When you look at the sun during your walking meditation, the mindfulness of the body helps you to see that the sun is in you; without the sun there is no life at all and suddenly you get in touch with the sun in a different way.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: trungduc751995
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4920 / 114
Cập nhật: 2015-08-06 09:54:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17 Vai Trò Của Tống Mỹ Linh
rong biến cố Tây An, một số cộng sự thân tín của Tưởng Giới Thạch tại Nam Kinh chủ trương oanh tạc Tây An mà không đếm xỉa tới sự an nguy của Tưởng. Khi được trả tự do, Tưởng quyết định không giao phó lực lượng không quân cho những người cộng sự này nữa. Tống Mỹ Linh ngỏ ý thích điều khiển không lực Quốc dân đảng và được Tưởng đồng ý chấp thuận. Thế là cô con gái út của Tống Giáo Nhân trở thành tư lệnh của một binh chủng mới, nhưng cực kỳ quan trọng trong chiến tranh hiện đại.
Việc đầu tiên mà bà tân tư lệnh không quân Tống Mỹ Linh làm là thuê cựu phi công Mỹ Roy Holbrook làm cố vấn. Mỹ Linh hỏi ai có khả năng giúp không lực Quốc dân đảng thì Holbrook tiến cử Claire Lee Chennault, một người có một quá trình rất sóng gió. Chennault tới Trung hoa năm 1937, và phục vụ cho Mỹ Linh trong một thời gian thật lâu dài, và được gọi là Tướng Cọp Bay.
Lúc đó không lực Quốc dân đảng do các chuyên viên Ý huấn luyện, theo một hợp đồng với Khổng Tường Hy, và có một nhà máy Fiat hỗ trợ. Theo Holbrook thì người Ý đã thành công phá hoại không lực Trung hoa. Tại trường huấn luyện, bất cứ phi công Trung hoa nào làm cho phi cơ bay được là đủ điều kiện tốt nghiệp. Không lực có khoảng 500 phi cơ, nhưng chỉ chừng 100 phi cơ bay được. Quả thực các phi cơ Quốc dân đảng lúc đó nguy hiểm cho phi công hơn là cho quân địch.
Hai tháng sau khi Chennault tới thì quân Nhật mở cuộc tấn công Bắc Kinh. Nhật mở rộng chiến tranh tới tận Thiên Tân và Thượng Hải. Đây là cơ hội cho Chennault xử dụng không lực mới được tổ chức lại. Các phi công Trung hoa có tinh thần cao và nhiệt tình yêu nước nhưng thiếu kinh nghiệm, nhưng đã bay những phi vụ rất can đảm. Rất ít phi công trở về được căn cứ. Mỹ Linh thấy không thể tiếp tục như thế, vì sẽ phí phạm các thanh niên ưu tú Trung hoa một cách vô ích. Bà yêu cầu Chennault thuê nhiều phi công kinh nghiệm ngoại quốc cho đến khi phi công Trung hoa được huấn luyện thành thạo.
Thoạt đầu một số phi công Nga sang giúp quân đội của Tưởng, vì Nga sô rất sợ Nhật bản thành công tại Trung hoa. Nhưng về sau Nga sô lơi là trợ giúp Trung hoa vì phải bận tâm tới chiến tranh tại Âu Châu hơn, và chỉ có Hoa Kỳ mới có đủ phương tiện trợ giúp được cho Quốc dân đảng. Mỹ Linh viết nhiều bài báo kêu gọi độc giả Mỹ hậu thuẫn cho việc viện trợ cho quân đội Trung hoa. Mỹ Linh được tờ Time hỗ trợ trong việc vận động quần chúng Mỹ.
Khi Nhật Bản tấn công các tỉnh đông bắc Trung Hoa thì Tống Tử Văn tiên đoán trong ba tháng Nhật Bản sẽ bị phá sản và có nội loạn. Nhưng ba tháng sau, Tống Tử Văn phải yêu cầu hải quân Mỹ lén đưa ông ta ra khỏi Thượng Hải. Lúc đó Thượng Hải nằm trong tay quân Nhật. Trong lúc Hoa Thịnh Đốn đang nghiên cứu đề nghị dẫn Tống Tử Văn trốn khỏi Thượng Hải thì họ Tống nhờ nhóm anh chị Lục Hội giúp ông thoát hiểm, và dĩ nhiên phải trả công cho Lục Hội rất hậu.
