứ!
- Bàn luận quan trọng phải có người ghi chép chứ!
Cứ như vậy, họ bàn tán không ngớt. Tường bắt buộc phải nhờ hai sinh viên kia ra đóng cửa kính cửa sổ lại. Tiếng ồn có giảm, nhưng vẫn còn là tiếng lao xao chợ phiên.
Đã thế, cuộc đối thoại giữa hai bên giống y cuộc đối đáp giữa những người điếc. Ông tướng ăn nói khôn khéo, giọng Bắc uyển chuyển và tế nhị. Tường và hai sinh viên kia nói giọng Huế cũng mạch lạc hùng hồn không kém. Nhưng cả hai chỉ chú ý nói, không ai chú ý lắng nghe. Câu chuyện ban đầu còn có chỗ gặp gỡ, còn có điểm chung. Càng về sau, hai bên nói hai thứ ngôn ngữ khác. Nam chú ý lắm mà cũng không hiểu ai nói gì, tờ giấy ghi chỉ được có vài dòng.
Tình trạng nhì nhằng chưa biết phải chấm dứt ở đâu, lúc nào, thì cánh cửa sổ đóng kín bên trái bị bật tung, tiếp theo sau, là tiếng hò hét òa vỡ:
- Thôi, khỏi nói gì nữa!
- Về bảo Thiệu Kỳ Có từ chức đi!
- Cút về Sài gòn ngay!
Ông tướng đứng bật dậy, quắc mắt nhìn ra cửa. Tiếng lo ó càng lớn:
- Tống nó về Sài gòn lập tức.
- Không nói gì nữa! Nói vô ích!
- Điệu nó ra phi trường đi anh em!
Có tiếng đập cửa ầm ầm. Nam lo sợ, đứng nép sau lưng Tường. Tường gỡ tay Nam định tiến tới chỗ cửa ra lệnh cho bên ngoài giữ trật tự, thì cửa lớn bật tung. Đám đông sinh viên ùa vào phòng, điệu ông tướng ra ngoài. Họ tìm đâu được một chiếc cyclo đạp, đẩy ông lên xe, rồi một anh sinh viên thay bác phu cyclo đạp xe đưa ông tướng đi diễu khắp phố! Anh đạp chậm để đám đông sinh viên còn lại kịp đi theo, cười cợt, hò hét, đùa giỡn, văng tục, để lăng mạ viên sứ giả của chính quyền trung ương.
Những người tò mò hiếu kỳ trố mắt nhìn đám biểu tình khác thường này, nhìn ông tướng ngồi trân trên chiếc cyclo giữa đám trẻ quần áo xốc xếch, chỉ đoán đây là cuộc truy lùng thành công một sĩ quan “phản động”, một thành tích mới của sinh viên tranh đấu. Họ chạy đi hỏi tên ông tướng. Và khi biết rõ ngọn ngành, họ đâm sợ hãi, tìm cách tránh xa chỗ đông đúc.
Riêng Nam, nàng cũng thấy việc đi sát tình hình để tường thuật những thời sự nóng hổi không phải đơn giản. Ngoài giấy bút và sự xông xáo, còn cần điều gì khác hơn nữa. Chẳng hạn sự lãnh đạm quan sát những biến động quanh mình như người ngoại cuộc, không xúc động bất mãn hay bị cuốn hút theo dòng. Từ đó về sau, Nam không dám xông vào những chỗ đám đông nữa!
o O o
Trong phòng quay ronéo chỉ còn có Nam và Tường. Hai anh sinh viên đại diện đã đi theo đám đông. Tường đứng lặng nhìn khung cảnh sân trường trống trơn vắng vẻ hồi lâu, mới quay trở vào. Nam vẫn đứng bên cạnh bàn, mặt còn nhợt nhạt xanh xao vì chưa hết sợ hãi. Tường đến bên Nam, thấp giọng nói:
- Em đừng sợ. Không việc gì đâu!
Nam không dằn được nữa, ôm chầm lấy Tường, khóc òa.
Tường để yên cho Nam khóc, hai tay không dám ôm lấy thân hình mảnh khảnh nhỏ bé của Nam vì dính đầy mực. Chàng nhìn hai bàn tay, nhìn quang cảnh dơ dáy bừa bộn, nhớ lại chủ ý dàn cảnh của mình trước khi gặp ông tướng, không khỏi thẹn với mình. Nam vẫn khóc, hai vai run rẩy theo tiếng nấc. Tường ngắm những sợi tóc mịn và thưa trên đầu Nam, ngắm cái ót không được no tròn lắm của Nam, ngắm làn vải phin trắng in sát bên hai nhánh quai sau cái xu-chiên, thấy cuộc sống mong manh dễ vỡ hơn. Sợ Nam nhận thấy mình chưa chịu ôm lấy tấm lưng nhỏ của Nam, Tường khép chặt vòng tay hơn. Nam bớt khóc, chỉ còn thút thít nho nhỏ. Tường lấy lại đủ bình tĩnh để cảm được hơi ấm từ thân thể Nam tỏa ra, mùi thơm chanh một lọai thuốc gội đầu tỏa từ mái tóc. Cả mùi mồ hôi quen thuộc của Nam nữa. Tường nhắm mắt để sống trọn giây phút êm ả ngắn ngủi này, không còn giữ gìn nữa, hai bàn tay bẩn ôm chặt lấy người Nam.
Nam ngạc nhiên ngửng lên, bắt gặp ánh mắt Tường si dại. Nàng bối rối đẩy nhẹ vai Tường. Tường nới lỏng vòng tay, cố giấu ý nghĩ ham muốn thoáng qua bằng cách hỏi Nam:
- Em sợ lắm phải không?
Nam đứng xa ra một chút, vuốt lại tóc và chùi nước mắt trước khi đáp:
- Vâng. Nhưng em không sợ cho em.
Tường cười hỏi đùa:
- Em sợ họ đánh đòn hội chợ ông tướng à? Không sao đâu. Anh biết chắc là họ chỉ đùa một chút rồi cho ông ấy về Sài gòn.
Nam cải chính:
- Em sợ cho anh.
Tường ngạc nhiên hỏi:
- Anh có việc gì đâu em phải sợ?
Nam cúi mặt, thì thào:.
- Không phải bây giờ. Mà sau này.
- Em sợ mấy ông tướng Sài gòn trả thù ư?
- Không phải vậy. Thật khó nói. Có những điều bất ngờ làm em sợ. Chẳng hạn chuyện anh em sinh viên khi nãy.
Tường cúi xuống lượm một tờ giấy lau sạch hai bàn tay, cố trì hoãn để khỏi phải thú nhận với Nam là chàng không tiên liệu phản ứng bộc phát của anh em sinh viên. Chàng biết họ sẽ tụ họp để theo dõi cuộc tiếp xúc. Tường không ngăn, muốn họ tụ họp càng đông càng tốt, để làm một thứ áp lực, hoặc biểu dương sức mạnh. Chàng đã không thấy trước những điều bất ngờ.
Muốn cho Nam quên hẳn những điều khó đáp, Tường đưa hai bàn tay còn bẩn của mình cho Nam xem và nói:
- Riêng anh thì có những cái bất ngờ dễ thương. Này, em có ngờ là lúc nãy ôm em vào lòng, anh in nguyên cả hai tay mực lên lưng áo em không?
Nam nghe vậy, vội ngoái cổ nhìn vạt áo sau. Nét mặt nàng vừa vui sướng vừa hớt hải lo âu, mếu máo nũng nịu hết sức trẻ thơ.
Bão Nổi Bão Nổi - Nguyễn Mộng Giác Bão Nổi