Ancient lovers believed a kiss would literally unite their souls, because the spirit was said to be carried in one’s breath.

Eve Glicksman

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Đặng Thị Bông
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3910 / 148
Cập nhật: 2015-11-22 20:19:18 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 21 - Cô Lavendar Đáng Yêu
rường học khai giảng và Anne quay lại làm việc, với ít lý thuyết nhưng rõ ràng là nhiều kinh nghiệm hơn hẳn. Cô có vài học trò mới, những đứa bé mới sáu hay bảy tuổi ngơ ngác bước vào thế giới đầy mới lạ. Trong đó có cả Davy và Dora. Davy ngồi cạnh Milty Boulter, cậu này đã đi học được một năm, do vậy có thể coi là một người khá từng trải. Tuần trước ở trường Chủ nhật, Dora đã hứa hẹn ngồi chung với Lily Sloane, nhưng Lily Sloane không đi học bữa đầu tiên, thế là cô bé tạm thời được phân ngồi cạnh Mirabel Cotton, cô nàng này đã được mười tuổi, vì vậy được coi là một “cô gái trưởng thành” trong mắt Dora.
“Cháu nghĩ trường học rất thú vị,” Davy nói vởi bà Marilla khi nó về nhà tối hôm đó. “Bà nói cháu sẽ thấy khó mà ngồi yên, đúng như vậy... bà gần như toàn nói đúng, cháu để ý thế... nhưng cháu có thể co duỗi chân dưới gầm bàn, nhờ vậy cũng đỡ được nhiều lắm. Có nhiều cậu bạn chơi chung thật là tuyệt. Cháu ngồi kế Milty Boulter và nó cũng hay. Nó cao hơn cháu nhưng bề ngang cháu to hơn. Ngồi ở ghế chót thì thích hơn, nhưng ta không thể ngồi ở đó cho tới khi chân dài đủ để chạm đất. Milty vẽ hình cô Anne trên bảng của nó, cái hình xấu khủng khiếp và cháu dọa là nếu nó dám vẽ hình Anne như vậy nữa thì cháu sẽ uýnh nó vào giờ ra chơi. Ban đầu cháu định vẽ hình nó có sừng và đuôi, nhưng cháu sợ làm tổn thương cảm xúc của nó, cô Anne bảo là không bao giờ được làm tổn thương cảm xúc của người khác. Dường như là bị tổn thương cảm xúc thì đáng sợ lắm. Thà đánh gục một thằng con trai còn hơn là làm tổn thương cảm xúc của nó, nếu mà phải cho nó một bài học. Milty nói nó không sợ cháu, nhưng nó liền đổi tên bức tranh để triều ý cháu, thế là nó xóa tên cô Anne và viết tên Barbara Shaw vào. Milty không thích Barbara, dzì con bé gọi nó là bé trai đáng yêu và có lần còn xoa đầu nó nữa.”
Dora nghiêm nghị nói rằng thích đi học, nhưng cô bé trở nên quá sức yên lặng hơn hẳn ngày thường, và khi trời chập choạng, bà Marilla bảo cô bé lên lầu đi ngủ, cô bé ngần ngừ rồi òa lên khóc.
“Cháu... cháu sợ,” cô bé nức nở. “Cháu... cháu không muốn lên lầu một mình trong bóng tối.”
“Cháu nghĩ cái quái gì trong đầu thế?” bà Marilla hạch hỏi. “Rõ ràng cháu đi ngủ một mình suốt mùa hè mà có sợ hãi khi nào đâu.”
Dora vẫn thút thít, thế là Anne ẵm cô bé lên, đu đưa dịu dàng và thì thầm hỏi,
“Kể cho cô Anne nghe đi, bé yêu. Cháu sợ gì vậy?”
“Sợ... sợ chú của Mirabel Cotton,” Dora nức nở. “Hôm nay khi ở trường Mirabel Cotton kể hết cho cháu nghe về gia đình của chị ấy. Gằn như mọi người trong gia đình chị ấy đều đã chết., ông này, bà này, rồi vô số cậu và dì nữa. Họ quen thói chết, Mirabel nói thế. Mirabel tự hào khủng khiếp khi có nhiều họ hàng chết như vậy, và chị ấy kể cho cháu nghe lý do họ chết, họ đã nói gì và họ trông thế nào trong quan tài. Và Mirabel nói rằng một người chú của chị ấy đi vòng vòng trong nhà sau khi đã được chôn cất. Mẹ chị ấy đã chính mắt thấy. Cháu không ngại những người còn lại, nhưng cháu không thể không nghĩ tới người chú đó.”
Anne lên lầu chung với Dora và ngồi bên cạnh cho đến khi cô bé ngủ thiếp đi. Ngày hôm sau, Mirabel Cotton bị giữ lại trong lớp vào giờ ra chơi và được khuyên nhủ một cách “nhẹ nhàng nhưng cương quyết” rằng dẫu cô bé quá xui xẻo khi có một người chú cứ cương quyết đi loanh quanh trong nhà ngay sau khi được chôn cất đàng hoàng, thì cô bé cũng nên tế nhị mà không kể về quý ông lập dị đó cho bạn cùng bàn còn nhỏ tuổi nghe. Mirabel cho rằng lời khuyên này thật khắc nghiệt. Nhà Cotton chẳng có bao nhiêu thứ để mà kiêu hãnh. Làm sao cô bé có thể giữ uy tín với bạn học khi mà bị cấm khoe mẽ về các hồn ma trong gia đình chứ?
Tháng Chín lùi đi nhường lối cho vẻ đẹp đỏ vàng thanh lịch của tháng Mười. Một chiều thứ Sáu nọ, Diana ghé sang chơi.
“Hôm nay tớ nhận được thư của Ella Kimball, Anne ạ, và cậu ấy muốn chúng mình đến nhà dùng trà vào trưa mai để gặp chị họ của cậu ấy, Irene Trent, mới từ thành phố về. Nhưng tớ không thể lấy ngựa của nhà đi được, vì mai chúng bị dùng hết cả rồi, còn con ngựa của cậu thì bị đau chân... nên tớ cho rằng chúng ta không thể đi được.”
“Sao chúng ta không đi bộ?” Anne đề nghị. “Nếu chúng ta đi thẳng xuyên qua khu rừng, chúng ta sẽ đến đường Tây Grafton không xa nhà Kimball mấy. Mùa đông năm ngoái tớ đã đi đường đó và tớ biết đường mà. Không đến bốn dặm, và chúng ta sẽ không phải đi bộ về, vì chắc chắn Oliver Kimball sẽ đánh xe đưa chúng ta về. Anh ta sẽ rất vui trước cái cớ này, vì anh ta đang tán tỉnh Carrie Sloane nhưng nghe đồn ba anh ta hiếm khi nào đưa ngựa cho anh ta.”
Theo đó, họ quyết định rằng sẽ đi bộ, và buổi trưa hôm sau, họ khởi hành, đi theo đường Tình Nhân đến mặt sau nông trại nhà Cuthbert, ở đó họ nhìn thấy một con đường dẫn sâu vào hàng mẫu rừng sồi và rừng phong, cả vạt rừng nhuốm màu vàng đỏ rực rỡ, chìm đắm trong ánh chiều yên bình và tĩnh lặng.
“Cứ như tháng năm đang quỳ gối cầu nguyện trong một giáo đường mêng mông đây ánh sáng êm dịu vậy, phải không?” Anne mơ màng. “Đi vội đi vàng qua rừng có vẻ như thật không nên không phải nhỉ? Có vẻ bất kính, như là chạy trong nhà thờ vậy.”
“Nhưng chúng ta phải nhanh chân lên,” Diana liếc nhìn đồng hồ. “Chúng ta chỉ còn rất ít thời gian.”
“Ồ, tớ sẽ đi nhanh nhưng đừng yêu cầu tớ nói chuyện,” Anne nói, chân bước nhanh hơn.
“Tớ chỉ muốn tận hưởng vẻ đáng yêu của ngày hôm nay... Tớ cảm thấy ngày hôm nay ngọt ngào như một ly rượu bồng bềnh ngay môi tớ, và tớ nhấm nháp từng ngụm một theo mỗi bước đi.”
Có lẽ bởi vì quá chuyên tâm “tận hưởng” mà Anne quẹo trái khi họ đi đến một ngẵ ba. Lẽ ra cô nên quẹo sang phải, nhưng sau này cô cho rằng đó là sai lầm may mắn nhất trong cuộc đời mình. Cuối cùng họ đi đến một con đường vắng vẻ cỏ xanh um, không có gì trong tầm mắt ngoại trừ những hàng cây vân sam non.
“Ôi, chúng ta đang ở đâu đây?” Diana kêu lên bối rối. “Đây không phải là đường Tây Grafton.”
“Không, đó là đường ranh giới ở Trung Grafton,” Anne nói vẻ xấu hổ. “Chắc tớ đã quẹo sai hướng lúc ở ngã ba. Tớ không biết chính xác mình đang ở đâu, nhưng chắc chắn là phải cách nhà Kimball ba dặm.”
“Vậy thì chúng ta không thể đến đó đúng năm giờ, vì giờ đã là bốn giờ rưỡi rồi,” Diana nhìn đồng hồ vẻ tuyệt vọng. “Chúng ta sẽ đến sau khi họ đã dùng trà xong, và thế là phải phiền họ dọn ra cho chúng ta lần nữa.”
“Thế thì ta hãy quay về nhà thôi vậy,” Anne yếu ớt đềnghị. Nhưng Diana sau khi suy nghĩ kỹ đã phủ quyết.
“Không, tốt nhất chúng ta cứ đi dung dăng dung dẻ suốt buổi chiều, dù gì cũng đã bỏ công đến tận đây.”
Đi thêm vài thước nữa, các cô gái lại tới một ngẵ ba đường.
“Chúng ta đi lối nào đây?” Diana băn khoăn.
Anne lắc đầu.
“Tớ không biết, nhưng chúng ta không thể mắc thêm bất cứ sai lầm nào nữa. Ở đây có một cánh cổng và một lối đi dẫn thẳng vào rừng. Chắc sẽ có một căn nhà ở đầu bên kia. Mình đi xuống hỏi thăm đi.”
“Đúng là một lối mòn lãng mạn,” Diana nói khi họ đi dọc theo lối đi ngoằn ngoèo. Nó chạy dưới hàng linh sam cổ thụ cành lá đan xen vào nhau, bóng râm u ám khiến chẳng có gì bên dưới mọc được trừ rêu. Hai bên lối đi đều là nên rừng nâu sẫm, thỉnh thoảng lại có vài vệt nắng chấp chới. Bầu không khí yên tĩnh và xa vắng, cứ như cả thế giới và mọi mối ưu tư đều bị cách ly ở rất xa.
“Tớ cảm giác như chúng mình đang đi qua một khu rừng bị phù phép,” Anne thì thầm.
“Cậu có cho rằng mình sẽ tìm được lối trở về thế giới thực không, hả Diana? Chúng ta sẽ sớm đi đến một cung điện có một nàng công chúa đang ngủ say, tớ nghĩ vậy đó.”
Đến khúc quanh kế tiếp, đập vào mắt họ không hẳn làmột lâu đài nhưng cũng là một căn nhà nhỏ hết sức đặc biệt, chẳng khác gì một tòa cung điện giữa những căn nhà nông trại bằng gỗ trong tỉnh vốn giống nhau đến từng chi tiết cứ như là mọc lên từ cùng một hạt giống vậy. Anne dừng phắt lại vẻ hân hoan và Diana kêu lên, “Ôi, tớ biết chúng mình đang ở đâu rồi. Đó là căn nhà đá nhỏ nơi cô Lavendar Lewis sống... Nhà Vọng, cô ấy gọi nó như vậy đó, tớ nhớ thế. Tớ thường nghe kể về nó nhưng chưa bao giờ chính mắt nhìn thấy. Nơi đây thật lãng mạn phải không?”
“Đây là nơi xinh đẹp đáng yêu nhất mà tớ từng thấy hay từng tưởng tượng ra,” Anne vui sướng reo lên. “Nhìn cứ như một ngôi nhà từ quyển sách truyện hay từ một giấc mơ vậy.”
Ngôi nhà có mái sà xuống thấp, dựng lên từ những khối sa thạch đỏ trên đảo được để trơ không hề tô điểm, từ mái nhà chóp nhọn trổ ra hai cửa sổ mái che bằng gỗ nhìn hay hay là lạ cùng hai ống khói khổng lồ. Cả căn nhà bao phủ dây thường xuân tươi tốt bám chặt vào mặt đá xù xì và được sương giá mùa thu nhuộm màu đồng ửng màu rượu vang đỏ đẹp tuyệt.
