People have a hard time letting go of their suffering. Out of a fear of the unknown, they prefer suffering that is familiar.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Trung Thiều
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2212 / 47
Cập nhật: 2016-05-15 20:27:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
uổi sáng, khi cưỡi xe đạp từ nhà lên Tiểu khu, Ngữ thấy không khí phố xá có vẻ khang khác. Hình như cửa hàng phố mở muộn hơn thường lệ, người đi lại khá vắng vẻ. Chàng ghé vào một hiệu tạp hóa mua bao Ruby Quân tiếp vụ. Bà cụ chủ hiệu nhìn bộ đồ lính của Ngữ một cách khác thường, ánh nhìn chưa biết xếp loại người đối diện vào thành phần nào, bạn hay thù, cần phải thân thiện hay cần phải đề phòng. Ngữ liếc nhìn cái bàn thờ Phật đặt trang trọng ngay giữa gian chính, với ba nén hương đang nghi ngút khói và đĩa sứ hoa quả, đoán biết đây là một gia đình Phật tử thuần thành.
Ngữ rút ví trả tiền bao thuốc, hơi lúng túng vì còn thiếu hai đồng. Chưa kịp đề nghị trả lại bao thuốc nguyên để chỉ lấy mười điếu thuốc Ruby lẻ, bà cụ xua tay bảo:
- Thôi được, ông cứ để đấy, lúc nào có hãy trả sau.
Ra khỏi hiệu tạp hóa, Ngữ cứ băn khoăn thắc mắc về thái độ khác thường của bà cụ. Cái tiếng “ông” được dùng để gọi chàng Ngữ thấy có vẻ gì bất ổn. Đó là một lối xác định thái độ, một sự cảnh giác, xa cách. Chàng đạp xe qua trước rạp xi nê Lido. Tấm bảng quảng cáo một phim cao bồi do Ý sản xuất. Đêm qua tự nhiên trời nổi gió dữ đội, làm sợi dây dừa cột tấm bảng quảng cáo bị đứt. Tấm bảng quảng cáo bị nghiêng qua một bên nhưng chưa có ai kịp sửa lại cho ngay ngắn.
Rạp Châu Tinh phía bên này cầu Gia hội lại đang chiếu một phim cao bồi khác. Nhưng phim Mỹ. Một xác chết nằm sấp trên đường bụi bặm, trong khi khẩu súng vẽ phóng đại ở góc phải vẫn còn bốc khói... Ngữ rướn người đạp xe lên cầu. Hai người lính gác chận Ngữ lại, đòi xem thẻ căn cước quân nhân. Một người hỏi:
- Ði đâu đây?
Ngữ hơi bực, đáp cộc lốc:
- Lên Tiểu khu.
Người lính kia nửa đùa nửa thật bảo Ngữ:
- Ðừng đi đưa đám ma, nghe cha nội!
Ngữ kinh ngạc, thành thật hỏi lại:
- Đám ma ai thế?
Câu hỏi của Ngữ khiến hai người lính gác yên tâm. Họ không trả lời chàng, thân mật bảo:
- Thôi đi làm gì. Khỏi phải đứng gác như tụi này là cha chú rồi.
Những câu nói ỡm ờ này lại càng khiến cho Ngữ hoang mang thêm. Chàng đoán có điều gì bất thường đang xảy ra hay sắp xảy ra, nhưng những đêm không ngủ nằm im mỉm cười ôn lại câu Diễm nói, mường tượng nhớ lại đôi vành tai đỏ hồng khi Diễm đưa hai bàn tay ngón nhỏ bịt tai nhăn mặt kêu lên: “Cắt tai, ôi chao, ghê thấy mồ!” đã khiến cho Ngữ sống suốt hai tuần trong trạng thái một người không còn dính dấp gì đến chuyện trần thế. Bước chân chàng nhẹ hẫng, tâm hồn chàng bềnh bồng. Thời tiết vĩnh viễn vào xuân, và ở đâu cũng chỉ có nắng ấm. “Cắt tai, ôi chao, ghê thấy mồ… “ Ngữ nhớ như in nét mặt của Diễm lúc nói câu đó. Khi Diễm đưa hai tay lên bịt tai, đôi vai Diễm chun lại, kéo vạt trước chiếc áo cánh lên khiến cho làn vải phin nõn mầu hồng càng ôm sát lấy bầu ngực tròn. Còn đôi mắt Diễm thì tuy nhắm lại để diễn tả nỗi sợ hãi, nhưng qua làn mi cong, Ngữ nhớ như còn bắt gặp được ánh mắt long lanh tinh nghịch. “Cắt tai, ôi chao, ghê thấy mồ”. Ðôi môi Diễm chu lại, tròn vo ở cuối câu. Ngữ ôn đi ôn lại biết bao đêm bấy nhiêu hình ảnh lời nói ấy thôi, nhưng lạ lùng thay, mỗi lần ôn lại hoạt cảnh ngắn ngủi đơn giản này, chàng đâu tìm ra được những điểm mới mẻ, thú vị.
Không đêm nào Ngữ được ngủ giấc ngủ bình thường, sáng nào chàng cũng thức dậy trong một trạng thái bần thần lơ lửng. Nhưng chàng không mỏi mệt rời rã, thân thể chàng nhẹ tênh, đầu óc chàng lâng lâng như vừa nếm ngụm rượu nếp vừa ngọt ngào vừa nồng nàn. Quanh Ngữ, người ta xôn xao lo lắng trước biết bao chuyện thời sự. Trong từng gia đình, từng cơ quan, những người khác tín ngưỡng e dè nghi ngại hoặc gờm gờm thủ thế với nhau. Ngữ đứng ngoài mọi cuộc, không đủ cả sự bình tĩnh tối thiểu để ghi nhận mọi chuyện xảy ra quanh mình, chứ đừng nói tới chuyện nhận xét hay phê phán.
Chỉ tới buổi sáng hôm đó, chàng mới bắt đầu nhận ra được dần dần những điều khác thường quanh chàng.
