Dịp may ưu ái những ai can đảm

Publius Terence

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Nhã Ngôn
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3499 / 144
Cập nhật: 2019-08-02 22:02:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17
ó tiếng gõ cửa. Ruth giựt mình, lắng tai nghe. Nàng chỉ có một mình vì Kern đã đi từ sáng sớm để tìm việc. Nàng do dự một lúc rồi nhẹ nhàng đi qua phòng Kern bằng cửa thông nhau giữa hai phòng.
Ruth rón rén ra hành lang phía bên kia, đứng ở góc tường nhìn lại.
Một người đàn ông khoảng bốn mươi tuổi đang đứng trước cửa phòng Ruth. Nàng biết mặt ông ta và có nghe gọi là Brosse. Vợ ông ta bị bịnh nằm liệt giường mấy tháng nay. Họ chỉ sống nhờ tiền cứu trợ và chút ít của cải mang theo. Ở lữ quán Verdun mọi người đều biết rõ chuyện của nhau. Nàng tới gần:
- Ông tìm tôi...
- Vâng. Có phải cô là Holland không...
- Chính tôi.
- Tên tôi là Brosse, ở tầng dưới nầy. Vợ tôi bịnh… Nhưng tôi phải ra ngoài để kiếm việc làm. Tôi mạn phép đến gặp cô để xem cô có chút thì giờ…
Da mặt Brosse xanh xao, đầy nét phiền muộn. Ở đây, hễ cứ thấy ông ta là mọi người đều lảng ra để khỏi bị nhờ đóng vai an ủi bịnh nhân.
- Vợ tôi có những hôm… buồn đến lạnh người. Thế mà khi có người chuyện vãn là lại vui lên làm như sắp hết bịnh. Không biết cô có vui lòng …
Mấy ngày qua Ruth bắt đầu đan áo ấm. Có người cho biết, một cửa hiệu Nga tại Chaps - Eslysees nhận mua loại áo len đan để bán lại đắt hơn gấp ba. Ruth ngẫm nghĩ rồi bảo:
- Ông đợi một chút. Để tôi vào lấy vài món.
Ruth đem cả đồ đan theo Brosse xuống lầu dưới.
Về tới phòng, Brosse cố làm ra vẻ vui tươi:
- Lucie, anh mời cô Holland tới chuyện trò với em đây.
Hai con mắt đen trên khuôn mặt sáng hướng thẳng về phía Ruth. Brosse nói mau:
- Bây giờ anh đi. Tối về thế nào cũng có việc làm.
Ông ta cười, nhè nhẹ đi ra khép cửa lại. Người đàn bà lạnh lùng hỏi Ruth:
- Chồng tôi đến kiếm cô, phải không...
Ruth không muốn trả lời, nhưng nghĩ lại, nàng gật.
- Cám ơn cô. Nhưng tôi ẫn có thể nằm một mình. Cô cứ làm việc. Tôi cần ngủ một chút.
- Bà cứ tự nhiên. Tôi có đem theo đồ đan đây.
Người đàn bà thở dài:
- Ở bên một người bịnh chán lắm…
- Nhưng ngồi một mình trong phòng còn chán hơn.
Một lúc lâu không nghe người đàn bà nói, Ruth ngước lên. Bà ta đang khóc nghẹn.
- Trời ơi, ước gì tôi được ra ngoài phố một lần…
Nhìn khuôn mặt xám mét của người bịnh, chiếc giường tồi tàn rồi nhìn ra con đường ngập nắng chiều, những ngôi nhà có bao lơn và tấm bằng cao nghệu với một cái chai khổng lồ kết lại bằng các ống đèn để quảng cáo cho rượu khai vị Dubonnet, tự nhiên Ruth cũng cảm thấy cái thế giới bên ngoài cửa sổ đó như thuộc về một hành tinh khác.
Người đàn bà nín khóc, mệt nhọc ngồi lên:
- Cô về phòng à...
- Không.
- Cô đừng giận. Bịnh lâu quá tánh tình tôi không được bình thường…
Ruth ngồi xuống bên người đàn bà:
- Không, tôi có giận gì đâu.
Nàng tiếp tục đan. Một lúc sau, người đàn bà tỉnh táo hẳn:
- Cô cầm kim không được đúng lắm.
Và bà ta chỉ Ruth cách đan cho được mau hơn. Ruth nhìn lên bắt gặp một nụ cười trên môi người bịnh. Bà ta tiếp tục đan một lúc lâu rồi trao lại cho Ruth:
- Đó, cô cứ làm giống như vậy…
Brosse trở về buổi tối. Ông ta không khỏi lấy làm lạ khi thấy mặt vợ ửng hồng đôi chút.
- Em ngủ hả...
- Không, chỉ nằm nghỉ.
- Cô Holland về lúc nào...
- Mới cách đây vài phút.
Thình lình bà nắm lấy tay chồng:
- Anh, có kiếm được việc làm không...
- Chưa, nhưng chắc chắn là phải có.
Người đàn bà nín lặng khá lâu và thở dài:
- Em trở thàng gánh nặng cho anh.
Brosse tròn mắt:
- Lucie, sao em nói vậy... Không có em thì anh sống làm gì...
Ông ta ngồi xuống vuốt tóc vợ:
- Em đừng nghĩ nhiều mệt óc. Thế nào rồi cũng hết bệnh mà. Anh yêu em lắm, đừng nói dại anh buồn.
- Không ai có thể yêu một người đàn bà bịnh.
Brosse cười buồn:
- Phải yêu gấp đôi chớ. Bởi vì đó vừa là một người đàn bà vừa là một đứa bé.
Nước mắt người đàn bà ràn rụa:
- Anh còn yêu em không, Oho...
Brosse ôm lấy mặt vợ:
- Yêu và yêu gấp ngàn lần. Yêu đến nỗi anh còn ghen cả với cái giường mà em đang nằm. Em phải nằm trong trái tim, trong huyết quản của anh…
- Oho…
- Lucie…
Brosse hôn môi vợ. Vành môi nhợt nhạt, lạnh căm của người bịnh từ từ nóng ấm ra.
Kern vẫn chưa tìm ra được việc làm. Anh tới khắp chỗ nhưng chẳng có nơi nào nhận dầu chỉ xin làm với giá hai mươi quan mỗi ngày.
Qua mười lăm hôm, tiền hết sạch. Họ phải sống nhờ vào tiền cứu trợ: mỗi tuần khoảng năm mươi quan. Kern điều đình với bà chủ xin giữ lại hai phòng đang ở với khỏan tiền đó, được thêm một ít cà phê và bánh mì buổi sáng.
Kern phải bán áo choàng, cái vali và tất cả những món của Potzloch cho. Kế đó, họ lại phải bán tới một vài món nữ trang của Ruth và một ít áo quần còn khá tốt. Tuy thế, họ không thấy có gì quá thảm khổ. Dầu sao, họ cũng đang sống giữa Ba Lê, vậy là đủ lắm rồi.
Một chiều chủ nhật, Marill đưa họ vào Viện Bảo tàng Louvre, đó là ngày vào cửa khỏi phải trả tiền. Ông ta bảo:
- Các người cũng nên làm một cái gì để giết thì giờ giữa mùa đông. Các vấn đề lớn của đám di dân là sự đói khát, nơi trú ngụ và cách sử dụng thì giờ quá thừa thãi vì không được quyền làm việc mà ra. Sự đói khát và ưu tư là hai kẻ thù sinh tử cần phải chống cự quyết liệt, nhưng thời gian nhàn rỗi và vô dụng lại là một địch thủ đáng sợ. Nó lén lút tiến tới từ phía sau để gặm nhấm nghị lực và làm cho tinh thần tan rã. Cô cậu còn trẻ không nên la cà ở các quán, đừng tự than trách cũng đừng để bị xâm chiếm bởi những ý nghĩ chán chường. Mỗi khi thấy tinh thần xuống thấp hãy đến viếng phòng chờ đợi lớn nhất của Ba Lê: Viện Bảo tàng Louvre. Mùa đông ở đây ấm lắm. Thả hồn chìm đắm trước một Delacroix, một Rambrandt hay một Van Gogh còn hơn là thừ người trước một ly rượu. Chính tôi, Marill, đã khuyên cô cậu như thế, và chỉ có trời mới biết là Marill thích ngồi trước một ly rượu hơn.
Họ đi khắp phòng triển lãm đồ sộ của Louvre, họ đi qua nhiều thế kỷ, gặp gỡ các nhà vua Ai Cập bằng đá chạm, đứng trước các vị thần Hy Lạp và những Hoàng đế La Mã, họ chiêm ngưỡng những bàn thờ Babylone, ngắm nghía những tấm thảm Ba Tư, say sưa trước những họa phẩm lừng danh của các bậc thầy như Rembrandt, Goya, Le Greco, Leonard de Vinci, Durer, và cuối cùng họ tới phòng triển lãm của phái ấn tượng.
Những họa cảnh của Cézanne, Van Gogh và Monet, những vũ nữ của Degas…chosi sáng trên tường. Tất cả đều yên lặng, chẳng có sự hiện diện của ai ngoài họ ra. Kern và Ruth có cảm tưởng như đang ngồi bên những cửa sổ mở toang ra trước những cảnh sắc xa xăm, những khu vườn có vết tích của sự yêu đời, của những cảm giác mênh mông, những giấc mơ cao cả… và nơi đó linh hồn không bị hủy diệt, cảnh trí không bị chi phối bởi chế độ độc tài, bởi sự sợ hãi, bởi những luật lệ bất công.
Marill trầm ngâm một lúc lâu rồi nói giọng đều đều:
- Toàn là những di dân! Họ là những di dân. Bị săn đuổi, trục xuất, vô gia cư, một số đã phải kéo lê cuộc sống trong bùn, sống trong cơ cực và chết trong thảm khổ, nhưng hãy nhìn những gì họ đã sáng tạo kia! Đó là văn mình thế giới! Tôi chỉ muốn các người nhận thấy thế thôi.
Ông ta tháo kính ra lau:
- Cô cậu có cảm tưởng gì...
Ruth đáp ngay:
- Những họa phẩm nầy cho tôi cái cảm tưởng bình yên.
- Bình yên. Tôi nghĩ là cô muốn nói tới vẻ đẹp. Mà cũng đúng, ngày nay sự bình yên đồng nghĩa với vẻ đẹp. Nhứt là đối với chúng ta. Còn Kern...
- Tôi muốn có được một tấm để lấy tiền mua được thực phẩm.
Marill nhìn Kern:
- Tôi muốn cậu trả lời thật tình hơn.
Kern vẫn giữ ý trước:
- Tôi biết nói thế là điên. Nhưng lúc nầy tôi đang nghĩ tới một cái áo ấm cho Ruth giữa mùa đông.
Ruth đứng sát vào Kern, nắm tay anh.
Marill đeo kính vào:
- Con người ở những điểm cuối có thể là nên điều vĩ đại cho nghệ thuật, cho tình yêu mà cũng có thể đi tới chỗ tận cùng của sự ngu dại, hận thù và ích kỷ. Nhưng điều mà nhân loại còn đang thiếu thốn chính là một lòng tốt bình thường.
Kern và Ruth vừa ăn tối xong. Bữa ăn chỉ có bánh mì và cacao. Đó là thực đơn duy nhứt của họ từ tám ngày qua ngoại trừ một tách cà phê và hai cái bánh mì sừng buổi sáng do bà chủ lữ quán cung cấp. Kern cười với Ruth:
- Lạ quá, mình ăn bánh mì mà nghe mùi bít - tết.
- Còn em thì lại nghe mùi thịt gà. Thịt gà quay có củ cải thật tươi.
- Thịt gà hả... Vậy cho anh một miếng thịt gà đi.
Ruth vừa cười vừa chuyển sang dĩa Kern một mẩu bánh mì:
- Đó, em nhường anh cái đùi.
Kern cười lớn:
- Ruth, nếu không có em bên cạnh chắc tối ngày anh phải cãi lộn với Trời.
- Và nếu không có anh thì em phải lên giường nằm khóc.
Có tiếng gõ cửa. Kern ngỡ là Brosse trong khi Ruth nói to:
- Mời vào!
Cửa mở ra. Kern nhìn lên và sửng sốt kêu:
- Uûa! Có đúng thế không hay là tôi đang nằm mơ… Steiner, anh đó phải không... Trời ơi, Steiner, đây rồi.
Steiner cười:
- Xin lỗi Ruth, tôi tới hơi đột ngột khiến cô cậu mất vui. Nhờ gặp Marill ở tầng dưới nên tôi mới biết hai người ở đây.
Kern hỏi:
- Anh từ Vienne tới phải không...
- Từ Vienne. Sau khi đi vòng qua Morat.
Kern lùi lại một bước:
- Sao... Anh có qua Morat à...
Ruth cười và giải thích:
- Morat là nơi gây tai họa cho chúng tôi. Ở đó tôi bị bịnh còn Kern thì bị bắt.
Steiner cười khoan khoái:
- Chính vì vậy mà tôi tới đó. tôi đã trả thù cho cô cậu rồi.
Anh lấy từ trong bóp ra sáu mươi quan Thụy Sĩ và nói tiếp:
- Số tiền nầy tương đương với 14 Mỹ kim hoặc ba trăm năm mươi quan Pháp. Quà tặng của Ammers đó.
Kern trố mắt:
- Ammers... Ba trăm năm mươi quan... Cái gì vậy...
- Để tôi nói rõ sau. Cứ lầy tiền đi. Và bây giờ thì để nhìn cô cậu coi… má hóp, thiếu ăn, chỉ uống cacao không, có đúng chưa...
Kern cười ngượng ngịu:
- Chỉ mới đúng một nửa thôi. Thỉnh thoảng Marill còn đãi cho một bữa ăn đúng vào lúc chúng tôi sắp sửa kêu than. Dường như ông ta có giác quan thứ sáu
- Ông ta còn có một giác quan khác nữa. Đó là giác quan hội họa. Marill có đưa tới Viện Bảo tàng Louvre chưa...
Ruth đáp:
- Có. Chúng tôi đã được xem Cézanne, Van Gogh, Manet, Renoir và Degas.
- A, phái ấn tượng. Như vậy là cô cậu đã được ông ta mời điểm tâm. Sau bữa ăn, ông ta dẫn đi xem, có đúng không... Mà thôi, mau lên, mặc đồ vào. Các quán ăn Ba Lê đang đợi chúng mình.
- Nhưng chúng tôi vừa mới…
Steiner ngắt lời:
- Biết rồi nhưng cứ thay quần áo đi. Tiền nhiều quá, phải xài cho đã.
- Nhưng chúng tôi đã mặc đồ rồi đây.
- Ờ há! Vậy là hai người đã bán áo choàng rồi phải không... Thôi cũng được. Mình sẽ nói chuyện đó sau.
Sau bữa ăn, Steiner bảo:
- Bây giờ thuật lại cho tôi nghe những gì đã xẩy ra.
Kern nói một hơi dài:
- Ba Lê thật là lạ. Đây chẳng những là thành phố của nước hoa, của xà bông thơm mà còn là thành phố của kẹp tóc, dây giày, nút áo. Ngoài ra, tôi còn làm nhiều thứ khác như khuân vác trái cây, bán đồ chơi trẻ em, cuối cùng chẳng kiếm được bao nhiêu. Ruth làm việc cho một văn phòng được mười lăm hôm thì văn phòng đóng cửa, người ta không chịu trả tiền. Lại phải xoay ra đan áo len. Tiền bán chỉ vừa đủ mua len đan áo khác… Chính vì vậy mà tôi đi dạo thành phố Ba Lê như một người Mỹ giàu có, không cần mặc áo choàng.
Steiner đốt một điếu thuốc:
- Cô cậu bán áo choàng hay là cầm...
- Cầm trước rồi bán sau.
- Có tới quán Maurice lần nào chưa...
- Chỉ tới quán Alsace thôi.
- Được. Vậy thì mình tới Maurice. Ở đó có Dickmann. Hắn biết đủ thứ kể cả vấn đề áo choàng. Nhân tiện tôi sẽ hỏi hắn xem có việc gì làm tại hội chợ Quốc tế sắp khai mạc hay không.
- Hội chợ Quốc tế hả...
- Đúng vậy. Mình có thể tìm việc làm ở đó không sợ bị hỏi giấy tờ.
Kern hơi ngạc nhiên:
- Anh tới Ba Lê bao lâu rồi... Sao anh biết hết vậy...
- Mới bốn hôm. Tôi tìm ra cô cậu là nhờ Klassmann. Tôi gặp ông ta ở sở Cảnh sát. Nói xin cho cô cậu biết là tôi đã có giấy thông hành. Vài hôm nữa tôi sẽ tới ở khách sạn Quốc Tế. Cái tên này rất hợp với tôi.
Bản Du Ca Cuối Cùng Bản Du Ca Cuối Cùng - Erich Maria Remarque Bản Du Ca Cuối Cùng