Tôi không thể cho bạn một công thức thành công, nhưng tôi có thể cho bạn một công thức cho sự thất bại, đó là: cố gắng làm vừa lòng mọi người.

Herbert Bayard Swope

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Đê Quy
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 29
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 112
ổng kết thất bại, Tào Tháo hối hận khôn cùng
Hợp Phì bãi binh
Tào Tháo không cam chịu thất bại, chỉ ngồi yên ở huyện Tiều vài ngày rồi lại bắt tay chuẩn bị chiến sự, lệnh cho người chiêu mộ tân binh, đóng mới chiến thuyền, thao luyện thủy quân. Tội cho đám binh tàn tướng bại vừa trốn về, còn chưa kịp thở đã phải lao vào cuộc chiến mới, nhiều người đau yếu cũng phải liều mạng lên đường chinh chiến.
Trung Nguyên thực lực hùng hậu, chỉ trong vỏn vẹn hai tháng đã tập hợp được sáu bảy vạn binh mã, đóng mới gần một nghìn chiếc thuyền. Có điều, ngoài Tào Tháo ra, không một tướng lĩnh, tham mưu nào cảm thấy lạc quan, bài học thảm bại trong trận Xích Bích vẫn chưa lùi xa, huống chi những chiến hạm to lớn, trang bị kỹ càng của Kinh Châu còn không đánh lại nổi quân Giang Đông, dựa vào số thuyền nhẹ mới đóng đó có thể vượt Trường Giang hiểm yếu hay sao? Thế nhưng, Tào Tháo dường rơi vào ma chướng, một mực muốn chinh phục Giang Đông, lấy lại danh dự bất khả chiến bại, cho nên ông quyết ý dẫn đại quân xuất phát từ huyện Tiều, theo sông Hoài tiến thẳng đến Hợp Phì trong lúc mọi người vẫn đang tranh nghị và ai oán.
Đúng như dự đoán của hầu hết chúng nhân, lần xuất chinh này cũng tổn thất nặng, ba quân mệt mỏi, sĩ khí suy sụp, chiến đấu chỉ vì sợ quân lệnh. Thêm nữa, vùng Giang Hoài đang bùng phát dịch bệnh, rất nhiều binh sĩ trước đó nhiễm thương hàn chưa khỏi hẳn, giờ lại lênh đênh trên thuyền tiến vào hiểm địa, với họ mà nói chẳng khác nào bước tới quỷ môn quan. Từ lúc đại quân bắt đầu xuất phát đã có binh sĩ bệnh chết, về sau tình hình ngày càng nghiêm trọng, đoàn thuyền ném thi thể xuống sông suốt dọc đường đi. Thời tiết lúc này đã ấm hơn, những nơi đại quân đi qua ngập mùi xác chết phân hủy. Đội quân mỏi mệt, bệnh tật như thế còn đâu sức chiến đấu? Bách tính hai bờ sông Hoài vô cùng hốt hoảng, chỉ lo Tào Tháo lại bắt tráng đinh sung quân, nên dắt díu nhau trốn khỏi quê nhà.
Sau khi phải trả giá đắt với sinh mạng của gần một vạn người, vào tháng bảy năm Kiến An thứ mười bốn, Tào Tháo tới được Hợp Phì. Tiếc là, trước khi ông đến, Tôn Quyền đã rút quân về Giang Đông.
Tôn Quyền xưng là có mười vạn đại quân, trên thực tế chỉ còn hai vạn sau khi chia binh cho Chu Du, sở dĩ Tôn Quyền có thể khuấy lên trận phong ba lớn nhường ấy đều nhờ cả vào việc Tào Tháo bại trận, nhân tâm không yên. Ngoài ra, đám phản loạn Ngô Lan, Lôi Tự cũng góp phần thổi bùng ngạo khí của anh ta, khiến cho người dân Giang Hoài khiếp sợ. Lúc Hợp Phì cấp báo, Tào Tháo chỉ rút được hơn ngàn quân kỵ của Trương Hi đi cứu viện, cộng với binh mã Nhữ Nam cũng không quá ba bốn ngàn, số binh lực ít ỏi đó vốn không thể ép Tôn Quyền lui quân. Giữa lúc nguy ngập, biệt giá Dương Châu là Tưởng Tế nghĩ ra một mưu hay, sai người làm giả tấu báo, phóng đại số viện quân lên gấp mười lần, nói rằng đại quân bốn vạn người đang gấp rút tới cứu, rồi chia binh sĩ truyền lệnh làm ba đội chạy tới Hợp Phì đưa thư, cố ý dụ quân địch chặn bắt. Đúng như dự liệu, thư giả lọt vào tay Tôn Quyền. Anh ta được tin bốn vạn quân Tào sắp đến cứu viện thì hoảng sợ, đoán chừng Tào Tháo bại trận nhưng không thể xem thường thực lực của ông được, liền vội vàng rút quân.
Thành Hợp Phì bị bao vây nhưng vẫn cố thủ được trăm ngày không chỉ nhờ công lao của quan viên, tướng sĩ, mà còn nhờ công cố Thứ sử Dương Châu là Lưu Phức. Năm đó Thứ sử tiền nhiệm là Nghiêm Tượng bị Lý Thuật giết, về sau Tôn Quyền lại đánh bại Lý Thuật, di dời phần lớn dân Giang Hoài. Khi Lưu Phức nhận mệnh, Hợp Phì gần như là một tòa thành trống, chính ông ta đã chiêu mộ bách tính, phục hồi sản xuất, mở trường dạy học, phát triển đồn điền, xây dựng các công trình tưới tiêu như Thược Bi, Gia Bi, Thất Môn, Ngô Đường và còn mở mang gia cố thành Hợp Phì. Thứ nữa, lúc bệnh nặng sắp qua đời, ông còn cắt cử quan binh tích trữ lương thảo, chuẩn bị đá lăn, thân cây, lũy cao, hào sâu, tăng cường phòng bị. Nếu lúc lâm chung Lưu Phức không biết lo xa nghĩ rộng, e là thành Hợp Phì đã sớm bị Tôn Quyền đánh hạ.
Dương Châu thoát được một kiếp nạn, từ biệt giá Tưởng Tế, Tòng sự Lưu Diệp xuống đến lại dân, sĩ tốt không ai không nhớ ơn đức của Lưu Phức, bật khóc rung rức. Tướng sĩ vượt muôn ngàn gian khổ chạy đến cứu viện cũng thở phào, duy có Tào Tháo không hài lòng với kết quả này, ông vẫn muốn truy kích Tôn Quyền, dàn trận trên sông Trường Giang.
Trong trướng trung quân im phăng phắc, tất thảy tướng lĩnh, tham mưu cùng với quan lại Dương Châu hệt như những pho tượng gỗ, lặng im không nói, chăm chú nhìn Tào Tháo với ánh mắt bất lực, ngay cả quân sư Tuân Du, lão hữu Lâu Khuê cũng không nói gì. Không phải không có ai dị nghị, mà không người nào dám can gián vị Thừa tướng ngang ngược, cố chấp ấy.
Kỳ thực, chỉ cần bước ra ngoài trướng, ai cũng có thể nhận ra trận này không thể đánh nữa. Binh lính ốm yếu rên rỉ kêu đau, thầm nhỏ nước mắt, sĩ khí sa sút thảm hại. Tào Nhân cố giữ Giang Lăng, chống đỡ sự tấn công của hai nhà Tôn, Lưu; Vu Cấm, Trương Liêu liều mạng với bộ hạ cũ của Viên Thuật; còn Hạ Hầu Uyên cũng đang truy quét, chặn đường quân phiến loạn Lư Giang. Cả một dải Giang Hoài tựa như chiếc thuyền rách trăm ngàn lỗ hổng, nhưng Tào Tháo lại cố tình làm như không thấy gì, có lẽ trong lòng ông hiểu rõ, chỉ là không chịu chấp nhận thua mà thôi.
Tào Tháo siết chặt lệnh tiễn như muốn gom tất cả hận thù lại. Ông lạnh lùng quét ánh mắt qua hết lượt chúng nhân trong trướng - không lời dị nghị, không ý kiến khác. Ông vụt đứng dậy, định ban lệnh dỡ trại nam tiến.
— Báo! - Một tân binh chạy vào bẩm báo. - Tưởng Cán tiên sinh cầu kiến.
Tào Tháo dằn lòng, từ từ ngồi xuống:
— Cho vào.
Tưởng Cán tiến lại chỗ cửa trướng, chỉ nói:
— Tham kiến Thừa tướng, tại hạ xin phục mệnh. - Đoạn cúi đầu quỳ gối hướng vào bên trong, chờ Tào Tháo hỏi.
Không cần hỏi, nhìn bộ dạng đó là biết chuyến đi uổng công. Du thuyết kiểu này làm sao có thể thành được, hành động của Tào Tháo khác gì bịt tai trộm chuông. Ông nhắm mắt hít một hơi sâu, không nhịn được hỏi:
— Hắn nói sao?
— Thưa, Chu Du không chịu đến. - Tưởng Cán liều chết nhìn chằm chằm xuống đất, cũng chẳng dám nhấc mí mắt lên.
Tào Tháo cao giọng quát:
— Ta hỏi ngươi, hắn đã nói gì với nhà ngươi?
Tưởng Cán nuốt nước bọt, miễn cưỡng đáp:
— Công Cẩn nói với tại hạ, “Bậc trượng phu ở đời gặp được minh chủ tri kỷ, ngoài là nghĩa vua tôi, trong là tình cốt nhục, nói thì nghe kế thì theo, họa phúc cùng hưởng. Giả như Tô Trương(*), Lịch Tẩu(*) sống lại, ta cũng vỗ vai bọn họ mà chỉ trích, một kẻ hậu sinh như túc hạ há có thể lay chuyển tâm chí của ta sao?”
— Hừ! Miệng Tô Tần, lưỡi Trương Nghi, Lệ Thực Kỳ sống lại cũng không thể lay chuyển hắn ư, khẩu khí lớn lắm! - Tào Tháo chợt nổi giận, - Chuyện thiên hạ quy về một mối gần trong gang tấc, chẳng lẽ ngươi không biết đường hỏi hắn, chỉ nghĩ đến ân tri ngộ và nghĩa cốt nhục mà không lo cho muôn dân trăm họ sao? Tuy hắn tạm thời đắc thắng, nhưng chỉ dựa vào mảnh đất Đông Nam hẻo lánh để chống lại chín châu há có thể cầm cự lâu dài?
— Vãn sinh có hỏi, - Tưởng Cán quệt mồ hôi túa ra nơi thái dương, - Hắn chỉ nói bốn chữ...
— Nói!
— Việc cốt ở người.
— Việc cốt ở người... - Tào Tháo chẳng thể nào ngồi yên, sốt ruột đứng dậy, - Vì sao? Hắn vẫn muốn đối nghịch với lão phu, vì sao chứ? Ai khiến hắn to gan như vậy!
Tưởng Cán hiển nhiên không thể trả lời câu hỏi này, đành ngậm chặt miệng, vờ như tai điếc miệng câm.
Tào Tháo rơi vào suy nghĩ cố chấp, trong đầu toàn là những chiến lao hiển hách trước đây, chỉ cảm thấy ruột gan như thiêu đốt, hai mắt vằn lên đỏ ngầu. Ông như một con sói đói rũ, hổn hển đi tới đi lui quanh quân trướng, một tay nắm chắc cán kiếm, còn tay kia run rẩy. Ông đi hết hai vòng, bỗng gầm lên:
— Ta định đánh xong trận này, chỉnh đốn lại triều đình, sau đó cùng dân chúng, binh lính nghỉ ngơi!... Nhưng, hai tên nhãi Tôn Quyền, Chu Du ấy, và cả tên giặc tai to!... Chúng đều là một lũ hiếu loạn lòng lang dạ sói! Chúng chỉ biết chia bè kết phái, nghĩ đến dã tâm của bản thân, há biết đạo cai trị thiên hạ? Thiên hạ chiến loạn hơn hai mươi năm, bao nhiêu sinh linh đồ thán? Ai trong số chúng từng trải sự tối tăm của tiên triều, ai trong số chúng từng tạo phúc cho bách tính? Hai mươi năm qua chính ta là người trừ gian diệt ác, dập tắt binh đao, an định lê dân! Tru diệt kẻ ác, thăm hỏi người dân, như mưa kịp lúc! Người nhất thống thiên hạ ngoài ta còn ai... Lũ nhãi ranh xấu xa! Chúng đều là bọn khốn!...
Quần liêu nhìn Tào Tháo hằm hằm nổi giận, kinh hãi lùi lại mãi phía sau, có kẻ lần đầu tiên trong đời nhìn thấy có người giận dữ đến vậy, sợ mềm nhũn chân. Ai nấy đều cúi đầu không dám lên tiếng, trong trướng chỉ có Tào Tháo la hét khản giọng.
— Bốn phương có tội hay vô tội do ta gánh cả, trong thiên hạ còn ai dám vượt trên thân phận của ta? Tại sao bọn hiếu loạn ấy không chịu buông tay? Mà còn khiến thời loạn thêm loạn, rốt cục chúng có ý gì! Thật khiến ta bực mình!...
Bỗng có một giọng nói cao vút cất lên:
— Thừa tướng! Thuộc hạ muốn được hỏi ngài một câu.
Chúng nhân giật nảy mình, kẻ nào mà dám nhiều lời vào lúc này? Mọi người cùng đưa mắt dò xét, chỉ thấy một văn sĩ trung tuổi, tướng mạo xấu xí lách đám đông bước ra.
Tào Tháo đương không có chỗ trút giận, liếc mắt nhìn, thì ra là Hòa Hiệp, Hòa Dương Sĩ. Có lẽ dung mạo xấu cũng là một bảo bối, trước khuôn mặt xấu đến mức không thể xấu hơn ấy ông lại chẳng nổi cáu, lạnh lùng quát:
— Nói mau!
— Dạ. - Hòa Hiệp tự tin tiến lên phía trước mấy bước, - Tại hạ cả gan muốn hỏi, nếu Thừa tướng và Tôn Quyền hoán đổi vị trí cho nhau, ngài sẽ làm thế nào?
— Ngươi nói cái gì?
Đầu óc Tào Tháo rối loạn, nghe không rõ câu này. Hòa Hiệp lặp lại câu nói lần nữa:
— Nếu Thừa tướng và bọn Tôn Quyền, Chu Du đổi vai cho nhau, chúng chiếm đóng phương bắc, nắm binh mạnh trong tay, còn ngài chỉ có mảnh đất nhỏ một mình chống đỡ. Người khác khuyên ngài lấy thế lớn của thiên hạ làm trọng, cởi giáp quy hàng, liệu ngài có chịu nghe theo không?
Tào Tháo á khẩu không nói được gì, phút chốc cơn giận bị dập tắt hoàn toàn, đôi mắt vằn tia máu nhìn Hòa Hiệp chằm chằm - đương nhiên câu trả lời là không. Anh tài thời loạn thảy đều như nhau, ai không có quyền tranh giành? Ai không có dã tâm độc bá thiên hạ? Trước kia Viên Thiệu nắm giữ bốn châu, gửi thư bắt Tào Tháo rời đô đầu hàng, ông trả lời thế nào? Đến trận Quan Độ, Viên Thiệu đem mười vạn đại quân đến đánh, ông quyết chiến thế nào? Giờ hai nhà Tôn, Lưu và ông cũng giống khi ấy, chỉ có điều ông đóng vai Viên Thiệu, đội quân hơn mười vạn người nam chinh cuối cùng thất bại quay về! Chuyện này giống nhau biết chừng nào, nhưng sao có thể chấp nhận nổi? Năm đó Tào Tháo cười chê Viên Thiệu tự cao tự đại, ngạo mạn khinh địch. Sao giờ ông lại đi đến bước này?
Tào Tháo chợt bừng tỉnh ngộ, khoảnh khắc này ông mới hoàn toàn thoát khỏi vọng tưởng thiếu thực tế sau trận thua. Ông run rẩy một hồi, khẽ vỗ vai Hòa Hiệp hai cái rồi phá lên cười ha hả:
— Ha ha ha!... Ngươi hỏi rất hay! Ha ha ha!...
Dứt lời cười lớn, lảo đảo bước ra khỏi trướng.
— Thừa tướng! Thừa tướng! - Các duyện thuộc cuống lên, định đuổi theo.
Hòa Hiệp dang tay cản lại:
— Chớ đi! Càng khuyên càng tệ. Cứ để Thừa tướng tự nghĩ thông.
Tào Tháo ra khỏi đại trướng vẫn không ngừng cười, ông cười sự ngu dại của bản thân, cười mình ngạo mạn, cười mình không thức thời, cười mình hết thuốc chữa hệt như Viên Thiệu. Từ sau lần thắng quân Ô Hoàn, ông bắt đầu trở nên tự phụ, coi thường hào kiệt trong thiên hạ, lại lấy được Kinh Châu quá dễ dàng nên càng ngông cuồng tự đại, kết quả lại bôi tro lên mặt. Trách ai đây? Trách bản thân ông. Tiếc rằng đến khi hiểu ra thì đã quá muộn, ông đã bỏ lỡ thời cơ tốt nhất để thống nhất thiên hạ...
Sau một hồi cười lớn, ông dần bình tĩnh lại, tất cả binh sĩ trong doanh ngỡ ngàng nhìn ông. Những binh sĩ đáng thương đó người bị thương, kẻ bị bệnh tật giày vò, dẫu người không đau ốm mà bị hành hạ hơn nửa năm qua cũng thân xác héo mòn, tinh thần kiệt quệ, có còn là đội quân thép uy chấn Trung Nguyên năm đó nữa không? Tào Tháo chẳng thể cười nổi, ông thấy thẹn với tướng sĩ vào sinh ra tử, càng thẹn với những vong hồn bỏ mạng nơi sa trường. Thế nhưng đây vẫn chưa phải là tất cả, ông còn mặt mũi nào quay về Hứa Đô? Ông còn mặt mũi nào tới gặp Tuân Úc? Còn mặt mũi nào tái kiến vị thiên tử bù nhìn? Và còn mặt mũi nào tiếp đãi những danh sĩ ở khắp nơi mà ông hao tâm tổn sức mời về?
Ông đã đi một bước đáng sợ, không còn là Tư không, mà là Thừa tướng độc nhất vô nhị từ thời trung hưng tới nay. Quân chẳng ra quân thần chẳng ra thần, mập mờ, khó xử, giờ phải làm sao? Thay nhà Hán xưng đế theo kế hoạch ban đầu ư? Vậy ông không phải là hoàng đế, mà chính là gian tặc cướp nước. Một khi ông thành kẻ mưu triều soán vị, há chẳng đưa Tôn, Lưu lên làm trung thần đại Hán, tấm gương chính nghĩa? Há chẳng dâng ngọn cờ diệt trừ kẻ phản nghịch cho địch? Há chẳng cùng một giuộc với Viên Thuật? Chỉ cần thiên hạ còn chưa thống nhất, ông không thể phạm sai lầm to lớn ấy.
Thế nhưng, ông cũng không thể không bước tiếp, đã đi tới bước này còn lùi lại được sao? Bao nhiêu tội danh chờ thanh toán? Bao nhiêu kẻ dựa dẫm quyền thế đang chờ mong? Ông muốn thu tay cũng không được. Thế nào lại đi vào đường cùng này? Thực là tiến thoái lưỡng nan...
Bất chợt, bốn chữ “cưỡi cọp khó xuống” hiện lên trong đầu Tào Tháo, đó là lời nhắn cuối cùng mà Quách Gia dùng hết sức thốt ra khi đổ bệnh ở tái ngoại. Khi ấy ông không hiểu, giờ rốt cục đã rõ, nhưng muộn rồi, ông đúng là cưỡi cọp khó xuống mà.
Tào Tháo ngửa mặt thở dài:
— Nếu Quách Phụng Hiếu còn, ta há lại đến nông nỗi này...
Nghĩ lại, ngoài Quách Gia, Tuân Du cũng từng nhắc ông chớ vọng tưởng một trận có thể làm tan rã cả hai thế lực Tôn, Lưu, nhưng ông xem như gió thổi ngoài tai. Trình Dục khuyên ông chớ khinh địch, ông cũng không chịu nghe. Còn nữa, Giả Hủ nói “Chỉ cần đem sự màu mỡ của đất Sở chia cho quan lại, vỗ về bách tính, để họ an cư lạc nghiệp thì không cần phải vất vả đến chúng sĩ cũng có thể khiến Giang Đông khuất phục”, lẽ nào không phải gián tiếp khuyên ông nên bình định Giang Hạ trước rồi thảo phạt Giang Đông, đi chắc từng bước ư?
Nhiều người nhắc nhở ông, thẳng thắn có, ngấm ngầm cũng có, song ông vẫn chấp mê không ngộ. Cả đám thuộc hạ cũ của Kinh Châu như Khoái Việt kia nữa, họ giao chiến với Giang Đông nhiều năm, ắt hiểu thực lực của Tôn Quyền, Chu Du, nhưng là kẻ đầu hàng có thể nói gì đây? Dám nói gì đây?... Giờ nghĩ thông suốt, Tào Tháo hối hận cũng đã muộn. Nếu như ông bình định Giang Hạ bằng cách đánh trên bộ, sau đó mới mưu tính Giang Đông thì giờ tình hình thế nào? Nếu như trước lúc cử binh, ông chịu quan sát kỹ địa hình, tiến quân dọc sông Hán Thủy, không tùy tiện đặt chân đến Trường Giang, liệu có thất bại? Kể cả lúc hai quân giằng co ở Ô Lâm, nếu như ông cẩn thận đề phòng, không khinh địch thì kết quả thế nào?
Giờ nghĩ những chuyện này còn tác dụng gì, đã thất bại thì hãy khắc ghi bài học đau thương vào tận xương tủy. Tào Tháo cúi đầu khuỵu gối xuống đất, nước mắt tràn mi...
Ngày tân mùi, tháng bảy năm Kiến An thứ mười bốn (tức ngày 10 tháng 10 năm 209 sau Công nguyên), Tào Tháo ban sắc lệnh vỗ về tướng sĩ ba quân, chẳng khác nào “chiếu xưng tội”, chấp nhận sự thật bi đát, và nó cũng chứng tỏ lần nam chinh này kết thúc trong thất bại.
Gần một năm nay, quân ta mấy lần xuất chinh, có khi gặp phải dịch bệnh, quan binh tử vong chẳng thể trở về, phu thê ly biệt chẳng thể đoàn tụ, lê dân trăm họ lưu lạc thất tán, bậc nhân giả há vui được hay sao? Ấy là bất đắc dĩ. Nay ta ban lệnh: gia thuộc của người đã chết mà không có sản nghiệp, không thể mưu sinh thì quan huyện không được cắt lương, trưởng lại phải chiếu cố phủ dụ, đúng như ý ta.
Mấy tháng sau đó, Tào Tháo cho binh mã đồn trú, một là để họ nghỉ ngơi dưỡng thương, hai là mở rộng công trình tưới tiêu Lưu Phức mới tiến hành được một nửa. Ông còn lệnh cho Tuy tập đô úy Thương Từ khai khẩn ruộng nương trên quy mô lớn, xem như bù đắp cho dân chúng.
Trận chiến bảo vệ phòng tuyến Giang Lăng kéo dài hơn nửa năm, Tào Nhân dốc toàn lực nhưng vẫn không thoát khỏi thế bị động. Chu Du phái Cam Ninh bất ngờ đánh úp Di Lăng, còn Lưu Bị dẫn quân vòng ra phía sau Giang Lăng, định cắt đứt đường cung cấp lương thảo, trận này càng đánh càng bất lợi. Rủi nữa, đại tướng Lý Thông trấn thủ Nhữ Nam thân mang trọng bệnh vẫn đi cứu viện Tào Nhân, dọc đường luôn làm tiên phong, phá chông dẹp chà, nhưng vừa ra đến tiền tuyến thì kiệt sức chết trong quân, khiến tướng sĩ đau xót vì mất đi một trọng tướng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng quân. Tào Tháo không biết làm sao, đành phải từ bỏ Giang Lăng, lệnh cho Tào Nhân, Tào Hồng, Mãn Sủng rút về phía sau, bỏ lại toàn bộ phía nam sông Hán Thủy, thiết lập cứ điểm phòng ngự ở Tương Dương và Phàn Thành.
Không ít thần liêu dị nghị chuyện này, nhưng Tào Tháo kiên quyết giữ chủ ý. Suy cho cùng, ông là bậc thống soái từng trải trăm trận, chỉ cần đầu óc tỉnh táo thì suy nghĩ vẫn rất sáng suốt. Địa bàn mà ông từ bỏ tuy rộng lớn nhưng rất khó phòng thủ, trong khi đó Tương, Phàn có sông Hán Thủy làm bức bình phong, Tương Dương và Phàn Thành đối nhau qua con sông, hai miền nam bắc phối hợp chặt chẽ, chỉ cần giữ vững nơi này là có thể chặn mũi tấn công của địch. Càng tuyệt hơn, phía tây Tương Dương chính là quận Phòng Lăng.
Phòng Lăng ban đầu là một huyện, Sử ký nói “Nơi đây dọc ngang ngàn dặm, núi rừng bốn mặt, gò cao kiên cố, tựa như tòa nhà”, cho nên có tên ấy. Đất này vốn thuộc quản hạt của Ích Châu, Lưu Chương hèn kém vô năng, khiến đất này rơi vào sự khống chế của Kinh Châu, Lưu Biểu đổi huyện Phòng Lăng cùng với dải đất phụ cận thành một quận, bổ nhiệm Khoái Kỳ làm Quận thú. Tào Tháo vốn định hoán đổi vị trí của ông ta, nhưng trận Xích Bích thất bại, tình thế bất ổn, ông không dám tùy tiện động đến một người có thế lực, lại đã cầm quyền bao năm như ông ta. Huống chi, Khoái Kỳ lại có quan hệ hòa hảo với gia tộc Thân thị là cường hào lớn nhất ở địa phương, ông ta có nền tảng vững chắc như thế, cần được tiếp tục cai quản quận này. Tào Tháo chưa từng gặp Gia Cát Lượng, cũng chưa từng nghe “Long Trung đối sách”, nhưng ông biết quận Phòng Lăng là đường duy nhất dẫn vào đất Thục, nơi này có Tương Dương che chắn, lại thêm Khoái Kỳ được trọng dụng, chớ ai nghĩ đến chuyện giành đất Thục.
Muốn phục hồi nguyên khí cần mất một thời gian dài, Tào Tháo chỉ có thể làm được đến đây thôi, còn chỗ nào chưa suy tính thấu đáo thì chỉ có trời mới biết.
Cuộc nam chinh rầm rộ kết thúc trong thất bại, ngoài Tương, Phàn ra không giành được gì. Mười mấy vạn quân tổn thất quá nửa, lại tuột mất thời cơ tốt nhất để thống nhất thiên hạ, giấc mộng đăng cơ xưng đế của Tào Tháo trở nên xa vời. Vứt bỏ thành trì, an ủi binh sĩ, áp chế phản loạn, tất cả trở lại vẻ bình yên, nhưng không có nghĩa ảnh hưởng tồi tệ của lần thất bại này đã dừng lại ở đây, mà trái lại, vấn đề trong nội bộ giờ mới từ từ hiện rõ...
Thu dọn tàn cục
Tào Tháo đồn trú Hợp Phì, bận rộn mấy tháng, chớp mắt lại đến mùa đông. Ông suy đi tính lại, cuối cùng vẫn phải về huyện Tiều tránh rét trong tâm trạng đầy mâu thuẫn. Dù không muốn trở lại đó vì phải đối mặt với nơi Tào Xung chết yểu, song ông cũng không thể nào làm khác được, bởi tướng sĩ đều đã kiệt sức, khó có thể lặn lội đến Hà Bắc vào lúc này. Huyện Tiều là quê hương của Tào Tháo, cũng là quê hương của phần lớn thân tín, tướng tá, về quê tránh rét coi như một cách vỗ về.
Sau khi Tào Nhân lui giữ Tương Dương, quả nhiên quân địch không dám truy kích, nhưng cũng không có nghĩa là mọi việc đã kết thúc. Hai nhà Tôn, Lưu bắt đầu chia hưởng thành quả, dưới sự điều hòa của Lỗ Túc, Tôn Quyền lại đem muội muội mới hai mươi tuổi gả cho Lưu Bị tuổi gần năm mươi, hai nhà kết tình lang cữu. Ngoài ra, Tôn Quyền còn cho Lưu Bị “mượn” các huyện ven sông ở Kinh Châu để đóng quân. “Giặc tai to” mà Tào Tháo hận thấu xương ấy chính là kẻ được lợi nhất trong trận chiến này. Sau đó, Tôn Quyền lại tự ý nhận mệnh Chu Du làm Thiên Tướng quân, lĩnh chức Thái thú Nam quận, Trình Phổ làm Thái thú Giang Hạ, coi Thừa tướng nhà Hán là Tào Tháo như người thừa. Có điều, Trình Phổ chỉ cai quản được khu vực phía nam sông Trường Giang, thuộc quận Giang Hạ, còn hầu hết đất Giang Bắc vẫn nằm trong địa bàn của Lưu Kỳ cũng đang tạm giữ chức Thái thú Giang Hạ, trị sở đặt tại huyện Tây Lăng. Tào Tháo tất nhiên không chịu kém cạnh, ông dựng một trị sở tại huyện Thạch Dương gần với phương bắc hơn, triều đình ban chiếu thư rõ ràng nhận mệnh Văn Sính làm Thái thú Giang Hạ. Một quận bé tý mà có đến ba Quận thú, ai cũng nói mình là chính thống, đúng là chuyện nực cười trong thiên hạ.
Tào Tháo chỉ có thể mắt nhắm mắt mở coi chuyện Giang Bắc, còn chuyện Giang Nam ông càng không thể nhúng tay vào. Lưu Bị sau khi rút về phương nam liền chiếm bốn quận Giang Nam trước tiên. Bốn quận này lực mỏng, lại bị mất liên lạc với Trung Nguyên nên đều bó tay chịu chết. Thái thú Trường Sa là Hàn Huyền và Thái thú Vũ Lăng là Kim Toàn lần lượt bị giết. Tào Tháo vốn muốn thăng quan cho bọn họ, không ngờ lại hại chết. Thái thú Linh Lăng là Lưu Độ, Thái thú Quế Dương là Triệu Phạm trước đây ở dưới trướng Lưu Biểu chẳng khác gì cái bát mẻ, ban đầu vì lý do gì mà hàng Tào Tháo thì lần này cũng vì lý do ấy mà hàng Lưu Bị, bốn quận mất trắng. Còn Lưu Ba nhận lệnh trong lúc lâm nguy, không thể giữ được cục diện, bị người ta truy đuổi khắp nơi, về sau mất tin tức, không rõ sống chết.
Lúc này chỉ có một tin tốt là quân Tào đã phá tan phản quân do bộ hạ cũ của Viên Thuật cầm đầu, trận này có phần vẻ vang, nhất là lần giao tranh trên núi Thiên Trụ. Núi Thiên Trụ địa thế hiểm yếu, cao hơn hai mươi dặm mà chỉ có một con đường nhỏ ngoằn ngoèo, Trương Liêu đích thân dẫn binh mã xông lên chém giết đẫm máu, chiếm được đỉnh núi, chém đầu Ngô Lan, Mai Thành, còn Lôi Bạc chết giữa đám loạn quân. Phản tặc Lư Giang chỉ còn lại Lôi Tự thân cô thế cô khó mà chống được, bị Hạ Hầu Uyên truy kích ráo riết, sau cùng chạy đến nương nhờ Lưu Bị. Để nâng cao sĩ khí, chấn hưng nhân tâm, Tào Tháo đặc biệt khen thưởng Trương Liêu, tăng phong ấp lên gấp đôi, lại ban quyền cầm phù tiết. Nhưng thắng lợi trong cuộc dẹp loạn thì có gì đáng tuyên dương? Tào Tháo khó mà xua tan dư âm của thất bại, những tổn thất cũng không biết đến khi nào mới bù đắp được...
Tào Tháo cả đêm không chợp mắt, ngồi thừ trong tẩm thất, tâm tư vẫn phiền não khôn nguôi. Dù ông cho binh lính và dân chúng nghỉ ngơi như lời Trương Phạm nói, thì vẫn có những việc buộc phải làm. Ông không chỉ phải vỗ về tướng sĩ, quan trọng hơn còn phải có một lời giao phó với triều đình. Lúc này trước mặt ông có một cái rương lớn, bên trong chứa đầy thơ văn, thư tín, biểu chương - đó là những thứ tịch thu từ phủ của Khổng Dung. Ngự sử đại phu Hy Lự theo ý Tào Tháo, dâng thư đàn hặc, Khổng Dung bị xử tội chết, phơi thây trước cửa thành Hứa Đô, nhưng Thái y lệnh Chi Tập trộm xác, không biết giấu đi đâu nên phải kết thúc vụ án. Giờ vụ án không chỉ là chuyện ân oán cá nhân giữa Tào Tháo và Khổng Dung, vào lúc quan trọng này, Tào Tháo cần lợi dụng chuyện đó để vãn hồi danh dự.
Đổng Chiêu mặt mũi nhem nhuốc, đứng ở một bên. Ông ta đang ở Nghiệp Thành, nghe tin quân triều đình bại trận liền chạy tới Hứa Đô chờ đợi, bỗng nhận được lệnh Tào Tháo sai mang những áng thơ văn còn sót lại của Khổng Dung cùng với kẻ đồng phạm là Chi Tập đến huyện Tiều. Đổng Chiêu vừa đặt chân đến Hứa Đô còn chưa kịp nghỉ ngơi đã lại vội vàng lên đường ngay trong đêm, sẩm tối hôm nay mới đến nơi, chưa uống ngụm nước nào đã đi tìm Tào Tháo.
Tào Tháo nhìn những cuốn thẻ tre chất đầy rương, cảm thấy hiếu kỳ nhưng cũng có phần lúng túng, không biết nên xem từ cuốn nào. Đổng Chiêu rút một bó thẻ tre giữa đám lộn xộn ấy, đưa cho ông:
— Đây là bài thơ ông ta làm lúc sắp chết, do ngục tốt chép lại.
— Sắp chết còn ung dung thế sao? - Tào Tháo thực không hiểu nổi, bèn cầm lấy đọc thử.
Lắm mồm làm uổng công,
Bình dò do miệng hỗ.
Tổ kiến sụt đê hổng,
Vượn chạy kéo núi lở.
Ngòi nhỏ đổ thành sông,
Song thưa rọi phòng mờ.
Tà thuyết hại chính công,
Mây mù khuất ánh trời.
Lời hay có thật không,
Bóng bẩy mà sáo rỗng.
Mỗi người đổi ba ý,
Sao có thể hợp nhất?
Đồn nhiều ngỡ là thật,
Sơn bền hòa nước trong.
Đời người lắm âu lo,
Nhắm mắt mới hết cho.
Đọc xong bài thơ, Tào Tháo buồn cười nhưng lại không cười nổi - Khổng Dung đến lúc chết vẫn không biết mình sai ở đâu, chỉ dừng lại ở câu “Lắm mồm làm uổng công”, “Tà thuyết hại chính công” mà chẳng hề đả động chuyện Tào thị âm mưu soán ngôi nhà Hán. Đó là do ông ta hiền lành, hay căn bản không thèm coi Tào Tháo ra gì? Hơn nữa, đứng trước cái chết, ông ta lại tỏ ra bình tĩnh, thản nhiên, “Đời người lắm âu lo, Nhắm mắt mới hết cho”, không chút buồn bã, phẫn hận mà lại rất hiên ngang.
Tào Tháo ném bài thơ đó đi, bới bên trong rương, có rất nhiều thư gửi cho Vương Tu, Bính Nguyên, Trương Hoành, lời lẽ trong thư khá cảm động: “Tào công phụ chính, nhớ tới người hiền, nhiều lần gửi thư, ân cần chu đáo.” “Ta biểu dương công lao của ông, lại xét đức hạnh tốt đẹp mà đề bạt làm quan trong chốn vương đình, đâu có thể từ chối?” “Căn Củ (Bính Nguyên tự Căn Củ), Căn Củ, ông tới đây đi!” Hơn chục năm qua, Khổng Dung vẫn luôn giúp triều đình chiêu nạp hiền sĩ, cũng có nghĩa là giúp Tào Tháo. Phải thừa nhận rằng, Khổng Dung có danh vọng thanh cao hơn hẳn Tào Tháo, không ít người vì nể mặt ông ta nên mới đến Hứa Đô. Khổng Dung phí bao tâm lực cuối cùng lại chuốc lấy kết cục cả nhà diệt vong, có khác gì qua cầu rút ván? Tào Tháo tưởng rằng mình sắp an định được thiên hạ, Khổng Dung không còn giá trị lợi dụng nữa, ngờ đâu lại chuốc phải một thất bại còn đau đớn hơn. Khổng Dung đã chết, sau này còn ai giúp ông chiêu mộ danh sĩ? Ai còn dám tới giúp sức cho ông?
Tào Tháo bất giác nhíu mày thở dài, cảm thấy mình đã quá khinh suất khi giết Khổng Dung. Ông đang không biết xử trí thế nào, chợt nghe bên ngoài vọng lại tiếng bẩm báo của Tào Thuần:
— Chúa công, hai công tử cầu kiến.
Dứt lời, ông ta không đợi Tào Tháo đáp lại đã đẩy cửa cho bọn họ vào. Tào Phi và Tào Thực mỗi người xách một hộp đựng cơm tiến lại trước mặt Tào Tháo:
— Phụ thân vất vả đến khuya, cần phải bảo trọng quý thể, người ăn một chút đi.
— Ừm. - Tào Tháo buồn bã nhìn các con, - Ta nuốt không trôi!
Tào Phi hớn hở dâng hộp đựng cơm:
— Nhi tử dặn nhà bếp nấu canh bào ngư, đêm khuya trời lạnh, phụ thân uống xong canh, nên đi nghỉ sớm ạ.
Tào Thực dâng một món khác:
— Nhi tử tự tay làm bánh hòn tai cùng với nô bộc, nhân bằng thịt dê, có tác dụng giải hàn tốt nhất.
Tào Tháo nhìn hai món ăn khác nhau, đoạn lại ngẩng đầu nhìn hai nhi tử của mình - vẻ mặt kính cẩn, không kiêu, không nịnh. Từ khi Tào Xung chết, ngày nào họ cũng hầu hạ bên cạnh ông, vô cùng ân cần, chẳng lẽ chỉ vì tình phụ tử thôi sao?
— Cứ để đó, khi nào muốn ăn ta sẽ dùng... Các con lui xuống đi.
Hai công tử đều nói giọng an ủi:
— Phụ thân nhớ phải bảo trọng, nhi tử thấy người ngày càng gầy, trong lòng thực sự...
— Ta đang bận công chuyện, các con mau lui đi.
Tào Tháo lại xua xua tay. Tào Phi, Tào Thực không dám nhiều lời, bèn thi lễ cáo lui. Tào Tháo nhìn bóng dáng của hai con có cảm giác như họ đang cười thầm. Cái chết của Tào Xung cố nhiên do số phận xui khiến, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội cho họ, đệ đệ chết không phải chuyện tốt hay sao?
Thực ra không riêng Tào Tháo, đến bọn Đổng Chiêu, Tào Thuần cũng thấp thỏm - Tào Xung chết, Tào Phi và Tào Thực ngóc đầu lên, một người là trưởng tử, còn người kia tài hoa, ai cũng có bằng hữu, thân tín. Nếu như hai người họ tranh đấu, trăm quan đều sẽ vì tiền đồ của mình mà chia phe cánh, cuộc chiến tranh ngôi đích dường như đã bắt đầu.
Tào Tháo không dám nghĩ nhiều, cũng không có tâm tư đâu mà nghĩ đến chuyện ấy, ông cố gạt đi những âu sầu trong lòng, xem tiếp đống di cảo, tình cờ phát hiện ra một mảnh lụa kẹp giữa mấy cuốn sách. Đổng Chiêu thấy vậy, vội giật lấy:
— Thừa tướng chớ xem cái này.
Đổng Chiêu xưa nay luôn hành sự thận trọng, thế mà hôm nay lại dám “cuỗm” tay trên từ chỗ ông, khiến Tào Tháo càng thấy lạ:
— Ngươi đã xem rồi sao? Đó là cái gì? Đem lại đây...
Đổng Chiêu cười nhăn nhó:
— Chỉ là một bài thơ, không cần xem cũng được.
— Đem lại đây!
— Thừa tướng không cần xem đâu ạ.
— Đưa đây!
Thấy ánh mắt Tào Tháo toát lên vẻ giận dữ, Đổng Chiêu sợ sệt, run run đặt lại vào tay ông, nói lí nhí:
— Trước đây, thị thiếp của Khổng Dung sinh hạ một người con trai giữa lúc ông ta tiễn khách ở nơi xa. Đứa trẻ đó chưa đầy một tuổi thì chết, Khổng Dung chưa kịp nhìn mặt nó lần nào, nên làm thơ điếu vong... Ngài chớ xem.
Tào Tháo đang nổi giận, nghe ông ta giải thích mới biết là có ý tốt, bình tĩnh bảo:
— Ngươi sợ ta đọc thơ lại nghĩ đến mình ư? Ta không có yếu đuối thế... - Dứt lời liền mở ra xem.
Tiễn tân khách đi xa,
Hết năm mới lại nhà.
Xô cửa vào ẵm con,
Vợ bưng mặt khóc la.
Nào đã kịp nhìn mặt,
Trời đất bỗng tối sầm.
Mộ phần mé tây bắc,
Con dại mong hình cha.
Nhấc áo chạy tới mả,
Cỏ cây mọc xanh rì.
Thân con vùi dưới đất,
Hóa thành hạt cát bay.
Sống không biết mặt ta,
Chết rồi có nhận ra.
Cô hồn dạo bóng tối,
Biết nương lại chốn nao?
Mong có người kế thừa,
Nay lại phải tiễn đưa,
Quằn quại xé tâm can,
Nước mắt rơi như mưa.
Ôi số phận âu là,
Cướp mất con của ta.
“Cô hồn dạo bóng tối, Biết nương lại chốn nao?... Quằn quại xé tâm can, Nước mắt rơi như mưa...” - Tào Tháo đọc thầm hai câu ấy, bất giác lại thất thần, - Xung nhi... Đứa con khốn khổ của ta... “Ôi số phận âu là, Cướp mất con của ta...”
Tào Tháo hoàn toàn bị bài thơ đánh gục. Khoảnh khắc này, ông không còn là Thừa tướng đương triều mà chỉ là một người cha bình thường trong thiên hạ. Tuy ông giết được Khổng Dung, nhưng Khổng Dung không hề thua, bài thơ trước mặt như biến thành một lưỡi đao sắc, đâm thẳng vào ngực ông, khoét sâu tận tâm can. Tào Tháo có thể chà đạp sinh mạng của Khổng Dung, nhưng không thể dập tắt tinh thần cao ngạo bất khuất, càng không thể xóa sạch những áng thơ văn tuyệt tác của ông ta. Người thua chính là Tào Tháo, ông thua đến nỗi thương tích đầy mình. Nghĩ đến đây, nước mắt ông bất giác nhỏ ướt vạt áo.
Đổng Chiêu và Tào Thuần trân trân nhìn ông khóc thương nhi tử, không biết phải khuyên giải như thế nào.
Tào Tháo khóc một hồi, đoạn gạt lệ, ném mảnh lụa vào lại trong rương, đóng sập nắp lại. Ông không những không xem tiếp, còn chẳng dám sờ vào rương nữa:
— Giải Chi Tập lên.
Không lâu sau, binh sĩ dẫn Thái y lệnh Chi Tập vào. Chi Tập, tự Nguyên Thăng, tuổi gần lục tuần, nhập sĩ từ những năm niên hiệu Trung Bình triều Linh Đế, chức quan không lớn nhưng cũng được coi là lão thần. Lúc này ông ta tóc tai rũ rượi, người đeo gông xiềng, bị giải từ Hứa Đô đến huyện Tiều đã mệt lả, bước chân lảo đảo, nhưng tinh thần cương nghị. Lư Hồng cẩn thận tuân theo lệnh của Tào Tháo, cho ông ta ăn uống đầy đủ, cũng không dám dùng nhục hình, đợi Tào Tháo đích thân hành hạ.
Nhưng Tào Tháo đã đổi cách nghĩ:
— Xá tội cho ông ta, cởi trói!
Tào Thuần tự mình cởi dây thừng, tháo gông xiềng cho Chi Tập. Cái gông đó rất nặng, dù không dùng hình thì đeo nó cũng đủ khổ, trên vai, trên cổ ông ta rớm máu. Chi Tập được trả lại tự do, không chịu tạ ơn mà phục xuống gào khóc:
— Thừa tướng! Khổng Văn Cử bị oan! Không có tội mà giết kẻ sĩ, đại phu có thể từ quan; không có tội mà giết dân, sĩ nhân có thể bỏ đi. Ngài nhiều lần cầu hiền tài, sao có thể vì lời đồn mà đẩy người ta vào chỗ chết? Oan xót lắm thay... Hu hu hu!...
Tào Tháo thẫn thờ gật đầu:
— Một phép lệnh trái ý dân thì trăm phép lệnh đều vô dụng, thực thi một điều ác ắt kết thành trăm trái đắng. Lão phu...
Ông giết nhầm Khổng Dung, giết nhầm Hoa Đà, cả Hứa Du cũng là giết nhầm, mấy năm qua những sai lầm mà ông phạm phải còn đếm được hay sao? Tào Tháo cúi người xoa xoa vết thương trên vai Chi Tập:
— Nguyên Thăng, ông là người khẳng khái, trọng tình trọng nghĩa, chả trách Khổng Văn Cử coi là tri kỷ. Tủi cho ông rồi.
Chi Tập nghe câu ấy lại sụt sịt - khi Khổng Dung bị kết án oan, bao nhiêu đại quan trong triều tự xưng là trung thần nhà Hán ngậm chặt miệng? Để cho một viên quan nhỏ hưởng bổng lộc sáu trăm thạch liều mạng trộm xác, gan dũng nhường nào.
— Ông để xác Khổng Văn Cử ở đâu?
Bọn ưng khuyển Lư Hồng tra hỏi vô số lần, nhưng Chi Tập đều cắn răng không nói, giờ Tào Tháo lại đích thân hỏi, Chi Tập cảnh giác, dừng khóc, ánh mắt toát lên vẻ ngờ vực:
— Ngài, ngài còn muốn làm gì?
— Ta muốn hạ táng ông ta một lần nữa.
— Ngài nói thật sao?
Chi Tập không dám tin vào tai mình. Tào Tháo không đáp lại, chỉ nhắm mắt khẽ gật dầu.
Lúc này Chi Tập mới an tâm:
— Tại hạ chôn xác ông ấy ở thôn Đông Thổ Kiều, ngoại thành Hứa Đô.
Tào Tháo không khỏi kính nể: giỏi lắm Chi Nguyên Thăng, hóa ra ông giấu xác ở ngay Hứa Đô. Đông Thổ Kiều ở ngoài cửa thành, càng chôn ở gần, kẻ khác càng không nghĩ tới. Không đúng, Hứa Đô ngựa xe tấp nập, sao lại không ai phát hiện ra? Có lẽ có kẻ biết nhưng không tố giác, ai cũng biết Khổng Dung chết oan, nên không người nào tán thành với ta... Nghĩ đến đó, Tào Tháo run sợ, nói thêm:
— Nguyên Thăng, cả nhà Văn Cử không còn ai, chuyện an táng ta giao lại cho ông. Ông hãy lấy một trăm hộc lương thực, mướn dân phu, đưa thi thể ông ta về nguyên quán an táng.
Chi Tập dập đầu lia lịa, không nhịn được bật khóc. Tiếng khóc thê thiết khiến Tào Tháo cảm thấy khó chịu, cảm giác không chỉ một mình ông ta đang khóc, mà tất cả những người bị ông giết oan và vô số hồn ma chết trên sa trường đều đang than khóc.
— Chớ khóc nữa, trăm hộc lương thực chắc chắn không dùng hết, còn lại bao nhiêu không cần phải nộp lên trên, ta tặng cho ông. Sau này ta còn thăng quan cho ông, biểu dương hành động trượng nghĩa. Ông chớ khóc, chớ khóc nữa...
Nói đến cuối, giọng Tào Tháo còn có vẻ cầu xin. Đổng Chiêu nháy mắt với Tào Thuần, ông ta biết ý, dìu Chi Tập đứng dậy, vừa khuyên giải vừa dẫn ra ngoài. Tào Tháo thở dài, lảo đảo bước tới giường, ngả ra tấm dựa. Đổng Chiêu thấy Tào Tháo có vẻ muốn nghỉ ngơi, đáng lẽ nên cáo lui, nhưng còn có chuyện chưa bẩm tấu, trong tay áo giấu một quyển trúc mà ông ta muốn đưa cho Tào Tháo xem, thành thử do dự không biết có nên lấy ra hay không?
Đúng lúc ấy, bên ngoài có người nói:
— Khải bẩm Thừa tướng, mật sứ Lương Châu cầu kiến!
Tào Tháo không trả lời ngay, ông nhắm mắt chốc lát rồi mới lên tiếng:
— Sứ giả của bộ nào? Công quan hay tư thuộc?
Lương Châu có đến mười mấy bộ cát cứ, Hàn Toại và Mã Đằng chỉ là thế lực lớn nhất trong đó, bọn họ trên danh nghĩa đã quy thuận triều đình, nhưng vẫn có sự độc lập, nên ngoài thuộc hạ của họ ra, triều đình cũng phái tới Thứ sử Hàm Đan Thương cùng với mấy quan quận huyện. Vàng thau lẫn lộn, chỉ nói là mật sứ Lương Châu không thôi thì làm sao biết được là người của ai.
— Là người của Kỵ đô úy Dương Thu ở quận An Định, Lương Châu.
Người bẩm tấu nói giọng khàn khàn. Dương Thu bất quá là một trong hơn chục thế lực nhỏ ở Lương Châu, thực lực rất yếu, cớ sao lại sai sứ giả vượt đường xa tới đây? Tào Tháo cảm thấy kỳ lạ, nhưng không buồn nhúc nhích, vừa nằm vừa nói:
— Cho hắn vào.
Cửa phòng mở ra, một sứ giả mình mặc áo vải, tuổi còn khá trẻ, cúi đầu dè dặt tiến vào. Tào Tháo lúc này mới nhìn ra người bẩm tấu là Hàn Hạo, có lẽ ông ta bị khản giọng, nên ban nãy ông mới không nhận ra. Sứ giả vừa bước vào cửa, liền quỳ sụp xuống:
— Tiểu nhân tham kiến Thừa tướng...
Hắn nói giọng tây bắc, lại tự xưng “tiểu nhân”, hẳn là không có danh phận chính thức.
— Có chuyện gì, nói mau!
Tào Tháo không cần khách khí với loại người này, ông vẫn nằm im.
— Khải bẩm Thừa tướng, Thái thú Vũ Uy là Trương Mãnh đã giết Thứ sử Hàm Đan Thương!
— Sao cơ?
Cảm giác mệt mỏi trong người Tào Tháo chợt biến mất: Thái thú Vũ Uy Trương Mãnh và Thứ sử Lương Châu Hàm Đan Thương đều là quan lại được triều đình nhận mệnh, hơn nữa hai người họ lại nhận chức gần như cùng lúc, vì sao lại thành ra gà nhà đá nhau?
Sứ giả nói:
— Trương Mãnh từ ngày nhận chức luôn bất hòa với Hàm Đan Thương, nhưng ngại có triều đình nên cố cho qua. Hai người bọn họ đánh giết nhau vì ân oán cá nhân, không liên quan gì đến Thừa tướng.
Nói là vậy, nhưng giết quan cùng cấp tức là tạo phản, đường đường Thứ sử một châu, há có thể tùy tiện giết hại như thế? Tào Tháo nhủ đi nhủ lại không được nổi giận, nhưng chuyện này thực đáng hận. Trương Mãnh ra tay nhân lúc trận Xích Bích thất bại, triều đình không hơi đâu để ý chuyện biên ải, cho nên hắn tưởng rằng có thể che mắt thiên hạ.
Chuyện này còn chưa hết, sứ giả lại nói:
— Còn nữa... còn nữa...
— Nói! Không được ấp úng.
— Dạ. Hàn Toại nghe tin Trương Mãnh giết quan, bèn xuống hịch triệu tập hơn mười bộ binh mã Lương Châu, ý muốn đánh quân Vũ Uy. Hắn nói là để báo thù cho Hàm Đan Thương, còn nói phải trừ hại cho triều đình.
Trừ hại cho triều đình, đúng là nực cười. Hàn Toại nào có ý tốt dường ấy, mục đích của hắn là muốn cướp lương thảo, chiếm địa bàn. Hắn không bẩm báo sự việc lên triều đình mà tự ý phát binh, còn lấy danh nghĩa chính đáng, mượn gió bẻ măng, thực đáng hận.
Nhưng Trương Mãnh vì sao lại dám to gan giết hại mệnh quan triều đình? Hàn Toại vì sao lại dám tự ý cử binh? Tào Tháo có linh cảm không lành - quyền lực của ông lung lay, uy tín giảm sút. Tiền phương bại trận, kéo theo hậu phương cũng bắt đầu nảy sinh bất ổn, những kẻ thần phục vì sợ thực lực của ông không còn chịu ngồi yên nữa. Cuộc phản loạn của đám thuộc hạ cũ của Viên Thuật mới chỉ là khởi đầu, những biến loạn lớn hơn vẫn còn ở phía sau, các bộ Tây Lương cũng đang rục rịch ngóc đầu dậy. Nhưng vào lúc này, Tào Tháo không biết làm sao, đại quân người chết, kẻ bị thương, quân viện Tương Dương vẫn chưa quay về, dù cho có quay về cũng không biết có bộ dạng thế nào. Ông không có khả năng lo chuyện xảy ra ở Lương Châu xa xôi, chỉ có thể nhắm mắt cho qua.
Sứ giả lại lên tiếng:
— Hàn Toại cũng phát hịch văn đến chỗ Dương tướng quân nhà tiểu nhân, chúng tiểu nhân có nên phát binh không? Chưa có lệnh của Thừa tướng, chúng tiểu nhân không dám tự ý phát binh. Nhưng nếu không phát binh, chúng tiểu nhân cũng... cũng...
— Cũng làm sao? Ngươi cứ nói đi!
— Cũng không dám làm phật ý Hàn Toại. - Sứ giả cười nhăn nhó, - Nói chung là tiến thoái lưỡng nan, xin Thừa tướng chỉ thị.
— Ha ha ha!... - Tào Tháo hiểu rõ, tên Dương Thu này là kẻ hai mặt, không muốn đắc tội với Tào Tháo, cũng không muốn đắc tội với Hàn Toại, lưỡng lự ba phải. Hắn rõ ràng muốn cùng Hàn Toại chia địa bàn, lại còn sai người chạy tới tỏ thành ý trước, làm như bị dồn vào chỗ bất đắc dĩ. Tào Tháo mỉm cười ngồi dậy, - Ngươi không cần hỏi lão phu, quay về bảo tướng quân nhà ngươi tự vấn lương tâm xem nên làm thế nào!
Sứ giả này thân phận thấp kém, nhưng lại rất gan lỳ:
— Thứ cho tiểu nhân nói thẳng, một khi giữ lương tâm, e là đầu sẽ rời khỏi cổ! Nếu ngài đồng ý cho chúng tiểu nhân phát binh, tướng quân nhà tiểu nhân sẽ làm nội ứng cho ngài, bất kể Hàn Toại có ý đồ gì, chúng tiểu nhân cũng sẽ âm thầm báo tin cho ngài, ngài thấy sao?
— Hả? - Tào Tháo giật mình, việc này có thể cân nhắc. - Ngươi ngẩng đầu lên rồi nói.
Sứ giả khẽ ngẩng đầu.
Tào Tháo chợt thốt lên:
— Phụng Hiếu! Là Phụng Hiếu sao?
Người này lông mày lá liễu, đôi mắt quả hạnh, là đàn ông nhưng có tướng phụ nữ, bên dưới mắt trái có một nốt ruồi nhỏ, mũi to miệng bé, chòm râu lún phún, trông rất giống Quách Gia. Nhưng Tào Tháo ngay lập tức nhận ra không phải. Người chết không thể sống lại, Quách Gia nếu như còn sống phải lớn tuổi hơn hắn, vả lại ông ta cũng không nói giọng tây bắc, điểm khác biệt lớn nhất là Quách Gia sẽ không đời nào nhếch mí mắt lên cười nịnh kiểu đó, chỉ có nô bộc hạ đẳng mới làm vậy. Tào Tháo quá nhớ Quách Gia, nên nhất thời nhận nhầm.
Sứ giả cũng biết Tào Tháo nhận nhầm người, nhanh nhảu khai báo tên họ:
— Tiểu nhân tên là... Khổng Quế.
Tuy hắn không phải Quách Gia, nhưng thái độ của Tào Tháo ôn hòa hơn khi nãy rất nhiều:
— Đề nghị của ngươi cũng không tệ. Dù sao Trương Mãnh làm điều sai trước, lão phu cũng không buồn quản hắn, có phát binh hay không là tùy các ngươi.
Lời này có nghĩa là ông đã ngầm đồng ý.
— Tạ ơn Thừa tướng. - Khổng Quế vô cùng vui mừng, - Thừa tướng không còn gì dặn dò, tiểu nhân xin...
Hắn đã làm xong việc nên định chuồn.
— Khoan đã! - Tào Tháo gọi hắn lại, - Từ nay về sau, Lương Châu có chuyện lớn chuyện nhỏ gì nhất định phải báo với lão phu.
— Dạ dạ dạ.
Khổng Quế liên tục chắp tay.
— Còn nữa... - Tào Tháo vẫy tay về phía thân binh, - Thưởng đồ ăn bọn Tử Hoàn mang tới cho hắn, sắp xếp cho hắn chỗ nghỉ một đêm, trước khi rời đi nhớ ban cho hai nén vàng và hai súc lụa.
Đổng Chiêu thầm tặc lưỡi: bất quá là một tên tiểu nhân, sao Thừa tướng lại thưởng cho hắn nhiều thế? Có điều, Đổng Chiêu càng không thể ngờ được rằng, chính tên tiểu nhân ấy sau này lại bước vào triều đường, trở thành một nịnh thần mà Tào Tháo không lúc nào rời xa trong những năm cuối đời...
Sau khi Khổng Quế lui xuống, Tào Tháo không tài nào chợp mắt được, bệnh đau đầu lại phát tác, hơn nữa ông cứ nhắm mắt vào là lại hiện ra hình ảnh của Quách Gia và Tào Xung. Ông thở dài, phiền muộn ngồi dậy, mặc y phục, Đổng Chiêu vội chạy lại giúp ông thắt đai:
— Thừa tướng, trời đã khuya.
— Ta hơi đau đầu, ra ngoài đón chút gió lạnh sẽ thấy dễ chịu hơn.
Hoa Đà đã chết, Lý Đương Chi mặc dù giỏi điều thuốc nhưng không thạo châm cứu, chẳng còn ai chữa được bệnh của ông nữa, âu cũng là Tào Tháo tự làm tự chịu. Đổng Chiêu cúi đầu nhìn quyển trúc giấu trong ống tay áo, đang định rút ra, Tào Tháo lại nói:
— Các ngươi cũng về nghỉ cả đi, không cần theo ta, có chuyện gì ngày mai hãy nói.
Đổng Chiêu nuốt lại lời định nói, chỉ đáp:
— Dạ.
Rồi cùng thân binh lui ra.
Tào Tháo day day hai đầu lông mày, bước ra khỏi cửa, trông thấy Hàn Hạo vẫn đứng ngây ra trong sân:
— Nguyên Tự, có chuyện gì sao?
Hàn Hạo đứng trong chỗ tối, thì thào:
— Thưa, Sử Hoán vết thương cũ tái phát, lại bị nhiễm lạnh, nửa canh giờ trước... đã tắt thở.
Giọng ông ta không nghẹn ngào mà chỉ khản đặc. Chỉ trong một tháng ngắn ngủi, Hàn Hạo mất đi cả huynh trưởng Hàn Huyền lẫn người bằng hữu tốt nhất là Sử Hoán, nên khóc không thành tiếng.
Nhưng Tào Tháo lại không có phản ứng gì, quá nhiều người chết, muốn đau lòng cũng không hết. Ông lại thấy đầu đau dữ dội, vỗ vỗ vai Hàn Hạo vài cái, thở dài một tiếng rồi đi ra phía ngoài. Thị vệ gác cửa muốn theo hầu đều bị ông đuổi đi. Tào Tháo một mình đi dạo trong mảnh sân quạnh quẽ là cố trạch của Tào gia, tổ phụ Tào Đằng, phụ thân Tào Tung cùng với mấy vị thúc phụ của ông đều từng sống ở đây. Trạch viện này chứng kiến bao vinh nhục của Tào gia, cả nhi tử Tào Xung mà ông yêu quý nhất cũng chết yểu tại đây. Hiện giờ các phòng xá tạm thời trở thành nơi làm việc của duyện thuộc, đêm khuya yên tĩnh, các phòng tối thui. Một năm qua đã quá mệt mỏi mà chẳng làm nên chuyện gì, chúng nhân đều trở về doanh say giấc, chỉ còn lại mảnh sân vắng vẻ, lạnh lẽo, tựa như cõi lòng âm u và mờ mịt của Tào Tháo vậy. Một cơn gió thổi qua, khiến song cửa nào đó chưa đóng phát ra tiếng kêu khe khẽ tựa như ma kêu quỷ khóc...
Tào Tháo đi sang mảnh sân khác, chợt thấy bên phải hắt ra ánh sáng, ông đưa mắt nhìn - thì ra có một gian phòng nhỏ còn người đang thức. Tào Tháo bước qua nhẹ nhàng đẩy cửa, bên trong toàn những cuốn thẻ tre vứt lộn xộn, cạnh tường kê một thư án, một y lại áo đen ngủ gục bên trên, tay vẫn nắm chặt cán bút, bó thẻ tre đang xem dở rớt xuống cạnh giường.
Người tận tụy với công việc như vậy cần phải đặc biệt biểu dương, Tào Tháo khẽ khàng tiến lại, cúi xuống nhìn mặt người này. Ông không khỏi giật mình, là Thích gian lệnh sử Cao Nhu.
Người này luôn là đối tượng vô cớ bị ông trút giận, xả hận nhưng vẫn không oán trách nửa lời, một lòng cúc cung tận trung. Tào Tháo nén tiếng thở dài, tiện tay lấy một bản công văn, trên đó chi chít lời phê của Cao Nhu. Thích gian lệnh sử lo chuyện tư pháp, nhưng không giống với Pháp tào duyện mà thiên về giám sát, tố giác. Thế nhưng, nội dung lời phê dài dằng dặc của Cao Nhu là thay người bị oan lên tiếng, cố tìm cách cứu một mạng người. Trong lòng Tào Tháo hiểu rõ, nỗ lực của Cao Nhu đều uổng công, người đứng đằng sau những bản án đó là Lư Hồng và Triệu Đạt, Cao Nhu có tranh biện thế nào cũng vô ích, đúng là một tấm lòng hiếm có. Ông bỏ công văn xuống, cởi áo lông cừu của mình nhẹ nhàng đắp lên người ông ta.
— Ưm... - Cao Nhu tỉnh giấc, giật mình chớp chớp mắt, - Thừa tướng?
— Cứ ngủ tiếp đi.
Tào Tháo mỉm cười, nét mặt ôn hòa toát lên vẻ hổ thẹn.
— Thuộc hạ có lời muốn nói. - Cao Nhu quỳ phịch xuống đất, - Có quá nhiều án oan, xin ngài bớt chút thời giờ xem qua những bản án này. Người đáng thương, người đáng buồn, người bị oan, không từ thủ đoạn nào đổ tội cho người ta! Ngày nào Lư Hồng, Triệu Đạt cũng hại người, tất cả đều là án oan...
Ông ta từ từ chỉ qua những bản án chất đầy trong phòng, gần như không có một vụ án nào không phải án oan. Tào Tháo há lại không biết hay sao? Nhưng Lư Hồng, Triệu Đạt làm vậy để quét trừ trở ngại theo ý của ông, chỉ cần ông hơi không vừa ý người nào thì sẽ thanh trừ người ấy, đâu quan tâm có oan uổng hay không? Trước thỉnh cầu của Cao Nhu, Tào Tháo không có lời nào đáp lại, chỉ biết cười nhăn nhó bỏ đi, ra đến cửa mới ngoái lại bảo:
— Mấy năm nay ngươi chịu nhiều vất vả rồi. Ta thăng ngươi làm Thương tào duyện, chớ quản những việc vất vả kia nữa.
— Nhưng còn những bản án oan này...
— Ngươi không cần lo.
Tào Tháo nói xong đi thẳng. Ông chịu xét lại chuyện an táng Khổng Dung, nhưng không thể xử hết những vụ án oan sai còn lại. Một khi lật lại hết những vụ án đó, có nghĩa là phủ nhận toàn bộ nền chính sự từ năm đầu niên hiệu Kiến An đến nay, đồng thời cũng phủ nhận quyền lực của Tào Tháo. Ông có thể chịu trách nhiệm cho một lần bại trận, có thể xét lại án sai của một người, nhưng tuyệt không thể phủ nhận sự cai trị của mình được. Vả lại, ông đã là Thừa tướng, cưỡi cọp khó xuống, không thể để bất cứ kẻ nào có cơ hội công kích.
Tào Tháo mang tâm trạng nặng trĩu đi hết một vòng trong sân, nhưng vẫn không thể cởi được muộn phiền, trái lại còn đau đầu hơn. Ông đi thêm một lúc nữa, bước qua cửa sân trong, chợt nhìn thấy một cái bóng đen sì:
— Nguyên Tự, ngươi vẫn chưa...
— Thừa tướng, là thuộc hạ.
Đó là giọng Đổng Chiêu.
— À, là Công Nhân... Ngươi cũng không ngủ được sao?
— Thuộc ha trằn trọc không sao chợp mắt được, vì có chuyện muốn bẩm báo với ngài.
— Chuyện gì?
Tào Tháo chỉ thuận miệng hỏi, lúc này ông không có tâm tư nghe chuyện gì cả.
— Xin cho thuộc hạ vào trong rồi nói.
Đổng Chiêu đi trước đẩy cửa, vén rèm, mời Tào Tháo bước vào, rồi mới lấy quyển trúc từ trong ống tay áo, cẩn thận mở ra, đặt lên kỷ án.
Đó là một bản vẽ thành trì vô cùng tinh tế, còn có chú thích rõ ràng. Tòa thành này từ đông sang tây rộng bảy dặm, từ nam xuống bắc dài năm dặm, có tất cả bảy cửa thành, đường phố rộng rãi, bố cục chặt chẽ, mé đông bắc có hồ nước và vườn hoa. Phía bắc có tòa phủ đệ lớn được vẽ rất chi tiết, nhà liền nhà, sân liền sân, những hình vẽ nhỏ xíu còn thể hiện được cả kiến trúc mái cong, thềm ngọc, rõ ràng là một cung điện. Tuy mới chỉ là một bản vẽ trên giấy, nhưng đã toát lên vẻ to lớn, đồ sộ, nếu là thật thì còn tráng lệ nhường nào? Chớ nói là Hứa Đô nhỏ bé, mà so với thành Trường An, Lạc Dương năm xưa cũng chẳng kém chút nào.
— Nghiệp đô... - Tào Tháo sờ lên bản vẽ, cười nhăn nhó, - Còn có tác dụng gì nữa?
Chỗ khó xử của Đổng Chiêu nằm ở đây. Hơn một năm qua, ông ta ở lại Nghiệp Thành, triệu tập rất nhiều tay thợ giỏi, nho sinh, thầy phong thủy, bàn bạc góp ý, thiết kế đô thành, lại đo đạc đất đai, tính toán bản đồ, dốc hết tâm huyết mới có được bản vẽ này. Vốn dĩ, ông ta nghĩ đợi Tào Tháo thắng trận trở về sẽ khởi công, gấp rút làm trong một năm là có thể gióng trống khua chiêng, dời đô đổi cờ, phò trợ Tào Tháo bước lên triều đại mới. Ai ngờ tiền tuyến lại chuốc phải thất bại thê thảm như thế? Làm sao có thể xây dựng quốc đô của tân triều?
Tào Tháo chăm chú nhìn bản vẽ, tầm nhìn mờ dần, dường như thành trì, đài điện đang chao đảo trước mắt, ông ngẩng đầu lên lại thấy hai cái bóng của Đổng Chiêu, trong tai ong ong, đầu đau dữ dội, khí huyết trong người như đảo lộn, dồn hết lên đỉnh đầu - cơn đau đầu lớn nhất từ trước ập tới.
Không có thần y cứu chữa, còn có thể làm gì đây? Tào Tháo chậm rãi đứng dậy, loạng choạng đi tới đi lui, bỗng nhìn thấy trên nóc tủ nơi góc tường có một chậu nước rửa tay, ông lảo đảo bước tới, trút hết chậu nước lên đầu. Giữa mùa đông giá rét, chậu nước đã lạnh cóng, dội lên đầu khiến Tào Tháo rùng mình, có cảm giác như ngàn vạn mũi kim châm vào da thịt.
— Thừa tướng! Ngài làm sao vậy?
Đổng Chiêu lúc này mới nhận ra sự bất thường. Tào Tháo ngẩng cái đầu ướt sũng lên, run rẩy thở hổn hển, thế nhưng chậu nước lạnh đó thực sự làm cơn đau đầu dịu đi chốc lát. Ông ngồi xệt xuống cạnh bàn, nhắm mắt lại, mặc cho những giọt nước lạnh giá đua nhau nhỏ xuống, mãi lâu sau mới mở miệng:
— Công Nhân...
— Dạ. - Đổng Chiêu bị bộ dạng của ông làm cho khiếp sợ, - Ngài có gì dặn dò? Thuộc hạ đi gọi y lại...
— Không. - Tào Tháo lại choàng mở mắt ra, - Việc xây dựng Nghiệp Thành cứ tiến hành như cũ.
— Sao ạ?
Đổng Chiêu không dám tin vào tai mình. Tào Tháo nói lại một lần nữa:
— Vẫn phải xây dựng Nghiệp Thành, ngươi phụ trách việc này. Không được tinh giản một chút nào, chỉ được phép làm tốt hơn bản vẽ!
Đổng Chiêu đứng ngây ra một lúc, nhìn ánh mắt sắc bén của ông, sau cùng lặng lẽ đáp một tiếng:
— Dạ...
Vào khoảnh khắc nước lạnh dội lên đầu, Tào Tháo chợt nhận ra một đạo lý: có những chuyện chỉ có thể ngẩng mặt đối diện, không có cách nào lùi bước. Cũng giống như căn bệnh đau đầu không thể trừ tận gốc, chỉ có thể nín thở ngụp đầu vào trong nước, để cho cái lạnh xua bớt cơn đau. Hiện ông đang đứng ở vị trí vua không ra vua, tôi không ra tôi, đâm lao phải theo lao, tuyệt chẳng có đường lui, chỉ có thể kiên trì bước tiếp. Dẫu là quân vương khai quốc hay là nghịch tặc cướp nước, ông cũng đều phải đi bước này, còn có thể trốn tránh được hay sao? Trận Xích Bích thất bại nhưng không có nghĩa thời cơ không trở lại, một khi tướng sĩ lấy lại sức lực vẫn có thể cuốn đất tiến vào. Năm xưa Viên Thiệu vì thua trận mà uất ức sinh bệnh, cuối cùng nhắm mắt xuôi tay. Tào Tháo không muốn theo gót hắn, tự bại dưới chính tay mình. Ông muốn làm lại từ đầu, đó là chống lại số mệnh.
Tào Tháo quyết định, dù sao ông đã mất thể diện, cứ làm tới thôi. Ông phải kiên cường chống đỡ tiếp, phải ăn lớn, nói lớn, phải xây thành, phải thăng quan, phải nắm chặt triều đình. Ông mở cửa phòng, gào thật to vào màn đêm đen kịt:
— Tên giặc tai to, thằng nhãi Tôn Quyền, cứ chờ coi! Lão phu sẽ tìm các ngươi tính sổ! Ai cũng đừng hòng lật đổ ta! Ai cũng đừng hòng!
Có lẽ do Tào Tháo đã thức cả đêm nên bị đuối sức, mới gầm ghè được vài tiếng ông đã phải vịn vào khuông cửa thở dốc, chòm râu bạc phất phơ trong gió. Trong một khoảnh khắc lơ đãng, ông nhận ra mình đã năm mươi lăm tuổi, lao tâm khổ tứ nửa đời người, bệnh tật đeo bám, không còn giữ được phong độ trước kia. Hơn nữa thất bại của trận Xích Bích gây ra tác động quá lớn, ông không chỉ có kẻ địch ở trước mặt mà phía sau còn vô số ẩn họa khôn lường.
Khổng Tử từng nói: “Ngũ thập tri thiên mệnh.”(*) Liệu ông còn có cơ hội lần sau không...
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 8