Trước nhà là một khu vườn hình chữ nhật, cánh cổng nơi hai cô gái đang đứng mở rộng dẫn vào vườn. Căn nhà một mặt trông ra vườn, ba mặt còn lại được một bờ tường đá cũ kỹ bao quanh, rêu, cỏ, dương xỉ um tùm đến mức nó chẳng khác gì một dải đất cao xanh ngắt, ở bên phải và bên trái, hàng vân sam cao vút sẫm màu vươn dài cành lá như lòng bàn tay che bóng mát; nhưng bên dưới lại là một cánh đồng nhỏ xanh ươm cỏ ba lá, chạy dốc xuống vệt xanh lờ mờ của con sông Grafton. Không có căn nhà hay khoảnh đất trống nào trong tầm mắt... chỉ có đồi núi và thung lũng phủ đầy cây linh sam non tơ.
“Tớ tự hỏi cô Lewis là người thế nào,” Diana suy đoán khi họ mở cửa bước vào vườn.
“Họ nói cô ấy khá kỳ lạ.”
“Vậy cô ấy chắc sẽ thú vị đây,” Anne quả quyết. “ít nhất thì những người kỳ lạ luôn như vậy, dẫu họ có hoặc không có những đặc tính khác. Tớ có nói với cậu là chúng ta sẽ đến một cung điện bị phù phép mà, phải không? Tớ biết những yêu tinh đã không bõ công giăng mắc pháp thuật trên con đường đó mà.”
“Nhưng cô Lavendar Lewis đâu có gì giống với một nàng công chúa ngủ say,” Diana phá lên cười. “Cô ấy là một cô gái già... bốn mươi lăm tuổi và tóc đã muối tiêu rồi, tớ nghe đồn thế.”
“Ôi, đó chỉ là do bùa phép giáng xuống mà thôi,” Anne tự tin. “Trái tim cô ấy vẫn còn trẻ trung và tươi đẹp... và nếu chúng ta biết cách cởi bỏ lời nguyền, cô ấy sẽ bước ra sáng rực và mỹ lệ như xưa. Nhưng chúng ta không biết cách... luôn luôn chỉ có hoàng tử biết được biện pháp mà thôi... và hoàng tử của cô Lavendar vẫn chưa tới. Có lẽ anh ta đã gặp phải rủi ro chí tử nào... dẫu như thế là trái với luật của mọi truyện cổ tích.”
“Tớ e là anh ta đã đến đây từ lâu rồi lại bỏ đi rồi,” Diana nói. “Nghe đồn cô ấy từng đính hôn với Stephen Irving... cha của Paul... khi cả hai còn trẻ. Nhưng họ cãi vã rồi chia tay nhau.”
“Suỵt,” Anne cảnh báo. “Cửa mở kìa.”
Hai cô gái đứng ở hiên nhà dưới những tua thường xuân, gõ vào cánh cửa đang để ngỏ. Có tiếng bước chân lộp cộp bên trong và một bóng người nhỏ bé khá kỳ lạ xuất hiện... một cô bé khoảng mười bốn, mặt tàn nhang, mũi hếch, miệng rộng cứ như kéo dài từ “lỗ tai này đến lỗ tai kia” và hai bím tóc vàng dài thượt thắt nơ xanh to đùng.
“Cô Lewis có nhà không?” Diana hỏi.
“Vâng, thưa cô. Mời vào, thưa cô... Lối này, thưa cô... và mời cô ngồi, thưa cô. Cháu sẽ nói với cô Lavendar là các cô đã đến, thưa cô. Cô ấy đang ở trên lầu, thưa cô.”
Nói đoạn, cô giúp việc bé nhỏ vụt thoát khỏi tầm mắt, hai cô gái còn lại một mình nhìn quanh vẻ hứng thú. Nội thất bên trong căn nhà nhỏ tuyệt vời này cũng lý thú như bề ngoài của nó vậy.
Căn phòng có trần thấp và hai cửa sổ vuông nhỏ lắp kính, màn cửa diềm xa tanh. Đồ đạc đều theo kiểu xưa nhưng được giữ gìn cẩn thận và khéo léo gây cảm giác rất dễ chịu.
Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận rằng điểm hấp dẫn nhất, đối với hai cô gái khỏe mạnh vừa đi bộ bốn dặm đường trong khí thu se lạnh, là một cái bàn bày đầy đồ sứ xanh nhạt và những món ăn ngon lành, những cành dương xỉ ngả vàng lắc rắc trên tấm khăn trải đem lại cho nó một “không khí lễ hội” như Anne vẫn thường hay gọi.
“Chắc cô Lavendar đang đợi khách tới dùng trà,” cô thì thầm. “Có sáu chỗ. Nhưng cô bé khi nãy thật tức cười. Cứ như một sứ giả từ vùng đất thần tiên vậy. Tớ cho rằng cô bé chỉ đường cho chúng ta cũng được rồi, nhưng tớ cứ tò mò muốn gặp cô Lavendar. C... c... cô ấy xuống kìa.”
Và thế là cô Lavendar Lewis đang đứng ở ngưỡng cửa. Hai cô gái quá kinh ngạc đến quên cả phép lịch sự, chỉ giương mắt nhìn chằm chằm. Trong vô thức, họ mong đợi sẽ nhìn thấy hình ảnh một bà cô ế chồng như mình vẫn hay gặp... một người khá góc cạnh, tóc muối tiêu chải gọn cứng nhắc và cặp kính lăo. Không thể tưởng tượng ra điều gì đối lập với cô Lavendar đến thế.
Cô là một quý cô nhỏ nhắn, tóc bạch kim dày gợn sóng được khéo léo uốn thành lọn. Mái tóc ôm lấy khuôn mặt còn rất trẻ, má hồng, môi mềm, mắt nâu to dịu dàng và lúm đồng tiền... lúm đồng tiền thực sự. Cô mặc váy xa tanh thanh nhã màu kem in hoa hồng màu nhạt... một chiếc váy có vẻ trẻ trung đến mức lố bịch cho phần lớn phụ nữ ở lứa tuổi của cô nhưng lại hợp với cô Lavendar một cách kỳ lạ khiến người ta không hề nhớ đến vấn đề tuổi tác.
“Charlotta Đệ Tứ nói là các cháu muốn gặp tôi,” giọng nói của cô rất hợp với bề ngoài.
“Chúng cháu muốn hỏi đường tới Tây Grafton,” Diana nói. “Chúng cháu được mời dùng trà ở nhà ông Kimball nhưng đã đi sai đường trong rừng và đến đường ranh giới thay vì đường Tây Grafton. Giờ chúng cháu nên rẽ trái hay rẽ phải từ cổng nhà cô đây ạ?”
“Rẽ trái,” cô Lavendar nói, ngẳn ngừ liếc sang bàn trà. Sau đó cô kêu lên như vừa có một quyết định đột ngột.
“Nhưng ồ, sao các cháu không ở lại dùng trà với tôi? Làm ơn đi mà. Khi các cháu tới nơi thì bữa trà nhà ông Kimball cũng xong rồi. Và Charlotta Đệ Tứ cùng tôi sẽ rất vui được đón tiếp các cháu.”
Diana im lặng hỏi ý Anne.
“Chúng cháu muốn ở lại lắm,” Anne nói ngay vì cô đã quyết định rằng mình muốn biết thêm về cô Lavendar kỳ thú này, “nếu không làm phiền cô. Nhưng cô còn các vị khách khác nữa, phải không?”
Cô Lavendar liếc nhìn bàn trà lần nữa rồi đỏ mặt.
“Tôi biết các cháu sẽ cho rằng tôi thật ngu ngốc,” cô nói.“Tôi quả thật là ngu ngốc... và luôn cảm thấy xấu hổ vì điều đó khi bị phát hiện, nhưng chỉ khi tôi bị phát hiện thôi. Tôi chẳng có vị khách nào cả... Tôi chỉ giả vờ thế thôi. Các cháu thấy đấy, tôi rất cô đơn. Tôi thích có khách khứa đến chơi... đương nhiên là những vị khách hợp với tôi ấy... nhưng có rất ít người ghé qua đây vì nó quá xa đường cái. Charlotta Đệ Tứ cũng cô đơn lắm. Cho nên tôi giả vờ mình sắp tổchức một buổi tiệc trà. Tôi nấu nướng... trang trí bàn ăn... rồi bày ra bộ đồ sứ mà mẹ tôi được tặng dịp đám cưới... rồi ăn diện sửa soạn.”
Diana nghĩ bụng cô Lavendar này cũng kỳ dị đúng như những người khác hình dung. Cứ nghĩ xem, một phụ nữ bốn mươi lăm chơi trò tổ chức tiệc trà, cứ như cô ta còn bé bỏng lắm vậy! Nhưng Anne với đôi mắt lấp lánh kêu lên vui sướng, “ồ, cô cũng hay tưởng tượng các thứ sao?”
Chữ “cũng” đó đã để lộ một tâm hồn tri âm với cô Lavendar.
“Vâng, đúng thế,” cô mạnh dạn thú nhận. “Đương nhiên thật ngớ ngẩn với một người vào độ tuổi như tôi. Nhưng làm một bà cô già độc lập có lợi gì nếu ta không được quyền ngớ ngẩn như ta muốn, một khi nó chẳng ảnh hưởng đến ai? Một người phải có chút đền bù chứ. Tôi không tin tôi còn sống được đến giờ nếu không giả vờ chuyện này chuyện kia. Dù sao thì tôi cũng không thường bị bắt tại trận, và Charlotta Đệ Tứ không bao giờ bép xép. Nhưng tôi vui vì bị phát hiện hôm nay, vì các cháu đã đến thực sự, và tôi có sẵn thức ăn chờ đón các cháu. Các cháu lên phòng nghỉ cất mũ nhé? Đó là căn phòng có cánh cửa màu trắng ở ngay đầu cầu thang. Tôi phải chạy xuống bếp xem Charlotta Đệ Tứ có để trà quá lửa không. Charlotta Đệ Tứ là một cô bé rất ngoan, nhưng luôn để trà quá lửa.”
Cô Lavendar hấp tấp chạy vào bếp với mục đích tận tình chiêu đãi khách, hai cô gái đi một mình lên phòng nghỉ, căn phòng sơn trắng muốt như màu cửa, được chiếu sáng bởi cửa sổ áp mái đầy dây thường xuân, và như Anne luôn nói, y hệt nơi những giấc mơ hạnh phúc nảy mầm.
“Đây đúng là một cuộc phiêu lưu nhỉ?” Diana hỏi. “Và cô Lavendar thật dễ thương phải không, dẫu cô ấy có đôi chút kỳ lạ? Cô ấy nhìn chẳng giống một bà cô già gì cả.”
“Cô ấy trông như tiếng nhạc vậy, tớ nghĩ thế.” Anne trả lời.
Khi họ xuống nhà, cô Lavendar đang bưng ấm trà vàphía sau là Charlotta Đệ Tứ cầm đĩa bánh quy nóng vẻ hết sức mãn nguyện.
“Bây giờ các cháu phải cho tôi biết tên nhé,” cô Lavendar nói. “Tôi rất mừng khi các cháu là những cô gái trẻ. Tôi rất yêu các cô gái trẻ. Thật dễ giả vờ như mình vẫn còn trẻ khi được ở bên cạnh họ. Tôi rất ghét”... cô hơi chau mày... “nghĩ rằng mình đã già. Nào, các cháu tên gì... để gọi cho tiện ấy mà? Diana Barry? Và Anne Shirley? Vậy thì tôi có thể vờ như tôi đã quen các cháu được cả trăm năm và gọi thẳng các cháu là Anne và Diana được không?”
“Vâng được ạ,” hai cô gái đồng thanh.
“Vậy thì hãy ngồi xuống cho thoải mái và ăn sạch mọi thứ đi,” cô Lavendar vui vẻ nói.
“Charlotta, cháu ngồi ở cuối bàn giúp cắt thịt gà nhé. Thật là may vì tôi đã làm bánh xốp và bánh rán vòng. Đương nhiên, làm những món đó cho các vị khách tưởng tượng thì thật là ngốc... tôi biết Charlotta Đệ Tứ đã nghĩ vậy, phải không Charlotta? Nhưng cháu thấy chưa Charlotta, mọi chuyện đã đâu vào đó. Đương nhiên dù sao thì đồ ăn cũng không bỏ phí đâu, vì Charlotta Đệ Tứ và tôi có thể ăn từ từ. Nhưng món bánh xốp không phải là loại để dành được lâu.”
Đó là một bữa ăn vui vẻ đáng nhớ; khi ăn xong, họ đi cả ra vườn và nằm xuống dưới ánh chiều rực rỡ.
“Cháu nghĩ chỗ ở của cô là nơi tuyệt vời nhất ở đây,” Diana nhìn quanh vẻ thán phục.
“Vì sao cô lại gọi nơi này là Nhà Vọng?” Anne hỏi.
“Charlotta,” cô Lavendar gọi; “Vào nhà đem cái còi thiếc nhỏ treo trên kệ đồng hồ ra đi.”
Charlotta Đệ Tứ tung tăng chạy đi và quay lại với chiếc còi.
“Thổi đi, Charlotta,” cô Lavendar ra lệnh.
Charlotta thổi, tiếng còi khàn khàn khá là nhức óc. Im lặng một thoáng... rồi từ cánh rừng bên kia sông, một chuỗi tiếng vọng kỳ diệu truyền lại, ngọt ngào, lấp lánh, khó nắm bắt, cứ như “còi của xứ thần tiên” vừa thổi lên hòa vào buổi hoàng hôn. Anne và Diana kêu lên vui sướng.
“Giờ thì cười đi, Charlotta... cười to lên.”
Charlotta chắc cũng sẽ vâng lời nếu cô Lavendar yêu cầu đi đâu xuống đất, cô bé trèo lên cái ghế đá, phá lên cười thật to và chân thành. Tiếng vọng vẳng lại, như thể có một nhóm tiểu tiên đang bắt chước tiếng cười của cô bé trong cánh rừng tím sẫm và dọc theo những khoảng đất được cây linh sam vây quanh.
“Mọi người đều thán phục những tiếng vọng của tôi,” cô Lavendar nói cứ như đó là tài sản riêng của cô vậy. “Tôi cũng rất thích chúng. Chúng là những người bạn tốt... với một chút tưởng tượng. Vào những buổi chiều tối yên ả, Charlotta Đệ Tứ và tôi thường ngồi ngoài đây đùa giỡn với chúng. Charlotta, cất cái còi vào đúng chỗ nhé.”
“Vì sao cô lại gọi cô bé ấy là Charlotta Đệ Tứ?” Diana nãy giờ đang hết sức hiếu kỳ.
“Chỉ để phân biệt cô bé khỏi những Charlotta khác trong đầu tôi thôi,” cô Lavendar nghiêm túc đáp. “Bọn họ trông giống nhau quá đến mức chẳng phân biệt được. Tên của cô bé vốn không phải là Charlotta. Đó là... để tôi nhớ xem... là gì nhỉ? Tôi nghĩ đó là Leonora... đúng, chính là Leonora. Các cháu hiếu không, chuyện là thế này. Khi mẹ tôi qua đời mười năm trước, tôi không thể sống một mình ở đây... mà tôi lại không đủ tiền để trả lương cho một cô gái trưởng thành. Thế là tôi gọi Charlotta Bowman đến ở chung bao ăn bao mặc. Tên của cô nàng chính thật là Charlotta... đó là Charlotta Đệ Nhất. Lúc đó cô nàng mới mười ba tuổi. Cô nàng ở với tôi cho đến mười sáu rồi đến Boston, vì ở đó thì tìm được việc tốt hơn. Thế là cô em đến ở với tôi. Tên cô bé là Julietta... Bà Bowman thích những cái tên thật kêu, tôi nghĩ thế... nhưng cô bé trông y hệt như Charlotta làm tôi cứ gọi sai mãi... và cô bé cũng không phiền. Thế là tôi từ bỏkhông cố nhớ tên thật của cô bé làm gì nữa. Đó là Charlotta Đệ Nhị, và khi cô bé đi, Evelia đến và đó là Charlotta Đệ Tam. Giờ thì tôi có Charlotta Đệ Tứ, nhưng khi cô bé lên mười sáu tuổi... hiện giờ cô bé chỉ mới mười bốn... cô bé sẽ muốn đi Boston, và khi ấy tôi sẽ ra sao thì thực sự tôi cũng không biết nữa. Charlotta Đệ Tứ là cô con gái cuối cùng của nhà Bowman, và là cô gái tuyệt nhất. Những Charlotta kia luôn cho tôi thấy rằng họ nghĩ tôi ngốc nghếch khi chơi trò giả vờ, nhưng Charlotta Đệ Tứ chẳng bao giờ làm vậy, dẫu cô bé có nghĩ gì trong đầu. Tôi không quan tâm mọi người nghĩ gì về tôi nếu họ không để lộ cho tôi thấy suy nghĩ của họ.”
“Ôi,” Diana liếc nhìn mặt trời lặn một cách tiếc nuối. “Cháu nghĩ chúng cháu phải đi thôi, nếu muốn tới nhà ông Kimball trước khi trời tối. Chúng cháu đã rất vui, cô Lewis ạ.”
“Các cháu sẽ quay lại thăm tôi chứ?” cô Lavendar van nài.
Anne cao lớn choàng tay qua vai quý cô bé nhỏ.
“Nhất định mà,” cô hứa. “Giờ khi chúng cháu đã phát hiện ra cô; chúng cháu sẽ lợi dụng tối đa lòng hiếu khách để đến gặp cô. Vâng, chúng cháu phải đi rồi... 'buộc mình phải rời đi', như Paul Irving thường nói mỗi lần cậu bé đến Chái Nhà Xanh.”
“Paul Irving?” Giọng cô Lavendar hơi run một thoáng. “Là ai vậy? Tôi không nghĩ ra ai có tên như thế ở Avonlea.”
Anne cảm thấy bực bội trước sự vô tâm của mình. Cô đã quên mất chuyện tình cũ của cô Lavendar mà buột miệng nhắc đến tên của Paul.
“Đó là một cậu học trò nhỏ của cháu,” cô từ từ giải thích. “Năm ngoái cậu bé từ Boston chuyển về đây sống với bà nội, bà Irving trên đường bờ biển.”
“Cậu bé là con trai của Stephen Irving sao?” cô Lavendar hỏi, cúi xuống hàng rào hoa oải hương trùng tên với cô để giấu đi khuôn mặt của mình.
“Đúng vậy.”
“Tôi sẽ tặng cho mỗi cháu một bó oải hương,” cô Lavendar vui vẻ nói cứ như không hề nghe thấy câu trả lời. “Mùi hương của nó rất ngọt ngào, các cháu có nghĩ vậy không? Mẹ tôi rất yêu mùi hương đó. Mẹ tôi trồng những hàng rào này lâu lắm rồi. Ba tôi đặt tên cho tôi là Lavendar vì ông rất thích loài hoa này. Lần đầu tiên ông gặp mẹ tôi là khi ông cùng với anh trai bà đến thăm nhà bà ở Đông Grafton. Ông yêu bà ngay từ cái nhìn đầu tiên, họ mời ông vào ngủ trong phòng dành riêng cho khách, tấm ga trải giường thoang thoảng mùi oải hương, ông thao thức suốt đêm mơ mộng về bà. Từ đó về sau, ông đã đem lòng yêu mùi oải hương... đó là lý do ông đặt tên tôi là Lavendar. Đừng quên sớm ghé thăm tôi nhé, các cô gái yêu dấu. Chúng tôi sẽ chờ các cháu, cả Charlotta Đệ Tứ và tôi.”
Cô mở cánh cửa dưới tàng linh sam để họ đi qua. Cô chợt có vẻ già nua và mệt mỏi, vầng sáng rạng rỡ trên khuôn mặt đã mờ đi; nụ cười tạm biệt của cô vẫn ngọt ngào và thanh xuân vĩnh viễn như trước, nhưng khi hai cô gái quay đầu nhìn lại trước khúc quanh, họ thấy cô ngồi trên băng ghế đá cũ kỹ dưới tàng cây dương óng ánh bạc giữa khu vườn, đầu gục lên tay mệt mỏi.
“Cô ấy có vẻ cô đơn,” Diana nhẹ nhàng thốt. “Chúng ta nên đến thăm cô ấy thường xuyên.”
“Tớ nghĩ cha mẹ cô ấy đã đặt cho cô ấy cái tên duy nhất có thể hợp với cô ấy,” Anne nói. “Nếu họ mù quáng đặt tên cô ấy là Elizabeth, Nellie hay Muriel, cô ấy vẫn chỉ là Lavendar mà thôi, tớ nghĩ thế. Cái tên đó gợi nhớ đến hương vị ngọt ngào, vẻ duyên dáng xưa cũ và 'trang phục bằng lụa bồng bềnh'. Thế mà tên của tớ thì đầy mùi bánh mì bơ, mụn vá và việc nhà.”
“Ồ, tớ không nghĩ vậy đâu,” Diana nói. “Đối với tớ, tên Anne rất oai nghiêm như một vị nữ hoàng. Nhưng nếu cậu có tên là Kerrenhappuch thì tớ cũng yêu cái tên đó. Tớ nghĩ người thế nào thì tên sẽ đẹp hay xấu như thế ấy. Giờ thì tớ chẳng chịu được những cái tên như Josie hay Gertie, nhưng trước khi quen mấy đứa con gái nhà Pye, tớ từng nghĩ chúng rất đẹp.”
“Đó là một ý tưởng thật đáng yêu, Diana ạ,” Anne hào hứng. “Sống sao để cho tên mình đẹp lên, dẫu ban đầu nó không được đẹp cho lắm... khiến nó tượng trưng cho điều gì đó thật đáng yêu và dễ chịu trong suy nghĩ của người khác mà họ không cảm nhận được từ riêng mỗi cái tên. cảm ơn Diana.”
Anne Tóc Đỏ Làng Avonlea Anne Tóc Đỏ Làng Avonlea - Lucy Maud Montgomery Anne Tóc Đỏ Làng Avonlea