Hãy xem mỗi trở ngại là một cơ hội.

Tiến sĩ Wayne Dyer

 
 
 
 
 
Tác giả: Chris Cleave
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: The Other Hand
Dịch giả: Thi Trúc
Biên tập: nguyen trieu
Upload bìa: nguyen trieu
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 672 / 22
Cập nhật: 2019-01-28 21:15:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
rong cuộc chạy trốn bọn giết người hòng truy sát những nhân chứng tội nghiệp của một ngôi làng Nigeria (châu Phi) hiền lành bị san phẳng chỉ vì một nguyên do là nó nằm trên một mỏ dầu, hai chị em Ong Nhỏ - Lòng Tốt đã trốn đến một bãi biển ở Đông Nam Nigeria. Ở đó, hai chị em đã gặp hai vợ chồng nhà báo Anh đi nghỉ mát với mong muốn cứu vãn cuộc hôn nhân đã nguội lạnh của họ. Chưa kịp bày tỏ hết mối hiểm nguy đang rình rập hai chị em, bọn giết người đã đuổi đến, và tên cầm đầu đã ra một điều kiện bất ngờ: nếu người đàn ông da trắng kia chịu chặt một ngón tay thì Ong Nhỏ và Lòng Tốt sẽ được tha mạng.
Quá bất ngờ với điều kiện lạ lùng đó, lại không tin vào lời đảm bảo của tên cầm đầu đám sát nhân, người chồng đã từ chối...
Và kể từ sau phút giây định mệnh khủng khiếp đó, cuộc đời của Ong Nhỏ và hai vợ chồng nhà báo người Anh đã không còn như trước.
Tiểu thuyết được viết ra với mong muốn “nhân đạo hóa” vấn đề gây nhức nhối ở xã hội châu Âu: người tị nạn. Bàn tay cứu mạng đã được đề cử giải Costa Book Awards 2008 và giải thưởng Nhà văn Khối thịnh vượng chung năm 2009. Câu chuyện đang được chuyển thể thành phim, với vai Sarah do diễn viên Nicole Kidman thể hiện.
★★★
Tặng Joseph
Đây là một tiểu thuyết tuyệt vời
… khủng khiếp nhưng hài hước,
đau đớn nhưng bay bổng,
vô cùng thú vị và cực kì thông minh.
Chúng tôi không muốn ngăn trở cảm xúc của bạn lâu hơn nữa.
Xin hãy lật qua trang sau và bắt đầu thưởng thức…
• NXB TRẺ
Anh Quốc tự hào về truyền thống cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho những người trốn chạy khỏi cảnh khủng bố và xung đột.
• Trích Cuộc sống ở Vương quốc Anh: Hành trình đến Quyền công dân (bộ Nội vụ Anh, 2005)
1
Tôi thường ước gì mình là đồng một bảng Anh chứ không phải là một đứa con gái châu Phi. Mọi người sẽ mừng vui khi thấy tôi xuất hiện. Có thể tôi sẽ đến với bạn vào cuối tuần và rồi đột nhiên sau đó, tôi sẽ đến thăm người đàn ông ở cửa hàng góc phố, vì tôi vốn rày đây mai đó - nhưng bạn sẽ chẳng buồn đâu, vì bạn còn bận chén bánh quế, hoặc nhâm nhi một lon Coca Cola mát lạnh, và bạn sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến tôi nữa. Chúng ta sẽ vui vẻ, như những tình nhân gặp nhau trong kì nghỉ lễ rồi chóng quên tên nhau.
Đồng một bảng sẽ tha hồ đi đến những nơi mà nó nghĩ là an toàn nhất. Nó có thể băng sa mạc, vượt đại dương, bỏ tiếng súng đạn và mùi mái tranh cháy khét lại sau lưng. Khi cảm thấy đã ấm áp và an toàn rồi, nó sẽ quay lại mỉm cười với bạn, như cách mà chị Nkiruka của tôi vẫn hay mỉm cười với những người đàn ông trong làng chúng tôi vào mùa hè ngắn ngủi sau khi chị vẫn còn là một cô bé nhưng trước khi chị thực sự trở thành đàn bà, và dĩ nhiên là trước buổi tối mẹ đưa chị đến một nơi vắng vẻ để nói chuyện nghiêm túc.
Dĩ nhiên đồng một bảng cũng biết nghiêm túc. Nó có thể ngụy trang thành quyền lực, hoặc của cải, và chẳng có gì nghiêm túc hơn khi bạn là một cô gái không có cả hai thứ đó. Bạn phải cố tóm lấy đồng một bảng, nhốt nó vào trong túi, để nó không thể đến được một đất nước an toàn trừ khi nó đưa bạn đi cùng. Nhưng đồng một bảng có lắm mưu ma chước quỷ của thầy phù thủy. Khi đuổi theo, tôi đã thấy nó tự làm đứt đuôi như con thằn lằn để bạn chỉ còn nắm trong tay một xu mà thôi. Và khi cuối cùng bạn cũng tóm được nó, đồng một bảng Anh có thể biểu diễn trò ảo thuật phi thường nhất, biến nó thành không phải một mà hai tờ đô la Mỹ màu xanh. Các ngón tay bạn sẽ chỉ nắm được không khí mà thôi, tôi đảm bảo là vậy.
Sao mà tôi thiết tha muốn được làm đồng một bảng Anh đến thế. Đồng một bảng được tự do đi đến chốn an toàn, và chúng ta được tự do nhìn nó ra đi. Đây là thắng lợi của nhân loại. Đây được gọi là toàn cầu hóa. Một đứa con gái như tôi bị chặn lại ở quầy nhập cảnh, trong khi đồng một bảng lại có thể phóng qua cửa quay, thoát được sự truy cản của những người đàn ông to lớn đội mũ đồng phục, rồi nhảy thẳng vào một chiếc taxi đang đón khách ở sân bay. Đến đâu, thưa ngài? Văn minh phương Tây, anh bạn ạ, và lái cho thật nhanh vào.
Thấy đồng một bảng Anh nói chuyện lịch sự khiếp chưa? Nó nói bằng giọng của Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị của nước Anh. Khuôn mặt bà được đóng dấu trên nó, và thỉnh thoảng khi nhìn thật kĩ, tôi có thể thấy đôi môi bà ta mấp máy. Tôi đưa bà đến sát tai mình. Bà ta nói gì? Đặt ta xuống ngay nào, cô gái, nếu không ta sẽ gọi lính gác.
Nếu Nữ hoàng nói chuyện với bạn bằng giọng như thế, bạn nghĩ mình có thể bất tuân mệnh lệnh được không? Tôi đã đọc rằng những người ở xung quanh bà – cả Đức vua và Thủ tướng – đều thấy cơ thể họ phản ứng với các mệnh lệnh của Nữ hoàng trước cả khi não họ nghĩ đến chuyện tại sao lại không phục tùng. Để tôi nói cho bạn biết, phản ứng này không phải do vương miện và quyền trượng gây ra đâu. Nếu là tôi, tôi có thể gắn một chiếc vương miện lên mái tóc ngắn xoăn tít của mình và cầm quyền trượng trong tay, như thế này, mà cảnh sát mang giày to tướng vẫn bước về phía tôi rồi nói, Chúng tôi rất thích bộ trang phục, thưa cô, nhưng giờ thì làm ơn cho xem qua chứng minh thư của cô, nhé? Không, thứ nắm quyền thống trị trên xứ sở của bạn không phải là vương miện và quyền trượng của Nữ hoàng. Thứ ấy chính là văn phạm và giọng nói của bà. Vì thế mà nói chuyện như bà là một điều đáng khao khát. Bằng cách đó bạn có thể nói với những sĩ quan cảnh sát, với một giọng trong như kim cương Cullinan, Chúa ơi, sao ngươi dám?
Tôi sống sót được là nhờ học tiếng Anh của Nữ hoàng. Có thể bạn đang nghĩ, thế thì có gì khó. Nói gì đi nữa, tiếng Anh cũng là ngôn ngữ chính thức ở Nigeria, quê hương tôi cơ mà. Đúng, nhưng vấn đề là ở quê nhà, chúng tôi nói hay hơn các bạn nhiều. Để nói chuyện bằng tiếng Anh của Nữ hoàng, tôi phải quên hết những mánh khóe hay nhất trong tiếng mẹ đẻ của mình. Chẳng hạn, Nữ hoàng không thể nào nói, Rõ phiền phức, con ả đó chỉ giỏi õng ẹo mới dụ được đứa con trai “đỉnh” nhất của bà đính hôn với nó, mà ai nhìn cũng thấy nó sớm muộn gì cũng làm tan nhà nát cửa cái gia đình này thôi. Thay vào đó, Nữ hoàng phải nói, Cô công nương mới của ta đã dùng sự duyên dáng nữ tính của mình để được đính hôn với hoàng tử con trai ta, và người nào cũng có thể nhận ra rằng chuyện sẽ không kết thúc có hậu. Thật là đáng buồn, phải không? Học tiếng Anh của Nữ hoàng cũng giống như tẩy lớp sơn đỏ tươi trên móng chân bạn vào buổi sáng sau đêm khiêu vũ. Mất rất lâu và lúc nào cũng còn sót lại tí chút, một vết màu đỏ cạnh khóe móng để nhắc bạn nhớ về khoảng thời gian vui vẻ mình đã có. Vì thế, bạn có thể thấy rằng tôi học hành rất chậm chạp. Mặt khác, tôi có khối thời gian. Tôi học ngôn ngữ của bạn tại một trại nhập cư, ở Essex, vùng đông nam Vương quốc Anh. Hai năm, họ đã nhốt tôi trong đấy. Thời gian là tất cả những gì tôi có.
Nhưng hà cớ gì tôi lại chuốc phiền phức vào người? Đó là vì điều mà một số đứa con gái lớn hơn giải thích với tôi: để sống sót, bạn phải biết chưng diện và mồm mép.
Những đứa giản dị và những đứa kiệm lời, hình như giấy tờ của chúng chẳng bao giờ được giải quyết. Nói theo cách của bạn là chúng nó bị cho hồi hương. Nói theo cách của chúng tôi là bị tống về nhà sớm. Như thể đất nước của bạn là một buổi tiệc cho thiếu nhi – một điều quá tuyệt vời không thể kéo dài mãi mãi. Nhưng những đứa xinh đẹp và những đứa mồm mép, thì được phép ở lại. Theo cách này đất nước của bạn trở nên sống động và đẹp đẽ hơn.
Tôi sẽ kể với bạn chuyện gì đã xảy ra khi họ thả tôi khỏi trại nhập cư. Nhân viên trại giam đặt một tấm phiếu lên tay tôi, một phiếu đi xe, và nói tôi có thể gọi điện kêu taxi. Tôi đáp, Cảm ơn ông, cầu Chúa phù hộ cho ông, đem niềm vui đến trái tim ông và thịnh vượng đến những người thân của ông. Nhân viên đó đưa mắt nhìn trần nhà, như thể trên đấy có gì thú vị lắm, rồi nói, Chúa ơi. Rồi ông ta chỉ tay về phía hành lang và nói, Điện thoại ở đằng kia.
Vậy là tôi xếp hàng để gọi điện thoại. Tôi nghĩ mình đã quá khách sáo khi cám ơn nhân viên trại giam. Nữ hoàng hẳn sẽ chỉ nói Cảm ơn, rồi thôi. Thật ra, Nữ hoàng có lẽ sẽ bảo người nhân viên đó đi mà gọi taxi, bằng không sẽ lệnh cho người xử bắn ông ta rồi bêu đầu ở hàng rào chắn trước Pháo đài Tháp London. Tôi nhận ra, ngay lúc đó, rằng học tiếng Anh của Nữ hoàng từ sách báo trong phòng giam là một chuyện, còn thực sự nói ngôn ngữ đó bằng tiếng Anh lại là chuyện khác. Tôi giận mình ghê gớm. Tôi tự nhủ, Mày không thể phạm những sai lầm như thế, nhỏ ạ. Nếu mày nói chuyện như một kẻ man di học tiếng Anh ở trên tàu, thì bọn họ sẽ tìm ra mày và tống thẳng về nhà. Tôi đã nghĩ như thế đấy.
Có ba cô gái xếp hàng trước tôi. Ngày hôm ấy họ thả một lúc bốn người chúng tôi. Hôm đó là thứ Sáu. Đó là một buổi sáng tháng Năm rực rỡ đầy nắng. Hành lang rất bẩn nhưng có mùi sạch sẽ. Đó là một mẹo hay. Chất tẩy rửa, là cách họ làm được việc đó.
Nhân viên trại giam ngồi sau bàn làm việc, chẳng thèm đếm xỉa đến chúng tôi. Ông ta đang đọc tờ báo trải rộng trên bàn. Nó không phải là một trong những tờ báo mà tôi thường đọc để học ngôn ngữ của bạn – The Times hoặc Telegraph hoặc Guardian. Không, tờ báo này không dành cho những người như bạn và tôi. Có một cô gái da trắng trong bức ảnh của tờ báo, cô ta trống phần trên. Chắc bạn hiểu tôi muốn nói gì rồi, vì chúng ta đang nói bằng ngôn ngữ của bạn mà. Nhưng nếu tôi kể chuyện này với chị Nkiruka của tôi và những đứa con gái cùng làng ở quê nhà, thì tôi sẽ phải dừng lại, ngay chỗ này, và giải thích với chúng: trống phần trên không có nghĩa là cô gái trong báo không có nửa thân trên. Nó nghĩa là cô ta không mặc bất kì trang phục nào ở nửa thân trên cả. Bạn thấy sự khác nhau chưa?
“Gượm đã. Cả xu chiêng cũng không mặc à?”
“Cả xu chiêng cũng không mặc.”
“Eo ôi!”
Và rồi tôi sẽ kể tiếp câu chuyện, nhưng mấy đứa con gái ở quê nhà sẽ to nhỏ với nhau. Chúng sẽ lấy tay che miệng rồi cười khúc khích. Sau đó, khi tôi mới kể tiếp đến buổi sáng họ thả tôi ra khỏi trại nhập cư, lũ con gái ấy sẽ ngắt lời tôi lần nữa. Nkiruka sẽ nói, Nghe này, được không? Nghe này. Để cho hai năm rõ mười nhé. Cô gái trong tấm ảnh trên báo. Cô ta là gái điếm, phải không? Là gái ăn sương? Cô ta có dán mắt xuống đất vì xấu hổ không?
“Không, cô ta chẳng dán mắt xuống đất vì xấu hổ gì cả. Cô ta nhìn thẳng vào ống kính và mỉm cười.”
“Cái gì, trên báo á?”
“Ừ.”
“Vậy ở Anh người ta không xấu hổ khi khoe ngực trên báo à?”
“Không. Không hề xấu hổ. Đàn ông thích như thế và nó chẳng có gì đáng hổ thẹn cả. Nếu không thì cô gái trống phần trên đâu có mỉm cười như thế, chị hiểu chứ?”
“Vậy hết thảy con gái ở đấy có khoe hàng như thế không? Đi khắp nơi với cặp vú tưng tưng? Trong nhà thờ, trong cửa hàng và trên đường?”
“Không, chỉ ở trên báo thôi.”
“Sao họ không khoe ngực hết cả đi, nếu đàn ông thích thế và như thế chẳng có gì là hổ thẹn cả?”
“Em không biết.”
“Em sống ở đấy hơn hai năm rồi, em gái biết tuốt ạ. Sao em lại không biết?”
“Ở đấy là thế mà. Phần lớn thời gian ở đó em sống trong bối rối như thế đấy. Đôi khi em nghĩ cả người Anh còn không biết giải thích những việc đấy thế nào.”
“Trời!”
