A blessed companion is a book, - a book that, fitly chosen, is a lifelong friend,... a book that, at a touch, pours its heart into our own.

Douglas Jerrold

 
 
 
 
 
Tác giả: Agatha Christie
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: Death On The Nile (1937)
Dịch giả: Lan Phương
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 877 / 189
Cập nhật: 2020-04-04 20:28:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
RÔNG IM LÌM VÀ NỔI BẬT trong chiếc đầm dây dạ hội màu đen giản đơn, bà Allerton đi xuống khoang dưới cùng để đến phòng ăn. Con trai bà đón mẹ ngay nơi ngưỡng cửa.
“Xin lỗi con yêu. Mẹ nghĩ mẹ bị trễ rồi chứ.”
“Con đang xem chúng ta sẽ ngồi chỗ nào đây.” Trong sảnh có nhiều bàn ăn nhỏ. Bà Allerton đứng đó cho đến khi người phục vụ bận rộn để mắt đến họ.
Bà tiếp: “À, tiện thế mẹ cũng đã mời ông Hercule Poirot bé nhỏ ngồi cùng bàn với chúng ta.”
“Mẹ, không phải thế chứ!” Tim tỏ ra muốn thoái lui và khó chịu.
Mẹ anh trừng mắt ngạc nhiên vì Tim thường rất dễ chịu. “Con yêu, con thấy phiền sao?”
“Vâng, đúng thế. Ông ta hay lòe người khác!”
“Ồ, không phải thế đâu Tim! Mẹ không đồng ý với con đâu.”
“Dù sao đi nữa thì chúng ta được gì khi ngồi chung với người lạ chứ? Ngồi chung với nhau trên con tàu nhỏ, chuyện đó chán lắm. Ông ta sẽ theo chúng ta suốt sáng, chiều, tối luôn.”
Bà Allerton trông có vẻ đau khổ: “Mẹ xin lỗi, con yêu. Mẹ nghĩ chuyện này sẽ làm con vui chứ. Nói cho cùng, ông ấy hẳn có vốn sống rất phong phú. Và con sẽ thích những câu chuyện trinh thám cho mà xem.”
Tim cằn nhằn.
“Mẹ, con mong mẹ đừng có những sáng kiến kiểu đó nữa. Liệu chúng ta có thể thôi chuyện này ngay bây giờ không?”
“Thật thế hả Tim, mẹ không thấy làm sao chúng ta có thể làm thế được.”
“Ồ, con cho rằng chúng ta sẽ phải từ chối thôi.”
Ngay lúc đó, người phục vụ bước tới và đưa họ đến một chiếc bàn. Mặt bà Allerton trông có vẻ khó xử khi bà bước theo người phục vụ. Tim thường rất dễ tính và hòa nhã cơ mà. Cơn bộc phát lúc nãy thật không giống nó lắm. Không phải vì Tim cũng có tính cơ hữu của người Anh là không thích – và không tin tưởng – người ngoại quốc, mà Tim rất hòa nhập. Ồ, thế đấy – bà thở dài. Đàn ông thật là khó hiểu! Ngay cả người gần nhất và thân thuộc nhất cũng có những phản ứng và cảm giác khó đoán trước được.
Ngay khi hai mẹ con đã yên vị, Hercule Poirot im lặng bước nhanh vào phòng ăn. Ông ngừng một lúc, tay nắm lấy một chiếc ghế rồi nói.
“Thưa bà, bà có đồng ý cho tôi ngồi ở đây như lời mời không?”
“Tất nhiên rồi. Ông ngồi xuống đi, ông Poirot.”
“Bà thật tốt bụng.”
Người mẹ đã không nhận ra rằng viên thám tử đã liếc nhanh qua chỗ Tim ngay khi ông vừa ngồi xuống và Tim đã không thành công trong việc che giấu vẻ buồn rầu.
Bà Allerton đã tự mình tạo ra không khí vui vẻ. Khi họ dùng súp, bà cầm danh sách hành khách đặt ngay bên cạnh dĩa của bà lên.
Rồi bà vui vẻ đề nghị: “Hãy thử nhận diện mọi người xem sao nhé. Tôi cho rằng sẽ rất thú vị đây.”
Và bà bắt đầu đọc: “Bà Allerton, anh Tim Allerton. Quá dễ! Cô de Bellefort. Người ta xếp cô cùng bàn với nhà Otterboume, tôi đã thấy rồi. Tôi không biết là cô ấy và Rosalie ngồi với nhau sẽ như thế nào nhỉ. Ai tiếp đây? Bác sĩ Bessner. Bác sĩ Bessner ư? Ai có thể nhận ra bác sĩ Bessner nào?”
Bà nhìn qua chiếc bàn có bốn người đàn ông đang ngồi.
“Tôi nghĩ ông ta phải là người đàn ông mập mạp với cái đầu cạo láng lưỡng và bộ râu quai nón kia. Tôi có thể hình dung ra đó là một người Đức. Ông ấy có vẻ rất khoái món súp đó.” Viên thám tử vừa nói dứt câu, tiếng ăn xì xụp từ bàn bên đó cũng vang đến chỗ họ.
Rồi bà Allerton tiếp: “Thế còn cô Bowers? Chúng ta có thể đoán gì về cô Bowers nào? Có tới ba, bốn người phụ nữ lận… Ôi không, bây giờ chúng ta sẽ bỏ qua cô ấy. Vợ chồng nhà Doyle kìa. Đúng thế, ngôi sao của chuyến đi này đây. Cô ấy thật sự xinh đẹp, và cái đầm cô ấy mặc mới đẹp làm sao.”
Tim ngoái lại nhìn. Linnet cùng chồng và Andrew Pennington đang ngồi ở bàn phía trong góc. Bữa nay Linnet diện một chiếc đầm trắng và đeo một chuỗi ngọc trai.
Tim nhận xét: “Con thấy cũng đơn giản mà. Chỉ là một mảnh vải dài với một dây nơ cột ở giữa thôi.”
“Đúng thế con à,” Mẹ anh trả lời. “Một món hàng dễ thương trị giá tám mươi ghi-nê đấy.”
“Con không thể hiểu được tại sao phụ nữ lại tốn nhiều tiền cho vụ váy áo đến thế. Với con điều đó thật là vô nghĩa,” Tim nói.
Sau đó bà Allerton lại tiếp cuộc nghiên cứu của mình về các hành khách đi cùng.
“Anh Fanthorp nhất định phải là một trong bốn người ngồi ở cái bàn kia. Một anh chàng im lặng, không bao giờ nói tiếng nào. Nhưng anh ấy có gương mặt khá đẹp, cẩn thận và thông minh nữa.”
Poirot đồng ý.
“Đúng – anh ta trông thông minh đấy. Dù không nói nhưng anh ta lại lắng nghe rất chăm chú và còn quan sát nữa. Đúng thế, anh ta sử dụng rất tốt cặp mắt của mình. Anh ta không phải là loại người thích đi du lịch đâu. Tôi đang thắc mắc xem anh ta đang làm gì ở đây.”
Bà Allerton đọc tiếp: “Anh Ferguson. Tôi có cảm giác rằng Ferguson là anh bạn chống đối tư bản của chúng ta. Bà Otterbourne, cô Otterbourne, chúng ta đều biết họ. Còn ông Pennington? Hay còn gọi là chú Andrew. Tôi nghĩ ông ta là người dễ nhìn…”
“Tiếp luôn đi mẹ.” Tim nài nỉ.
Bà Allerton nói tiếp: “Tôi nghĩ ông ấy là người dễ coi theo một cách khô khan nào đó. Một quai hàm góc cạnh. Có thể là típ người chúng ta thường thấy trên báo, một người làm việc trên phố Wall – hay là trong phố Wall nhỉ? Tôi chắc ông ta rất giàu có. Kế tiếp… ông Hercule Poirot… một tài năng bị lãng phí. Con không thể tạo một tội ác nào cho ông Poirot đây sao Tim?”
Nhưng lời nói đùa vô thưởng vô phạt của người mẹ có vẻ lại làm phật lòng người con trai. Anh cau mày và bà Allerton liền nhanh miệng tiếp: “Ông Richetti, nhà khảo cổ học người Ý của chúng ta. Tiếp đến là cô Robson và cuối cùng là bà Van Schuyler. Người cuối rất dễ nhận biết. Chính là bà già xấu xí người Mỹ, rõ ràng là người khác biệt và không thèm nói chuyện với những người không cùng tầng lớp! Bà ấy thật sự hay đấy chứ nhỉ? Sắp hết thời rồi. Hai người phụ nữ đi cùng bà là cô Bowers và cô Robson – có thể là người thư ký, cái cô ốm với cái mũi nhọn, và một người họ hàng khốn khó, cô gái trẻ thảm hại kia, người có vẻ rất khoái chí mặc dù bị đối xử như một đứa nô lệ da đen vậy. Tôi nghĩ Robson là người thư ký còn Bowers là người họ hàng nghèo khó.”
Tim liền cười: “Mẹ sai rồi.” Và anh chợt lấy lại được vẻ hóm hỉnh của mình.
“Làm sao con biết thế?”
“Bởi vì con đã ở trong phòng sinh hoạt chung trước bữa tối và mụ già đó nói với người đi cùng: ‘Cô Bowers đang ở đâu thế? Cornelia, kêu cô ấy lại đây.’ Và Cornelia đã lủi thủi đi làm như một con chó ngoan ngoãn.”
Bà Allerton tỏ ra vô cùng hứng khởi: “Mẹ sẽ nói chuyện với bà Van Schuyler.”
Tim lại cười toe.
“Bà đó sẽ làm mẹ cụt hứng cho mà xem.”
“Không có đâu. Mẹ sẽ dọn đường bằng cách ngồi cạnh bà ấy và nói chuyện bằng giọng khiêm nhường – vừa đủ – và có học thức về những người thân và bạn bè có tước vị mà mẹ có thể nhớ được. Mẹ nghĩ sẽ tình cờ nhắc đến đứa cháu Nam tước vùng Glasgow gọi con là chú họ, có thể được đó.”
“Mẹ thật không thận trọng chút nào!”
Các hoạt động sau bữa tối là phần lý thú của mọi người. Chàng thanh niên xã hội học – cuối cùng chính là Ferguson như suy đoán – đi ra khỏi phòng hút thuốc, khinh khỉnh nhìn đám hành khách đang tụ tập ở phòng lớn trên tầng thượng.
Trong lúc đó bà Van Schuyler đã giành được một chỗ tốt nhất và khô ráo nhất bằng việc thẳng tiến đến bàn bà Otterbourne đang ngồi rồi lên tiếng: “Xin lỗi, tôi chắc, à tôi nghĩ là tôi đã để đồ thêu thùa của tôi ở đây!”
‘Đống khăn’ phải đứng dậy và nhường chỗ khi bị nhìn như thôi miên. Sau đó bà Van Schuyler liền chễm chệ ngồi xuống. Bà Otterbourne tìm chỗ ngồi cạnh đó và cố càm ràm vài câu nhưng bà phải sớm từ bỏ ý định này vì đụng phải sự bất lịch sự lạnh lùng. Thế là bà Van Schuyler ngồi đấy đắc thắng một mình. Vợ chồng Doyle thì ngồi cùng với mẹ con Allerton. Bác sĩ Bessner thì chịu trận với anh Fanthorp im thin thít. Jacqueline de Bellefort ngồi đọc sách một mình. Còn Rosalie Otterbourne thì không thể ngồi không. Vì bà Allerton nói chuyện với cô một, hai lần gì đấy và cố kéo cô vào nhóm của bà, nhưng cô đáp lại một cách thiếu thiện chí.
Hercule Poirot lại dành thời gian cả buổi tối nghe bà Otterbourne kể lể nhiệm vụ của một nhà văn như bà.
Trên đường trở về lại phòng mình tối hôm đó, viên thám tử đã gặp Jacqueline de Bellefort. Lúc đó cô đang đứng tựa vào lan can thành tàu, và khi cô quay đầu lại, ông đã bắt gặp một gương mặt đầy khổ đau. Bây giờ không còn sự hấp dẫn, không còn sự thách thức thù ghét, không còn sự đắc thắng nữa.
“Chào cô.”
“Chào ông Poirot.” Cô ngập ngừng, do dự, rồi tiếp. “Ông ngạc nhiên khi thấy tôi ở đây phải không?”
“Tôi thì không ngạc nhiên nhiều nhưng lại thấy tiếc… rất tiếc…”
Ông trả lời cô gái một cách nghiêm túc.
“Ông muốn nói là ông thấy tiếc… cho tôi ư?”
“Vâng. Cô ơi, cô đã chọn con đường nguy hiểm rồi… Vì chúng ta lên trên tàu này để thực hiện một chuyến đi, cô cũng đã chọn một chuyến đi riêng rồi – một chuyến đi trên con sông chảy xiết, ở giữa những tảng đá nguy hiểm, và nhắm đến thứ mà ai cũng biết là chông gai giông tố như thế nào…”
“Tại sao ông lại nói chuyện này?”
“Bởi vì đó là sự thật… Cô đã cắt đứt những sợi dây đảm bảo sự an toàn cho mình. Bây giờ thì tôi nghi ngờ khả năng cô có thể quay lại khi cô muốn.”
Cô chậm rãi xác nhận: “Phải…”
Rồi cô hất đầu ra sau.
“À, thế thì – người ta phải đi theo ngôi sao của mình mà thôi, đến bất kể nơi đâu mà nó hướng tới.”
“Cô ơi, phải coi chừng, phải chắc đó không phải là một ngôi sao xấu…”
Cô gái cười phá lên rồi bắt chước khúc hát con vẹt của những đứa trẻ dắt lừa: “Ngôi sao đó rất xấu, ông ơi! Ngôi sao đó sẽ rơi xuống…”
Lúc ông vừa chuẩn bị đi ngủ thì một giọng nói làm ông tỉnh lại. Ông nghe giọng của Simon Doyle đang lặp lại những câu chữ ông đã nghe khi con tàu rời khỏi Shellal.
“Chúng ta phải giải quyết việc này ngay…”
Hercule Poirot tự nghĩ thầm: ‘Đúng, chúng ta phải giải quyết việc này ngay…’
Nhưng ông cảm thấy không được vui vẻ cho lắm.
Án Mạng Trên Sông Nile Án Mạng Trên Sông Nile - Agatha Christie Án Mạng Trên Sông Nile