The worth of a book is to be measured by what you can carry away from it.

James Bryce

 
 
 
 
 
Tác giả: Agatha Christie
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: Death On The Nile (1937)
Dịch giả: Lan Phương
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 877 / 186
Cập nhật: 2020-04-04 20:28:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 29
OIROT ĐỔ NGƯỜI về phía Race, nói: “Anh bạn, anh và tôi đã bắt đầu cuộc điều tra với một giả thuyết được đưa ra sẵn. Giả thuyết đó chính là: tội ác bất ngờ được thực hiện mà không hề có sự tính toán, sắp đặt gì trước. Kẻ muốn khử Linnet Doyle đã tận dụng tốt cơ hội tại thời điểm có thể đổ riệt tội cho Jacqueline de Bellefort. Do đó, kẻ nghi vấn đó đã nghe lỏm được câu chuyện giữa Jacqueline và Simon Doyle, hắn đã lấy khẩu súng sau khi mấy người kia đi ra khỏi phòng lớn.
“Nhưng các bạn ơi, nếu giả thuyết ban đầu là sai thì toàn bộ vấn đề sẽ bị thay đổi. Và quả nhiên là nó đã sai! Không có vụ giết người bất chợt nào xảy ra cả. Trái lại, nó đã được lên kế hoạch kỹ càng và tính toán thời gian chính xác, với những tình tiết nhỏ nhặt được sắp xếp từ trước, thậm chí cả việc bỏ thuốc ngủ vào chai rượu của Hercule Poirot vào đêm xảy ra án mạng nữa!
“Đúng thế! Tôi đã bị bỏ thuốc mê để không thể can dự vào những sự kiện của tối hôm đó. Và nó đã xảy ra với tôi như một điều hiển nhiên. Tôi thì uống rượu vang; hai người ngồi cùng bàn uống whisky và nước khoáng. Không có chuyện gì dễ hơn việc thả một viên thuốc ngủ vô hại vào chai rượu của tôi – mấy chai đó được để trên bàn suốt cả ngày mà. Thế mà tôi lại bỏ qua chi tiết ấy. Hôm đó là một ngày nóng nực; tôi lại bị mệt mỏi bất thường như thế; chẳng có gì là kì quặc khi tôi lại ngủ li bì thay vì ngủ mơ màng như thường lệ.
“Mọi người thấy rồi đấy, tôi vẫn bị ám ảnh bởi giả thuyết sẵn có. Nếu tôi bị chuốc thuốc ngủ, điều đó có nghĩa là đã có sự tính toán trước, nghĩa là trước bảy giờ ba mươi, và vụ việc được quyết định trong bữa tối; điều đó thật vô lý – cũng từ góc độ cái giả thuyết đó.
“Điểm vô lý đầu tiên của giả thuyết chính là việc khẩu súng được vớt lên từ dòng sông Nile. Có thể bắt đầu như thế này, nếu các giả định của chúng ta đúng, thì khẩu súng sẽ không bao giờ được ném xuống sông… Cứ như vậy.”
Rồi Poirot quay qua bác sĩ Bessner.
“Bác sĩ Bessner, anh là người khám nghiệm tử thi của Linnet Doyle. Anh sẽ nhớ rằng vết bắn cho thấy có dấu hiệu của sự cháy xém – có nghĩa là khẩu súng đã được để sát đầu trước khi khai hỏa.”
Bessner xác nhận: “Đúng. Chính xác.”
“Nhưng khi khẩu súng được tìm thấy thì lại được bọc trong một miếng vải nhung màu tím, và mảnh vải đó lại cho thấy chắc chắn rằng nó bị bắn thủng bởi một khẩu súng, giả sử rằng sức nén đó đề làm giảm âm cho cú bắn. Nhưng nếu khẩu súng bắn xuyên qua mảnh vải thì phải không có một vết cháy xém nào trên da nạn nhân. Vậy còn cú khai khỏa của Jacqueline de Bellefort nhằm vào Simon Doyle? Một lần nữa, câu trả lời là không, bởi vì có hai nhân chứng cho vụ nổ súng, ai trong chúng ta cũng đều biết chuyện đó. Như vậy, hình như có một phát súng thứ ba – mà chúng ta không biết gì về nó. Thế nhưng chỉ có hai viên đạn trong khẩu súng là được dùng và chúng ta không có một manh mối nào cho phát súng còn lại.