Bạn thấy không, chuyện này sẽ diễn ra như vậy đó, nếu tôi phải dừng lại và giải thích từng chi tiết nhỏ cho mấy đứa con gái ở quê nhà. Tôi sẽ phải giải thích về thảm nhựa lót sàn nhà, chất tẩy rửa, sách báo khiêu dâm hạng nhẹ và phép thuật biến hình đổi dạng của đồng một bảng Anh, như thể toàn bộ những điều bình thường trong cuộc sống hằng ngày này là những bí ẩn kì diệu lắm. Và câu chuyện của tôi sẽ nhanh chóng lạc giữa đại dương mênh mông những điều kì diệu này, vì có vẻ như đất nước của bạn là một liên bang những phép màu, còn câu chuyện của tôi chỉ là một điều cực kì nhỏ bé và tầm thường trong đó. Nhưng với bạn, chuyện dễ dàng hơn nhiều vì tôi có thể nói với bạn, chuyện là, vào buổi sáng họ thả chúng tôi, nhân viên trại giam đang dán mắt vào một tấm ảnh của cô gái ngực trần trên báo. Và bạn hiểu tình huống ấy ngay tức thì. Đó là lý do tôi đã dành hai năm để học tiếng Anh của Nữ hoàng, để bạn và tôi có thể nói chuyện như thế này mà không bị ngắt quãng.
Nhân viên trại giam, người đang xem tấm ảnh mát mẻ trên báo – là một người đàn ông nhỏ con, có mái tóc màu vàng nhạt, giống như món xúp nấm đóng hộp họ cho chúng tôi ăn vào các ngày thứ Ba. Cổ tay ông gầy và trắng bệch hệt như những sợi dây điện được bọc nhựa. Bộ đồng phục quá khổ đối với ông. Vai áo gồ lên như cục bướu ở mỗi bên đầu, giống như ông đang giấu những con vật nhỏ trong đó. Tôi nghĩ đến cảnh những sinh vật đó chớp mắt trước ánh đèn khi ông cởi áo ra vào buổi tối. Tôi nghĩ, Vâng thưa ông, nếu là vợ ông thì tôi sẽ mặc xu chiêng, cám ơn.
Rồi tôi lại nghĩ, Tại sao ông lại dán mắt vào cô gái trong báo, thưa ông, chứ không phải những cô gái đang đứng xếp hàng gọi điện thoại ở đây? Nhỡ chúng tôi bỏ chạy hết thì sao? Nhưng rồi tôi nhớ ra, họ đã thả chúng tôi rồi mà. Điều này thật khó mà hiểu được sau ngần ấy thời gian. Hai năm, tôi đã sống trong trại giam đó. Tôi mới mười bốn tuổi khi đến đất nước của bạn nhưng tôi không có bất kì giấy tờ gì để chứng minh điều đó, vì thế họ đưa tôi vào trại giam của người lớn. Vấn đề là, ở đó nam nữ bị nhốt chung với nhau. Ban đêm họ giam đàn ông ở một mé khác của trại giam. Họ nhốt những người ấy vào lồng giống như bầy sói khi mặt trời khuất dạng, nhưng vào ban ngày những người đàn ông trà trộn vào chúng tôi, ăn thức ăn giống chúng tôi. Tôi nghĩ trông họ vẫn đói khát. Tôi nghĩ họ nhìn tôi với ánh mắt thèm thuồng. Vì thế khi những đứa con gái lớn hơn thì thầm với tôi, Để sống sót mày phải biết chưng diện và mồm mép, tôi quyết định rằng nói chuyện thì sẽ an toàn hơn cho tôi.
Tôi khiến mình trông tởm lợm bằng cách né tắm gội, để cho da dẻ nhễ nhại. Tôi quấn một mảnh vải cotton to quanh ngực dưới lớp áo để làm cho ngực mình bé đến mức gần như phẳng lì. Khi những thùng quà từ thiện được gửi đến, chứa đầy quần áo và giày dép cũ, vài đứa con gái khác lại cố gắng trau chuốt để đẹp hơn, nhưng tôi chỉ lục lọi những thùng giấy bồi để tìm quần áo che được thân hình mình. Tôi mặc quần jeans xanh rộng thùng thình và áo sơmi Hawaii của nam giới, mang giày bốt đen nặng trịch với mũi thép bóng loáng trên lớp da bị rách. Tôi đi gặp y tá trại giam và bảo cô cắt cụt mái tóc của mình bằng kéo y tế. Suốt hai năm trời tôi không cười, thậm chí cũng không nhìn vào mặt bất kì người đàn ông nào. Tôi sợ. Chỉ về đêm, sau khi người ta đã nhốt cánh đàn ông, tôi mới trở về phòng giam của mình, tháo miếng vải khỏi ngực và hít thở sâu. Sau đó tôi cởi đôi giày bốt nặng trịch và co hai đầu gối lên chống cằm. Mỗi tuần một lần, tôi ngồi trên miếng nệm xốp của giường mình và sơn móng chân. Tôi tìm thấy lọ sơn nhỏ ở dưới đáy thùng từ thiện. Nó còn nguyên nhãn giá. Nếu biết được ai là người cho nó, tôi sẽ nói với người đó rằng với một đồng bảng Anh và chín mươi chín xu, họ đã cứu cuộc đời tôi. Vì đây là điều tôi làm ở nơi đó, để nhắc mình nhớ rằng mình vẫn còn sống bên dưới tất cả mọi thứ: dưới mũi giày thép tôi sơn móng chân màu đỏ. Thỉnh thoảng khi cởi bốt ra, tôi lại nhắm nghiền mắt cố không khóc, rồi đung đưa người tới lui, run cầm cập vì lạnh.
Chị Nkiruka của tôi, chị ấy đã thành đàn bà vào mùa dậy thì, dưới mặt trời châu Phi, và ai có thể trách chị nếu cái nóng đỏ rực của nó làm chị thẫn thờ và ngả ngớn? Ai có thể tựa lưng vào cột cửa và mỉm cười vẻ mãn nguyện khi thấy mẹ tôi bảo chị ngồi xuống để nói, Nkiruka, con gái yêu của mẹ, con không được cười với những chàng trai lớn hơn như thế, nghe chưa?
Còn tôi, tôi thành đàn bà dưới ánh điện huỳnh quang trắng, trong một căn phòng dưới mặt đất ở một trại nhập cư cách London sáu mươi lăm cây số về phía đông. Ở đó không có mùa. Ở đó lạnh cắt da cắt thịt, và tôi chẳng có ai để đưa đẩy cười duyên. Những năm tháng lạnh lẽo ấy đã đóng băng trong lòng tôi. Cô bé châu Phi bị họ nhốt ở trại nhập cư, cô bé tội nghiệp, nó chưa bao giờ thực sự trốn thoát. Trong tâm hồn tôi nó vẫn bị nhốt ở đó, vĩnh viễn, dưới ánh đèn huỳnh quang, ngồi bó gối trên tấm thảm nhựa trải sàn, hai đầu gối đặt dưới cằm. Còn người đàn bà họ thả từ trại giam, sinh vật là tôi lúc này, là một chủng người mới. Ở tôi chẳng có gì là tự nhiên. Tôi được sinh ra – không – tôi được tái sinh – trong cảnh giam cầm. Tôi học ngôn ngữ của mình từ báo chí của bạn, quần áo của tôi là đồ loại thải của bạn, và chính đồng bảng của bạn khiến túi tôi đau đớn mỗi khi nó vắng mặt. Hãy tưởng tượng một cô gái trẻ được cắt ra từ ảnh quảng cáo tươi cười của tạp chí Cứu trợ trẻ em, mặc bộ quần áo màu hồng nhàu nát từ thùng rác trong bãi đỗ xe siêu thị gần nhà bạn và nói thứ tiếng Anh như mục xã luận trên báo The Times, hình dung mà xem. Tôi sẽ băng qua đường để tránh chính mình. Nói thật, đây là điều duy nhất mà người dân ở đất nước bạn và người dân ở đất nước tôi đều đồng tình. Họ nói, Con bé tị nạn đó không phải là người của chúng tôi. Con bé đó không thuộc về chúng tôi. Đó là một kẻ nửa người nửa ngợm, một sản phẩm của quá trình phối giống không tự nhiên, một khuôn mặt xa lạ trên cung trăng.
Thế đấy, tôi là một người tị nạn, và tôi rất cô đơn. Có phải là lỗi của tôi khi tôi trông không giống một cô gái Anh và tôi nói chuyện chẳng giống người Nigeria? Chà, ai bảo một cô gái Anh phải có làn da trắng bệch như những đám mây trôi qua mùa hè của cô ta? Ai bảo một cô gái Nigeria phải nói thứ tiếng Anh thua trận, tựa như tiếng Anh đã đụng độ với tiếng Ibo, tít ở trên khí quyển, rồi trút xuống miệng cô sầm sập như thác đổ và khiến cô sặc sụa với những câu chuyện đáng yêu về màu da châu Phi tươi sáng và dư vị của món chuối chiên? Không phải như một người kể chuyện, mà như một nạn nhân được cứu khỏi lũ lụt, khạc từ phổi ra thứ nước thuộc địa?
Xin thứ lỗi cho tôi vì đã học ngôn ngữ của bạn một cách tử tế. Tôi ở đây để kể cho bạn nghe một câu chuyện có thật. Tôi không đến để nói với bạn về màu da sáng châu Phi. Tôi là một công dân được tái sinh của một nước đang phát triển, và tôi sẽ chứng tỏ cho bạn thấy màu cuộc đời tôi là màu xám. Và nếu tôi có lén lút yêu thích món chuối chiên, thì chuyện đấy phải được giữ kín giữa hai chúng ta và tôi van nài bạn đừng kể với ai hết. Được chứ?
Vào buổi sáng thả chúng tôi khỏi trại giam, họ trả lại chúng tôi toàn bộ tài sản của mình. Tôi giữ tài sản của tôi trong một chiếc túi nhựa trong suốt. Một quyển Từ điển tiếng Anh bỏ túi của Collins Gem, một đôi tất xám, một chiếc quần lót xám, một giấy phép lái xe tại Vương quốc Anh không phải của tôi, và một tấm danh thiếp chống thấm cũng không phải của tôi nốt. Nếu bạn muốn biết, thì những thứ này thuộc về một người da trắng tên là Andrew O’Rourke. Tôi gặp chú ấy trên một bãi biển.
Chiếc túi nhựa nhỏ này là vật tôi đang cầm trong tay khi nhân viên trại giam bảo tôi đi đến chỗ xếp hàng để gọi điện thoại. Cô gái đầu tiên trong hàng cao hơn tôi và rất xinh. Ưu điểm của cô ấy là nhan sắc, không phải là tài ăn nói. Tôi tự hỏi ai trong hai chúng tôi đã có lựa chọn sáng suốt hơn để sống sót. Cô gái này đã nhổ sạch lông mày của mình rồi sau đó vẽ lại chúng bằng bút chì. Đó là việc cô đã làm để cứu mạng mình. Cô đang mặc một chiếc đầm chữ A màu tím, in hình những ngôi sao và mặt trăng màu hồng. Cô quấn một chiếc khăn choàng màu hồng xinh xắn quanh tóc mình, chân đi dép màu tím. Tôi nghĩ cô hẳn đã bị nhốt rất lâu trong trại giam của chúng tôi. Chắc bạn cũng hiểu, phải lục lọi qua một số lượng lớn thùng từ thiện mới kết hợp được một bộ trang phục thực sự gọi là ra tấm ra món.
Trên đôi chân màu nâu của cô gái có nhiều vết sẹo nhỏ màu trắng. Tôi không rõ những vết sẹo đó có rải khắp cơ thể cô như những ngôi sao và mặt trăng trên chiếc đầm cô mặc? Tôi nghĩ như thế cũng đẹp, và tôi đề nghị bạn vào ngay lúc này đồng ý với tôi rằng, sẹo không có gì là xấu xí cả. Những kẻ gây ra sẹo muốn chúng tôi nghĩ chúng rất xấu xí. Nhưng giữa bạn với tôi, chúng ta phải nhất trí để chống lại bọn họ. Chúng ta phải thấy mọi vết sẹo đều đẹp đẽ. Được chứ? Đây sẽ là bí mật của chúng ta. Vì, tin tôi đi, sẹo không hình thành trên kẻ sắp chết. Một vết sẹo có nghĩa là “Tôi đã sống sót”.
Một chốc nữa tôi sẽ kể vài chuyện buồn với bạn. Nhưng bạn phải nghe nó như cách mà chúng ta đã nhất trí sẽ nhìn nhận những vết sẹo vào lúc này. Những chuyện buồn cũng là một nét đẹp. Một câu chuyện buồn có nghĩa là người kể câu chuyện này còn sống. Rồi bạn sẽ nhận ra điều tốt lành sẽ đến với cô ấy, điều gì đó phi thường, và rồi cô ấy sẽ ngoái đầu lại và mỉm cười.
Cô gái chân sẹo mặc chiếc đầm chữ A màu tím đang nói vào ống nghe điện thoại. A nô, taxi à? Anh đến đón em, há? Tốt. Ồ, nơi em đến há? Em đến từ Jamaica í, cứ biết vậy đi. Hả? Cái gì? Ồ, em đến đâu bây giờ á? Được giồi, chờ nhá.
Cô lấy tay bịt ống nghe, quay sang cô thứ hai trong hàng, hỏi, Này cậu, ở đây tên nà dì, bây giờ bọn ta đang ở đâu ấy nhẩy? Nhưng cô thứ hai chỉ ngước lên nhìn cô rồi nhún vai. Cô thứ hai rất gầy, làn da màu nâu sậm, mắt màu xanh lá cây tựa viên kẹo thạch sau khi bạn mút hết lớp đường ở bên ngoài rồi đưa nó lên dưới ánh trăng. Cô ấy đẹp đến nỗi tôi chẳng biết giải thích ra làm sao. Cô mặc áo sari vàng và đang cầm túi nhựa trong như tôi, nhưng bên trong chẳng có gì. Ban đầu tôi tưởng nó trống rỗng, nên đã nghĩ, Sao bạn lại cầm chiếc túi đó nếu bên trong nó chẳng có gì? Tôi có thể nhìn xuyên túi thấy bộ sari của cô, vì vậy tôi kết luận là cô đang cầm một chiếc túi màu vàng chanh. Đó là tất cả những gì cô ấy có khi họ thả chúng tôi ra.
Tôi biết một chút về cô thứ hai. Có lần tôi bị giam cùng phòng với cô trong hai tuần, nhưng cả hai chưa bao giờ nói chuyện với nhau. Cô không hề nói một từ tiếng Anh nào. Đó là lý do vì sao cô chỉ nhún vai và nắm chặt chiếc túi màu vàng chanh của mình. Vì vậy cô gọi điện ngước mắt nhìn trần nhà, giống như nhân viên trại giam ngồi ở bàn đã làm.
Rồi cô gọi điện quay sang cô thứ ba trong hàng và hỏi, Thế cậu biết tên chỗ lày đang ở há? Nhưng cô thứ ba cũng không biết. Cô mặc áo thun màu xanh dương và quần jeans xanh, mang giày thể thao màu trắng hiệu Dunlop Green Flash. Cô chỉ đứng sựng đó và nhìn xuống chiếc túi trong suốt chứa đầy thư từ và tài liệu của mình. Có quá nhiều giấy tờ trong túi, tất cả đều nhàu nhò, đến nỗi cô phải dùng một tay đỡ dưới túi để nó không bị rách. Cô thứ ba này, tôi cũng biết một chút. Cô không đẹp, cũng chẳng giỏi ăn nói, nhưng vẫn còn một thứ có thể giúp bạn khỏi bị trả về nhà sớm. Ưu điểm của cô gái này là, cô viết tất tần tật chuyện của mình ra giấy và hợp pháp hóa nó. Có những con dấu ở cuối câu chuyện của cô khẳng định bằng mực đỏ rằng chuyện này là CÓ THẬT. Tôi nhớ có lần cô kể chuyện của mình cho tôi nghe và nó giống như thế này, toán-người-đến-và-chúng-đốt-làng-tôi-trói-các-con-gái-tôi-hiếp-các-con-gái-tôi-bắt-các-con-gái-tôi-đánh-chồng-tôi-cắt-ngực-tôi-tôi-bỏ-chạy-băng-qua-rừng-thấy-một-con-tàu-băng-qua-biển-rồi-họ-đưa-tôi-vào-đây. Hoặc đại loại một chuyện như thế. Tôi bị lẫn lộn giữa các câu chuyện trong trại giam đó. Tất cả các câu chuyện của những cô gái đều bắt đầu bằng toán-người-đến-và-chúng-. Và tất cả các câu chuyện đều kết thúc bằng rồi-họ-đưa-tôi-vào-đây. Các câu chuyện đều buồn, nhưng bạn và tôi đã nhất trí với nhau về những chuyện buồn. Với cô gái này – cô thứ ba trong hàng – câu chuyện của cô khiến cô buồn đến mức không biết cả tên của cái nơi mà cô đang ở và cũng không muốn biết. Cô thậm chí không một chút tò mò.
Thế là cô gái đang cầm ống nghe lại hỏi cô thứ ba lần nữa. Cái gì? Cô ấy nói. Cậu cũng chẳng lói được há? Sao cậu nại chẳng biết tên chỗ đang ở lày?
Rồi cô thứ ba trong hàng lại hướng mắt mình lên trần nhà, vì vậy cô gái đang cầm ống nghe lại hướng mắt lên trần nhà lần thứ hai. Tôi nghĩ, Được rồi, giờ thì nhân viên trại giam đã nhìn lên trần nhà một lần, cô thứ ba đã nhìn lên trần nhà một lần, cô thứ nhất đã nhìn lên trần nhà hai lần, vậy có lẽ rốt cuộc là có câu trả lời trên trên trần nhà thật rồi. Có lẽ có những câu chuyện được viết trên trần nhà với nội dung đại khái như toán-người-đến-và-họ-đem-cho-chúng-tôi-váy-áo-sặc-sỡ-tìm-củi-nhóm-lửa-kể-chuyện-tiếu-lâm-uống-bia-với-chúng-tôi-đuổi-bắt-chúng-tôi-đến-khi-chúng-tôi-cười-ngặt-nghẽo-ngăn-muỗi-không-đốt-kể-cho-chúng-tôi-mẹo-tóm-đồng-một-bảng-Anh-biến-mặt-trăng-thành-phô-mai Ô, và rồi họ đưa tôi vào đây.
Tôi ngước lên trần nhà, nhưng trên đấy chỉ có sơn trắng và những bóng đèn huỳnh quang.
Cuối cùng cô gái gọi điện thoại nhìn tôi. Thế là tôi bảo cô, Tên nơi này là Trung tâm Điều chuyển Nhập cư Black Hill. Cô gái nhìn tôi chăm chú. Cô em dỡn há, cô ấy nói. Tên quái chiêu vậy há? Vì thế tôi chỉ vào tấm biển kim loại được bắt vít vào tường phía trên chiếc điện thoại. Cô nhìn nó rồi nhìn lại tôi, và nói, Xin nỗi cưng, chị ứ biết đọc. Vì thế tôi đọc to cho cô nghe, và đọc đến từ nào tôi chỉ vào từ đó. TRUNG TÂM ĐIỀU CHUYỂN NHẬP CƯ BLACK HILL, HIGH EASTER, CHELMSFORD, ESSEX. Cám ơn, người quí hóa, cô đầu tiên nói, rồi nhấc ống nghe lên.
Cô nói vào ống nghe: Được giồi, nghe đây ông anh, chỗ em đang ở lày gọi nà Điều truyển Tập chung Black Hill. Rồi cô nói, Khoan lào, đợi đã. Rồi cô buồn bã gác ống nghe lên điện thoại. Tôi hỏi, Có chuyện gì vậy? Cô đầu tiên thở dài đáp, Tài xế taxi bảo ứ rước khách chỗ lày. Rồi não nói, nũ chúng mày nà đồ scum. Cưng biết từ lày không?
Tôi nói không, vì không biết chắc lắm, nên tôi lấy quyển từ điển tiếng Anh bỏ túi của Collins Gem ra khỏi chiếc túi trong suốt của mình để tra từ đó. Tôi nói với cô đầu tiên, Chị là lớp váng bẩn hoặc rau củ hình thành trên bề mặt chất lỏng. Cô nhìn tôi rồi nhìn lại mình và chúng tôi cười khúc khích vì chẳng biết làm gì với thông tin ấy. Đây luôn là vấn đề của tôi mỗi khi tôi học nói ngôn ngữ của bạn. Mỗi từ đều có khả năng tự vệ. Khi ta vừa định tóm lấy, nó đã tách thành hai nghĩa khác nhau, khiến cho việc hiểu ý nghĩa của nó cứ lơ lửng trên không trung. Tôi ngưỡng mộ các bạn. Các bạn giống hệt những thầy phù thủy và các bạn đã giữ cho ngôn ngữ của mình an toàn cũng như tiền bạc của các bạn vậy.
Vậy là tôi và cô thứ nhất trong hàng chờ gọi điện thoại cười khúc khích với nhau, và tôi đang cầm chiếc túi trong suốt của mình, còn cô cầm chiếc túi trong suốt của cô. Có một chiếc chì kẻ lông mày màu đen và một cây nhíp với ba khoanh dứa khô trong túi cô ấy. Cô đầu tiên thấy tôi đang nhìn túi cô và ngưng cười. Nhìn gì mà nhìn? Cô hỏi. Tôi nói tôi không biết. Cô nói, Lày, tôi nà tôi biết cô em đang nghĩ gì nhá. Cô nghĩ nà, giờ chả có taxi lào đón, chị ứ đi xa được với cây chì kẻ nông mày cộng cây nhíp với ba khoanh dứa? Cho nên tôi nói với cô, Có lẽ chị có thể dùng cây chì kẻ lông mày để viết chữ GIÚP TÔI VỚI, sau đó có thể tặng những khoanh dứa cho người đầu tiên giúp chị. Cô ấy nhìn tôi như thể tôi bị hâm, rồi nói: Được giồi, cô em, một, chị mày chẳng giấy lào để viết, hai, chị mày ứ biết viết, chỉ biết vẽ nên nông mày, và ba, chị mày định ăn chỗ dứa đấy. Rồi cô trợn mắt nhìn tôi trừng trừng.
Khi chuyện này diễn ra, cô thứ hai trong hàng, cô gái mặc sari màu vàng chanh và cầm chiếc túi đầy màu vàng, trở thành cô đầu tiên trong hàng, vì lúc này cô đang cầm ống nghe điện thoại trong tay. Cô đang thì thầm vào nó bằng một ngôn ngữ nghe như những cánh bướm chìm trong hũ mật. Tôi vỗ vai cô, giật sari của cô, và bảo cô: Làm ơn đi, chị phải cố nói chuyện với họ bằng tiếng Anh. Cô gái sari nhìn tôi, và dừng nói chuyện bằng ngôn ngữ loài bướm. Thật chậm rãi và thận trọng, như đang nhớ lại các từ trong một giấc mơ, cô nói vào ống nghe: Nước Anh, Vâng làm ơn. Vâng làm ơn cám ơn, tôi muốn đến nước Anh.
Thế là cô mặc áo đầm chữ A màu tím gí sát mũi mình vào mũi cô mặc sari vàng chanh, rồi gõ ngón tay mình lên trán cô ta và miệng phát ra âm thanh như tiếng cán chổi khua vào thùng rỗng. Boong! Boong! Cô váy tím nói. Cậu đã ở Anh rồi nhá, hiểu không? Rồi cô chỉ cả hai ngón trỏ xuống sàn nhà trải thảm nhựa. Cô nói: Đây nà nước Anh, người đẹp ơi, cậu không thấy à? Ngay đây lày, thấy chưa? Đây nà chỗ bọn ta ở rồi.
Cô áo sari vàng câm như hến. Cô chỉ nhìn lại trân trối với đôi mắt màu xanh lá cây như hai mặt trăng thạch. Vì thế cô váy tím, cô Jamaica, nói, Đây, đưa ló cho tôi, rồi giật lấy ống nghe khỏi tay cô mặc sari. Đoạn cô đưa ống nghe lên miệng rồi nói, Nghe đây, đợi đã, xin chờ một phút. Nhưng sau đó cô im lặng và chuyền ống nghe cho tôi. Tôi áp tai nghe, nhưng chỉ có tiếng tút tút. Thế là tôi quay sang cô mặc sari. Chị phải bấm số trước, tôi nói. Chị hiểu không? Bấm số trước, rồi nói với người lái taxi chị muốn đi đâu. Được không?
Nhưng cô mặc sari, cô ấy chỉ nheo mắt nhìn tôi, rồi kéo chiếc túi trong suốt màu vàng chanh lại gần mình hơn một chút, như thể tôi sắp sửa giật lấy nó giống như cách mà cô gái kia đã giật lấy ống nghe điện thoại. Cô mặc áo đầm tím thở dài rồi quay sang tôi. Bó chưn rồi, nhóc, cô ấy nói. Chúa sẽ gọi các con của ngài về nhà trước cả khi con nhỏ lày gọi được taxi. Rồi cô chuyển ống nghe cho tôi. Đây lày, cô nói. Nhóc thử một nần coi.
Tôi chỉ vào cô thứ ba trong hàng, cô có chiếc túi đựng tài liệu và mặc áo thun xanh, mang giày thể thao Dunlop Green Flash. Còn chị ấy thì sao? Tôi nói. Chị ấy xếp hàng trước em. Ờ, cô mặc áo đầm tím nói, nhưng mụ ấy không có đ-ộng n-ực. Phải không, cô em? Rồi cô nhìn chằm chằm vào cô gái với túi tài liệu, nhưng cô gái với túi tài liệu chỉ nhún vai và nhìn xuống đôi giày Dunlop Green Flash của mình. Không phải vậy sao, cô mặc áo đầm tím nói, rồi quay sang tôi. Tùy nhóc đó. Phải lói nàm xao để xách cả bọn ra khỏi đây, trước khi lũ kia đổi ý nhốt hết đám nại.
Tôi nhìn xuống cái ống nghe màu xám bẩn thỉu và chợt cảm thấy sợ. Tôi nhìn lại cô đầm tím. Chị muốn đi đâu? Tôi hỏi. Cô ấy đáp, Đâu cũng đi. Gì cơ? Đâu cũng được, cô em ạ.
Tôi bấm số của hãng taxi in trên điện thoại. Giọng một người đàn ông vang lên. Ông ta có vẻ mệt mỏi. Dịch vụ chở khách, ông nói. Nghe như ông đang làm ơn làm phước cho tôi chỉ với việc nói ra những từ đấy.
“Xin chào, tôi muốn gọi một chiếc taxi ạ.”
“Cô muốn gọi xe chở khách?”
“Vâng. Làm ơn. Một chiếc taxi-chở khách. Cho bốn người.”
“Từ chỗ nào?”
“Từ Trung tâm điều chuyển nhập cư Black Hill, thưa ông. Ở High Easter. Nó gần Chelmsford.”
“Tôi biết nó ở đâu. Giờ cô nghe tôi đây…”
“Làm ơn, được rồi. Tôi biết các ông không đón người tị nạn. Chúng tôi không phải dân tị nạn. Chúng tôi là lao công. Chúng tôi làm việc ở đây.”
“Các cô là lao công?”
“Vâng.”
“Và đó là sự thật, phải không? Vì nếu tôi được một bảng mỗi khi có một người nhập cư chó chết lên sau xe tôi mà không biết chúng muốn đi đâu và bắt đầu nói huyên thuyên với tài xế của tôi bằng tiếng Swahili rồi tìm cách trả tiền bằng thuốc lá, thì giờ này tôi đã chơi golf thay vì nói chuyện với cô rồi.”
“Chúng tôi là lao công.”
“Được rồi. Đúng là cô không nói năng như bọn chúng. Cô muốn đi đâu?”
Tôi đã ghi nhớ địa chỉ trên tờ giấy phép lái xe Vương quốc Anh trong chiếc túi nhựa trong của mình. Andrew O’Rourke, người đàn ông da trắng tôi đã gặp trên bãi biển: chú ấy sống ở thị trấn Kingston-mạn-trên-Thames ở hạt Surrey của Anh. Tôi nói vào ống nghe.
“Làm ơn đến Kingston.”
Cô váy tím chộp cánh tay tôi và rít lên. Đừng, nhóc! Đâu cũng được trừ Jamaica. Bọn đó tóm được tôi nà xử niền nập tức, chết khỏi ngáp nuôn. Tôi không hiểu tại sao cô lại sợ, nhưng giờ thì tôi biết rồi. Có một Kingston ở nước Anh nhưng cũng có một Kingston ở Jamaica, nơi khí hậu khác hẳn. Đây lại là một công trình vĩ đại khác mà những thầy phù thủy các bạn đã tạo ra – ngay cả thành phố của các bạn cũng có bản sao.
“Kingston hả?” Người đàn ông trong điện thoại hỏi.
“Kingston-mạn-trên-Thames,” tôi nói.
“Chỗ đó xa tít mù nhỉ? Nó nằm ở đâu?”
“Surrey,” tôi nói.
“Surrey. Các cô là bốn người lao công đến từ hạt Surrey lịch sự, cô định nói với tôi thế hả?”
“Không. Chúng tôi là lao công ở gần đây. Nhưng họ cử chúng tôi đến dọn dẹp ở Surrey.”
“Vậy thì, tiền mặt hay tài khoản đây?”
Giọng người đàn ông đó thật mệt mỏi.
“Gì ạ?”
“Cô sẽ trả bằng tiền mặt, hay là sẽ tính vào hóa đơn của trại giam?”
“Chúng tôi sẽ trả tiền mặt, thưa ông. Chúng tôi sẽ trả khi đến nơi.”
“Nên là thế.”
Tôi lắng nghe trong một phút rồi ấn bàn tay xuống giá để ống nghe của điện thoại. Tôi bấm một số khác. Đây là số điện thoại in trên tấm danh thiếp mà tôi giữ trong chiếc túi trong suốt của mình. Tấm danh thiếp đã bị nước làm hỏng. Tôi không phân biệt được số cuối cùng là 8 hay 3. Tôi thử số 8, vì ở nước tôi những số lẻ thường đem lại xui xẻo, mà đó là thứ duy nhất tôi đã có quá đủ.
Một người trả lời điện thoại. Ông ta bực dọc.
“Ai đấy? Giờ này mới sáu giờ sáng.”
“Có phải là chú Andrew O’Rourke không ạ?”
“Phải. Cô là ai?”
“Cháu đến gặp chú được không, thưa chú?”
“Kẻ quái quỷ nào thế này?”
“Chúng ta gặp nhau trên bãi biển ở Nigeria. Cháu nhớ chú rất rõ, thưa chú O’Rourke. Bây giờ cháu đang ở Anh. Cháu đến gặp chú và cô Sarah được không? Cháu không còn nơi nào để đi nữa.”
Đầu dây bên kia im lặng. Rồi người đàn ông cất tiếng ho và phá ra cười.
“Đây là một trò đùa, có phải không? Ai đấy? Tôi cảnh cáo nhé, tôi gặp những kẻ tâm thần như cô nhiều rồi. Để tôi yên, nếu không cô sẽ không xong đâu. Báo của tôi sẽ truy tố đấy. Họ sẽ truy tìm người thực hiện cuộc gọi này và tìm ra cô ở đâu rồi đến bắt cô. Cô không phải là người đầu tiên đâu.”