Vào đến Tiểu khu, Ngữ khóa xe đạp xong, lững thững chậm rãi tới phòng công văn. Căn phòng trống trơn, không có cả những chiếc mũ vải vất vội trên bàn để kín đáo báo cho sĩ quan trực biết người đội mũ đã đến nhiệm sở đúng giờ. Trên bàn làm việc của Ngữ, cặp bìa cứng đựng công văn đến chỉ có hai phong thu mầu nâu và một bức điện tín. Vì cả ba đều có in dấu “Mật” và “Khẩn”, nên Ngữ khỏi phải lấy kéo cắt sẵn phong bì. Chàng cặp tập hồ sơ đem vào cho đại tá Tiểu khu trưởng.
Ngữ gõ cửa văn phòng tỉnh trường kiêm Tiểu khu trưởng hai lần cho đúng phép, rồi đẩy cửa bước vào. Ông đại tá ngồi im trên chiếc ghế bành bọc nhung mầu vàng đậm, khuôn mặt ông vốn đã ốm, hiện nay trông càng hốc hác hơn. Ðôi mắt ông đờ đẫn như mất ngủ, mái tóc rối phủ lên trán, mặt mày phờ phạc như người vừa ốm dậy.
Ngữ thì thầm: “Tối hôm qua, ngài lại phải ngồi tiếp bài với mấy tay nhà thầu đây… ”. Nhưng càng tiến tới gần bàn viên đại tá, Ngữ càng nhận thấy mối nghi ngờ của mình có vẻ độc địa, quá đáng. Hay ông ấy bị đau yếu gì thật! Ngữ đặt xấp công văn trước mặt đại tá nói nhỏ:
- Trình đại tá.
Rồi đứng nghiêm bên góc trái để chờ xem ông ta có chỉ thị gì không. Viên đại tá ngồi thừ hồi lâu, không cử động, không nói năng. Tiếng quạt máy chạy chậm, nghe rõ cả tiếng không khí lao xao xoay tít. Mãi một lúc sau, ông đại tá mới mệt nhọc đưa tay giở tấm bìa cứng có đề ba chữ “công văn đến”, liếc qua ba cái bì thư, rồi hỏi Ngữ:
- Cậu không mở ra à?
Ngữ lễ phép đáp:
- Thưa đại tá, cả ba đều là văn thư mật.
Ông đại tá chợt gắt gỏng:
- Mật với chẳng mật. Không đọc, tôi đã biết thứ gì rồi!
Ngữ đứng yên, biết có nói gì cũng vô ích, dù là phản đối một thứ lệnh lạc trái hẳn nguyên tắc. Dường như ông đại tá cũng kịp nhận thấy mình vô lý, nên sau khi vuốt mái tóc rối cho ngay ngắn hơn, ông dịu giọng hỏi Ngữ:
- Có ai ngoài văn phòng không?
Ngữ đáp:
- Thưa đại tá, không biết tại sao chưa ai tới cả.
Viên đại tá chán nản nói:
- Họ đi đưa tang Nguyễn Đại Thức cả đấy!
Bây giờ Ngữ mới nhớ ra hết. Nhớ tình trạng gầm ghè căng thẳng giữa những viên tướng ở Trung ương với ông tướng đang nắm giữ quân khu Một. Nhớ cái thế kẹt của những chỉ huy cấp nhỏ không biết giải quyết thế nào trước đòi hỏi của những quân nhân Phật tử đòi được quyền tự do tham dự các sinh hoạt chính trị do nhà chùa tổ chức. Nhớ cảnh khó xử của những người như viên đại tá đang ngồi thừ trước mặt chàng, đang nấn ná không dám mở vội những văn thư khẩn, vì biết trước là lệnh của Quân khu bảo phải làm một đàng, lệnh của Trung ương bảo làm một ngả. Nhớ chuyện những ông tướng ông tá mang trong túi lệnh bổ nhiệm của Tổng tham mưu đến đơn vị mới nhận nhiệm vụ, nhưng vừa bước chân khỏi máy bay thì đã có những ông tướng ông tá khác chờ sẵn ở sân bay để nghiêm mặt bảo họ rằng nếu muốn còn nhìn mặt vợ con thì khôn hồn hãy lên máy bay đem trả tấm giấy lộn ấy cho Sài gòn. Nhớ cái chết của Nguyễn Đại Thức, viên sĩ quan cấp úy ngã xuống ở sân bay Tây lộc trong Thành nội…
Giọng ông đại tá có vẻ chua chát:
- Cậu không đi đưa tang sao?
Ngữ đáp:
- Thưa đại tá, không ạ.
- Cậu không phải Phật tử à?
- Thưa không!
- Nhưng tôi có thấy cậu đeo thánh giá đâu?
Ngữ phải giải thích cặn kẽ hơn: `
- Thưa đại tá, gia đình tôi không đi đạo, mà cũng ít khi đi chùa. Trừ…
Ngữ định nhắc đến trường hợp Nam, nhưng viên đại tá ngắt lời:
- Vậy thì cậu ngồi xuống đây đã. Hút thuốc không?
Viên đại tá chìa gói thuốc Pall Mall ra mời Ngữ. Không chút khách sáo, Ngữ rút một điếu thuốc Mỹ. Viên đại tá lục túi lấy cái bật lửa Zippo, phất nhẹ tay để bật lửa theo thói quen nhà binh, mồi thuốc cho Ngữ. Ngữ thấy bàn tay ông đại tá hơi run, đoán biết tâm thần ông vẫn còn lo âu xúc động. Ngữ ngồi yên trên chiếc ghế bên phải ngang trước mặt đại tá Tiểu khu trưởng, kiên nhẫn chờ đợi vì biết viên chỉ huy muốn tâm sự điều gì đây. Ông đại tá hỏi:
- Hồi nãy đi làm, cậu thấy ngoài đường có gì lạ không?
Ngữ rít xong hơi thuốc, chậm rãi đáp:
- Chỉ thấy hơi vắng người thôi, thưa đại tá.
Ông đại tá lấy hơi định hỏi Ngữ điều gì đó, nhưng ông do dự, rồi ngồi ngay người ngửng đầu lên định hỏi, rồi lại thôi. Tay phải ông cứ mở rồi lại đậy nắp cái bật lửa Zippo, tiếng lách cách nghe rõ mồn một trong căn phòng im lặng. Ngữ cảm thấy khó chịu vì phải chờ đợi quá lâu, lại càng khó chịu vì không biết phải nói gì với viên đại tá. Cuối cùng, ông đại tá chỉ nói:
- Anh ra ngoài văn phòng đem cho tôi mượn cái kéo.
Ngữ như người thoát được nợ, vội vã đứng dậy ra khỏi văn phòng Tiểu khu trưởng.
o O o
Kể từ hôm đám tang Nguyễn Ðại Thức, thì trong số quân nhân làm việc tại Tiểu khu, Ngữ dễ dàng nhận ra “lập trường chính trị” của những người cùng làm việc với mình. Trước đó, mỗi người chỉ cho người khác biết mình có cảm tình với phe nào qua cách họ bình luận thời sự ở quán cà phê trước Tiểu khu. Người thuộc phe “ly khai” hoặc quân nhân Phật tử hay kính cẩn nhắc đến những lời tuyên bố của “các thầy” hoặc phóng đại những đức tính như thẳng thắn, bình dân, cương quyết, chịu chơi của ông tướng vùng. Khi ngồi uống cà phê, họ ngồi chung bàn với nhau, đọc lớn cho nhau nghe những tin tức đăng trên các tờ báo Phật tử hay tờ Lập Trường. Những người không thuộc nhóm đa số này thì thường biểu lộ ác cảm một cách dè dạt và kín đáo hơn, như ít lai vãng ở quán cà phê, hay giả vờ bận bịu với công việc để khỏi bị kéo vào các cuộc tụ họp bàn tán. Nhưng sau đám tang Nguyễn Đại Thức, những phần tử tranh đấu tích cực được nhận diện rõ ràng, chính xác hơn, vì trên túi áo bên trái của họ, người nào cũng ghim một mảnh vải vàng để tang cho Nguyễn Đại Thức. Ban đầu số người đeo băng tang còn ít, cả Tiểu khu chỉ chừng mười người. Thực ra con số này có cao hơn, nhưng trong cảnh lấp lửng tranh tối tranh sáng, một số quân nhân thương mẹ già vợ yếu đã cẩn thận gỡ mảnh vải vàng bỏ vào túi sâu trước khi bước qua cổng Tiểu khu. Thái độ lo xa ấy có gây nên những hiềm khích, trách móc, cãi cọ nhau ở quán cà phê, kẻ chê nhát gan, kẻ chê thiếu chín chắn. Vài ba ngày, rồi một tuần qua, không thấy đại tá Tiểu khu trưởng phản ứng gì, nên số người mang băng tang tăng nhanh, nhanh đến độ Ngữ trở thành cái đích cho những lời xì xào đàm tiếu, cho những cặp mắt e dè nghi ngại.
Chiều thứ bảy cuối tuần lúc Ngữ ra nhà xe lấy xe đạp về Gia hội, thì một quân nhân Phật tử cũng làm ở phòng công văn với chàng đến rủ chàng đi ăn bún bò.
Người bạn vỗ vào cái bóp ở túi quần nhà binh khoe với Ngữ:
- Tớ vừa truy lãnh tiền phụ cấp thằng nhỏ sinh hồi tháng mười hai. Lâu ngày chưa bao cậu chầu bún bò, bữa nay cậu phải đi với tớ mới được.
Ngữ chưa kịp từ chối, anh ta đã tiếp:
- Lâu nay tụi nó xầm xì nhiều chuyện về cậu. Tôi nghe nhưng vẫn không tin. Bữa nay phải nghe chính miệng cậu nói, để tớ mạnh miệng dẹp hết cái tụi ngồi lê đôi mách.
Ngữ ngưng mở khóa xe đạp, ngước lên nhìn ông bạn. Trên ngực áo nhà binh của anh ta, mảnh vải vàng để tang Nguyễn Đại Thức được ghim vào nắp túi áo một cách ngay ngắn kỹ càng. Ngữ không mấy vui, nhưng cũng tò mò muốn biết “nhóm ly khai” nghĩ thế nào về mình. Cho nên Ngữ nhận lời.
o O o
Ông bạn tên Hân bảo Ngữ để xe đạp ở Tiểu khu, vì anh sẽ dùng chiếc Goebbel cũ của mình để chở Ngữ lên quán bún bò ở cuối dốc Nam giao cho nó nhanh. Ngữ thắc mắc hỏi:
- Việc gì phải đi xa quá vậy? Tìm cái quán cà phê nào gần đây cho nó tiện.
Hân bảo:
- Không. Trời hôm nay se lạnh. Lên đó ăn bún bò cay và uống cà phê mới thú.
Ngữ thấy có lý, nên chậm rãi khóa xe đạp lại. Hân đèo Ngữ lên quán bún gần đường rầy xe lửa, gọi thêm hai tách cà phê phin sau khi bảo chị bán bún bò đặt gánh hàng trước quán cà phê múc cho hai tô giò heo đặc biệt và mua cả một bao Pall Mall để mời Ngữ hút. Ngữ khách sáo cho có lệ:
- Hôm nay anh hào sảng quá!
Hân cười:.
- Có cậu tớ mới vi vút thế thôi. Lương trung sĩ, bao nhiêu cậu biết rồi. Nhưng nhằm nhò gì máy cái lặt vặt đó. Cậu đã đọc báo hôm nay chưa?
Ngữ thành thật đáp:
- Chưa. Có gì lạ không?
Hân ngỡ ngàng nhìn Ngữ, một lúc lâu mới bảo:
- Cậu có đau yếu gì không?
- Sao anh hỏi vậy?
- Vì một người khỏe mạnh, cả về thể chất lẫn tinh thần, không thể không theo dõi các biến chuyển thời sự mấy ngày nay được. Chẳng lẽ cậu không đọc những lời tuyên bố của ông Kỳ?
Một lần nữa, Ngữ lại thành thật hỏi:
- Ông ấy tuyến bố gì thế?
Hân hỏi vặn lại:
- Cậu hỏi thật hay hỏi đùa?
- Sao anh nghĩ tôi hỏi đùa?
Có lẽ Hân bắt đầu tin Ngữ, nên anh ta bắt đầu dịu giọng, chậm rãi giải thích với giọng kẻ cả:
- Sau vụ anh em quân nhân Phật tử bao vây ông tướng Sài gòn đó ở sân bay Tây lộc, rồi Nguyễn Ðại Thức bị trực thăng ông tướng bắn chết, tình hình trở nên gay go hẳn lên. Điều đó cậu biết rồi. Nếu Sài gòn họ biết điều, mọi sự còn có thể dàn xếp. Nhưng không. Họ vẫn sợ tiếng nói và sức mạnh của Phật giáo. Họ tìm cách hạ cho được “tụi mình”. Và cái cách cũ rích lại được đem ra xài, là chụp mũ cộng sản. Sáng nay, ông Kỳ vừa tuyên bố là cộng sản đã xâm nhập vào hàng ngũ Phật giáo miền Trung để gây chia rẽ trong hàng ngũ quân đội.
Ngữ hỏi:
- Ông ấy có đưa ra bằng cớ nào không?
- Không. Chỉ nói khơi khơi vậy thôi. Nhưng chưa hết. Ông ấy còn dọa sẽ trừng trị nặng nề những quân nhân nào tham gia vào các hoạt động chính trị mà không được phép của sĩ quan chỉ huy trực tiếp.
Lúc ấy, chị bán bún bưng hai tô bún bốc khói đến bàn hai người ngồi. Hân ngừng câu chuyện, ngước lên cảm ơn chị hàng bún. Khi thấy trên ngực áo chị bán bún bò có ghim mảnh vải vàng, đôi mắt Hân sáng lên. Hân ân cần hỏi như hỏi một người đã quen biết từ lâu:
- Khi hôm trên chùa có gì vui không chị?
Chị bán bún sáng mắt lên, nhìn mảnh vải để tang trên ngực Hân rồi nhìn Ngữ, giọng ríu lại vì cảm động:
- Khi hôm Thầy có thuyết pháp sau lễ cầu siêu cho anh Thức. Thầy giảng hay quá, nghe xong ai cũng khóc. Sao “chúng nó” tàn ác thế, anh? Mấy đứa tôi nghe Thầy giảng đứa nào cũng sùi sụt, quên hết mọi thứ. Ðến nỗi nồi canh chay cháy khét lúc nào không hay!
Hân hỏi:
- Sao lại có chuyện bếp núc vào đây?
Chị hàng bún đưa cánh tay áo dài mầu trắng ngả vàng lên quệt mồ hôi trán, tươi cười đáp:
- Ba chị em chúng tôi vẫn lên chùa giúp giùm việc cơm nước cho các Thầy và anh chị em huynh trưởng Phật tử. Chùa độ này đông quá, anh biết, nhà chùa lo cơm nước không xuể. Vả lại…
Nói tới đây, chị hàng bún ngưng lại, có vẻ do dự chưa biết có nên nói tiếp hay không. Hân giục:
- Vả lại thế nào?
Chị hàng bún liếc nhìn Ngữ, rồi thấp giọng xuống:
- Vả lại, chúng tôi cũng phải canh chừng, không thì bọn chúng nó có thể cho người lẻn vào bếp nhà chùa đầu độc các thầy. Biết đâu được lòng dạ con người. Có phải ai ai cũng có Phật tâm cả đâu!
Ngữ bắt đầu khó chịu, có cảm giác bẽ bàng như cảm giác một người bất đắc dĩ phải nghe chuyện riêng tư của người khác. Hân thích thú, không chú ý đến nét mặt cau có của Ngữ, nói đùa với chị hàng bún:
- Buổi tối chị nấu cơm chay cho Thầy, sáng hôm sau chị lại đi bán bún bò cho đám phàm phu tục tử như hai chúng tôi, như thế đâu có được!
Chị hàng bún bối rối không biết phải cãi thế nào, ngún nguẩy một cách thích thú:
- Các anh nói thế, chứ ai lại không phải sống. Đâu phải ai ai cũng được như Thầy!
Vì có hai người khách nữa mới vào quán, nên chị hàng bún phải chạy đến tiếp khách. Hân thỏa mãn ra mặt, quay sang bảo Ngữ:
- Cậu thấy tinh thần của Phật tử chưa?
Ngữ thắc mắc hỏi:
- Sao có lúc chị ta nói “các thầy”, có lúc chỉ nhắc đến “Thầy” không thôi?
Hân nghiêm mặt đáp:
- Thế cậu không biết thầy Trí Quang đã về Huế hay sao! Có Thầy về, anh em rất yên tâm. Nhưng cậu ăn đi đã kẻo nguội. Gắp miếng giò heo này chấm vào nước tương ớt ăn trước, mới đúng điệu. Đấy, phải như thế đấy.
Hân múc một muỗng nước bún húp thử, nghiêm mặt lại lắng hết tinh thần định vị, rồi tấm tắc khen:
- Ngon lắm. Này, tớ hỏi thật cậu nhé. Gia đình cậu có theo đạo Phật không?
Ngữ ngừng ăn, vừa suy nghĩ vừa đáp:
- Thật khó mà trả lời. Các em tôi vẫn đi chùa đều. Mấy đứa khác thì không. Nói cho đúng thì theo đạo “thờ cúng ông bà”.
Hân reo mừng:
- Thờ cúng ông bà tức là đạo Phật chứ gì nữa.
rồi giọng Hân trở nên âu yếm pha lẫn trách móc:
- Thế mà lâu nay cậu chẳng chịu đi sinh hoạt với anh em. Cậu đã đi nghe Thầy thuyết pháp lần nào chưa?
- Có, nhưng lâu rồi. Hồi ông Diệm chưa chết!
- Có phải cuộc biểu tình tuần hành phản đối vụ cấm treo cờ Phật giáo hồi 1963 không?
- Phải!
- Hồi đó tớ cũng có mặt tại chùa Từ đàm. Cậu thấy không, Thầy có một sức thu hút lạ lắm. Lời Thầy nói ngắn gọn và đơn giản thôi. Nhưng ánh mắt của Thầy, gương mặt của Thầy, có cái gì khác thường, gần như siêu phàm. Thầy nói, là phải tin. Không cần suy nghĩ do dự gì nữa. Thử tưởng tượng nếu không có Thầy, làm sao chế độ nhà Ngô sụp đổ được…
Ngữ không muốn để cho Hân miên man, nên cắt lời ông bạn bằng câu hỏi rất vu vơ:
- Sao lâu quá chưa thấy mang phin cà phê ra..
Hân bị hụt hẫng, hơi khó chịu, nhưng nhanh chóng tìm cách lấy lòng Ngữ:
- Cậu ghiền cà phê đến thế à? Uống nhiều cà phê và hút nhiều thuốc lá, không tốt đâu. Phải sống đơn giản lại. Cậu coi, các thầy chỉ ăn chay, suốt đời rau quả với tương chao, nhưng ai cũng khỏe mạnh minh mẫn.
Hai tách cà phê phin được bưng đến. Hân lại ngước lên cảm ơn. Bà chủ quán mặc áo bà ba trắng, trên ngực không có mảnh vải vàng để tang Nguyễn Đại Thức. Hân quay trở về phía Ngữ hỏi:
- Chiều mai cậu rảnh chứ?
Ngữ hỏi lại:
- Có việc gì thế?
- Tụi này muốn dẫn cậu đi họp với anh em cho vui.
- Anh em là những ai?
Hân nhíu mày khó chịu, nhưng cố dằn cảm xúc, vui vẻ trả lời:
- Cậu biết rồi, còn hỏi. Toàn anh em quân nhân Phật tử làm việc trong Tiểu khu. Người quen cả. Cậu nên đi, cho tụi nó hết xầm xì về cậu.
Ngữ mím môi lại, một lúc mới hỏi:
- Khoảng mấy giờ, ở đâu?
- Ðúng ba giờ chiều. Ở chùa Từ đàm.
Ngữ lấy làm lạ hỏi:
- Ba giờ chiều còn làm việc, làm sao đi được. Ai qui định giờ họp kỳ cục thế?
Hân cười, ra chiều hãnh diện:
- Không kỳ cục đâu! Ðây là một thử thách. Tụi này biết thừa ba giờ chiều văn còn trong giờ làm việc. Tụi này còn biết là lệnh cấm trại 100% vẫn còn hiện lực, chưa kể những lời đe dọa mới đây của ông Kỳ. Nhưng tụi này vẫn định giờ họp là ba giờ. Để xem thử ai là người dám sống chết với dân tộc và đạo pháp.
Nói xong, Hân nhìn đăm đăm vào mắt Ngữ. Ngữ cũng nhìn đăm đăm vào mắt Hân. Hai người im lặng nhìn nhau khá lâu, cho đến lúc Hân phải dịu nét mặt nhắc Ngữ:
- Nói chơi thế thôi chứ đi hay không là tùy cậu. Chúng ta uống cà phê đi. Cà phê ở đây được anh em Phật tử khen lắm. Nếm thử xem nào. À! Được lắm. Dĩ nhiên không thể nào bằng được cà phê Dung Thành nội. Sáng nay cậu có gặp đại tá tỉnh trưởng không?
Ngữ e de đề phòng, hỏi lại:
- Sáng nào phòng Hai các anh không gặp đại tá?
- Nhưng hồi sáng tớ đến trễ. Ông ấy thế nào?
- Thế nào là thế nào?
Hân bật cười tưởng Ngữ đùa:
- Nghĩa là “Ngài” có bình chân như vại được không? Ngài đứng về phe nào? Phe ta hay phe ông Kỳ?
Ngữ đáp chậm:
- Hình như ông ấy đang lo. Chưa biết phải xử trí ra sao!
Hân tự tin bảo:
- Ba giờ chiều mai thấy Tiểu khu trống trơn, ông ấy biết cách xử trí ngay. Bây giờ không thể đi nước đôi được. Tiếc là ông ấy không dám lên chùa để nghe Thầy thuyết pháp.
o O o
Hân đèo Ngữ về lại Tiểu khu để Ngữ lấy xe đạp, nhưng Hân không vào hẳn phía trong cổng. Anh chỉ rề xe đỗ ở sát lề đường Lê Lợi, quay lại bảo Ngữ:
- Cậu vào đi. Tớ phải chạy lên chùa để bàn trước với Thầy chương trình ngày mai. Á này!
Ngữ dợm bước về phía cổng, nghe Hân gọi, quay lại hỏi:
- Cái gì nữa?
Hân định nói gì đó, nhưng có lẽ thấy gương mặt Ngữ hơi cau có, nên ấp úng một lúc, mới nói:
- Có việc này… nhưng thôi, mai hãy hay. Cậu có thích Pall Mall lấy cả gói mà hút. Thuốc này nặng quá, tớ hút cứ bị ho.
Ngữ nhận bao Pall Mall, cảm ơn một tiếng ngắn, rồi quay lưng đi. Tiếng nổ chiếc Goebbel cũ của Hân rú lên như giận dữ.
Ngữ đến chỗ để xe mới nhớ còn bỏ quên xấp bản thảo truyện ngắn trong hộc bàn làm việc, nên vào phòng công văn Tiểu khu. Ngọn néon ngoài hành lang bị hư con chuột, lúc mờ lúc tỏ, lâu lâu có tiếng nổ lách cách ở hai đầu ống đèn. Phòng công văn vắng vẻ, giấy tờ bừa bộn trên các bàn làm việc như quang cảnh một ngôi nhà vắng chủ.
Ngữ lấy xấp bản thảo, dọn dẹp giấy tờ trên bàn mình cho ngăn nắp, nhưng đúng lúc chuẩn bị ra về thì đột nhiên cảm thấy ngầy ngật khó chịu. Chàng ngồi thừ trên ghế không hiểu do đâu. Có những nỗi bất an đến bất ngờ, và cũng đi bất ngờ. Mỗi lần gặp trạng thái như vậy, Ngữ ngồi lặng hồi lâu để tìm hiểu mình, nhưng không lần nào Ngữ tìm ra nguyên do tin được. Sự bực bội phải đi ăn với Hân chiều nay chăng? Hay cảm giác bẽ bàng khi thấy mình yếu đuối thiếu hẳn tự chủ, thấy mình không dám nói “không” một cách dứt khoát, như thời Ngữ dứt khoát bỏ học khi khám phá ra rằng những sách vở lời giảng ở trường hoàn toàn nhạt nhẽo vô vị. Điều Ngữ vẫn thường lo sợ nhất, cho riêng mình, là thái độ buông xuôi thỏa hiệp. Là tìm cách giải thích thật hợp lý tất cả mọi điều, kể cả những điều hoàn toàn trái ngược. Ngữ bắt đầu nghi ngờ mình, cho rằng những điều chàng tin tưởng lâu nay, những xác tín chàng nhắc đi nhắc lại nhiều lần với bạn bè như Tường hoặc Ngô, chẳng qua chỉ là một cách làm dáng của hạng con gái cấm cung. Của loại trí thức phòng trà chưa hề phải đối phó với những khó khăn cam go, chưa hề phải lựa chọn giữa những con đường nghiệt ngã như những người dân sống ở vùng xôi đậu.
Mỗi lần giật mình phản tỉnh, soát xét lại chính mình, soi gương để nhìn lại khuôn mặt mình, quay lại đoạn phim ghi đúng cử chỉ thái độ của mình, Ngữ đều cảm thấy hụt hẫng, mất hết tự tin, và từ nỗi hổ thẹn, chàng luôn luôn cảm thấy ngầy ngật như một người đang đứng trước hố sâu hun hút. Những lúc đó, Ngữ ao ước được sống cuộc sống vô tư như Quế, như Lãng biết chừng nào!
Mấy tháng gần đây, Ngữ ít cau có gắt gỏng với Lãng hơn, dù vẫn không thể nào ưa nổi lũ bạn đầu trâu mặt ngựa của em. Ban đầu, chàng nghĩ mình cũng bị cuộc sống cơm áo cuốn hút như mẹ. Nói gì thì nói, phải công nhận Lãng trở thành cột trụ của gia đình, đứa con hoang ngày nào không ngờ bỗng chốc trở thành người cứu cả nhà ra khỏi cơn bối rối. Nhưng lối giải thích ấy quá đơn giản, Ngữ cho không phải là nguyên do chính. Chàng nghĩ phải tìm nguyên nhân ấy ở chính tâm hồn mình. Có thể do Ngữ tìm thấy rằng càng đi đến tận cùng của suy tưởng, càng xa với cuộc đời vốn tự nhiên giản dị. Có thể là lòng hoài nghi, khi Ngữ thấy mình vụng về trước những hoàn cảnh phức tạp như vụ Lãng vào tù. Có thể là nỗi lạc lõng của kẻ cảm thấy mình đứng bên lề của thời cuộc, không đủ quyết tâm để tham dự theo dòng mà cũng không đủ dứt khoát để lội ngược dòng, cuối cùng cay nghiệt đay nghiến mình trong khi khoan dung dễ dãi với kẻ khác.
Chính vì vậy mà Ngữ không tài nào viết tiếp được những truyện ngắn cùng loại với truyện “Vòng hoa dành cho Ngài lãnh tụ”, mặc dù Tường và các bạn cứ thúc giục chàng viết những truyện như vậy để đăng trên tờ Lập Trường.
Mỗi lần Tường nhắc nhở, Ngữ lấy cớ bận quá không viết được gì cả. Sự thực, chàng đang tìm một lối dựng truyện thích hợp để viết lại câu chuyện chàng nghe một người bạn làm việc bên Quân y viện Nguyễn Tri Phương kể, câu chuyện thế này:
Một anh địa phương quận dưới Phong điền đi phục kích một toán Việt cộng, không ngờ tiểu đội của anh bị phản phục kích, và trong trận đó, anh ta bị thương. Vết thương nhẹ thôi. Viên đạn AK-47 xuyên qua bắp chân anh, nhưng đạn không nhằm phải xương. Điều may mắn ấy đi liền với một điều không may mắn. Phương tiện tải thương thiếu thốn nên lúc xe Dodge-4 của quận đưa anh về bệnh viện Nguyễn Tri Phương, thịt quanh cái vết thương xoàng ấy đã thối. Không có cách nào khác ngoài giải pháp phải cưa chân anh. Người bạn lính quân y của Ngữ làm ở phòng mổ. Buổi tối hôm ấy, buổi tối bác sĩ phẫu khoa cưa chân anh lính may mắn và rủi ro, người bạn của Ngữ ngạc nhiên thấy một bà cụ ăn mặc lam lũ cứ thấp thỏm đứng chờ ở hành lang bên ngoài phòng mổ, tay ôm một bao ni lông dày màu xanh rêu loại quân đội Mỹ vẫn dùng để đựng rác. Người bạn Ngữ hỏi: “Mệ chờ ai thế hở mệ?” Bà cụ ngừng nhai trầu, đáp rất tự nhiên: “Mệ chờ thằng Thành”. “Thành nào hở mệ?” Bà cụ hỏi lại: “Răng lâu rứa cậu?” Người bạn Ngữ không hiểu: “Mệ có con cháu gì nằm ở phòng hồi sức à? Bây giờ đâu phải giờ thăm bệnh! ” “Không. Mệ chờ trong nớ họ cưa chân thằng Thành”. Bấy giờ anh̉ bạn của Ngữ mới biết bà cụ là mệ của anh địa phương quân bị thương dưới Phong điền. Sáng hôm ấy, anh phải phụ với bác sĩ phẫu khoa để mổ gắp đạn cho năm thương binh, trong đó có Thành. Anh bạn Ngữ hỏi bà cụ cho có hỏi, vì tự nhiên có cảm tình với người mẹ đáng thương: “Mệ cần loại bao ni lông tốt của nhà thương, loại dày và dai hơn thứ này, con đi lấy cho mệ vài cái?” Bà cụ đáp: “Cái này đủ rồi. Cảm ơn cậu”. Bạn Ngữ đâm thắc mắc: “Mệ dùng cái bao này làm gì?” “Mệ đem theo để đem cái chân thằng Thành về”!
Nghe bà cụ đáp như vậy, người bạn của Ngữ đột nhiên cảm thấy lạnh cả xương sống. Mặc dù đã quá quen thuộc với cảnh máu me chết chóc, cảnh những người bị bom đạn rên la quằn quại, những vết thương bầy nhầy hôi tanh, những khuôn mặt người chết lạnh cứng trợn trừng… nhưng mỗi lần phải đẩy chiếc xe lăn chở những bộ phận thân thể con người bị cắt, cưa ra khỏi thể xác còn lại, anh không thể dằn được cảm giác buồn nôn ngầy ngật. Một bàn tay khẳng khiu, một khúc chân đen đúa còn nguyên vết máu, một chùm ruột… khi đã tách lìa khỏi thân thể, không hiểu sao, bạn Ngữ cảm thấy trở nên ghê tởm, ma quái. Nó như thuộc về một thế giới khác, và mặc dù biết chủ nhân của những bộ phận ấy hiện vẫn còn nằm ở phòng hồi sức, bạn Ngữ vẫn cứ nghĩ bàn tay co quắp kia, khúc chân ốm o kia đã có một hồn ma riêng, và bất cứ lúc nào, có thể là lúc bạn Ngữ đang đẩy chiếc xe lăn qua khúc hành lang tối dẫn xuống nhà xác, bàn tay vô hồn trong túi ni lông trong suốt kia sẽ cử động, rồi từ từ tự cởi nút buộc bao ni lông, từ từ bay lên, từ từ mở rộng mấy ngón tay ra để nắm lấy yết hầu người bạn Ngữ. Cho nên anh trố mắt nhìn bà mẹ quê, cố tìm xem lúc đáp câu anh hỏi, bà cụ có cảm giác sợ hãi nhờm tởm nào đối với khúc chân bị cưa của đứa con không. Bạn Ngữ thấy bà cụ có nét mặt hoàn toàn thản nhiên, miệng tiếp tục nhóp nhép nhai trầu. Anh thêm tò mò, nên hỏi: “Mệ đem cái chân về làm gì?” Bà cụ đáp, giọng phân trần như sợ bị từ chối: “Cậu làm ơn nói giúp cho mệ. Mệ nghe nói nhà thương không cho phép, nhưng cậu tính coi, không xin cho được cái chân đem về chôn, lỡ một mai con nó chết, thân thể không đủ chân đủ tay, tội nghiệp nó. Cậu gắng thưa với bác sĩ cho mệ”!
Nghe bạn kể tới đó, chính Ngữ cũng thấy lạnh cả xương sống. Không phải lạnh vì ác cảm nhờm tởm, mà lạnh vì đột ngột đối diện với cái gì vĩ đại bao la quá, đến nỗi cả đến chân để cuộc sống nội tâm Ngữ tưởng là vững chải, thoáng một chốc, hoàn toàn tan tành sụp đổ.
Người me quê ấy đã được đào luyện thế nào để có thể can đảm chấp nhận sự rủi ro một cách bình tĩnh như vậy. Lòng thương con không thôi, chưa đủ. Có khi lòng thương con còn khiến cho người mẹ dễ dàng ngã gục trước những tai ương xảy đến cho con cái. Phải thêm cái gì đó, cái gì vững chãi lắm để đủ bình tĩnh chấp nhận một sự thực đau long: là biết trước thế nào đứa con trai thân yêu cũng lìa đời trước mình, và phải chuẩn bị chôn cất thi hài của nó ngay từ bây giờ. Cái chân “đi trước” thì lo trước cái chân. Phải xin cho được “nó” về, đặt vào một cái quách gỗ tạp, chôn “nó” bên nấm mồ của người chồng quá cố, thắp cho “nó” vài nén hương, và điều quan trọng nhất là đánh dấu thật kỹ phương hướng để khi lên nhà xác lãnh về phần thân thể đứa còn lại của con, bà cụ có thể ráp đúng một thân xác nguyên vẹn đầy đủ.
Những dự đoán mông lung ấy, Ngữ ghi hết lên giấy, và muốn xếp đặt để viết thành một truyện ngắn dài độ hai mươi trang giấy in. Chàng ngồi nán lại phòng công văn, đọc kỹ những ý rời về câu chuyện sắp viết. Ngữ định lấy khung cảnh của truyện là hành lang hơi lạnh lẽo tối tám trước phòng hồi sức, và câu chuyện diễn tiến theo đối thoại giữa bạn Ngữ và bà cụ. Nhung Ngữ ngại mình không đủ tài để qua những câu nói chuyện ngắn ngủi, đôi khi rời rạc ngớ ngẩn, có thể làm nổi bật cái triết lý sống đơn giản mà cao cả của bà mẹ Việt nam.
Nếu chàng theo người bạn xưng “tôi” để kể chuyện trong vai thứ nhất, có lẽ dễ hơn. Nhất là để cho việc chen vào giải thích những suy nghĩ bên1ề, những điều đối thoại ngoài cuộc đời thực không thể nói hết. Có lẽ Ngữ phải chọn giải pháp này. Chàng yên tâm hơn, chuẩn bị ra về thì đại tá tỉnh trưởng từ ngoài đi vào. Ngữ bối rối, vì mặc dù trước đó có nghe tiếng xe Jeep phanh ngay trước Tòa Hành chánh, nhưng chàng không nghĩ viên đại tá lại vào Tiểu khu vào giờ này.
o O o
Đại tá tỉnh trưởng khá ngạc nhiên khi trông thấy Ngữ. Sau vài giây ngỡ ngàng, ông có vẻ vui mừng như gặp được người đồng cảnh ngộ giữa cơn hoạn nạn. Ông hỏi, giọng hết sức ngọt ngào thân ái:
- Tối nay cậu trực à?
Ngữ cũng bối rối không kém. Chàng đáp:
- Thưa đại tá, không ạ.
Thấy xấp giấy bản thảo còn đặt trên bàn làm việc của Ngữ, ông tưởng Ngữ nán lại đêm để làm cho xong việc Tiểu khu. Giọng ông hơi run vì cảm động:
- Nếu ai cũng như cậu, thì…
Ngữ tự thấy phải cải chính cho lương tâm bình yên:
- Thưa giấy tờ công văn đã làm xong từ chiều.
Viên đại tá cười mỉm, không chú ý đến câu Ngữ vừa nói. Ông hơi do dự, không biết nên chấm dứt câu chuyện vào văn phòng tỉnh trưởng hay nên tiếp tục chuyện vãn với anh trung sĩ phòng công văn. Cuối cũng ông tiến đến ngồi lên cái ghế gỗ trước bàn Ngữ.
Ngữ lúng túng không biết phải làm gì cho phải. Ngồi xuống ghế của mình để tiếp đại tá như tiếp một người khách thì có vẻ bất kính. Mà đứng để tiếp chuyện, thì Ngữ cảm thấy mình kém cỏi khúm núm quá. May là viên đại tá bảo Ngữ:
- Cậu ngồi xuống đó đi. Thế nào, lâu nay có viết lách được gì thêm không?
Hỏi xong, ông cười, khá ranh mãnh như vừa bắt gặp một cậu bé đang lén chơi một trò chơi riêng không muốn cho ai biết. Ngữ đỏ mặt vì thẹn:
- Thưa đại tá, viết lách lăng nhăng cho vui vậy mà.
Ông đại tá cười, rồi nghiêm mặt bảo:
- Sao lại lăng nhăng? Tuy cậu lấy bút hiệu, nhưng ai mà không biết. Nhất là cái truyện móc lò ông tướng vùng. Cậu bạo gan thật!
Ngữ liếc nhìn nét mặt ông đại tá, để đoán xem cái giọng thân ái ấy phải chăng là trò chơi khăm của chú mèo đang vờn chuột. Đôi mắt viên đại tá sáng lên ánh vui, nụ cười thỏa mãn, gần như thông cảm hay khuyến khích nếu không nói là đồng lõa. Ngữ nhận thấy hình như đại tá tỉnh trưởng không ưa ông tướng vùng bao nhiêu! Cho nên chàng yên tâm hơn, ngửng lên hỏi viên đại tá theo cách hỏi giữa một tác giả với một độc giả:
- Đại tá thấy cái truyện ấy thế nào?
Viên đại tá cười, đáp gọn:
- Được lắm. Nhưng…
Chờ mãi chưa thấy viên đại tá nói tiếp, Ngữ hơi nóng ruột. Vừa tò mò vừa tự tin hơn, Ngữ hỏi:
- Nhưng thế nào ạ?
- Nhưng nếu theo quân kỷ thì cậu đáng bị tống vào quân lao đấy!
- Theo ý đại tá, thì một cấp dưới viết về cấp trên như vậy, có đáng bị kỷ luật hay không?
Viên đại tá cười lớn, đập nhẹ tay lên bàn, rồi chỉ mặt Ngữ bảo:
- Cậu chơi khó tôi phải không? Nhưng tôi không sợ đâu! Này, cậu có biết là trước khi vào Thủ đức, tôi đã theo Văn khoa ba năm không?
- Đại tá học ban nào ạ?
- Ban triết. Cho nên cái vụ lương tâm và chân lý, cái vụ…cái vụ.. nói thế nào cho đúng nhỉ? Tạm gọi là sự băn khoăn giữa trách nhiệm đối với lương tâm và ràng buộc đối với xã hội, đối với đời sống.
Rồi bằng một giọng hãnh diện, viên đại tá tiếp:
- Cậu thấy không, cái dáng võ biền khô khan của tôi chỉ là cái áo ngoài. Bên trong….
Nói đến đó, viên đại tá dừng lại. Nhưng Ngữ hiểu ông muốn nói gì. Sau một lúc im lặng trầm ngâm, ông nói:
- Trong những hoàn cảnh như thế này, tôi mong có được những lúc chuyện vãn thoải mái như bây giờ. Tìm được một người để nói chuyện cho ra hồn, khó quá!
Đột nhiên Ngữ muốn biết một điều mà ở hoàn cảnh bình thường không bao giờ Ngữ dám tìm hiểu: chàng muốn biết ý kiến của đại tá tỉnh trưởng, và nếu được, muốn biết phản ứng của ông tướng vùng về truyện ngắn của mình. Sau một lúc do dự, Ngữ đánh bạo hỏi:
- Trên Quân đoàn họ có biết đến cái truyện ấy không, thưa đại tá?
Viên đại tá giật mình, ra khỏi phút trầm ngâm, ngước lên hỏi:
- Cậu nói gì?
Ngữ nói rõ hơn:
- Trung tướng có biết cái truyện ấy không?
Hình như viên đại tá cho câu hỏi ấy ý nhị lắm, nên ông thích thú cười ha hả, rồi đáp:
- Chắc ông ấy không biết đâu. Ông ấy chỉ thích cái gì vui vẻ, cái gì đơn giản. Cho nên cấp dưới không dám trình những chuyện lặt vặt phiền phức như vậy. Nhưng bên An ninh Quân đội thì họ biết.
Nói đến đây, viên đại tá dừng lại, nhìn thẳng vào mắt Ngữ để xem Ngữ có vẻ sợ sệt lo âu nào không. Ngữ cổ giấu cảm xúc riêng, rán bình tĩnh hỏi như hỏi chuyện người khác:
- Họ qui tội nặng lắm, phải không đại tá?
Ông đại tá cười:
- Còn phải hỏi. Bây giờ tôi mới nói cho cậu yên tâm, vì dù sao vụ đó cũng êm rồi. Không có tôi, cậu không yên được đâu.
Nói xong, viên đại tá đưa tay lên xem giờ, rồi vội vã đứng dậy bảo Ngữ:
- Ðã chín giờ hơn rồi. Tôi vào văn phòng giải quyết một số công việc, vả lại còn phải để cho cậu về nghỉ. À này, hồi chiều tôi có ký nội lệnh nhắc lại vụ cấm trại 100% đối với quân nhân phục vụ trong Tiểu khu đấy. Mai cậu nhớ đến sớm gửi gấp đi các nơi. Nhớ phân phát đầy đủ cho các phòng ban nhé!
Ông đại tá vỗ vai Ngữ thay cho lời chào, rồi tiến về phía phòng tỉnh trưởng. Ngữ nhìn theo ông cho đến lúc cửa phòng tỉnh trưởng đóng lại, băn khoăn không hiểu tất cả những điều ông vừa nói với chàng có thật hay không có thật. Chàng cũng không thể biết tình cảm thực sự của ông đối với mình thế nào. Chỉ có một điều rõ ràng, là viên đại tá không ưa ông tướng vùng!
Bão Nổi Bão Nổi - Nguyễn Mộng Giác Bão Nổi