Trong năm 1938, quân Nhật đuổi Tưởng Giới Thạch và chính phủ Quốc dân đảng phải tháo chạy khỏi Nam Kinh, và tàn sát ba trăm ngàn dân chúng tại Nam Kinh. Tưởng và chính phủ Quốc dân đảng chạy tới Vũ Hán, rồi chạy một hơi thêm 500 dặm nữa, tới một nơi thật an toàn mà không một quân đội ngoại quốc nào có thể xâm nhập được. Đó là vùng núi non của Tứ Xuyên, và Tưởng thiết lập chính phủ tại Trùng Khánh, một thị trấn nhỏ bé nghèo nàn trên bờ sông Dương Tử. Trên đường chạy tới Trùng Khánh, chế độ Quốc dân đảng đã "giải phóng", "bảo hộ", và "tịch thu" rất nhiều tiền bạc của cải của mọi tổ chức tư nhân khác nhau và các nhà giàu. Nhưng đến mùa xuân năm 1940, Tưởng lại thiếu tiền, và Khổng Tường Hy lại phải in hàng trăm triệu tiền giấy tại Hương Cảng, và chở tới Trùng Khánh. Mọi người đều biết tiền giấy đó vô giá trị. Cuộc chinh phục của người Nhật đã tạm thời làm gián đoạn đường giây bạch phiến, và cắt giảm nguồn lợi tức quan trọng nhất của Tưởng, trong lúc Tưởng rất cần tiền để mua khí giới ngoại quốc, và cũng để trả cho các sứ quân với mục đích mua chuộc và giữ lòng trung thành của họ.
Vì thế tháng 6-1940, Tống Tử Văn được cử sang Hoa kỳ để tìm cách vay tiền của người Mỹ. Nhưng Tống Tử Văn không ưa thích những điều Tưởng làm, vì thế Tống Tử Văn ở lại Hoa kỳ trên hai năm cùng với vợ con. Nhiệm vụ đầu tiên của Tống Tử Văn là lấy được số tiền ứng trước 50 triệu cho việc xuất cảng tung-ten của Trung hoa. Nhưng lúc đó mối quan tâm của Hoa Kỳ là Âu Châu và Hitler. Tống Tử Văn trình bày cho người Mỹ biết công cuộc bảo vệ Trung hoa của Tưởng Giới Thạch là một cuộc chiến đấu can trường chống lại quân Nhật man rợ, do các tướng Quốc dân đảng có khả năng và nhiệt tâm thực hiện. Tháng 4-1938, Tướng Quốc dân đảng Lý Tông Nhân đã chứng tỏ quân đội Trung hoa có thể đánh bại được quân Nhật. Trong trận này quân Nhật bị thiệt hại nặng nề, nhưng Tưởng ra lệnh cho Lý Tông Nhân không được đuổi theo quân Nhật. Điều đáng buồn là quân đội Quốc dân đảng không có nhiều tướng tài như Lý Tông Nhân.
Tưởng Giới Thạch một lúc phải chống lại hai kẻ thù, và kẻ thù quan trọng nhất không phải là quân xâm lăng Nhật Bản, mà là quân cộng sản đang chiến đấu dưới chiêu bài ái quốc. Tưởng điều động trên một triệu quân án ngữ quân cộng sản tại vùng tây bắc. Những nạn nhân chính trong cuộc chiến tay ba này là dân chúng vô tội. Sử gia người Pháp Jean Chesneaux đã ghi lại thảm cảnh của người Trung hoa trong cơn khói lửa như sau:
"Nỗi thống khổ gây ra bởi sự tàn ác của quân Nhật, và các tai họa do sự bất tài của Quốc dân đảng thực là kinh khủng. Một trong những cố gắng của Tưởng nhằm ngăn chặn bước tiến của quân Nhật là giật mìn phá đê sông Hoàng Hà. Vì không được báo trước nên ba tỉnh, 11 thành phố và bốn ngàn làng đã bị ngập lụt, hai triệu người mất nhà cửa và mùa màng bị phá hủy. Dầu vậy quân Nhật cũng chỉ bị chận lại chừng ba tuần lễ thôi. Việc phá đê sông Hoàng Hà có nhiều ký giả ngoại quốc chứng kiến, nhưng chính phủ của Tưởng lên tiếng đổ lỗi cho quân Nhật."
Khi Tưởng bị bắt cóc và bắt buộc phải thành lập Mặt Trận Thống Nhất với quân cộng sản, thì quân cộng sản được tập hợp thành Bát lộ quân do Chu Đức chỉ huỵ Nhưng Bát lộ quân cố tránh né không đụng trận với quân Nhật, để bảo toàn lực lượng. Quân cộng sản chỉ dùng chiến thuật du kích để tránh thiệt hại về quân số, trong khi đó ra sức tuyển mộ thêm quân cho Bát lộ quân. Tại nhiều nơi, quân cộng sản và quân Nhật đóng gần nhau, trông thấy nhau, nhưng hai bên đều không nổ súng. Phần lớn những cuộc giao tranh dữ dội chỉ xảy ra giữa quân Nhật và quân Quốc dân đảng. Phe cộng sản chỉ lo chuẩn bị cho cuộc chiến với Quốc dân đảng sau khi quân Nhật bại trận.
Nhiều tướng lãnh của Quốc dân đảng tỏ ra bất tài, vì thế đến năm 1940-41, khu vực của cộng sản mở rộng rất nhiều trong khi khu vực của Quốc dân đảng càng ngày càng thu hẹp lại. Trong khi đó hoạt động tội ác của Lục Hội vẫn không suy giảm vì chiến tranh. Bố già Đỗ Đại Nhĩ được phong chức tướng, và đã khôn ngoan di chuyển tới Trùng Khánh. Bản doanh của Lục Hội tại Thượng Hải được giao cho phụ tá của Đỗ Đại Nhĩ là Cố Tử Chuân. Tưởng giao tất cả trách nhiệm quân sự trong khu vực hạ lưu sông Dương Tử cho em của Cố Tử Chuân là tướng Cố Chúc Đồng.
Lúc đó Quốc dân đảng và cộng sản thành lập Mặt Trận Thống Nhất, và một số đơn vị cộng sản chiến đấu dưới quyền chỉ huy của quân đội Quốc dân đảng. Đệ tứ quân đoàn cộng sản mới được thành lập muốn điều tra khu vực của anh em nhà họ Cố, để có thể mở cuộc tấn công quân Nhật tại Nam Kinh và Hán Khẩu. Đây là một khu vực có sự cộng tác giữa Lục Hội và quân Nhật. Lục Hội được phép buôn lậu thuốc phiện và mặc sức hoạt động tội ác, trong khi Lục Hội phải bảo vệ an ninh cho các trại lính và các cơ sở thương mại của Nhật tại lưu vực sông Dương Tử.
Cố Chúc Đồng lập tức tham khảo với Tưởng Giới Thạch và nhận định rằng đệ tứ quân đoàn là một sự hăm dọa cho lãnh địa của họ Cố. Cố Chúc Đồng ra lệnh cho đệ tứ quân đoàn phải vượt qua sông Dương Tử tới một địa điểm về bắc ngạn con sông. Viên tư lệnh đệ tứ quân đoàn phản đối lệnh của Cố Chúc Đồng, vì nếu thi hành lệnh đó thì cả đệ tứ quân đoàn sẽ phải đi vào chỗ chết, vì bắc ngạn sông Dương Tử là nơi tập trung quân Nhật đông đảo nhất. Đệ tứ quân đoàn đề nghị rút lui theo một đường khác an toàn hơn. Khi phần lớn đệ tứ quân đoàn đã rút lui, chỉ để lại một lực lượng nhỏ chừng năm ngàn quân ở lại bảo vệ bộ tư lệnh, gồm có các cấp chỉ huy cao cấp và một số nữ cán bộ và y tá. Nhưng ngay đêm đó, Cố Chúc Đồng đem quân tới bao vây, và giết tất cả bộ tham mưu của đệ tứ quân đoàn cùng với năm ngàn quân bảo vệ. Các nữ cán bộ và y tá bị bắt hết, và bị quân lính của Cố Chúc Đồng hãm hiếp trong nhiều ngày. Họ bị giữ trong những ổ mãi dâm trong hơn một năm, ngay tại nơi xảy ra cuộc tàn sát. Nhiều người bị mắc bệnh phong tình, và một số tự tử chết.
Cố Chúc Đồng sau được bổ nhiệm làm tổng tham mưu trưởng quân đội Quốc dân đảng. Khi Tưởng Giới Thạch được phỏng vấn về vụ tàn sát này, Tưởng tuyên bố thẳng thừng, "Quân Nhật là bệnh ngoài da, còn cộng sản là bệnh trong tâm can." Tưởng Giới Thạch nhìn xa, ngay từ đầu đã nhận thấy nguy cơ cộng sản. Tưởng là một người chống cộng quyết liệt nhất cho tới lúc chết. Quốc sách chống cộng của Tưởng đã bị nhiều tướng lãnh Quốc dân đảng bất tài, hoặc chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân nên đưa đến thất bại bằng những quyết định thiếu chính trị.
Thoạt đầu người Mỹ lạnh nhạt trước nhiệm vụ xin viện trợ của Tống Tử Văn, nhưng sau khi quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng thì người Mỹ vồ lấy người Trung hoa như một đồng minh thiết yếu nhất. Ngoại trưởng Knox tuyên bố với Tống Tử Văn, "Chúng tôi sẽ giết hết những tên da vàng khốn nạn đó." Không đầy ba tuần sau, Tống Tử Văn được bổ nhiệm làm ngoại trưởng Trung hoa.
Tháng 1-1942, Tống Tử Văn gặp tổng trưởng tài chánh Morgenthau, trình bày yêu cầu của Tưởng xin vay 500 triệu mỹ kim. Morgenthau tò mò hỏi chương trình sử dụng 500 triệu mỹ kim cần phải vay, vì hiện Trung hoa đã có 650 triệu rồi. Tống Tử Văn kiên nhẫn giải thích rằng Tưởng thống chế cần một tỷ mỹ kim, gồm có 500 triệu của người Anh và 500 triệu của người Mỹ làm quỹ dự trữ để dùng khi nào cần. Mặc dầu có một vài sự phản đối, nhưng tổng thống Roosevelt yêu cầu Quốc hội Mỹ chấp thuận cho Trung hoa vay số tiền đó. Tưởng Giới Thạch đánh điện cho Tống Tử Văn, nhấn mạnh số tiền vay đó không phải trả tiền lời, không đặt điều kiện trả, không bảo đảm và không điều kiện ràng buộc về cách sử dụng. Cuối cùng Tưởng Giới Thạch vay được tiền với điều kiện của Tưởng.
Tưởng Giới Thạch hết sức hài lòng, và đã có được một nguồn tài nguyên vô tận hỗ trợ phía sau, nhờ trận đánh Trân Châu Cảng. Tưởng có toàn quyền chi tiêu số tiền vay mà không cần phải trả lời Quốc hội Mỹ. Tướng Stilwell đã có nhận xét về thái độ của Tưởng Giới Thạch như sau, "Tôi không bao giờ nghe Tưởng nói một lời để diễn tả lòng biết ơn đối với tổng thống và quốc gia chúng ta về sự trợ giúp to lớn mà chúng ta đã cung cấp cho ông tạ Ông ta luôn luôn đòi hỏi nhiều hơn, và luôn luôn than phiền về những số vật liệu cung cấp cho ông ta là ít ỏi... Ông ta thường phàn nàn rằng người Trung hoa đã phải chiến đấu sáu, bảy năm mà chúng ta không cung cấp cho họ gì cả. Thực là thiếu ngoại giao nếu chúng ta đi sâu vào những nỗ lực quân sự mà Tưởng Giới Thạch đã đạt được từ năm 1938. Quả thực đó chỉ là một con số không."
Đúng ra mãi đến lúc quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng thì người Mỹ mới thực sự viện trợ cho Tưởng một cách quảng đại, vì lúc đó Tưởng đang đánh kẻ thù của người Mỹ. Năm 1942, bà Tống Mỹ Linh sửa soạn sang Hoa Kỳ để vận động sự ủng hộ của người Mỹ. Tống Tử Văn kịch liệt phản đối việc cô em gái sang Mỹ, vì Tống Tử Văn cho rằng Hoa Kỳ là khu vực hoạt động của riêng ông. Nhưng lý do Mỹ Linh phải đi cầu viện cũng bắt nguồn từ những sự lục đục trong gia đình. Cuộc tình duyên giữa Mỹ Linh và Tưởng Giới Thạch đã có nhiều sóng gió. Tưởng thống chế đang tìm an ủi ở một người đàn bà khác. Mỹ Linh bây giờ gọi Tưởng là "ông ta" chứ không còn gọi là "Tưởng thống chế" hoặc "Tưởng tổng thống" nữa. Có lần bà nổi giận cho biết "Ông ta" chỉ gắn hàm răng giả vào mỗi khi đi thăm "mụ đàn bà đó". Một hôm Mỹ Linh bước vào phòng ngủ của Tưởng và trông thấy một đôi giầy cao gót dưới gầm giường. Mỹ Linh liền cầm đôi giầy quăng mạnh ra ngoài cửa sổ, và trúng đầu một tên lính gác đứng bên dưới. Có lần Tưởng không tiếp được khách tới bốn ngày vì mặt Tưởng bị bầm tím, sau khi trúng một bình hoa trong một cuộc đụng độ với Mỹ Linh.
Trong những năm 1940, Tưởng bắt đầu gặp gỡ nhiều người đàn bà khác. Năm 1942, Tưởng gặp lại vợ cũ là Trần Khiết Nhự Tưởng kết hôn với Mỹ Linh vì nhu cầu chính trị, phải vào làm rể nhà họ Tống để thừa hưởng cái gia tài chính trị của Tôn Dật Tiên để lại. Mỹ Linh là một người rất kiêu hãnh và thanh tịnh về tình dục. Vì thế Tưởng vẫn luyến tiếc người vợ rất điệu nghệ trong việc chăn gối là Trần Khiết Như, xuất thân từ các chốn thanh lâu của Thượng Hải. Năm 1927 Tưởng bỏ Trần Khiết Như và bắt nàng phải sang Hoa Kỳ để Tưởng có thể kết hôn với Tống Mỹ Linh. Sau đó Trần Khiết Như bí mật trở về Trung hoa, rồi mang thai, và sinh con năm 1944.
Tưởng đã có tất cả và đạt tới tột đỉnh quyền lực. Bây giờ gia đình nhà họ Tống không còn là một cần thiết nữa. Tuy vậy Mỹ Linh đã trở nên một người đàn bà nổi tiếng khắp thế giới. Một yếu điểm của Mỹ Linh là không sinh con để nối giõi quyền lực của Tưởng. Hai con trai của Tưởng nay đã lớn rồi. Vĩ Quốc đã trở về sau thời gian huấn luyện quân sự tại Đức, và không hòa thuận với Mỹ Linh. Người con trai lớn là Tưởng Kinh Quốc từ Nga sô trở về năm 1937, đem theo một người vợ Nga sộ Khi ra đón con tại phi trường, Tưởng Giới Thạch chỉ vào Mỹ Linh và nói với Tưởng Kinh Quốc, "Bây giờ con lại chào thân mẫu con đị"
Tưởng Kinh Quốc giận dữ trả lời, "Đó không phải là thân mẫu của con," rồi bỏ đi về Khê Khẩu, tại đó bà mẹ thực của Kinh Quốc đang chờ đợi. Tưởng Kinh Quốc rất chí hiếu với mẹ. Biến cố tại phi trường ngày hôm đó bắt đầu một cuộc tranh chấp quyền thừa kế địa vị lãnh đạo tối cao của Tưởng Giới Thạch giữa Mỹ Linh và Tưởng Kinh Quốc. Cuối cùng khi phải chạy ra Đài Loan, Tưởng Giới Thạch ngả hẳn về phía con trai, và Tưởng Kinh Quốc được lên kế vị tổng thống.
Một lý do nữa khiến Mỹ Linh phải đi Hoa Kỳ là lý do sức khoẻ. Sức khoẻ của Mỹ Linh lúc đó bỗng nhiên suy đồi mau lẹ. Năm 1942, bà cảm thấy cần phải chữa trị nhiều chứng bệnh, như đau xương sườn, lưng bị trẹo, thần kinh kiệt quệ vì bị mất ngủ, bệnh đau mũi vì hút thuốc lá nhiều quá, các răng cấm bắt đầu hành, và bệnh nổi mề đay kinh niên. Ngoài ra còn các thương tích ở xương sườn và xương sống xảy ra trong lúc bà đi quan sát chiến trường chống quân Nhật năm 1937. Lần đó, trong lúc bà ngồi trong một chiếc xe bọc sắt, giữa lúc súng đạn hai bên bắn nhau rất dữ dội thì một bánh xe trúng đạn và nổ, khiến chiếc xe trượt và lộn đi. Mỹ Linh bị văng ra ngoài xe và xương sườn bị nứt và xương sống bị trật. Xương sống của bà vẫn gây khó chịu cho bà năm năm sau, mỗi khi có sự căng thẳng về tâm trí.
Trước viễn ảnh cần thiết phải nằm điều trị trong bệnh viện lâu dài, bà không đếm xỉa gì tới sự phản đối của Tống Tử Văn. Năm đó Mỹ Linh đã 45 tuổi và Tưởng Giới Thạch hồ nghi bà bị bệnh ung thư, nên chuyến công du Hoa Kỳ cũng là một cơ hội cho bà thử nghiệm luôn thể.
Một ngày tháng 11-1942, Mỹ Linh cùng cô cháu gái Khổng Lệnh Tuấn lên một chiếc phi cơ bốn máy do Shelton lái để đi Hoa Kỳ. Trong suốt cuộc hành trình, Mỹ Linh hoàn toàn im lặng, không trao đổi một lời với viên phi công Shelton. Về phần Shelton cũng được lệnh không được nói gì với Mỹ Linh. Có thể Mỹ Linh đang trải qua những khủng hoảng trầm trọng, và không muốn cho công chúng biết. Mỹ Linh thấy Shelton là một phi công giỏi, nên đòi hỏi Shelton là phi công riêng cho mình, mỗi khi đi ra ngoài Trung hoa. Nhưng khi Mỹ Linh biết Shelton có dự định mở một đường bay về Nam Mỹ thì bà cho Shelton vay 250 ngàn mỹ kim để thiết lập một công ty hàng không với cháu bà là Khổng Lệnh Kiệt. Người cháu kiểm soát về tài chánh và bà được chia lời 50%.
Tại Hoa Kỳ, Mỹ Linh cho biết mục đích chính của bà đến Hoa Kỳ là chữa bệnh và nghỉ ngơi. Mỹ Linh nằm bệnh viện 11 tuần lễ. Bà đã được nhổ răng cấm, bệnh sổ mũi bớt nhiều. Bà được nhập viện một cách bí mật bằng một tên giả. Trong lúc nằm bệnh viện, Mỹ Linh nghe tin thủ tướng Anh Churchill đến Hoa Thịnh Đốn thăm tổng thống Roosevelt. Mỹ Linh liền viết thư cho Churchill, yêu cầu ông ta vào gặp bà tại bệnh viện, nhưng khi Churchill đề nghị Mỹ Linh đến ăn trưa tại tòa Bạch Cung với ông và Roosevelt, thì Mỹ Linh từ chối.
Trong thời gian Mỹ Linh điều trị tại Mỹ, bà được tổng thống phu nhân Roosevelt săn sóc như con gái. Sau khi bình phục, Mỹ Linh được mời vào tòa Bạch Cung. Mặc dầu đã đòi giường của mình phải trải bằng khăn phủ giường bằng lụa, Mỹ Linh cũng đã cẩn thận mang theo những khăn phủ giường đó từ Trung hoa. Khăn trải giường phải thay mỗi ngày ít nhất một lần, và phải thay mỗi khi Mỹ Linh ngồi xuống giường. Theo lời một người hầu tại toà Bạch Cung thì mỗi ngày phải thay khăn trải giường cho Mỹ Linh từ bốn tới năm lần. Mỗi khi cần một người đầy tớ, Mỹ Linh không bấm chuông, trái lại bà chỉ vỗ tay theo kiểu Trung hoa. Mỹ Linh được coi là một người khách khó tính nhất của Bạch Cung.
Khi Mỹ Linh ăn tiệc tại tòa Bạch Cung, tổng thống Roosevelt hỏi Tưởng thống chế sẽ giải quyết thế nào với cuộc đình công của thợ mỏ trong thời chiến. Mọi người hoảng sợ khi Mỹ Linh đưa một móng tay sơn đỏ của bà vạch ngang cổ bà, có nghĩa là sẽ chém đầu những thợ mỏ đình công. Bà Roosevelt nhận xét Mỹ Linh có thể nói về dân chủ rất hấp dẫn, nhưng không biết sống một cách dân chủ. Tuy thế bài diễn văn của Mỹ Linh trước Quốc hội Mỹ là một thành công lớn.
Sau đó Mỹ Linh đi khắp nước Mỹ, ra mắt quần chúng trong một chiến dịch chinh phục cảm tình của người dân Mỹ đối với công cuộc chiến đấu của Trung hoa. Mỹ Linh ăn mặc rất xa hoa. Đôi giầy của bà gắn những viên ngọc lấy ra từ vương miện Phượng Hoàng của Từ Hy Thái Hậu. Theo vua Phổ Nghi, ông vua cuối cùng của nhà Thanh, các tay đạo tặc đã đào mả Từ Hy Thái Hậu, lôi xác bà lên, lột hết những nữ trang châu ngọc của bà, và một số ngọc được đem tặng cho Mỹ Linh. Mỹ Linh dùng một số viên ngọc gắn lên giầy của bà. Khi chuyến xe lửa của Mỹ Linh tới một thành phố nhỏ tại tiểu bang Utah, dân chúng và ngay cả học sinh có mặt tại nhà ga ngay từ lúc sáng sớm để đón tiếp bà Tưởng Giới Thạch. Khi xe lửa tới nhà ga thì Mỹ Linh còn đang ngủ saỵ Người đầy tớ gái phải mặc giả quần áo của Mỹ Linh, và ra đứng trước sân ga cúi chào một đám đông đang hồi hộp chờ đợi.
Nơi vinh dự nhất cho Mỹ Linh là Los Angeles. Tại đây người ta thành lập Ủy ban Chào đón bà Tưởng, gồm có nhiều tài tử màn bạc thượng thặng, như Rita Hayworth, Ingrid Bergman, Marlen Dietrich và Shirley Templẹ Bà được thống đốc tiểu bang đi bên cạnh và được các tài tử danh tiếng như Spencer Tracy và Henry Fonda giới thiệu. Một bản nhạc "Tưởng Giới Thạch Phu Nhân Hành Khúc" được cấp tốc soạn ra và được ban đại hòa tấu Los Angeles chơi để chào mừng cuộc viếng thăm của Mỹ Linh. Ở đâu Mỹ Linh cũng lên tiếng tố cáo sự tàn ác dã man của quân Nhật, và ý nghĩa quan trọng của công cuộc chống Nhật của người Trung hoa.
Chuyến viếng thăm tranh thủ nhân tâm người Mỹ của Mỹ Linh rất thành công, và có sự hỗ trợ tích cực của chính quyền Hoa Kỳ. Hình ảnh Mỹ Linh được báo Time đăng lên bìa, và người ta gọi bà là "Nàng công chúa Trung hoa". Chính bộ ngoại giao dùng mật hiệu "Bạch Tuyết" để chỉ Mỹ Linh.
Ngày 4-7-1943, Mỹ Linh lên đường trở về Trùng Khánh.
Ba Chị Em Nhà Họ Tống Ba Chị Em Nhà Họ Tống - Nguyễn Vạn Lý Ba Chị Em Nhà Họ Tống