Books are the quietest and most constant of friends; they are the most accessible and wisest of counselors, and the most patient of teachers.

Charles W. Eliot

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Thanh Hải
Số chương: 108 - chưa đầy đủ
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5810 / 96
Cập nhật: 2016-04-25 23:39:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
40 - Diêm Bảo Hàng (Sinh Năm 1895) - Nhà Tình Báo Lỗi Lạc Của Trung Quốc
rong lịch sử ngành tình báo Trung Quốc, tên tuổi nhà tình báo Diêm Bảo Hàng được nhiều người biết đến và khâm phục. Ông sinh năm 1895 ở huyện Hải Thanh, tỉnh Liêu Ninh, từ nhỏ đã ham học, tuy nghèo nhưng ông thường xuyên đứng ngoài các lớp tư thục trong làng để nghe nhờ thầy giảng. Năm 1913, ông thi đỗ vào Trường Sư phạm cao cấp Đông Bắc. Có thể nói, con người ông văn võ song toàn, ông không chỉ đạt thành tích xuất sắc trong các môn học mà còn có năng khiếu về thể thao, cho nên ông thường xuyên làm đội trưởng đội bóng đá và bóng rổ của trường. Năm 1917, sau khi tốt nghiệp, ông đến làm cán sự Hội Thanh niên Cơ Đốc giáo ở tỉnh Thẩm Dương, sau đó bí mật tổ chức thành lập "Hội Phục hưng" và trở thành tướng lĩnh quân Đông Bắc. Ông còn là người thường xuyên kết nối các nhân sĩ Đông Bắc quy tụ lại với nhau để làm cách mạng.
Năm 1929, Diêm Bảo Hàng bắt đầu quan hệ với người Đảng Cộng sản. Năm 1937, ông bí mật gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong buổi lễ kết nạp Diêm Bảo Hàng vào Đảng, một số người đưa ra ý kiến phàn nàn về lai lịch khá phức tạp của Diêm Bảo Hàng, nhưng Chu Ân Lai nói rằng: "Anh ta phức tạp, nhưng liệu các anh có làm được những việc như anh ta làm không?". Tuy đã là đảng viên Đảng Cộng sản nhưng Diêm Bảo Hàng vẫn giả vờ lấy thân phận là nhân sĩ dân chủ ngoài Đảng để hoạt động. Thực tế, Diêm Bảo Hàng có mối quan hệ rất thân thiết với Chu Ân Lai. Lần đầu tiên hai người gặp nhau chính tại nhà riêng Diêm Bảo Hàng ở Nam Kinh, hai người đã nói chuyện đến tận đêm khuya về tình hình kháng chiến, tình hình hoạt động cách mạng... Càng nói, hai người càng tìm thấy ở nhau những điểm tương đồng của những người có chí khí lớn. Qua lần gặp ấy, Diêm Bảo Hàng đã bày tỏ lòng kính trọng đối với Chu Ân Lai và càng tin tưởng vào cuộc kháng chiến sẽ giành thắng lợi. Về sau, ông có nhiều cơ hội gặp mặt và tiếp xúc, làm việc với Chu Ân Lai. Chu Ân Lai nhiều lần lợi dụng sự hợp pháp của Diêm Bảo Hàng và tầng hai quán nhà họ Diêm để tổ chức các hội nghị, bố trí các công tác. Nhiều yếu nhân của Đảng Cộng sản Trung Quốc như Đổng Tất Vũ, Diệp Kiếm Anh cũng thường xuyên đến quán nhà họ Diêm để tổ chức hội nghị, ngoài ra còn có các nhân sĩ dân chủ yêu nước tham gia cách mạng cũng đến đây họp mặt. Do có nhiều người ra vào quán tấp nập khiến quán nhà họ Diêm nhiều lần gặp rắc rối với bọn Quốc dân đảng. Một lần, có ba người mặc quân phục cảnh sát bất ngờ đi vào quán, nói là đi bắt trộm. Bằng con mắt nhạy cảm của nhà tình báo, Diêm Bảo Hàng biết ngay ba người này là người của Quốc dân đảng, ông liền lập tức chìa ra tấm danh thiếp của Đới Lạp, ba người kia vừa nhìn thấy tấm danh thiếp thì biết ngay là không ổn nên đã bỏ đi.
