Con người là tập hợp những nỗ lực của chính mình.

S.Young

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Thanh Hải
Số chương: 108 - chưa đầy đủ
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5810 / 96
Cập nhật: 2016-04-25 23:39:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
43 - Khang Sinh (1898-1975) - "Kẻ Thứ Năm Trong Bè Lũ Bốn Tên"
hưa chắc đã có ai có thể nói được con số các điệp viên thực hay ảo mà con người này tung ra và bắt được. Con số đó nếu không lên tới hàng chục ngàn thì cũng tới hàng ngàn, nó vĩ đại như đất nước rộng lớn mà ông đã từng lãnh đạo hoạt động tình báo cũng như phản gián ở đấy.
Đó là một người tầm vóc trung bình, với vầng trán hói, cặp môi mỏng luôn mím chặt với hàng ria con kiến, cặp lông mày dướn cao và thói quen luôn rộng miệng mỉm cười. Con người đó thật có trình độ với phong thái trang nhã, nhưng lại hay hút thuốc giống như một nhà trí thức Trung Quốc, không hề giống chút nào con người mà người ta thường đồn đại "Khang Sinh không phải là người, mà là một con quái vật".
Khang Sinh sinh năm 1898 ở Thanh Đảo trong một gia đình tiểu địa chủ. Năm 1920 cậu tốt nghiệp phổ thông, thoạt đầu học đại học ở quê hương, sau đó chuyển lên Đại học tổng hợp Thượng Hải. Vừa học vừa đi dạy thêm ở trường làng. Sau khi được kết nạp Đảng Cộng sản, Khang Sinh theo học dự thính lớp bồi dưỡng cán bộ cốt cán của Đảng. Con đường hoạn lộ về chính trị rộng mở trước Khang Sinh: năm 1926, ông là Bí thư Ban chấp hành Trung ương, sau đó là Bí thư khu ủy phía Bắc Thượng Hải. Năm 1927, ngay trước hôm quân đội Cách mạng nhân dân tiến công thành phố, Khang Sinh lãnh đạo công nhân Thượng Hải xuống đường đấu tranh vũ trang, sau đó ông lại càng tiến cao hơn: ủy viên ủy ban thanh tra của Đảng, trưởng ban Tổ chức Ban chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1931 ông đã là Trung ương ủy viên, ủy viên Bộ Chính trị và bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Năm 1933, Khang Sinh tham gia Hội nghị Ban chấp hành Quốc tế cộng sản ở Moskva, hai năm sau, năm 1935 đã là đại biểu Đại hội Quốc tế cộng sản lần VII. Từ năm 1935 đến năm 1937 là ủy viên thường trực Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Quốc tế cộng sản. Trở lại Diên An, Khang Sinh là giám đốc Cục Thông tin vùng giải phóng của Trung Quốc. Cục Thông tin không chỉ đảm nhận chức năng thông tin mà phụ trách cả hoạt động tình báo, phản gián và các mặt tư pháp, luật pháp, kiểm sát. Tháng 11 năm 1938, sau Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 6, Ban Bảo vệ Chính trị được gọi là Ban Chất vấn các vấn đề xã hội do Khang Sinh làm trưởng phòng. Tháng 9 năm 1940, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị về hoạt động phá hoại ở vùng hậu địch: "Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập trong lòng địch ban điều hành các hoạt động phá hoại ở những thành phố lớn bị địch chiếm đóng do đồng chí Chu Ân Lai phụ trách cùng với phó của ông là Khang Sinh".
Khi ấy Trùng Khánh là tâm điểm hoạt động ở các thành phố bị chiếm phía Nam Trung Quốc, còn phía Bắc là Diên An. Bộ Chính trị, các phòng ban trực thuộc và các tổ chức Đảng ở địa phương có nghĩa vụ thành lập các cơ cấu tổ chức tương ứng để tiến hành các hoạt động tương tự. Các phòng ban phải chú trọng đến biên chế đặc biệt cho việc thực thi các chiến dịch phá hoại và lưu ý tuyển lựa điệp viên trước khi tung vào vùng địch. Mỗi chiến dịch trước hết phải tuân thủ các mục đích sau:
a. Thu thập xem xét các thông tin tình báo để tìm hiểu thật tốt tình thế và nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm rút ra.
b. Tận dụng mọi quan hệ quần chúng có thể để ngụy trang địa điểm tiến hành chiến dịch việc thực thi và khắc phục mọi hậu quả.
c. Tuyển chọn và hình thành đội ngũ điệp viên có thể hoạt động ở vùng địch tùy thuộc vào thành phần xuất thân của họ, vào kinh nghiệm hoạt động bí mật của họ ở thành phố, vào khả năng tổ chức được cơ sở che giấu bảo vệ tin cậy, bảo đảm đường dây liên lạc bí mật và đào tạo được những người có thể thâm nhập vào biên chế kỹ thuật ở các cơ sở công nghiệp tại các thành phố lớn. Đảng phải có nhiệm vụ lựa chọn những người thích hợp với công việc được giao".
Năm 1941, Khang Sinh đã phát triển Ban điều hành thành một cơ quan lớn mạnh. Cơ quan này kiêm nhiệm cả chức năng tham mưu chính. Đồng thời, ông phụ trách cả Ban thanh tra cán bộ trong và ngoài Đảng. Và thực tế Ban thanh tra này không bao lâu sau đã có những biện pháp quái gở dẫn tới việc thanh trừng hàng ngàn người hoàn toàn vô tội.
Khang Sinh đã ở Moskva gần bốn năm, đúng lúc ở đó đang thực hiện chính sách thanh lọc của Ezov. Từ Liên Xô trở về, Khang Sinh trở thành nhân vật bài Xô Viết cuồng nhiệt, nhưng lại cũng là người sùng bái các biện pháp thanh lọc của Ezov. Việc nghi ngờ những người chung quanh kể cả chiến hữu và các đồng chí của mình đã khiến Khang Sinh biến thành một tên khủng bố kiểu "Malius Scuratov" trong chính phủ Mao Trạch Đông. Lại cũng chính nhờ ông ta mà Mao Trạch Đông có được Giang Thanh.
Năm 1931, một cô gái trẻ 19 tuổi có cái tên Vân Hạc nghe rất kêu (tên thật của cô là Lý Thục Mông, còn nghệ danh là Lam Bình) đã trở thành người tình của Khang Sinh. Lúc này cô gái đã thay đổi nhiều người bảo trợ, trong đó có cả các giáo sư trường kịch. Khang Sinh yêu cô gái không chỉ vì sắc đẹp mà còn vì trí tuệ, tính tình trang nhã nhưng lại cứng cỏi. Năm 1938, ông đưa cô diễn viên điện ảnh xinh đẹp 26 tuổi đến Diên An, rồi "chuyển giao" cho Mao. Mao đã cưới Vân Hạc làm vợ thứ tư, tạo thành một mối tình tay ba tâm đầu ý hợp không chỉ trong tình cảm mà cả trong công việc. Sau này hòa nhập với bộ ba này còn có Bành Chân, bạn cũ của Vân Hạc, Chu Ân Lai, bạn của Bành Chân. Chính những người này là đầu mối gây ra sự phân liệt Trung - Xô.
Trong thời gian Thế chiến thứ hai, Đặc khu của Trung Quốc cũng như chính phủ chính thức đứng đầu là Tưởng Giới Thạch cùng với Quốc dân Đảng của ông ta đều ủng hộ Liên Xô và đối nghịch với đế quốc Nhật. Trước chiến tranh vài ngày, Khang Sinh đã cảnh báo Liên Xô về cuộc tấn công của Đức. Tin này Khang Sinh có được vào ngày 18 tháng 6 năm 1941, từ Chu Ân Lai, khi ấy là đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Trùng Khánh, thủ phủ của chính phủ Quốc dân Đảng. Chu Ân Lai báo về rằng đại sứ Quốc dân Đảng tại Berlin và tham tán quân sự đã báo cho Tưởng Giới Thạch rằng đêm 21 rạng ngày 22 tháng 6 Đức sẽ tấn công Liên Xô. Song đó là sự kiện duy nhất thể hiện quan hệ hữu hảo của Khang Sinh đối với Liên Xô mà đó cũng không phải là vô tư vì khi biết được kế hoạch tấn công của Đức, chính phủ Quốc dân Đảng đã có mưu đồ cấp tốc đưa quân tấn công Đặc khu, vậy là Đảng Cộng sản Trung Quốc cần sự trợ giúp ủng hộ của Liên Xô. Sau này qua những việc làm của Khang Sinh đối với đại diện của Liên Xô ở Diên An thấy rõ ông rất hằn học đối với Liên Xô, nếu chưa muốn nói là thù địch.
Học tập những việc làm của những người theo chính sách Ezov, Khang Sinh bắt đầu làm trong sạch bộ máy Đảng và "Xô Viết". Con số những người bị tố cáo là Quốc dân đảng và "tình báo, điệp viên" của Nhật ở nhiều tổ chức lên tới 100%, và ở những nơi còn lại thì không dưới 90%. Nhiều đến mức không đủ nơi giam giữ và những người bị tố giác là "tình báo Nhật" được phép tiếp tục tạm thời làm việc ở chức vụ của mình.
Khang Sinh đàn áp trừng trị cả thành viên "nhóm Moskva" nghĩa là tất cả những người đã từng học hoặc công tác một thời gian dài ở Moskva. Trong khi đó chính ông ta lại không cho mình vào nhóm đó, cho dù đã ở Moskva, đã rất nhiệt thành hô "muôn năm" trong mọi cuộc họp bên đó. Những người cộng sản Trung Quốc rất căm phẫn trước những việc làm trên của Khang Sinh. Uy tín của ông ta trong Đảng bắt đầu giảm sút (sau lưng người ta gọi ông ta là "Bộ trưởng mùa thu" nghĩa là "sứ giả Thần chết").
Năm 1945, Khang Sinh đọc báo cáo tại Đại hội lần thứ VII Đảng Cộng sản Trung Quốc, qua đó ông nêu lên những vấn đề ông theo dõi và giải quyết trong thời gian Đặc khu tồn tại. Đó là: 1/ Hoạt động của quân báo Nhật chống phá các cơ sở của Đảng Cộng sản Trung Quốc. 2/ Hoạt động phản gián của Quốc dân Đảng. 3/ Hợp tác của Quốc dân Đảng với Nhật trong đào tạo điệp báo viên. 4/ Hợp tác của tình báo Mỹ với Quốc dân Đảng. Thế nhưng ông ta lại không nhắc nhở gì đến vụ "chỉnh phong". Ông ta cũng không đả động gì đến mối quan hệ với xã hội đen và các tổ chức mafia ngầm sinh sôi nảy nở khắp đất nước Trung Quốc. Một số gọi là đại diện cho quyền lợi của nông dân nhưng chính số này lại thoái hóa thành các băng nhóm gangster, buôn bán thuốc phiện, buôn lậu, cướp bóc, nuôi dưỡng các tổ quỷ đĩ điếm. Khang Sinh được các băng nhóm đó cung cấp đầy đủ, chính xác mọi thông tin về các sự kiện và những người mà ông quan tâm. Cũng tại Đại hội này, trong bài phát biểu của mình khi đề cập tới công tác kiểm tra cán bộ và hoạt động chống gián điệp, Mao Trạch Đông đã khẳng định "Chúng ta đã thành công nhưng cũng phạm nhiều lỗi lớn..." và kêu gọi từ nay về sau phải thẳng tay trừng trị những kẻ chống đối, đồng thời để trấn an các đại biểu lại hứa rằng ở các nhà tù của Khang Sinh "sẽ khách quan và công bằng hơn". Mặc dù vậy những việc làm của Khang Sinh đã gây căm phẫn chung trong hàng ngũ cán bộ Đảng và về thực chất sự phẫn nộ đó đe dọa đường lối đối nội trong Đảng của Mao. Vì vậy năm 1949, Mao đã cách chức lãnh đạo Cục An ninh của Khang Sinh. Khang Sinh chỉ còn nắm được Ban các vấn đề xã hội (Ngoại gián và Ban đặc nhiệm của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc). Khang Sinh còn buộc phải xin từ chức lãnh đạo Ban quân báo, song qua tay chân của mình Khang vẫn nắm được mọi hoạt động của ban này trong cuộc chiến ở Triều Tiên, ở Đông Dương và nhúng tay vào cả những cuộc đụng độ khu vực như cuộc chiến tranh du kích ở Malaisia và Philippins. Sau đó ít lâu Khang Sinh còn thúc đẩy tạo điều kiện cho Pônpốt và "Khơme đỏ" lên nắm chính quyền ở Campuchia. Chính ông là người đề xuất ý tưởng sử dụng rộng rãi Hoa kiều làm gián điệp. Đồng thời ông lãnh đạo nhóm thanh tra trong Hội đồng năng lượng hạt nhân được thành lập nhằm chế tạo bom nguyên tử ở Trung Quốc.
Cuối năm 1954, Khang Sinh lại bước lên vũ đài chính trị. Ông lại vào Bộ Chính trị phụ trách Ban đặc nhiệm và quan hệ quốc tế. Chính thời điểm này Khang Sinh cùng Bành Chân và Chu Ân Lai khởi xướng việc tuyệt giao với Liên Xô.
Từ năm 1966, Khang Sinh ủng hộ Giang Thanh và "bè lũ bốn tên" làm cuộc "Cách mạng văn hóa" ở Trung Quốc và qua đó có biệt danh "kẻ thứ năm trong bè lũ bốn tên".
Khang Sinh qua đời ngày 16 tháng 12 năm 1975. Một trong các nhà lãnh đạo nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ông Hồ Diệu Bang đã nhận định "Khang Sinh là một trong những kẻ tội phạm đã kéo lùi bước tiến của cách mạng Trung Quốc tới 15 năm" và "chỉ căn cứ vào một vài hành động Khang Sinh đã làm thôi thì ông ta còn vượt trội hơn hẳn bất kỳ tên nào trong "bè lũ bốn tên".
108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới. 108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới. - Đoàn Tử Huyến (Chủ Biên) 108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới.