The oldest books are still only just out to those who have not read them.

Samuel Butler

 
 
 
 
 
Tác giả: Banana Yoshimoto
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Trần Quang Huy
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2959 / 169
Cập nhật: 2015-09-11 19:41:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16 Mật Thất Của Nhà Hiền Triết
hư của chủ quán Belize đến vào một buổi sáng giá lạnh, cách đây 2 tuần.
"Sakumi thân mến,
Xin lỗi vì tôi đã đột ngột đóng cửa quán. Tiền trợ cấp tìm việc tôi đã cộng thêm vào khoản lương chưa thanh toán và chuyển khoản rồi nhé. Cứ yên tâm đi! Cuộc sống của tôi bên này cũng rất tuyệt, tôi và vợ tôi ngày nào cũng đến sàn nhảy. Đã có nhiều bạn mới. Ngày ngày, thời gian chậm rãi trôi, thật vô cùng sung sướng. Tôi sẽ ở lại đây ít lâu. Đến chơi nhé!
Chủ quán Belize."
Vẫn nét chữ tinh tế thân quen, đẹp như chữ con gái.
Thôi, thế là hết! Hy vọng ông ấy sẽ sớm quay lại tiếp tục mở quán hoàn toàn tắt ngấm. Hẳn bản thân ông ấy đã thấy mệt mỏi vì cứ phải sống theo kiểu thập niên bảy mươi giữa một Nhật Bản hiện đại rồi.
Không còn cách nào khác, tôi đành phải bắt đầu tìm công việc mới một cách nghiêm túc. Và rồi, tôi quyết định vào làm ở một hiệu bánh mì trong một khu phố nhiều chung cư sang trọng, sáu ngày một tuần, từ mười một giờ đến tám giờ tối. Chủ quán là một người Pháp, chỉ biết lõm bõm một ít tiếng Nhật. Đó là một người kỹ tính, con thứ một chủ hiệu bánh lâu đời ở Paris, đến Nhật mở quán với tâm niệm "Mang hương vị bánh mì Pháp thực sự đến với Nhật Bản!" một người có phong thái giống hệt ông chủ quán Belize và hình như tôi rất dễ được lòng những người như thế. Có rất nhiều người đến dự phỏng vấn xin việc nhưng tôi được chọn ngay lập tức. Đó là một hiệu bánh nhỏ, có ba người nướng bánh với một mình tôi, vừa bán hàng vừa thu ngân kiêm giúp việc vặt. Với tôi, việc kiểu này là dễ chịu nhất. Tôi vừa học được cách nướng bánh mì vừa học được tiếng Pháp. Bánh mì chỉ có một loại là baguette (loại bánh mì người Pháp ưa thích, to, tròn dài, vỏ giòn - ND), một ngày chỉ nướng ba mẻ. Tôi thường ra đứng ở quầy ba mươi phút trước khi bánh ra lò. Bánh nướng xong được bày la liệt ở trong góc, đợi cho bớt nóng và bay bớt mùi men bột mì. Chiều đến bao giờ cũng rất dễ chịu. Tôi cứ đứng vào quầy là một, rồi hai bà nội trợ, rồi thì sinh viên, rồi thêm một cụ già tầm thước đến đứng xếp hàng phía trước. Ở khu phố ít cửa hàng này, ánh sáng trong hiệu bánh hắt ra chắc hẳn trông như ngọn hải đăng giữa những dãy nhà mờ tối. Không có khách hàng từ xa tới, cũng không nhiều người xếp hàng đến mức có thể hết bánh giữa chừng nên trên khuôn mặt họ không có vẻ nóng ruột hay háo hức thái quá mà chỉ có một niềm vui nho nhỏ và lặng lẽ "Vậy là sáng mai sẽ có bánh mì ngon để ăn!" Mùi bánh mì nướng không hiểu sao mang đến cho tôi cảm giác hạnh phúc khôn tả. Nó gợi lên nỗi nhớ giống như nỗi nhớ quê, khiến người ta muốn được về với một buổi sáng mát lành đâu đó trong tiềm thức. Dù có ăn đến một trăm ổ bánh vừa mới ra lò, có lẽ cũng không có được cái cảm giác mà mùi hương đó mang lại. Tôi lặng lẽ đứng trong làn hương đó, lặng lẽ ngắm nhìn hàng người xuất hiện trước quầy. Đêm thong thả xuống dần. Khu phố với cửa sổ sáng đèn. Những khung cửa sổ sáng đèn giữa cảnh chiều hôm. Bóng những ngôi nhà trập trùng như những rặng núi. Cuối cùng thì bánh cũng được mang ra. Tôi luôn tay bấm máy tính tiền, bỏ bánh vào túi và tươi cười giao cho khách hàng, trong lòng bỗng cảm thấy uy nghiêm như chính mình đã trở thành đức thánh. Vậy là tôi lại bắt đầu yêu công việc này rồi. Có lẽ như thế này là tốt với tôi. Chỉ lặp đi lặp lại những điều như thế.
Lâu lắm mới lại đến ngày nghỉ. Xế chiều, tôi ngó vào phòng em tôi, định bụng rủ nó đi hiệu sách. Thế là, dù đang say mê với trò chơi trên màn hình tivi, thằng bé vẫn kịp ngoái lại nhìn tôi, có phần còn nhanh hơn cả tôi ngó vào phòng nó. Chẳng có gì khác thường nhưng nó vẫn thoáng giật mình.
- Chị ra phố à? Thằng bé hỏi.
- Ừ, đến hiệu sách. Đi với chị không?
- Không! Em muốn thắng bằng được trò này cái đã!
- Được rồi! Chị đi đây! Tôi nói và đóng cửa lại.
Không có gì là bất thường cả. Khuôn mặt tươi cười như mọi khi. Vẻ cộc lốc thường thấy trong gia đình. Tất cả đều rất bình thường. Nhưng có một sự mệt mỏi trong không gian của căn phòng, trong ánh mắt thằng bé. Có điều, tôi chịu không biết đó là sự mệt mỏi của một thằng bé đang tuổi lớn hay sự mệt mỏi do những phiền não trong lòng nó. Biết rằng lo lắng cũng chẳng ích gì nhưng rõ ràng là gần đây, nó không còn vẻ tự nhiên và tràn đầy sức sống như hồi ở Saipan. Và tôi hiểu rõ rằng, nó không còn mở lòng ra với tôi như hồi ấy. Ngoài trời rất lạnh. Mọi người đều náu kín trong những chiếc áo khoác nhưng vẫn có thể cảm thấy hương xuân trong từng sợi nắng sáng lên khe khẽ, như những gì tươi mới và dịu ngọt. Cái tinh tế này, có lẽ chỉ ở Nhật Bản mới có thể cảm nhận được. Mọi người trên phố đều cảm nhận được khí xuân, dịu nhẹ như một phần làn da mềm mại của chính mình.
Có một hiệu sách lớn trong tòa nhà nằm cạnh ga. Hồi mới ra viện, rảnh rỗi, tôi thường đến ngắm lũ cá thái dương, rồi trên đường về tạt vào hiệu sách này, mua cả đống sách rồi ghé qua quán Belize, đọc xong rồi mới về. Ông chủ quán tốt bụng thương tôi mới bị chấn thương nặng như vậy, đầu óc còn lơ mơ chưa làm được việc gì nên đã nhận tôi vào làm. Hồi đó cũng đang là giữa mùa đông. Bước đi đầu tiên trên chặng đường mới trong cuộc đời của tôi cũng chính tại quán này. Cũng chính tại quán này, bao lần tôi đã đứng lặng ngắm những cành cây khô héo qua khung cửa sổ. Có lẽ tôi đâm ra sầu cảm như thế này là do nhàn rỗi quá. Những lúc mệt mỏi về tinh thần chính là lúc các kỷ niệm như những vong hồn hiện về. Một cảm giác êm ái, dễ chịu, nhưng ngay lập tức, ta sẽ thấy chán. Trong giây lát, ta sẽ tập trung tất cả ý thức cho sự tái hiện mãnh liệt để rồi sau đó, ngay lập tức trở về với thực tại. Chỉ riêng những kỷ niệm về Belize, tôi có cảm giác sẽ còn mãi vương vấn trong tôi.
Bên trong hiệu sách đông phát khiếp. Nào là học sinh, nào là các chị em văn phòng, đủ cả. Tôi len giữa đám đông đó, chọn ra một đống sách. Sách hội thoại tiếng Pháp nhập môn, sách về bánh mì, tạp chí... Đủ loại. Sau đó tôi lướt qua những ấn phẩm mới. Giữa cả núi sách đó, tôi bỗng chú ý đến một cuốn sách dày cộp. Mật thất của nhà hiền triết - Kasai Kiyoshi (nhà văn Nhật Bản)... Một cuốn tiểu thuyết mà tôi chưa từng nhìn hoặc nghe thấy đước đây, thuộc thể loại hình sự trinh thám mà trước nay tôi không bao giờ đọc. Phải nói thêm là sách rất dày và khi tôi cầm thử thì nặng trĩu tay. Không còn nhiều tiền nhưng không hiểu sao tôi thậm chí còn bỏ lại sách về bánh mì để mua nó. Người ta gọi đó là số phận. Tự nhiên tôi cảm thấy muốn có nó bằng mọi giá. Tôi không còn biết mình đang ở đâu, chi cảm giác có cái gì đó, ở đâu đó như rất xa nhưng cũng rất gần, tưởng như có thể chạm tới được, thôi thúc tôi mua nó. Khi tôi về thì em tôi không có ở nhà.
- Hình như nó đi chơi với bạn mới quen thì phải! Cô Junko nói.
Lạ thật! Tôi nghĩ thầm. Mà thôi, nó không thể lúc nào cũng dính với chị được, tôi tự nhủ và về phòng lấy sách ra đọc. Bối cảnh là Paris với hai nhân vật chính là Nadia, một thiếu nữ thông minh, sinh ra và lớn lên ở Paris và Kakeru, một chàng trai bí ẩn người Nhật mà nàng tôn thờ. Nàng, lành mạnh đến mức ngạo nghễ với ái tình và đầy lòng ham hiểu biết. Còn chàng, một cuộc đời vô cùng tăm tối và nhìn thế gian như thể mình thuộc về một nơi nào khác. Tôi vừa gật gù vừa mải mê đọc. Nhưng đến giữa chừng, tôi bỗng cảm thấy bứt rứt khó tả, đứng ngồi không yên. Không hiểu sao tôi lại thấy nhớ họ đến vậy, thân thương và gần gũi như những người bạn từ thuở bé. Rồi tôi rơi vào một tâm trạng bồn chồn đến mức tự tôi cũng thấy có cái gì đó thật lạ. Nó rất giống với tâm trạng khi đến chơi nhà Eiko, đứng ở sảnh và nhớ ra mình đã có lần đến nơi này. Tại sao nhỉ? Tôi nghĩ mãi. Phải chăng vì Kakeru bản chất là người tốt nhưng vẫn có chỗ nào đó tối tăm và giống Ryuichiro, còn con người Nadia, có lẽ giống với tôi và vì thế mà tôi có thể đồng cảm với tâm hồn của họ? Không, không hẳn. Không phải chỉ có vậy. Không hiểu sao tôi có cảm giác như đã gặp những con người này rồi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy thân thuộc một cách khó lý giải đến vậy với tất cả những nhân vật tôi đã từng đọc trước đây. Tại sao? Lúc ấy, giá có ai nhìn thấy tôi, chắc cũng phải cảm thấy sờ sợ. Hai tay ôm đầu, tôi cố lần tìm manh mối và lặn sâu, rất sâu trong hồi ức của chính mình. Sao một chuyện nhỏ lại có thể thành ra như vậy được? Tôi đoán không nhầm. Sự thật dần dần hé mở, từng tí một. Thế rồi, câu trả lời vụt đến, tất yếu như chiều rồi sẽ thành đêm. Kết luận hiện ra một cách rõ ràng. "Ra là thế! Giờ mới nhớ là mình đã từng đọc rồi!" Chính sê-ri truyện của cùng tác giả này. Tôi đã rất thích và đọc bằng cả lòng say mê con trẻ. Đầu tiên phải kể đến Bye, bye, angel, Cô gái hoa hồng, rồi một cuốn nữa tôi đã mua ngay khi mới xuất hiện là Án mạng nơi thượng giới. Kakeru tu hành ở Tây Tạng và một thiền sư ở đó đã nói với cậu "Hãy đi khắp thế gian trừ ác!" Cậu chịu khổ hạnh, mùa hè cũng không dùng máy điều hòa, không mở cửa sổ. Mẹ Nadia mất, cô sống với bố. Bố cô là một cảnh sát. Hình như là một chánh thanh tra. Khi gặp truyện đầu tiên trong sê-ri này, tôi đã say mê đến mức thức qua đêm để đọc. Sáng hôm sau, một sáng đầu xuân, khi tôi vẫn còn đang gà gật thì mẹ tôi cùng Mayu gõ cửa phòng tôi rủ đi ngắm hoa anh đào. Đang dịp nghỉ diễn trong năm của Mayu, tóc nó cắt ngắn và chúng tôi cùng đi ngắm hoa, ăn mì xào dưới hàng anh đào dọc phố. Rèm cửa nhà tôi hồi đó có màu vàng, nối bật trong nắng chiều. Còn tôi hồi đó lại cao thêm chút nữa, đến một mét sáu mươi hai thì phải. Em trai tôi thường mặc bộ áo liền quần, nom như một cậu ấm. Sau dạo đó, nó chuyển sang mặc quần soóc, rồi đi mẫu giáo, lần đầu tiên bị bạn trêu chọc, vừa khóc vừa đi về nhà. Hồi đó, có lẽ vào cuối thu, mẹ tôi mới ly hôn, bà uống rất nhiều, rồi khóc khiến cô Junko lo sốt vó. Thế rồi ít bữa sau, cô Junko chuyển hẳn đến ở nhà tôi... Nếu diễn đạt bằng ngôn từ thì có lẽ là như thế, song trên thực tế, nó không phải là một sự tóm tắt sơ lược như vậy mà thực sự là một dòng thác thông tin ập đến với tôi. Nó giống như một kho dữ liệu đã được cất kỹ, được truy cập do một thao tác nhầm nào đó và cứ thể sổ tung ra. Tôi bị chấn động mạnh. Tại sao một cơn cớ nhỏ như vậy lại có thể dẫn đến chuyện này? Tât cả những thông tin đó như một dòng nước trào ra, tự sắp xếp lại theo một trình tự nhất định như đang kể lại một câu chuyện. Việc xử lý dữ liệu đó cứ tự động diễn ra, và tôi chẳng biết làm gì khác ngoài việc ngồi yên mà chứng kiến. Và sản phẩm của quá trình đó là gì? Một câu chuyện có tên là Tôi? Tiểu sử của tôi? Không! Một cái gì đó cao hơn thế, hoàn hảo hơn thế. Khi hoàn thiện, nó tròn trịa, lập thể và hoàn hảo tới mức không có chỗ cho cảm xúc của tôi xem vào. Tôi cảm thấy một dòng xoáy khổng lồ, cuốn tất cả mọi người, mọi thông tin quanh tôi vào trong và nhuộm một màu của riêng tôi. Nó đẹp, rõ ràng và cao xa như chòm sao Tiên Nữ... Tôi rời mắt khỏi trang sách. Tất cả hiện hữu quanh tôi, như đang kể lại quá khứ. Thế giới quanh tôi hiện lên khác hẳn với những gì trước đó. Phải chăng những mảnh vỡ trong ký ức đã trở lại với tôi? Tôi đã thử thốt lên thành lời điều đó, nhưng không thể nào hiểu được tại sao trí nhớ của mình lại có thể bị rối loạn và có nhiều điều mãi cho đến khi nãy vẫn không thể nhớ ra. Tôi cảm thấy mọi dữ liệu vẫn như nó vốn có từ trước, được gợi lên lần lượt, từng bước một, chỉ có điều dưới một dạng khác mà thôi. Cái giá sách kia mẹ đã mua cho tôi hồi tôi bắt đầu học tiểu học. Đêm bố mất, tôi đã ngồi nhìn trân trân vào nó. Vết hằn này là do Mikiko, hồi còn học cấp ba, leo lên cửa sổ rồi ngã, kéo giá sách đổ sập theo. Mẹ tôi mua nó ở cửa hàng của Seibu. Hồi đó, Seibu chỉ có một cửa hàng ở Ikebukuro. Cũng lần đó, mẹ tôi còn mua thêm một cái bàn có giá để cốc ở dưới. Thế rồi trong một lần cãi vã, bố dượng tôi quát lên như trong phim truyền hình "Tại cô không thể quên được chồng cũ chứ gì!" và đập bàn cái "Rầm!" làm ly cốc bên dưới nứt hết. Em tôi thấy thế khóc tướng lên... Những chuyện chẳng đâu vào đâu như thế cứ lần lượt hiện ra trong đầu tôi, giống như ta tìm kiếm trên máy vi tính bằng từ khóa "Cái giá sách này" vậy. Tôi không tài nào kiểm soát được chất và lượng của những dữ liệu ấy. Tất cả đều như vậy. Từ chiếc kéo, cuốn sách, hành lang, cánh cửa, bút chì... Cảm thấy thật thú vị, tôi đi ra câu thang xuống tầng dưới. Mẹ tôi đang ở đó. Chiếc bàn trong bếp. A, chiếc bàn lớn bằng gỗ hồ đào này mới mua hồi năm kia. Trông thấy nó khi đến hiệu Isetan, mẹ tôi thích quá mang ngay catalog về nhà. Người chuyển hàng đến sau đó trông rất giống De Niro. Em tôi thích chí nhảy lên mặt bàn, làm mẹ tôi cáu mãi... Cứ thế, ký ức tuôn trào. Thoáng chút sợ hãi, tôi quay sang nhìn mẹ. Có lẽ bởi mẹ là người, vả lại, đối với tôi, mẹ là cảm giác chứ không phải trực giác, do tôi đã từng là một bào thai, rồi là một đứa bé trong vòng tay mẹ, nên ký ức về mẹ hiện lên đan xen với những cảm xúc hỗn độn.
- Con sao thế, Sakumi? Trông con lạ lắm! Mẹ tôi nói.
- Lạ thế nào ạ? Tôi hỏi, mắt nhìn dán vào mẹ.
- Mặt con nghệt ra, y như hồi bé ấy!
- Tại con mới ngủ dậy đấy!
Tôi đáp vậy rồi đi vào bếp. Cả một cơn lũ kỷ niệm với tất cả mọi thứ đồ đạc ập về, các dữ liệu cứ lũ lượt hiện ra, như để trả thù việc tôi đã từng mất trí nhớ. Tôi pha một tách cà phê trong tâm trạng bấn loạn với những hồi tưởng như thế. Tôi định thần một chút thì cả những ký ức kể từ sau khi bị ngã cũng hiện về, hệt như người ta phết thêm bơ lên bánh mì vậy. Một tâm trạng rất lạ. Mọi thứ quá sáng tỏ và tôi hiểu mọi thứ quá rõ ràng. Nếu đem so với hôm qua, khi tôi vừa mò mẫm, vừa sống với thực tại bằng cảm giác thì lúc này cái được gọi là Tôi bỗng trở nên quá nặng nề, giống như người ta phải bước đi với hành trang là một đống từ điển bách khoa. Thậm chí, tôi còn cảm thấy thoáng chút sợ hãi với ý nghĩa rằng từ giờ trở đi, tôi sẽ phải sống trong cái thế giới kỳ lạ này, nhưng đồng thời, cũng lại có cảm giác mọi chuyện chẳng có gì đáng nói, và mọi chuyện rồi sẽ đâu vào đấy cả. Tôi mang cà phê ra cho mẹ rồi lại lên tầng hai vì cảm thấy phải đọc tiếp để cảm ơn những người đã mang lại cho tôi cảm giác này là Nadia và Kakeru. Thế nhưng vừa lên hết cầu thang thì em tôi đã đứng ngay ở đó. Nó nhìn tôi bằng khuôn mặt rất lạ. Có cái gì đó như nỗi sợ trên nét mặt của nó.
- Em làm sao thế?
Tôi hỏi, nhưng còn nhanh hơn thế, nó nói:
- Chị nhớ ra điều gì phải không?
- Sao em biết?
Tôi kinh ngạc và cố hết sức tập trung để chủ đề "Em trai" với các dữ liệu kể từ buổi sáng nó chào đời cho đến những ngày ở Saipan mãi gần đây không chiếm hết chỗ trong đầu tôi.
- Cảm giác. Ban nãy, tự nhiên em có cảm giác một chị Saku cũ và một chị Saku mới vừa mới nhập làm một trong nhà mình.
Thôi đi ông tướng! Đừng có nói người khác là cũ, mới hay nhập nhiếc gì cả! Tầm bậy! Tôi nghĩ vậy song không nói ra vì có lẽ nhìn tôi lúc này, thằng bé cũng tự cảm nhận thấy điều đó. Đôi mắt nó tỏ vẻ đã hiểu. Có người có thể sẽ phát điên lên nếu gặp phải trò đùa trớ trêu kiểu này của ký ức, nhưng riêng tôi thì chỉ coi chuyện đang xảy ra với mình là một chuyện lạ và vẫn mong được nhớ lại càng nhiều càng tốt. Ôi, đầu óc của con người quả là một chiếc máy tính với dung lượng khủng khiếp, được trang bị thêm cả tính năng không truy cập những dữ liệu bất lợi hoặc chưa cần thiết. Đây hoàn toàn không phải là ẩn dụ hay ví von gì cả. Nếu chỉ nhập vào đầu toàn dữ liệu tích cực, người ta sẽ chỉ suy nghĩ một cách tích cực, đến nỗi vẻ mặt cũng thay đổi. Điều đó không có chút gì là bịa đặt. Thậm chí, nó máy móc, chính xác và trung thực đến nỗi nếu không nhập vào các dữ liệu tiêu cực, nó sẽ chỉ biết đến thành công hay thậm chí sửa lại cả quá khứ đen tối, tức là có khả năng tự lập trình lại. Nhưng tôi không chọn con đường đó. Bởi một khi đã được sinh ra trên đời này, hãy trải nghiệm thật nhiều điều, vào một thời điểm nào đó, từ những việc kỳ quặc đến những việc đáng sợ, thậm chí cả sự căm giận đến mức cảm thấy muốn giết người. Tôi cảm thấy phấn chấn đến mức suy nghĩ về điều đó hồn nhiên như một đứa trẻ lứa tuổi mẫu giáo.
- Chị sẽ cảm thấy mất phương hướng một thời gian. Em tôi nói. Nhưng đầu óc sẽ ổn định và bình tâm lại ngay thôi!
- Cám ơn em đã khuyên chị, nhưng sao lại nói với bộ mặt nặng nề thế?
Tôi hỏi thế vì khi nói với tôi điều đó, trông mặt thằng bé bi tráng như thể mặt một con gà biết mình sắp bị vặn cổ vậy.
- Em thấy buồn thế nào ấy. Thằng bé đáp. Có cảm giác trong hai người, chị Saku mất trí nhớ hiểu nỗi khổ tâm của em hơn.
- Đồ ngốc! Tôi nói.
Có lẽ tôi của sáng hôm nay cũng có cùng suy nghĩ như thế.
- Nói ra tâm trạng thật của mình là tốt, nhưng suy nghĩ kiểu đó không đem lại điều gì tốt đẹp đâu. Chẳng có gì hay ho khi những kẻ khổ não trở thành bạn với nhau chỉ vì cùng khổ não. Có phải mới đây, chính em đã thấy hạnh phúc khi tất cả cùng vui cười với nắng vàng và biển xanh đó hay sao?!
Em tôi khẽ gật đầu.
- Em đúng là ngốc thật đấy! Chị em mình đã có bao kỷ niệm. Cùng lớn lên, cùng ăn, cùng bậc sinh thành. Tuy có khác bố, nhưng điều đó chẳng thay đổi gì cả. Em đúng là đồ trẻ con!
Tôi thấy yêu thằng bé đến lạ và cứ nhìn dán vào nó. Đâu đó, tôi cảm thấy một tương lai tươi sáng sẽ đến với nó. Cảm thấy chứ không phải nhìn thấy.
- Vâng! Em hiểu rồi. Xin lỗi chị! Nó nói lí nhí.
Tôi bật cười rồi trở về phòng.
Cảm thấy phấn chấn, tôi gọi cho Saseko.
- Này, chẳng hiểu sao tự nhiên tớ nhớ ra hết chuyện này đến chuyện khác, chẳng thể nào ngừng được. Cũng mệt phết đấy!
- Ái chà! Thế cơ à?! Đúng là nhiều chuyện xảy ra thật đấy!
Saseko cười và nói với sang Kozumi đang ở đó rằng tôi đã nhớ ra mọi chuyện. Cô ấy nói cứ như chẳng có gì xảy ra. Tôi yêu những con người này chính vì dù có chuyện gì họ cũng lắng nghe như không có chuyện gì nghiêm trọng vậy.
- Anh ấy nói khi ký ức bỗng chốc quay về với cậu như thế, cậu sẽ cảm thấy rối trí một thời gian, nhưng rồi sẽ ổn cả. Anh ấy còn nói thêm là em trai đã mất của anh ấy nói vậy đấy!
Điều này cũng giống với những gì em tôi đã nói.
- Cám ơn cậu!
- Thế đã nói với Ryuichiro chưa?
- Chưa! Tớ còn đang định viết thư đây. Chẳng mấy khi có chuyện như thế mà lại!
- Thế à? Thôi được! Bọn tớ sẽ giữ bí mật!
- Thôi nhé! Tớ sẽ còn gọi lại.
- Ừ! Bọn tớ vẫn vậy. Mãi mãi vẫn vậy nên lúc nào thích thì lại đến nhé! Saseko nói.
Đúng là nói chuyện với người mới quen nên tôi chẳng rối trí tí nào và thực sự cảm thấy bình tâm. Khi tôi cảm thấy bình tâm, bình tâm như mọi người đã nói thì tôi sẽ như thế nào nhỉ?
"Gửi anh,
Rảnh rỗi trong nhàm chán nên em viết thư này, cho anh. "Này là mực xanh thật đẹp. Này là giấy trắng thật buồn..." Anh nhớ có bài hát như vậy chứ?!
Ryuichiro, anh khỏe không? Em yêu Saipan.
Phần em, như đã nói với anh qua điện thoại, quán Belize không còn nữa nên giờ em làm chân bán hàng cho một hiệu bánh mì. Công việc rất vui nhưng em nhớ Saipan, nhớ hiệu sandwich đến mức cứ ước giá mà được làm công việc này ở một nơi có biển, có núi thì hay biết mấy. Em cứ nghĩ mãi rằng có lẽ người ta xây nên những khu nhà ở cao cấp hòng thay thế cho những dãy núi, cho hương biển và cho tiếng rì rào của rừng già. Bởi hình dung về sự an tâm và thoải mái sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Người ta bật rồi tắt những ánh đèn lộng lẫy để thay cho sự chuyển động của mặt trời, rồi những hình trang trí trên mái nhà để thay biển xanh và núi biếc. Tất cả không gian khiến cho ai cũng muốn được đắm mình trong đó, ở Saipan đều có cả phải không anh! Nhiều lắm, đến mức thừa thãi. Đến mức no nê. Nào biển, nào núi, nào rừng già. Đem so với sức mạnh của tự nhiên, tất cả những mô phỏng của con người thật nghèo nàn nhưng thật đáng yêu và không bao giờ phản bội. Những hòn non bộ nhỏ xinh chẳng bao giờ có hạn hán, bão tố hay sóng thần cả. Dù sao, sự thèm thuồng có phần thanh cao và niềm khao khát cái đẹp đến độ không tiếc phí tổn để diễn đạt sự ngưỡng mộ tự nhiên của những con người trong khu dân cư cao cấp này của Tokyo quả là kỳ lạ đến mức đáng viết thành tiểu thuyết.
Khu nhà em thì chỉ là một khu xây để bán. Có vườn, có anh đào, song cũng có cả sâu róm nữa. So với khu phố có hiệu bánh mì em đang làm việc thì chưa thể nào cảm nhận được vẻ đẹp nhân tạo.
Đấy, em rảnh rỗi đến nỗi toàn nghĩ ngợi những chuyện vô bổ như vậy đấy. Mau về với em đi. Trí nhớ của em gần như đã trở lại hoàn toàn. Mọi thứ đều ăn khớp với nhau. Tất cả là nhờ một cuốn tiểu thuyết. Không gian sống động mà tiểu thuyết tạo ra đúng là vượt cả năm tháng anh nhỉ! Nhà văn là một nghề tuyệt vời. Một khả năng đặc biệt. Em vô cùng kính trọng anh. Nếu chúng ta không trải qua tất cả những chuyện này thì có lẽ cũng sẽ chỉ vô tư đọc, vô tư hình dung ra các hình ảnh và nhân vật để rồi quên hết. Nhưng chắc chắn sẽ sở hữu kỷ niệm của một ai đó. Vĩnh viễn! Một số người sống trong không gian đó, nghĩ và cảm nhận về nhiều điều và sống với một nhân cách rõ ràng. Em đã gặp lại những con người trong câu chuyện đó, như được nghe tin của những người bạn thời đi học, và cùng lúc nhớ lại mọi kỷ niệm xa xưa, mãnh liệt đến thổn thức, vào phút giây em và em nhập vào làm một, một phần tính cách những nhân vật đó cũng đã hòa vào trong em. Anh có hiểu điều em nói không? Dù thích hay không, chúng ta đều biết nhân cách của Heathcliff và Catherine (tên hai nhân vật trong tiểu thuyết Đồi gió hú của Emily Bronte). Cái cậu gì rất khó chịu trong tiểu thuyết của Capote mà anh thích ấy nhỉ? Joel! Phải rồi! Khó chịu nhưng có thể hiểu được, phải không? Chính anh cũng thích cậu ấy còn gì!
Tiểu thuyết thực sự sống. Nó sống và tác động lên chúng ta như những người bạn. Em biết điều đó bằng chính con người mình. Dù chỉ hai tiếng đồng hồ hay cả một đêm, chúng ta sẽ sống trong thế giới đó. Toàn là những chuyện có ở khắp nơi, được người ta nói tới không ngừng, nhưng chúng là sự thật.
Cuốn tiểu thuyết em đang nói đến có tên là Mật thất của nhà hiền triết của tác giả Kasai Kiyoshi, một truyện trong sê-ri em đã say mê đọc từ hồi còn học cấp ba. Em đã quên hoàn toàn chuyện đó và chẳng nghĩ ngợi gì khi mua tập mới về đọc rồi cảm thấy những nhân vật trong đó cứ quen quen thế nào ấy. Thế rồi ký ức cứ thế ùa về, giản đơn đến đáng sợ. Riêng em, em nghĩ rằng chính nhờ có anh, có Saipan, có em trai em và rất nhiều chuyện khác nữa, mỗi thứ một ít. Rõ ràng là từ trước đó, trí nhớ cũng đã dần dần trở lại với em, nhờ cuộc sống thường nhật, nhờ có Eiko và nhờ có anh. Trong suốt thời gian trước đó, tất nhiên là em cũng đã đọc rất nhiều sách, đã có những lần xem tivi và nhủ thầm "Cảnh này hồi nhỏ mình xem rồi mà!" Nhưng những lần đó, em không có cảm giác nối kết như lần này. Mà cũng có thể lần này vẫn chỉ là ảo giác. Biết đâu còn rất nhiều chuyện em chưa nhớ ra. Hoặc giả tất cả trí nhớ của em đã trở lại từ lâu rồi, chỉ có em vẫn ngộ nhận là chưa mà thôi. Riêng chuyện này là chẳng thể đem so với ai. Vì nó là nhận thức của riêng em mà. Chỉ có điều, tác nhân trực tiếp lại không phải là một người bạn cũ, cũng không phải là cuốn an-bum gia đình mà lại là một thế giới giả tưởng. Điều này quả thật rất nhiều ý nghĩa. Có lẽ trong não em, một bộ phận nào đó ghi nhớ những điều tuy không nhìn thấy, không chạm vào được nhưng chắc chắn có thật và rất giống với cốt truyện đó đã được kích thích đúng thời điểm. Có thể sự xuất hiện của đôi trai gái trong câu chuyện này giống hệt với tình trạng của em lúc này, đang nhớ anh, muốn gặp anh, chán chường vì không có anh. Tất cả những cái đó cứ chất chứa lại, từ những chuyện nhàm chán đến những điều trọng đại, tất cả hình thành một mớ hỗn độn trong đầu. Đó chính là nơi mà khi anh viết tiểu thuyết, những cái đó sẽ hiện lên sống động trong đầu anh, nơi mà những người có khả năng siêu nhiên vẫn nói rằng mình nhìn thấy, nghe thấy ma. Em có cảm giác như thế đấy.
Một khi đã được viết ra, nó sẽ sống cuộc sống của nó, vĩnh viễn, như một vũ trụ nhỏ. Nó có thể giết chết hoặc cầm tù ai đó cả đời. Một nghề đáng sợ! Chính vì đang làm một công việc như thế nên anh lúc nào cũng có vẻ gì đó nặng nề và không được tự do, phải vậy không? Cứ như thể đang bị hút bởi một trọng lực nào đó không thuộc về thế giới này vậy. Lạ thật nhỉ! Em ấn tượng nhất là kết luận cuối cùng mà nhân vật chính Nadia rút ra, rằng "Chỉ có duy nhất một cách là sống hết mình cho cuộc đời trước mặt, cho tình yêu, với khát vọng hướng tới một cái gì đó mà ngay cả những từ như Hạnh Phúc hay Sung Sướng cũng không diễn tả được," có cái gì đó rất giống với hoàn cảnh hiện tại của em. Đó là do cũng giống như nhân vật chính, em lớn lên trong yêu thương và chưa từng biết đến cực khổ, hay do em cũng là con gái, hay do cả hai? Em cũng chẳng biết nữa.
Tất cả đều là những chuyện rất xa nhưng em cảm thấy thật gần. Từ đồ đạc trong phòng đến hàng cây trên phố, tất cả đều chứa biết bao kỷ niệm. Em cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết, rằng Sống có nghĩa là Quên. Tự nhiên nhớ lại tất cả mọi thứ nên em cảm thấy rối trí y như khi quên tất cả. Giống một chiếc máy tính hỏng anh nhỉ! Không biết lần tới gặp anh, anh sẽ thấy em thế nào nữa đây! Có thể sẽ lại thấy có gì đó khác chăng! Dù sao cũng sẽ không có chuyện khi lấy lại được trí nhớ cũ thì quên hết những gì mới xảy ra gần đây như trong tiểu thuyết đâu. Cả Saipan, cả đêm hôm nào, mình đứng tựa vào nhau ngoài ban công, ngắm nhìn mọi người qua lại phía dưới và những vì sao trên trời, cảm thấy thật hạnh phúc... Không sao đâu, em vẫn nhớ tất cả.
Tạm thời thì em đang được cả nhà nâng niu như một cuốn từ điển bách khoa sống vì nhớ ra cả những thứ mà cả nhà đều đã quên, hoặc nhớ hết một lèo tên con cái nhà họ hàng. Mẹ vẫn bảo "Vẫn chưa bỏ được thói quen nghĩ con bé này mất trí nhớ!" Thật là một cuộc đời kỳ lạ.
Nói đến đây em lại nhớ ra chuyện này. Hồi Mayu mới mất, có lần anh bảo em là hai chị em em luôn khát thèm hạnh phúc, anh nhớ không? Giờ thì em rất hiểu điều đó. Di truyền đấy. Cả mẹ em, cả bố của hai chị em em đều ham vui thú, sung sướng và thẳng thắn đến mức cư xử hệt như người Ý. Nhưng giữa Mayu và em có một điểm khác biệt nhỏ song lại rất lớn. Khi đi du lịch đến một nơi phong cảnh rất đẹp, như có lần đến Nara chẳng hạn, cả nhà cùng ngắm hoàng hôn từ sườn núi Miwayama. Phải nói đó là một khung cảnh huyền diệu, như biểu đạt quốc hồn của Yamato (một tên gọi cổ của Nhật Bản - ND), một hoàng hôn ngọt ngào hiếm có, vừa mờ ảo lại vừa sáng tỏ. Phố xá phía xa được mặt trời chiều nhuộm hồng, tươi tắn như một thành phố cổ dát vàng nằm trải dài bên dưới. Bố mẹ em, bé con Mayu và em, cả bốn người cùng ngồi đó, say sưa hít thở bầu không khí trong lành. Ngoái nhìn lại phía sau, em thấy một vách núi xanh thẫm, nổi bật trên nền xanh cây cỏ, đứng uy nghi tắm mình trong ánh hoàng hôn. Lúc ấy, giá có ai nhìn cả nhà em và nói "Bố sẽ chết, mẹ lấy chồng khác, sinh một cậu con trai rồi lại ly hôn. Cô em gái sẽ thành diễn viên nhưng không nổi lắm, sống chung với một anh chàng rồi tự sát. Cô chị sẽ ngã chấn thương sọ não nhưng ngay sau đó cặp kè với bạn trai cũ của cô em gái." thì có lẽ tất cả sẽ tức phát điên lên mất. Không một ai biết sau này sự thật lại là như thế. Tất cả chỉ mải mê tươi cười và ngắm nhìn mặt trời chiều. Bữa tối có lẽ chỉ cần ăn nhẹ với cháo trà (cháo nấu bằng nước trà kiểu Nhật) thôi nhỉ! Bố mẹ em nói với nhau. Lâu lắm mới lại đi du lịch nên hai người ân cần với nhau như một đôi tình nhân. Chắc chắn không một ai tin sẽ có chuyện đó, dù sau này, đó là sự thật. Một sự thật rất đáng buồn!
Trở lại lúc đó, Mayu là đứa nếu thấy khung cảnh càng đẹp bao nhiêu thì lại càng tỏ ra sợ hãi bấy nhiêu và luôn miệng giục "Về thôi! Về nhà thôi!" Còn em lại nói "Chắc chắn có chỗ nào đó ngắm cảnh này còn đẹp hơn ở đây. Mình leo lên nữa nhé!" Sự khác nhau đó từ đâu đến nhỉ? Phải chăng đó chính là linh hồn hay một cái gì đó từa tựa như thế, hình thành từ trước khi người ta sinh ra hay đến đúng vào giây phút chào đời? Đó chính là sự khác biệt. Nhưng tại sao, tại sao con đường của mỗi người lại khác nhau đến vậy? Cùng cha, cùng mẹ mà một sống, một chết. Em vẫn còn muốn sống nữa, vẫn còn muốn biết nữa, vẫn còn muốn chứng kiến nhiều điều nữa. Với em, em mừng vì mình đã khác theo cách đó. Nguồn gốc của cái giống như sự lạc quan hy vọng này là từ đâu, thú thực em cũng không biết nữa. Lang thang xuống khu phố nơi em đã sinh ra, bao kỷ niệm cũ ập tới đến mức em phát sợ, đến mức em gần như hướng về phía hoàng hôn dịu nhẹ rất riêng của Nhật Bản chúng ta mà gọi "Bố ơi!" Em nhớ quá. Thoảng đâu đây mùi của ấu thơ. Đó là mùi chiêc áo len lông cừu của bố. Đó là mùi nước giếng khoan bên vệ đường. Em cảm nhận rõ ràng từng thứ một. Thật kỳ diệu. Ta không thể cảm nhận một cách chính xác nếu không mở bung mọi giác quan. Từ việc em đã sinh ra và lớn lên ở đây đến việc có một dạo em chỉ nhớ được bập bõm một vài chuyện. Thậm chí cả việc em đã quen biết lại với anh trong thời gian đó. Tất cả như trong giấc mơ êm ái mà em đã thấy khi cận kề cái chết, nằm đó với túi đá chườm, đầu óc lơ mơ và lim dim ngủ... Xa xăm, đẹp và dịu ngọt, như giọng hát và giai điệu rất riêng trong những bài hát của Saseko, như cát trắng trên bãi biển không một bóng người những buổi sáng tinh khôi ở Saipan.
Có lẽ một ngày nào đó, ngày mà mọi thứ sẽ đột nhiên biến mất, và mọi chuyện đều có thể tha thứ được, em sẽ lại được gặp bố và Mayu chăng? Tại sao chỉ còn mình em ở lại nơi này?
Phía ngoài lớp kính mờ, trời đang mưa và tâm trạng lúc này của em... Em không thế viết ra được...
Em đùa đấy! Hôm nay nắng ráo. Từ sáng sớm, trời rất đẹp. Cái tiết trời trong trẻo giữa những ngày đông như thế này của Nhật Bản cũng đâu dễ gì quên!
Mau về đây đi anh!
Mình sẽ cùng làm một nồi lẩu nhé!
Nhớ anh!
Muốn gặp anh, nói thật nhiều chuyện!
Không muốn xa anh! Muốn kể với anh mãi. Em không cần ai hiểu tâm trạng lúc này của em. Nhưng em vẫn muốn kể ra.
Em đang viết gì thế này nhỉ? Tự dưng em cảm thấy chuyện của hai ta thật đẹp, như trong sách viết, như một lẽ dĩ nhiên, và chỉ có một trên đời, y như phim ảnh và tiểu thuyết trên khắp thế giới này vẫn thường miêu tả.
Có vẻ như để cảm nhận một vẻ dĩ nhiên như thế, chuyện đánh mất rồi lại tìm thấy trí nhớ xem ra lại rất hay. Em cảm thấy tuyệt lắm. Giống như mùi hương, màu sắc và âm thanh của chiếc lá thu vàng. Một vòng quay cổ điển, nhưng "Em hiểu rằng mọi thứ đều có ở đây."
Em sẽ tận hưởng điều đó thêm một chút.
Tạm thế nhé!
Sakumi."
Đọc lại bức thư và tôi nhận thấy tôi đang rât nhớ, rất rất nhớ Ryuichiro. Tôi đang cố truyền đạt một điều gì đó đến anh, người luôn hiểu tôi trong mọi chuyện. Tôi gửi gắm vào đó cả sự ngây dại, cả những rung động, cả những ký ức với tình cảm dâng trào trong một đêm trường da diết. Và tôi sống tiếp. Tôi đã ghi lại trên trang giấy trong đêm đó cả màu của chiếc bàn tôi ngồi viết, cả bàn tay tôi với ánh đèn rọi sáng giữa đêm, cả hơi ấm của chiếc lò sưởi và đôi má hồng nóng ran, cả tiếng trò chuyện của mẹ và cô Junko dưới tầng một, cả mùi cà-ri của bữa tối hôm đó. Tôi thiếp đi với những suy nghĩ như thế, vậy mà không hiểu sao lại mơ thấy ông chủ quán Belize....Tôi đang đứng dựa vào quầy bar, tự hỏi sao thời gian trôi chậm đến vậy. Chiều nhẹ nhàng đến, trong không khí thanh bình của quán. Chẳng hiểu sao lúc đó lại là mùa hè. Mùi hoa cỏ thoảng qua cửa sổ. Trời chiều. Tôi trông thấy da trời xanh trong. Ông chủ quán đang nướng thịt. Một âm thanh xen lẫn một mùi thơm dễ chịu lan khắp phòng. Không có khách nào cả.
- Có nhắm không? Ông chủ hỏi và mang cho tôi một đĩa thịt nhỏ.
Trên ngón tay là chiến nhẫn mặt đá Thổ Nhĩ Kỳ mà lúc nào ông cũng đeo.
- Thịt mềm và ngon ghê. Thèm bia quá!
Nghe tôi nói vậy, ông ấy mang bia ra thật.
- Cứ uống đi! Đang rảnh mà! Tối nay nhóm ông Z sẽ đến nên chắc là bận đấy. Phải nạp điện trước mới được! Ông chủ cười hồn hậu.
Tôi nghĩ ông ấy là người tốt. Tôi rất thích con người này. Rồi ông chủ bắt đầu nói:
- Phải nói quán này rất tuyệt! Các em làm việc ở đây đều tốt cả. Rất thoải mái và dễ chịu! Hồi còn hai mươi, không bao giờ tôi dám nghĩ mình có thể tạo dựng được một nơi tuyệt vời thế này.
Tiếng ve râm ran. Ngoài đường vọng vào tiếng nói chuyện của hai mẹ con sóng bước trên phố chiều. Món thịt nướng với bia lạnh trong một chiều hè thật ngon. Không khí tràn ngập yêu thương. Cảm giác sung sướng quá mức đó tự nhiên khiến người ta thấy buồn vô cớ. Tôi nói:
- Không được nói ra miệng thế đâu, ông chủ! Nói ra như thế là có ngày đóng cửa quán đấy. Em cũng thích yêu nơi này, yêu mọi người ở đây nên không muốn mất nó đâu.
Nghe vậy, ông chủ chỉ phá lên cười và đáp lại rằng mình sẽ làm quán vĩnh viễn.
Tôi choàng tỉnh. Chỉ có tôi bị ném ra khỏi giấc mơ với một sáng mùa đông lạnh giá. Tôi tỉnh hẳn, buồn đến phát khóc.
Ôi, con người sao lại ngốc đến vậy. Thật cay đắng khi phải sống qua mỗi ngày, để ngày càng thêm nhiều người, nhiều nơi khiến cho nhung nhớ, thì tại sao lại cứ phải lặp đi lặp lại những chuyện đau lòng đến xót xa như vậy. Rốt cuộc là tại sao?
Vẫn chưa hết bàng hoàng sau cơn mơ, tôi chỉ biết nghĩ vậy.
Amrita Amrita - Banana Yoshimoto Amrita