“Chú không tin là cháu sao?”
“Hãy để tôi yên. Hiểu chưa? Tôi không muốn nghe nữa. Những chuyện đó xảy ra lâu lắm rồi và đó không phải lỗi của tôi.”
“Cháu sẽ đến nhà chú. Như vậy chú mới tin đấy là cháu.”
“Không.”
“Cháu không biết ai khác ở nước này nữa, thưa chú O’Rourke. Cháu xin lỗi. Cháu chỉ định báo với chú để chú chuẩn bị thôi.”
Người đàn ông không còn nóng nảy nữa. Ông phát ra một tiếng rên nhỏ, như một đứa bé sợ sệt về chuyện sắp xảy ra. Tôi gác máy và quay lại những cô gái khác. Tim tôi đập nhanh đến nỗi tôi nghĩ mình sẽ nôn ra ngay trên sàn nhà lót thảm nhựa đó. Những cô khác đang nhìn tôi trân trối, hồi hộp và chờ đợi.
“Thế lào?” Cô mặc đầm tím hỏi.
“Hmm?” Tôi đáp.
“Taxi đó, cô em! Có chuyện với taxi giồi há?”
“Ồ, phải rồi, xe taxi. Ông taxi nói mười phút nữa xe sẽ đến đón chúng ta. Ông ấy bảo chúng ta đợi bên ngoài.” Cô mặc đầm tím mỉm cười.
“Tên chị nà Yevette. Từ Jamaica, à há. Em có ích đấy, cưng à. Người ta gọi em nà gì?”
“Tên em là Ong Nhỏ.”
“Tên đấy mà nà tên há?”
“Đó là tên em.”
“Em tới từ xứ lào, xứ lào mà nại gọi mấy đứa con gái bằng tên côn trùng?”
“Nigeria.”
Yevette phá ra cười. Đó là một tiếng cười lớn, như giọng cười của vai chính phản diện trong các bộ phim cướp biển.
WU-ha-ha-ha-ha! Nó khiến ống nghe điện thoại rung rinh trên giá đỡ. Nye-JIRRYA! Yevette nói. Rồi cô xoay người lại những cô gái khác, cô mặc sari và cô cầm tài liệu. Đi với bọn tớ lào, các cô gái, cô nói. Bọn mình nà Niên Hịp Quấc đấy há, hôm lay cả bọn đi theo Nye-JIRRYA. WU-ha-ha-ha-ha!
Yevette vẫn cười sằng sặc khi bốn người chúng tôi đi qua khỏi bàn an ninh về phía cửa. Nhân viên trại giam ngước lên từ tờ báo khi chúng tôi đi qua. Cô ngực trần đã biến mất – ông ta đã giở sang trang mới. Tôi nhìn xuống tờ báo của ông. Tiêu đề trên trang mới viết NGƯỜI XIN TỊ NẠN ĐANG ĂN THỊT THIÊN NGA[1] CỦA CHÚNG TA. Tôi nhìn lại nhân viên trại giam, nhưng ông không ngước lên nhìn tôi. Trong lúc tôi nhìn ông đưa tay lên che tiêu đề đó lại. Ông làm ra vẻ như muốn gãi cùi chỏ. Hoặc có thể đúng là ông cần gãi cùi chỏ. Tôi nhận ra mình chẳng biết gì về đàn ông ngoại trừ nỗi sợ hãi. Một bộ đồng phục quá khổ đối với bạn, một chiếc bàn quá nhỏ đối với bạn, một ca làm tám tiếng quá dài đối với bạn, rồi đột nhiên xuất hiện cô gái với ba kí lô tài liệu và không một mảy may động lực nào, một cô khác với đôi mắt màu xanh thạch và chiếc áo sari vàng xinh đẹp đến độ bạn không thể nhìn cô quá lâu nếu không tròng mắt bạn sẽ nổ tung, một cô thứ ba đến từ Nigeria được đặt tên theo một con ong mật, và một ả đàn bà ồn ào từ Jamaica có giọng cười như cướp biển Bluebeard. Có lẽ đây chính xác là kiểu tình huống khiến cùi chỏ của một người đàn ông ngứa ngáy.
Tôi ngoái lại nhìn nhân viên trại giam trước khi đi ra khỏi khung cửa hai cánh. Ông đang dõi theo chúng tôi. Trông ông thật bé nhỏ và đơn độc ở đó, với cổ tay gầy gò nhỏ nhắn, dưới ánh đèn huỳnh quang. Ánh sáng khiến làn da ông trông xanh xao, màu của một con ngài mới ra khỏi kén. Ánh mặt trời sáng sớm đang chiếu xuyên qua lớp cửa kính. Người nhân viên nhíu mắt vì chói. Tôi nghĩ chúng tôi chỉ còn là những cái bóng trong mắt ông. Ông mở miệng ra, như định nói gì đấy, nhưng rồi dừng lại.
“Cái gì ạ?” Tôi hỏi. Tôi nhận ra ông định bảo chúng tôi rằng đã có sự nhầm lẫn. Tôi tự hỏi chúng tôi có nên bỏ chạy không. Tôi không muốn trở lại trại giam. Tôi tự hỏi nếu chạy thì chúng tôi có thể chạy được bao xa. Tôi tự hỏi liệu họ có dùng chó đuổi theo chúng tôi không.
Nhân viên trại giam đứng dậy. Tôi nghe tiếng ghế dịch chuyển trên nền nhà lót thảm nhựa. Ông đứng đấy, hai tay chống nạnh.
“Này các cô?” Ông gọi.
“Vâng ạ?”
Ông nhìn xuống đất, rồi lại ngước lên.
“Chúc may mắn nhé,” ông nói.
Và chúng tôi quay lại, tiến về phía ánh sáng. Tôi đẩy cánh cửa mở toang, rồi đứng im như trời trồng. Chính ánh sáng mặt trời chặn tôi lại. Tôi cảm thấy thật mong manh khi bước ra từ trại giam, tôi sợ những ánh sáng mặt trời rực rỡ ấy sẽ ngắt nửa tôi ra. Tôi không thể đặt bước đầu tiên ra ngoài.
“Xao ngừng nại, Ong Nhỏ?”
Yevette đang đứng sau lưng tôi. Tôi đang chắn đường của mọi người.
“Xin chờ một chút.”
Bên ngoài, không khí trong lành mang mùi hương cỏ ướt. Nó thổi vào mặt tôi. Mùi hương khiến tôi bấn loạn. Trong hai năm tôi đã chỉ ngửi thấy mùi nước tẩy, mùi sơn móng tay của mình, và mùi thuốc lá của những người bị giam khác. Không có gì tự nhiên. Không có gì như thế này. Tôi cảm thấy nếu mình tiến lên một bước, mặt đất sẽ dựng lên và khước từ tôi. Ở tôi chẳng có gì tự nhiên cả. Tôi đứng đó trong đôi bốt nặng trịch, với bộ ngực bị bó chặt, không phải đàn bà cũng chẳng ra con gái, một sinh vật đã quên mất ngôn ngữ của mình và học ngôn ngữ của bạn, một sinh vật với quá khứ đã tan thành tro bụi.
“Cô em đợi cái quái dì lữa hả?”
“Em sợ, Yevette ạ.”
Yevette lắc đầu và mỉm cười.
“Có nẽ em sợ nà đúng, Ong Nhỏ à, vì em nà đứa thông minh. Có nẽ chị nà quá ngu lên chẳng sợ rì. Nhưng chị đã bị nhốt ở chốn đấy mười tám tháng giồi, và lếu em nghĩ chị đủ ngốc để đợi một giây chỉ vì em giun và sợ vãi ra, thì em lên nghĩ nại.”
Tôi quay lại để nhìn mặt cô, tay vẫn nắm chặt khung cửa.
“Em không nhúc nhích được,” tôi nói.
Đúng lúc đó Yevette đẩy ngực tôi thật mạnh khiến tôi văng ra phía sau. Và mọi chuyện là như thế, lần đầu tiên tôi chạm đất Anh như một người tự do không phải bằng gót giày bốt của mình mà bằng mông quần.
“WU-ha-ha-ha-ha!” Yevette nói. “Chào mừng đến Vương quốc Anh, thật nà vẻ vang quá phải không lào?”
Khi đã hoàn hồn, tôi cũng phá ra cười. Tôi ngồi trên mặt đất, mặt trời ấm áp chiếu lên lưng, và tôi nhận ra mặt đất đã không khước từ tôi, ánh sáng đã không cắn tôi đứt đôi.
Tôi đứng dậy và mỉm cười với Yevette. Tất cả chúng tôi đi vài bước ra khỏi khu trại giam. Trong lúc bước đi, khi những cô gái khác không để ý, tôi luồn tay xuống dưới làn áo sơ mi Hawaii của mình và gỡ miếng băng đang đè chặt ngực. Tôi tháo nó ra, ném xuống và dùng gót giày gí nó sâu xuống đất. Tôi hít thở thật sâu bầu không khí trong lành, sạch sẽ.
Khi chúng tôi đến cổng chính, bốn người dừng lại một chút. Chúng tôi nhìn ra hàng rào dây thép gai cao ngút và nhìn xuống sườn đồi Black Hill. Miền đồng quê nước Anh trải dài đến tận chân trời. Sương mù bảng lảng treo lơ lửng trên các thung lũng, và đỉnh những ngọn đồi nhỏ vàng rực dưới ánh mặt trời buổi sáng, tôi mỉm cười vì toàn thế giới thật tươi tắn, mới mẻ và tinh khôi.
2
Từ mùa xuân năm 2007 đến cuối mùa hè dài khi Ong Nhỏ đến sống với chúng tôi, con trai tôi nhất định chỉ cởi bộ đồ Batman ra mỗi khi đi tắm. Tôi đặt mua một bộ giống hệt để thay thế khi nó vùng vẫy trong bồn tắm, để ít ra tôi vẫn có thể giặt sạch mồ hôi con trai và những vết cỏ ố khỏi bộ thứ nhất. Chiến đấu chống tội phạm là một việc lấm lem đất cát. Nếu không phải là Ông Đóng băng với tia băng nghiệt ngã thì cũng là Chim cánh cụt – kẻ thù nguy hiểm của Batman – hoặc là Puffin[2], kẻ hiểm ác hơn nữa, sự độc ác tuyệt đối của y đã không được các nhà sáng tạo đầu tiên của loạt truyện Batman kể lại. Con trai tôi và tôi sống với các hậu quả - khắp nhà đầy lính lác, tôi tớ, nhìn chúng tôi chòng chọc từ sau ghế sofa, cười bí hiểm trong khe trống nhỏ xíu cạnh kệ sách, và thường thì nhảy xổ vào chúng tôi bất kể lúc nào. Thật tình là hết cú sốc này đến cú sốc khác. Ở tuổi lên bốn, vừa ngái ngủ vừa tỉnh táo, con trai tôi sống trong sự hiếu động thường trực. Không thể nào tách rời nó khỏi chiếc mặt nạ người dơi ma quỷ, bộ quần áo bó sát, chiếc thắt lưng vàng bóng đa năng và áo choàng đen. Và chẳng ích gì khi gọi con trai tôi bằng tên thánh của nó. Nó sẽ chỉ ngoái nhìn sau lưng, hất đầu lên, rồi nhún vai – như muốn nói, Các giác quan dơi của tôi không tìm được đứa bé trai nào tên đó ở đây cả, thưa bà. Cái tên duy nhất mà con trai tôi chịu trả lời, vào mùa hè năm đó, là “Batman”. Cũng như chẳng có cách nào giải thích được với nó rằng bố nó đã chết. Con trai tôi không tin vào khả năng vật lý của cái chết. Cái chết là điều gì đó chỉ xảy ra khi âm mưu thâm độc của kẻ ác không liên tục bị dập tắt – và điều đó, đương nhiên, là chuyện không thể hình dung được.
Mùa hè năm đó – mùa hè chồng tôi qua đời – chúng tôi đều có những danh xưng mà chúng tôi miễn cưỡng phải từ bỏ. Con trai tôi có bộ trang phục Batman, tôi vẫn theo họ chồng, còn Ong Nhỏ, dù đã khá an toàn với chúng tôi, vẫn bám vào cái tên em đã chọn vào thời điểm khủng hoảng. Mùa hè năm đó, chúng tôi là những kẻ tị nạn chạy trốn khỏi hiện thực. Chúng tôi tị nạn khỏi chính bản thân mình.
Dĩ nhiên, chạy trốn khỏi sự tàn nhẫn là điều tự nhiên nhất trên thế gian này. Và thời điểm đưa chúng tôi đến với nhau vào mùa hè năm đó thật quá tàn nhẫn. Ong Nhỏ gọi điện cho chúng tôi vào buổi sáng họ thả em ra khỏi trại giam. Chồng tôi nghe điện thoại. Mãi rất lâu sau tôi mới biết đó là em – Andrew không hề nói với tôi. Có vẻ như cô bé cho anh biết nó sẽ đến, nhưng tôi không nghĩ anh còn muốn nhìn thấy mặt cô bé một lần nữa. Năm ngày sau, anh tự sát bằng cách treo cổ. Người ta tìm thấy chồng tôi đung đưa hai chân trong không khí, không chạm vào đất của một quốc gia nào. Dĩ nhiên, cái chết là một sự tị nạn. Đó là nơi bạn đến khi một cái tên mới, hoặc một chiếc mặt nạ và áo choàng, không thể che giấu bạn khỏi chính bản thân mình được nữa. Đó là nơi bạn chạy đến khi lương tâm chẳng còn cho bạn một chốn dung thân nào.
Ong Nhỏ gõ cửa nhà chúng tôi năm ngày sau khi chồng tôi qua đời, tức mười ngày sau khi họ thả em ra khỏi trại giam. Sau hành trình hơn tám nghìn cây số và hai năm, cuối cùng em đã đến quá muộn để gặp Andrew còn sống, song lại kịp lúc để dự đám tang anh. Chào cô Sarah, em nói.
Ong Nhỏ đến lúc tám giờ sáng và nhân viên lễ tang gõ cửa lúc mười giờ. Không sớm hay muộn một giây. Tôi hình dung nhân viên ấy đã đứng yên trước cửa nhà chúng tôi cả vài phút, nhìn đồng hồ, chờ đợi cuộc đời chúng tôi hội tụ tại đúng rãnh đứt gãy, nơi quá khứ chúng tôi có thể tách rời khỏi tương lai với ba cú đập nhẹ của miếng gõ cửa bằng đồng màu sáng.
Con trai tôi mở cửa, và đưa vào nhà bộ dạng cao nghều của nhân viên tang lễ, trang phục hoàn hảo cùng thái độ tỉnh táo của anh ta. Tôi cho rằng trong mắt mọi người, anh ta trông hệt như hình ảnh đời thường của Batman. Con trai tôi gào lên từ lối đi: Mẹ ơi, là Bruce Wayne[3]!
Sáng hôm ấy tôi bước ra đường và đứng đó, nhìn quan tài của Andrew qua lớp cửa kính dày màu xanh lá nhạt của xe tang. Khi Ong Nhỏ bước ra đứng cùng tôi, nắm tay Batman, nhân viên tang lễ đưa chúng tôi đến một chiếc limousine dài màu đen rồi gật đầu với chúng tôi. Tôi bảo anh ta chúng tôi muốn đi bộ.
Trông chúng tôi như được ghép vào nhau bằng Photoshop, ba người chúng tôi, đi đến đám tang của chồng tôi. Một bà mẹ da trắng tầng lớp trung lưu, một cô gái tị nạn da đen gầy gò, và một hiệp sĩ bóng tối nhỏ bé từ thành phố Gotham. Trông như chúng tôi đã được cắt dán lại. Suy nghĩ trong tôi hỗn loạn, khiếp đảm và rời rạc.
Nhà thờ chỉ cách đấy vài trăm mét, và ba người chúng tôi đi bộ trên đường, phía trước chiếc xe tang, trong khi một hàng dài xe cộ giận dữ ùn ứ phía sau. Tôi cảm thấy điều đó thật khủng khiếp.
Tôi mặc váy màu xám đậm và áo khoác, đeo găng tay và mang tất đen. Ong Nhỏ mặc áo choàng đi mưa trùm bên ngoài lớp quần áo em mặc lúc ra khỏi trại giam – một chiếc áo sơ mi Hawaii không hợp với đám tang chút nào và quần jeans xanh. Mặt con trai tôi hớn hở trông thấy. Nó, Batman, đã chặn đường xe cộ. Chiếc áo choàng tung bay sau lưng khi nó sải những bước chân kiêu hãnh về phía trước, nụ cười rộng hoác từ tai này sang tai kia dưới bóng chiếc mặt nạ. Thỉnh thoảng thị lực siêu phàm của nó lại phát hiện ra một kẻ thù cần tiêu diệt, và khi chuyện này xảy ra, con trai tôi sẽ dừng lại, tấn công, rồi đi tiếp. Nó lo lắng rằng những đội quân vô hình của Puffin sẽ tấn công tôi. Tôi lo rằng con trai tôi chưa kịp đi tè trước khi ra khỏi nhà, và do vậy có thể tè dầm trong quần dơi. Tôi cũng lo lắng về việc sẽ làm góa phụ suốt đời.
Thoạt đầu tôi nghĩ mình khá can đảm khi quả quyết đòi đi bộ đến nhà thờ, nhưng giờ đây tôi cảm thấy chóng mặt và ngu ngốc. Tôi nghĩ mình sắp ngất. Ong Nhỏ nắm chặt khuỷu tay tôi và thì thầm bảo tôi hãy hít thở sâu. Tôi nhớ mình đã nghĩ, Lạ thật, khi chính cháu lại đang giúp cô đứng vững.
Trong nhà thờ, tôi ngồi ở hàng ghế đầu tiên, Ong Nhỏ ngồi bên trái và Batman ngồi bên phải tôi. Rất đông người chia buồn đến nhà thờ, đương nhiên rồi. Không có ai từ chỗ làm – tôi cố gắng tách bạch giữa cuộc đời mình với tạp chí của tôi – nhưng trừ việc đó ra, mọi người mà Andrew và tôi quen biết đều có mặt ở đó. Thật mất phương hướng, giống như yêu cầu toàn bộ những cái tên trong danh bạ điện thoại mặc trang phục màu đen rồi xuất ra thành những hàng ghế không theo thứ tự chữ cái. Họ đã tự phân loại theo những quy định bất thành văn về chia buồn, người thân ruột rà ngồi thật sát quan tài, những cô bạn gái cũ ngồi thành nhóm miễn cưỡng cạnh bình đựng nước thánh. Tôi không chịu nổi cảnh phải nhìn ra sau lưng và thấy trật tự tự nhiên mới này. Mọi việc thật quá đột ngột. Một tuần trước tôi còn là một bà mẹ đi làm thành đạt. Giờ tôi đang ngồi ở đám tang của chồng mình, tô điểm bằng một siêu anh hùng và một người tị nạn Nigeria. Giống như một giấc mơ mà người ta có thể thức dậy không mấy khó khăn. Tôi nhìn trân trối vào quan tài chồng, được rải những bông hoa huệ tây trắng. Batman nhìn vị mục sư chăm chú. Nó biểu lộ ánh mắt chấp thuận dành cho khăn choàng và áo thụng của mục sư. Nó đưa hai ngón tay cái lên tán thưởng vị mục sư ấy, sự tán thưởng giữa một hiệp sĩ tử vì đạo mặc áo choàng dành cho một hiệp sĩ tử vì đạo mặc áo choàng khác. Vị mục sư đáp trả lời chào, sau đó ngón tay cái ông đặt trở lại mép sách mạ vàng đã ngả màu của quyển Kinh thánh.
Nhà thờ trở nên im lặng, chờ đợi. Con trai tôi nhìn quanh quất, rồi nhìn lại tôi. Bố đâu ạ? Nó hỏi.
Tôi siết chặt bàn tay nóng đẫm mồ hôi của con trai, và lắng nghe tiếng ho, tiếng khịt mũi vang vọng trong nhà thờ. Tôi tự hỏi làm sao mình có thể giải thích được cái chết của chồng cho con trai. Chính sự trầm cảm đã giết chết Andrew, tất nhiên – sự trầm cảm và tội lỗi. Nhưng con trai tôi không tin vào cái chết, nói gì đến những cảm xúc thuần túy gây ra cái chết. Những tia băng của Ông Đóng băng, có thể. Sải cánh chết người của Puffin, xỉa một phát đi đời. Nhưng một cuộc điện thoại bình thường, từ một cô gái châu Phi gầy nhẳng? Thật không tài nào giải thích nổi.
Tôi nhận ra ngày nào đấy tôi sẽ phải kể toàn bộ câu chuyện này cho con trai mình. Tôi tự hỏi sẽ bắt đầu từ đâu. Chính từ hai năm trước, vào mùa hè 2005, Andrew bắt đầu trượt dài và chậm rãi vào cơn trầm cảm, để rồi cuối cùng nó đã cướp đi sinh mạng anh. Chuyện bắt đầu vào ngày đầu tiên chúng tôi gặp Ong Nhỏ, trên một bãi biển vắng vẻ ở Nigeria. Kỉ vật duy nhất tôi có từ cuộc gặp đầu tiên đó là sự ra đi của ngón giữa bàn tay trái của tôi. Cú chặt khá ngọt. Ở chỗ ngón tay tôi hiện giờ là một mẩu thịt, một ngón tay ảo từng chịu trách nhiệm gõ phím E, D và C trên bàn phím máy laptop. Tôi không thể dựa vào E, D và C được nữa. Chúng mất tích khi tôi cần đến chúng nhất. “Hài lòng” biến thành “làm ơn”. “Sự phấn khích” trở thành “ngưng trệ”.[4]
Tôi nhớ ngón tay mình nhiều nhất vào những ngày đến hạn nộp bài, khi những người kiểm tra bản thảo đã về nhà hết còn tôi đang hì hụi gõ những phần bổ sung phút chót vào tạp chí của mình. Chúng tôi từng đăng một bài xã luận trong đó tôi viết rằng tôi “cảnh giác trước những người đàn ông nhạy cảm”. Dĩ nhiên, ý tôi là “ngán ngẩm”[5], và sau hàng trăm lá thư sôi sùng sục từ những anh bạn trai sốt sắng tình cờ đọc được bài viết của tôi trên bàn cà phê của bạn gái mình (giả sử như giữa lúc mátxa lưng và rửa bát), tôi bắt đầu nhận ra tôi ngán ngẩm bản thân mình thế nào. Đó là một tai nạn đánh máy gây ra bởi một cây rựa trên một bãi biển Nigeria. Ý tôi là, người ta dùng từ gì để gọi cuộc gặp khiến ta có được một cô gái châu Phi và mất đi E, D và C? Cháu không nghĩ cô có từ nào để gọi nó trong ngôn ngữ của cô đâu. Ong Nhỏ sẽ nói như thế.
Tôi ngồi trên ghế, xoa mẩu thịt trên ngón tay mình, và nhận ra lần đầu tiên trong đời, tôi thừa nhận rằng chồng mình đã tới số kể từ ngày chúng tôi gặp Ong Nhỏ. Hai năm xen giữa đã đem lại một loạt điềm báo ngày một xấu, lên đến đỉnh điểm vào buổi sáng kinh hoàng mười ngày trước, khi tôi choàng tỉnh bởi tiếng điện thoại reo. Toàn thân tôi sởn gai ốc vì sợ. Đó là một buổi sáng bình thường trong tuần. Quyển tạp chí ấn bản tháng Sáu của tôi đã chuẩn bị ra nhà in, và bài bình luận của Andrew viết cho tờ The Times cũng sắp lên khuôn. Chỉ là một buổi sáng bình thường, nhưng những sợi lông tơ trên cánh tay tôi đã dựng đứng.
Tôi không phải tuýp phụ nữ vô lo lúc nào cũng quả quyết rằng thảm họa là từ trên trời giáng xuống. Với tôi, đã có vô số những điềm báo, vô vàn những trúc trắc nhỏ thường xuyên. Bộ râu cằm quên cạo của Andrew, chai rượu thứ hai được khui một đêm trong tuần, dùng thể bị động trong ngày thứ Sáu hạn chót. Những thái độ nhất định được xã hội này chấp nhận đã khiến cây bút bình luận này hơi lạc lối. Đó là câu cuối cùng chồng tôi viết ra. Trong chuyên mục đăng trên Times, anh luôn chính xác với từng từ viết ra. Với người thường, lạc lối có thể đồng nghĩa với hoang mang. Với chồng tôi, nó có nghĩa là một lời tạm biệt được cân nhắc.
Trong nhà thờ rất lạnh. Tôi lắng nghe mục sư nói Hỡi cái chết, nọc độc của mi ở đâu? Tôi dán mắt vào những bông hoa huệ tây và ngửi hương vị buộc tội ngọt ngào của chúng. Chúa ơi, tôi ước gì mình đã quan tâm đến Andrew nhiều hơn.
Làm sao để giải thích với con trai tôi rằng những dấu hiệu cảnh báo rất mờ nhạt? Rằng tai họa, khi đã chắc chắn vào sức mạnh của nó rồi, sẽ tự xướng lên mà gần như chẳng nhếch môi? Người ta nói rằng vào khoảnh khắc trước động đất, mây sẽ giăng kín bầu trời, gió dịu lại thành một làn hơi nóng, và chim muông dừng hót trên cây cối ở quảng trường thị trấn. Đúng, nhưng thành thật mà nói, đây cũng là những điều diễn ra trước giờ ăn trưa. Nếu chúng ta phản ứng thái quá mỗi khi cơn gió dịu lại, thì mãi mãi chúng ta sẽ nằm dưới bàn ăn trong khi thực ra nên đặt bát đĩa lên trên nó.
Liệu con trai tôi có chấp nhận đây chính là điều đã xảy ra với bố nó? Lông tay mẹ dựng đứng, Batman ạ, nhưng mẹ còn phải làm việc nhà. Mẹ không bao giờ hiểu được rằng bố sẽ thực sự làm như thế. Tất cả những gì tôi có thể nói một cách thành thật là tôi đã giật mình vì tiếng chuông điện thoại và cơ thể tôi đã dự đoán về một chuyện chưa xảy ra, dù tôi không bao giờ hình dung nổi nó lại nghiêm trọng đến thế.
Charlie vẫn còn ngủ. Andrew nhấc điện thoại trong phòng làm việc của anh lên, rất nhanh, trước khi tiếng ồn của chuông điện thoại làm thằng bé tỉnh giấc. Giọng Andrew trở nên cáu kỉnh. Tôi nghe được khá rõ từ phòng ngủ. Hãy để tôi yên, anh nói. Những chuyện đó xảy ra lâu lắm rồi và đó không phải lỗi của tôi.
Vấn đề là, chồng tôi không thật sự tin như thế.
Tôi thấy anh đang khóc. Tôi hỏi ai gọi điện, nhưng anh không nói. Rồi sau đó, vì cả hai chúng tôi đều đã dậy nhưng Charlie vẫn còn ngủ, chúng tôi làm tình. Thỉnh thoảng tôi vẫn làm việc ấy với Andrew. Chủ yếu vì anh hơn là vì tôi. Đến giai đoạn đó trong cuộc hôn nhân của chúng tôi, nó đã trở thành một hoạt động bảo trì, như xả khí khỏi máy sưởi – chỉ là một phần trong quá trình làm việc nhà. Tôi đã không biết – thật sự thì tôi vẫn không biết – ta sẽ gặp phải hậu quả kinh khủng nào nếu không xả khí máy sưởi. Đó không phải là việc mà một phụ nữ thận trọng cho phép bản thân mình phát hiện ra.
Chúng tôi không nói một lời. Tôi đưa Andrew vào phòng ngủ và nằm xuống chiếc giường dưới khung cửa sổ Georgia cao với màn lụa màu vàng. Tấm màn thêu cảnh mùa thu nhạt. Những con chim lụa nấp ở đấy trong sự im lặng sợ hãi. Đó là một buổi sáng tháng Năm chói chang ở Kingston-mạn-trên-Thames, nhưng ánh nắng xuyên qua màn cửa có màu vàng nghệ rực rỡ và đậm nét. Ánh nắng nóng hổi, tựa như cơn sốt rét. Tường phòng ngủ có màu vàng và nâu đất. Đối diện đầu cầu thang kêu cót két, phòng làm việc của Andrew có màu trắng – màu của những trang giấy trắng, trong suy nghĩ của tôi. Đó là nơi tôi tìm thấy anh, sau cú điện thoại đáng sợ. Tôi đọc vài chữ trong bài chuyên mục của anh, từ sau lưng anh. Anh đã thức suốt đêm để viết một bài bình luận về Trung Đông, khu vực mà anh chưa bao giờ đặt chân đến và cũng chẳng hề có kiến thức chuyên môn gì. Đó là mùa hè năm 2007, con trai tôi đang đánh nhau với Chim cánh cụt và Puffin, đất nước tôi đang đánh Iraq và Iran, còn chồng tôi đang định hướng công luận. Đó là kiểu mùa hè mà không ai cởi trang phục của họ ra.
Tôi lôi chồng rời khỏi điện thoại. Tôi nắm cọng tua rua trên áo ngủ của anh để lôi anh vào phòng ngủ, vì tôi đã đọc ở đâu đó rằng chiêu này có thể làm anh hưng phấn.
Tôi kéo anh xuống giường.
Tôi nhớ cách anh di chuyển bên trong tôi, như chiếc đồng hồ có kim giờ bị liệt. Tôi kéo mặt anh lên gần mặt mình và thì thầm, Ôi, Chúa ơi, Andrew, anh có sao không? Chồng tôi không trả lời. Anh chỉ nhắm nghiền mắt để ngăn nước mắt rơi ra. Chúng tôi bắt đầu chuyển động nhanh hơn khi những tiếng rên nhỏ miễn cưỡng phát ra từ miệng người này và chạy trốn vào tiếng rên của người kia trong sự tuyệt vọng không thành lời.
Giữa bi kịch nhỏ này, con trai tôi bước vào. Thằng bé đang tham gia vào cuộc chiến chống kẻ xấu ở nhà trên quy mô lớn hơn, dễ hạ gục hơn. Tôi mở mắt ra thì thấy nó đứng ở lối vào phòng ngủ, nhìn chúng tôi qua hai hốc mắt nhỏ hình thoi của chiếc mặt nạ dơi. Từ biểu lộ trên phần mặt có thể nhìn thấy được của nó, có vẻ như nó đang thắc mắc thiết bị nào (nếu có) trên chiếc đai lưng đa dụng có thể hữu ích trong tình huống này.
Khi trông thấy con trai, tôi đẩy Andrew ra khỏi người rồi quáng quàng tung chăn lên che cả hai lại. Tôi nói, Ôi, Chúa ơi, Charlie, mẹ xin lỗi.
Con trai tôi phóng mắt ra sau lưng nó, rồi nhìn lại tôi. “Charlie không có ở đây. Con là Batman.” Tôi gật đầu, và cắn môi.
“Xin chào, Batman.”
“Mẹ và bố đang làm gì đấy ạ?”
“Ơ…”
“Bố mẹ là bắt kẻ xấu phải không?”
“Bố mẹ đang bắt kẻ xấu phải không, Charlie ạ. Không phải bố mẹ là.”
“Bố mẹ đang bắt phải không?”
“Đúng rồi, Batman ạ. Đúng, chính xác là bố mẹ đang làm thế.”
Tôi mỉm cười với con trai, và chờ đợi. Tôi không biết Batman sẽ nói gì. Cuối cùng nó nói, “Có người thì ị đùn trong đồ của con, mẹ ạ.”
“Đã ị đùn, Charlie.”
“Vâng. Một đống to, thật to.”
“Ôi, Batman. Con đã ị đùn trong bộ đồ của con rồi à?”
Batman lắc đầu. Đôi tai dơi rung rung. Dưới lớp mặt nạ, một nét ranh mãnh hiện ra trên phần nhìn thấy của gương mặt.
“Không phải con ị đùn đâu. Chính là Puffin đấy.”
(Chữ in nghiêng là của nó.)
“Con định nói là Puffin đến vào buổi tối rồi ị vào bộ đồ dơi của con à?”
Batman gật đầu, vẻ nghiêm nghị. Tôi để ý thấy nó vẫn đeo mặt nạ dơi nhưng đã cởi bộ đồ dơi ra. Nó đứng trần truồng, trên người chỉ có mỗi chiếc mặt nạ và áo choàng. Nó đưa bộ đồ dơi lên cho tôi kiểm tra. Một cục gì đấy rơi ra và chạm xuống thảm.
Mùi của nó không thể diễn tả nổi. Tôi ngồi dậy trên giường và nhìn thấy một đường dài những cục rải rác băng qua tấm thảm từ cửa phòng ngủ. Ở đâu đó bên trong tôi, đứa con gái từng được điểm A môn khoa học nhận ra, với sự thích thú theo kinh nghiệm, rằng phân cũng đã tìm được đường đến những địa điểm bao gồm – nhưng không chỉ chừng ấy – hai tay của Batman, khung cửa, tường phòng ngủ, chiếc radio báo thức của tôi, và dĩ nhiên, cả bộ đồ dơi nữa. Phân của con trai tôi đang ở khắp nơi. Phân trên tay. Phân trên mặt. Thậm chí trên cả biểu tượng dơi màu vàng đen của bộ đồ dơi. Tôi cố gắng, nhưng không thể buộc mình tin được rằng đấy là phân của Puffin. Đây là phân dơi.
Tôi mơ hồ nhớ lại điều mình đã đọc trên trang làm cha mẹ.
“Không sao đâu, Batman. Mẹ không giận đâu.”
“Mẹ dọn phân đi.”
“Ừm. Ơ. Chúa ơi.”
Batman lắc đầu một cách nghiêm trọng.
“Không, không phải Chúa. Mẹ.”
Sự bực dọc đã bắt đầu vượt qua cảm giác ngượng ngùng và tội lỗi. Tôi nhìn sang Andrew, anh đang nằm nhắm mắt, hai bàn tay đan chặt vào nhau trước sự khủng khiếp tột độ từ cơn trầm cảm lâm sàng của anh, cuộc mây mưa bất hạnh bị gián đoạn của chúng tôi, và mùi xú uế nồng nặc của phân.
“Batman, sao con không nhờ bố tắm rửa cho con?”
Con trai tôi nhìn qua bố nó một lúc lâu, rồi quay sang nhìn tôi. Hết sức kiên nhẫn, như thể đang giải thích điều gì đó cho một kẻ khờ khạo, nó lắc cái đầu nhỏ của mình lần nữa.
“Nhưng sao lại không?” (lúc này tôi đang cầu khẩn). “Sao không nhờ bố?”
Batman trông có vẻ nghiêm trang. “Bố đang đánh kẻ xấu,” nó nói. Ngữ pháp chuẩn không cần chỉnh. Tôi nhìn sang bố nó, và thở dài. “Đúng, mẹ nghĩ con nói đúng.”
Năm ngày sau, vào buổi sáng cuối cùng tôi thấy chồng mình còn sống, tôi đã mặc xong quần áo cho chàng hiệp sĩ áo choàng của mình, rồi cho con ăn sáng, và dắt nó đến câu lạc bộ Những Con chim Dậy sớm ở trường mẫu giáo. Trở về nhà, tôi đi tắm. Andrew ngắm tôi khi tôi mang tất. Tôi luôn ăn mặc cầu kỳ vào những ngày báo sắp đi in. Giày cao gót, váy, áo khoác màu xanh lá cây. Việc xuất bản tạp chí có những nhịp điệu riêng, nếu một tổng biên tập không thể nhảy theo đúng nhịp thì không thể trông chờ nhân viên của mình làm thế. Tôi không thể làm bay bổng những ý tưởng về bài phóng sự khi đi giày cao gót Fendi, và tôi không hoàn tất một kì báo khi mang giày Puma. Vì thế tôi hối hả mặc quần áo trong lúc Andrew nằm khỏa thân trên giường và ngắm tôi. Anh không nói một lời. Lần cuối tôi nhìn anh, trước khi đóng cửa phòng ngủ, anh vẫn đang ngắm tôi. Làm sao để giải thích cho con trai tôi nét mặt nhìn thấy lần cuối của bố nó? Tôi quyết định sẽ kể cho con trai tôi rằng bố nó đã mang nét mặt bình yên. Tôi quyết định sẽ không kể cho nó nghe rằng chồng tôi đã mở miệng để nói gì đó, nhưng tôi đang muộn giờ và đã quay lưng đi.
Tôi đến văn phòng lúc khoảng 9 giờ 30 sáng. Tòa soạn đặt tại Spitalfields, trên phố Thương mại, cách Kingston-mạn-trên-Thames chín mươi phút bằng phương tiện công cộng. Thời khắc tồi tệ nhất đến khi bạn rời khỏi hệ thống trên mặt đất và bước xuống trung tâm của Thế giới dưới lòng đất. Có hai trăm người chen chúc nhau trong mỗi toa tàu. Chúng tôi lắng nghe tiếng rít của bánh xe kim loại trên đường ray trong khi cơ thể mình bị ghìm chặt và bất động. Suốt ba chặng liền tôi bị ép vào một người đàn ông gầy gò mặc áo khoác nhung kẻ trông khá ủ rũ. Người khác thường sẽ nhìn lảng đi, nhưng đầu tôi bị đặt ở vị trí mà tôi chỉ có thể nhìn. Lẽ ra tôi nên khoác một cánh tay qua người đàn ông đó – thậm chí chỉ một cái chạm tay thông cảm lên vai ông ấy cũng đã đủ. Nhưng hai tay tôi bị kẹt cứng giữa những hành khách đứng hai bên. Có thể một số người cũng muốn đưa tay ra chạm người đàn ông ấy, nhưng tất cả chúng tôi bị ép chặt đến nỗi chẳng thể động đậy gì. Số người có thiện chí quá ít ỏi khiến cho lòng trắc ẩn trở nên kì quặc. Một người trong số chúng tôi đã có thể đẩy những người khác ra, và nêu gương cho những người còn lại, một việc hoàn toàn không hề giống người Anh. Tôi không chắc mình muốn thể hiện sự dịu dàng như thế, trên một chuyến tàu đông người, dưới ánh mắt im lặng của người khác. Thật kinh khủng khi tôi không giúp người đàn ông ấy, nhưng tôi bị giằng xé giữa hai cảm giác hổ thẹn. Một mặt, sự xấu hổ khi không thể hiện nghĩa vụ của con người. Mặt khác, sự điên rồ của việc làm người đầu tiên trong đám đông chuyển động.
Tôi mỉm cười bất lực trước người đàn ông ủ rũ, lòng không thôi nghĩ về Andrew.
Tất nhiên, ngay khi vừa lên đến mặt đất, người ta có thể nhanh chóng quên đi những nghĩa vụ con người của mình. London là một cỗ máy xinh đẹp để làm điều ấy. Thành phố thật tươi sáng, trong lành và mời gọi vào sáng hôm đó. Tôi rất phấn khích vì sắp hoàn tất số báo tháng Sáu, và thực sự đã chạy bộ trong hai phút cuối đến tòa soạn. Bên ngoài tòa nhà là tên của tạp chí, NIXIE, bằng chữ đèn neon màu hồng cao gần một mét. Tôi đứng bên ngoài một lúc, hít sâu vài lần. Không khí lặng như tờ, bạn có thể nghe tiếng đèn neon kêu lách tách trên tiếng ầm ầm của xe cộ. Tôi đứng đặt một tay lên cửa và thắc mắc Andrew định nói gì, ngay trước khi tôi ra khỏi nhà.
Chồng tôi hiếm khi không tìm được từ để nói. Những khoảnh khắc im lặng kéo dài chỉ bắt đầu vào ngày chúng tôi gặp Ong Nhỏ. Trước đó, anh không bao giờ hạ giọng dù chỉ một phút. Trong tuần trăng mật, chúng tôi đã nói và nói liên tục. Chúng tôi ở trong một căn villa nhìn ra biển, uống rượu rum với nước chanh và nói nhiều đến nỗi tôi thậm chí chẳng biết nước biển có màu gì. Mỗi khi tôi cần dừng lại và nhắc mình nhớ tôi từng yêu Andrew đến nhường nào, tôi chỉ cần nghĩ về chuyện này. Rằng đại dương bao phủ bảy phần mười bề mặt trái đất, vậy mà chồng tôi có thể khiến tôi không chú ý đến nó. Anh đã to lớn với tôi đến thế đấy. Khi chúng tôi trở về căn hộ uyên ương ở Kingston, tôi hỏi Andrew về màu của nước biển trăng mật đó. Anh nói, Ừ, nó màu xanh phải không? Tôi nói, Thôi nào, Andrew, anh là chuyên gia mà, anh giỏi hơn thế. Và Andrew nói, Thôi được, sắc thắm tuyệt diệu của đại dương nằm ở sự diễm lệ của màu xanh biếc tô điểm với màu đỏ thắm và vàng ươm khi mặt trời óng ả dát trên đầu sóng và đẩy chúng xuống những khoảng tối giữa hai ngọn sóng, biến thành màu chàm sẫm rợn người.
Anh ngân ở âm áp chót, nhấn giọng một cách hoa mỹ kiểu cách ngay cả khi nhướn chân mày. CHÀM-sẫm, giọng anh âm vang.
Dĩ nhiên em biết tại sao anh không màng gì đến biển mà? Đó là vì anh đã dành trọn hai tuần với cái đầu anh…
Chà, cái đầu anh ở đâu thì là chuyện riêng giữa tôi và anh.
Cả hai chúng tôi đều cười khúc khích không ngừng được và lăn lộn trên giường, và Charlie, Charlie yêu dấu, đã hình thành mầm sống.
Tôi đẩy cánh cửa mặt tiền rồi bước vào sảnh đợi của tòa soạn. Sàn nhà lót đá hoa cương Ý màu đen là nét tao nhã duy nhất còn sót lại sau những năm tháng thuê mướn văn phòng của chúng tôi. Phần còn lại của sảnh đợi thuần túy mang phong cách của tờ tạp chí. Những thùng áo mẫu từ các công ty thời trang muốn được nổi tiếng chất chồng lên nhau dọc một bức tường. Một nhân viên tập sự nào đấy đã phân loại chúng bằng bút lông màu xanh nét to: GIỮ ĐỂ CHỤP ẢNH, hoặc Ồ TÔI NGHĨ LÀ KHÔNG, hoặc một lời khẳng định thẳng thừng ĐÂY KHÔNG PHẢI LÀ THỜI TRANG. Một cây bách xù Nhật khô cắm trong một chiếc lọ Otagiri vàng bị nứt. Trên cây vẫn còn treo lủng lẳng ba món đồ trang trí Giáng sinh lòe loẹt. Các bức tường được trang trí bằng hoa vân anh và đèn chớp tắt, và ngay cả trong ánh sáng tù mù từ những ô cửa kính nhuộm màu nhìn ra phố Thương Mại, lớp sơn ấy trông vẫn rõ nét và màu mè. Tôi đã nuôi dưỡng phong cách phóng túng này. Chúng tôi không mong Nixie trông giống những tạp chí dành cho nữ giới khác. Hãy cứ để họ giữ sảnh đợi sạch không tì vết và những chiếc ghế Eames đỏm dáng. Khi phải đưa ra những quyết định tòa soạn, tôi thà có một dàn nhân viên sáng láng và một sảnh đợi tù mù.
Clarissa, chủ biên mảng phóng sự của tôi, bước qua những cánh cửa ngay sau lưng tôi. Chúng tôi hôn nhau một, hai, ba lần – bạn bè từ thời đi học mà – và cô nàng cặp tay tôi khi cả hai đi bộ lên cầu thang. Tầng tòa soạn nằm ngay trên cùng của tòa nhà. Đi được nửa đường tôi mới nhận ra có gì đó không ổn ở Clarissa.
“Clarissa, cậu đang mặc quần áo của ngày hôm qua.”
Cô nàng cười ranh mãnh. “Thì cậu cũng sẽ như thế, nếu cậu gặp anh chàng hôm qua.”
“Ôi, Clarissa. Tớ phải làm gì với cậu bây giờ?”
“Tăng lương, cà phê mạnh, paracetamol.”
Cô cười tươi trong lúc điểm các yêu sách trên mấy ngón tay. Tôi tự nhắc mình rằng Clarissa không có những điều tuyệt vời nhất mà tôi có trong đời, ví dụ như Batman, cậu con trai đẹp đẽ của tôi, và vì thế cô hầu như chắc chắn là cảm thấy kém mãn nguyện hơn tôi.
Ngày làm việc hôm đấy của các nhân viên cấp dưới bắt đầu lúc 10 giờ 30 sáng, phúc cho họ, ấy vậy mà vẫn chưa có ai đến. Trên tầng tòa soạn, các nhân viên lao công vẫn còn làm việc. Họ đang hút bụi, lau chùi máy tính để bàn, và lật ngược toàn bộ những bức ảnh lồng khung các anh chàng bạn trai của nhân viên tôi, để chứng tỏ họ đã lau bụi phía dưới. Đây là phần nhe-răng-cười-và-chịu-đựng của việc biên tập tờ Nixie. Tại Vogue hoặc Marie Claire, những thư kí tòa soạn sẽ có mặt tại bàn làm việc lúc tám giờ, mặc đồ hiệu Chloé và nhấm nháp trà xanh. Nhưng bù lại, họ sẽ không nán lại lúc đêm hôm khuya khoắt để viết CECI N’EST PAS PRÊT-À-PORTER[6] lên thùng hàng mẫu mà họ sắp gửi trả lại cho một công ty thời trang Paris danh giá.
Clarissa ngồi ở góc bàn của tôi còn tôi ngồi vào bàn, chúng tôi nhìn ra phòng làm việc không vách ngăn nơi đội quân những khuôn mặt màu đen đang làm biến mất những mẫu vải sợi và những tách cà phê Starbucks của ngày hôm qua.
Chúng tôi bàn luận về số báo sắp hoàn tất. Nhân viên phòng quảng cáo đã làm tốt bất thường vào tháng đó – có lẽ sự tăng giá chóng mặt của các loại thuốc cấm đã khiến họ dành nhiều thời gian ở công sở hơn – và chúng tôi nhận ra có nhiều bài vở hơn là trang bỏ trống. Tôi có một bài phóng sự cho mục “Đời sống thật” mà tôi thực sự nghĩ rằng nên được đăng – kí sự nhân vật về một người phụ nữ tìm cách thoát khỏi Baghdad – và Clarissa có một bài về kiểu cực khoái mới mà bạn chỉ có thể đạt được với sếp của mình. Chúng tôi thảo luận nên đăng bài nào. Đầu óc tôi chẳng mấy tập trung. Tôi nhắn tin cho Andrew, để xem anh thế nào rồi.
Màn hình phẳng ở cuối tầng của chúng tôi đang mở kênh Tin tức 24 của BBC với âm thanh vặn nhỏ. Họ đang phát một đoạn phim về chiến tranh. Khói bốc lên từ một trong những đất nước dính vào cuộc chiến. Đừng hỏi tôi đó là nước nào – đến lúc đó tôi đã chẳng còn biết đầu đuôi gì nữa. Cuộc chiến đã kéo dài bốn năm. Nó bắt đầu vào đúng tháng mà con trai tôi ra đời, và cả hai đã lớn lên cùng nhau. Thoạt tiên cả hai đều gây sốc mạnh và đòi hỏi sự chú ý liên tục, nhưng sau từng năm, chúng trở nên tự chủ hơn và ta có thể rời mắt khỏi chúng trong những khoảng thời gian dài. Đôi khi một sự kiện đặc biệt có thể khiến tôi nhìn đứa này hoặc đứa kia một chút – con trai tôi, hoặc cuộc chiến – với toàn bộ sự chú ý, và đôi khi những lúc thế này tôi lại nghĩ, Chúa ơi, con không chịu lớn hay sao?
Tôi rất muốn biết làm thế nào để đạt kiểu cực khoái mới này. Tôi ngước khỏi bài viết.
“Tại sao cậu chỉ có thể đạt cực khoái kiểu này với sếp?”
“Nó giống như trái cấm ấy, đúng không? Cậu sẽ có thêm một cơn rùng mình vì đã phạm điều cấm kị chốn công sở. Từ hormone đến chất dẫn truyền thần kinh và những thứ như thế. Cậu biết đấy. Khoa học mà.”
“Ừm. Thế các nhà khoa học có thật sự chứng minh được điều này chưa?”
“Đừng lôi sách vở ra đây, Sarah ạ. Chúng ta đang nói về một lĩnh vực khoái cảm tình dục hoàn toàn mới. Chúng ta sẽ gọi nó là điểm B, như trong từ boss[7] ấy. Cậu hiểu vấn đề chưa?”
“Tài thật!”
“Cảm ơn cậu. Chúng ta đều cố gắng mà.”
Tôi miên man nghĩ đến những người phụ nữ trên khắp đất nước được các giám đốc trung niên mặc complet với đũng quần bóng lộn làm cho thỏa mãn. Trên màn hình phẳng, Tin tức 24 đã mở rộng từ Trung Đông sang châu Phi. Bối cảnh khác, cột khói đen khổng lồ vẫn giống. Một đôi mắt hằn học nhìn ra với sự thụ động hệt như thái độ Andrew đã thể hiện, ngay trước khi tôi quay lưng để đi làm. Lông tay tôi lại dựng đứng. Tôi nhìn đi chỗ khác, rồi bước ba bước đến khung cửa sổ nhìn xuống phố Thương mại. Tôi tựa trán vào kính, một việc tôi vẫn thường làm khi cố gắng suy nghĩ.
“Cậu không sao chứ, Sarah?”
“Tớ không sao. Nghe này, hãy làm búp bê dễ thương và đi lấy cà phê cho chúng ta, được không?”
Clarissa đi đến máy pha cà phê đẳng cấp cao của chúng tôi, loại máy có thể trở thành một phòng trà trong nhà ở các văn phòng của Vogue. Phía dưới, trên phố Thương mại, một chiếc xe tuần tra của cảnh sát dừng lại và đỗ ở hai vạch vàng trước tòa nhà chúng tôi. Một sĩ quan cảnh sát mặc sắc phục bước ra từ mỗi bên cửa xe. Họ nhìn nhau qua nóc xe. Một người có mái tóc húi vàng hoe, người kia có một khoanh tóc quanh đỉnh đầu vừa tròn vừa gọn gàng hệt như tóc tu sĩ. Tôi nhìn ông nghiêng đầu để nghe máy bộ đàm đeo trên ve áo. Tôi mỉm cười, nghĩ bâng quơ đến một dự án mà Charlie đang thực hiện ở nhà trẻ: “Cảnh sát: Những người giúp đỡ chúng ta”. Con trai tôi – khỏi cần giải thích – tuyệt đối không tin vào điều đó. Luôn trong tình trạng báo động cao trong chiếc áo choàng và mặt nạ dơi, Charlie tin rằng toàn thể công dân phải sẵn sàng để tự cứu mình.
Clarissa quay lại với hai cốc latte bốc mùi nhựa. Trong một cốc, chiếc máy pha cà phê đã cắm sẵn một thìa khuấy bằng nhựa acrylic trong. Trong cốc kia, nó đã biểu quyết không làm thế. Clarissa do dự không biết nên đưa cốc nào cho tôi.
“Quyết định tòa soạn lớn đầu tiên trong ngày,” cô nói.
“Dễ ợt. Tớ là sếp. Đưa tớ cốc có thìa khuấy.”
“Thế nếu tớ không đưa thì sao?”
“Thì chúng ta có thể sẽ không bao giờ tính đến chuyện xác định điểm B của cậu, Clarissa ạ. Tớ báo trước rồi đấy.”
Clarissa nhợt mặt đi, đưa cho tôi cốc cà phê có thìa khuấy. Tôi nói, “Tớ thích bài Baghdad.” Clarissa thở dài, xụi vai.
“Tớ cũng thế, Sarah ạ, đương nhiên là tớ cũng thích. Đó là một bài rất hay.”
“Năm năm trước, chúng ta nhất định đã đăng bài đó. Không cần bàn cãi.”
“Năm năm trước lượng phát hành của chúng ta quá thấp nên mới phải đánh liều.”
“Và chúng ta đã lớn mạnh như thế – bằng cách khác biệt. Đó là chúng ta.”
Clarissa lắc đầu. “Trở nên lớn mạnh khác với luôn luôn lớn mạnh. Cậu cũng biết rõ như tớ, chúng ta không thể cứ đăng những câu chuyện đạo đức trong khi các tạp chí lớn khác đang bán báo bằng sex.”
“Nhưng cậu nghĩ tại sao độc giả của chúng ta ngày một ngu ngốc hơn?”
“Không phải thế. Tớ nghĩ các độc giả cũ của chúng ta không còn đọc tạp chí nữa, chỉ thế thôi. Họ chuyển sang những thứ cao cấp hơn, cậu có thể cũng sẽ như thế nếu cậu cũng tham gia cuộc chơi khốc liệt này. Có lẽ cậu không nhận ra cậu lớn mạnh thế nào, Sarah ạ. Công việc tiếp theo của cậu có thể là làm biên tập tại một tờ báo quốc gia.”
Tôi thở dài. “Thú vị thật. Tớ có thể đăng hình những cô nàng ngực trần lên tất cả các trang.”
Ngón tay bị mất của tôi ngứa ngáy. Tôi nhìn xuống chiếc xe tuần tra của cảnh sát. Hai sĩ quan đang đội mũ lên. Tôi gõ điện thoại di động vào răng cửa của mình.
“Làm việc xong chúng ta đi uống rượu đi, Clarissa. Đem theo cả anh chàng mới rợi kia nếu cậu thích. Tớ sẽ đưa Andrew đi.”
“Thật á? Ở chốn công cộng á? Với chồng cậu? Chẳng phải việc đấy xảy ra từ tận mùa trước sao?”
“Thật ra là từ tận năm năm trước rồi.” Clarissa nghiêng đầu nhìn tôi.
“Cậu đang định nói gì đấy, Sarah?”
“Tớ chẳng định nói gì cả, Clar. Tớ quá quý cậu đến nỗi không nói nên lời. Tớ chỉ đang tự vấn lương tâm, thật đấy. Tớ đang tự hỏi biết đâu những lựa chọn tớ đưa ra năm năm trước thật ra không đến nỗi tệ lắm thì sao.”
Clarissa mỉm cười nhẫn nại. “Được thôi. Nhưng đừng nghĩ tớ sẽ không đặt tay lên đùi anh ấy dưới bàn, chỉ vì anh ấy là chồng cậu.”
“Cậu mà làm thế, tớ sẽ cho cậu làm biên tập viên cấp dưới của mục Tử vi cả đời đấy, Clarissa ạ.”
Điện thoại trên bàn tôi vang lên. Tôi nhìn đồng hồ trên màn hình. 10 giờ 25 sáng. Thật lạ khi những chi tiết này ám ảnh ta. Tôi nhấc ống nghe, quầy tiếp tân gọi, giọng chán như cơm nguội. Tại Nixie, chúng tôi dùng quầy tiếp tân như thùng rác tội lỗi – nếu một cô nàng trở nên quá đỏng đảnh ở tầng tòa soạn, chúng tôi sẽ chuyển cô ta xuống ngồi ở chiếc bàn bóng lộn nhất trụ sở trong một tuần.
“Có hai cảnh sát ở đây.”
“Ô. Họ vào đây à? Họ muốn gì?”
“Okay, thử nghĩ xem tại sao tôi lại bấm số của chị.”
“Họ muốn nói chuyện với tôi ư?”
“Chẳng hiểu sao người ta cho chị lên làm sếp nữa, Sarah.”
“Mẹ kiếp. Tại sao họ muốn nói chuyện với tôi?” Im lặng.
“Tôi có thể hỏi họ, chắc vậy.”
“Nếu không quá phiền.” Im lặng lâu hơn.
“Họ nói muốn quay phim khiêu dâm trong văn phòng. Họ nói họ không phải là cảnh sát thật và con giống của họ to khủng khiếp.”
“Ôi, Chúa ơi. Bảo họ tôi xuống ngay.”
Tôi gác máy và nhìn Clarissa. Lông tay tôi lại dựng đứng. “Là cảnh sát,” tôi nói.
“Bình tĩnh,” Clarissa đáp. “Họ không thể bắt cậu vì âm mưu đăng một bài phóng sự nghiêm túc.”
Sau lưng cô, màn hình phẳng đang phát hình Jon Stewart[8]. Ông ấy đang cười. Khách của ông ấy cũng đang cười. Tôi cảm thấy khá hơn. Mùa hè năm ấy, bạn phải tìm chuyện gì đấy để cười về số nơi bị đốt cháy. Bạn cười, hoặc là bạn mặc trang phục siêu anh hùng, hoặc bạn thử một kiểu cực khoái mà khoa học chẳng hiểu sao đã bỏ lỡ.
Tôi bước vội trên cầu thang bộ xuống sảnh đợi. Hai viên cảnh sát đang đứng sát rạt nhau, với mũ trong tay và những đôi giày da bự chảng, bền chắc dận trên sàn đá hoa cương của tôi. Người trẻ hơn có khuôn mặt đỏ lựng.
“Thành thật xin lỗi,” tôi nói và liếc qua nhân viên tiếp tân. Cô ta nhe răng cười lại với tôi từ dưới mái tóc vàng hoe rẽ ngôi.
“Sarah O’Rourke?”
“Summers.”
“Xin bà thứ lỗi?”
“Sarah Summers là tên đi làm của tôi.”
Viên cảnh sát lớn tuổi hơn nhìn tôi vẻ lạnh nhạt.
“Đây là chuyện riêng tư, thưa bà O’Rourke. Chúng ta có thể đi đâu để nói chuyện không?”
Tôi dẫn họ đến phòng họp ở tầng một. Tông màu hồng và tím, bàn kính dài, nhiều đèn neon hơn.
“Các anh uống cà phê nhé? Hay là trà? Ý tôi là, tôi không thể đảm bảo tuyệt đối nó sẽ cho ra cà phê hay trà. Cái máy của chúng tôi khá là…”
“Có lẽ bà nên ngồi xuống, thưa bà O’Rourke.”
Gương mặt của hai viên cảnh sát sáng lên bất thường dưới ánh đèn màu hồng. Trông họ như những người đàn ông trong phim trắng đen, được tô màu bằng máy tính. Người lớn tuổi hơn, là người có khoanh tóc hói, khoảng bốn mươi lăm. Người trẻ hơn, người có mái tóc vàng hoe cắt ngắn, có thể hai mươi mốt hoặc hai mươi tư. Môi đẹp. Đầy đặn và trông khá mọng. Cậu ta không đẹp, nhưng tôi bị hút hồn trước dáng đứng và cách cậu ta nhìn xuống thành kính trong lúc nói chuyện. Và dĩ nhiên lúc nào cũng có điều gì đó liên quan đến bộ sắc phục. Tôi nghĩ ta thường tự hỏi liệu những phép tắc có bị cởi ra cùng với chiếc áo khoác cảnh sát hay không.
Hai người đặt mũ lên mặt kính màu tím khói. Họ xoay tròn mũ bằng những ngón tay trắng muốt. Cả hai đều dừng lại chính xác cùng thời điểm, tựa như đạt được chính xác một góc quan trọng mà họ đã luyện tập trong khóa huấn luyện cơ bản.
Họ nhìn tôi chăm chú. Điện thoại di động của tôi réo ầm ĩ trên mặt bàn kính – có tin nhắn mới. Tôi mỉm cười. Hẳn là của Andrew.
“Tôi có tin xấu cho bà, thưa bà O’Rourke,” viên cảnh sát lớn tuổi hơn nói.
“Ý anh là sao?”
Tình hình trở nên căng thẳng hơn là tôi hình dung. Hai viên cảnh sát dán mắt vào mũ của họ trên bàn. Tôi cần đọc tin nhắn điện thoại mới nhận được. Khi tôi với tay chạm điện thoại, tôi thấy hai người nhìn vào mẩu thịt chỗ ngón tay bị mất của tôi.
“Ồ. Cái này à? Tôi mất nó trong một kì nghỉ. Thật ra là trên bãi biển.”
Hai người cảnh sát nhìn nhau rồi quay sang nhìn tôi. Người lớn tuổi hơn lên tiếng. Giọng của ông chợt trở nên khô khốc.
“Chúng tôi rất lấy làm tiếc, thưa bà O’Rourke.”
“Ồ, xin các anh, đừng như thế. Không sao đâu, thật đấy. Giờ tôi ổn rồi. Chỉ là một ngón tay thôi mà.”
“Ý tôi không phải vậy, bà O’Rourke. Tôi e rằng chúng tôi được lệnh phải báo với bà là…”
“Nhìn xem, thật lòng mà nói, các anh sẽ quen với việc mất ngón tay này. Thoạt đầu các anh nghĩ chuyện rất to tát, rồi sau đó các anh học được cách dùng bàn tay kia.”
Tôi ngước lên và thấy hai người đang nhìn tôi, mặt xám ngoét và nghiêm trọng. Đèn neon kêu lách tách. Trên chiếc đồng hồ treo tường, một phút mới chớp lấy phút cũ.
“Điều thật sự buồn cười là, tôi vẫn cảm nhận được nó, các anh biết không? Ý tôi là, ngón tay tôi ấy. Cái ngón bị mất này này. Đôi khi nó ngứa ơi là ngứa. Tôi phải gãi nó và dĩ nhiên ở đấy chẳng có gì cả. Trong mơ, ngón tay tôi mọc lại, tôi vui sướng quá đỗi khi lại có nó, dù tôi đã học được cách dùng bàn tay thiếu ngón. Thật ngốc nghếch nhỉ, các anh thấy không? Nó biết ngứa.”
Viên cảnh sát trẻ hít thật sâu rồi nhìn xuống sổ tay của mình.
“Chồng bà được phát hiện bất tỉnh tại tư gia của ông bà ngay sau chín giờ sáng nay, thưa bà O’Rourke. Hàng xóm của bà nghe tiếng kêu và gọi 999 để báo tin có một người đàn ông dường như gặp sự cố. Cảnh sát đã đến địa chỉ đó và phá cửa vào phòng trên lầu lúc chín giờ mười lăm, và thấy ông Andrew O’Rourke bất tỉnh. Các sĩ quan của chúng tôi đã làm hết sức trong khả năng và một chiếc xe cấp cứu đã đến đưa nạn nhân đi nhưng tôi thật lòng lấy làm tiếc phải nói với bà, thưa bà O’Rourke, rằng chồng bà đã được tuyên bố qua đời tại hiện trường lúc… à đây rồi, chín giờ ba mươi phút sáng.”
Viên cảnh sát đóng quyển sổ lại. “Chúng tôi rất tiếc, thưa bà.”
Tôi cầm điện thoại lên. Tin nhắn mới đúng là đến từ Andrew. RẤT XIN LỖI, tin nhắn viết.
Anh ấy xin lỗi.
Tôi chuyển điện thoại, và bản thân, sang chế độ im lặng. Sự im lặng kéo dài suốt tuần. Nó sôi ùng ục trong chiếc taxi về nhà. Nó rống lên khi tôi đón Charlie từ nhà trẻ. Nó vỡ vụn trong cuộc điện thoại cho bố mẹ tôi. Nó gào thét trong tai tôi khi nhân viên tang lễ so sánh những ích lợi của quan tài bằng gỗ sồi và gỗ thông. Nó hắng giọng vẻ xin lỗi khi biên tập viên mục cáo phó của tờ The Times gọi điện để kiểm tra một số chi tiết cuối cùng. Giờ thì sự im lặng đã theo tôi vào trong nhà thờ lạnh lẽo, vang vọng này.
Làm sao để giải thích cái chết cho một siêu anh hùng bốn tuổi? Làm sao để tuyên bố sự xuất hiện đột ngột của nỗi buồn đau? Bản thân tôi thậm chí còn chưa chấp nhận được nó. Khi cảnh sát nói với tôi rằng Andrew đã chết, tâm trí tôi từ chối chứa nhận thông tin đó. Tôi nghĩ mình là một người phụ nữ rất bình thường, và tôi được trang bị khá tốt để đương đầu với cái xấu mỗi ngày. Tình dục bị gián đoạn, những quyết định tòa soạn khó khăn và máy pha cà phê hỏng – những việc này đầu óc tôi có thể sẵn sàng chấp nhận. Nhưng còn Andrew của tôi, đã chết? Việc đó dường như vẫn không thể nào xảy ra được. Đã có lúc, anh từng bao phủ bảy phần mười diện tích trái đất cơ mà.
Vậy mà tôi lại ở đây, nhìn trân trối vào quan tài gỗ sồi trơn của Andrew (Một sự lựa chọn cổ điển, thưa bà), trông nó khá nhỏ bé trong gian giữa giáo đường rộng lớn của nhà thờ. Một giấc mơ im lặng, bệnh hoạn.
Mẹ ơi, bố đâu rồi?
Tôi ngồi ở hàng ghế đầu của nhà thờ, vòng tay ôm con trai, và nhận ra mình đã bắt đầu run cầm cập. Mục sư đang đọc điếu văn. Ông đang nói về chồng tôi ở thì quá khứ. Bài điếu văn được ông đọc thật súc tích. Tôi chợt nhận ra ông chưa bao giờ gặp gỡ Andrew ở thì hiện tại, hoặc đọc lại các bài viết của anh, hoặc cảm thấy anh đang chết lịm trong lòng như một món đồng hồ hỏng.
Charlie ngọ nguậy trong tay tôi và lặp lại câu hỏi, vẫn là câu mà nó đã hỏi mười lần một ngày từ khi Andrew chết. Mẹ ơi, bố con bây giờ ở đâu? Tôi cúi xuống tai con thì thầm, Sáng nay bố đã ở một nơi rất đẹp trên thiên đường, Charlie ạ. Có một căn phòng dài rất đẹp mà mọi người đều đến sau khi ăn sáng, với rất nhiều sách và những việc thú vị để làm.
“Ồ. Có vẽ-và-sơn không ạ?”
“Có, có vẽ-và-sơn.”
“Bố của con có đang vẽ không?”
“Không, Charlie ạ, bố đang mở cửa sổ và nhìn lên trời.”
Tôi rùng mình, tự hỏi sẽ còn phải tiếp tục kể câu chuyện sau cái chết của chồng mình đến bao giờ nữa.
Thêm nhiều lời nói, rồi đến các bài thánh ca. Những bàn tay nắm khuỷu tay tôi dẫn ra ngoài. Tôi quan sát bản thân mình đứng trong nghĩa trang cạnh một cái hố sâu hoắm trên mặt đất. Sáu nhân viên tang lễ mặc complet đang hạ quan tài bằng những sợi dây thừng bằng lụa màu xanh lá cây đậm với các đầu dây tua rua. Tôi nhận ra nó chính là chiếc quan tài đã dựng trên giá đỡ ở trước nhà thờ. Chiếc quan tài chạm đáy. Những nhân viên tang lễ thu dây thừng lại, mỗi người với một cú lắc nhẹ cổ tay khéo léo. Tôi nhớ mình đã nghĩ, Đảm bảo là họ đã làm việc này nhiều lần, như thể đó là một nhận định sáng lạn lắm. Ai đó nhét một nắm đất vào tay tôi. Tôi nhận ra mình đang được mời – thậm chí là bị giục – ném nó xuống hố. Tôi bước đến miệng hố. Cỏ xanh gọn gàng, sạch sẽ đã được trồng quanh đường viền mộ. Tôi nhìn xuống thấy chiếc quan tài tỏa sáng yếu ớt dưới đất sâu. Batman nắm chặt chân tôi và hé mắt nhìn xuống mộ với tôi.
“Mẹ ơi, tại sao những chú Bruce Wayne ấy lại đặt chiếc hộp xuống cái hố?”
“Tạm thời ta khoan nghĩ về việc đấy nhé, con yêu.”
Tôi dành quá nhiều thời gian giải thích về thiên đường cho Charlie trong tuần đó – mọi căn phòng cùng kệ sách và hố cát trong đó – đến nỗi tôi chẳng bao giờ thực sự đương đầu với vấn đề về con người bằng xương bằng thịt của Andrew cả. Tôi nghĩ đòi hỏi con trai mình, ở tuổi lên bốn, phải hiểu về sự tách lìa giữa thể xác và linh hồn là điều quá mức. Giờ đây nghĩ lại, tôi cho rằng mình đã đánh giá thấp cậu con trai có thể sống đồng thời ở Kingston-mạn-trên-Thames và thành phố Gotham. Tôi nghĩ nếu mình cố gắng bắt con ngồi xuống và giải thích với nó một cách dịu dàng, thì hẳn nó sẽ hoàn toàn bằng lòng với thực tế hai mặt đó.
Tôi quỳ xuống, choàng hai tay qua vai con, cố tỏ ra dịu dàng, nhưng đầu óc cứ quay cuồng và tôi nhận ra có lẽ chỉ Charlie mới là người giữ tôi không rơi xuống hố. Tôi nắm chặt hơn. Charlie kề miệng vào tai tôi thì thầm, “Bây giờ bố con ở đâu?”
Tôi thì thầm đáp lại, “Bố con đang ở trên những ngọn đồi ở thiên đường, Charlie ạ. Rất đông người vào thời điểm này trong năm. Mẹ nghĩ bố rất hạnh phúc ở đó.”
“Mmm. Bố sẽ sớm về chứ?”
“Không, Charlie ạ. Người ta không trở về từ thiên đường. Chúng ta đã nói về việc đó rồi mà.”
Charlie dẩu môi. “Mẹ,” nó lại nói, “tại sao người ta đặt cái hộp xuống đấy?”
“Mẹ nghĩ là họ muốn giữ cho nó an toàn.”
“Ồ, họ có định đến lấy nó sau không?”
“Không, Charlie ạ, mẹ không nghĩ vậy.”
Charlie chớp mắt. Dưới lớp mặt nạ dơi, nó nhăn nhó cố hiểu mọi chuyện.
“Thiên đường ở đâu hở mẹ?”
“Làm ơn đi Charlie. Không phải lúc này.”
“Cái gì ở trong hộp vậy?”
“Chúng ta nói chuyện này sau, được không con yêu?
Mẹ đang cảm thấy hơi chóng mặt.”
Charlie nhìn tôi chăm chú. “Bố con có ở trong cái hộp đấy không?”
“Bố con đang ở trên thiên đường, Charlie.”
“CÁI HỘP ĐẤY CÓ PHẢI THIÊN ĐƯỜNG KHÔNG?” Charlie hỏi to.
Mọi người đều nhìn. Tôi không nói nổi. Con trai tôi nhìn trân trối xuống hố. Rồi nó ngước lên nhìn tôi với vẻ hoảng hốt cực độ.
“Mẹ ơi! Đưa bố RA! Đưa bố con ra khỏi thiên đường đi!”
Tôi siết chặt vai con. “Ôi, Charlie, làm ơn đi mà, con không hiểu đâu!”
“ĐƯA BỐ RA! ĐƯA BỐ RA!”
Con trai vùng vằng trong tay tôi và thoát ra. Sự việc xảy ra rất nhanh. Nó đứng sát bên miệng hố. Nó ngoái lại nhìn tôi, rồi quay lưng và tiến về trước, nhưng cỏ xanh mọc chồm lên miệng hố và nhượng bộ dưới chân nó, nó ngã xuống, chiếc áo choàng dơi bay phía sau, vào trong huyệt mộ. Nó hạ cánh với một ngón tay cái đặt trên đỉnh quan tài Andrew. Một tiếng thét khẩn thiết lẻ loi phát ra từ một trong những người đến đưa tang. Tôi nghĩ đó là âm thanh đầu tiên, kể từ khi Andrew chết, thật sự phá vỡ sự im lặng.
Tiếng thét vang lên không dứt trong đầu tôi. Tôi cảm thấy buồn nôn, và đường chân trời chao đảo điên loạn. Vẫn quỳ gối, tôi rướn người qua miệng hố. Sâu bên dưới, trong bóng tối, con trai tôi đang đập lên quan tài và gào thét, Bố ơi, bố ơi, ra NGOÀI đi! Nó bám chặt vào nắp áo quan, và chống đôi giày dơi lên cạnh bên của huyệt mộ, cố nhấc nó lên khỏi những cây đinh đã đóng chặt nắp quan tài. Tôi đưa hai tay vói xuống miệng hố. Tôi van nài Charlie nắm lấy tay tôi để tôi lôi nó lên, nhưng chắc nó chẳng nghe gì.
Thoạt đầu, con trai tôi hành động với một sự quả quyết không kịp thở. Dù sao đi nữa, Batman trong mùa xuân năm đó là bất khả chiến bại. Nó đã hạ Chim cánh cụt, Puffin, và Ông Đóng băng. Trong đầu con tôi, việc nó có thể không chiến thắng trong thử thách mới này là điều khó xảy ra. Nó gào thét trong phẫn nộ và giận dữ. Nó không chịu bỏ cuộc, nhưng nếu tôi nghiêm khắc và buộc mình vào lúc này phải quyết định chính xác ở thời khắc nào trong toàn bộ câu chuyện này, trái tim tôi đã tan vỡ không thể chữa lành, thì đó chính là khoảnh khắc khi tôi thấy sự kiệt sức và nghi ngờ trườn vào những cơ bắp tí hon của con trai tôi, các ngón tay nó trượt ra, lần thứ mười, khỏi nắp quan tài gỗ sồi màu nhạt.
Những người đưa tang tụm lại quanh miệng hố, tê liệt trước nỗi kinh hoàng của việc này, sự phát hiện đầu tiên về cái chết còn tồi tệ hơn chính cái chết. Tôi cố gắng tiến lên nhưng những bàn tay trên khuỷu tay tôi đang níu tôi lại. Tôi căng người cưỡng lại sự níu kéo của họ và nhìn vào hết thảy những gương mặt hoảng hốt quanh mộ rồi nghĩ, Tại sao không có ai làm điều gì đó đi?
Nhưng thật sự khó, rất khó, để làm người đầu tiên.
Cuối cùng chính Ong Nhỏ đã xuống mộ và nâng con trai tôi lên để những bàn tay khác kéo lên. Charlie đấm đá, cắn xé và chống trả điên cuồng trong chiếc mặt nạ và áo choàng vấy bùn. Nó muốn xuống đó trở lại. Và chính Ong Nhỏ, khi đã được đưa lên mặt đất, đã ôm và giữ chặt nó lại trong lúc nó gào lên KHÔNG, KHÔNG, KHÔNG, KHÔNG, KHÔNG, khi từng người đưa tang bước lên dải cỏ xanh và thả nắm đất nhỏ xuống. Tiếng thét gào của con tôi dường như vang lên không dứt trong một thời gian dài kinh khủng. Tôi nhớ mình đã tự hỏi liệu đầu óc mình có vỡ ra vì âm thanh ấy, như ly rượu vang bị vỡ vì giọng của một ca sĩ soprano. Thật ra, một đồng nghiệp cũ của Andrew, một phóng viên chiến trường từng đến Iraq và Darfur, đã gọi điện cho tôi vài ngày sau đó kèm theo tên của một bác sĩ chống trầm cảm mà anh ấy từng tham vấn. Anh thật tốt quá, tôi đã bảo anh ấy, nhưng tôi đâu có rơi vào một cuộc chiến.
Tại nghĩa trang, khi tiếng thét gào đã dứt, tôi nhấc Charlie lên và ôm con trước ngực, đầu nó tựa lên vai tôi. Nó mệt lả. Qua hai hốc mắt trên mặt nạ dơi, tôi thấy mi mắt nó sụp xuống. Tôi nhìn những người đưa tang khác rời đi thành một hàng chậm rãi về phía bãi đỗ xe. Những chiếc ô màu sắc sặc sỡ nổi bật trên những bộ y phục tối tăm. Trời bắt đầu mưa.
Ong Nhỏ ở lại với tôi. Chúng tôi đứng bên cạnh huyệt mộ và nhìn nhau.
“Cám ơn cháu,” tôi nói.
“Không có chi,” Ong Nhỏ đáp. “Cháu chỉ làm điều mà ai cũng sẽ làm.”
“Đúng,” tôi nói. “Chỉ có điều mọi người khác đã không làm.”
Ong Nhỏ nhún vai. “Nếu cô là người ngoài thì dễ hơn.”
Tôi rùng mình. Mưa mỗi lúc một nặng hạt.
“Chuyện này sẽ chẳng bao giờ kết thúc,” tôi nói. “Phải không, Ong Nhỏ?”
“Dù trăng biến mất bao lâu, một mai trăng lại sáng thâu đêm dài. Người ở làng cháu thường nói thế.”
“Mưa tháng Tư mời hoa tháng Năm. Người ở chỗ cô thường nói thế.”
Chúng tôi cố gắng mỉm cười với nhau.
Tôi đã không hề thả nắm đất của mình xuống mộ. Tôi dường như cũng không thể đặt nó xuống. Hai giờ sau, đơn độc một lát tại bàn ăn trong nhà, tôi nhận ra mình vẫn đang nắm chặt nhúm đất. Tôi thả đất lên khăn trải bàn, một khối nhỏ màu be nằm trên lớp vải cotton xanh sạch sẽ.
Mấy phút sau khi tôi trở lại, ai đó đã đi qua và dọn sạch nó.
Vài ngày sau, mục cáo phó trên tờ The Times viết rằng có những cảnh tượng đau lòng tại tang lễ của cựu bình luận viên của bổn báo. Chủ biên của Andrew gửi cho tôi bản tin đó, trong một phong bì màu kem sậm, với một tấm thiệp chia buồn trên giấy trắng mới tinh.
Bàn Tay Cứu Mạng Bàn Tay Cứu Mạng - Chris Cleave Bàn Tay Cứu Mạng