This will never be a civilized country until we expend more money for books than we do for chewing gum.

Elbert Hubbard

 
 
 
 
 
Tác giả: Emile Chartier
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 95
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2309 / 37
Cập nhật: 2017-08-29 16:36:29 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 65: Épictète
ạt bỏ hết mọi suy nghĩ sai lầm là hết khổ sở.” Épictète đã nói như thế. Lời khuyên thật chí lý cho tất cả những ai cứ mong đợi dải ruy-băng đỏ gắn huy chương rồi nằm đó mà thao thức trằn trọc vì nghĩ mình chẳng được nhận. Đó là vì anh ta khoác lên dải ruy-băng một tầm quan trọng thái quá, người nào nhìn nhận nó đúng với bản chất của nó, một ít lụa, một ít phẩm nhuộm màu, thì sẽ không vì nó mà bấn lên. Epictète có cả kho ví dụ hiểm hóc, chẳng hạn như chuyện một người bạn khoác vai ta đầy thiện ý và nói: “Trông cậu đến là ủ ê chỉ vì không được ngồi đúng chỗ mà cậu muốn trong đấu trường này, chỗ mà cậu cho rằng phải được dành cho cậu”, anh ta bình phẩm. “Vậy lại đây xem nào, giờ trường đấu đã trống không rồi; đến sờ cái phiến đá tuyệt diệu này này; mà cậu ngồi lên đó luôn cũng được.” Phương thuốc là như nhau cho mọi nỗi sợ hãi và mọi cảm giác gây ức chế; cần phải đi thẳng vào sự việc xem thực chất đó là cái gì.
Vẫn là Épictète nói với người qua đường: “Anh sợ cơn bão này cứ như anh phải hút cạn biển cả không bằng; nhưng, anh bạn thân mến ơi, chỉ cần hai gáo nước là anh chết chìm rồi còn đâu.” Rõ ràng những đợt sóng khủng khiếp phản ánh rẩt kém hiểm nguy thực tế. Người ta hay nói và nghĩ “biển cả hung hãn, vực sâu gầm thét, những con sóng điên cuồng, đe dọa, tấn công.” Điều đó không hề đúng. Đó chỉ là những cơn lúc lắc chao đảo vì trọng tải con tàu, vì thủy triều hay gió rít; chẳng có số phận hẩm hiu nào; không phải âm thanh kia hay chuyển động kia sẽ kết liễu đời anh; chẳng có định mệnh nào cả; người ta có thể thoát khỏi một vụ đắm tàu nhưng lại chết chìm trong một vũng nước lặng. Vấn đề thực chất là thế này: anh có ngoi đầu lên khỏi mặt nước mà tìm lối thoát hay không? Tôi đã nghe kể rằng những thủy thủ lão luyện, khi tiến đến gần một mỏm đá định mệnh nào đó, thì nằm dài xuống thuyền rồi che mắt lại. Như vậy chính những câu chuyện về mỏm đá định mệnh đã giết chết họ. Thi thể họ, dạt lên cũng chính bãi biển ấy, là chứng tích của suy nghĩ sai lầm. Người nào chỉ đơn giản nghĩ đến những mỏm đá, những dòng thủy lưu, những vùng nước xoáy, tóm lại là nghĩ đến những sức mạnh gắn kết với nhau và hoàn toàn có thể giải thích được, thì hẳn sẽ thoát khỏi cảm giác kinh hoàng và có lẽ thoát khỏi tai họa nữa. Chừng nào mà ta còn suy xét được thì chừng ấy, tại một thời điểm nào đó, ta chỉ nhìn thấy duy nhất một mối hiểm họa nào đó mà thôi. Người đấu tay đôi khôn khéo sẽ không hề run sợ, bởi anh ta thấy rõ mình và đối thủ đang làm gì; nhưng nếu anh ta tự nộp mình cho số phận, thì chưa cần đến lưỡi gươm, cái nhìn đen tối rình rập xung quanh đã đâm trúng anh ta rồi; và nỗi sợ này còn kinh khủng hơn cả tai ương.
Một người bị sỏi thận sắp được phẫu thuật cứ tưởng tượng một khoang bụng bị mổ banh ra và máu ồng ộc chảy. Nhưng bác sĩ phẫu thuật thì không. Ông biết rằng mình sẽ không cắt đi một tế bào nào; ông chỉ tẽ các tế bào trong cái bầu đoàn đông đảo ấy ra để lách lấy lối đi; có thể ông sẽ để rỉ ra một ít thứ chất lỏng đỏ tươi bao quanh chúng, nhưng chắc còn ít hơn so với một vết đứt tay không được băng cẩn thận. Ông biết đâu là những kẻ thù thực thụ của các tế bào, những kẻ thù khiến chúng phải cấu tạo nên lớp mô dày làm sắt cũng phải bật ra; ông biết rằng kẻ thù ấy, con vi khuẩn ấy, đang ở trong viên sỏi chặn đường bài tiết tự nhiên; ông biết rằng lưỡi dao của mình mang lại sự sống chứ không phải cái chết; ông biết rằng một khi kẻ thù bị đẩy lui, toàn bộ chu trình sẽ phục hồi ngay tắp lự, giống như khi ta thấy một vết đứt được làm sạch lành nhanh chẳng kém gì lúc nó xảy ra. Tự hình thành trong đầu những ý nghĩ đó, loại bỏ những suy nghĩ sai lầm ra, có làm như thế thì bệnh nhân cũng không khỏi sỏi thận; nhưng ít ra thì anh ta cũng khỏi bệnh sợ hãi.
10 tháng mười hai 1910
Alain Nói Về Hạnh Phúc Alain Nói Về Hạnh Phúc - Emile Chartier Alain Nói Về Hạnh Phúc