Hầu hết những thành quả quan trọng trên đời đều được tạo ra bởi những người dù chẳng còn chút hy vọng nào nhưng vẫn kiên trì theo đuổi điều mình mong ước.

Dale Carnegie

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Trung Thiều
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2212 / 48
Cập nhật: 2016-05-15 20:27:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
hững người viết sử Việt nam khi nhìn lại tình hình năm 1966 luôn luôn tìm cách giải thích cho thỏa đáng vì sao trong lúc cuộc tranh chấp quyền lực nội bộ giữa Sài gòn và Miền Trung gay cấn xáo động như vậy mà tình hình chiến sự chung của Miền Nam Việt nam vẫn êm ả. Tướng Westmoreland lạc quan cho rằng biến động Phật giáo và mầm nội chiến nguy hiểm trong quân đội Việt nam Cộng hòa, thật ra, chỉ là những gợn sóng nhỏ không đáng kể so với công cuộc xây dựng guồng máy chiến tranh qui mô của Hoa Kỳ tại đây. Cơn sốt (nếu thật sự là cơn sốt) nếu có, phải hiểu theo cái nhìn lạc quan là cơn sốt trưởng thành, như đứa trẻ nóng mình mỗi khi mọc răng hay chập chững tập bước. Nhất là thứ răng nhọn cần thiết để chống lại cộng sản Bắc Việt và bước chập chững đi tới một thể chế chính trị ổn định.
Trên các hệ thống truyền thông, tướng Westmoreland xem năm 1966 là năm các lực lượng đồng minh của khối tụ do mở cuộc tấn công qui mô vào lực lượng cộng sản Việt nam. Quận số Hoa Kỳ đổ vào Nam Việt nam gia tăng từng tháng, và cho đến cuối năm 1966, quận số đó đã tới gần bốn trăm nghìn người, vượt hẳn quân số Việt nam Cộng hòa và quân số Việt cộng. Cũng trong năm 1966, số tiền ngoại viện Hoa Kỳ dành cho Việt nam Cộng hòa tăng từ một trăm lẻ năm triệu mỗi tháng vào đầu năm lên hai tỷ mỗi tháng vào cuối năm. Công binh Hoa Kỳ cùng vô số các hãng thầu xây cất với những phương tiện cơ giới tối tân nhất đổ về Miền Nam Việt nam, xây dựng đường sá, cầu cống, doanh trại, bến tàu, và nhất là thiết lập rải rác dọc suốt đất nước nhỏ hẹp này năm mươi chín phi trường. Mỗi tháng, tổng lượng tiếp liệu và vũ khí Hoa Kỳ chở vào Nam Việt nam lên tới sáu trăm nghìn tấn.
Cũng nội trong năm 1966, quân đội Hoa Kỳ đã mở sáu cuộc tấn công “lùng và diệt” vào các đơn vị lớn và căn cứ quan trọng của Việt cộng, nhất là ở vùng phía nam khu phi quân sự và vùng phía nam đèo Hải vân, suốt dải đất chạy dài từ Đà nẵng vào tới Bình định Phú yên.
Theo cái nhìn của tướng Westmoreland, guồng máy chiến tranh khổng lồ đó mới thực sự là yếu tố quan trọng khiến tình hình chung được ổn định, bất kể những vụ xuống đường, tự thiêu, chụp mũ tố cáo, bất kể những tranh giành quyền lực giữa các ông tướng trẻ tuổi, bất kể những vụ ly khai và thanh toán lẫn nhau trong quân lực Việt nam Cộng hòa.
Giới nghiên cứu đại học trong phong trào phản chiến, ngược lại, xem năm 1966 là thời điểm Hoa Kỳ thực sự bắt đầu sa lấy trong chiến tranh Việt nam. Ðể hỗ trợ cho lập luận đó, truớc hết họ dựa vào cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân của Việt cộng để chứng minh rằng guồng máy quân sự mà tướng Westmoreland khổ công xây dựng, chỉ hai năm sau đã tỏ ra vô hiệu, đó là chưa kể những xáo trộn tâm lý và xã hội dữ dội do Hoa Kỳ tham chiến trực tiếp đã khiến cho phe bên kia dễ dàng hơn trong việc động viên quần chúng và khích động lòng yêu nước. Sau đó, họ dựa vào các văn thư tài liệu được phép công bố của Hà nội để bảo rằng sở dĩ tình hình chung tại nông thôn và chiến trường Miền Nam Việt nam hồi ấy lắng dịu, là vì chính giới lãnh đạo Hà nội nhận định rằng chưa tới lúc để lợi dụng tình thế cướp chính quyền. Theo Lê Duẩn, lực lượng cơ sở của Việt cộng còn quá yếu để làm một cuộc phiêu lưu chưa biết kết quả về đâu.
Cả hai lối nhìn đều không màng chú ý đến những người trực tiếp tham gia hay chịu đựng các biến động chính trị trong năm 1966, là người dân Việt nam ở bên này vùng phi quân sự.
Các tướng lãnh Hoa Kỳ vững tin ở sức mạnh vũ khí nên lạc quan ngủ yên trên những con số thống kế; bao nhiêu tỷ đô la đã đổ vào cuộc chiến tranh, bao nhiêu vũ khí đã chở tới Sài gòn – Đà nẵng, bao nhiêu quân nhân Hoa Kỳ đã tham chiến, bao nhiêu cuộc hành quân phối hợp qui mô đã được tung ra, bao nhiêu xác địch đã đếm được... Những ông khoa bảng ở trong các khuôn viên đại học vốn không ưa súng đạn thì lại dồn hết lòng tin vào những câu chữ trong những văn thư, giấy tờ, thông điệp, diễn văn được công bố, rán tìm dây liên lạc hợp lý giữa những câu những chữ bất nhất, mâu thuẫn. Lịch sử trở thành bản kiểm kê mớ giấy nát trong nhà kho cung đình, không ghi lại được cuộc sống hôi hổi máu đổ và nước mắt đã nhỏ xuống, không ghi lại được những đêm trăn trở pha lẫn tuyệt vọng và hy vọng, những cảnh tuyệt lộ mà mỗi lựa chọn đều khiến cho từng người mau chóng đánh mất tuổi thơ lý tưởng để thành kẻ xuôi dòng. Lịch sử bất lực không thể ghi lại được những điều phức tạp áy, vì lịch sử đòi hỏi sự hợp lý có hệ thống. Vì lịch sử không thể bỏ công phiêu lưu vào các chi tiết vụn vặt. Vì lịch sử không thể viết về những người vô danh.
o O o
Chính cái ý những người trẻ vô danh bắt đầu thức giấc để trực tiếp “làm lịch sử” đã được Tường dùng để khích động các bạn hữu và học sinh sinh viên tham dự cuộc họp ở Quốc học tối hôm đó. Tường đã say sưa khai triển ý tưởng này, làm cho Ngô cảm thấy mình lớn hẳn lên, tự tin hẳn lên. Chính Tường cũng bị lời nói của mình thuyết phuc, những lời nói vào micro được khuếch âm và từ hai bộ loa Nhật phát ra, trở lại tai Tường, đã hoàn toàn khác hẳn lời nói gốc. Nó hùng hồn hơn, âm vang hơn, nó thoát ra khỏi vòng cá nhân để trở thành tiếng nói của đám đông, sứ điệp của lịch sử. Ngữ không dự cuộc họp hôm đó nên không thể nào hiểu được vì sao đột nhiên Ngô hăm hở yêu đời như vậy.
Riêng Tường, chàng cũng cảm thấy mình đổi khác. Như một người thợ nề bắt đầu cho rằng mình đủ sức xây những tòa lâu đài, Tường ít chú ý đến vôi vữa gạch ngói mà chỉ chú trọng cách làm nền, cách dựng đồ án. Chàng muốn cái gì cũng có hệ thống, và xem khả năng tổng quát hóa các hiện tượng phức tạp để tìm được cốt tủy của đời sống là khả năng chủ yếu của một người làm lịch sử. Tường quay sang thương hại Ngữ, xem bạn là kẻ vẫn còn lụy vào các chi tiết vụn vặt. Và Tường đã nói thẳng điều này với Ngữ ngay trong đêm ngủ đò.
Đêm hôm đó sau khi cô gái điếm chèo thuyền thúng vào bờ, Ngô lăn quay ra ngủ môt cách vô tư. Ngữ và Tường không chịu được mùi chăn gối bẩn trong khoang, rủ nhau ra ngồi ở khoang lộ thiên ở mũi đò nói chuyện phiếm. Thành thực mà nói, cả hai đều có cảm giác áy náy về chuyện tình dục vừa qua. Tường áy náy với người bạn đồng thời là anh ruột của Nam. Ngữ thì áy náy không yên ổn vì cảm thấy có tội với Diễm. Tường lấy giọng kẻ cả, lên tiếng chê:
- Thật phí tiền! Vớ phải hạng tệ quá!
Ngữ không nói gì. Tường tưởng bạn không đồng ý, nói tiếp:
- Lại hôi thuốc Cẩm lệ. Nhẽo cả ra rồi!
Ngữ cảm thấy bất nhẫn cho người vắng mặt, bảo Tường:
- Ở đây thì chỉ có thế. Huế nổi tiếng về cái gì không biết, nhưng cái món đó thì tệ nhất nước. Lũ bạn ở Sài gòn ra chơi đều nói như vậy!
- Nhưng tao không ngờ tệ đến độ đó!
Ngữ hỏi liền:
- Mày đi chơi lần đầu à?
Tường nhìn Ngữ thật lâu, ánh nhìn e dè. Môt lúc sau, Tường thú thật:
- Ở Sài gòn thì nhiều, mày hiểu, nhưng ở đây thì là lần đầu.Nghe Ngô rủ, tao tò mò hơn là ham!
- Rồi mày khám phá được cái gì?
Tường dứt khoát:
- Không có gì cả. Chỉ thấy nản!
Ngữ vội nói ngay:
- Tao thì khám phá ra nhiều điều lắm!
Tường tưởng bạn sắp nói tới cái thú chơi điếm, gạt phắt đi:
- Chỉ là giải quyết sinh lý, có gì đâu mà lắm chuyện!
Ngữ giải thích:
- Không. Tao không nói chung, chỉ nói riêng trường hợp cô gái tên… tên Huệ mình gặp đêm nay mà thôi! Mày có chú ý tới cái ảnh treo trong kia không?
- Ảnh nào?
- Cái ảnh treo phía góc phải tấm vách ngăn. Mày không chú ý là phải, vì cái chóa cây đèn bão che khuất phía đó. Tao chỉ chú ý đến tấm ảnh khi đến mồi điếu thuốc. Chốc nữa mày vào xem sẽ thấy. Ảnh của một người đàn ông mặc đồ lính. Tao hỏi ảnh ai đây? Cô ấy không nói. Nhung khi sắp cởi quần áo, cô ấy nghĩ sao, đột nhiên gài lại nút quần rồi đến chỗ cây đèn lật úp tấm ảnh lại. Tao gặn hỏi mấy lần cô ấy vẫn không nói gì, chỉ giục làm cho nhanh rồi tới phiên mày. Sự sổ sàng vồ vập làm tao sợ. Nhưng tấm hình người đàn ông càng làm cho tao sợ hơn. Như có một hồn ma theo dõi những chuyện sắp xãy ra. Cho nên thú thật với mày, cô ta làm hết cách mà tao có hứng nổi đâu! Tao đoán cái ảnh đó là ảnh chồng cô ta, và ông cụ chủ đò với thằng bé không ai khác hơn là cha và con của cô gái điếm. Tao mong mình đoán sai! Tao…
Tường cắt lời Ngữ:
- Mày lại giở cái giọng ru em ra rồi! Mày lụy vào những cái tiểu tiết nên không bao giờ, phải, mày sẽ không bao giờ thấy được cái lớn. Có hai trường hợp được đặt ra: Một là những gì mày tưởng tượng đều không đúng. Cô điếm chỉ lo đi khách. Ông cụ là chủ khách sạn kiêm luôn nghề ma cô. Thấy mày ơ thờ chuyện làm tình mà chỉ suy nghĩ hỏi han lẩm cẩm, cô ta úp sấp cái ảnh lại cho gọn, cho mày làm cho nhanh để còn đi tìm mối khác. Hai là trường hợp mày nghĩ đúng, nghĩa là cô gái phải bán thân nuôi con sau khi chồng tử trận. Nhưng mày phải làm gì trước hàng hà sa số những trường hợp, những thảm kịch tương tự? Mày tìm khắp các ổ nhện, bến đò để làm Thúc Sinh cứu vớt các cô Kiều ấy à? Hay là về nhà làm thơ viết truyện để than cho thân phận con người? Thay vì làm những việc lẩm cẩm đó, mày hãy nhìn thẳng vào sự thật. Trước hết là hãy làm cho nhanh, trả tiền cho đủ, để cô ấy còn có cơ hội đi tìm thêm mối khác nội trong đêm nay. Sau đó, phải tìm hiểu nguyên nhân vì đâu chồng cô ấy chết. Tìm dễ thôi! Và khi đã tìm ra rồi, thì phải xông vào việc tiêu trừ nguyên nhân những bi kịch ấy.
Ngữ không thấy Tường nói thêm gì nữa, chậm rải bảo bạn:
- Ừ, khi ông Guillotine dồn hết thông minh và tài khéo léo chế ra cái máy chém cho cách mạng Pháp, ông ấy chỉ muốn làm sao cho tử tội chết không đau đớn và chết nhanh hơn trước. Không ngờ mọi sự xảy ra ngược lại. Khi hành quyết khó khăn, người ta còn ngần ngại mỗi khi muốn giết người. Từ khi có chiếc máy chém…
Tường tức giận, nói như quát:
- Vậy mày muốn cái gì?
Một lần nữa, họ lại đi vào lối cụt.
Bão Nổi Bão Nổi - Nguyễn Mộng Giác Bão Nổi