“Bây giờ chúng ta đang đối mặt với tình huống lạ kì không thể giải thích được. Điểm thú vị tiếp theo là việc tôi tìm thấy hai lọ sơn móng tay trong ca-bin của Linnet Doyle. Phụ nữ bây giờ vẫn thường hay sơn móng tay, móng chân, nhưng Linnet Doyle trước giờ chỉ thường dùng màu đỏ sậm, với cái nhãn: Cardinal. Chai còn lại có ghi chú là Rose, tức màu hồng nhạt, nhưng một vài giọt còn lại bên trong không phải hồng nhạt mà là đỏ tươi. Tôi cũng tò mò mở ra ngửi thử, thì lại nghe mùi giấm thay vì mùi nồng nồng thường thấy! Điều đó cho thấy trong chai là mực đỏ. Bây giờ thì không có lý do gì tại sao cô Doyle lại không được có một chai mực đỏ, nhưng sẽ tự nhiên hơn nếu mực đỏ ở trong lọ mực, chứ không phải ở trong lọ thuốc sơn móng tay. Rồi nó lại làm ta liên hệ đến cái khăn tay loang lổ quấn quanh khẩu súng. Mực đỏ sẽ phai nhanh nhưng nó vẫn để lại vết ố màu hồng nhạt.
“Có thể tôi đã tìm ra sự thật với những dấu hiệu nho nhỏ đó, nhưng một sự kiện đã xảy ra và xóa tan các nghi ngờ vô dụng kia. Cô Louise Bourget bị giết với trường hợp duy nhất không thể chối cãi, là cô ấy đã tống tiền kẻ giết người. Không chỉ vì một góc của tờ một ngàn franc vẫn còn bị nắm trong tay cô, mà tôi còn nhớ đến những từ quan trọng cô ấy nói sáng nay.
“Hãy nghe kĩ nhé, đây chính là mấu chốt của toàn bộ vấn đề. Khi tôi hỏi cô ấy có thấy gì đêm hôm trước không, cô ấy đã đưa ra một câu trả lời kì quặc: ‘Thông thường, nếu như không thể ngủ được, nếu tôi có đi lên tầng trên, thì họa may tôi mới có thể thấy được tên ám sát, con quỷ ấy, đột nhập và rời khỏi ca-bin của cô chủ…’ Bây giờ, điều đó cho ta biết những gì?”
Bác sĩ Bessner chun mũi, tỏ ra rất mực quan tâm, ngay lập tức trả lời: “Nó cho chúng ta biết rằng cô ấy đã đi lên tầng trên.”
“Không, không; anh chưa nhìn ra điểm mấu chốt rồi. Tại sao cô ấy phải nói như thế, với chúng ta?”
“Để đưa ra gợi ý.”
“Nhưng tại sao phải gợi ý cho chúng ta? Nếu đã biết ai là kẻ giết người, cô ấy sẽ có hai lựa chọn – một là kể cho chúng ta nghe sự thật, hai là giữ mồm giữ miệng để tống tiền kẻ sát nhân! Nhưng cô ấy không làm theo hướng nào cả. Cô ấy không hề trả lời là: ‘Tôi không thấy ai cả. Tôi đã đi ngủ.’ Và cũng không thừa nhận: ‘Đúng, tôi có thấy một người, và hắn trông như thế này, thế kia.’ Tại sao lại mất công huyên thuyên những lời không rõ ràng như thế? Chúa ơi, chỉ có một lý do thôi! Cô ấy đang gợi ý cho tên giết người, do đó tên này chắc chắn đang có mặt lúc đó. Nhưng ngoài tôi và Đại tá Race ra, khi ấy chỉ có hai người – anh Simon Doyle và bác sĩ Bessner.”
Vị bác sĩ liền bật dậy hét lớn.
“Á! Anh đang nói gì thế? Anh buộc tội tôi ư? Một lần nữa à? Thật nực cười – thật là láo.”
Poirot liền nghiêm mặt: “Im lặng nào. Tôi đang kể cho anh nghe những gì tôi nghĩ lúc đó. Đừng để vấn đề cá nhân xen vào.”
Cornelia nói lời động viên: “Ông thám tử không có ý ám chỉ bác sĩ đâu.”
Poirot tiếp tục tục một cách nhanh chóng: “Vấn đề nằm ở đó – anh Simon Doyle và bác sĩ Bessner. Nhưng lý do gì bác sĩ Bessner phải giết Linnet Doyle? Theo như tôi biết thì không có. Còn Simon Doyle? Thế nhưng chuyện đó lại không thể được! Rất nhiều nhân chứng có thể thề rằng tối hôm đó, Simon Doyle không hề rời khỏi phòng lớn cho đến khi cuộc cãi vã xảy ra. Sau đó anh ấy bị thương và về mặt thể chất thì không thể nào thực hiện được vụ giết người. Tôi có bằng chứng xác đáng cho những điểm đó không? Có, trước tiên, tôi có chứng cớ của cô Robson, anh Jim Fanthorp, và của Jacqueline de Bellefort, còn về sau thì tôi có lời nhận xét chuyên môn của bác sĩ Bessner và cô Bowers. Không có nghi ngờ nào khác cả.
“Vậy thì bác sĩ Bessner phải là người có tội. Theo giả thuyết này thì còn việc cô hầu gái bị đâm một nhát bằng con dao phẫu thuật nữa. Nhưng Bessner đã lưu ý đến việc này.
“Các bạn của tôi, và sau đó thì sự thật thứ hai không thể chối cãi này trở nên rõ ràng với tôi. Gợi ý của Louise Bourget không phải cho bác sĩ Bessner, bởi vì cô ấy hoàn toàn có thể nói riêng với ông ấy bất cứ lúc nào cô ấy muốn. Vậy là chỉ còn một người, và một người duy nhất, người có thể đáp ứng được yêu cầu của cô ấy – Simon Doyle! Simon Doyle bị thương, luôn có bác sĩ bên cạnh, và ở trong ca-bin của bác sĩ. Chính anh ta là đối tượng để cô ấy mạo hiểm nói những lời tham vọng kia, bởi có thể cô không còn cơ hội nào khác. Và tôi nhớ cách cô ấy đã quay sang anh ta van nài: ‘Ông chủ, tôi xin ông chủ – ông biết chuyện này như thế nào mà? Tôi có thể nói gì đây?’ Và câu trả lời như thế này: ‘Cô gái tốt bụng của tôi, đừng ngốc nghếch như thế chứ. Không ai nghĩ em thấy hay nghe gì đâu. Em sẽ không sao đâu. Tôi sẽ lo cho em. Không ai có thể buộc tội em được gì đâu.’ Đó chính là sự đảm bảo mà cô ấy cần, và cô ấy đã có nó!”
Bessner thở mạnh.
“Á! Điều đó thật là ngu xuẩn! Anh nghĩ rằng một người bị gãy xương, phải nẹp chân lại có thể đi lại trên tàu và đâm chết người ư? Tôi nói cho anh biết, Simon Doyle không thể nào rời khỏi phòng được.”
Poirot nhẹ nhàng đáp: “Tôi biết. Đúng như anh nói. Việc đó là không thể. Không thể, nhưng lại là sự thật! Chỉ có một sự hợp lý duy nhất đằng sau những lời nói của Louise Bourget mà thôi.
“Vì vậy, tôi lại quay lại từ đầu và xem xét sự việc theo hướng này. Có khi nào trong khoảng thời gian trước cuộc cãi vã, Simon Doyle đã rời khỏi phòng lớn và những người khác đã quên không để ý hay không? Tôi thấy khó có khả năng đó. Thế thì những lời nhận xét chuyên môn của bác sĩ Bessner và cô Bowers là không đúng sao? Một lần nữa, chắc chắn không phải như vậy. Thế rồi tôi nhớ ra rằng có một khoảng thời gian trống, Simon Doyle đã một mình ở trong phòng lớn khoảng năm phút, và lời nhận xét của bác sĩ Bessner chỉ đúng từ thời gian sau đó trở đi mà thôi, về khoảng thời gian đó, chúng ta chỉ có bằng chứng của sự hiện diện thấy được, và dù có vẻ hoàn toàn đúng như thế, thì hiện thời, điểm đó không còn chắc chắn nữa. Việc gì thực sự đã được trông thấy – để loại trừ giả thuyết đó?
“Cô Robson đã thấy cô de Bellefort dùng súng bắn, thấy Simon Doyle gục xuống ghế, dùng một chiếc khăn tay buộc vào chân anh ấy và thấy chiếc khăn từ từ thấm đỏ. Còn anh Fanthorp thì nghe và thấy gì chứ? Anh ấy đã nghe thấy một tiếng súng nổ, rồi thấy Doyle với chiếc khàn tay loang lổ máu quấn ở chân. Rồi tiếp theo việc gì đã xảy ra? Doyle đã một, hai cho rằng cô de Bellefort phải đi ngay, rằng cô ấy không nên bị để lại một mình. Sau đó anh ấy còn đề nghị Fanthorp đi gọi bác sĩ.
“Và theo sự sắp xếp đó, cô Robson và anh Fanthorp đã đi cùng với cô de Bellefort, trong năm phút kế tiếp, họ hoàn toàn bận rộn ở bên mạn trái của con tàu. Ca-bin của cô Bowers, bác sĩ Bessner và cô de Bellefort đều ở phía ấy. Simon Doyle chỉ cần hai phút là đủ. Anh ta liền nhặt khẩu súng dưới ghế lên, bỏ giày ra và chạy như bay không một tiếng động về phía mạn phải, lẻn vào phòng vợ mình khi cô ấy đang nằm ngủ, bắn thẳng vào đầu nạn nhân, đặt cái lọ có chứa mực đỏ lên bồn rửa mặt – cái này sẽ không tìm thấy ở chỗ anh ta, rồi quay lại lấy miếng vải nhung của bà Van Schuyler mà anh ta đã âm thầm giấu dưới ghế trước đó, bọc quanh khẩu súng rồi tự bắn vào chân mình. Simon Doyle ngã xuống chiếc ghế – lần này thì ở góc chéo – ngay gần cửa sổ. Anh mở cửa sổ ra và ném khẩu súng – lúc này khẩu súng cùng chiếc khăn tay đã được bọc trong miếng vải nhung tím – xuống dòng sông Nile.”
Race liền thốt lên: “Không thể nào!”
“Không, anh bạn ơi, không hề không thể thực hiện được đâu. Hãy nhớ lại lời chứng của Tim Allerton. Anh ấy nghe thấy một tiếng ‘póc’ – sau đó là tiếng nước văng lên. Và anh ấy cũng có nghe thấy tiếng động gì khác nữa – tiếng chân chạy – một người đã chạy ngang qua phòng anh. Nhưng không ai có thể chạy dọc theo mạn phải cả. Cái mà Tim Allerton ghi nhận được chính là bước chân đã mang vớ của Simon Doyle chạy qua phòng anh.”
Race vẫn phản bác: “Nhưng tôi vẫn thấy điều đó không thể thực hiện được. Không ai có thể làm toàn bộ những thứ ấy trong chớp mắt – đặc biệt là với một người có đầu óc chậm chạp như Doyle.”
“Nhưng anh ta lại rất nhanh nhẹn trong hành động đấy!”
“Đúng. Nhưng Simon Doyle không có khả năng nghĩ ra được toàn bộ chuyện đó đâu.”
“Anh ta không hề một mình lên kế hoạch, anh bạn. Đó chính là điểm chúng ta đã phạm sai lầm. Trông có vẻ như là một tội ác diễn ra bất ngờ, nhưng hoàn toàn không phải như thế. Như tôi đã nói, nó được lên kế hoạch một cách thông minh, chi tiết, rất kỹ càng, không phải tình cờ mà Doyle có lọ mực đỏ trong túi. Không, nó đã được sắp xếp từ trước. Cũng không phải tình cờ mà Jacqueline de Bellefort lại đá khẩu súng vào gầm ghế, mà ở đó, khẩu súng sẽ bị che khuất tầm mắt và sẽ bị lãng quên.”
“Jacqueline ư?”
“Đúng thế. Hai phần của vụ giết người. Bằng chứng ngoại phạm của Simon là gì? Là phát súng của Jacqueline. Rồi cái gì tạo cho Jacqueline chứng cớ vô can cho mình? Sự nhất quyết của Simon Doyle để cô y tá ở bên cạnh cô ấy suốt đêm. Do đó giữa hai người họ, anh sẽ có tất cả những điều anh cần – một cái đầu lạnh, nhiều mưu kế, biết tính toán – chính là cái đầu của Jacqueline de Bellefort, và người thi hành đã làm chuyện đó với tốc độ và thời gian nhanh đến mức khó tin.
“Hãy nhìn nhận vấn đề cho đúng, nó sẽ trả lời mọi câu hỏi của chúng ta. Simon Doyle và Jacqueline từng là người yêu của nhau. Giờ đây, chúng ta cũng nhận ra rằng họ vẫn còn yêu nhau, điều đó rõ ràng quá rồi. Simon giết người vợ giàu của mình, thừa kế số tiền của cô ấy, rồi sau đó sẽ cưới lại tình cũ. Mọi thứ thật hoàn hảo. Việc Jacqueline khủng bố cô Doyle cũng là một phần của kế hoạch. Simon đã giả vờ tức giận… Nhưng – vẫn còn có điểm sơ hở. Anh ta từng nói với tôi về típ người phụ nữ thích sở hữu – nói với sự cay nghiệt. Rõ ràng đối với tôi, đó là suy nghĩ của anh ta về vợ mình – chứ không phải là đối với Jacqueline. Rồi cái cách anh ta đối xử với vợ trước mặt mọi người. Một quý ông người Anh bình thường ít nói như Simon Doyle sẽ rất bối rối trong việc thể hiện tình cảm. Và Simon không phải là một diễn viên giỏi. Anh ta đã thể hiện tình yêu đó hơi quá. Rồi cuộc trò chuyện giữa tôi với cô Jacqueline cũng vậy, cô ấy đã làm ra vẻ có người nghe lén, nhưng tôi không thấy ai cả. Và thật sự là không có ai! Tuy nhiên, đó lại là lý do hữu ích sau này. Rồi có một tối, tôi cho rằng mình đã nghe thấy Simon và Linnet ở bên ngoài ca-bin của tôi. Anh ta nói rằng: ‘Chúng ta phải giải quyết chuyện này ngay bây giờ.’ Đúng là Doyle, nhưng chính Jacqueline mới là người anh ta đang nói chuyện cùng.
“Và tấn thảm kịch cuối cùng đã được lên kế hoạch hoàn hảo. Tôi đã bị chuốc thuốc ngủ để không thể xen vào giữa chừng. Việc chọn cô Robson làm nhân chứng nhằm mở đầu cho màn kịch – de Bellefort quá hối hận và bị kích động. Cô ấy đã la lối om sòm để tránh việc tiếng súng bị nghe thấy. Công nhận, đó là một ý kiến rất thông minh. Jacqueline thú nhận đã bắn anh Doyle; cô Robson cũng nói thế; Fanthorp cũng xác nhận y như vậy – và khi chân của Simon được kiểm tra, ai cũng thấy rõ là anh ấy bị bắn. Có vẻ như không thể chối cãi! Đó là bằng chứng ngoại phạm hoàn hảo cho cả hai người, nhưng hiển nhiên là phải trả một cái giá nào đó, quá mạo hiểm và đau đớn cho Simon Doyle, nhưng điều cần thiết là vết thương phải làm cho anh ta không đi lại được.
“Và rồi kế hoạch có vấn đề phát sinh. Louise Bourget không ngủ được. Cô ấy lên tầng trên và thấy Simon Doyle chạy về phía phòng của vợ và chạy lại. Thế cũng đủ rõ ràng để giải thích cho những sự việc xảy ra vào ngày hôm sau. Louise Bourget đã tham lam muốn có tiền, và thế là cô đã tự tay ký vào bản án tử hình dành cho chính mình.”
“Nhưng anh Doyle không thể giết cô ấy?” Cornelia không đồng tình.
“Phải, kẻ ra tay chính là người kia. Ngay khi có thể, Simon liền đòi gặp Jacqueline. Thậm chí anh ta còn đề nghị tôi để họ được nói chuyện riêng. Simon cho cô ấy biết mối nguy hiểm mới. Và họ lập tức hành động. Anh ta biết chỗ Bessner cất con dao phẫu thuật. Sau khi thực hiện xong, con dao được lau sạch và trả lại đúng chỗ cũ, rồi sau đó, Jacqueline de Bellefort đã hộc tốc quay lại bữa trưa, rất trễ và thở không ra hơi.
“Như vậy vẫn chưa đủ, vì bà Otterbourne đã thấy Jacqueline đi vào phòng của Louise Bourget. Bà liền nhanh chân chạy đến kể cho Simon nghe chuyện này – Jacqueline chính là tên giết người. Anh có nhớ là Simon đã la toáng lên với người phụ nữ tội nghiệp ấy như thế nào không? Thật ghê gớm. Nhưng lúc đó, cửa phòng đang mở và anh ta đang cố đánh động cho đồng phạm của mình biết sự nguy hiểm. Cô ta nghe được liền hành động – hành động nhanh như chớp. Cô ta nhớ Pennington có đề cập đến một khẩu súng lục. Cô ta liền tìm lấy nó, rình rập bên ngoài cửa, lắng nghe, và đợi đến lúc cao trào thì siết cò. Chỉ cần duy nhất một phát, vì là xạ thủ nên phát súng của Jacqueline không hề để trượt mục tiêu.
“Tôi phải thừa nhận rằng với cái chết thứ ba này, có ba cách để tên giết người tẩu thoát. Hắn có thể chạy về ngả đuôi tàu – trong trường hợp Tim Allerton là thủ phạm, hoặc hắn có thể chạy dọc theo bên hông – điều này hầu như là không thể, hay hắn ta có thể lẻn vào một ca-bin. Phòng của Jacqueline chỉ cách phòng của bác sĩ Bessner hai căn. Cô ấy chỉ cần quẳng khẩu súng đi, trốn vào ca-bin, làm xù tóc lên rồi gieo mình xuống chiếc giường. Việc đó khá mạo hiểm, nhưng đó là khả năng duy nhất.”
Sự im lặng bao trùm trong giây lát rồi Race lên tiếng: “Thế chuyện gì đã xảy ra với viên đạn đầu tiên mà cô gái đã bắn vào Doyle?”
“Tôi nghĩ viên đạn ấy được bắn vào bàn. Ở đó sẽ có một cái lỗ mới. Tuy nhiên, tôi nghĩ Doyle đã có thời gian để lấy nó ra bằng một con dao nhỏ và ném bằng chứng qua của sổ rồi. Dĩ nhiên là anh ta có một băng đạn mới để có vẻ như là chỉ mới có hai viên đạn được bắn ra mà thôi.”
Cornelia thở dài: “Họ đã suy tính mọi thứ. Thật là – khủng khiếp!”
Poirot lặng im. Nhưng đó không phải là sự im lặng đồng ý. Mắt ông dường như muốn nói: “Cô đã sai rồi. Họ đã không tính đến Hercule Poirot mà.”
Rồi ông nói lớn: “Bác sĩ, bây giờ chúng ta sẽ đến nói vài lời với bệnh nhân của anh.”
Án Mạng Trên Sông Nile Án Mạng Trên Sông Nile - Agatha Christie Án Mạng Trên Sông Nile