People say that life is the thing, but I prefer reading.

Logan Pearsall Smith, Trivia, 1917

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Thanh Hải
Số chương: 108 - chưa đầy đủ
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5810 / 96
Cập nhật: 2016-04-25 23:39:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
102 - Điệp Vụ Săn Lùng Vĩ Đại Của Điệp Viên Thượng Đẳng
háng 2-1964, Yuri Nosenco, một điệp viên KGB đã phản bội Tổ quốc đến ngôi biệt thự thiên đường trong mộng của anh ta. Nó khác hoàn toàn với cuộc sống khó khăn và thiếu thốn ở Liên Xô. CIA tìm mọi cách để kẻ phản bội kia hài lòng. Chúng tận tình cung cấp cho Nosenko những điếu xì gà Cu Ba hảo hạng, thường xuyên đưa anh ta tới du lịch ở Baltimore và Washington D.C. Tại đây, Nosenko qua đêm với các gái điếm cao cấp do CIA tuyển chọn. Nhưng chỉ một tháng sau, khi Nosenko vừa kịp bén hơi vào cuộc sống sung sướng thì mọi thứ bất chợt kết thúc chỉ trong một đêm. Trong khi đang ngủ say sưa thì anh ta bất chợt bị bốn người đàn ông gí súng vào đầu. Bọn họ còng tay và lôi anh ta ra ngoài rồi tống cổ vào một thùng xe tải. 5 tiếng sau, Nosenko bị ném vào một thế giới hoàn toàn khác nơi anh ta vừa rời khỏi. Phải đến 3 năm sau, Nosenko mới tìm ra câu trả lời. Trong suốt 3 năm bị giam giữ, anh ta thường xuyên chịu các trận tra tấn tâm lý khủng khiếp, các đợt hỏi cung dồn dập và nỗi ám ảnh rằng tình thế tồi tệ này sẽ kéo dài mãi mãi.
Những điều xảy ra với Nosenko chính là một trong những điều nhục nhã nhất trong lịch sử tình báo Hoa Kỳ. Câu chuyện của Nosenko xảy ra tại một trong những thời gian cực kỳ tăm tối trong trận chiến tình báo thời Chiến tranh lạnh. Cuộc chiến này nổ ra khi Angleton phát hiện ra mình đã để Kim Philby lừa bịp.
Thời còn học ở Đại học Yale, Angleton điều hành một tạp chí văn học của nhà trường và là nhà thẩm mỹ học số một trong các sinh viên tại đây. Sau đó, anh ta được tuyển mộ vào phòng X-2 (phản gián) của OSS (Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ - giải thể năm 1945). Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, chàng thanh niên 28 tuổi này có một bảng dày đặc thành tích đập tan các điệp vụ của Đức và điều tất nhiên là anh ta đã gia nhập CIA và trở thành một trong những nhân vật nổi bật nhất thời kỳ này. Angleton được trao cho đặc quyền rất lớn nhằm đảm bảo không cho KGB thâm nhập vào CIA. Và cũng chính nhiệm vụ đã đưa đẩy họ - Angleton đến với Philby - sếp mới của MI-6 ở Washington năm 1949.
Do có quan hệ công tác gần gũi, Angleton và Philby dần thân thiết. Angleton trở nên ngưỡng mộ tài năng của Philby và chưa bao giờ dám nghi ngờ lòng trung thành của Philby dành cho nước Anh. Năm 1951, sau vụ phản bội của Guy Burgess và Donald Maclean (hai trong số nhóm người Anh quyền lực làm việc cho Liên Xô) thì các nhân viên CIA bắt đầu nghi ngờ Philby chính là nhân vật thứ ba, kẻ đã báo động để Maclean chuồn sớm và cũng là một gián điệp KGB. Angleton cực lực bảo vệ cho Philby do anh ta luôn tin vào cảm tính của mình. Giác quan thứ sáu bảo Angleton rằng, Philby trung thành, do đó chắc chắn Philby không thể nào là kẻ phản bội. Cơn lốc lên đến đỉnh điểm vào năm 1955 khi các bằng chứng thu thập được chỉ rõ Philby là một điệp viên nằm vùng của KGB. Từ lúc đó, trong đầu Angleton hình thành một giả thiết về vụ lừa đảo tinh vi có quy mô lớn của KGB nhằm vào phương Tây.
Tháng 12 năm đó, một nhân viên KGB tên là Anatoli Golitsin đã phản bội và chạy đến cơ sở của CIA ở Helsinki. Nhờ trước đây làm việc ở trụ sở đầu não của KGB liên quan đến các điệp vụ Tây Âu, Golitsin có cơ hội xem chi tiết danh sách những điệp viên do KGB tuyển mộ. Kết quả là hàng tá điệp viên bị lộ mặt, trong đó nổi bật nhất là nhóm điệp viên có mật danh SAPPHIRE hoạt động trong thượng tầng Chính phủ Pháp. Người này cũng cung cấp những bằng chứng cuối cùng cho thấy Philby làm gián điệp cho KGB từ năm 1934. Điều này khiến Philby phải chạy trốn sang Moskva. Tuy nhiên, những tiết lộ trên chỉ có tầm quan trọng thứ yếu. Giá trị thực sự của Golitsin - theo quan điểm của Angleton - nằm ở những hiểu biết của người này về âm mưu "đen tối" của KGB nhằm phá hoại tình báo phương Tây. Được đà, Golitsin rỉ tai Angleton về một cuộc họp đặc biệt của KGB diễn ra ở Moskva năm 1959 mà hắn ta có may mắn tham gia. Trong cuộc họp này, các quan chức cao cấp KGB phác thảo một kế hoạch "tác động đến nền tảng sức mạnh lý trí của kẻ thù". Cũng theo Golitsin thì kế hoạch này gồm việc tạo nên một làn sóng những kẻ trá hàng, nhằm tạo ra luồng thông tin giả, đánh lạc hướng phương Tây. Và đúng như Golitsin dự đoán, đầu năm 1964, một sĩ quan tình báo KGB đã tìm đến CIA, người này tên là Yuri Nosenko.
Nosenko từng phục vụ cho tình báo Hải quân. Ba năm sau đó, người ta tiếp tục thuyên chuyển Nosenko đến KGB. Vào thời điểm này, làm việc cho KGB được coi là một lựa chọn sáng suốt. Vì KGB đóng một vai trò đặc biệt trong xã hội nên các nhân viên của cơ quan này được hưởng rất nhiều ưu đãi cũng như đặc quyền. Nhưng đến năm 1962, Nosenko tỏ thái độ bất mãn và quyết định bắt liên lạc với CIA. Khi được cử theo một phái đoàn Xô Viết đến Genève tham gia hội nghị giải trừ quân bị, Nosenko xác định được một nhân viên CIA nằm trong phái đoàn Mỹ và ra hiệu muốn nói chuyện. Một lát sau, tại một căn cứ an toàn của CIA, Nosenko tuyên bố anh ta muốn làm gián điệp cho Mỹ nhưng không muốn có bất cứ cuộc gặp gỡ nào với các điệp viên CIA còn cắm trên đất Liên Xô. Sau khi tiết lộ tung tích vài điệp viên KGB hạng "ruồi", để chứng tỏ thiện ý của mình, Nosenko hứa sẽ liên lạc nếu có thêm tin tức quan trọng, rồi anh ta quay trở lại với phái đoàn Liên Xô. Một thời gian sau đó, CIA không nhận được tin tức gì từ Nosenko, nhưng số phận anh ta đã bị một tên phản bội khác - Antoli Golitsin - định đoạt. Sau khi được tường thuật lại chi tiết buổi gặp gỡ của Nosenko với CIA, Golitsin ngay lập tức coi đây là vụ trá hàng. Hắn coi câu chuyện rác rưởi của Nosenko chỉ là một loại cổ tích hiện đại nhằm che giấu tung tích siêu điệp viên KGB đang ẩn náu trong hàng ngũ CIA, kẻ đang lật tẩy hàng tá gián điệp CIA đang hoạt động ở Moskva dưới vỏ bọc ngoại giao. Hắn dự đoán tiếp là Nosenko rồi sẽ chạy trốn sang Mỹ với nhiệm vụ đặc biệt là phá hoại uy tín của Golitsin.
Ngày 4-2-1964, Nosenko lại xuất hiện ở Genève và bắt đầu liên lạc với CIA. Anh ta nói vừa nhận được bức điện triệu hồi về Moskva, một dấu hiệu cho thấy chắc chắn anh ta đã bị nghi ngờ. Anh ta tuyên bố ý định muốn bỏ trốn ngay lập tức. Để chứng tỏ giá trị của mình, Nosenko liền tiết lộ một bí mật bất ngờ. Theo lời Nosenko, vài năm trước có một người Mỹ bất mãn tên là Lee Harvey Oswald đến sống ở Liên Xô. Nosenko được cử đi theo dõi xem liệu đây có phải là người của CIA hay không. Anh ta kết luận là không. KGB đã có ý định tuyển mộ người này nhưng lại thôi vì thấy đây là người thần kinh có vấn đề. Do đó, họ không quan tâm đến Oswald nữa, thậm chí còn cho phép anh ta quay trở lại Mỹ với cô vợ người Nga.
Tình thế Nosenko giờ lại càng đen tối hơn. Golitsin khẳng định nếu Nosenko là một phần của kế hoạch đánh lừa của KGB thì tất cả những điều về Oswald là dối trá. Theo lý luận của Angleton, KGB gửi Nosenko đi trá hàng nhằm đạt nhiều mục đích một lúc, mà một trong số đó là thuyết phục CIA rằng, Nga chẳng liên quan gì đến Oswald cả. Do đó, Angleton suy ra chắc chắn KGB có liên hệ với Oswald và có thể đã đạo diễn vụ ám sát Tổng thống Kennedy.
Khi chiếc máy bay chở Nosenko hạ cánh xuống Washington, anh ta không biết giông tố đang đợi phía trước. Những đối xử tử tế ban đầu có chủ định làm mềm ý chí kẻ phản bội, làm cho anh ta không được chuẩn bị những thử thách sắp đến. Khi bị giam giữ, Nosenko phải trải qua hàng loạt những loại tra tấn tinh thần làm tê liệt ý chí, khiến anh ta phải thú nhận những giả thiết do Angleton nghĩ ra là sự thật: Yuri Nosenko là kẻ trá hàng nằm trong kế hoạch của KGB có nhiệm vụ đánh lạc hướng CIA về sự dính líu của Nga trong vụ ám sát Tổng thống Kennedy. Thế nhưng, không một biện pháp nào phát huy tác dụng. Hai cai ngục bèn thay đổi nhiệt độ phòng giam từ cực nóng đến lạnh, lôi anh ta dậy để thẩm vấn vào những giờ hết sức quái gở, thỉnh thoảng lại bỏ đói kẻ phản quốc trong vài tuần, không cho hút thuốc, chiếu sáng phòng giam suốt cả ngày để anh ta không ngủ được, gặp gỡ các tên hỏi cung hung tợn dọa giết anh ta bất cứ lúc nào mà không ai hay. Để chắc chắn hơn, toán thẩm vấn còn trưng ra cho Nosenko vài bằng chứng mà "Điện triệu hồi" là một ví dụ điển hình. Qua một cuộc kiểm tra từ Cục An ninh quốc gia Mỹ (NSA) - cơ quan đã theo dõi phái đoàn Xô Viết trong suốt cuộc đàm phán giải trừ quân bị - thì không hề có bức điện nào có nội dung như Nosenko khai báo được gửi từ Moskva. Việc anh ta tuyên bố mình là một đại tá lại là sự dối trá nữa. Thực tế anh ta là thiếu tá. Nosenko thừa nhận anh ta đã nói dối nhưng chỉ nhằm mục đích làm tăng tầm quan trọng của bản thân để CIA sớm đánh tháo anh ta đến Mỹ mà thôi. Và cho dù phải chịu thêm các cực hình tàn khốc thế nào đi nữa thì Nosenko vẫn khăng khăng không chịu thay đổi lời khai, nhất quyết chỉ khai anh ta thực sự là một kẻ đào tẩu, rằng Lee Harvey Oswald là một gã mất trí mà KGB không muốn thâu nạp. Còn đối với Golitsin, theo lời Nosenko - thì KGB vui mừng vì đã tống khứ được hắn đi. Đấy là một gã tự cao tự đại đã có lần kiến nghị thay đổi toàn bộ cấu trúc ngành Tình báo Xô Viết mà trong đó hắn sẽ là người lãnh đạo cao nhất.
Sự bướng bỉnh không chịu nhận tội ở đây được Angleton hiểu là Nosenko quyết tâm hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Do không giải quyết được vụ Nosenko nên Angleton và Golitsin quyết định dành thời gian để tìm ra có bao nhiêu điệp viên trong số đã bị Golitsin khai quật từ đống hồ sơ cá nhân của CIA. Đầu tiên, con số kẻ bị tình nghi lên đến 120, rồi giảm 50 và danh sách cuối cùng còn 16. Cơ sở duy nhất để nghi ngờ 16 sĩ quan CIA với tội danh nghiêm trọng làm gián điệp chỉ là quá trình Golitsin nghiên cứu hồ sơ cá nhân. Bằng một sự suy diễn bí hiểm mà chỉ có Angleton mới hiểu được, Golitsin đưa ra kết luận xem ai là gián điệp của KGB bằng cách chỉ ra những chi tiết mà hắn gọi là manh mối không thể nhầm lẫn được nằm trong hồ sơ cá nhân của người này.
Sau khi cuộc truy tìm điên rồ của Angleton diễn ra một thời gian thì bộ máy CIA bị phá hoại tả tơi. Họ không phát hiện ra bất cứ gián điệp nào. Mặc dù vẫn bị giam cầm khổ sở nhưng Nosenko không chịu đổi lời khai trong khi các nhân viên phản gián không tìm ra được bằng chứng nào để kết tội kẻ nghi phạm cứng đầu này. Các vị lãnh đạo cao cấp CIA bắt đầu cảm thấy bồn chồn, ra lệnh cho Angleton phải giải quyết dứt điểm vụ Nosenko ngay lập tức sau vòng thẩm vấn, cuối cùng Nosenko được thả. Lo lắng vụ này bị phanh phui, CIA trao cho Nosenko một tấm séc 30.000 USD và để hắn làm tư vấn tại cơ quan tình báo này. Trong khi đó, Giám đốc CIA, Richard Helm triệu tập một cuộc họp kín nhằm xét lại trường hợp Nosenko. Kết luận cuối cùng của họ là Nosenko thực sự là một tên phản quốc chạy trốn.
Lúc Nosenko được minh oan cũng là khởi điểm cho sự kết thúc của Angleton cùng cánh tay phải Golitsin. Ngày càng nhiều lời phàn nàn về Angleton. Năm 1974, Giám đốc mới của CIA, William Colby khám phá ra vụ Giám đốc Cục Phản gián đã phạm phải rất nhiều trọng tội trong "công cuộc bảo vệ" CIA khỏi các điệp viên KGB hư ảo mà trong đó có việc giam giữ trái phép Nosenko. Angleton còn cả gan phá luật để đặt máy nghe trộm tại tư gia các sĩ quan CIA mà ông ta tình nghi, cũng như bóc trộm thư tín. Người ta buộc Angleton từ chức và chấm dứt hợp tác với Golitsin.
Thế là cuộc "săn lùng vĩ đại" chấm dứt. Một năm sau, người kế vị Angleton là George Kalaris đã tổ chức một buổi nói chuyện bất ngờ. Nội dung của nó là các kỹ thuật phản gián của Liên Xô, còn diễn giả là Yuri Nosenko! Sau đó, các nạn nhân - những nhân viên CIA bị cuộc săn lùng điệp viên tàn phá sự nghiệp - được lặng lẽ bồi thường. Còn Angleton, cho đến lúc chết (cuối năm 1987) vẫn tiếp tục khăng khăng mình hoàn toàn làm đúng. Nếu còn sống, chắc chắn Angleton sẽ hết sức ngạc nhiên nếu biết được một trong những di chứng mà cuộc chiến do ông ta phát động để lại. Đó là một bản báo cáo dài lê thê được đọc sau một buổi họp diễn ra ngay sau khi ông ta mất ghế nhằm đánh giá những hậu quả của cuộc chiến gián điệp gây ra. Trước hết, nó chỉ ra rằng CIA đã phải chịu những tổn thất nặng nề có thể là do kết quả của một điệp vụ phá hoại của KGB, một điệp vụ được chỉ đạo bởi một siêu điệp viên thượng đẳng của KGB nằm ở tầng chóp của CIA - đó là Angleton!
108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới. 108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới. - Đoàn Tử Huyến (Chủ Biên) 108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới.