One does not fall “in” or “out” of love. One grows in love.

Leo Buscaglia

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Thanh Hải
Số chương: 108 - chưa đầy đủ
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5810 / 96
Cập nhật: 2016-04-25 23:39:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
21 - Wilhelm Leman (1884 - 1942) - Nguyên Mẫu Của “17 Khoảnh Khắc Mùa Xuân”
ác khán giả bộ phim truyền hình nhiều tập "Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân" thường hỏi: "Trong thực tế có nhân vật Stirlit hay không? Hoặc có một điệp viên Xô Viết nằm vùng nào khác được lấy làm nguyên mẫu cho nhân vật này không?" Nếu đã hỏi như vậy thì có thể trả lời thẳng: "Không. Thật đáng tiếc là không có một điệp viên nằm vùng nào, không có một sĩ quan tình báo Xô Viết chuyên nghiệp nào trong giới thân cận của Miller hoặc Sellenberg cũng như trong bộ máy đầu não của cơ quan an ninh Hitler nói chung".
Tuy nhiên, trong đời thực có một người đã từng làm việc trong bộ máy đầu não đó và biết được những bí mật của nó. Ông không phải là một tình báo viên Xô Viết chuyên nghiệp nhưng là một điệp viên đáng tin cậy của cơ quan tình báo Xô Viết. Tên ông là Wilhelm Leman, còn bí danh là "Braitenbac". Dưới đây là câu chuyện về ông.
Wilhelm Leman sinh năm 1884 trong gia đình một giáo viên sinh sống tại một thị trấn nhỏ ở ngoại vi thành phố Leipsig. Tuy lấy tên theo tên của vua Wilhelm nhưng suốt đời ông mang tên Willi và chính họ tên này - Willi Leman - hiện diện trong các tài liệu của cơ quan tình báo Xô Viết. Năm 18 tuổi, ông tình nguyện gia nhập hải quân và phục vụ trong binh chủng này gần mười năm. Ông đã tham gia nhiều chuyến viễn dương, đã chứng kiến trận đánh Xuxim, rồi bị bãi chức thượng sĩ pháo binh và vào làm trong ngành cảnh sát Berlin. Tại đây, cấp trên nhận thấy ông là người tận tuỵ và có năng lực, do đó ông được đưa vào phòng phản gián của sở cảnh sát Berlin. Trong những năm Thế chiến thứ nhất và những năm tiếp theo, Willi Leman tỏ ra là một nhân viên phản gián thông minh và khôn ngoan, ông được thăng cấp, được thực hiện những vụ điều tra quan trọng và thực tế là biết rõ mọi công việc của phòng phản gián.
Ông được coi là người không mắc chứng háo danh, có thái độ tỉnh táo đối với tiền bạc và không hề có bất kỳ một đam mê tệ hại hoặc "mối dan díu tội lỗi" nào. Năm 1928, khi một người bạn của ông lâm vào tình thế khó khăn, ông đã khuyên người này nên làm việc cho cơ quan đại diện toàn quyền của Liên Xô ở Berlin. Người đó làm theo lời khuyên của ông và trở thành điệp viên của cơ quan tình báo Xô Viết A-70 (về sau, người này bị tách khỏi những công việc quan trọng do sử dụng quá "tự do" những khoản tiền nhận được và vì vậy có thể gây nghi ngờ).
Năm 1929, khi chính Willi túng bấn tiền nong thì ông cũng hành động hệt như vậy. Sau khi được tuyển mộ, ông mang bí danh A-201 hoặc "Braitenbac". Cần lưu ý rằng mặc dù tiền bạc là yếu tố hết sức quan trọng thúc đẩy ông hợp tác với tình báo Xô Viết nhưng cũng như nhiều điệp viên khác, ông quyết định như vậy còn là do ông căm ghét chủ nghĩa quốc xã. Ông coi cuộc chiến tranh chống Liên Xô là tội ác.
Do vị trí làm việc của Willi hết sức quan trọng nên Trung Tâm và cơ quan tình báo Xô Viết ở Berlin lập tức chăm lo đến việc "giấu kín" ông. Trung Tâm quyết định ông chỉ cung cấp những tin nào mà ông có thể khai thác được nhờ chức trách của ông, không cần ông phải săn tìm những bí mật của người khác. Mặc dù tin tức dưới dạng tài liệu bao giờ cũng được dành ưu tiên trong hoạt động gián điệp nhưng đối với "Braitenbac" thì cơ quan an ninh Xô Viết không đòi hỏi ông chuyển giao tài liệu mà thoả mãn với những tin ông truyền đạt bằng miệng. Và bởi vì những điệp viên "hợp pháp", tức là những nhân viên chính thức của các cơ quan Xô Viết, có thể bị mật vụ Đức theo dõi nên việc liên lạc với ông được thực hiện chủ yếu là thông qua các điệp viên nằm vùng. Ông được chuẩn bị sẵn hộ chiếu để có thể khẩn cấp ra nước ngoài, đồng thời chuẩn bị cả những tín hiệu báo động khi nguy hiểm.
Năm 1930, những khả năng gián điệp của "Braitenbac" được mở rộng thêm - ông được giao nhiệm vụ "chăm sóc" sứ quán Xô Viết ở Berlin, do đó, ông nắm chắc mọi hành động được hoạch định và tiến hành nhằm chống lại sứ quán Xô Viết và các nhân viên sứ quán. Ông cũng biết được tất cả các điệp viên được sử dụng trong những hành động ấy. Vào cuối năm 1932, ông còn được trao nhiệm vụ theo dõi giới gián điệp Ba Lan và không phải ngẫu nhiên mà điệp viên Ba Lan Iurek Susnovski đã sửng sốt khi thấy cơ quan tình báo Xô Viết biết quá rõ về y khi bị thẩm vấn tại Moskva trong những năm 1939 - 1940.
Sau khi Hitler lên nắm chính quyền ở Đức vào năm 1933, phòng phản gián của "Braitenbac" thành lập một ban riêng để đấu tranh với "gián điệp cộng sản". Ngày 26 tháng 4 năm 1933, phòng phản gián của Willi Leman sáp nhập vào cơ quan cảnh sát quốc gia (Gestapo) mới thành lập. Vậy là ông trở thành nhân viên Gestapo, và đến ngày 20 tháng 4 năm 1934, nhân dịp sinh nhật Hitler, ông được lấy vào đơn vị SS và được thăng chức.
Năm 1934, điệp viên "Braitenbac" được phép bắt liên lạc với điệp viên nằm vùng Vaxili Zarubin. Trung Tâm đòi hỏi ngày càng nhiều tin tức vượt ra ngoài khả năng chức vụ của ông. Nhưng ông vẫn thu thập được những tin tức ấy, chẳng hạn, ông đã kiếm được cho bộ phận giải mã Xô Viết bản gốc các bức điện của Gestapo, ông cũng đã thông báo nhiều chi tiết công nghệ về những loại tên lửa mà nhà thiết kế Danberg đã từng nghiên cứu trước khi bị bắt, ông còn làm rõ được việc hai điệp viên nằm vùng bị Gestapo bắt có bị tình báo Đức tuyển mộ lại hay không.
Tháng 12 năm 1935, Willi Leman cùng nhiều quan chức cao cấp của cơ quan phản gián Đức đi thăm những nhà máy và thao trường tuyệt mật chuyên sản xuất và thử nghiệm các loại vũ khí mới nhất, bởi lẽ, vốn là nhân viên phản gián, họ phải biết những gì mà họ cần bảo vệ. "Braitenbac" đã miêu tả lại tỷ mỉ cho cơ quan tình báo Xô Viết những gì ông đã nhìn thấy cũng như hàng loạt những thông số tác chiến - kỹ thuật mà ông thu lượm được từ các nhà chuyên gia.
Chiến công có ý nghĩa quan trọng hơn nữa là mật báo của "Braitenbac" về việc người kỹ sư trẻ Verne fon Braun sáng chế ra một loại vũ khí chưa từng có cho tới thời điểm ấy, đó là loại tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng tầm xa có thể lên đến hàng trăm cây số. Một bản báo cáo đặc biệt về vấn đề này đã được đệ trình lên Stalin, Vorosilov, Tukhasevxki. Ban lãnh đạo Tổng cục Tình báo Xô Viết đánh giá cao tài liệu này và soạn riêng một bản câu hỏi để làm rõ các thông số kỹ thuật.
Năm 1936, "Braitenbac" thông báo vị trí của năm thao trường mật chuyên thử nghiệm vũ khí mới, chuyển tin tức về hệ thống các công sự mạnh nằm dọc theo biên giới Đức-Ba Lan, về việc chế tạo loại xe bọc thép và máy bay tiêm kích mới của hãng Haiken, về loại thép bọc máy bay, về loại xe tăng phun lửa, về loại chất lỏng có thể bốc cháy, về việc chế tạo đội tầu ngầm tại mười tám xưởng đóng tầu.
Cũng vào cuối năm 1941, ban lãnh đạo nước Đức phát xít áp dụng những biện pháp đặc biệt để bảo vệ bí mật quốc gia trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất các loại vũ khí mới, tuy nhiên "Braitenbac" vẫn tiếp tục chuyển cho cơ quan tình báo Xô Viết nhiều tin tức về những thành tựu của Đức trong lĩnh vực quân sự. Chẳng hạn, lần đầu tiên người ta biết về những cuộc thí nghiệm được tiến hành dưới sự kiểm soát của đích thân Hering nhằm điều chế xăng từ than đá và về việc xây dựng một nhà máy bí mật sản xuất chất độc.
"Braitenbac" cũng thu thập được và chuyển cho tình báo Xô Viết bản báo cáo đặc biệt quan trọng năm 1937 "Về việc tổ chức hệ thống quốc phòng của nước Đức".
"Braitenbac" được cơ quan Gestapo đánh giá rất cao, bằng chứng là vào dịp lễ Giáng sinh năm 1936, ông được tặng tấm chân dung Hitler có chữ ký của y và bằng khen, ngoài ông ra, chỉ có ba nhân viên Gestapo nữa được hưởng vinh dự này.
Trong đời ông đã xẩy ra một trường hợp chỉ chút nữa là dẫn đến thất bại. Một người bạn thông báo cho ông là ông bị theo dõi vì bị nghi ngờ có quan hệ với cơ quan đại diện thương mại Xô Viết. Thật may mắn là kẻ theo dõi đã không phát hiện được mối quan hệ của ông với tình báo Xô Viết. Nhưng ít lâu sau mới biết rằng việc theo dõi ông là do lầm lẫn - người cần theo dõi không phải là ông mà là một Leman khác cùng họ tên với ông, người này bị người tình cũ theo dõi vì ghen tuông.
Tháng 3 năm 1943, Zarubin rời nước Đức, mối liên lạc với "Braitenbac" được vợ người điệp viên nằm vùng Corotcov là Maria Vincovưxkaia duy trì thông qua bà chủ căn phòng bí mật Clemans. Nhưng đến cuối năm 1938 thì cả mối liên lạc này cũng bị đứt đoạn bởi vì người điệp viên duy nhất lãnh đạo Maria là A. I. Agaian qua đời trong lúc làm phẫu thuật.
Năm 1939, Trung Tâm soạn thảo một báo cáo về hoạt động của "Braitenbac" trong đó nói rằng ông đã "chuyển cho chúng ta một số lượng lớn những tài liệu đích thực và những tin tức cá nhân làm sáng tỏ cơ cấu, đội ngũ cán bộ và hoạt động của tổ chức Gestapo, cũng như của tình báo quân sự Đức. "Braitenbac"đã báo trước cho chúng ta về những cuộc bắt bớ và khiêu khích đang chuẩn bị nhằm vào các điệp viên nằm vùng và điệp viên "hợp pháp" của chúng ta ở Berlin. Ông đã cung cấp cho chúng ta tin tức về những nhân vật đang bị Gestapo theo dõi cũng như về những vụ điều tra mà chúng ta quan tâm. Cơ quan tình báo chưa bao giờ có bất kỳ nghi ngờ gì về lòng trung thực của người điệp viên này".
Vậy là "Braitenbac" bị mất liên lạc.
Vào cuối tháng 6 năm 1940, một người lạ mặt bỏ vào hòm thư của sứ quán Xô Viết ở Berlin một bức thư gửi tùy viên quân sự Xô Viết. Tác giả bức thư đề nghị khôi phục lại mối liên lạc với mình đã bị gián đoạn vào năm 1939, đồng thời nêu rõ mật khẩu liên lạc qua điện thoại, thời gian và địa điểm gặp gỡ. Người đó viết: "Nếu không khôi phục lại được liên lạc thì công việc của tôi ở Gestapo sẽ mất hết ý nghĩa".
Dĩ nhiên bức thư này không thể không gây nghi ngờ: phải chăng "Braitenbac" lại đã xuất hiện và liệu ông có đóng vai trò một kẻ mạo danh không? Nhưng niềm tin vào lòng trung thành của ông đã chiến thắng. Trung Tâm đã cử một nhân viên của mình là Corotcov đến Berlin và Corotcov đã khôi phục lại mối liên lạc với "Braitenbac", đồng thời giới thiệu ông với người điệp viên trẻ Boris Giuravlev để tiếp tục làm việc.
"Braitenbac" đã vài lần cảnh báo về mối nguy cơ ngày càng tăng của việc nước Đức phát xít tấn công Liên Xô. Vào tháng 3 năm 1941, ông thông báo về việc cơ quan tình báo Đức đang khẩn trương củng cố một đơn vị chống phá nước Nga, đang thực hiện những biện pháp động viên trong bộ máy nhà nước, tiếp đó, vào cuối tháng 5 ông thông báo về việc cơ quan tình báo Đức đã lập lịch trực suốt ngày đêm của các nhân viên. Trong cuộc gặp gỡ cuối cùng với Giuravlev vào ngày 19 tháng 3 năm 1941, ông báo tin Gestapo đã nhận được mệnh lệnh gửi cho các đơn vị quân đội phát xít, trong đó có nói rõ là những hành động chiến sự chống Liên Xô sẽ bắt đầu sau 3 giờ sáng ngày 22 tháng 6 năm 1941.
Ngay tối hôm đó, tin này đã được chuyển về Moskva.
Đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng với "Braitenbac". Sau khi chiến tranh kết thúc, vợ ông là Margarita kể lại rằng vào tháng 12 năm 1942, chồng bà được khẩn cấp gọi đến nơi làm việc rồi không trở về nữa. Về sau, một đồng nghiệp của ông báo tin cho bà biết là ông đã bị Gestapo xử bắn.
Trong tập hồ sơ "Braitenbac" hiện đang được lưu trữ tại kho lưu trữ Cục Tình báo Đối ngoại có một bản báo cáo cho biết ông bị một điệp viên có bí danh là "Bec" tố giác. "Bec" được tung vào hậu phương phát xít rồi sa vào tay Gestapo. Bản báo cáo viết rằng "Theo lệnh của Gestapo, "Bec" đã duy trì liên lạc qua điện đài với Moskva từ ngày 14 tháng 10 năm 1942 đến ngày 12 tháng 4 năm 1944, chuyển đi những tin tức do nhân viên Gestapo viết sẵn, kết quả là vào tháng 12 năm 1942, điệp viên "Braitenbac" của các cơ quan an ninh Liên Xô đã bị bắt và bị xử bắn".
Trong các hồ sơ của Gestapo cũng như trong các tài liệu lưu trữ của Đức mà Liên Xô thu được không hề có bất kỳ chỉ dẫn gì về việc Willi Leman bị điều tra và đem ra xét xử. Vụ việc của ông không được công bố và thậm chí, chắc chắn là không được báo cáo lên Hitler. Đó là tháng 12 năm 1942, trong cơn giận dữ vì thất bại ở Stalingrad, Hitler có thể trút nỗi giận dữ lên đầu bọn trùm Gestapo, bởi lẽ, một kẻ thù như Leman đã xâm nhập được vào tận trái tim của đế chế thứ ba. Chắc hẳn vì hiểu như vậy nên những tên trùm Gestapo đã đem bắn "Braitenbac" mà không cần xét xử hoặc đã đầy ải ông trong chốn lao tù. Mà biết đâu, tên trùm Gestapo Miller đã bắn chết ông ngay trong phòng làm việc của y.
108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới. 108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới. - Đoàn Tử Huyến (Chủ Biên) 108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới.