To acquire the habit of reading is to construct for yourself a refuge from almost all the miseries of life.

W. Somerset Maugham

 
 
 
 
 
Tác giả: Agatha Christie
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 457 / 48
Cập nhật: 2020-04-04 20:30:41 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9 - Giraud Lần Ra Vài Manh Mối
rong phòng khách, tôi thấy thẩm phán điều tra đang bận thẩm vấn ông lão làm vườn Auguste. Poirot và cảnh sát trưởng cũng có mặt ở đó, họ nghiêm trang mỉm cười, cúi đầu chào tôi. Tôi khẽ lách vào chỗ ngồi. Hautet hết sức xét nét và tỉ mỉ, nhưng không khai thác được điều gì quan trọng.
Auguste xác nhận đôi găng tay làm vườn là của mình. Ông lão đeo chúng khi xử lý một số loài cây báo xuân, loài cây này gây dị ứng ở một số người. Ông không thể nhớ lần cuối cùng ông đeo chúng là khi nào. Chắc chắn là ông lão không để lạc mất chúng. Chúng được cất ở đâu? Lúc chỗ này, lúc chỗ khác. Cái thuổng thường được để trong kho dụng cụ nhỏ. Kho đó có được khóa không? Tất nhiên là có khóa rồi. Chìa khóa để ở đâu? Hẳn nhiên là ở trên cửa rồi.
Chẳng gì có giá trị mà lấy cắp ở đó cả. Có ai ngờ đến một băng cướp hay lũ sát nhân đâu? Những chuyện như thế này không xảy ra khi bà tử tước còn ở đây.
Hautet ra hiệu rằng đã xong việc, ông lão rời khỏi phòng, càu nhàu cho tới tận lúc đi khuất. Nhớ tới khẳng định khó hiểu của Poirot về những dấu chân trên hai luống đất, tôi chăm chú quan sát thật kỹ lưỡng khi ông già khai bằng chứng của mình. Hoặc ông ta không liên quan gì tới tội ác này, hoặc ông ta là một diễn viên xuất sắc. Ngay khi ông già ra khỏi cửa, tôi chợt nảy ra một ý.
“Xin thứ lỗi, ngài Hautet,” tôi thốt lên, “ngài cho phép tôi hỏi ông ấy một câu chứ?”
“Tất nhiên rồi, thưa ngài.”
Được khích lệ, tôi quay sang Auguste.
“Bác để đôi ủng của mình ở đâu?”
“Ở chân tôi,” lão già làu nhàu. “Còn ở đâu nữa?”
“Nhưng về đêm lúc bác đi ngủ thì sao?”
“Ở dưới giường.”
“Thế ai đánh rửa chúng?”
“Chẳng ai cả. Sao phải đánh rửa chúng? Tôi có diễu qua diễu lại như mấy cậu trẻ ranh đâu? Chủ nhật thì tôi đi đôi ủng Chủ nhật, còn lại thì…” Lão nhún vai.
Tôi lắc đầu thất vọng.
“Chà chà,” thẩm phán lên tiếng, “chúng ta chẳng tiến được là bao. Chắc là chúng ta sẽ còn kẹt cho tới khi nhận được điện trả lời từ Santiago. Có ai nhìn thấy Giraud đâu không? Phép lịch sự của ông ta để ở đâu không biết! Tôi đã rất muốn mời ông ta đến và…”
“Ông sẽ không phải tìm đâu xa đâu.”
Một giọng nói trầm tĩnh khiến chúng tôi giật mình. Giraud đang đứng bên ngoài, nhìn vào trong qua khung cửa sổ để mở.
Ông ta nhẹ nhàng nhảy vào phòng và tiến tới bên bàn.
“Tôi có mặt đây, xin được phục vụ ngài. Xin ngài miễn thứ cho vì tôi đã không có mặt sớm hơn.”
“Không có gì, không có gì đâu!” thẩm phán bối rối xua tay.
“Tất nhiên tôi chỉ là một thám tử quèn,” ông kia tiếp tục. “Tôi chẳng biết gì về thẩm vấn cả. Nếu thực hiện một cuộc thẩm vấn, tôi sẽ không để cửa sổ mở. Bất cứ ai đứng ngoài cũng có thể dễ dàng nghe thấy tất cả diễn biến bên trong. Nhưng có hề gì đâu.”
Hautet giận đỏ mặt. Rõ ràng là chuyện này không làm sứt mẻ thêm được tí tình cảm thương mến nào giữa thẩm phán điều tra và vị thám tử phụ trách vụ án. Họ đã xích mích với nhau ngay từ đầu. Có lẽ trong mọi vấn đề khác, mọi chuyện cũng chẳng khác là bao. Với Giraud, tất cả các thẩm phán điều tra đều ngu ngốc, còn với Hautet, một con người vô cùng nghiêm túc, thì chẳng có gì biện hộ được cho lối hành xử ngông nghênh của ông thám tử Paris.
“Thôi nào, ngài Giraud,” thẩm phán đáp lại có phần gay gắt. “Chắc chắn là ông đã khai thác thời gian của mình vô cùng hiệu quả! Ông đã có được tên của mấy gã sát nhân rồi, đúng không? Và chính xác cả nơi chúng đang ở nữa?”
Không hề bị sự mỉa mai này tác động, Giraud đáp: “Ít nhất tôi cũng biết chúng từ đâu tới.”
Giraud lấy từ trong túi ra hai vật nhỏ và đặt chúng xuống bàn. Chúng tôi xúm lại xung quanh. Các vật này đều rất đơn giản: cuống một điếu thuốc lá và một que diêm chưa châm. Thám tử quay sang Poirot.
“Ông thấy gì ở đó?” ông này hỏi.
Trong giọng nói của ông ta có cái gì đó gần như là tàn nhẫn. Nó khiến tôi thấy nóng mặt. Nhưng Poirot vẫn điềm tĩnh. Anh nhún vai.
“Một đầu mẩu thuốc lá và một que diêm.”
“Và cái đó cho ngài biết điều gì?”
Poirot xòe hai bàn tay: “Chẳng gì hết.”
“A!” Giraud reo lên, giọng hài lòng, “ông chưa hề nghiên cứu gì những thứ này cả. Đó không phải là một que diêm thông thường – ít nhất cũng không phải là ở đất nước này. Nó khá phổ biến ở Nam Mỹ. May mắn là nó chưa được châm. Nếu không thì tôi đã chẳng nhận ra được. Rõ ràng, một trong những tên đó đã ném thuốc lá đi và châm một điếu khác, trong lúc đó, làm rớt ra khỏi hộp một que diêm.”
“Thế còn que diêm kia thì sao?” Poirot hỏi.
“Que nào?”
“Que diêm mà hắn đã dùng để châm điếu thuốc, ông có tìm thấy cả nó nữa không?”
“Không.”
“Có lẽ ông tìm không kỹ rồi.”
“Tìm không kỹ…” trong một thoáng, có vẻ như vị thám tử sẽ bùng lên giận dữ, nhưng ông ta cố gắng kìm lại được. “Tôi thấy là ông thích đùa đấy. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, có diêm hay không diêm, thì đầu mẩu thuốc lá cũng là đủ rồi. Nó là thuốc lá của Nam Mỹ, quấn bằng giấy cam thảo.”
Poirot cúi đầu. Cảnh sát trưởng nói:
“Đầu mẩu thuốc lá và que diêm có thể là của ông Renauld. Hãy nhớ rằng ông ấy mới trở về từ Nam Mỹ được hai năm.”
“Không,” vị kia đáp chắc nịch. “Tôi cũng đã tìm trong đồ đạc của ông Renauld. Loại thuốc ông ấy hút và diêm ông ấy dùng tương đối khác.”
Poirot hỏi: “Ông không thấy lạ là những gã lạ mặt đó lại tới đây, không chuẩn bị sẵn vũ khí, găng tay, thuổng, và chúng lại dễ dàng tìm thấy tất cả những thứ này sao?”
Giraud mỉm cười vẻ trịch thượng. “Chắc chắn là lạ rồi. Quả thật, nếu không có giả thiết mà tôi đặt ra, thì chuyện đó đúng là không thể giải thích được.”
“A ha!” ông Hautet kêu lên. “Có kẻ đồng lõa từ trong nhà.”
“Hoặc bên ngoài,” Giraud nói với một nụ cười khó hiểu. “Nhưng phải có người cho chúng vào. Chúng ta không thể cho rằng, nhờ một chút may mắn đến không tưởng, chúng lại thấy cửa đang hé mở.”
“Cửa đã được mở sẵn cho chúng, nhưng cánh cửa đó cũng có thể dễ dàng được mở từ bên ngoài – bởi người có chìa khóa.”
“Nhưng ai có chìa?” Giraud nhún vai.
“Về chuyện đó, không một ai có chìa lại thừa nhận cả. Nhưng một số người có thể có chìa. Cậu con trai Jack Renauld chẳng hạn. Đúng là cậu ấy đang trên đường tới Nam Mỹ, nhưng chìa khóa của cậu ta cũng có thể bị đánh mất hoặc bị lấy cắp. Rồi thì người làm vườn – ông ta đã ở đây nhiều năm. Một trong những người hầu trẻ có thể có tình nhân. Lấy dấu chìa khóa và đánh một chiếc chẳng khó khăn gì. Có rất nhiều khả năng. Rồi còn một người nữa, mà theo phán đoán của tôi, có khả năng rất cao cũng có món đồ đó.”
“Là ai vậy?”
“Bà Daubreuil,” thám tử nói.
“Ôi, ôi!” thẩm phán nói. “Thế là ông cũng nghe chuyện đó rồi phải không?”
“Tôi nghe mọi chuyện,” Giraud ung dung nói.
“Có một điều tôi dám thề là ngài chưa được nghe,” Hautet nói, vui sướng vì có thể thể hiện mình biết nhiều hơn, và thong thả kể lại câu chuyện về vị khách bí ẩn đêm hôm trước. Ông ta cũng đề cập cả đến tờ ngân phiếu đề tên Duveen, và cuối cùng đưa cho Giraud lá thư ký tên Bella.
“Tất cả đều rất thú vị. Nhưng giả thiết của tôi vẫn không thay đổi.”
“Và giả thiết của ông là…”
“Lúc này tôi thấy chưa nên nói là hơn. Xin hãy nhớ, tôi mới chỉ bắt đầu điều tra thôi.”
Poirot đột ngột lên tiếng: “Ông Giraud này, xin ông cho tôi biết một điều. Giả thiết của ông cho rằng cửa trước đang mở. Nó không giải thích vì sao cửa lại được để mở. Khi đi khỏi, chẳng phải sẽ rất tự nhiên nếu chúng đóng cửa lại sao? Nếu nhân viên cảnh sát tình cờ tới nhà, đôi khi họ vẫn đi tuần để xem mọi chuyện có ổn không, chúng có thể đã bị phát hiện và bị tóm gần như ngay lập tức.”
“Ôi dào! Chúng quên mất. Một sai lầm, tôi đồng ý với ông.”
Sau đó, trước sự ngạc nhiên của tôi, Poirot nói to gần đúng những lời anh đã nói với Bex tối hôm trước: “Tôi không đồng ý với ông. Cửa được để mở hoặc là do có chủ đích, hoặc là do cần thiết, và bất cứ giả thiết nào không thừa nhận thực tế đó thì chắc chắn đều là hão huyền.”
Tất cả những người có mặt trong phòng đều hết sức kinh ngạc quay sang nhìn anh bạn nhỏ bé của tôi. Tôi đã tưởng rằng khi thú thật là mình mù tịt về đầu diêm, anh phải cảm thấy hổ thẹn lắm, nhưng anh lại tự mãn hơn bao giờ hết, lên lớp cho Giraud mà không hề nao núng.
Vị thám tử vân vê ria mép, nhìn bạn tôi có phần chế giễu.
“Ông không đồng ý với tôi, hả? Được thôi, thế điều gì khiến ông chú ý trong vụ này? Hãy thử nghe xem quan điểm của ông ra sao.”
“Có một điều mà trong mắt tôi là vô cùng hệ trọng. Hãy nói cho tôi biết, ngài Giraud, trong vụ này không có điều gì khiến cho ngài cảm thấy quen thuộc sao? Nó không gợi cho ngài tới điều gì đó sao?”
“Quen thuộc à? Gợi nhớ cho tôi sao? Tôi không thể nói ngay được. Nhưng, tôi không nghĩ là có.”
“Ông sai rồi,” Poirot bình thản nói. “Đã từng có một tội ác gần như giống hệt thế này được thực hiện trước đây.”
“Khi nào? Ở đâu?”
“À, chuyện đó thì thật không may, lúc này tôi không thể nhớ ra được. Nhưng chắc chắn là tôi sẽ nhớ ra. Tôi đã hy vọng là ông có thể giúp được tôi việc này.”
Giraud khịt mũi hoài nghi.
“Đã có rất nhiều vụ dính líu đến mấy gã đeo mặt nạ. Tôi không thể nhớ chi tiết của tất cả các vụ đó. Các vụ phạm tội đều ít nhiều na ná giống nhau.”
“Trên đời này có cái gọi là dấu ấn cá nhân.” Poirot đột nhiên ra vẻ lên lớp và nói với tất cả chúng tôi. “Bây giờ tôi xin nói với các ngài về tâm lý tội phạm. Ngài Giraud biết khá rõ rằng mỗi kẻ phạm tội đều có phương pháp riêng của mình, và rằng, cảnh sát, khi được gọi tới điều tra, một vụ trộm cắp chẳng hạn, thường có thể đưa ra một dự đoán sắc sảo chỉ qua các phương pháp đặc biệt mà kẻ đó sử dụng. – Japp cũng sẽ nói với anh như thế, Hastings ạ. – Con người là một loài nhàm chán. Nhàm chán trong khuôn khổ pháp luật của cuộc sống trong sạch hàng ngày, và cũng nhàm chán không kém ngoài vòng pháp luật. Nếu một người phạm phải một tội ác, tất cả những tội ác khác người đó phạm phải đều sẽ rất giống như thế. Tên sát nhân người Anh, kẻ đã lần lượt hạ sát những người vợ của mình bằng cách dìm họ trong bồn tắm, là một ví dụ cho điều này. Nếu hắn thay đổi phương thức của mình, có lẽ đến hôm nay hắn vẫn chưa bị phát giác. Nhưng hắn lại tuân theo tiếng gọi của bản chất con người, cho rằng điều đã từng thành công một lần sẽ lại thành công, và hắn đã phải trả giá cho sự thiếu sáng tạo của mình.”
“Này, mục đích của bài thuyết giảng này là gì?” Giraud nhếch mép hỏi.
“Đó là, khi ông có hai tội ác hoàn toàn giống nhau về kế hoạch và cách thực thi, ông sẽ tìm thấy cùng một kẻ chủ mưu đứng đằng sau cả hai. Tôi đang tìm kiếm kẻ chủ mưu đó, ngài Giraud ạ, và tôi sẽ tìm ra. Ở đây chúng ta có một đầu mối thực sự – đầu mối về tâm lý. Ông có thể biết tường tận về mấy điếu thuốc lá và đầu diêm, ông Giraud ạ, nhưng tôi, Hercule Poirot, lại hiểu rõ về đầu óc con người.”
Giraud vẫn hoàn toàn bàng quan.
“Để chỉ dẫn cho ông,” Poirot tiếp tục, “tôi cũng sẽ cho ông biết một chi tiết rất có thể không lọt được vào tầm chú ý của ông. Chiếc đồng hồ đeo tay của bà Renauld, vào cái ngày sau khi thảm kịch xảy ra, đã chạy nhanh hai tiếng đồng hồ.”
Giraud nhìn sững.
“Có lẽ nó vốn đã chạy nhanh rồi?”
“Đúng là bà Renauld cũng nói như vậy.”
“Thế thì tốt rồi.”
“Dù có thế, hai tiếng là rất nhiều.” Poirot nhẹ nhàng nói. “Rồi còn cả vấn đề dấu chân trên luống đất nữa.”
Anh hất đầu ra phía cửa sổ mở. Giraud sốt ruột bước hai bước dài, và nhìn ra.
“Nhưng tôi đâu thấy dấu chân nào?”
“Không,” Poirot nói, chỉnh thẳng lại chồng sách trên bàn. “Không có dấu chân nào cả.”
Trong một thoáng, mặt Giraud sầm lại, đằng đằng sát khí. Ông ta bước hai sải chân về phía kẻ đang hành hạ mình, nhưng đúng lúc đó, cửa phòng khách bật mở, và Marchaud thông báo:
“Ông Stonor, thư ký, vừa từ Anh trở về. Ông ta có vào được không ạ?”
Án Mạng Trên Sân Golf Án Mạng Trên Sân Golf - Agatha Christie Án Mạng Trên Sân Golf