Làm tốt thì tốt hơn là nói giỏi.

Benlamin Franklin

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Thanh Hải
Số chương: 108 - chưa đầy đủ
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5810 / 96
Cập nhật: 2016-04-25 23:39:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
64 - Matinda Carre Và Hugo Blaikhe (1910 - 1970) - Trò Chơi Ái Tình Và Điệp Vụ
ữ nhân vật của câu chuyện này đi vào lịch sử không chỉ như một điệp viên nổi tiếng mà còn như một kẻ phản bội xảo quyệt nhất. Tại phương Tây, Matinda Carre được gọi là "nữ điệp viên xuất chúng nhất" hoặc "Mata Hari của Thế chiến thứ hai".
Vào tháng 6 năm 1940, sau khi nước Pháp bị phát xít Đức xâm chiếm, một nhóm nhỏ sĩ quan Ba Lan không kịp rời khỏi Dunkirt nên đã tổ chức nhiều tổ điệp viên tại nhiều thành phố ở Pháp.
Trong số họ có một sĩ quan tình báo của không quân Ba Lan là đại uý Roman Secniavxki. Ông trở thành một trong những người sáng lập và lãnh đạo mạng lưới điệp viên có tên là "Interale" ("Quốc tế") đặt trụ sở tại Paris, và bí danh của ông là "Arman".
Một hôm, ông gặp một phụ nữ Pháp ba mươi tuổi tên là Matinda Carre. Nàng xuất thân trong một gia đình quân đội. Bố nàng đã từng được tặng thưởng huân chương Bắc đẩu Bội tinh trong Thế chiến thứ nhất. Nàng làm việc trong Hội Chữ thập đỏ, tỏ thái độ căm thù phát xít Đức và xem ra thì xứng đáng được tin cậy. "Arman" lấy nàng vào tổ chức của ông, và nàng trở thành người tình và trợ thủ gần gũi nhất của ông. Ngày 16 tháng 11 năm 1940, họ liên lạc với cơ quan tình báo Anh và chẳng bao lâu sau, bắt đầu phát tin qua điện đài cho London.
Dần dần, "Interale" mở rộng mạng lưới điệp viên của mình ra bốn mươi điểm, bao trùm hầu hết lãnh thổ nước Pháp, trong đó có những địa điểm quan trọng như Brest, Serbour, Cale, Bulon là những nơi họ có thể thường xuyên theo dõi những công trình của hải quân Đức và sự di chuyển của hạm đội Đức. Họ còn có căn cứ gần biên giới Tây Ban Nha, nơi họ thường giúp đỡ các liên lạc viên duy trì mối tiếp xúc thường xuyên với sứ quán Anh ở thủ đô Madrid. Mạng lưới tình báo đó trải dài dọc theo "biên giới xanh" giữa vùng tạm chiếm và vùng tự do của nước Pháp. Tại các thành phố công nghiệp như Lille, Lion, Nant, các điệp viên làm nhiệm vụ chỉ điểm cho không quân Anh oanh tạc những nhà máy sản xuất vũ khí cho quân đội Đức và những kho chứa vũ khí.
"Arman" và Matinda Carre thiết lập quan hệ với một vài quan chức cao cấp Pháp, những người tuy hợp tác với bọn Đức nhưng vẫn bí mật ủng hộ phong trào Kháng chiến Pháp. Một trong những người đó là thị trưởng Bron, một luật sư Paris nổi tiếng và đóng vai trò quan trọng trong phong trào Kháng chiến. Matinda biết ông ngay từ trước chiến tranh, khi ông thực hiện vụ ly hôn của nàng. Trong số những bạn bè gần gũi của Matinda có cả những sĩ quan tình báo và phản gián Đức. Chỉ sau vài tháng, "Interale" đã có tới hơn một trăm hai mươi thành viên, điệp viên và liên lạc viên.
Gestapo và phòng phản gián của cơ quan tình báo Đức ở Paris chẳng mấy lâu sau đã biết về tổ chức tình báo đầy hiệu quả đang làm việc cho London, nhưng những mưu toan nhằm dò ra dấu vết của tổ chức này hoặc bắt giữ được dù chỉ một thành viên của tổ chức đó cũng đều không đem lại kết quả.
Để săn lùng những đài phát hoạt động ở Paris, tình báo Đức cho một chiếc xe trang bị đặc biệt thường xuyên tuần tiễu trên khắp các đường phố ở thủ đô Pháp, và một lần, "Arman", Matinda và các trợ thủ của họ chỉ một chút nữa là bị phát hiện. Họ buộc phải giảm bớt số lượng các căn phòng bí mật có chứa điện đài, và đến tháng 10 năm 1941, hoạt động của họ tập trung trong một ngôi nhà nhỏ yên tĩnh số 8 phố Vinla Lean thuộc khu Monmar. Ngày nào tại đây cũng diễn ra những hoạt động vô hình: "Arman" phân tích những tài liệu mà các điệp viên của ông gửi tới, Matinda đánh máy những tài liệu ấy để chụp microfilm. Nàng thường tạt vào phòng ông êm nhẹ đến nỗi ông không nghe thấy bước chân nàng.
- Em bước vào êm nhẹ cứ như mèo ấy, - một lần "Arman" bảo nàng - Anh sẽ gọi em là "con mèo bé nhỏ của anh" nhé, - ông cười vang mà không ngờ rằng chỉ ít lâu sau là biệt danh này sẽ trở nên nổi tiếng. - Một mật danh tốt đấy em ạ, chúng ta sẽ sử dụng mật danh này trong các buổi phát nhé.
- "Mèo con thông báo rằng...". Nghe hay đấy chứ mà lại dễ chuyển sang hệ chữ cái Morse.
Từ hôm ấy, London bắt đầu nhận được những bức điện mở đầu bằng câu "Mèo con thông báo rằng...". Cơ quan kỹ thuật vô tuyến của Đức dễ dàng bắt được những bức điện này: thời gian phát sóng bao giờ cũng vào hồi 21 giờ, và cái chính là một phần những bức điện ấy thậm chí không được mã hoá và truyền đi một cách táo tợn công khai. Tất cả đều chứa đựng những thông tin quan trọng chứng tỏ rằng "Mèo con" có trong tay những tin tức tuyệt mật, hơn nữa, một số tin lại xuất phát từ giới sĩ quan của cơ quan tình báo và phản gián Đức.
"Mèo con" chẳng bao lâu đã trở nên nổi tiếng khắp nước Pháp - rất nhiều người Pháp có máy thu thanh và do đó họ có thể nghe thấy câu "Mèo con thông báo rằng...". Điều này đã cổ vũ những người yêu nước đứng lên đấu tranh, và hai tiếng "Mèo con" đã trở thành tượng trưng cho phong trào Kháng chiến. Đối với cơ quan phản gián Đức thì việc lùng bắt được "Mèo con" không chỉ là nghĩa vụ mà còn là vấn đề danh dự.
Ban lãnh đạo mời "Arman" đến London, và sau khi ông trở về, một cuộc liên hoan vui vẻ đã được tổ chức. Không một ai biết rằng vào đúng những ngày ấy, một mối nguy hiểm chết người đã treo lơ lửng trên đầu mạng lưới điệp viên của "Arman".
Phân bộ "Đ" của "Interale" đặt căn cứ ở Serbour và Lidơ và mở rộng hoạt động khắp 6 tỉnh Bắc Pháp, bao gồm vùng Bretan và các khu vực mạn tây vùng Norcmanđi. Mùa xuân năm 1941, "Arman" chỉ định một thanh niên làm sếp phân bộ này. Đó là một cựu phi công Pháp tên là Raul Kiffer hay Kiki, như bạn bè anh thường gọi.
Vào đầu tháng 11, một viên cai Đức báo cáo với phòng tình báo Đức ở Serbour là có một phụ nữ Pháp tìm cách thu thập tin tức từ những nhân vật đang làm việc tại căn cứ nhiên liệu của hải quân Đức. Viên cai nói trên cho rằng người phụ nữ này là điệp viên của Anh. Bản báo cáo đó được chuyển về Paris và tại đây nó được hết sức lưu ý. Một nhân viên phản gián Đức là đại uý Erikh Borhers lập tức được phái đến Serbour.
Đúng vào hôm đó, người trực nhật tại phòng Cảnh sát dã chiến bí mật là hạ sĩ Hugo Blaikher, một nhân vật lúc đó còn chưa ai biết đến. Đại uý Erikh Borhers thấy anh ta là một người có vẻ trí thức, hơn nữa, lại thông thạo tiếng Pháp, bởi vậy, Eric Borkhe lấy anh ta làm trợ lý cho mình. Hôm sau, Erikh và Hugo bắt giữ một người phụ nữ Pháp tên là Sharlott Bupphe, và Sharlott thú nhận mình làm việc cho một điệp viên Anh, nhưng cô chỉ biết người điệp viên này có bí danh là "Paul". Thế là bắt đầu cuộc săn lùng "Paul". Kết quả là Hugo bắt được anh ngày mồng 3 tháng 11 tại nhà ga Serbour khi anh từ Paris trở về. Trong người "Paul" có những tài liệu về các công trình quân sự của Đức và những chỉ thị bằng mật mã. Hoá ra "Paul" chính là Raul Kipper. Hugo đưa anh về Paris và chuyển anh đến trụ sở cơ quan tình báo Đức.
Khi Hugo đưa Raul ra đi thì ở nhà ga diễn ra một cảnh chia tay đau lòng giữa Hugo và người tình của y là Susanna Loran. Chúng tôi nhắc đến Susanna bởi vì chúng ta sẽ còn gặp lại cô ta trong câu chuyện này.
Lúc đầu, Raul không chịu nói, nhưng khi Hugo dọa sẽ chuyển anh cho Gestapo thì anh chịu thua.
Tại cơ quan tình báo, hạ sĩ Hugo Blaikher được coi là một nhân vật có ích và y được giữ lại làm việc ở Trung Tâm. Và từ đó bắt đầu con đường công danh của y với tư cách là con át chủ bài của cơ quan tình báo Đức. Hugo 42 tuổi, trước kia y đã từng làm việc tại cơ quan cảnh sát dã chiến bí mật nhưng vì mắt kém nên không thích hợp với công việc dã chiến, song giờ đây, y đã trở thành ngôi sao của cơ quan phản gián Đức. Dưới nhiều tên giả khác nhau: hoặc là ngài Gian Castel, hoặc là nhà doanh nghiệp Bỉ Gian, hoặc là đại tá không quân Đức Henri, Hugo đóng vai một chiến sĩ chống phát xít và lọt được vào hàng ngũ nhiều nhóm Kháng chiến của Pháp và Bỉ. Thậm chí, y còn thâm nhập được vào vài mạng lưới của tình báo Anh và bắt được nhiều thành viên của tình báo Anh và của phong trào Nước Pháp Tự do.
Dùng Raul làm mồi nhử, Hugo bắt được một thành viên của nhóm "Arman" ở Paris, người này biết địa chỉ của căn phòng bí mật. Ngày 17 tháng 11, Hugo bất ngờ xộc đến trụ sở nhóm "Arman" trên phố Vinla Lean. Vào lúc 3 giờ đêm, bốn chiếc xe chở đầy binh lính thuộc lực lượng cảnh sát dã chiến bí mật phong toả cả hai đầu khu phố nhỏ. Vài phút sau, "Arman" bị xích hai tay dẫn ra khỏi nhà. Hai nhân viên điện đài nằm trên gác xép kịp chạy trốn.
Trong quá trình hỏi cung bà chủ ngôi nhà, Hugo được biết rằng ngày nào cũng có một phụ nữ mà "Arman" gọi là "Mèo con" đến thăm ông.
"Arman" thừa nhận mình là đại uý Roman Secniavxki và làm việc cho Đồng minh. Đó là tất cả những gì mà ông khai trong lúc hỏi cung. Mọi lời đe dọa và tra tấn đều không buộc được ông lộ ra bất kỳ thông tin gì về "Interale" cũng như về mối liên hệ giữa ông và London. Ông bị tống vào xà lim biệt giam dưới hầm ngầm của nhà tù Freden.
Trong lúc bắt "Arman" thì trên giường ông đang có một phụ nữ tóc vàng xinh đẹp - đó là Reune Borni, một phụ nữ trẻ goá chồng đến từ Luynevin. Bà là người đã cho "Arman" những giấy tờ của người chồng đã quá cố và rồi đến Paris theo lời mời của ông. Hugo hỏi cung bà hồi lâu, bà sẵn sàng nói tất cả những gì bà biết nhưng dường như vẫn giấu giếm một chuyện gì đó. Khi ấy, vốn là một nhà tâm lý lão luyện, Hugo liền dùng tiểu xảo.
- Bà có biết do đâu mà chúng tôi có được địa chỉ của "Arman" không? Chúng tôi nhận được một bức thư nặc danh cho biết rằng chúng tôi có thể bắt được người lãnh đạo của "Interale" cùng người tình của ông ta ngay trên giường, và đồng thời còn cho chúng tôi biết địa chỉ nữa. Bức thư ấy không ký tên mà chỉ vẽ một con mèo có vẻ xảo quyệt và có đuôi giống dấu chấm than.
- Mèo con! - Reune thốt lên. - Chính là con bé ấy, cái con bé đĩ thoã xấu xa và đáng ghê tởm ấy! Cái con rắn độc xảo quyệt ấy vì ghen tuông mà đã giao nộp chúng tôi cho người Đức! Trời chu đất diệt nó đi!
Reune liền kể cho Hugo về tất cả những gì bà ta biết về "Mèo con". Bà ta miêu tả "Mèo con" như một kẻ chuyên quyến rũ đàn ông và là người lãnh đạo "Interale", còn "Arman" chỉ là một sĩ quan tham mưu chuyên thu thập tin tức mà thôi.
Reune thề sẽ trả thù "Mèo con". Nhờ sự giúp đỡ của bà ta, Hugo ngay trong ngày hôm đó đã bắt được "Mèo con" trên ngưỡng cửa nhà nàng ở phố Angtoanet.
Trên đây là giả thuyết lãng mạn của bá tước Mikhaen Donticov là người biết rõ câu chuyện Matinda Carre và đã viết một cuốn sách về nàng. Ông cũng quen biết riêng Hugo và một vài nhân vật của câu chuyện này.
Nhưng giả thuyết của một điệp viên kiêm nhà sử học Anh là Kucridse, một người cũng quen biết riêng Hugo, thì lại biện minh cho nhân vật Reune Borni. Theo giả thuyết này thì bà ta không bao giờ phản bội, còn về phần "Mèo con" thì nàng bị sa vào chiếc bẫy mà Hugo chăng sẵn tại ngôi nhà số tám.
Những chỗ khác biệt như vậy không phải là ít. Nhưng dù sao thì "Mèo con" cũng đã rơi vào tay cơ quan phản gián Đức. Trong thời kỳ đầu, Hugo tiếp tục làm việc với Reune. Nhưng bà ta chẳng có mấy ích lợi. Ngay cả những nhân vật chủ chốt của "Interale" cũng được bà ta miêu tả rất đại khái kiểu như "một người đàn ông dễ mến, trung niên, mắt xám" hoặc "một thanh niên ưa vui đùa".
Khi ấy, Hugo liền tập trung mọi nỗ lực vào "Mèo con". Y chuyển nàng từ nhà tù đến khách sạn "Edward VII" trên đại lộ Opera, nơi đặt trụ sở của cơ quan tình báo Đức ở Paris. Nàng được dành cho một căn phòng sang trọng, và mặc dù ngoài cửa bao giờ cũng có lính gác nhưng nàng cảm thấy cực kỳ thoải mái.
Hugo tạt vào "thăm" nàng và cả hai cùng ăn trưa rất ngon miệng. Hugo dường như vô tình cho biết là y đã có mọi giấy tờ y cần. Chỉ cần y nói một tiếng thôi là nàng và các bạn bè của nàng sẽ bị đem ra xử bắn.
- Chúng tôi đã biết hết và cô chẳng cần gì phải làm ra bộ dũng cảm một cách ngu ngốc. Dù có im lặng thì cô cũng chẳng thể cứu thoát được ai đâu. Nhưng nếu cô giúp tôi thì tôi có thể cứu cô và các bạn của cô khỏi tay Gestapo. Cô sẽ được trả tự do, còn các bạn của cô sẽ được đối xử như những tù binh chiến tranh và khi chiến tranh chấm dứt, họ sẽ được trở về nhà. Hoặc là cô sẽ bị trao cho Gestapo và khi ấy, cô chỉ còn cách trông chờ vào Chúa Trời thôi. Qua những giấy tờ chúng tôi tìm thấy ở phố Vinla Lean, - Hugo nói tiếp, - tôi biết rằng cô có hẹn gặp một nhân viên của cô tại tiệm cà phê "Pam-Pam". Ta hãy cùng đi tới đó. Nếu cô đồng ý làm việc cho chúng tôi, tôi hứa sẽ trả cho cô sáu mươi nghìn frant một tháng. Như vậy là nhiều hơn nhiều so với số tiền người Anh trả cho cô. Cô sẽ được trả tự do còn những người khác sẽ được cô cứu sống. Cô hiểu chứ?
- Tôi hiểu, - "Mèo con" khẽ trả lời.
Trong vài ngày tiếp theo, Hugo và "Mèo con" đi khắp Paris cùng một chiếc xe của cơ quan cảnh sát dã chiến bí mật. Matinda Carre - tức "Mèo con" - biết thuộc lòng tất cả địa chỉ của các thành viên "Interale". Họ lần lượt bị bắt. Trong vòng ba ngày, tổ chức "Arman" thực tế là đã bị xoá sổ.
Giờ đây, câu chuyện thuần tuý tình báo chuyển thành một vở bi kịch trữ tình.
Vốn tính phóng túng và bốc đồng, "Mèo con" tưởng gặp phải một viên sĩ quan Đức xấc xược, nét mặt thô kệch, giọng nói gay gắt, tiếng Pháp trọ trẹ, nhưng giờ đây, nàng thấy Hugo là một trí thức đẹp trai, dũng cảm, thông thạo tiếng Pháp và đầy sức hấp dẫn. Và đáng lẽ phải xa lánh và căm thù thì nàng lại bắt đầu cảm thấy một nỗi say đắm chân thành đối với y và trở thành một thứ đồ chơi ngoan ngoãn trong tay y.
Matinda là một phụ nữ nhỏ bé, mảnh mai, chỉ cao có một mét năm tám. Nàng luôn luôn bị những người đàn ông cao lớn, vạm vỡ thu hút. Chồng cũ của nàng là một người như vậy và nàng ly hôn với ông chỉ bởi vì ông không thể có con, "Arman" cũng là một người như vậy, cả những người đàn ông khác trước và sau "Arman" cũng là những người cao lớn vạm vỡ như vậy. Nàng khao khát có được những đứa con cao lớn, đĩnh đạc.
Cả Hugo cũng cao lớn như thế... Mối tình dan díu giữa hai bên đã thành một thực tế. "Mèo con" tận tình kể cho Hugo tất cả những gì nàng biết. Nàng kể về việc nàng đã thâm nhập như thế nào vào trụ sở tổ chức "Hoạt động phối hợp" ở Paris với tư cách "đại diện Hội Chữ thập đỏ Thuỵ Sĩ", dường như là để chăm sóc y tế và xã hội cho tù nhân các nhà tù Paris. Sau đó, thậm chí nàng đã trở thành "thành viên hoạt động phối hợp" và tình nhân của một sĩ quan cao cấp SS. Chính là thông qua người sĩ quan này và nhiều sĩ quan khác mà nàng thu thập được những tin tức hết sức giá trị.
- Vậy người này hiện giờ ở đâu? - Hugo hỏi.
- Ôi, chúng ta sẽ không nói đến chuyện đó. Anh ấy rất yêu em. Nhưng anh ấy bị phái sang Nga và ít lâu sau thì tử trận ở bên ấy. Nếu anh quan tâm đến công việc của em thì em có thể nói rằng em có "tay trong" cả trong trụ sở cơ quan tình báo của anh ở khách sạn Luytesia.
Nàng kể cho Hugo nghe về chiến dịch mà nàng và các bạn cũ của nàng đã mạo danh cơ quan tình báo Đức để thực hiện, khi họ sử dụng chiếc máy điện thoại nằm trên bàn của một sĩ quan lãnh đạo cơ quan tình báo này. Hugo chỉ còn biết ngây mặt vì ngạc nhiên.
Matinda cũng còn trao nộp cho Hugo "hòm thư" chuyên dùng để liên lạc với các thành viên tổ chức "Arman". Bà chủ "hòm thư" là nhân viên trông coi toalet của khách sạn. Hugo bắt giữ rồi chiêu mộ bà ta. Y cho hai viên cảnh sát mai phục sẵn trong toalet. Giờ đây, nếu người vào toalet là người bình thường thì bà ta chào "Chào ông" hoặc "Chào bà", còn nếu đấy là thành viên "Interale" thì bà ta thêm tên của người đó vào lời chào. Hai viên cảnh sát liền nhảy xổ ra từ chỗ nấp và tóm lấy người đó. Thành công thật phi thường: chỉ trong vòng vài ngày Hugo đã bắt được tất cả các thành viên còn lại của "Interale".
Dĩ nhiên, Matinda làm tất cả những việc đó không phải dễ dàng: trong thâm tâm nàng diễn ra cuộc đấu tranh nội tâm đau đớn. Nếu như để giảm nhẹ tội lỗi của nàng chứ không phải để biện minh cho nàng thì có thể nói rằng ngoài tình yêu đối với Hugo, nàng còn theo đuổi một ý tưởng nữa mà Hugo đã khéo léo đưa vào đầu óc nàng: tất cả những người mà nàng trao nộp cho y sẽ không bị chuyển cho Gestapo mà sẽ được coi là tù binh chiến tranh. Nói cho công bằng thì y đã thực hiện đúng lời hứa ấy.
Giờ đây, họ sống như hai vợ chồng tại một khu phố sang trọng ở khu vực rừng Boulogne. "Mèo con" đã chuyển cho Hugo toàn bộ số tiền mặt của "Interale" - hàng triệu frant Pháp, hàng nghìn frant Thuỵ Sĩ và hàng nghìn bảng Anh.
Cùng với những điệp viên, tài liệu và mật mã bắt được, bọn Đức còn thu được bốn điện đài. Hugo đến gặp trưởng phân bộ tình báo Đức tại Paris là đại tá Oscar Rayle và báo cáo kế hoạch của y.
- Thưa ngài, - Hugo nói, - chúng ta hiện có bốn điện đài. Nếu chúng ta giữ kín được các vụ bắt giữ thì chúng ta sẽ có thể bắt đầu trò chơi điện đài và thuyết phục được London tin rằng "Interale" vẫn đang hoạt động như trước. Chúng ta sẽ có thể nhận được những tín hiệu và chỉ thị từ London, có thể biết mọi tin tức về các điệp viên được London phái sang cũng như có thể cung cấp cho họ những tin giả. Nói cách khác, chúng ta sẽ duy trì được mạng lưới "Interale" nhưng là dưới sự kiểm soát của chúng ta, ít nhất cũng được một thời gian nào đó. Ngoài ra, chúng ta còn sẽ buộc được người Anh phải cung cấp tiền cho chúng ta.
Đại tá Rayle đồng ý. Vấn đề là ở chỗ ít nhất cũng phải buộc được vài thành viên của "Interale" hợp tác. Tất cả những người Ba Lan được Hugo đề nghị hợp tác đều đáp lại bằng nụ cười giễu cợt đầy khinh bỉ. Nhưng Hugo đã có "Mèo con". Y cũng chiêu mộ lại được một nhân viên điện đài tên là Hanri Tabet. Việc này không khó bởi Hanri đã bị "Arman" kết án tử hình vì một lỗi lầm nào đấy. (Sau chiến tranh, toà án Pháp cũng kết án tử hình y về tội hợp tác với phát xít Đức). Cả Reune Borni cũng đồng ý làm việc cho Hugo.
Điện đài được chuyển đến nhà một nhà doanh nghiệp giàu có. Một sĩ quan tình báo Đức là Fon Hopphen được cử làm người lãnh đạo địa điểm này với thành phần gồm vài sĩ quan và hạ sĩ quan. Hugo đưa "Mèo con", Reune Borni và Hanri Tabet đến đây ở và gọi nơi này một cách hóm hỉnh là "ổ mèo".
Đường liên lạc vô tuyến giữa Paris và London chỉ đứt đoạn một thời gian ngắn nên London không nghi ngờ gì. "Mèo con" biết mọi ước định tinh tế của các cuộc truyền tin cũng như những tín hiệu cảnh báo nguy hiểm. Nhưng chỉ Reune là biết được mật mã. Cả hai giờ đây cộng tác với người Đức cũng tận tâm như trước đây cộng tác với Đồng minh.
Ngay sau khi "ổ mèo" được thu xếp ổn định, các buổi truyền tin của "Mèo con" đến London lập tức được bắt đầu. Trò chơi điện đài kéo dài được hơn ba tháng. Trong biên bản ghi ngày 13 tháng 7 năm 1945, thẩm phán người Pháp viết rằng trong suốt thời gian ấy, "các điệp viên Đức đã đánh lừa được cơ quan mật vụ Anh vốn vẫn được tán tụng hết lời".
Thời kỳ đầu, bọn Đức còn tỏ ra rất thận trọng: giữa hai bên chỉ trao đổi những tin tức bình thường về việc di chuyển quân đội, tình hình trên các tuyến đường sắt và các công trình quân sự. Một số tin là đúng sự thật. Phải cho London biết rằng một vài thành viên "Interale" đã bị bắt, kể cả "Arman", nhưng những thành viên còn lại vẫn ở ngoài tự do và công việc vẫn có thể tiếp tục.
London cũng được cho biết rằng "Mèo con" giờ đây đã đứng đầu tổ chức "Interale" và từ nay về sau sẽ phát tín hiệu dưới một bí danh mới là "Victory" - "Chiến thắng". London mắc câu và hỏi là liệu những sĩ quan bị mất liên lạc liệu có thể sử dụng những khả năng của "Interale" được không? Dĩ nhiên câu trả lời là "Được!".
Bọn Đức quyết định không bắt thị trưởng Bron là người đã bị "Mèo con" tố giác. Chúng tính toán rất đúng là Bron sẽ dẫn chúng lần ra dấu vết của các điệp viên khác. "Mèo con" đã đến gặp thị trưởng Bron và cho ông biết về vụ bắt giữ "Arman" cùng một số thành viên khác của "Interale". Hugo ra lệnh cho "Mèo con" làm việc này bởi vì y biết Bron vẫn bí mật liên lạc với các cơ quan tình báo của Đồng minh và y muốn tránh bất kỳ sự nghi ngờ nào có thể nảy sinh ở London.
Lẽ tự nhiên là bọn Đức theo dõi Bron hết sức chặt chẽ, cả theo tuyến bên ngoài cũng như theo tuyến bên trong tổ chức. Hugo nhờ đó biết rằng Bron có ý định giới thiệu với "Mèo con" một số điệp viên Anh. Trong số đó có một sĩ quan của Cục Tác chiến Đặc biệt và một nhà lãnh đạo của phong trào Kháng chiến tên là Pie de Vomecur, bí danh là "Lucat". Vomecur đề nghị Bron tổ chức cho ông gặp "Mèo con", người phụ nữ mà ông cho rằng có thể giúp ông bắt mối được liên lạc.
Cuộc gặp gỡ diễn ra tại khách sạn "George V" trên quảng trường Elide. Vomecur nói cho "Mèo con" biết ông là sĩ quan Anh và hỏi là liệu nàng có thể chuyển cho London vài tin tức của ông được không. Vốn đã được Hugo ra lệnh từ trước nên "Mèo con" đồng ý. Giờ đây, điện đài của "Mèo con" bắt đầu truyền đi tin tức từ hai nguồn.
Thực hiện chỉ thị của Hugo, "Mèo con" đưa y đến gặp Vomecur, giới thiệu y là Gian Castel, một trong những nhân vật lãnh đạo của phong trào Kháng chiến Bỉ. Tại cuộc gặp, Hugo nói với Vomecur là trong hàng ngũ của phong trào Kháng chiến có rất nhiều tên tội phạm hình sự. Chúng sử dụng vũ khí được giao vào mục đích riêng của chúng, điều này có thể gây nên những vụ đàn áp không cần thiết của bọn Đức. Để tránh nguy cơ này, theo lời Hugo, cần lập hồ sơ có dán ảnh của từng thành viên phong trào Kháng chiến rồi nộp cho cảnh sát. Cũng theo lời Hugo, những "người mình" trong cảnh sát sẽ cấp hộ chiếu mới mang tên giả cho những thành viên chân chính của phong trào Kháng chiến. Ý tưởng này của Hugo được "Mèo con" tích cực ủng hộ, và Vomecur cũng đồng ý!
Nghe thật quái gở! Chẳng lẽ những con người như Vomecur, những anh hùng của phong trào Kháng chiến, lại ngây thơ đến thế kia ư? Không rõ ý tưởng tội ác này có được thực hiện hay không bởi vì đúng lúc đó thì xảy ra những biến cố mới.
Thật bất ngờ đối với "Mèo con" là Susanna Loran, người tình của Hugo, đột ngột từ Paris đến. Hugo bắt đầu sống cuộc đời hai mặt: vì tình yêu thì y đến với Susanna, vì tính toán thì y đến với Matinda, tức "Mèo con". Dĩ nhiên, hai người phụ nữ căm ghét nhau, ghen tuông nhau, đố kỵ nhau. Một trong những đối tượng ghen tỵ là chiếc xe hơi thể thao sang trọng mà "Mèo con" vẫn dùng để đi khắp Paris.
Vì ghen tuông nên "Mèo con" đã đi một bước tuyệt vọng. Nàng quyết định chạy sang vùng lãnh thổ không bị chiếm đóng của nước Pháp. Để làm việc này, nàng đến gặp một người hoạt động bí mật là Hanri Coien xin anh ta cấp cho giấy tờ và thú thật hết với anh ta về sự phản bội cũng như về tình yêu đối với Hugo.
Coien là một người trung thực và tử tế nhưng nhút nhát, anh ta khuyên "Mèo con":
- Người Đức đối xử với cô rất tốt. Hãy khôn ngoan và quay lại với Hugo thì hơn.
Hugo đã theo dõi Coien từ lâu, y đoán ra Coien có liên quan đến chuyện "Mèo con" biến mất. Y đến chỗ anh ta bắt lại "Mèo con" và bắt luôn anh ta. Sau khi buộc anh ta phải hứa sẽ không cho bất cứ ai biết về những điều "Mèo con" thú nhận, y trả tự do cho anh ta. Và anh ta đã giữ lời hứa! Trong buổi thẩm vấn anh ta về vụ "Mèo con" vào ngày 27 tháng 7 năm 1945, Coien khai như sau: "Tôi đã không báo cáo với cấp trên về việc bà Matinda Carre trở thành nhân viên tình báo Đức...".
Và "Mèo con" vẫn được tin tưởng như trước. Hugo liền lợi dụng ngay tình thế ấy. Thông qua Coien, y tung tin giả là những chiến hạm Đức như "Sanhorst", "Gneisenau" và "Hoàng tử Evgheni" chưa sẵn sàng ra khơi và sẽ cần hàng tháng nữa để sửa chữa.
Cuộc hòa giải giữa "Mèo con" và Hugo diễn ra đầy sóng gió. Để tỏ lòng biết ơn Hugo, "Mèo con" còn giao nộp cho y một điệp viên bí mật nữa - đó là Reune Legran, một nhà doanh nghiệp lớn chuyên nhập khẩu hàng hóa và là người đã chuyển nhiều tin tức về các tàu chiến Đức. Hơn thế nữa, "Mèo con" không chỉ báo cho Hugo biết về ông mà còn chăng bẫy ông bằng cách giả vờ bị thương tay phải, đề nghị ông tự tay viết giúp những tin tức cần thiết, một việc mà trước đây ông chưa bao giờ làm. Kết quả là ông bị bắt quả tang đang "hoạt động gián điệp".
Tuy nhiên, Hugo cũng bắt đầu gặp khó khăn. London đòi hỏi những tin tức ngày càng mới. Tin tức thì có, nhưng trách nhiệm của y là cung cấp cho kẻ địch những tin giả được chuẩn bị tại ban tham mưu bộ chỉ huy tối cao. Nếu không, y sẽ có thể bị buộc tội phản bội.
Nhưng tuy yêu cầu nhiều lần, y vẫn không nhận được trả lời của cấp trên.
London thường xuyên yêu cầu những tin tức chính xác về tình hình các chiến hạm Đức "Sanhorst", "Gneisenau" và "Hoàng tử Epgheni" đang thả neo ở cảng Bresto. Hugo đã chủ động tung tin giả qua Coien, nhưng y không biết phải thông báo gì tiếp theo. Trò chơi điện đài có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào.
Tiếp đấy, London thông báo rằng ban lãnh đạo cho triệu Vomecur về London. Ngày 16 tháng 1, chiếc máy bay liên lạc "Lisender" sẽ đến đón Vomecur tại làng Laas. Được đại tá Rayle cho phép, Hugo không gây trở ngại cho chuyến bay của "Lisender", y tính toán rằng nếu Vomecur báo cáo tốt đẹp về hoạt động của "Interale" thì London sẽ quyết định tăng cường vai trò của "Interale" và trò chơi điện đài có thể tiếp tục được.
Vào ngày đã định, Vomecur, "Mèo con" và "ngài Gian Castel" (tức Hugo) đáp xe đến làng Laas để đón chiếc "Lisender". Lái xe là một hạ sĩ quan tình báo Đức đóng vai "thành viên phong trào Kháng chiến Bỉ". Cả bọn chen chúc nhau qua đêm trên xe, nhưng chờ đợi mãi vẫn hoài công: máy bay không đến. Run lên vì lạnh, tất cả quay trở về Paris. Vomecur đọc cho "Mèo con" gửi đi London một bức điện giận dữ, yêu cầu phải giải thích. London trả lời là chuyến bay không tiến hành được vì lý do thời tiết và hẹn sẽ cho máy bay đến đón Vomecur vào ngày 30 tháng giêng. Đến ngày hẹn, Vomecur, "Mèo con" và "ngài Gian Castel" lại đi đón máy bay, lại qua đêm trong chiếc ô tô phủ kín tuyết, nhưng lần này, máy bay cũng không đến.
Vào quãng thời gian này, Vomecur bắt đầu cảm thấy nghi ngờ về sự chân thành của "Mèo con" và cảm thấy dường như có người luôn luôn theo dõi ông. Những nghi ngờ này được xác nhận sau một lần "Mèo con" bị mất lòng tin nặng nề dưới mắt ông. Ông hỏi là liệu "Mèo con" có thể kiếm được giấy tờ giả cho ông hay không. Ngay ngày hôm sau, "Mèo con" đến gặp ông với một mớ hộ chiếu và chứng minh thư giả do Hugo đưa cho nàng. Vomecur liền quyết định báo cho London biết về những mối ngờ vực của ông. Thông tin này được gửi đi qua con đường Thụy Sĩ nhưng mãi về sau mới biết là nó đã không tới được London. Vomecur chỉ còn cách chờ đợi và tăng cường cảnh giác.
Mặt khác, bọn Đức cũng ngày càng lo ngại là London có thể đã đoán ra "Interale" hiện nay là giả mạo. Bằng chứng là hai lần máy bay không đến đón Vomecur - rất có thể đấy không phải là do thời tiết xấu mà là do London nghi ngờ. Chúng cũng không loại trừ cả khả năng "Mèo con" đã chơi trò hai mang. Trong lúc ấy, London vẫn liên tục đòi hỏi "Interale" phải cung cấp tin tức về tình hình các chiến hạm Đức. Sau khi được biết các chiến hạm này đã hoàn toàn sẵn sàng ra khơi, ngày mồng 2 tháng 2 Hugo liền cho gửi đi bức điện: "Mèo con thông báo: "Sanhorst", "Gneisenau" và "Hoàng tử Epgheni" bị tổn thương nghiêm trọng do bị máy bay ném bom. Vì khó khăn về phụ tùng thay thế nên có lẽ phải hơn bốn tháng nữa mới sửa chữa xong".
Vậy mà chỉ vài ngày sau, vào đêm 11 rạng ngày 12 tháng 2 năm 1942, toàn bộ đoàn chiến hạm Đức đã rời cảng Brest và thực hiện một cuộc đột phá táo bạo chưa từng có qua eo biển La Manche, khu vực mà trước đó, không chỉ tàu chiến Đức mà cả tàu chiến Anh đều không dám vào. Đây là thắng lợi vang dội của hải quân Đức, họ không hề mất một chiếc tàu nào, và đồng thời là thất bại nặng nề của hải quân Anh, họ bị hoàn toàn bất ngờ nên đã để cho đoàn tàu Đức chạy qua, không những thế còn mất vài khu trục hạm và sáu mươi tám máy bay.
Trong hồi ký của mình Thủ tướng Anh lúc đó là Churchill viết: "Vào đêm 11 rạng ngày 12 tháng 2 năm 1942, các tuần dương hạm "Sanhorst", "Gneisenau" và "Hoàng tử Epgheni" đã rời cảng Brest ra khơi... Còn chúng tôi vào lúc đó lại thấy cần phái hầu hết máy bay phóng ngư lôi đến Ai Cập... Trong những trận không chiến ác liệt với lực lượng yểm hộ mạnh mẽ của không quân Đức, chúng tôi bị tổn thất nặng nề... Sáng ngày 13 tháng 2, tất cả các tàu chiến Đức đã đến được các cảng của mình. Tin tức này khiến dư luận Anh sửng sốt và bất hòa, biến cố vừa xảy ra không thể giải thích nổi và được đánh giá như một bằng chứng cho thấy sự thống trị của Đức trên các eo biển, điều này đương nhiên khiến mọi người phẫn nộ...".
Một trong những tác giả tạo nên chiến thắng vang dội đó của Đức là Hugo nhưng y thậm chí không hề được biểu dương công trạng.
Như thường thấy, các sự kiện thế giới đan xen với những sự kiện hoàn toàn cá nhân.
Sau thất bại đau đớn nói trên, London khẩn cấp cử thiếu tá Richard đến để tìm hiểu nguyên nhân vì sao mà London lại nhận được thông tin giả. "Mèo con" vụng về chối quanh, đổ hết tội lên đầu "ngài Gian" là người mà theo lời "Mèo con", đã gửi điện đi khi nàng đang ốm. Nàng dẫn Richard đến gặp Hugo và Hugo ra lệnh bắt anh. "Mèo con" sửng sốt khi hiểu ra rằng Hugo đã lừa dối nàng. Hơn thế nữa, suốt đêm hôm đó, y ở chỗ Susanna. Nàng không còn chịu nổi nữa. "Mèo con" đến gặp Vomecur. Ông không niềm nở như mọi khi và "Mèo con" cảm thấy ông bị nghi ngờ dằn vặt. Ông dồn dập hỏi nàng:
- Thiếu tá Richard đâu? Chuyện gì xảy ra với anh ấy? Mà này, cô lấy hộ chiếu và chứng minh thư giả ở đâu đấy? - Giọng ông mỗi lúc một gay gắt hơn, không cho nàng trả lời, và cuối cùng ông hỏi thẳng: - Cô làm việc cho bọn Đức phải không?
"Mèo con" nức nở khóc rồi nghẹn ngào thốt lên:
- Vâng!
Vomecur sửng sốt im lặng. Không chờ ông hỏi tiếp, "Mèo con" bắt đầu kể. Nàng kể về sự tan vỡ của "Interale", về việc Hugo bắt nàng phải làm việc cho y, về những dằn vặt và đau khổ trong lòng nàng. Vomecur lắng nghe, tình cảm giận dữ dần dần thay thế bằng tình cảm thương hại đối với người phụ nữ này. Ông giúp nàng nằm lên giường để nàng tĩnh tâm lại và nghỉ ngơi...
... Bảy năm sau, khi khai trước tòa, Vomecur nói: "Khi cô ta thú thật hết với tôi, tôi gần gũi với cô ta để có khẳng định mọi chuyện cô ta kể đều đúng. Và tôi biết rằng từ khi ấy, cô ta chơi một cuộc chơi trung thực".
"Mèo con" tâm sự với Vomecur:
- Mẹ em rất hiểu em và có lần bà nói: "Chồng cũ của con là giáo viên và con cũng trở thành giáo viên. Roman Secniavxki là điệp viên và con cũng trở thành điệp viên. Hugo là nhân viên tình báo Đức và con cũng trở thành nhân viên tình báo Đức. Nếu con lấy chồng là bác sĩ, luật sư hoặc thợ thông ống khói thì con cũng sẽ trở thành bác sĩ, luật sư hoặc đi thông ống khói". Giờ đây em ở bên anh là một sĩ quan Anh và em cũng sẽ làm việc cho nước Anh.
Nhưng "Mèo con" không thể che giấu được Hugo về mối dan díu với Vomecur.
- Em đã phản bội anh khi đi với Coien và anh đã tha thứ cho em, - y bảo "Mèo con". - Giờ đây, em phản bội anh khi đi với Vomecur. Anh hiểu rằng em sẽ còn như thế sau này nữa. Nhưng anh không buộc tội em. Đơn giản là chúng ta phải chia tay nhau. Em phải rời khỏi nước Pháp càng nhanh càng tốt.
Ngay hôm đó, Hugo đến gặp đại tá Rayle.
- Tại sao ta lại không phái "Mèo con" sang London cùng Vomecur nhỉ? Nếu cô ta làm việc trung thực cho chúng ta thì cô ta sẽ tìm hiểu được tất cả những gì chúng ta cần biết về hoạt động của phân bộ Pháp, và khi đã củng cố được vị trí của mình, cô ta sẽ trở về.
- Thế nếu cô ta không trở về?
- Thì sẽ phải chấm dứt trò chơi. Đằng nào cũng thế thôi vì không thể tiếp tục trò chơi mãi được.
- Được, - Rayle suy nghĩ một lát rồi nói. - Tôi đồng ý.
Hugo ra sức thuyết phục "Mèo con" nhận lời đề nghị của y. Nàng suy nghĩ hồi lâu. Một mặt, London có thể đón nàng không được nhiệt tình như người Đức mong đợi. Mặt khác, nàng có thể chấm dứt toàn bộ trò chơi nặng nề này và chuyển sang phía khác. Trong vụ xét xử sau chiến tranh, "Mèo con" kiên trì nhắc đi nhắc lại rằng lúc đó, nàng đã dự định thú nhận tội phản bội của mình và tự trao mình cho chính quyền London xin tha thứ.
Vomecur đứng trước tình thế nan giải: hoặc cắt đứt mọi quan hệ với "Mèo con" và mau chóng trốn đi, hoặc tiếp nhận tình thế hiện nay và hy vọng bọn Đức sẽ giúp họ sang Anh. Ông chọn phương án thứ hai tuy hiểu rằng đang dấn thân vào chỗ nguy hiểm chết người.
Ngày 14 tháng 2 năm 1942, tình báo Đức đánh điện đến London khẩn cấp yêu cầu đưa Vomecur và "Mèo con" đi bởi vì Gestapo đã lần ra dấu vết họ và tính mạng của họ đang bị đe dọa. London trả lời là không thể đưa máy bay sang được nhưng sẽ phái canô đến đón. Điểm hẹn được một nhân viên Cục Tác chiến Đặc biệt Đức chuẩn bị. Tên y là Ben Coiburn, bí danh là "Benoa".
Ngày 17 tháng 2, hai bên trao đổi điện cho nhau để xác định việc canô sẽ đến vào đêm 17 rạng ngày 18. Hugo nói với "Mèo con" rằng y không thể đưa tiễn nàng được, nhưng đại úy Ekkert và hạ sĩ Trich bên cơ quan tình báo sẽ đi cùng với họ. Y cam đoan rằng lực lượng phòng vệ bờ biển của Đức đã được báo trước và rằng Ekkert và Trich sẽ biến mất khi chiếc canô Anh xuất hiện. Tất cả rời Paris trên một chuyến tàu tốc hành. Vomecur, "Benoa" và "Mèo con" ngồi trong một ngăn toa, Ekkert và Trich ngồi ngăn toa bên cạnh. Lúc 8 giờ tối tất cả ăn tối tại một khách sạn ven bờ biển. Họ uống hết hai chai rựơu và "Benoa" thốt lên:
- Tối vui hôm nay thật kỳ lạ! Một điệp viên Pháp, một điệp viên Anh và một điệp viên Đức! Chỉ còn thiếu một điệp viên Xô Viết nữa thôi!
Đại úy Ekkert đến trụ sở địa phương của cơ quan cảnh sát dã chiến bí mật để tin chắc rằng tất cả các đơn vị quân đội Đức đã được điều đi khỏi địa điểm canô sắp cập bến. Rồi cùng với hạ sĩ Trich, y ẩn mình vào hầm trú ẩn, nơi từ đó có thể quan sát mọi diễn biến trên bờ biển. Quá nửa đêm ít lâu, Vomecur, "Benoa" và "Mèo con" xuất hiện trên bãi biển. Sau đó ít phút, từ ngoài biển vọng vào tiếng động cơ âm vang. Canô phát tín hiệu và "Mèo con" đáp lại bằng ánh đèn pin bật lên ba lần. Một chiếc thuyền cao su tách khỏi canô. Trên canô có một sĩ quan thủy quân Anh và hai người mặc quần áo dân sự. Khi mũi canô chạm vào bờ cát, "Mèo con" và Vomecur lập tức lao đến.
Đúng lúc đó có ba người nhảy từ canô xuống - đó là đại úy Blake và hai nhân viên Cục Tác chiến Đặc biệt Anh. "Mèo con" lập cập leo lên chiếc xuồng đang lắc lư trên sóng. Khi nàng định lôi chiếc va li nặng trịch lên thì bị mất thăng bằng và rơi xuống chiếc thuyền, chiếc thuyền lập tức lật nhào. "Mèo con" biến mất trong làn nước tối tăm và bẩn thỉu. Đại uý Blake và Vomecur lao xuống cứu nàng. Khi được kéo lên thì trông nàng đúng là một con mèo ướt sũng và bẩn thỉu. Con thuyền bị cuốn trôi ra biển.
Người ướt như chuột lột, họ bắt đầu bàn luận xem nên hành động tiếp theo như thế nào. "Mèo con" bị thương ở chân trong lúc vật lộn với sóng biển nên giờ đây nằm lả đi trên cát. Vomecur biết là đội tuần tra Đức chắc chắn ở đâu đó gần đây nên ông thuyết phục mọi người tin rằng người Đức nhất định sẽ giúp đỡ họ. Đại uý Blake lấy đèn pin ra và bắt đầu phát tín hiệu về phía canô.
Ngồi quan sát từ trong hầm trú ẩn, đại uý Ekkert và hạ sĩ Trich cảm thấy tất cả những gì đang diễn ra trên bãi biển chẳng khác gì một tấn hài kịch. Một vài nhân viên thuộc cơ quan cảnh sát tác chiến bí mật được Ekkert bố trí gần đó để phòng xa, cũng tò mò theo dõi những gì đang xảy ra.
Thiếu tá Ben Coiburn (tức "Benoa") về sau nhớ lại:
- Vậy là mọi chuyên đã kết thúc. Chiếc canô buộc phải rời đi để trên bờ khỏi nhìn thấy. Tất cả chúng tôi hội họp với nhau. "Lucas" (tức Vomecur) quả quyết rằng hai nhân viên cơ quan Cục Tác chiến Đặc biệt và viên sĩ quan hải quân Anh nhất định đang ẩn nấp trong rừng và chắc chắn chúng tôi cũng đang ở đâu đó gần đấy. "Mèo con" sáng hôm sau thể nào cũng liên lạc được với người Đức và chúng tôi sẽ lại họp mặt tại chính nơi này với hy vọng là canô sẽ quay lại...
Như vậy, nhóm chia làm ba: "Mèo con" mệt lả và khóc lóc, được "Lucat" dìu đi, lê bước đến khách sạn gần đấy. Hai nhân viên Cục Tác chiến Đặc biệt Anh thì đi về phía một trang trại để ẩn nấp, còn đại uý Blake trong bộ quân phục hải quân Anh thì tiến về phía rừng. Ekkert quyết định bắt giữ Blake, y đón đầu ông, lấy súng lục ra, tuyên bố y là sĩ quan Đức và buộc ông phải đầu hàng. Blake chỉ còn cách khuất phục. Còn đối với hai người mặc quần áo dân sự mà Ekkert có đủ cơ sở để tin là người Anh thì y cho người theo dõi. Đến sáng thì họ bị bắt tại trang trại gần đấy. Người chủ trang trại đã cho họ trú ẩn về sau bị xử bắn. Blake và hai nhân viên Cục Tác chiến Đặc biệt Anh bị đưa vào trại tập trung phát xít cho đến hết chiến tranh, nhưng cả ba đều sống sót.
Ekkert phái người đi lấy những chiếc va li còn nằm lại trên bãi biển. Chúng phát hiện thấy trong đó có hai điện đài, sáu mươi nghìn frant, một tập giấy tờ, hộ chiếu và chứng minh thư Đức và Pháp giả, một vài hộp đạn, chất nổ và vài khẩu súng lục.
Sáng hôm sau, "Mèo con" đến gặp đại uý Ekkert và tìm cách gọi điện cho Hugo, nhưng vô ích. Khi quay về, nàng nói với Vomecur và "Benoa" rằng người Đức đã quan sát toàn bộ vụ việc và "hết sức sửng sốt". Ekkert hứa sẽ "dựng" Hugo dậy và thuyết phục Hugo đồng ý nối liên lạc vô tuyến với London để yêu cầu London tổ chức đón họ một lần nữa vào đêm hôm sau và cũng tại địa điểm đó.
Cả ba người - "Mèo con", Vomecur và "Benoa" - khắc khoải chờ đợi suốt ngày và đến đêm lại ra chỗ cũ. Họ dùng đèn pin phát tín hiệu suốt mấy tiếng đồng hồ, nhưng không thấy ai xuất hiện. Chán nản, họ ra bến xe buýt rồi đáp tàu hoả trở về Paris. Trên tàu, khi "Mèo con" ngủ thiếp đi, Vomecur năn nỉ khuyên "Benoa" lẩn trốn. "Benoa" xuống tàu và sau nhiều ngày lưu lạc đã đến được Lisbon và từ đó về London.
Ngày 20 tháng 2, "Mèo con" và Vomecur lại một lần nữa đến chỗ hẹn với canô. Nhưng họ bị lạc và suốt đêm hoài công phát tín hiệu ánh sáng. Hôm sau, họ trở lại Paris và người ra mở cửa cho họ là Susanna.
Một vụ cãi lộn nổ ra. Hugo phải vất vả lắm mới trấn an được hai phụ nữ. Để chứng tỏ mình còn có ích cho Hugo, "Mèo con" thực hiện một vụ phản bội nữa, vụ phản bội cuối cùng. Người bị "Mèo con" tố giác lần này là đại uý Michiel Trotobas người Anh, bí danh là "Sinvestr", nhóm trưởng nhóm Kháng chiến ở thành phố Lille. Ông bị bắt nhưng vì không có chứng cớ nên lại được trả tự do. Hugo trách "Mèo con" đã cung cấp cho y tin thất thiệt. Tức giận, "Mèo con" lớn tiếng tuyên bố sẽ trao cho y bằng chứng xác nhận lời tố giác của nàng. Bằng chứng đó là luật sư Bron. "Mèo con" thoả thuận với Bron là sẽ gặp nhau ở tiệm ăn. Ngồi ở bàn bên cạnh là Hugo. "Mèo con" đặt trước mặt Bron bức ảnh chụp Maicơn Trôtôbát và hỏi xem ông có biết người này không.
- Có chứ, đây là "Sinvestr" thuộc nhóm Lille, nhóm đã chọn đầu mèo làm biểu tượng để tôn vinh bà...
Hugo nghe thấy hết.
Nhận thấy người ngồi bàn bên cạnh có vẻ đáng ngờ, Bron đã kịp chạy trốn và thoát nạn. Michiel Trotobas dùng súng kháng cự và bị giết chết. Trong cuộc diễu hành chào mừng nước Pháp được giải phóng, nhóm của ông đã giương cao lá cờ có thêu tên nhóm và hình biểu tượng mèo đen...
Vài ngày sau, "Mèo con" và Vomecur tìm cách chạy trốn lần cuối cùng và họ đã thành công.
Trên đường từ Southampton đến London, Vomecur báo cáo với người sĩ quan tháp tùng họ về sự phản bội của "Mèo con". Sau khi đến London, hai người bị tách rời nhau mỗi người một ngả.
"Mèo con" không bị bắt ngay: giờ đây đến lượt cơ quan tình báo Anh bắt đầu "trò chơi" với nàng. Nàng chỉ bị bắt vào ngày 29 tháng 6 năm 1943, đúng vào ngày sinh lần thứ 32 của nàng, căn cứ vào lời đại uý Trotobas và đại tá (nghề nghiệp là luật sư) Bron buộc tội nàng phản bội cũng như căn cứ vào mối nghi vấn của một vài thành viên tổ chức "Interale".
Năm 1945, Matinda Carre bị chuyển giao cho chính quyền Pháp. Cuộc thẩm vấn kéo dài gần bốn tháng. Matinda bị cáo buộc đã trao cho tình báo Đức ba mươi nhăm người yêu nước. Ngày mồng 4 tháng giêng năm 1949, "Mèo con" bị đưa ra toà. Tất cả các thẩm phán đều là cựu thành viên của phong trào Kháng chiến, và bản án đã được dự đoán trước: đó là án tử hình. Bản án được tuyên vào ngày mồng 8 tháng giêng.
Tháng 5 năm 1949, vào dịp kỷ niệm bốn năm ngày chiến thắng phát xít, án tử hình được thay bằng án khổ sai chung thân. Lại thêm sáu năm nữa, vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày chiến thắng phát xít, Matinda Carre được ân xá và được trả tự do. Nàng về một tỉnh lẻ hẻo lánh sống dưới một tên giả. Đến năm 1959, nàng cho xuất bản cuốn hồi ký.
"Mèo con" qua đời vào năm 1970.
Năm 1942, Vomecur lại nhảy dù xuống đất Pháp và đứng đầu một nhóm Kháng chiến. Gestapo bắt được ông. Hugo đến thăm ông trong nhà tù, y để lại một bao thuốc lá và nói:
- Tôi rất tiếc là giờ đây không thể làm được gì cho ông. Lẽ ra ông không nên trở lại thì hơn.
Lần này, các điều tra viên phát xít không nương tay. Vomecur bị đánh đập, bị bẻ răng cửa, và rồi bị đưa vào trại tập trung cho đến hết chiến tranh. Năm 1949, ông ra toà làm nhân chứng trong vụ án Matinda Carre.
Ông mất ở Paris năm 1965.
Hugo không bị coi là tội phạm chiến tranh. Y bình yên trở về Đức và tại đây, y mở một cửa hiệu thuốc lá..
108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới. 108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới. - Đoàn Tử Huyến (Chủ Biên) 108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới.