Books let us into their souls and lay open to us the secrets of our own.

William Hazlitt

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5200 / 50
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
háng bảy cúng cô hồn: Câu chuyện của ông trưởng phòng nghiệp vụ
- Ở trên đời nguy hiểm nhất là không biết mình là ai.
Cuộc họp tổng kết đề tài phòng chống ma tuý tưởng ngắn hoá ra lại thành dài. Phần báo cáo của bên công an đã lê thê. Sau đó, lại thêm, ông trung uý công an giao thông hướng dẫn về luật an toàn đường bộ. Thực sự mà nói, đây là việc không cần thiết. Ai đời, cử toạ bên dưới toàn tóc bạc, muối tiêu (mình tôi tóc đen thôi) nghe chàng trung uý trẻ măng dạy dỗ. Vừa phí thời gian, vừa không tác dụng. Tôi nhìn quanh. Thấy mấy thầy già gật gù, có thầy ngủ gục xuống mặt bàn. Ông phó giám đốc sở dự khán thì mắt nheo nheo muốn ngủ. Trưởng phòng nghiệp vụ đang lấy tay che miệng ngáp ngáp liên tục ba bốn cái. Trước khi ngáp, tôi thấy ông ta len lén nhìn phó giám đốc sở. Khi thấy ông sếp phó cũng ngáp dài, ông ta liền ngáp theo. Còn nếu thấy ông sếp không ngáp, ông ta chúm miệng lại, giấu cái ngáp nửa vời, nhìn thật là tội nghiệp.
Việc gì phải khổ sở vậy, thưa ngài trưởng phòng nghiệp vụ? Sao ngài không tỏ thái độ kênh kiệu vẫn có của ngài khi xuống các trường phổ thông? Chẳng trách người đời thường nói những kẻ hay quát tháo người khác và tỏ ra mình có quyền hành thực chất là những kẻ kém tự tin nhất. Họ thực sự là kẻ yếu. Tôi còn muốn bổ sung thêm, những kẻ hay tỏ oai quyền nhất lại là những kẻ hèn nhất khi đối diện với kẻ có quyền thế hơn họ. Ông trưởng phòng nghiệp vụ này là một ví dụ sinh động. Tôi quan sát ông ta trong im lặng. Như thể một nhà côn trùng học đang quan sát mẫu vật quý hiếm: Ông ta nhướng mày, ông ta kín đáo dò xét xung quanh, nhẹ nhàng xoay người ra phía sau, thấy một giáo viên gục mặt xuống bàn (có lẽ ngủ), ông ta nhíu mày. Tia mắt lạnh lẽo của ông ta quét khắp phòng họp, ông ta quay lên, len lén liếc sếp phó, đưa tay lên che miệng và ngáp tiếp.
Buổi họp rồi cũng xong, ông ta lên phát biểu ý kiến tổng kết:
- Xin lưu ý quý thầy cô về triển khai nghị quyết chống ma tuý xâm nhập học đường theo đúng tinh thần chủ trương đã đề ra. Tôi nhắc thêm các thầy cô là đi dự họp không được ngủ gục, không được ngáp…
Tôi nhìn thật kỹ ông trưởng phòng nghiệp vụ. Suốt buổi, tôi đếm được ổng ngáp hai mươi mốt lần rưỡi: có 8 lần ngáp lấy tay che, 7 lần ngáp lấy tờ báo che, 6 lần ngáp không thèm che miệng, còn nửa lần là đang ngáp thì thấy sếp phó nhìn nên khép miệng lại (may không trẹo quai hàm).
Trên diễn đàn, ông trưởng phòng vẫn thao thao bất tuyệt về chuyện không được ngáp, tự nhiên tôi muốn ngáp quá, nhưng thôi, cố không ngáp. Tôi không có khả năng giáo điều như ổng.
Tôi về trường, kể lại chuyện cho cô Hoa nghe. Tất nhiên là giấu chuyện tôi đếm được ông Rạ ngáp 21 lần rưỡi. Cô Hoa cười ha hả:
- Trời ơi, tưởng ai, ông Rạ hả? Để chị kể em nghe mấy chuyện, nghe xong mà cười có đau bụng thì nói chị mua dầu gió xanh con Ó nhé?
Chị Hoa kể hồi ổng làm hiệu trưởng trường cấp 3 Lương Định Của, ổng không cho giáo viên nữ mặc áo dài mà áo với quần cùng màu. Chẳng giải thích lý do gì. Luật giáo dục không hề quy định vậy. Cả trường cũng chẳng ai có ý kiến gì. Có cô giáo mới về trường, không biết chuyện, nên may một lúc mấy bộ. Đến lúc biết, tá hoả lên, bèn mặc áo dài xanh, quần vàng và ngược lại, ai thấy cũng chướng mắt. Ngài hiệu trưởng Rạ bèn kêu cô giáo lên, cô ta cười hì hì, chính thầy đã quy định vậy rồi. Ông ta nghẹn họng, chẳng nói được cái gì. Cái thói quan liêu có từ ngày đó. Cả tỉnh này, giáo viên nào mà chẳng biết sự hách dịch của ông Rạ chứ? Sự hách dịch đó đã là bản chất của ông ta, lại thêm quyền lực. Cả cái chuyện ông ta lên trưởng phòng nghiệp vụ cũng là một giai thoại dài kỳ mà những giáo viên già còn truyền tai nhau như một câu chuyện đùa. Có lần, trong kỳ thi tú tài, ông ta đã cãi nhau với cô Huê, một trong những giáo viên sinh giỏi nhất tỉnh. Rốt cuộc, ông ta buộc cô Huê phải nghe theo đáp án của ông ta đề ra. Rồi chỉ một ngày sau đó, bộ giáo dục đính chính đáp án lại. Phần đáp án mở thêm đã bị bác bỏ hoàn toàn. Chuyện tưởng qua, nhưng năm nào chấm thi có môn sinh, y như rằng, ông ta nhắc lại. Cô Hoa kể lại với nụ cười buồn và sự chán nản không giấu giếm: “Vậy đó, Hạ Anh à, em nên cẩn thận hết sức với con người này!”
Tôi tin cô Hoa một nửa, còn một nửa còn lại, tôi sẽ tự kiểm chứng. Tôi vẫn tin vào khả năng xét đoán con người của mình. Nếu thêm vài dịp tiếp xúc, nhất định, tôi sẽ có câu trả lời hoàn chỉnh về con người ông ta. Chẳng để làm gì, nhưng tôi muốn biết thêm một chân dung sếp vừa vừa của tỉnh lẻ. Bộ sưu tập nhân vật phản diện của tôi đang có nguy cơ thu hẹp lại. Tôi đang cố viết về cuộc sống với nhiều người tốt. Viết một quyển tiểu thuyết mà người đọc nhìn đâu cũng thấy kẻ xấu thì thực đáng buồn. Nó thể hiện việc tác giả thiếu tâm hay nói như các sếp là: “Thiếu ý thức xây dựng”. Chẳng phải trong ai cũng có cái tốt và cái xấu đó sao? Tự nhiên, đang nói chuyện, cô Hoa cười rũ rượi:
- Hạ Anh nè, để chị kể em nghe một chuyện. Em nghe xong thì cho chị biết cảm giác nhé?
Chị Hoa đứng dậy, nhìn điệu bộ, tôi biết chị sắp sửa diễn trò. Chị là người có biệt tài “nhái” thật chính xác. Cứ nhìn chị nhái bộ dạng ai thì người ấy đều công nhận là giống rồi ngã ra cười thôi. Chị đứng giữa phòng, bộ dạng ra vẻ uy nghiêm:
- Thưa các thầy cô giám khảo, tôi được hân hạnh phân công làm chủ tịch hội đồng chấm thi, xin các thầy cô trật tự nghe tôi nói qua về quy chế chấm thi…(tằng hắng).
Chị Hoa tiếp tục giữa vẻ mặt uy nghiêm, còn tôi thì cố gắng nín cười.
- Thưa với thầy cô, việc chấm thi là một việc tối quan trọng. Tôi xin nhắc lại các thầy cô có vấn đề gì thì giơ tay phát biểu ý kiến với tôi, tôi là chủ tịch hội đồng. Đề nghị các thầy cô trật tự! Đề nghị nhóm các thầy cô ở trường HD trật tự! Tôi xin nói tiếp (đảo mắt nhìn quanh quất), các thầy cô phải chấm thi bằng mực đỏ, vâng, tôi xin nhắc lại, mực đỏ. Các thầy cô phải ghi điểm đến số thập phân. Ví dụ, như 7 điểm thì ghi là bảy- chấm- không, các thầy cô không được ghi là bảy chấm rồi thôi. Có điều gì các thầy cô chưa hiểu không? Số thập phân, vâng, tôi nói số thập phân là…
Tôi ngã lăn xuống đất và đau bụng vì cười. Cô Hoa chợt nghiêm sắc mặt:
- Vậy đó, chị gọi đó là sự xúc phạm giáo viên, chúng ta có phải là con nít lớp 1 đâu. Khổ nỗi, trên đời lại có quá nhiều người như vậy. Bất cứ khi nào họ vớ được chút xíu quyền lực, dù quyền lực ảo, quyền lực một ngày hay một tuần thì họ cũng cố mà chứng tỏ điều đó. Đời thật là đáng buồn!
Nhìn cô Hoa, tôi tự nhiên thấy chị khác nhiều. Có lẽ, tôi cũng đã quá vội vã trong việc xét đoán về chị. Có lẽ ở đời người ta có quá nhiều lý do để tự biện minh cho những nhận xét của mình. Tôi về nhà, hàng xóm đã bày những mâm cỗ cúng cô hồn tháng 7. Tháng 7 xá tội vong nhân, cúng những cô hồn đi lang thang vất vưởng. Cô hồn đâu chưa thấy, chỉ thấy các cô hồn nhí được bữa giành giật chen lấn vì mấy khúc mía với mấy củ khoai lang. Vậy mà vui. Tôi cũng muốn tham gia vào đám giật khoai lang với mía, nhưng bị má rầy: “Mầy làm cô giáo rồi, lớn rồi con”. Tôi cong cớn lại: “Cô giáo có phải cô…sư.. đâu má?” Má tôi cười: “ Mồ tổ mày, không nghe còn cãi”. Nói vậy chứ tôi không dám giành giật. Tôi mà giành thì cũng không vui, tụi con nít sẽ nhường cho tôi lượm trước. Mà đã được nhường thì có gì để vui nữa…Tôi vào nhà, lấy máy ảnh, chụp mấy cái mới được, mai mốt in ra cho tụi con nít. Để tụi nó lớn lên có chút kỷ niệm mà lưu giữ.
Nhìn mấy cái ảnh trên máy, tự nhiên tôi thấy buồn buồn trong lòng. Giành giật nhau, sao mà giống trò chơi quyền lực quá. Cái đám trẻ con ngóng mỏ nhìn người chủ nhà chuẩn bị thí vàng giống hệt chúng tôi trong khi đi coi thi ngóng mỏ nghe phân công vị trí hay giống cái cảnh cô Hoa tả trong phòng chấm bài? Tự nhiên thấy buồn quá. Tháng 7 xá tội vong nhân, những vong hồn vất vưởng được ăn no mặc ấm. Còn tâm hồn của tôi, tâm hồn của cô Hoa cùng những người khác, ai sẽ vỗ về và ủ ấm cho? Những bất công, ngang trái của cuộc sống, của thế lực cứ đổ ập lên đâu đó. Chỗ này người dân bị hành hạ đến 28 lần không xin được một chữ ký để làm giấy tờ nhà, chỗ kia, bộ trưởng phải năm năm mới xin nhập được hộ khẩu cho vợ con, chỗ nọ, người dân bị quan chức bắt tay nhau lấy đất, những sự kiện đó dội vào tâm hồn chúng tôi như những âm thanh cuồng nộ rồi ở mãi đó. Chúng tôi trở nên tự ti, đớn hèn và tràn ngập sợ hãi. Chúng tôi trở thành những con rùa rụt cổ. Thấy tiêu cực không bao giờ dám lên tiếng. Người ta sai cũng không dám nói. Thấy những quy định vô lý cũng chẳng dám phản đối. Tâm hồn của chúng tôi đang càng lúc càng héo úa, ai thắp lại niềm tin trong chúng tôi?
Bài Học Đầu Tiên Bài Học Đầu Tiên - Trần Thị Hông Hạnh