Được sự chỉ đạo trực tiếp của Chu Ân Lai, Diêm Bảo Hàng đã dùng các chức danh như cố vấn ủy ban cứu tế T.Ư, Tổng giám đốc Công ty công thương nghiệp Đại Minh... để từng bước kết giao với các yếu nhân trong Quốc dân đảng hay các nhân vật cốt cán thuộc "phái CC", trường Hoàng Phố, khoa Chính trị học. Như vậy, trong suốt thời gian chiến tranh kháng Nhật, Diêm Bảo Hàng đã thu thập được rất nhiều cơ mật quan trọng từ Đới Lạp, thống soái quân đội của Quốc dân đảng. Tháng 1 năm 1941, Chu Ân Lai và Lý Khắc Nông tiếp tục giao nhiệm vụ thu thập tình báo cho Diêm Bảo Hàng và ông được một tùy viên quân sự Đại sứ quán Liên Xô tại Trung Quốc trực tiếp hướng dẫn chỉ đạo hoạt động. Cũng chính vào thời gian đó đang rộ lên cao trào chống Cộng, chống Liên Xô của Quốc dân đảng. Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp, Đại sứ Liên Xô đã tính đến chuyện phải rút các nhân viên sứ quán Liên Xô. Diêm Bảo Hàng lập tức mua một căn nhà nhỏ ở Trùng Khánh, tìm gặp Trương Chí Mẫn là nhân viên kỹ thuật và ba nhân viên giao thông khác là Kỷ Hoa, Cao Duy Lục và Thẩm Huệ để hợp tác làm việc. Còn riêng con gái ông là Diêm Minh Thi đã tự học cách nắm mật mã đồng thời kiêm luôn cả việc biên dịch các bức điện có mật mã bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, cái khó nhất của vấn đề đó là bố trí và sử dụng điện đài ở chỗ nào cho thích hợp. Suy đi tính lại, Diêm Bảo Hàng quyết định cử Trương Chí Mẫn và Kỷ Hoa sống ở căn nhà mới mua và bí mật bố trí điện đài ở dưới hầm ngầm. Trương Chí Mẫn đóng giả là nhân viên kỹ thuật điện, ban ngày đi làm, tối về truyền đi các tin tình báo quan trọng. Ngoài ra, theo chỉ thị của Chu Ân Lai, Diêm Bảo Hàng còn phải xây dựng một điện đài dự bị khác để ứng phó với các tình huống bất trắc xảy ra. Do hoàn cảnh chiến tranh nguy hiểm và phức tạp, để tránh bị lộ, Diêm Bảo Hàng và các nhân viên tổ điện đài đã phải bí mật bố trí và di chuyển điện đài đến nhiều địa điểm khác nhau ở Trùng Khánh trong thời gian hơn bốn năm. Mãi đến năm 1945, khi phát xít Nhật đầu hàng thì tổ điện đài mới ngừng hoạt động. Riêng Diêm Bảo Hàng đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đặc biệt ông đã nắm được hai tin tình báo có giá trị và quan trọng.
Tin thứ nhất là kịp thời thông báo cho Liên Xô trước một ngày kế hoạch tấn công Liên Xô của phát xít Đức. Năm 1940, phát xít Đức đã chiếm được Áo, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hà Lan và Pháp. Sau khi đánh tan liên quân Anh - Pháp, Hitler quyết định tập trung toàn bộ lực lượng tấn công Liên Xô. Để đạt được mục đích bất ngờ, phát xít Đức đã dùng nhiều biện pháp tung hỏa mù, nhưng một mặt vẫn chuẩn bị lực lượng. Để tăng thêm sức mạnh tấn công ba nước Liên Xô, Anh và Mỹ, phát xít Đức đã cấu kết với phát xít Ý và phát xít Nhật hình thành phe trục có lực lượng quân sự hùng mạnh. Ngoài ra, phát xít Đức còn tích cực phối hợp với phát xít Nhật triển khai các hoạt động dụ hàng Quốc dân đảng, nhằm giúp Nhật nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh Trung - Nhật, tập trung binh lực để cùng Đức ứng phó với Liên Xô, Anh và Mỹ.
Trước việc Đức cấu kết với Nhật và Italia, một số yếu nhân của Quốc dân đảng cho rằng không thể dựa vào Mỹ và Anh được nữa mà nên dựa vào Nhật và Đức, từ đây đã dấy lên cao trào chống Liên Xô và chống Cộng dẫn đến xảy ra sự biến "Hoa Nam". Cũng tình cờ vào thời điểm đó, Quế Vĩnh Thanh, tùy viên quân sự của Quốc dân đảng ở Đức đã tiết lộ: quân Đức sau ngày 20 tháng 6 một tuần sẽ tiến công Liên Xô. Nội bộ Quốc dân đảng khi biết được tin này đều rất vui mừng, Tưởng Giới Thạch cho rằng, Đức tấn công Liên Xô, quân Nhật nhất định sẽ cùng phối hợp hành động tiến về phía Bắc, như vậy sẽ giảm bớt áp lực đối với chiến trường ở Trung Hoa Dân Quốc. Khi đó Liên Xô buộc phải yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất binh tiến về phía Bắc, như vậy, Quốc dân đảng có thể nhân cơ hội này để đánh úp Đảng Cộng sản Trung Quốc, hòng chiếm những miền đất đã bị mất. Đây chính là chính sách "Tam Bắc" của Quốc dân đảng.
Tại một buổi yến tiệc cao cấp của Quốc dân đảng, một quan chức của Quốc dân đảng đột nhiên lỡ miệng nói ra một câu: "Tới đây sẽ có sự kiện đặc biệt quan trọng xảy ra". Diêm Bảo Hàng khi đó đứng cạnh nghe được và dự cảm một sự kiện quan trọng nào đó sắp xảy ra. Ông tỏ vẻ bình tĩnh và vui vẻ đi nâng cốc chúc các vị khách nhằm tiếp cận các vị quan chức hàng đầu của Quốc dân đảng và một vài vị khách đang ngồi ở phía trên hàng ghế đại biểu. Do thân phận đặc biệt của Diêm Bảo Hàng nên những người có mặt trong buổi tiệc không ai nghi ngờ gì ông. Khi ông đi đến nâng cốc với các nguyên lão của Quốc dân đảng và viên tùy viên quân sự của Đức ở Trùng Khánh thì những vị quan chức trên đã nhầm ông là người của Đới Lạp cho nên đã tiết lộ hết tin quân Đức sẽ tiến công Liên Xô vào ngày 21 tháng 6.
Sau buổi yến tiệc, Diêm Bảo Hàng vội đến gặp riêng Chu Ân Lai và bàn kế hoạch thông báo cho Stalin thông qua điện đài mật bố trí ở Diện An. Tuy lúc đó, Stalin đã cho rằng: phát xít Đức không thể cùng một lúc mạo hiểm tác chiến ở trên hai mặt trận và đi ngược lại "Điều ước bất xâm phạm Xô - Đức", chúng chủ yếu vẫn tập trung phòng ngự ở hướng Đông nhưng Stalin vẫn coi trọng tin tình báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi sang cùng với các tin do mạng tình báo của Richard George gửi về và cho triển khai công tác chuẩn bị ứng phó. Ngày 22 tháng 6 năm 1941, quân Đức bắt đầu triển khai cuộc tấn công ào ạt vào lãnh thổ Liên Xô và điều này đã chứng minh tính chuẩn xác của tin tình báo trên.
Tin tức thứ hai là thông báo cho Liên Xô toàn bộ tình hình bố trí binh lực của quân Quan Đông Nhật ở hướng Đông Bắc giáp biên giới Xô - Trung. Sau sự biến 18 tháng 9, quân Nhật chiếm được khu vực Đông Bắc và biến khu vực này làm căn cứ địa để triển khai xâm lược toàn bộ Trung Quốc, từ đó chúng thực hiện dã tâm xưng bá châu Á, xây dựng "Đại Đông Á cùng phồn vinh". Lúc này, quan hệ Xô - Nhật căng thẳng, Nhật đã bố trí hàng vạn quân Quan Đông ở giáp biên giới Xô - Trung. Đây là lực lượng quân đội tinh nhuệ nhất đồng thời cũng là lực lượng tổng dự bị chiến lược của Nhật. Năm 1944, quân Đồng minh Mỹ, Anh đã giành được quyền chủ động chiến lược ở chiến trường Thái Bình Dương, bắt đầu chuẩn bị phản công toàn diện đối với quân Nhật. Nhưng quân Nhật với tinh thần "Võ sĩ đạo" đã ngoan cường chống đỡ và làm tổn thất không nhỏ cho quân Đồng minh. Chính vì vậy, Mỹ và Anh rất kỳ vọng Hồng quân Liên Xô tấn công Nhật trên hướng Đông.
Tại một sàn nhảy của Câu lạc bộ quân Mỹ, Diêm Bảo Hàng mặc một bộ complê sang trọng và nhảy cùng một cô gái xinh đẹp. Sau giờ nghỉ giải lao, qua lời nói của một sĩ quan Quốc dân đảng, Diêm Bảo Hàng biết được một nhân viên tình báo Quốc dân đảng đã nắm toàn bộ tài liệu để nghiên cứu. Bằng sự khéo ăn khéo nói, ông đã thuyết phục viên tình báo cho mượn tài liệu trong 3 ngày và cầm đến gặp Chu Ân Lai. Chu Ân Lai lập tức ra lệnh cho Cục Nam Phương ở Trùng Khánh thông báo cho phía Liên Xô.
Khi nắm được tình hình bố trí binh lực, hỏa lực và quân số quân Quan Đông, ngày 8 tháng 8 năm 1945, Liên Xô bắt đầu tấn công Nhật, tập trung chủ yếu vào quân Quan Đông ở hướng Đông Bắc Trung Quốc. Các mục tiêu quan trọng của quân Quan Đông đều bị nhanh chóng tiêu diệt, chỉ mất có mấy ngày mà Liên Xô đã phá tan được hệ thống phòng thủ kiên cố của quân Quan Đông xây dựng trong hơn 10 năm.
Khi tổng kết hoạt động tình báo trong Chiến tranh thế giới thứ II, người ta đã đánh giá 3 tin tình báo có giá trị nhất đó là: Phát xít Đức bất ngờ tấn công Liên Xô; Hải quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng; Hội nghị ngự tiền Thiên hoàng Nhật Bản bàn về kế hoạch tiến xuống phía Nam Thái Bình Dương. Ngoài ra, tin về toàn bộ tình hình bố trí binh lực của quân Quan Đông Nhật ở hướng Đông Bắc giáp biên giới Xô - Trung cũng quan trọng không kém. Như vậy, nhà tình báo Diêm Bảo Hàng đã đóng góp được hai tin tình báo quan trọng trong đó. Ngoài những thành tích nói trên, Diêm Bảo Hàng còn có tài làm cho các đối thủ, đồng nghiệp, thậm chí cả Đới Lạp, thống soái quân đội của Quốc dân đảng đến chết vẫn không biết rõ thân phận của ông.
Trong dịp kỷ niệm 54 năm ngày thắng lợi trong Chiến tranh Vệ quốc 9 tháng 5 năm1999, cựu tổng thống Nga Elsin đã gửi tặng Diêm Bảo Hàng và con gái Diêm Minh Thi huy chương danh dự vì đã có những cống hiến to lớn trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc. Như vậy, sau hơn 50 năm được giữ kín, cuối cùng, tên tuổi, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của nhà tình báo Diêm Bảo Hàng mới được tiết lộ trên báo chí.
108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới. 108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới. - Đoàn Tử Huyến (Chủ Biên) 108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới.