No man can be called friendless who has God and the companionship of good books.

Elizabeth Barrett Browning

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Thanh Hải
Số chương: 108 - chưa đầy đủ
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5810 / 96
Cập nhật: 2016-04-25 23:39:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
74 - Heinz Felfe (Sinh Năm 1918) - Những Bước Ngoặt Gian Truân
à con trai giám đốc cảnh sát Dresden, năm 13 tuổi, tức năm 1931 anh tham gia liên đoàn quốc gia xã hội chủ nghĩa của học sinh, năm 1936 trở thành thành viên đội quân đặc biệt SS được coi là "tổ chức hào hiệp và đàng hoàng" (từ đây về sau những đoạn có ngoặc kép là trích trong hồi ký của Heinz Felfe). Anh chân thành cho rằng "Tất nhiên, Hitler đã mang đến cho nhân dân Đức cái mà nhân dân cần đến trong thời kỳ mờ mịt của nước cộng hoà Veymar: một mục đích rõ ràng, một trật tự và kỷ luật nghiêm ngặt".
Năm 1939, sau mười ngày tham gia chiến tranh với Ba Lan, Felfe bị viêm phổi, giải ngũ, sau đó lại được động viên và được đưa tới Berlin học tập với tư cách là một cán bộ kế cận lãnh đạo đội cảnh sát bảo vệ nằm trong SS. Anh cảm thấy mình là người đại diện cho "lớp tinh hoa của quốc gia có trách nhiệm thực hiện những đường hướng lớn lao trong vai trò lãnh đạo quốc gia Đức...". Đồng thời anh cũng "nhận thấy những mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm của giới lãnh đạo đất nước, nhưng coi đó là căn bệnh tất yếu trên đường phát triển...".
Việc nước Đức tấn công Liên Xô đã làm anh lo âu, bối rối. Thứ nhất, với tư cách là luật gia tương lai, anh không thể hiểu nổi vì sao giới lãnh đạo đất nước lại có thể chà đạp lên hiệp định không tấn công lẫn nhau ký ngày 23-8-1939. Thứ hai, khi nhìn lên bản đồ, anh không khỏi ngạc nhiên, làm sao họ dám đánh nhau với một đất nước rộng lớn đến như thế.
Heinz đã dự thi vượt thời hạn và đã thành công, đến tháng 3 năm 1943 anh đã trở thành cố vấn của cảnh sát hình sự. Cuối tháng 8 năm 1943 anh được chuyển vào Cục VI của Tình báo Đối ngoại. Vì thiếu cán bộ nên Heinz được đề bạt ngay vào cương vị lãnh đạo, mặc dù anh không có một chút ấn tượng nào về công tác tình báo. Là người năng nổ và hiếu học, anh nghiên cứu đủ mọi thứ, thậm chí cả những thứ chẳng liên quan gì đến phần việc của anh, như thế anh lập tức phá vỡ mệnh lệnh nổi tiếng số 1 của Hitler: Không ai được biết nhiều hơn những điều được yêu cầu cho công tác trực tiếp của người đó.
Người lãnh đạo Cục VI là Valter Shellenberg, chưa đầy ba mươi tuổi. Sau thất bại của trùm tình báo Đức là đô đốc Canaris, Cục VI đã được bổ sung nhiều tình báo quân sự. Felfe là trưởng phòng tin VI B-3 phụ trách Thụy Sĩ và Lihtenshteyn. Công việc được tiến hành theo ba hướng: thu thập thông tin, đánh giá và sử dụng thông tin, lập phiếu và lưu trữ. Các nguồn thông tin tình báo nước ngoài nhận được cái gọi là "số V" (chữ cái đầu tiên của từ Đức (vertrauensperson) - "tín nhân". Các điệp viên đều có số riêng bắt đầu từ số mã của điệp viên nằm vùng (thí dụ, đối với Thuỵ Sĩ là 79). Việc bảo mật được đặt ra chu đáo, tên thật của điệp viên chỉ có người cùng hợp tác mới biết, thậm chí thủ trưởng cũng không biết. Nhưng cũng có những nguồn thông tin không có chữ "V". Họ thuộc nhóm những điệp viên cần được nguỵ trang đặc biệt cẩn thận, mặc dù họ không phải là tín nhân, cũng không phải là điệp viên. Họ có quan hệ với ban lãnh đạo tình báo Đức, đặc biệt với chính Shellenberg, có thể họ đã được cấp trên cho phép. Thí dụ, một trong số những người này là giám đốc tình báo quân sự Thụy Sĩ, tướng Rozhe Masson, có mã số là Zommer-1. Những cuộc tiếp xúc như vậy giữa các cơ quan mật vụ được tiến hành khá thường xuyên, cả Shellenberg và cả Felfe đều biết rằng Masson đang duy trì mối quan hệ tương tự với người Mỹ và người Anh.
Mỗi thông tin đều được đánh giá theo hệ thống 6 điểm (điểm 6 là thấp nhất). Sau này trong thời Gehlen các chữ cái từ A đến F được dùng để đánh giá tình hình và độ tin cậy của nguồn thông tin. Nếu nói đến các cuộc hội đàm chính phủ, thì A là người tham gia, B là phiên dịch, C là thư ký, D là nhân viên thường, E và F biểu thị loại thông tin tiêu cực, trong đó nguồn tin đặt dưới chữ F là không đáng tin cậy. Đặc biệt quan trọng là những thông tin của các nhóm ngoại giao, những tin này được truyền ngay về chính phủ.
Khi Heinz Felfe bắt đầu công việc, ở Thụy Sĩ chỉ có 3 tình báo Đức - điệp viên nằm vùng Karl Daufelt và 2 cô thư ký (một cô là nhân viên điện đài), trong khi Cục Tình báo tính ra phải có 18. Shellenberg ra chỉ thị nghiêm ngặt tiến hành công việc chống Thụy Sĩ, chỉ sử dụng những khả năng của nó để hoạt động do thám chống các nước thù địch.
Kẻ thù cơ bản của Felfe là điệp viên Anh Kable, nhưng chẳng bao lâu sau anh khẳng định rằng không thể bám vào hắn được. Tình báo Anh có nhiều tiền hơn hẳn tình báo Đức. Người Đức không cho tình báo hưởng tiền mà cung cấp cho họ thuốc insulin, họ sẽ bán đi mà sống. Để hải quan không cho là buôn lậu, họ được cấp chứng chỉ y tế chứng nhận mắc bệnh tháo đường. Để kiếm được ngoại tệ, anh chơi với một bác sĩ tên là Vernet, ông ta sản xuất thuốc nội tiết. Những thuốc này dự tính bán ở Thụy Sĩ, nhưng ý tưởng này không thành hiện thực. Về sau Felfe hoảng sợ thấy rằng người ta đã đem thuốc của bác sĩ Vernet để thí nghiệm vào tù nhân ở các trại tập trung.
Việc tài chính chỉ là một phần công việc tình báo. Thông qua các điệp viên của mình ở Thụy Sĩ người Đức vẫn nhận được những thông tin chính trị. Nhưng tình hình nước Đức cứ xấu dần đi, làm ảnh hưởng rõ rệt đến chất lượng và tính chất các thông tin tình báo. Tuy nhiên, đường dây của Felfe đã nhận được tin tức nói rằng Thụy Điển có ý định tiếp tục giữ nguyên tình trạng trung lập. Họ cũng tìm được cách giải mật mã các bức điện đàm của Đại sứ quán Mỹ ở Thụy Sĩ với Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, mọi thông tin đều có ít tác dụng. Hitler, Ribbentrop, Himmler đều không muốn tin họ, vì những thông tin đó không phù hơp với bức tranh riêng dứt khoát đã hình thành của họ. Tính khách quan không ai cần đến.
Việc mở ra mặt trận thứ hai, vụ mưu sát Hitler ngày 20-7-1944 đã buộc Felfe phải suy nghĩ. Anh có mặt trong phiên toà xử nhóm mưu sát, nhưng nhóm này làm anh có cảm tình.
Felfe muốn thiết lập ở Thụy Sĩ mối quan hệ với người Mỹ, và anh cũng biết được ý đồ của người Mỹ ngay từ đầu. Felfe cài được điệp viên của mình vào chỗ Dulles. Điệp viên này có biệt danh "Gabriel", một người Đức trẻ tuổi, giả làm người chống chế độ quốc xã. Dulles cởi mở nói với anh ta rằng cuộc đại chiến thế giới tiếp theo sẽ là cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô. Dulles là người rất hay chuyện và đã để lộ cho Gabriel nhiều chi tiết các cuộc hội đàm ở Thụy Sĩ giữa ông ta với tướng Volf vào mùa xuân 1945. Trong hồi ký của mình Dulles viết rằng việc chảy máu thông tin diễn ra thông qua một điệp viên ở khu vực Kaltenbrunner, mặc dù trên thực tế chính ông ta là người có tội.
Ngoài Gabriel, Felfe còn có những điệp viên khác. Mọi thông tin về các cuộc tiếp xúc ở Thụy Sĩ anh đều báo trực tiếp cho Shellenberg. Chính trong giai đoạn này Felfe biết rằng Mỹ có ý đồ chia nước Đức ra nhiều quốc gia nhỏ, trong khi Liên Xô giữ quan điểm một nước Đức thống nhất yêu chuộng hoà bình. Anh có cảm tình ngay với Liên Xô.
Felfe đã nhìn thấy trước là nhà nước phát xít sụp đổ. Một hôm anh được làm quen với một số tài liệu về những tội ác dã man của bọn Hitler ở các vùng lãnh thổ bị chúng chiếm đóng, về việc tàn sát những người Do Thái. Anh hoàn toàn khẳng định được tính chất tội lỗi của tình báo Đức và quyết định rời bỏ công việc. Cơ hội đã đến. Trước Noel 1944, trong một cuộc phản công của quân Đức ở Ardennakh, anh được yêu cầu tham gia vào việc đưa những người tình nguyện Đức vào hậu phương quân Đồng minh. Tuy nhiên, nhiệm vụ đó bị bãi bỏ, và Felfe phải ở lại Hà Lan, tại đây anh lại rơi vào Cục VI tình báo Đức, nhưng hoạt động ở vòng ngoài. Anh ở đó cho đến hết chiến tranh. Những cuộc ném bom tàn khốc vô nghĩa lý của quân Anh-Mỹ trên quê hương Dresden của anh những ngày 13-15 tháng 2 năm 1945 khiến anh rùng mình, khi có hàng chục ngàn người bị giết chết, và trong nhận thức của anh có sự chuyển dịch lớn lao về phía Liên Xô là đất nước không bao giờ áp dụng những hành động tương tự chống lại dân thường.
Ngày 8-5-1945 với tư cách chỉ huy trung đội quân Đức rút lui, Felfe đã bị quân Canada bắt làm tù binh. Là một cựu nhân viên tình báo V bị tra hỏi nhiều lần. Người thẩm vấn có cảm tình với anh. Không hiểu vì lý do này hay còn vì những lý do nào khác mà người ta thừa nhận rằng anh vẫn có ích cho cơ quan trong ngành công an của nước Đức mới. Felfe nhớ lại rằng những người như anh có nhiều lắm. Những người Anh, Mỹ không giấu giếm rằng họ còn có ích trong cuộc chiến tranh chống Liên Xô. Người ta thậm chí còn giữ lại cả những đơn vị quân Đức, tổng số có tới ba triệu người dưới sự chỉ huy của các tướng lãnh Đức. Mãi đến năm 1946 các đơn vị này mới bị giải tán sau khi Liên Xô kiên quyết phản đối.
Felfe được đưa từ Hà Lan về Đức. Ngày 31-9-1945 anh được trả tự do ở thành phố Myunster và được giấu đi quá khứ SS. Từ sau khi bị tù, Heinz Felfe trở thành người chống phát xít, chống quân phiệt kiên định. Anh cho rằng tương lai của nước Đức là ở phương Đông, trong tình hữu nghị với Liên Xô, và anh muốn đóng góp phần mình. Felfe trở thành nhà báo, vừa là nghề kiếm sống, vừa cho phép anh đi khắp các vùng bị chiếm đóng, làm quen với cả Konrad Adenauer ở cạnh nhà anh và với nhiều chính khách khác nữa. Đồng thời anh còn học tập ở khoa nhà nước và pháp quyền của đại học tổng hợp Bonn. Felfe đã tích luỹ được nhiều thông tin về việc khôi phục tiềm năng quân sự ở Tây Đức, những thông tin mà người ta không viết trên báo và không nói ra trong nghị viện. Ngay từ năm 1949, Felfe đã có quan hệ với các sĩ quan Xô Viết, họ gây cho anh ấn tượng tốt về mặt thuần tuý con người. Nhưng phải hai năm sau anh mới "nói chuyện cởi mở với các sĩ quan tình báo Xô Viết".
Sau khi học xong trường đại học tổng hợp Bonn anh làm việc ở cơ quan bộ về những vấn đề toàn nước Đức, chuyên thẩm vấn dân tị nạn - những cựu nhân viên cảnh sát Cộng hòa dân chủ Đức. Kết quả những cuộc thẩm vấn này anh viết lại trong một cuốn sách chi tiết "Về cơ cấu công an nhân dân trong khu vực Liên Xô chiếm đóng theo thực trạng tính đến đầu năm 1950". Cuốn sách lọt vào mắt các nhân viên tổ chức tình báo của Gehlen. Đọc xong, họ mời anh đến làm việc. Có hai yếu tố thúc đẩy việc này: bản thân anh không yêu cầu được làm (điều này có thể gây nghi ngờ) và thời gian trước anh đã làm cho tình báo Đức.
Tổ chức của Gehlen nhìn chung gồm các cựu sĩ quan phản gián và tiến hành công tác tình báo chống lại Phía Đông. Tất nhiên, anh bị kiểm tra kỹ lưỡng. Họ không tìm được điều gì đáng phàn nàn, ngày 15-11-1951 sau khi trao đổi với đại tá Krikhbaum anh lên đường đi Karlsrue để bắt tay vào công việc trong "tổng đại diện của GPL".
GPL làm nhiệm vụ thu thập thông tin về những đạo quân Pháp bị chiếm đóng và tiến hành đấu tranh chống Cộng hòa dân chủ Đức. Tuy vậy, công việc ở đây không làm anh vừa lòng. Năm 1953 anh đặt ra cho mình nhiệm vụ phải thâm nhập vào trung tâm. Anh đã làm được việc đó. Tháng 10 năm 1953 anh được chuyển về trung tâm theo chỉ thị của đích thân Gehlen. Felfe được giao nhiệm vụ soạn thảo các hoạt động tác nghiệp trong lĩnh vực phản gián chống Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa khác. Dần dần tổ chức này lớn lên cả về mặt nhân sự lẫn về mặt vật chất. Giữa những năm 1950 Felfe được thăng cấp cố vấn chính phủ và được chỉ định làm giám đốc “Cơ quan phản gián chống Liên Xô và các cơ quan đại diện Xô Viết ở Cộng hòa liên bang Đức". "Phần lớn công việc của tôi trên cương vị tình báo Xô Viết tôi đã thực hiện tại văn phòng của tôi trong thời gian ngày làm việc chính thức, vì người ta không khuyến khích làm ngoài giờ. Để khỏi bị quấy nhiễu, tôi thường khoá cửa".
Thông tin của Felfe liên quan đến nhiều vấn đề. Chẳng hạn, anh đã mô tả chi tiết cuộc chạy trốn của giám đốc cơ quan phản gián Tây Đức Yon sang Đông Đức năm 1954 - một sự kiện không thể hiểu nổi đối với đa số người đương thời. Felfe đã khai thác được các thông tin về tình hình nội vụ của Cộng hòa liên bang Đức, về các động lực chính trị của Adenauer. Thông báo của anh về những ý đồ của Adenauer chống lại quyền lợi nước Pháp đã có ý nghĩa to lớn khi thông báo cho chính phủ Pháp biết. Khi đó Pháp mới ngăn chặn việc Tây Đức tham gia vào khối phòng thủ chung châu Âu, làm chậm tiến trình tái quân sự hoá Tây Đức. Felfe cũng đã truyền những tư liệu về những kế hoạch quân phiệt của giới lãnh đạo Tây Đức, mà họ giấu kín thậm chí cả các đồng minh của mình. Việc công bố những tư liệu này đã phá vỡ những quan hệ giữa họ. Thậm chí Churchill còn gửi cho Thủ tướng Adenauer một bức thông điệp trong đó có kết luận là không thể nào tin tưởng vào Tây Đức được.
Trong tổ chức phản gián Felfe đã giữ nhiều trọng trách. Anh là trưởng nhóm 53/III "chống các cơ quan tình báo Liên Xô", trong đó chống cả các cơ quan đại diện Xô Viết ở Cộng hòa liên bang Đức. "Đó là những ngày hoạt động tình báo rất căng thẳng. Chỉ có kẻ nào trải qua những thác ghềnh đó mới biết được phải có lòng kiên định đến như thế nào". Nhờ hoạt động trong lĩnh vực phản gián Felfe đã cung cấp cho tình báo Xô Viết những thông tin về ý đồ của tổ chức này "Chúng tôi đã kịp thời nhận thức được những hành động nguy hiểm của tình báo Đức, và từ vị trí của mình tôi đã giúp đảm bảo chống lại một cách tích cực".
Có nhiều hoạt động của tình báo Đức được tiến hành với sự tham gia hoặc chỉ đạo trực tiếp của anh. Một trong những hoạt động có ý nghĩa là đặt các thiết bị nghe trộm trong đại diện thương vụ của Liên Xô ở Coulogne. Phức tạp là ở chỗ làm thế nào để phản ứng lại thông tin về sự việc này? Phát hiện và tháo gỡ những "con bọ" ấy ư? Hay là đình chỉ những cuộc nói chuyện bí mật trong các căn phòng có bọ? Các phương án đều không ổn. Cần tìm những phương án khác để làm sao "cừu cũng sống mà sói cũng no". Và rồi cũng đã tìm ra.
Trong số những hoạt động quan trọng cần phải nói đến những ý đồ tuyển chọn điệp viên trong những người Xô Viết, cũng như trong số những người Đông Đức và các nước xã hội chủ nghĩa khác đã chạy sang Tây Đức. Nhưng có ý nghĩa đặc biệt là thông báo của Felfe về những biện pháp phản thông tin của tình báo Đức. Anh biết tất cả những trường hợp có trò chơi hai mặt của chúng. Sau khi nhận được thông báo tương ứng, phía Xô Viết quyết định tham gia luôn vào trò chơi ấy, nhưng không được gây nguy hiểm cho cộng sự. "Điều quan trọng hơn nữa là phải biết khai thác "hai mặt" các tư liệu và "duy trì sự sống" cho tình báo. Việc phản thông tin từ phía điệp viên hai mang được nhận dạng có giá trị riêng, bởi vì qua đó có thể xác định được vì sao kẻ địch muốn đánh lạc hướng, hoặc chúng muốn cái gì bằng con đường này.
Felfe đã cảnh báo cho những người Xô Viết về việc sắp bị bắt về tội do thám. Chẳng hạn, anh đã cứu được công dân Nga Kirpichev, anh ta đã trốn được ngay trước mũi bọn bắt người. Một văn phòng mang tên INDEX được tổ chức riêng để chống lại Đại sứ quán Liên Xô. Văn phòng này do Felfe lãnh đạo. Tình báo Đức cùng với CIA nghĩ ra cách khiêu khích một nhà ngoại giao Xô Viết đến Bonn (chính là "nhà báo" mà Felfe đã nói chuyện với ở Veymar từ năm 1940). Felfe đã kịp thời thông báo cho tình báo Liên Xô biết.
Một trong những chiến dịch mà Felfe lãnh đạo ("Diagramma") được tiến hành để chống lại cái gọi là khu cấm địa Karlskhorst, nơi tập trung các cơ quan tình báo Xô Viết. Anh triển khai hoạt động "rầm rộ". Anh có đến 5 tập tài liệu vẽ sơ đồ các căn phòng, số điện thoại, sơ đồ các khu đất, đánh dấu từng con đường mòn. Sau này cuốn tài liệu đó được sử dụng trong tình báo Đức, Viện công tố quốc gia Tây Đức và các cơ quan khác. Phía Xô Viết không hề có phản thông tin nào về chuyện này. Cuốn tài liệu được bổ sung một cách có hệ thống và được chính xác hoá trước năm 1959. Nhờ chiến dịch "Diagramma" mà CIA thôi không đòi hỏi tình báo Đức phải cung cấp thêm thông tin về tình báo Xô Viết. Công việc được tiến hành có vẻ như tích cực, nhưng thực sự là dẫm chân tại chỗ và chẳng mang chút lợi nào cho cả tình báo Đức lẫn CIA.
Để khuấy động trò chơi và đánh lạc hướng thêm quân địch, tình báo Xô Viết đã được chuẩn bị sẵn sàng gợi ý tên tuổi những người mà tình báo Đức có thể tuyển mộ. Nhưng Felfe từ chối phương án đó vì nó làm tình hình của anh thêm phức tạp.
Hoạt động tích cực của Felfe, những cuộc gặp gỡ với các điệp viên Xô Viết, dù đã được giấu rất kỹ, nhưng cũng vẫn gây chú ý cho phản gián Đức, và anh bắt đầu bị theo dõi. Ngày 6-11-1961 anh bị bắt. Trên đường đến nhà giam anh đã kịp thủ tiêu một số bản ghi chép những địa chỉ và số điện thoại ước lệ. Tuy nhiên, anh không thể lấy ra khỏi ví bản photo nhiệm vụ mới nhận được trong cuộc gặp gỡ cuối cùng ở Vienna. Một số bằng chứng khác cũng bị phát hiện. Các cuộc hỏi cung kéo dài 6 tháng. Felfe ngay lập tức thừa nhận rằng anh là điệp viên Xô Viết: "Tôi còn có thể nói được gì nữa?". Điều duy nhất mà anh phủ định là anh bị coi là phản động: anh tự nguyện giúp Liên Xô và Tổ quốc Cộng hoà dân chủ Đức của mình; còn anh tham gia vào công tác tình báo Đức là khi anh đã trở thành tình báo Liên Xô rồi, và anh chỉ thực hiện những nhiệm vụ của ngành tình báo mà anh phục vụ. Bằng chứng là những văn bản đã qua bàn anh làm việc và anh đã xem xét thì đã chiếm đến ba căn phòng lớn. Tham gia thẩm vấn anh còn có cả những người Mỹ. Sau đó Felfe được dẫn tới toà án Liên bang ở Karlsrue. Tại đây người ta còn thẩm vấn anh thêm một năm nữa. Từ nhà lao anh đã bí mật liên hệ được với các bạn bè Xô Viết.
Trong thời gian xét xử, văn phòng Thủ tướng yêu cầu Felfe bồi hoàn tất cả số tiền mà cơ quan tình báo Đức đã trả cho anh, anh phản đối: "Bên cạnh hoạt động có lợi cho Liên Xô tôi cũng đã hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ mà cơ quan tình báo Liên bang giao phó, trong đó có những việc như nghe trộm điện thoại, lắp đặt các "con bọ" trong các phòng của các nhà ngoại giao Xô Viết". Thế là những yêu cầu đòi tiền được rút lại.
Vụ án bắt đầu ngày 8-7-1963 và kéo dài 2 tuần. Đêm nào anh cũng bị đánh thức dậy 9 lần để kiểm tra xem "anh có tự tử" hay không, vì thế đến cuối đợt anh hoàn toàn kiệt sức. Hai tuần sau bản án được công bố: mười lăm năm tù - đó không phải là hình phạt nặng. Felfe được đưa đến nhà tù ở Hạ Bavaria, ở đây anh bị ngược đãi và sỉ nhục, không được viết thư về nhà. Ngày thứ năm 13-2-1969 giám đốc nhà tù Shterk gọi anh tới, bắt tay nói: "Xin chân thành chúc mừng anh, mời anh ngồi". Hắn thông báo rằng anh phải cấp tốc thay quần áo, ngày mai anh phải tới biên giới. Ngày hôm sau, 14-2-1969 hai tên sĩ quan đưa anh ra khỏi nhà tù và dẫn anh tới biên giới với Cộng hòa dân chủ Đức. Sau lời chào mừng ngắn gọn của hai luật sư Fogel và Shtang là đại diện của Felfe và của chính phủ liên bang, nhà tình báo tự do bước qua biên giới. Trước mắt anh là một cuộc sống mới, xa lạ. Anh vẫn chưa về hưu, anh vẫn còn có thể làm lại mọi việc từ đầu.
Ba năm sau Felfe bảo vệ luận văn tiến sĩ khoa học. Anh viết một cuốn hồi ký, kết thúc bằng mấy dòng: "Những năm tháng gian truân với tư cách là điệp viên của Liên bang Xô Viết là những năm tốt đẹp nhất trong cuộc đời tôi".
108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới. 108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới. - Đoàn Tử Huyến (Chủ Biên) 108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới.