Giá trị thật của một người không phải ở chỗ cách anh ta xử sự lúc đang thoải mái và hưởng thụ, mà là ở chỗ lúc anh ta đối mặt với những khó khăn và thử thách.

Martin Luther King Jr.

 
 
 
 
 
Tác giả: Agatha Christie
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 457 / 48
Cập nhật: 2020-04-04 20:30:41 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16 - Vụ Án Beroldy
hoảng 20 năm trước khi câu chuyện này diễn ra, ngài Arnold Beroldy, người gốc Lyons, tới Paris cùng người vợ xinh đẹp và cô con gái nhỏ còn bé xíu. Ông Beroldy là cổ đông nhỏ trong một hãng chuyên buôn bán rượu, một người trung niên béo tốt, thích tận hưởng cuộc sống, hết lòng vì người vợ đẹp tuyệt trần của mình, nói chung, không có gì nổi bật. Hãng rượu mà ông Beroldy là thành viên là một hãng nhỏ, dù làm ăn khấm khá, nó cũng không mang lại nhiều thu nhập cho vị cổ đông nhỏ này. Gia đình Beroldy có một căn hộ nhỏ và ngay từ ban đầu đã sống rất giản dị.
Nhưng, dù ông Beroldy có thể không có gì nổi bật, xung quanh vợ ông lại đầy những lời đồn đoán về những câu chuyện yêu đương lãng mạn. Trẻ tuổi, ưa nhìn và lại được sinh ra với một phong thái duyên dáng đặc biệt, bà Beroldy ngay lập tức làm náo động cả vùng, đặc biệt là khi người ta bắt đầu thì thầm với nhau về điều bí ẩn thú vị xung quanh sự chào đời của bà. Người ta đồn rằng bà là con gái ngoài giá thú của một đại công tước người Nga, người khác lại khẳng định đó là một đại công tước người Áo, và cuộc hôn nhân đó hoàn toàn hợp pháp, dù không được môn đăng hộ đối. Nhưng tất cả những câu chuyện ấy đều thống nhất ở một điểm, rằng Jeanne Beroldy là tâm điểm của một điều bí ẩn kỳ thú.
Trong số bạn bè, người quen của gia đình nhà Beroldy, có một vị luật sư trẻ tuổi, Georges Conneau. Chẳng mấy chốc, nàng Jeanne kiều diễm đã hoàn toàn làm chủ trái tim anh chàng. Bà Beroldy ngầm khuyến khích chàng trai trẻ, nhưng luôn luôn cẩn trọng nhấn mạnh lòng chung thủy tuyệt đối của mình với ông chồng đã luống tuổi. Tuy nhiên, nhiều người ác ý chẳng ngần ngại mà tuyên bố trắng ra rằng chàng Conneau trẻ tuổi là tình nhân của bà Beroldy - và không phải là người tình duy nhất!
Khi nhà Beroldy ở Paris được khoảng ba tháng, một người khác xuất hiện. Đó là ông Hiram P. Trapp, một người Mỹ, cực kỳ giàu có. Khi được giới thiệu với phu nhân Beroldy kiều diễm và bí ẩn, ông ta đã lập tức bị bà mê hoặc. Ông ta công khai thể hiện sự say mê của mình, dù vẫn giữ phép lịch sự tuyệt đối với nàng.
Khoảng thời gian này, phu nhân Beroldy trở nên cởi mở chuyện trò về những bí mật của mình hơn. Với một vài người bạn, bà tâm sự rằng mình đang vô cùng lo lắng cho chồng. Bà giải thích rằng ông ta đang bị lôi cuốn vào một số những âm mưu chính trị, đồng thời, nhắc tới một số giấy tờ quan trọng được giao cho ông giữ, những giấy tờ này có liên quan tới một bí mật hệ trọng với cả châu Âu. Những tài liệu đó được giao cho ông nhằm đánh lạc hướng những người đang truy tìm chúng, nhưng bà Beroldy quá sức căng thẳng khi nhận ra một số thành viên quan trọng của Hội Cách mạng ở Paris.
Ngày 28 tháng 11, tai họa ập xuống. Người lau dọn bếp hàng ngày cho gia đình Beroldy kinh ngạc phát hiện ra cửa vào nhà mở toang. Nghe thấy tiếng rên rỉ yếu ớt phát ra từ phòng ngủ, bà ta đi vào. Một cảnh tượng kinh hoàng đập vào mắt. Bà Beroldy nằm trên sàn, tay chân bị trói, miệng rên khe khẽ, vừa xoay sở thoát được ra khỏi miếng giẻ bịt miệng. Trên giường là ông Beroldy nằm trong vũng máu với một con dao xuyên qua tim.
Câu chuyện bà Beroldy kể lại tương đối rõ ràng. Bất chợt tỉnh giấc, bà thấy rõ hai người đeo mặt nạ đang cúi xuống nhìn. Để chặn tiếng kêu của bà, chúng đã trói và nhét giẻ vào miệng bà. Sau đó, chúng yêu cầu ông Beroldy trao cho chúng điều bí mật quan trọng.
Nhưng thương nhân buôn rượu dũng cảm đã thẳng thừng từ chối làm theo yêu cầu của chúng. Quá tức giận, một trong hai tên đã không kiềm chế được và đâm thẳng vào tim ông. Chúng lấy chìa khóa của người quá cố, mở chiếc két trong góc phòng và mang đi một đống giấy tờ. Cả hai người đều rậm râu, đeo mặt nạ, nhưng bà Beroldy khẳng định chắc chắn chúng đều là người Nga.
Vụ việc đã khiến cả công chúng rúng động. Thời gian trôi đi, và người ta vẫn không lần ra hai tên râu rậm. Ngay khi sự quan tâm công chúng bắt đầu nguội đi thì vụ án có một bước tiến triển mới: Bà Beroldy bị bắt và buộc tội giết chồng.
Phiên tòa thu hút được rất nhiều sự quan tâm. Sự trẻ trung và nhan sắc của bị can, cùng với lai lịch bí ẩn của bà, đủ để khiến vụ án trở nên đình đám.
Người ta đã xác nhận được rằng cha mẹ của Jeanne Beroldy là một cặp vợ chồng tử tế, khiêm nhường, làm nghề buôn bán hoa quả, sống ở ngoại vi thành phố Lyons. Đại công tước người Nga, những mối tình trăng hoa ngoài lề, những âm mưu chính trị – tất cả những chuyện ấy đều được truy ngược lại về chính bà Beroldy! Toàn bộ câu chuyện cuộc đời bà ta bị vạch trần không thương tiếc. Động lực của vụ giết người liên quan đến ông Hiram P. Trapp. Ông Trapp cố hết sức, nhưng khi bị tra hỏi dồn dập và khôn khéo, ông ta đã bị buộc phải thú nhận mình yêu bà Beroldy, và rằng, nếu bà đang còn tự do, ông ta đã hỏi lấy bà làm vợ. Tính chất hão huyền mơ mộng trong mối quan hệ của họ lại càng củng cố cho lời cáo buộc của tòa. Do bản tính chính trực của ông Trapp, bà Beroldy bị cản trở, không thể đến được với ông này. Bà ta đã ấp ủ một kế hoạch ghê rợn để loại bỏ ông chồng già cỗi, tầm thường của mình và trở thành vợ của ông người Mỹ giàu có.
Từ đầu đến cuối, bà Beroldy đối mặt với những người buộc tội mình một cách điềm tĩnh và tự chủ. Câu chuyện của bà ta không bao giờ thay đổi. Bà ta tiếp tục khẳng định mạnh mẽ rằng mình sinh ra trong gia đình hoàng gia, và đã bị thế vào chỗ của con gái người bán hoa quả từ khi còn rất nhỏ. Mặc dù những lời khai ấy hoàn toàn vô căn cứ, rất nhiều người lại tuyệt đối tin rằng chúng có thật.
Tuy nhiên, bên nguyên không hề lay chuyển. Họ phản bác về những tên người Nga đeo mặt nạ, cho rằng đó là chuyện được dựng lên, và khẳng định rằng tội ác đã được chính bà Beroldy cùng anh chàng tình nhân, Georges Conneau, thực hiện. Tòa đã có lệnh bắt Georges Conneau, nhưng anh ta đã biến mất tăm. Bằng chứng cho thấy rằng dây trói bà Beroldy lỏng tới mức bà ta có thể dễ dàng tự thoát ra được.
Sau đó, khi việc xét xử sắp đi đến hồi kết, thì một lá thư đóng dấu Paris được gửi tới công tố viên. Người gửi thư là Georges Conneau. Lá thư không tiết lộ hiện hắn đang ở đâu, nhưng thú nhận toàn bộ tội ác. Anh ta thú nhận rằng quả thật anh ta đã thực hiện tội ác theo lời xúi giục của bà Beroldy. Họ đã cùng nhau lên kế hoạch tội ác. Tin rằng người chồng đã đối xử rất tệ với người tình, phát điên vì cuồng si, và tin rằng sự cuồng si ấy được đáp trả, anh ta đã lên kế hoạch vụ giết người và ra tay thực hiện tội ác hòng giải phóng cho người đàn bà mình yêu khỏi một mối ràng buộc cay nghiệt. Còn giờ đây, anh ta đã được biết về ông Hiram P. Trapp, và nhận thấy rằng người mình yêu đã phản bội mình! Không phải vì anh ta mà cô ta muốn được tự do, mà là để cưới được ông người Mỹ giàu có. Bà ta đã lợi dụng anh ta, và giờ, trong cơn ghen tuông điên cuồng, anh ta trở lại tố cáo bà ta, khẳng định rằng anh ta đã hành động hoàn toàn theo sự xúi giục của bà ta.
Lúc này thì bà Beroldy chứng tỏ mình là một con người phi thường đến thế nào. Không hề ngần ngại, bà ta từ bỏ luôn những lý lẽ biện hộ trước đó, và thừa nhận rằng mấy gã người Nga là do bà ta bịa ra. Kẻ giết người thực sự là Georges Conneau. Si mê đến phát điên, hắn đã ra tay giết người, thề rằng nếu bà ta nói ra, hắn sẽ trả thù tàn bạo. Quá kinh hãi trước những lời đe dọa đó, bà ta đã quyết định im lặng – và bà ta cũng sợ rằng nếu nói ra sự thật, rất có thể bà ta sẽ bị buộc tội là tòng phạm. Nhưng bà ta khăng khăng phủ nhận bất cứ mối liên hệ nào với việc giết chồng, rằng chính vì muốn trả thù bà ta mà hắn đã viết lá thư tố cáo này. Bà ta long trọng thề rằng mình không hề liên quan tới việc lên kế hoạch tội ác, rằng trong cái đêm không thể quên nổi đó, bà ta đã tỉnh dậy và thấy Georges Conneau đứng ngay bên cạnh, con dao vấy máu trong tay.
Vụ việc diễn ra chớp nhoáng. Câu chuyện của bà Beroldy vô cùng khó tin. Nhưng bà ta đã rất tài tình khi nhắm vào bồi thẩm đoàn. Những giọt nước mắt lăn dài trên má, bà nói tới con gái mình, tới danh dự của một người đàn bà – về ước muốn giữ được phẩm giá của mình vì đứa con thơ. Bà ta thừa nhận rằng, Georges Conneau đã từng là tình nhân của mình, có thể trong vụ này, bà có tội về mặt đạo đức – nhưng, thề trước Chúa, không có gì hơn thế! Bà ta biết mình đã phạm phải một sai lầm khủng khiếp khi không tố cáo Conneau trước pháp luật, nhưng, bà ta nức nở thổ lộ rằng, đó là điều mà không một người đàn bà nào có thể làm được. Bà ta đã yêu hắn! Làm sao bà ta có thể tự tay đưa đầu hắn vào máy chém được đây? Bà ta đã mắc nhiều tội lỗi, nhưng không phải cái tội mà người ta đang gán cho mình.
Dù sự thật có là gì, thì ngày hôm đó, phong thái và tài hùng biện của ba ta đã giành chiến thắng. Bà Beroldy, giữa một khung cảnh náo động khủng khiếp, đã được tuyên trắng án.
Mặc dù cảnh sát đã nỗ lực hết sức, họ vẫn không lần được ra dấu vết Georges Conneau. Về phần bà Beroldy, không ai nghe nói tới bà ta nữa. Bà ta đã đưa cô con gái rời khỏi Paris để bắt đầu một cuộc sống mới.
Án Mạng Trên Sân Golf Án Mạng Trên Sân Golf - Agatha Christie Án Mạng Trên Sân Golf