Người không đủ can đảm để mạo hiểm thì sẽ không gặt hái được gì trong cuộc sống.

Muhammad Ali

 
 
 
 
 
Tác giả: Banana Yoshimoto
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Trần Quang Huy
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2959 / 169
Cập nhật: 2015-09-11 19:41:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Amrita I Bệnh Trầm Uất
ôi thuộc loại thức đêm nên thường chỉ đi ngủ vào lúc tảng sáng và nhất là không bao giờ dậy trước buổi trưa cả. Vậy nên, hôm đó có thể coi là đặc biệt ngoại lệ. Đó là ngày tôi nhận được bưu phẩm đầu tiên của Ryuichiro.
Sáng ấy, thằng em tôi chạy huỳnh huỵch từ đâu đến, bất thình lình mở tung cửa, xộc thẳng vào phòng lay tôi dậy:
- Chị Saku! Dậy! Có bưu phẩm đó!
Tôi uể oải ngồi dậy hỏi:
- Gì thế?
- Có một thùng gửi cho chị. To đùng!
Trông thằng bé hết sức phấn khích, như thể nếu tôi định lờ đi và ngủ tiếp thì nhất định nó sẽ leo ngay lên giường rồi nhảy tưng tưng cho kỳ đến lúc tôi phải dậy mới thôi. Biết không còn cách nào khác, tôi đành ra khỏi giường và xuống tầng dưới. Thằng bé cũng bám theo, như hình với bóng.
Trong bếp mẹ tôi đang ngồi ăn bánh mì. Mùi cà phê thơm lựng.
- Mẹ dậy rồi à?
Tôi hỏi.
- Ừ. Con sao vậy? Dậy sớm thế?!
Mẹ tôi ngạc nhiên.
- Cái thằng quỷ này gọi con dậy đấy chứ! Mà sao hôm nay nó không đi lớp nhỉ?
- Em bị sốt!
Thằng bé ngồi phịch xuống ghế, với tay lấy bánh mì, miệng lầu bầu.
- Thảo nào, cứ rối rít cả lên.
- Con hồi bé cũng thế đấy. Hễ thấy chộn rộn hơn thường ngày, kiểm tra là y như rằng bị sốt.
Mẹ tôi nói.
- Mọi người đâu cả rồi mẹ?
- Vẫn đang ngủ mà.
- Ồ, mới có chín rưỡi nhỉ!
Tôi vừa nói vừa thở dài. Mãi năm giờ sáng mới đi ngủ, giờ bị đánh thức giữa chừng, đầu óc tôi vẫn còn váng vất.
- Con uống cà phê nhé?
- Vâng.
Tôi ngồi xuống ghế. Ánh mặt trời rọi thẳng vào mặt qua khung cửa sổ. Từng tia nắng sớm mà lâu lắm tôi mới thấy, rọi như thấm vào người. Và cái dáng mẹ tôi từ phía sau, trong căn bếp buổi sáng sớm hôm ấy, như thu nhỏ lại, trông như một cô bé cấp ba đang giả chơi trò vợ chồng.
Kể ra, mẹ cũng trẻ thật, mới mười chín đã sinh tôi, tức là bằng tuổi tôi bây giờ đã có hai con. Nghe mà sợ.
- Cà phê này con! Ăn chút bánh mì nhé?
Bàn tay cầm cốc đưa cho tôi cũng rất đẹp. Không thể tin rằng đó là bàn tay đã hai mươi mấy năm nội trợ. Tôi yêu mẹ, nhưng luôn cảm thấy có gì đó khó chịu, cảm giác như thể bà đã giấu mọi người tiểu xảo nào đó để một mình trẻ lâu đến vậy. Hồi đi học, trong lớp bao giờ cũng có một cô nàng tuy không xinh nhưng rất có duyên, khiến bọn con trai lớp trên đứng ngồi không yên. Mẹ là một trong số đó. Lấy mẹ lúc mới mười chín, bố tôi khi đó đã bốn mươi. Sau khi sinh tôi và Mayu - em gái tôi, bố tôi đột quỵ sau một cơn tai biến mạch máu não và qua đời. Sáu năm trước, mẹ tái giá rồi sinh thêm thằng em tôi nhưng cách đây một năm, mẹ lại ly hôn. Không còn giữ kết cấu chồng - vợ - con truyền thống, nhà tôi trở thành một ngôi nhà trọ. Hiện giờ trong nhà có năm người. Ngoài mẹ tôi, tôi, em trai tôi, còn có cô em họ Mikiko đang ở nhờ và cô Junko - bạn thiếu thời của mẹ tôi, chuyển đến ở cùng sau một chuyện riêng tư.
Rõ là một nhà chẳng giống ai nhưng chúng tôi sống khá hòa thuận, và không hiểu sao tôi lại đâm ra thích cái mô hình này. Em tôi như một con chó nhỏ. Có nó, mọi người dịu dàng và thân thiện với nhau hơn.
Rồi mẹ tôi cũng có bạn trai mới và đáng ngạc nhiên là lần này, ông ấy lại là người ít tuổi hơn, song hình như cả hai không có ý định làm đám cưới, phần vì em tôi còn nhỏ quá, phần thì có lẽ do mẹ tôi không muốn thất bại thêm lần nữa. Ông ấy vẫn thường đến chơi và có vẻ khá hợp với thằng em tôi nên chắc nay mai cũng sẽ chuyển đến sống cùng. Ít nhất là cho đến ngày hôm đó, tôi vẫn nghĩ cái mô hình gia đình kỳ lạ này sẽ tiếp tục được duy trì.
Hình như để con người ta sống được với nhau, chuyện huyết thống xem ra cũng chẳng mấy quan trọng. Hồi bố dượng tôi còn sống cùng, tôi cũng đã nghĩ như vậy. Đó là một người tốt, hiền lành và có phần nhút nhát nên sau khi ông đi, tôi cũng hơi buồn một chút. Khi một thành viên sống cùng mái nhà bỗng nhiên ra đi vì lý do nào đó, người ta khó tránh khỏi tâm trạng nặng nề rất khó diễn tả bằng lời. Có lẽ cái được gọi là gia đình sẽ hình thành từ một nhóm người nào đó, trong đó nhân vật trung tâm có khả năng duy trì một trật tự nhất định giữa các thành viên (trong nhà tôi, người đó chính là mẹ). Tôi bắt đầu nghĩ về gia đình như thế.
Và còn điều này nữa.
Nếu quá lâu không sống cùng một nhà thì dù có là ruột thịt đi chăng nữa, người ta cũng sẽ chỉ còn lại ký ức về nhau, xa xăm như thể một cảnh giới nào đó trong hoài niệm...
Như với em gái tôi, Mayu...
Tôi cứ nghĩ lan man như thế trong lúc nhâm nhi ly cà phê với mẩu bánh mì lẫn hạt hạnh nhân. Có lẽ không gian với chiếc bàn ăn cùng ánh nắng sớm đã khiến tôi có những ý nghĩ lộn xộn đó.
- Thôi nào! Đi nghỉ đi, không khéo lại ốm nặng hơn đấy!
Mẹ tôi vừa nói vừa đẩy thằng em tôi vào phòng.
- Đợi đã! Thế bưu phẩm đâu hả mẹ?
Tôi hỏi.
- Cạnh cửa đó.
Mẹ tôi ngoái lại nói, trong lúc với tay đóng cửa. Tôi đứng dậy bước về phía cửa.
Trên nền nhà bằng gỗ mộc, một chiếc thùng các-tông lớn nằm chễm chệ như một khối đá tạc. Lúc đầu tôi tưởng là hoa nhưng nhấc thử thấy nặng trịch. Trên thùng có ghi tên người gửi là Yamazaki Ryuichiro, với địa chỉ người gửi là một nhà trọ tỉnh Chiba. Vậy là cậu ấy đang đi du lịch.
Quá tò mò xem bên trong có gì, tôi xé toạc vỏ hộp. Chẳng thấy thư từ hay giấy nhắm gì cả. Bên trong chỉ có mỗi con chó Victor (logo của hãng điện tử Victor - ND), được bọc ni-lông rất cẩn thận. Qua lớp ni-lông, trông nó vẫn thật dễ thương. Tôi bóc lớp ni-lông ra, nó hiện ra trước mắt, sinh động như một chú hải cẩu vừa từ dưới biển ngoi lên. Cái đầu nó nghếch sang một bên, tha thiết, gợi một vẻ thân thuộc đến nao lòng.
- Trời... Dễ thương quá...!
Tôi thốt lên rồi cứ thế đứng co ro trong bộ dạng ngái ngủ, lặng ngắm nó giữa đống bìa các-tông và ni-lông bừa bộn xung quanh. Giữa đám bụi hồng cuộn bay trong từng tia nắng sớm, nó toát lên một vẻ trong trẻo lạ lùng.
Tôi không hiểu tại sao lại là con chó Victor, nhưng tôi cảm thấy cái rung động từ con người Ryuichiro ở nơi cậu ấy đang có mặt truyền đến. Chẳng hạn, đó là mối xúc cảm vào khoảnh khắc cậu ấy bắt gặp con chó trong một tiệm đồ cũ và chẳng thể nào rời mắt đi đâu. Rõ ràng nó đang nhắn nhủ một điều gì đó. Một điều tôi khát khao được nghe.
Tôi nghiêm trang nhìn thẳng, đầu nghiêng về một bên theo nó, lắng tai và nheo mắt như muốn gạn hỏi một điều gì, nhưng vô ích.
Ryuichiro là người yêu của Mayu, em gái tôi.
Mayu đã chết.
Nửa năm trước, chiếc xe nó lái tông thẳng vào một cột điện. Lúc ấy nó đang say rượu, lại còn uống cả vốc thuốc an thần nữa.
Không biết thế nào mà từ khi mới chào đời, khuôn mặt của Mayu đã rất cân đối, chẳng giống bố, mẹ hay chị gái tẹo nào. Nói thế không có nghĩa là mặt mũi những người còn lại trong nhà chúng tôi trông xấu xí đến độ khó coi nhưng quả thực, Mayu chẳng có chút điểm chung nào của cả nhà mà người tử tế thì gọi là lạnh lùng còn kẻ độc mồm thì gọi là khinh khỉnh. Từ nhỏ, trông nó cứ như một thiên thần. Dung mạo ấy đã không cho nó sống một cuộc đời bình thường. Chưa hết tuổi trẻ con nó đã được phát hiện và lăng-xê thành người mẫu thiếu niên, trong sự ngỡ ngàng của mọi người xung quanh, rồi tiếp đó đóng vai phụ trong các phim truyền hình, và trở thành nữ diễn viên. Cứ thế, từ nhỏ, nó đã không sống trong nhà mà lớn lên trong gia đình riêng của nó là giới nghệ sĩ. Vì thế mà tất cả đã rất ngạc nhiên khi đang từ một người bận rộn đến mức hầu như không thể gặp được, nó bỗng mắc chứng rối loạn thần kinh rồi đột ngột bỏ nghề. Mà ngạc nhiên cũng phải, vì mãi đến lúc đó, chưa ai thấy nó gặp khó khăn trong công việc bao giờ và lúc nào nhìn nó cũng đầy sức sống.
Những ảnh hưởng của giới nghệ sĩ đối với một thiếu nữ tuổi dậy thì thật khủng khiếp. Lúc bỏ nghề, từ đầu tóc, dáng dấp, cách trang điểm cho đến quần áo của nó trông hệt như một cô gái mắc bệnh hoang tưởng đang đóng giả một anh chàng độc thân. Tôi thì vẫn luôn nghĩ rằng em gái mình không hợp chút nào với nghề ấy. Trong giới diễn viên, nhiều người còn nghệ sĩ hơn nó mà đâu có thay đổi đến vậy. Có lẽ cái tôi trong nó đã không thể phát triển một cách tự nhiên khi nó vụng về xoay xở để chắp vá các khiếm khuyết của mình bằng những mảnh ghép sao chép theo những khuôn mẫu của kẻ khác. Và thực ra, chứng rối loạn thần kinh chính là lời cảnh báo, sự phản kháng nguyên thủy xuất phát từ bản năng của nó. Khi thấy Mayu quyết định sống với Ryuichiro sau khi đã cắt đứt hầu hết mọi mối quan hện với đám bạn trai kể từ khi thôi việc, tôi đã nghĩ là nó quyết chí làm lại mọi thứ từ đầu...
Ryuichiro là một nhà văn, nghe nói quen biết Mayu từ hồi còn chuyên viết kịch bản thuê. Mayu rất thích những kịch bản do Ryuichiro viết, thích đến mức dù cậu ta viết thuê dưới tên ai đi nữa, nó vẫn nhận ra. Và thế là họ đã thân nhau. Tuy gọi là nhà văn nhưng cậu ta chỉ có một cuốn tiểu thuyết dài, viết cách đây ba năm, rồi sau đó chẳng thấy viết cuốn nào nữa. Song, lạ là cuốn tiểu thuyết đó lại đặc biệt hợp gu một số người và được coi là có giá trị như những cuốn tiểu thuyết kinh điển nổi tiếng, nên đến giờ vẫn được tìm mua đều đặn. Đó là một cuốn tiểu thuyết rất trừu tượng, miêu tả một thế hệ thanh niên đang tự đánh mất tâm hồn, nội dung rất nặng nề, đến nỗi sau khi Mayu đưa cho tôi đọc, tôi sợ đến mức không muốn gặp người đã viết ra nó. Thậm chí tôi còn cho rằng hắn chắc phải là một thằng điên hay đại loại thế. Nhưng đến khi gặp thì lại thấy đó là một chàng trai hết sức bình thường. Và tôi quay sang nghĩ, để viết nên những dòng như thế, chắc chắn trong con người này phải có một vốn sống vô tận, cô đọng và ngưng kết bên trong.
Cậu ta là một dạng tài năng như vậy.
Sau khi bỏ nghề, Mayu không làm chính ở một nơi nào mà chỉ làm bán thời gian và sống chung với Ryuichiro. Cả hai sống với nhau như thế khá lâu, đến mức cả tôi lẫn mẹ tôi đều quên mất là hai người chưa cưới hỏi gì cả. Tôi rất hay đến chơi căn hộ của Mayu và cả hai cũng hay về thăm nhà. Chẳng những thế, cả hai lúc nào cũng vui vẻ nên thú thật, tôi không thể nào hiểu nổi nó phải viện đến rượu và thuốc an thần làm gì đến nông nỗi ấy. Nếu chỉ là rượu và thuốc an thần người ta vẫn thường tìm đến khi mất ngủ, hay vài chai bia lôi từ tủ lạnh ra trong một chiều nắng đẹp thì lại đi một nhẽ. Đằng này, nghĩ lại mới thấy lúc nào con bé cũng phải dựa vào một chất kích thích nào đó. Và nó dùng mấy thứ đó quá tự nhiên, đến nỗi không ai để ý đến.
Thực ra, đến giờ, hồi tưởng lại từng nét của nó hồi bé, từ khuôn mặt như thiên thần, hàng mi cong dài khép lại khi say ngủ, đến làn da trắng mỏng manh như có thể bị tổn thương vì bất cứ thứ gì, tôi chợt nhận ra rằng, với nó, có lẽ mọi chuyện đã bắt đầu từ rất lâu rồi, trước cả khi nó bước chân vào giới nghệ sĩ, trước cả khi nó gặp Ryuichiro. Có điều chắc chắn không ai biết được tất cả những chuyện đó đã bắt đầu từ đâu, vào lúc bào và sẽ đi về đâu. Đằng sau khuôn mặt lúc nào cũng tươi cười đó là một tâm hồn đang dần khô héo. Và mục ruỗng dần...
- Liệu có thể do uống nhầm thuốc không?!
Ở hành lang bệnh viện, Ryuichiro nói sau khi Mayu được chuyển đi. Lúc đó hầu như đã không còn hy vọng.
- Ừ... Cũng có thể...
Tôi đáp. Nhưng quả thực, cả tôi, cả Ryuichiro, cả mẹ tôi lúc đó đang ở ngay bên cạnh, không một ai nghĩ như vậy. Ai cũng rõ mọi chuyện như lòng bàn tay, chỉ không ai muốn trả lời mà thôi.
Nó mà thế ư? Cẩn thận đến mức đi đâu cũng mang đủ loại thuốc, chia ra từng phần cho từng ngày như nó? Dù sao thì cũng phải thừa nhận những ngày đó, trông nó già sọm hẳn đi, như đốm lửa tàn đang cháy nốt trước khi tắt hẳn, tuyệt nhiên không có vẻ gì còn ham sống hay háo hức chờ đợi những ngày sắp đến. "Nó không sống nữa. Bản thân nó cũng đâu có muốn sống nữa."
Dù tất cả chúng tôi đều là ruột thịt, đều yêu thương nó đi chăng nữa, ý nghĩ đáng sợ đó vẫn lởn vởn quanh chiếc ghế so-pha bọc ni-lông lạnh lẽo chúng tôi đang ngồi, len lỏi vào trong mỗi người và mỗi lúc mỗi lớn dần lên, như vọng ra từ bức tường bệnh viện trắng đục, trống rỗng.
Mãi những ngày sau đó, mắt mẹ tôi lúc nào cũng đỏ mọng. Riêng tôi không thể nào khóc được. Chỉ một lần duy nhất trong đời, tôi đã khóc vì nó. Đó là một buổi tối, hai, ba ngày sau khi tôi nhận được con chó Victor. Em trai tôi cùng cô em họ Mikiko ra hàng băng đĩa mượn về bộ phim Totoro nhà hàng xóm (một nhân vật hoạt hình yêu thích ở Nhật, kiểu như Pokemon - ND) rủ tôi xem cùng. Tất nhiên là cả hai đứa chẳng hề có ý đồ gì. Chính tôi cũng không biết phim đó như thế nào nên vui vẻ ngồi vào chiếc bàn nhỏ, bày ra nào bích-quy, nào trà, và bắt đầu xem cùng hai đứa. Mới được năm phút, tôi đã nghĩ thầm "Ôi... không..." Phim nói về hai chị em gái, và tất cả những cảnh quay trong đó đều mang tính hình tượng chung chung khiến người ta cảm thấy như chính mình đã gặp ở đâu đó rồi. Cảnh trong phim tái hiện tất cả những ký ức ấu thơ của hai chị em, với khung cảnh thiên nhiên nắng, gió chan hòa. Mặc dù lúc ấy, tôi hoàn toàn không nghĩ gì tới Mayu, không lần giở một trang nào trong những ký ức hồi nhỏ, như có lần ba mẹ con cùng đến một vùng cao nguyên, rồi hai chị em nằm trong màn, kể chuyện ma cho nhau nghe đến nỗi sợ quá mà ôm nhau ngủ thiếp, mái tóc mỏng, hoe vàng, mùi da thịt lúc nào cũng như một đứa trẻ của Mayu... nhưng bao trùm lên tôi lúc đó là một nỗi sầu nhớ xót xa, mãnh liệt như một cú đấm, giáng thẳng vào mặt tôi. Mắt mũi tôi như tối sầm lại...
Tất nhiên, chỉ mình tôi cảm thấy thế. Em trai tôi vẫn há hốc miệng, say sưa nhìn lên màn hình. Mikiko thì hình như đang viết báo cáo gì đó, chốc chốc lại liếc sang, chêm vào một vài câu.
- Chị Saku này! Ông Itoi Shigesato này lồng tiếng dở tệ nhỉ!
- Ừ, nhưng có khi như thế lại hay ấy chứ!
- Đúng vậy. Người ta gọi là hợp chất giọng đấy!
Em tôi phụ họa theo.
Giây phút ấy, tuy tôi cũng ở đó, cùng xem một bộ phim, cùng nói một câu chuyện, nhưng tôi có một cảm giác rất kỳ lạ, như đang dần trôi về một cõi xa xăm nào đó. Có điều, cái cảm giác đó mang một mầu sắc tươi sáng chứ không u ám, có lẽ do tôi không ở đó một mình mà đang xem phim cùng với những người thân xung quanh. Hết phim, tôi ra khỏi pḥng đi toa-lét. Cơn choáng váng lúc nãy đã hoàn toàn biến mất. Như chưa từng có gì xảy ra, tôi mở cửa toa-lét, nghĩ thầm "một bộ phim hay đấy chứ!". Trong toa-lét khi ấy, cũng phải nói thêm, có con chó Victor. Mấy hôm trước, tôi đã quyết định để nó trong đó vì phòng tôi không còn chỗ nào dành cho nó nữa. Vừa ngồi xuống, nhìn cái đầu nghiêng nghiêng tha thiết của nó, đột nhiên, tôi lại muốn khóc. Định thần lại thì nước mắt đã trào ra tự lúc nào. Tất cả mọi chuyện sau đó chỉ diễn ra trong vòng năm phút, nhưng trong năm phút đó, tôi đã khóc đến nỗi quên hết mọi thứ xung quanh, như thể cả thế gian này đều tan thành nước mắt. Cái cảm giác hệt như khi người ta nôn thốc ra. Tôi vừa nén từng cơn nức nở, vừa khóc, không phải cho Mayu - đứa em gái những ngày cuối đời lúc nào cũng say ngất ngư, chẳng còn biết đến hỉ-nộ-ai-lạc, mặt mũi lúc nào cũng bự son phấn, mà khóc cho những ngày tháng ấu thơ dịu ngọt mà bao cặp chị em trên cõi đời này đã đánh mất.
Thấy tôi ra khỏi toa-lét, quay lại bàn, thằng em tôi liền nói:
- Eo ôi, lâu khiếp!
- Thì sao?! Chết ai nào?!
Nghe tôi trả lời, Mikiko phá lên cười.
Vậy là cuối cùng, tôi cũng đã khóc được. Đó là lần cuối cùng tôi khóc. Phải chăng đó chính là điều mà món quà của Ryuichiro muốn nói với tôi?
Tôi chỉ gặp Ryuichiro đúng một lần trước khi cậu ta bắt đầu những chuyến đi, vào một đêm cuối đông. Trước đó, tôi làm công việc văn phòng cho một công ty, nhưng đã mất việc sau một lần cãi nhau với sếp. Sau đó tôi xin được một việc bán thời gian, năm ngày một tuần ở một quán bar mà trước đây tôi là khách ruột. Đó là một đêm dài kỳ lạ, đầy ấn tượng, như một bộ phim với nhiều trường đoạn khác nhau những vẫn cùng một cốt truyện. Lúc đó, tôi sắp muộn giờ làm nên đang cố sải bước trên con phố nhá nhem, chẳng để ý gì xung quanh. Sau cơn mưa, khu phố trước cửa ga vẫn còn loang loáng nước, ánh đèn từ những cửa hiệu xung quanh phản chiếu lung linh trên lòng đường, hắt thẳng vào mắt, đôi lúc khiến tôi loạng choạng. ở một góc phố, có mấy người luôn miệng hỏi với theo khách qua đường:
- Hạnh phúc, theo bạn, nghĩa là gì?
Tôi cũng bị chặn hỏi mấy lần nhưng nghe tôi buông thõng "Không biết!" Họ liền lảng ra nơi khác. Nhưng chính vì thế mà mặc dù đang rất vội, ý nghĩ về hạnh phúc cũng thoáng lướt qua đầu tôi, để lại chút dư vị của nó. Rồi giai điệu những bài hát về hạnh phúc nối tiếp nhau ngân nga trong lòng tôi. "Dù sao..." tôi nghĩ thầm, "... trong ảo vọng của mỗi người, ở một nơi nào đó không thể với tới, có một hình dung lung linh mà ai cũng thực sự thèm muốn, lớn hơn cả niềm hy vọng, mạnh hơn cả ánh sáng, có tên là Hạnh Phúc". Trước sân ga, bất ngờ bị hỏi về hạnh phúc thì ai cũng lảng tránh, nhưng khi uống hơi say, hình dung về nó bỗng trở nên gần hơn, khiến người ta cảm thấy chỉ cần với tay ra là lấy được. "Có lẽ chính bởi thế chăng?!" Tôi nhủ thầm, lại nghĩ về Mayu. Chính nó cũng không thỏa mãn với hạnh phúc có được, sống vô vị, luôn ở hai thái cực đối lập nhau, mất hết nhuệ khí và lười nhác trước cuộc sống. ở nó chỉ còn duy nhất một thứ, một tài năng mà người ta phải tôn sùng đến mức sẵn sàng quên hết mọi lỗi lầm.
Đó là nụ cười của nó.
Nó có đến cả trăm kiểu cười xã giao nhưng vào một thời khắc nào đó, khi nó bất chợt nở một nụ cười hồn nhiên không ý đồ, không vụ lợi thì nụ cười đó đủ sức xóa sạch mọi khiếm khuyết của nó, lay động đến tâm can người khác. Khóe môi đó bất chợt nhếch lên, và dường như cùng lúc, đuôi mắt nó chếch xuống một cách dịu hiền, ta thấy một nụ cười dịu dàng, như trời xanh và nắng ấm chan hòa chợt hiện ra sau đám mây mù. Một nụ cười trong ngần, chói rạng, tự nhiên và mạnh mẽ, chân thành và tha thiết đến mức khiến người ta muốn khóc. Cả đến khi đã bị viêm gan nặng, sắc mặt xanh xao, da dẻ bợt bạt, cái mãnh lực trong nụ cười ấy vẫn không hề thay đổi.
Nó đã đi, mang theo cả nụ cười ấy. Giá mà tôi nói được với nó điều đó. Thật nhiều, thật nhiều lần. Giá mà tôi không dấu kín trong lòng tất cả những cảm xúc này mà nói ra được thành lời với nó.
Tôi đã cố đến cho kịp giờ làm, nhưng trong quán không hề có khách. Phía trong quầy, ông chủ quán cùng một cô gái cũng làm thêm ở đó đang hờ hững lần giở mấy hộp băng nhạc. Tôi luôn có cảm giác nếu không bật nhạc, cái quán này sẽ chìm vào tĩnh lặng, như một vùng đáy biển tăm tối, và bất kỳ ai lên tiếng cũng sẽ phá vỡ cái không gian trầm mặc của nó.
- Sao lại thế này? Tối thứ sáu kia mà?
Tôi hỏi.
- Lúc nãy mưa mà!
Chủ quán thủng thẳng đáp.
Tôi cũng đeo tạp dề rồi nhập bọn với cái hội vô vị ấy.
Hồi chưa đến làm ở đây, tôi cũng hay ghé quán này. Cái quán này, đầu tiên phải kể đến là bên trong khá tối, tạo một không gian tĩnh lặng, tối đến mức không nhìn rõ cả lòng bàn tay của chính mình. Bước vào trong lúc nào cũng có cảm giác như trời đã tối nhưng chủ quán ngoan cố không chịu bật đèn. Một cái hay nữa là quán lúc nào cũng vắng. Bàn ghế thì đủ loại, không cái nào giống cái nào và cái nào cũng cũ kỹ, tạo nên một phong cách rất riêng. Sàn gỗ hăng mùi véc-ni như lớp học của tôi hồi cấp hai, nội thất mầu nâu sẫm cũ kỹ, quầy pha rượu thì ọp à ọp ẹp, tựa nhẹ vào là kêu ken két. Tôi vừa ngồi vừa lan man so sánh về sự khác nhau đến kỳ lạ giữa những lúc quán đông khách và những lúc yên tĩnh như lúc này.
Đúng lúc đó, cửa quán bỗng mở tung.
- Úi chà!
Ryuichiro nói và bước nhanh vào quán. Tất cả mọi người trong quán đều giật mình.
- Chào quý khách!
Qua cơn ngạc nhiên, cuối cùng tôi cũng lên tiếng.
- Quán này sao vậy? Khách vào lại giật nảy lên thế?
Vừa nói, Ryuichiro vừa ngồi xuống trước quầy bar.
- Vì ai cũng nghĩ chắc tối nay không có khách nữa đấy!
Tôi đáp.
- Phí nhỉ! Quán rộng thế này kia mà!
Cậu ta nói, sau khi nhìn quanh một vòng.
- Thi thoảng cũng đông ra trò đấy. Nhưng quán này mà đông thì dở lắm.
Tôi cười đáp.
- Cô cứ ra ngoài bàn ngồi cũng được. Có khách đến hẵng hay.
Chủ quán nói. Ông ta là một người khá thú vị, khoảng gần bốn mươi tuổi, luôn tỏ ra thích thú khi quán không có khách vì được nghe nhạc theo ý mình.
Tôi bước ra khỏi quầy, tháo tạp dề để sang một bên và trở thành khách hàng bất đắc dĩ, luôn trong tư thế sẵn sàng quay lại làm nhân viên phục vụ (dù cuối cùng, đêm đó cũng chẳng có khách nào nữa). Vậy là tối hôm đó, chúng tôi bắt đầu uống với nhau như thế, vừa uống vừa nghe đi nghe lại một băng nhạc Jazz liên khúc.
Đang tán chuyện, bỗng Ryuichiro hỏi:
- Mà hạnh phúc là gì nhỉ?!
Biết chỉ là một câu hỏi tình cờ giữa lúc chuyện gẫu nhưng tôi vẫn hơi giật mình.
- Vậy ra, lúc nãy cậu cũng bị phỏng vấn ở trước cửa ga à?
- Sao? Thế nghĩa là gì?
- "Hạnh phúc", có mấy khi người ta nhắc đến nó đâu.
Tôi nói, không rời mắt khỏi cốc trà mầu nhạt dần theo mấy viên đá đang tan chảy. Thi thoảng, có những buổi tối mà tâm hồn ta trở nên dễ đồng điệu đến mức kỳ lạ với mọi thứ xung quanh. Tối hôm đó là một buổi tối như thế. Tuy đã cảm thấy hơi say một chút nhưng tôi không hề muốn thoát ra khỏi trạng thái đó. Không gian mờ tối trong quán cùng với tiếng piano rất đều nhịp, như tiếng nhịp chân từ xa vẳng lại như càng thêm thôi thúc.
- Dù sao vẫn phải công nhận hai chị em cô hay nhắc đền từ đó hơn người khác.
Ryuichiro nói.
- Lần nào cô đến chơi, hai chị em cô cũng xoắn lấy nhau rồi toàn nói những chuyện về hạnh phúc, líu lo cả buổi như mấy con chim non đấy thôi.
- Đúng là ngôn từ của nhà văn.
Tôi cười.
- Này nhé, mô hình gia đình cô giờ khác gì trong phim Mỹ đâu nào? Một bà mẹ còn trẻ, một cậu em trai nhỏ, cô em họ, và...?!
- Bạn mẹ tôi.
- Thấy chưa? Cô có nhiều dịp để nghĩ về hạnh phúc hơn mọi người đấy chứ. Tuổi cô mà còn có em đang đi mẫu giáo, hỏi có mấy người?!
- Nhưng quả thực, trong nhà có một đứa trẻ con như thế vui lắm, mọi người như trẻ lại, tuy đôi lúc cũng thấy hơi ồn ào. Ngoài ra, nhìn nó lớn lên từng ngày ngay trước mắt mình cũng thú vị lắm đó.
- Nhưng sống trong một nhà toàn các bà như thế, không biết nó sẽ thành một anh chàng như thế nào nhỉ?
- Chắc sẽ thành một chàng trai rất dễ thương. Lúc nó học cấp ba, xem nào... khi đó mình sẽ hơn ba mươi cơ à? Khiếp quá! Nhưng không sao! Mình sẽ diện giày cao gót, đeo kính mát và hò hẹn với anh chàng nào đó. Thế là khối em tuổi "teen" sẽ ghen lồng lên.
- Chuyện đâu có dễ thế. Đấy! Sống với toàn những người suy nghĩ như vậy, thằng bé sẽ thành một anh chàng bám gấu váy mẹ mất thôi!
- Cậu muốn nói sao thì nói, nhưng có nó vui lắm đấy. Trẻ con đúng là đáng yêu thật! Tương lai phơi phới...
- Ừ... Đúng là với chúng, tất cả còn đang ở phía trước. Nào lễ khai giảng, nào mối tình đầu, nào tuổi dậy thì, nào tham quan dã ngoại...
- Sao lại là tham quan dã ngoại?
- Thấy lạ hả? Hồi còn học cấp ba, có lần tôi lên cơn sốt đúng trước ngày cả lớp đi tham quan dã ngoại nên vẫn còn tiếc đến tận bây giờ.
- Thế... giờ sao cậu không đi dã ngoại?
Tôi hỏi. Chả hiểu sao tôi lại buột miệng hỏi một câu như thế. Đúng hơn là tôi chỉ nói ra miệng ý nghĩ đầu tiên đột nhiên đến trong đầu.
- Dã ngoại hả...? Cũng hay đấy nhỉ! Tôi có thể đi được đấy... bất kỳ lúc nào.
Ryuichiro nói, vẻ khoái trá như thể lần đầu tiên học được một từ mới thú vị.
- Vả lại, giờ không còn phải chắt bóp như trước nữa.
- Cái kiểu vừa đi chơi lại vừa phải chắt bóp, chỉ mấy bữa là mệt hết hơi.
Tôi miễn cưỡng phụ họa. Ryuichiro phấn khích như vừa mới nhớ ra chuyện gì đó, giọng hồ hởi nói tiếp:
- Cô biết đấy, việc của tôi cũng hay phải đi Kyushu, Kansai hoặc chỗ này chỗ kia... Làm thêm cho chương trình truyền hình Du hành ký nên hay phải đi theo mấy tay biên tập chương trình hoặc quay phim. Toàn những việc nhàng nhàng, do người quen giới thiệu ấy mà. Ấy thế nhưng cũng khác hẳn với những lần lang thang vô định một mình, vì không chỉ đi không mà còn phải thu thập các tin tức liên quan, rồi thì ghi ghi chép chép. Cứ thế độ hai, ba ngày, vừa tập trung vào công việc, vừa đi như thế, tự nhiên thấy đầu óc tỉnh táo, hoạt bát hẳn ra và không muốn quay về nữa. Thậm chí, tôi còn cảm thấy lẽ ra cứ đi mãi thế này mới phải. Ở nhà cũng chẳng phải lo cho ai, tiền thuê nhà thì đến đâu cũng chuyển khoản được, hộ chiếu thì lúc nào cũng mang theo người làm giấy tùy thân nên nếu thích cũng có thể ra nước ngoài. Trong tài khoản cũng tiết kiệm được một món kha khá. Cứ thế này mà đi, đến bến cuối lại mua vé đi tiếp, và cứ đi mãi như thế... Trên đường về nhà, ngồi trong máy bay hay trên tầu Shinkasen, lần nào tôi cũng thấy thích thú với ý nghĩ ấy. Những lúc đó, tôi thực sự cảm thấy mình sẽ bắt đầu một cuộc đời mới, chính từ đây, từ giây phút này. Chỉ cần mua mấy thứ thiết yếu, quần áo thì tự giặt trong bồn tắm khách sạn, bản thảo thì gửi qua fax. Thế là đủ. À, nói vậy mới nhớ ra, không biết tôi đã từng nghe ai đó nói "Không gì bằng lang thang" nhỉ? Cứ thế, các hình ảnh tưởng tượng ngày càng chi tiết dần, từ lễ hội vùng này lại đến hội chợ vùng khác... Nghĩ đến đó, tôi lại tự trách mình, thú vị là thế sao mình không tự đi nhỉ? Chưa dứt khỏi tâm trạng đó thì đã đứng trước cửa nhà. Lại tự hỏi, liệu mình có thực sự muốn về chốn này không?
- Có lẽ vì có Mayu?
- Giờ đâu còn nữa.
- Ừ nhỉ!
Tự nhiên, đúng lúc đó, tôi có cảm giác mình đang trôi về một nơi rất xa, dự tiệc chia tay một người sẽ không bao giờ trở lại, một cảm giác rất nặng nề. Vẫn là quán bar tôi đến làm mọi ngày, nhưng một bóng tối bất an như đang lan dần ra khắp phòng, tôi cảm thấy sợ cái tâm trạng lúc xót xa, lúc sầu thảm xâm chiếm tôi khi ấy. Tôi đưa mắt nhìn về phía quầy bar để tìm một sợ giúp đỡ nào đó nhưng chủ quán và cô bạn cùng làm đang say sưa trò chuyện gì đó. Trông họ chẳng có vẻ gì muốn tham gia vào câu chuyện giữa hai chúng tôi cả.
- Mayu đúng là kiểu người rất dã ngoại.
Ryuichiro vẫn tiếp tục, một cách vô tư. Lần đầu tiên trong buổi tối đó, cậu ta chủ động nhắc đến Mayu.
- "Rất dã ngoại" nghĩa là sao? Có phải đó là tính từ mà chỉ cánh nhà văn các cậu mới dùng?
Tôi phì cười.
- Nói ra biết là cô sẽ hỏi lại mà. Để tôi kể cô nghe.
Ryuichiro cũng cười đáp lại.
- Cô ấy khá lạnh với mọi thứ diễn ra xung quanh, song có điều lạ mà không ai có thể ngờ, đó chính là sự ngây thơ hồn nhiên trong con người cô ấy. Và cô ấy cuốn hút cũng chính vì điều đó... Mỗi chuyến đi quả là một điều kỳ lạ. Nói thế không có nghĩa là tôi thích thú gì với những khẩu hiệu kiểu như "Đời người là một chuyến đi", hay "Còn sống là còn đi, còn đi là còn sống" nhưng cứ thử nghĩ mà xem, đi du lịch đâu đó cùng với ai hai, ba ngày liền, người ta tự nhiên trở nên thân thiết với nhau một cách khó lý giải, không kể gái trai. Trên chuyến xe trở về, không ai muốn chia tay, tự nhiên vui vẻ một cách bất thường, nói chuyện gì cũng thấy thú vị, hào hứng đến mức ngộ nhận, đó mới là cuộc sống đích thực. Kể cả khi đã về đến nhà rồi, đâu đó vẫn còn đọng lại cảm nhận về sự tồn tại của bạn đồng hành, đến nỗi sáng hôm sau, tỉnh dậy như trong cơn mộng du, tự hỏi "Ơ, sao lại thế này? Mấy người kia đâu nhỉ?" Rồi lại tự cảm thấy luyến tiếc, xót xa, đơn độc trong ánh bình minh. Nhưng, biết làm sao? Với người lớn chúng ta thì cái đó rồi cũng qua, những kỷ niệm đẹp đến mấy thì cũng chỉ biết cất sâu trong lòng mà sống tiếp. Phải vậy không nào? Mayu thì không thế. Một khi đã có tâm trạng ấy thì cô ấy cứ thế sống với nó, với tất cả trách nhiệm của mình, lóng ngóng không biết làm cách nào để thoát ra. Không những thế, cô ấy còn cho rằng trong tất cả những tình cảm tốt đẹp, cái cảm giác trách nhiệm đó chính là tình yêu. Tôi có cảm giác cô ấy ngộ nhận chuyện tôi không làm cố định ở đâu và tình cảm dành cho cô ấy chiếm hầu hết mối quan tâm của tôi đối với thế giới bên ngoài chính là tình yêu dành cho cô ấy. Chưa bao giờ cô ấy nói với tôi về tương lai, như chuyện kết hôn hay muốn cùng tôi thực hiện một kế hoạch nào đó. Chính điều đó làm tôi thấy sợ. Vì cảm thấy như chính mình cũng dần bị cuốn vào cái nhân sinh quan "Bất lão, bất tử" của cô ấy.
- Vì dù sao nó cũng từng là diễn viên mà. - Tôi nói. - Chính tôi cũng đã nghĩ khá nhiều về điều này, sau khi Mayu chết. Nào đạo diễn, nào trợ lý, nào bạn diễn... Cái êkíp đó lúc nào sẽ ở bên nhau trong một khoảng thời gian nhất định, tập trung vào một công việc chung nhất định bất kể sớm tối, tới mức mệt bở ra, gần gũi với nhau còn hơn cả với gia đình hay người yêu, cả về khoảng cách vật lý lẫn tình cảm trong lòng. Nhưng đó chỉ là tập hợp của một nhóm người để thực hiện một kịch bản nào đó. Nó sẽ tự giải tán ngay sau khi xong cảnh quay cuối cùng, để rồi ai nấy lại trở về với cuộc sống thường nhật. Cái duy nhất còn lại chỉ là những thước phim, lưu giữ những ngày tháng đó. Lúc duyệt phim, mỗi cảnh quay sẽ làm sống lại một ký ức sống động, nhưng không bao giờ trở lại. Chuyện đó có lẽ cũng giống như kịch bản rút gọn của cuộc đời. Những ai sống bình thường sẽ không phải trải nghiệm tất cả những cái đó. Với Mayu, có lẽ không phải nó bị nghiện rượu hay thuốc kích thích mà là nghiện cái cảm giác mãnh liệt mỗi khi hội ngộ rồi chia ly ấy.
- Vậy sao? Thế thì chị em cô đúng là dân nghiện rồi.
- Tôi thì khác chứ. - Ngạc nhiên, tôi đáp lại. - Chí ít thì tôi cũng không tin vào chuyện đó đến nỗi vứt bỏ cả cuộc sống.
- Phải rồi, phải rồi! Hai chị em cô thuộc hai típ khá khác nhau.
Ryuichiro thỏa hiệp. Nhưng tôi lại bắt đầu suy nghĩ. Liệu có đúng như thế không nhỉ? Có đúng tôi hoàn toàn không phải loại người đôi khi cũng trầm tư chấm miếng bánh quy vào chén trà nóng, vừa nhấm nháp vừa hồi tưởng lại những ngày tháng hạnh phúc đã qua. Có thực tôi không hề coi cuộc sống hiện giờ của tôi chỉ như một chuyến du lịch, với những người sống chung chỉ như những bạn đồng hành? Chính tôi cũng không biết nữa. Thậm chí tôi có cảm giác rằng nếu cố để hiểu điều này sẽ rất nguy hiểm. Tôi sợ. Sợ nếu chuyện gì cũng cố tìm hiểu đến ngọn đến ngành, tôi, cũng như bất kỳ ai khác, đều có thể sẽ lại giống như Mayu.
Hai giờ sáng, quán đóng cửa. Tôi dọn dẹp rồi rời quán. Mưa đã tạnh hẳn, trời đầy sao. Đêm se lạnh, không gian phảng phất hương xuân. Làn gió đêm mát lịm thấm qua lớp áo khoác mỏng, ôm trọn lấy tôi.
- Tớ về nhé.
Tôi chào mấy người làm cùng. Vậy là chỉ còn lại tôi với Ryuichiro. Tôi lên tiếng trước:
- Cậu về bằng taxi chứ?
- Còn cách nào khác nữa đâu!
- Vậy thì cho tôi đi cùng đến giữa đường nhé?
- Được thôi! Đằng nào cũng trên đường tôi về... Nhưng khoan đã! Có thấy cuốn sách của tôi bên đó không?
- Sao?
- Tôi tìm suốt cả ngày hôm qua nhưng không thấy. Tự dưng thấy muốn đọc cuốn đó nên hôm qua đã sang hiệu sách cạnh nhà tìm mua nhưng cũng không còn. Chắc lẫn trong đống sách của Mayu được chuyển về bên đó thôi. Gã cớm khóc, truyện của Philip K. Dick. Thực ra, không tìm thấy cũng chẳng sao. Sách bỏ túi ấy mà. Nhưng nếu có bên đó, tiện đường tôi sẽ ghé qua lấy.
- Cậu còn nhớ cốt truyện thế nào không?
Tôi ngạc nhiên hỏi lại.
Con phố đêm chỉ còn hiện lên như một vệt kẻ mờ, những chiếc taxi rẽ ra từ một khúc quanh, nối đuôi nhau chạy về phía chúng tôi như một dòng sông sao. Bóng đêm chứa đầy hơi thở phút giao mùa. Một làn hương, dịu nhẹ như một giấc mơ, lan tỏa trong không gian, tràn đầy lồng ngực sau mỗi nhịp thở.
Câu trả lời của cậu ta khác hẳn với dự đoán của tôi:
- Không! Đọc lâu quá rồi nên nó lẫn lộn với các chuyện khác của ông ấy, tôi chẳng còn nhớ tí gì nữa. Cô nhớ chứ?
- Ừm...
Tôi trả lời. Cậu ta đã kịp vẫy một chiếc taxi.
Trong nhà tối mịt nên tôi phải dắt Ryuichiro rón rén đi từng bước, leo lên cầu thang đi về phòng tôi. Tất cả sách của Mayu tôi đều đang giữ nhưng chưa có lúc nào để sắp xếp lại cả. Tất cả sách bỏ túi, tôi để ở góc đầu giường, thành bốn chồng lớn, hầu hết đều còn nguyên bìa giấy.
- Cậu đợi chút nhé. Tôi sẽ tìm thật kỹ trong đống này.
- Để tôi giúp!
- Không cần đâu. Cứ ngồi đó đi.
Tôi nói, mặt vẫn hướng về phía đống sach, lưng xoay về phía Ryuichiro.
- Bật nhạc gì đó nhé?
- Cứ tự nhiên. Đằng đó có cả đĩa lẫn băng đấy. Cậu cứ nghe gì tùy thích.
Cậu ta bắt đầu bới tìm trong đống băng đĩa, lạch xạch sau lưng tôi. Tôi bắt đầu lần giở từng cuốn một. Thực ra, tôi cũng đã đọc cuốn đó rồi nên nhớ rất rõ cốt truyện. Thú thực, nó không để lại ấn tượng gì lắm. Đại loại là cô em gái xinh đẹp của một viên cảnh sát nọ nghiện ma túy, uống phải một loại thuốc gì đó rồi gây án, và cuối cùng, chết một cách thảm thương. Giống hệt như Mayu.
Nếu không phải kìm nén (mà tôi biết không phải vậy), chắc chắn cậu ta đang rất muốn khóc. Tôi nghĩ vậy. Muốn khóc nhưng không khóc được, cậu ta đành mượn cớ tìm kiếm một cái gì đó, một cách vô thức.
Thật xót xa.
Tôi phân vân, với một cuốn sách nội dung như vâyh, hay là vờ không tìm thấy có lẽ sẽ tốt cho cậu ấy hơn chăng. Bỗng từ phía sau phát ra tiếng lạo xạo, tiếng đàn so dây, tiếng người nói, tiếng nhạc nền, tiếng chạm cốc...
- Gì thế này?
Tôi hỏi to, tay vẫn không ngừng tìm sách. Cậu ta đọc thành tiếng những dòng chữ viết trên vỏ:
- Xem nào... chỉ thấy ghi "Những nhạc khúc tuyển chọn, tháng Tư năm 88". Chắc là thu trực tiếp đây. Tôi thích chương trình này lắm mà không đi xem được. Thích nhất là ban XXX mà chưa kịp đi xem thì họ đã giải tán mất.
Cậu ta còn nói gì đó nữa, nhưng lúc đó, tội bị cuốn đi trong một cảm xúc kỳ lạ dâng trào và không còn nghe thấy gì cả...
"Sự đồng điệu. Cũng có thể là dự cảm."
Giữa lúc đó đoạn băng vẫn tiếp tục chạy. Và trong tôi, một câu hỏi không thành lời cứ lớn dần lên. Tại sao? Sao cậu ấy lại tìm thấy nó, trong khi đến chính tôi còn không nhớ đến sự tồn tại của nó nữa? Tôi cũng không biết liệu mình có thể diễn tả đầy đủ những lớp cảm xúc đã dẫn tôi đến quyết định cuối cùng giữa bao do dự và hàng mớ suy nghĩ ngổn ngang trong tôi hay không.
"Không được! Phải tắt ngay lúc này, trước khi quá muộn".
"Cuốn sách đó... Lại còn cả cuộn băng duy nhất mà không hiểu sao cậu ấy lại tìm được giữa cả đống băng đó... Nếu nỗi đau lắng sâu tận đáy lòng cậu ấy vẫn còn gào thét đến vậy, có lẽ cứ để cậu ấy nghe nốt sẽ tốt hơn chăng..."
Hai ý nghĩ đó cứ đan vào nhau, khiến đầu tôi rối tung lên. Cảm giác thân thiết pha lẫn khó chịu, thậm chí là rất thân thiết và rất khó chịu, một cuốn phim tình cảm lâm ly và không hư cấu... tất cả đan xen vào nhau đến mức dồn đọng lại. Và trong cả mớ bòng bong đó, cuối cùng tôi nghiêng về phía quyết định để cậu ấy nghe - một quyết định có phần hơi lãng mạn - như một sự cương quyết pha lẫn đau xót của Đức Mẹ Maria đang dõi theo và chở che cho đoạn kết của một mối tình.
Băng chạy được một lúc, bỗng giữa những tiếng lạo xạo vang lên một giọng nói quen thuộc.
- Chị ơi, cái này bấm vào đâu để ghi âm? Thế này được chưa?
Đó chính là Mayu.
Hôm đó, tự nhiên Mayu gọi cho tôi, hỏi mượn máy ghi âm vì Ryuichiro hứa đến nhưng lại không đến được. Tôi đành phải mang đến phòng thu cho nó. Hai năm trước, Mayu vẫn còn khỏe. Chí ít thì nó vẫn còn muốn ghi âm lại những bài hát ưa thích. Và đó cũng là cuộn băng duy nhất ghi lại một đoạn ngắn giọng nói của nó. Lúc đó là ngay trước giờ diễn, Mayu đã quay sang hỏi tôi như vậy. Trong khán phòng, đèn đã tắt, ánh sáng chỉ còn tập trung lên sân khấu và mọi người đang thì thào đợi buổi biểu diễn bắt đầu.
Rồi đến tiếng của tôi.
- Được rồi! Thế được rồi! Đèn đỏ sáng rồi đúng không? Chõ có chữ REC ấy! Cứ để yên thế là được.
- Vâng, sáng rồi. Cám ơn chị!
Mayu đáp. Giọng nói thân thuộc, trong trẻo và rất dễ nghe, đọng lại chút dư âm như những gì cao sang vẫn thế.
- Nhưng chắc là băng đã quay chưa đấy chị?
- Yên tâm đi! Tốt nhất em đừng có động vào nữa.
- Chị cả lo gớm nhỉ!
Mayu vừa nhìn cuộn băng, vừa khẽ nghiêng đầu cười. Phòng tối nên khuôn mặt nó chỉ còn hiện lên là một bóng đen nhưng đó là một nụ cười tuyệt diệu nhất, được tạo ra chỉ để làm một nụ cười.
- Cái kiểu cả lo ấy là của mẹ đấy!
Tôi nói. Mayu hỏi, mắt vẫn nhìn xuống dưới:
- Gần đây... mẹ có khỏe không?
Tiếng vỗ tay nổi lên, cùng với tiếng reo hò.
- A, bắt đầu, bắt đầu rồi!
Lúc ấy, Mayu ngước nhìn lên sân khấu, nhẹ nhàng như trong một giấc mơ, với một góc nghiêng tuyệt vời hơn bất kỳ một bộ phim nào nó từng đóng. Khuôn mặt nhìn nghiêng sáng xanh lên, như vầng trăng vừa nhô ra từ trong bóng tối, tắm mình trong ánh mặt trời. Mắt nó mở to như đang dõi theo một giấc mơ, làn tóc mai nhẹ rung trong vầng sáng bạc, và chiếc tai nhỏ cong lên duyên dáng như muốn nuốt trọn từng âm thanh.
Đúng lúc đó, nhạc nổi lên. Tôi sực tỉnh và quay về với thực tại. Ryuichiro khẽ nói:
- Vẫn để tôi nghe cơ đấy!
Cậu ấy không khóc khi tôi ngoái lại nhìn. Chỉ khẽ nheo mắt và gượng cười.
- Tôi có nhớ đâu!
Lần thứ hai tôi nói dối trong buổi tối hôm đó. Rồi cảm giác căng thẳng cũng qua, thời gian lại trở về với nhịp điệu của nó. Tôi lại quay đi, tiếp tục tìm sách.
Không biết tối đó, khi chỉ còn một mình, cậu ấy có khóc được không...
Cuối cùng tôi cũng tìm được cuốn sách và rủ Ryuichiro uống trà và cả hai lặng lẽ xuống cầu thang. Nhưng vừa rón rén mở cửa bếp ra thì mẹ tôi và cô Junko đã ngồi đó và đang uống bia dưới ánh đèn bàn. Thoảng giật mình, tôi hỏi:
- Sao thế? Hai người dậy từ nãy rồi à?
- Bọn cô ngồi nói đủ thứ chuyện ở đây từ lâu rồi!
Cô Junko vừa nói vừa cười.
Cô Junko là bạn cũ của mẹ tôi, một người rất dịu dàng, nữ tính và điềm đạm, khác hẳn với mẹ tôi. Và khuôn mặt cô, sáng lên dưới ánh đèn bếp giữa đêm hôm ấy, luôn gợi cho tôi một không gian của những câu chuyện cổ tích vẫn được nghe hồi bé.
- Mẹ nghe thấy từ lúc hai đứa rón rén vào nhà cơ. Thấy đôi giày con trai, mẹ bảo cô Junko nếu hai tiếng nữa không thấy chúng nó xuống là sẽ có chuyện vui đây. Thế mà chỉ mười lăm phút đã xuống rồi. Đã vậy, tưởng ai hóa ra cậu chàng này. Rõ chán chuyện!
Mẹ tôi vừa cười vừa nói, đúng cái kiểu mọi khi của mẹ.
- Hai đứa ngồi xuống đây nào. Uống tý bia nhé.
Bốn chúng tôi ngồi quây quanh bàn và bắt đầu uống bia. Một cảm giác thật kỳ lạ. Ryuichiro nói:
- Cháu đến lấy cuốn sách cho mượn bữa trước. Cháu sắp đi xa mà!
- Đi xa?
Mẹ tôi hỏi. Bà biết rõ Ryuichiro cảm thấy thiếu vắng Mayu như thế nào.
- Vâng! Đi đâu cũng được, cháu chỉ muốn đi đâu đó một thời gian.
Ryuichiro (cố làm ra giọng) vui vẻ đáp lời.
- Dân viết văn có khác, cứ phải lang thang đâu đó một mình như thế mới có cảm hứng đúng không?
Cô Junko tiếp lời với một vẻ thán phục.
- Có lẽ đúng vậy.
Ryuichiro đáp.
Tôi vội cắt ngang hòng đánh lạc hướng không chỉ một chuyện.
- Thôi nào! Con thích nghe xem hai bà già bàn chuyện gì giữa đêm hôm khuya khoắt thế này hơn cơ. Sao? Có gì thế ạ?
- Đừng có chọc nữa đi cô nàng. Chúng tôi bàn toàn chuyện nghiêm túc cả đấy. Chẳng hạn như rồi đây sẽ ra sao này...
Cô Junko vừa khẽ cười vừa nói.
Cô Junko khi đó vẫn chưa giải quyết xong các thủ tục pháp lý của vụ ly hôn. Cô có một con gái còn nhỏ nhưng cô bé lại phải sống cùng chồng cô và bạn gái của ông ta. Tất nhiên là cô Junko rất muốn sống cùng con gái mình và chính vì thế mà chuyện kiện tụng vẫn chưa kết thúc. Bản thân chồng cô thì không muốn rời cô con gái, còn cô Junko thì không đủ ổn định về tài chính nên chuyện ai giành quyền nuôi cô bé vẫn lằng nhằng mãi chưa dứt. Sợ cô bị trầm cảm nếu cứ tiếp tục sống một mình trong tình cảnh như thế nên mẹ tôi đã rủ bạn tới sống cùng và đó là lý do tại sao cô Junko xuất hiện trong nhà tôi. Tất nhiên là Ryuichiro biết tất cả những chuyện đó.
- Phải rồi. Hết chuyện đó lại sang chuyện yêu đương lúc nào không hay, tỷ như giá mà kiếm được anh chàng như thế như thế... Quanh đi quẩn lại vẫn là muốn cưới được một chàng tử tế... Đúng là tầm phào! Đến tuổi này rồi mà vẫn chẳng khác hồi còn học trung học tí nào cả. Đó! Toàn những chuyện kiểu như vậy thôi!
Mẹ tôi vừa nói vừa khúc khích cười.
- Chứ còn gì nữa. Cứ tối đến mà ở với nhau là y như rằng nói chuyện đến sáng. Giờ vẫn vậy! Lại còn kháo nhau là toàn mang chuyện cũ ra nói nữa chứ.
Cô Junko nói tiếp với vẻ rất hài hước.
- À! Thế nên cả hai cô mới trẻ lâu đến vậy!
Ryuichiro nói rất chân thành, nhưng cả hai lại bảo cậu khéo nịnh và cùng cười khinh khích. Riêng tôi lại nghĩ thầm "đó mới chính là cảm nhận của một nhà văn" và thầm cảm phục Ryuichiro, trong khi mắt vẫn lặng ngắm khuôn mặt nhìn nghiêng của cậu ấy và hai người phụ nữ trung niên đang hồn nhiên cười. Hai khuôn mặt giờ được ánh đèn rọi sáng mịn màng, trông trẻ trung khắc hẳn với ngày thường và ngập tràn màu hy vọng, cứ như thể họ đã vượt thời gian bằng một cách nào đó để có mặt ở đây.
Hai người đàn bà... Căn bếp lúc nửa đêm... Những tâm sự sâu kín... Những lời thì thào... Những tiếng cười rộn rã... Phút hồi xuân với những ước mơ xa...
"Trong cái thực tại này, ta ở đâu giữa những con người này?" Tôi thầm nghĩ, "Đây là đâu nhỉ? Một câu chuyện cổ tích tuyệt vời, hay một cơn ác mộng...?"
- Cháu về ạ!
Ryuichiro nói khi ra đến cổng. Cả ba chúng tôi đều ra tiễn.
- Đi cẩn thận nhé!
- Đợi cậu đến nữa đấy!
- Giữ sức khỏe nhé!
Chúng tôi thi nhau chào, thi nhau vẫy tay. Trong đêm khuya, chiếc găng tay màu xanh của Ryuichiro giơ lên khi vẫy chào lại chúng tôi bắt sáng ánh lên như một con đom đóm. Không biết nhìn từ phía cậu ấy, chúng tôi trông có giống ba bông hoa đang lay động hay không...
Ryuichiro lên đường, sau đó một thời gian. Gọi điện chỉ thấy lời nhắn tự động từ hòm thư thoại "Tôi đang đi du lịch. Xin hãy để lại tin nhắn". Vẫn là số điện thoại trước đây mỗi lần gọi là Mayu nhấc máy nói với nụ cười rạng ngời và giọng nói trong trẻo "A, chị Saku!".
Bệnh viện. Thuốc. Loại có bán ngoài hiệu, loại không. Rượu. Tất cả các loại rượu của tất cả các nước mà cửa hàng nào cũng bán. Chẳng biết tự khi nào, tất cả đều chấp nhận những cái đó của Mayu, cõ lẽ vì thấy nó uống ngon lành quá. Vì thấy nó luôn uống một cách rất khéo léo và đáng yêu, bằng cái cổ mảnh dẻ và khuôn mặt khả ái, như thể đang diễn cảnh ai đó nạp năng lượng và điều đó còn hơn một lẽ thường.
Ba ngày trước, táo lại được gửi đến. Chuyến chuyển phát nhanh thứ hai. Về đến nhà, vừa mở cửa ra, tôi thấy ngay thằng em đang gặm táo. Còn bên cạnh nó là một thùng các-tông màu xanh lá cây to đùng, bên trong đầy chặt những trái táo đỏ rực nằm giữa đám bã chè khô. Không gian dìu dịu một mùi hương ngọt mát.
- Gì thế này?
Tôi hỏi.
- Gửi từ Tohoku đến đó chị.
Thằng bé đáp.
Từ tầng hai, mẹ tôi cùng cô Junko tất tả bước xuống. Cô Junko tay cầm một chiếc giỏ to, vừa cười vừa nói:
- Tìm mãi mới thấy cái giỏ này đấy. Đang định bỏ một ít vào đây rồi để trong phòng khách. Gớm, gửi gì mà lắm thế!
Mẹ tôi nói:
- Vậy là nó đến Aomori rồi đấy nhỉ!
- Aomori cơ à...
Tôi lẩm nhẩm.
Giờ này, mang theo cuốn sách buồn thảm đó, không biết Ryuichiro đang ở phương nào. Cùng với tiếng gió ngàn và làn hương biển cả, không biết rồi đây cậu ấy sẽ đến đâu và gửi gì nữa. Và lúc này, tôi có một dự cảm, rằng cứ đi mãi thế, sẽ đến một lúc nào đó cậu ấy phải viết thư, bởi ngoài ra không một thứ gì khác có thể nói hết lời. Cũng bởi cậu ấy là một nhà văn nữa. Và đối với cậu ấy lúc này, nhất là từ sau cái đêm hôm ấy, chỉ còn một địa chỉ duy nhất là tôi. Đúng, tôi cảm thấy như vậy. Tôi đang đợi tác phẩm đó.
Chuyện này giống hệt như một buổi sáng ngày Giáng sinh khi ta còn bé. Một cảm giác mong chờ trong trẻo và tươi mới vào giây phút vừa tỉnh giấc. Và tiếp đó là giây phút ta tìm thấy món quà của bố mẹ, đính những giải ruy-băng nhiều mầu sắc nơi đầu giường. Căn phòng ấm áp... Và kỳ nghỉ đông bắt đầu...
Cũng chẳng phải là chuyện gì lãng mạn. Chỉ là một sợ giải thoát. Đó sẽ là những lời vừa đủ để lấp đầy nỗi đau mất Mayu, như một lời đáp. Có lẽ những lời đó sẽ nói lên một điều gì đó, giống như con chó Victor và những quả táo trong hộp muốn nói. Chỉ duy nhất cậu ấy mới có thể diễn tả được những lời đó. Và đọc nó, tôi tin mình cũng sẽ được giải thoát. Tôi đau đáu đợi.
1. Mưa lành
Người ta thường nói, nếu phải trải qua một chấn động mạnh nào đó, ta sẽ thấy mọi thứ xung quanh thay đổi hẳn, nhưng chuyện này đối với tôi có lẽ không hoàn toàn như vậy. Đôi lúc tôi vẫn nghĩ thế.
Tôi biết rằng mình vẫn có thể nhớ lại mọi chuyện, tất cả những sự kiện trong hai mươi tám năm qua kể từ lúc một Wakabayashi Sakumi được sinh ra, những thăng trầm của gia đình tôi, những món ăn tôi ưa thích, những điều tôi căm ghét, tất cả, tất cả những gì để tôi chính là tôi, tất cả đều được hồi tưởng lại như một câu chuyện cũ.
Tất cả chỉ như một câu chuyện.
Có lẽ bởi vậy, cho đến trước khi xảy ra tai nạn nhỏ hôm ấy, thực ra tôi không hề biết chính mình cảm thấy thế nào về cuộc đời mình. Mà biết đâu đấy, cũng có thể tôi đã cảm nhận như vậy từ rất lâu rồi. Chuyện thế nào nhỉ! Không lẽ tôi đã sống những ngày tháng vô vị, chỉ như những đám tuyết, rơi xuống và chất đống lên nhau thôi sao? Và tôi đã thỏa hiệp với chính tôi như thế nào? Mọi người thường nói, khi bạn cắt tóc ngắn trụi, mọi người sẽ cư xử với bạn phần nào khác trước và cuối cùng, chính điều ấy cũng khiến tính cách của bạn thay đổi ít nhiều. Trải qua một mùa đông với cái đầu trọc lốc sau khi phẫu thuật, mãi giờ tóc tôi mới dài ra một chút nhưng chính thế trông lại rất hợp mốt "tóc tém". Bạn bè lẫn người thân, ai cũng nói như nhau:
Chưa bao giờ thấy Saku để kiểu tóc này, trông mới lạ như một người khác vậy!
- Thế hả?
Tôi cười tỉnh bơ đáp lại nhưng sau đó lén mở an-bum. Tôi vẫn ở đó. Mái tóc dài và nụ cười tươi, trong tất cả các chuyến đi, ở mọi nơi, mọi lúc. Tôi vẫn nhớ rõ tất cả. Nào là hôm ấy thời tiết ra sao, rồi lần nọ đau bụng sinh lý đến mức đứng không vững như thế nào... Và bởi thế tôi biết đó chính là tôi, không thể là bất kỳ ai khác. Nhưng tôi không thể nhớ ra ngay. Thực là một cảm giác mông lung kỳ lạ. Thậm chí tôi còn muốn tự thưởng cho mình một tràng vỗ tay bởi vì với một trạng thái tinh thần bất ổn như vậy mà tôi vẫn luôn cố làm "Tôi", tiếp tục bước về phía trước không biết mệt mỏi.
Trong nhà tôi bây giờ có mẹ tôi, tôi, đứa em trai đang học lớp bốn, cô Junko - bạn thuở thiếu thời của mẹ đến ở nhờ, Mikiko - cô em họ đang là sinh viên đại học. Bố tôi đã mất từ lâu. Mẹ tôi tái giá và cũng đã ly hôn. Tôi và Yoshio là hai chị em cùng mẹ khác cha. Trước kia, nối giữa hai chúng tôi chính là Mayu - em gái cùng cha, cùng mẹ. Là diễn viên nhưng sau khi giải nghệ nó sống cùng một nhà văn rồi chẳng mấy chốc suy sụp tinh thần để rồi cuối cùng chết như thể tự sát. Chuyện cũng khá lâu rồi.
Tôi làm bồi bàn năm ngày một tuần, ca đêm và kiêm cả phục vụ rượu cho khách, nhưng đó chỉ là một quán rượu cũ và tất nhiên chẳng có gì thiếu lành mạnh cả. Chủ quán - trước vốn là dân híp-pi - bài trí quán theo kiểu "hội trại học đường". Ban ngày tôi rảnh nên thỉnh thoảng đến giúp việc văn phòng cho công ty đứa bạn, nói chung là đủ việc. Trước khi mất, bố tôi cũng kiếm được khá tiền. Hình như đã có một dạo, trong suốt một thời gian khá dài, một cách vô thức, tôi luôn cố nghĩ cách xem làm thế nào để cho chuyện có tiền và rong chơi tháng ngày thành ra một kiểu sống sành điệu. Thế rồi, đến lúc sực nhìn lại mới thấy mình thất lố, thật chẳng giống ai, không ra tiểu thư cũng chẳng ra thiếu nữ, ương ương dở dở. Dù sao thì tôi cũng rất yêu cuộc sống của mình, yêu đến không tả được. Đôi lúc, tôi còn thầm nghĩ: "Xin mọi người! Làm ơn hãy nghĩ như tôi, bởi điều đó là chân lý không có gì phải nghi ngờ cả!".
Một đêm, về nhà vào lúc ba giờ sáng sau khi xong việc, tôi thấy mẹ vẫn ngồi cạnh bàn ăn trong phòng bếp, vẻ mặt đăm chiêu. Những lúc có chuyện hệ trọng muốn nói với tôi, mẹ vẫn thường làm vậy. Ngày trước, lúc mẹ tái giá cũng thế. Tôi vẫn nhớ hình ảnh mẹ hôm ấy, nói năng ngượng nghịu vì niềm vui cố kìm nén nhưng vẫn làm ra vẻ nghiêm trang. Gần đây, có chuyện gì mẹ cũng nói với cô Junko nên lâu lắm tôi mới lại trông thấy mẹ thế này. Trực giác mách bảo đó là chuyện của em tôi. Thằng bé cũng hơi khác người và hình như mọi người thường bàn tán về nó ở trường. Sau khi Mayu chết, việc nuôi dạy con đối với mẹ tôi như đã trở thành một lời nguyền vĩnh cửu. Nghĩ đến chuyện của mẹ, tôi lại thấy buồn vì có vẻ như mẹ cũng không mấy hài lòng với cuộc đời của chính bà, buồn vì tuy sống dưới cùng một mái nhà nhưng trong khi tôi thoải mái rong chơi thì mẹ tôi lại chịu bao cay đắng.
- Có chuyện gì à mẹ? Tôi hỏi.
Trong nhà, mọi người đã ngủ say. Bếp tối mờ, chỉ còn một bóng đèn nê-ông nhỏ phía trên bồn rửa là sáng. Dưới bóng đèn đó, mẹ tôi ngồi bất động, như một bức chân dung đen trắng. Bóng tối đọng lại thành những vệt sẫm nơi khóe môi và phía dưới hàng lông mày nhíu chặt.
- Con ngồi xuống đi! Mẹ tôi nói.
- Vâng... À, mẹ có uống cà phê không?
Nghe nói vậy, mẹ tôi liền đứng lên và nói:
- Để mẹ pha.
Tôi kéo ghế ngồi phịch xuống. Tôi phải đứng suốt trong khi làm việc nên vừa thả người ngồi xuống, cơ bắp như nhão ra hết cả. Cơn đau mỏi ở thắt lưng lan ra khắp người. Vị cà phê nóng giữa đêm khuya thật nao lòng. Sao vậy nhỉ? Tôi nhớ lại hồi bé. Rõ ràng hồi bé tôi đâu có uống cà phê mà sao lại nhớ mong cái vị của nó đến vậy, nó giống như những buổi sáng có tuyết đầu mùa hay những đêm giông bão, cứ mỗi khi bắt gặp, ta lại thấy lòng xốn xang kỳ lạ.
Mẹ tôi khẽ nói:
- Thằng Yoshio ấy...
- Sao ạ?
- Nó sẽ làm nhà văn.
Tôi chưa nghe thấy chuyện này bao giờ.
- Lại gì nữa đây? Tôi hỏi lại.
Nói chung, thằng bé là loại điển hình cho lũ nhóc thời buổi này, luôn làm người ta phát ngán với ước mơ muốn trở thành doanh nhân vì xem tivi thấy toàn những chàng vừa đẹp trai lại vừa giàu có.
- Ờ... nó bảo nằm mơ thấy thần báo mộng.
Mẹ tôi nói. Nghe vậy, tôi phì cười.
- Tưởng gì! Trò đó giờ đang "mốt" mà mẹ!
Tôi vừa cười vừa đáp.
- Chuyện trẻ con ấy mà. Kệ nó mẹ ạ!
- Nhưng bộ dạng nó cũng lạ lắm! Mẹ tôi vẫn giữ vẻ lo lắng.
Tôi nói:
- Dù gì thì cũng cứ để mấy bữa xem sao đã mẹ à!
- Ừ, có thể rồi nó sẽ chán.
- Mà thành tiểu thuyết gia thì cũng có sao đâu?
- Ừ... Meh cũng chẳng biết nữa...
- Cũng tại vì đây là đứa con trai đầu tiên trong nhà mình nên chẳng biết nó sẽ trưởng thành ra sao thôi mà! Tôi nói.
- Em con mất, rồi con bị tai nạn chấn thương sọ não, giờ lại đến chuyện này. Đúng là nhà này chưa có lúc nào không có chuyện! Mẹ tôi than vãn. Nó đang lấy giấy tập ra hí hoáy viết lách cái gì đây. Cái thằng...!
- Đúng là cái thằng dở hơi!
Tôi hùa theo. Song bằng trực giác của mình, tôi biết mẹ như một ngọn hải đăng nhưng lại quá sáng khiến những còn tàu đi ngang qua đó mất phương hướng, và quanh mẹ sẽ luôn là những số phận kỳ lạ. Tôi nghĩ, có những sự hấp dẫn mà năng lượng tự thân của nó luôn có nhu cầu thay đổi. Mẹ mơ hồ nhận ra điều đó. Mẹ đau lòng. Vậy nên mẹ mới không nói ra thành lời.
- Nhất định trong nhà mình rồi sẽ có chuyện gì đó, và mọi thứ sẽ giống như "Những ngôi sao đẹp" của Mishima Yukio thôi. Thế cũng được! Càng vui!
Tôi nói chơi vậy nhưng sau này mới biết rằng điều đó không ngờ lại thành sự thật.
Mẹ tôi bật cười.
- Mai con sẽ phỏng vấn nó xem sao!
- Ừ, cứ thử đi. Rồi con sẽ thấy mẹ không lo thừa đâu!
- Chẳng nhẽ... nghiêm trọng thế cơ ạ? Cứ như nó đã thành người khác ấy.
Mẹ gật đầu, nhưng nét mặt đã rạng rỡ hơn trước, có lẽ như thế này là tạm ổn rồi, tôi thầm nghĩ. Một mình trong căn bếp giữa đêm khuya, mọi suy nghĩ của bạn sẽ ngưng đọng lại. Không bao giờ nên ở đó quá lâu. Cũng đừng bao giờ giam hãm mẹ bạn, vợ bạn ở đó. Từ những ý nghĩ đen tối cho đến món xúp củ cải đỏ ngon lành, tất cả đều sinh ra từ đó - bếp - khoảng không gian kỳ diệu thống trị mỗi ngôi nhà.
Mãi gần đây tôi mới nghiệm ra rằng, con người, hiện hữu trong một thực thể rắn chắc trước mắt mỗi chúng ta, thực ra chỉ là một thứ yếu đuối, đến mức chỉ cần va đập nhẹ với bất cứ thứ gì cũng sẽ tan vỡ một cách rất dễ dàng. Những con người tôi biết, những con người tôi yêu thương, những cái lòng đỏ trứng gà sống, lại tồn tại thêm một ngày nữa... Thật kỳ diệu là họ, chuyển dộng giữa hàng trăm thứ có thể hủy hoại họ bất cứ lúc nào, lại có thể kết thúc một ngày bình yên vô sự. Ý nghĩ đó cứ bám riết lấy tôi. Mỗi khi một người thân quen mất đi, phải chứng kiến những tiếng bi thương của những người xung quanh, tất nhiên tôi cũng đôi chút ngỡ ngàng chưa thể tin ngay rằng nỗi đau đến vậy là có thật, song ngẫm lại, sự bàng hoàng đó có lẽ không đáng gì so với điều kỳ diệu là con người đó đã sống đến tận giây phút ấy. Và cứ nghĩ như thế, tôi có cảm giác rằng tuy chúng ta đang sống nhưng cái sự sống đó có thể dừng lại bất cứ lúc nào. Vũ trụ... Những người quen... Cha mẹ của những người quen đó... Rồi cả những người mà họ yêu thương... Vũ trụ vô tận, tử sinh vô hạn... Cái vô hạn đáng sợ... Hãy thử nghĩ mà xem... sự bất tận không cùng tưởng như là vĩnh cửu... Hãy thử ngồi xuống đây, và đừng có suy tư gì cả...!
Hôm ấy, cái ngày mà sau này bạn bè tôi vẫn thường gọi là "Ngày ngã bậc thang" là ngày 23 tháng Chín, một ngày đầu thu. Lúc đó tôi đang trên đường đến chỗ làm thêm. Đang vội nên tôi quyết định đi bằng lối tắt mà thường ngày chẳng mấy khi đi và bắt đầu bước xuống một bậc thang rất dốc cuối một lối đi nhỏ. Đó là một bậc thang bằng đá, cao và rộng, phía sau một ngôi trường cấp hai, dốc đến nỗi người ta phải cấm qua lại vào những ngày có tuyết. Dù đang vội, tôi vẫn mải ngắm nhìn bầu trời chiều tím sậm và ánh đèn đường màu vàng nhạt như trộn lẫn với ánh trăng hạ huyền mờ tỏ. Thế là hụt chân và đập đầu rất mạnh vào đâu đó, mạnh đến nỗi bất tỉnh và người ta phải đưa tôi vào bệnh viện cấp cứu.
Tỉnh lại, tôi không còn nhớ chuyện gì đã xảy ra nữa. Một cơn đau kỳ lạ lan tỏa khắp đầu, cứ như thể họ đang phanh đầu tôi ra vậy. Vừa giơ tay lên, tôi thấy băng trắng xóa. Tôi cứ nằm như thế, dần nhớ lại những bậc thang bằng đá, cảm giác đau đớn và nỗi kinh hãi... Trước mặt tôi là một phụ nũ trung tuổi xinh đẹp, cất tiếng khẽ gọi:
- Sakumi...
Tôi nhủ thầm, với độ tuổi này, lại ở cạnh mình vào lúc thế này, chắc là mẹ mình! Cố lắm tôi cũng chỉ cảm nhận được có thế. Rõ ràng là tôi biết người đó, nhưng không tài nào nhớ ra được đó là ai, quan hệ thế nào với mình, chỉ đoán rằng, ở bên tôi như thế thì chắc chỉ có thể là mẹ, hoặc một ai đó rất gần gũi... Và dù biết rằng nếu thế, hẳn người này phải rất giống mình, nhưng rồi cũng chịu không thể nhớ ra được khuôn mặt mình.
Không thể được, mình không thể làm một người thân như thế thêm đau khổi được. Nghĩ vậy nhưng chưa biết phải làm sao thì đúng lúc đó, đột nhiên trong đầu tôi, một kỷ niệm chợt ùa về, như một thước phim quay chậm. Đó là lần tôi thấy mẹ khóc ở nhà (dù tôi chẳng còn biết "nhà" là ở đâu, trong khung cảnh nào, hình dáng ra sao nữa!). Kỷ niệm đó, cùng những giọt nước mắt buồn như làn sương mỏng nổi lên từ mặt nước trong suốt của cả một hồ ký ức... Phải rồi! Tôi đã nhớ ra. Đó là khi ông tôi mất! Tôi nghiệm ra, nỗi đau thực sự sẽ hiện hình trong từng giọt nước mắt, không phải ngay lúc đó mà có thể là rất lâu sau đó, từng giọt, từng giọt, lăn trên gò má rồi rơi xuống, ngấm vào lòng đất.
Và tôi nhớ đến em gái tôi...
Tôi đã không tài nào nhớ ra được tên nó, nhưng cùng với khái niệm "em gái", hình ảnh một cô bé vô cùng dễ thương hiện ra, đến nỗi tôi ngờ rằng đó chỉ là hình ảnh do tôi tự tưởng tượng ra. Nhưng đó đúng là Mayu. Rồi đến bóng dáng một người nhìn từ phía sau, đang sắp xếp lại các đồ dùng cá nhận cho em gái tôi sau khi nó mất...
Nhớ có lần, hồi đó tôi sống một mình, sau khi chia tay người yêu, buồn nản quá thế nào mà gọi điện thoại cho mẹ rồi khóc, khiến mẹ tôi phải ngạc nhiên:
- Trời đất! Sakumi mà khóc này!
Quả là từ nhỏ, tôi vốn đã rất ít khóc.
Ôi không... Mình nhớ ra rồi... Mẹ đây mà...! Không được làm mẹ thêm buồn nữa...! Ý nghĩ đó như một mệnh lệnh từ cõi nào đó vọng về, như một giọng nói văng vẳng trong cái đầu còn chưa hết đau của tôi. Có lẽ mẹ tưởng tôi còn đang lơ mơ vì thuốc mê. Đôi mắt với những vết nám xen lẫn những nếp nhăn phía dưới long lanh những giọt nước mắt của niềm vui sướng thấy tôi đã tỉnh lại. Tôi đã hiểu ra một chuyện. Nằm trên giường, tôi nghĩ về cuộc đời cho đến tận ngày hôm ấy vẫn thuộc về một Sakumi mà chính tôi cũng không biết nhiều lắm, rằng có lẽ cô ấy đã mệt mỏi, kiệt sức vì lúc nào cũng săn đón ý tứ của mọi người xung quanh. Nhưng dù sao chuyện đó cũng sẽ kết thúc vào ngày hôm nay. Kể từ giờ trở đi, mình sẽ kệ xem mọi chuyện ra sao, tôi nhủ thầm.
- Mẹ...!
Tôi khẽ gọi. Mẹ tôi gật đầu nhè nhẹ, đầy vui sướng và yêu thương trìu mến, rồi khẽ nở một nụ cười, dịu dàng như nàng dâu mới. Không hiểu sao, bỗng dưng tôi có cảm giác khó chịu với nụ cười đó, như thể có cái gì đó giả tạo giống như trong trò chơi cô dâu chú rể của bọn trẻ con, dù tôi đã cất tiếng gọi bằng tất cả lòng yêu thương như lần đầu chào cuộc sống. Đầu tôi tê buốt, như thể khái niệm "mẹ" được cô đặc thành những giọt mồ hôi mặn chát đang ngấm sâu vào não tôi. Nhưng cũng chính tiếng gọi ấy đã tạo nên một cảm giác ấm áp nơi con tim bên ngực trái. Sao vậy nhỉ? Tôi nhìn quanh. Giữa trưa, phòng bệnh trắng toát. Bầu trời xanh ngắt qua khung cửa sổ, một sắc xanh thăm thẳm trống hoác như trí nhớ của tôi lúc này.
Rồi trí nhớ cũng dần trở lại với tôi. Duy chỉ có điều, giữa tôi thực tại và tôi quá khứ là một làn sương mờ, không tài nào xóa được, như mặt đồng hồ đeo tay bị ngấm hơi nước vậy. Mà cũng chẳng sao. Tôi cũng không quá bận tâm.
* * *
Chiều tối hôm sau, vừa đi làm về, tôi chạy ngay đến phòng cậu em, khấp khởi gõ cửa. Một chuyện thú vị thế này, nhất định phải phỏng vấn người trong cuộc mới được!
- Cứ vào!
Yoshio nói vọng ra. Mở cửa vào phòng, tôi thấy ngay nó đang ngồi chăm chú cạnh bàn, lưng xoay về phía cửa. Ngó lên mặt bàn, tôi thấy cu cậu đang cắm cúi viết những chữ nhỏ tí xíu lên một trang bản thảo khổ B5.
- Em muốn thành nhà văn hả?
Tôi hỏi.
- Vâng.
Thằng bé gật đầu lơ đễnh.
- Giống như Akagawa Jiro ấy hả?
Tôi biết trước đó ít lâu thằng bé còn say sưa đọc mấy cuốn truyện của nhà văn này.
- Không! Em sẽ giống như Akutagawa!
Thằng bé trả lời, vẻ nghiêm trang khác thường. "thằng nhóc này, không lẽ nó bị ma ám rồi chắc", tôi nghĩ thầm. Có lẽ cũng giống tôi, một cảm xúc kỳ lạ nào đso chưa từng có trước đây đã xen vào lòng nó.
- Thế giống anh Ryuichiro, bạn trai chị Mayu thì sao? Như anh ấy cũng là một nhà văn đấy!
Tôi nói về Ryuichiro, một cây viết ít tiếng tăm sống cùng với Mayu cho đến khi nó mất. Trong số người quen, chỉ có cậu ta là nhà văn.
- Ừ, em rất nể phục anh ấy. Đúng là một nhà văn thực thụ.
Ryuichiro. Tôi bỗng nhớ đến câu chuyện trừu tượng rất khó hiểu của cậu ta.
- Sao? Em hiểu được những chuyện anh ấy viết à?
Tôi hỏi.
- Không hiểu lắm. Nhưng không hiểu sao, nhìn kỹ chúng có cảm giác rất dễ chịu. Như hương vị của hạnh phúc tỏa ra từ toàn bộ cuốn sách ấy...
- Vậy hả?
Tôi chưa từng có cảm nhận như thế. Lối hành văn nặng nề đôi lúc khiến người ta không biết người viết muốn gì.
- Có lẽ... nó giống với khuôn mặt chị Mayu lúc cười!
Nó nói. Ra vậy, giờ thì tôi đã hiểu. Tôi gật đầu đồng ý. Đó là một cái đẹp hoàn toàn riêng, mang trong mình nhiều chức năng phức tạp. Một cái gì đó hàm chứa tất cả, tinh tế, và duy nhất. Và chính bởi thế mà buồn khôn tả. Một cái gì đó thuần khiết, trong mát như hơi nước hòa với hương thơm của cả thiên nhiên. Tôi đã yêu khuôn mặt khi cười của nó xiết bao. Đến giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn mơ thấy khuôn mặt ấy. Tôi thèm muốn được nhìn thấy khuôn mặt đang cười ấy, dù chỉ một lần.
- Thôi được rồi, cố gắng viết một cuốn tiểu thuyết hay rồi cho chị xem nhé.
Tôi nói.
- Vâng.
Thằng bé gật đầu, nhìn nét mặt nó như của một người lớn.
- Nhưng này! Chị... tôi nói thêm. Chị rất mong em thành một chàng trai dễ mến. Không phải một anh chàng chỉ biết viết văn, còn ngoại hình và lối sống thì bê bối đâu nhé. Phải là một anh chàng vừa xinh trai vừa đáng yêu, lại còn viết văn hay nữa cơ.
- Được rồi, em sẽ cố gắng.
- Nhưng chị hỏi thật nhé. Có chuyện gì vậy? Sao tự dưng em nói năng như người lớn ấy, lại còn ghi ghi chép chép nữa chứ! Kể cho chị đi, chị sẽ không nói với mẹ đâu. Hứa đấy!
Tôi vừa cười vừa nói nhưng nó trả lời với một vẻ mặt rất nghiêm nghị.
- Có cái gì đó đã xảy ra trong đầu em!
- Sao?
- Trong mơ, một người sáng lấp lánh như một vị thần nói với em điều gì đó. Và thế là một cái gì đó đã xảy ra, đầu óc em cứ chuyển động không ngừng. Con người chúng ta ngày nào cũng ăn cơm, rồi đi vệ sinh, lông tóc không ngừng dài ra, và như thế, ta trở thành một thực thể chỉ tồn tại duy nhất một lần ở hiện tại, thế nhưng chẳng hiểu sao lại luôn nhớ về quá khứ hoặc lo lắng cho tương lai. Nếu thấy đó là điều kỳ lạ, thực sự thấy kỳ lạ thì viết ra một câu chuyện là cách duy nhất để thể hiện suy nghĩ đó. Và em có cảm giác trong khi viết về nhiều câu chuyện, của nhiều người khác nhau, ta sẽ hiểu rõ hơn những cảm nhận của chính mình.
Quả là những suy nghĩ sâu sắc. Tôi lặng người.
- Chị hiểu rồi. Chị sẽ luôn ủng hộ em. Nhưng nhớ nhé. Ước mơ của chị là khi em học đến cấp ba, em sẽ đưa bạn gái của mình đến hiệu Lazy Susan ở Hibiya Charter để mua quà cho cô ấy (là hệ thống cửa hàng bán đồ xa xỉ phẩm dành cho phụ nữ. Hibiya Charter là tên trung tâm mua sắm nằm trên phố Hibiya ở Tokyo), tốn tiền một chút cũng chọn cho cô ấy một món gì đó hay hay, sau đó đưa đi uống trà ở Tea-room, Seriinu (phòng trà của Celine - hãng hàng hiệu). Sao nào? Ước mơ gì mà tỉ mẩn quá phải không? Nhưng chị đã ước điều đó từ buổi sáng đầy tuyết trắng ngày em ra đời đấy.
- Em sẽ nhớ.
Thằng bé trả lời. Tôi yên tâm ngồi xuống sàn nhà, với tay lấy cuốn sách để cạnh đó. Tên sách là 100 điều bí ẩn có thật trên thế giới.
- Gì thế này?
- Cuốn đó hay lắm đấy nhá!
Mãi lúc này, nét con trẻ mới trở lại trên khuôn mặt nó.
- Để xem nào!
Tôi giở soàn soạt, xem lướt qua cuốn sách. Có một chuyện viết thế này.
"Người phụ nữ có hai trí nhớ.
Sau khi gặp phải một tai nạn giao thông. Merry Hector (42 tuổi) sống ở bang Texas bỗng có hai trí nhớ. Trước đó, cô là một phụ nữ có cuộc sống bình lặng cùng chồng là giáo viên cấp ba và hai cậu con trai. Một hôm, trên đường đi đón chồng, xe của cô bị một chiếc xe tài xế ngủ gật chạy ngược chiều tông vào. Bị thương nặng nhưng rất may cho cô là não không bị tổn thương. Tuy nhiên, khi xuất viện hai tháng sau đó, cô nhận thấy mình còn có thêm một trí nhớ nữa, ngoài trí nhớ của chính cô trước đây. Đó là trí nhớ của một thiếu nữ tên là Merry Soltan, sống ở bang Ohio, đã chết năm mười bảy tuổi vì viêm phổi. Cô nhớ được tên của mẹ cô gái, tên của ngôi trường trước đây cô gái theo học cho đến tất cả mọi chuyện nhỏ nhất của cô gái này, vì vậy, sau cùng cô đã quyết định nói với chồng mình. Nghe chuyện của vợ có nhiều chi tiết quá xác thực, anh chồng thử tìm hiểu và thấy đúng là ở Columbus, bang Ohio quả đã từng có một cô Merry Soltan như thế. Cô gái này đã chết vì viêm phổi ba năm trước khi vợ anh gặp tai nạn. Thi thoảng, người ta có nói đến chuyện người nào đó vẫn nhớ những chuyện đã xảy ra trong kiếp trước, nhưng trường hợp này thì quả là hy hữu. Sợi dây liên hệ duy nhất giữa hai người chỉ là cái tên giống nhau Merry, nhưng chừng đó là quá ít để lý giải cho hiện tượng kỳ lạ này".
- Chuyện cũng hấp dẫn đấy chứ!
Tôi nói sau khi xem xong.
- Em bảo rồi mà!
Thằng bé có vẻ đắc ý.
- Thế nhé anh bạn.
Tôi nói, gấp sách lại và ra khỏi phòng, an tâm vì thằng bé không có gì bất thường cả. Dãy hành lang tĩnh mịch trong không gian ngập tràn hơi thở của một đêm mùa đông. Trên lớp kính cửa dọc lối về phòng, tôi nhìn thấy rõ khuôn mặt mình, và cả những hình ảnh ký ức xa xôi...
Đêm đó tôi có một giấc mơ kỳ lạ.
Tôi đang ngồi, ngắm phong cảnh xung quanh. Bầu trời trong như một khối thạch mầu lam, xanh ngắt một cách đáng sợ và thăm thẳm như muốn nuốt chửng mọi thứ, một sắc xanh không gợn chút mây, chạy thẳng một mạch đến tận chân trời và đặc quánh tưởng có thể chạm vào được. Không khí khô rang. Mặt đất khô rang. Và mái nhà trơ trọi, nổi bật giữa khung cảnh rộng lớn đó như những mô hình. Từ bé tới giờ tôi chưa từng thấy một quang cảnh nào gây cảm giác bức bối đến vậy. Tôi ngồi xuống một băng ghế dài, giữa những cơn gió cuốn tung bụi và lặng ngắm xung quanh. Đầu kia băng ghế có một người phụ nữ đang ngồi. Trong giấc mơ, tôi biết rất rõ người phụ nữ đó. Đây là đâu? Texas ư? Không, không là đâu cả. Đó là nơi trời đất giao hòa trong vô tận, là nơi những giấc mơ hẹn gặp nhau. Những cơn gió khô và đượm vị ngọt không bao giờ ngừng thổi.
- Merry này! Hãy kể cho tôi nghe nếu chị biết điều gì về trí nhớ. Tôi... thực sự tôi cứ nghĩ mãi về chuyện của chị!
Tôi nói. Mắt cô ấy màu xanh, hòa lẫn vào màu da trời. Bỗng dưng tôi thấy buồn ghê gớm vì nhìn đâu cũng thấy cái màu xanh ấy. Hay đó chính là màu của hai trí nhớ gộp lại? Phải rồi! Đó chính là màu của biển ký ức, màu của những âm vang trong quá khứ vọng về.
- Tôi không thể nào nhớ ra được tôi của chính tôi là thế nào nữa. Nghe như đó chữ phải không?
Cô ấy nói bằng một giọng trầm trầm. Tôi nhìn mãi vào nếp nhăn hằn sâu nơi đuôi mắt của cô.
- Có những lúc chẳng có gì đặc biệt, như đang nấu bữa chiều trong bếp, hoặc đang ngắm ánh hoàng hôn, tự dưng tôi cảm thấy buồn vô hạn, cái cảm nhận về một nỗi buồn đau vô cớ nhưng tê tái ở đâu ùa đến, kết thành khối bóp nghẹt lấy lồng ngực. Những lúc như thế, tôi lại tự nhủ, có lẽ đó là tâm trạng sinh ra từ ký ức của cái cô Merry kia chứ không phải của tôi. Vậy là sự tồn tại của cô ấy, qua ký ức của cô ấy trong tôi, ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Dù sao thì tôi vẫn quý cuộc đời của mình hơn của cô ấy, một người đã phải bỏ lại mọi thứ giữa tuổi thanh xuân. Nhưng nói thế không có nghĩa là tôi oán hận gì chuyện trí nhớ hay linh hồn của cô ấy đến trú ngụ trong tôi cả.
- Thực ra thì có ai biết mình của chính mình trước đây là thế nào đâu. Tôi lơ đãng đáp lời, như thể đang tán chuyện gẫu. Tôi biết, cứ nghĩ thế sẽ chẳng có chuyện gì. Dù sao thì thỉnh thoảng cũng có những chuyện làm mọi thứ trước mắt như khác hẳn, khiến tôi cảm thấy yêu quý mọi thứ tôi nhìn thấy, từ khuôn mặt đứa em trai đến một ánh sao đêm tình cờ, cứ như thế tôi đã chết một lần để lại được hồi sinh.
Merry yên lặng gật đầu, rồi nhìn chằm chặp vào tôi, khẽ nhoẻn miệng cười. Tôi chợt nhận ra rằng, dù lúc này cô ấy đang nói cười trước mặt tôi như vậy nhưng chính cô ấy mới là người hiểu rõ ý nghĩa của những giây phút cạnh kề cái chết, hơn cả tôi. Không hiểu cảm giác lúc đó thế nào nhỉ? Tôi cố hình dung. Thật đáng sợ, cái cảm giác mọi thứ trước mắt cứ trải rộng ra mãi đến vô cùng, cộng với ký ức về sự trải nghiệm mùi vị cái chết mà ta biết chắc một lúc nào đó sẽ lại đến.
- Mặc dù đôi lúc cũng có chuyện như vậy và những ngày đầu tôi cũng có những cảm nhận kỳ lạ và suy nghĩ lung lắm, nhưng phải thừa nhận cũng có chút thích thú khi nghĩ rằng giờ đây có tới hai con người cùng ngắm nhìn thế giới xinh đẹp này qua đôi mắt của tôi.
Merry nói với vẻ hạnh phúc. Từ không trung, vài giọt nước rơi xuống.
- Mưa bóng mây này... Tôi khẽ nói.
Từ trong những dải mây trắng mỏng tang như sắp tan ra giữa tầng không xanh thẳm, những giọt nước mưa xuyên qua những tia nắng thẳng tắp nối đuôi nhau rớt xuống, như những mảnh vỡ của ánh sáng. Phút chốc, mặt đất đẫm nước, hai mái tóc đen và vàng của chúng tôi cùng ướt sũng. Từng giọt nước mưa như vừa trút bỏ lớp áo khoác lạnh giá, xuyên qua làn không khí ấm áp rơi xuống, yên lặng như thể chính chúng cũng đang lặng ngắm cảnh vật xung quanh, lóng lánh như được chiếu rọi bởi hàng ngàn tia sáng. Vạn vật bừng lên trong khung cảnh rạng ngời. Từng giọt nước mưa lăn dài trên má mà tôi tưởng như mình đang khóc vì niềm vui sướng và cảm giác choáng ngợp.
- Có thể, ngay lúc này, đang có tới bốn người đang ngắm nhìn đất, trời, mây, mưa đấy!
Tôi nói, và Merry khẽ gật đầu.
Tỉnh dậy, tôi vẫn còn luyến tiếc cái sắc xanh của bầu trời cùng những giọt ánh sáng đến từ khoảng không vô tận đó. Một giấc mơ thật đẹp. Không hiểu sao, tự nhiên tôi cảm thấy mình hàm ơm một điều gì đó. Đúng vậy!
Amrita Amrita - Banana Yoshimoto Amrita