That is a good book which is opened with expectation and closed with profit.

Amos Bronson Alcott

 
 
 
 
 
Tác giả: Leo Aslan
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Gió
Upload bìa: Little rain
Số chương: 447 - chưa đầy đủ
Phí download: 18 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 51984 / 1195
Cập nhật: 2024-02-25 00:26:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 321
hông còn cách nào khác hơn, tôi cắt chặt môi giấu nỗi sợ hãi vào trong lòng nhằm trấn an Tiểu Mai, kéo tay nàng ra ngoài sân.
- Em đứng ở đây! – Tôi thì thầm khi hai đứa bước ra bậc tam cấp ở sân trước.
- Nhưng….! – Tiểu Mai không muốn rời tay tôi, nàng khẽ níu lại.
- Suỵt….! – Tôi lắc đầu rồi quay ra phía cổng nhà.
Cánh cổng màu đen đầy yêu quý thuở nào, đã từng làm xao xuyến con tim tôi không biết bao nhiêu lần, cũng từng khiến tôi trốn chạy hồi năm trước, mọi thứ đều vẫn quen thuộc nhưng sao khuya hôm nay lại trông xa lạ, u ám và ma quái quá cỡ thợ mộc. Căng mắt nhìn về phía trước, tôi thu nắm đấm lại, đưa mục quang thẳng vào cổng với hi vọng không bỏ sót qua bất kì chi tiết bất thường nào xuất hiện.
Tiếng gõ cửa cộc cộc vẫn vang lên từng hồi đứt quãng, và gió rít lên nghe lạnh cả sống lưng.
- Hú….viu….viu… cộc… cộc… cộc…!!!
Nếu không phải là Tiểu Mai đang đứng sau lưng tôi và cần một chỗ dựa, nếu tôi không phải là người đàn ông duy nhất trong nhà này thì thề có trời đất là chỉ cần “bản hợp xướng” kinh dị kia mà vang lên thêm một lần nữa thì tôi sẽ lăn đùng ra ngất xỉu ngay tắp lự.
- “Bình tĩnh…Nam…bình tĩnh… Tiểu Mai đang sợ.. mày sợ nữa thì lấy gì mà….! “
Đặt trường hợp là trộm, tôi còn có năm phần tự tin rằng mình có thể hạ gục được hắn, nhưng nếu trường hợp tên trộm này có mang vũ khí thì chưa chắc tôi có thể giành lợi thế trong đêm tối.
Nhưng nếu là …ma thật thì sao?
- “Không…không thể có ma trên đời được..! “– Tôi toát mồ hôi tự trấn an mình.
Bằng một nỗ lực mạnh mẽ, tôi thu nắm tay lại, khẽ quay nhìn Tiểu Mai đang thất thần tựa cửa lúc này, tôi cố hé môi cười mà cũng chả rõ là mình có đang mếu hay không, rồi gật đầu với nàng. Tay run run, tôi đặt tay mình lên khóa cổng bằng sắt lạnh lẽo, tựa hồ lúc này đầy âm khí.
- Keng….Uỳnh! - Tôi… đưa tay giật khóa cổng rồi đạp tung béng nó ra.
- Viu…viu……..!
Trước mắt hai đứa tôi lúc này là con đường trước nhà tuyệt nhiên không một bóng người qua lại, gió thổi từng hồi mạnh mẽ cuốn bay những bọc nylon và mẩu giấy vụn trên mặt đường bay tứ tán. Thoáng hoang mang vì không có người lại có tiếng gõ cửa, tôi theo phản xạ ngước nhìn lên vị trí phát ra tiếng động ở cánh cổng sắt thì phát hiện ra… thủ phạm của trò giả thần giả quỷ tự nãy giờ.
- Ha ha….! – Tôi sũng người lại mất mấy giây rồi bật cười khanh khách.
- Gì… gì vậy anh? Anh Nam? – Tiểu Mai hoang mang hỏi tôi, vì có lẽ nàng còn đang tưởng tôi bị ma nhập mất rồi nên mới phá ra cười giữa đêm hôm khuya khoắt.
- Em ra đây xem này! – Tôi tủm tỉm nhìn nàng như để trấn an, không hề phát hiện ra là mồ hôi mình đang ướt đẫm cả lưng áo vì cú căng thẳng thần kinh cực độ vừa rồi.
Đợi cho Tiểu Mai đã líu ríu đứng nép sau lưng mình rồi, tôi mới cười chỉ tay lên trên phần song sắt kế bên trụ cổng.
- Em nhìn đi, “nó “gõ cửa đấy!
- Ôi…..! – Tiểu Mai nhìn theo hướng tôi chỉ rồi nàng thở hắt ra nhẹ nhõm.
- Thấy chưa, trên đời làm gì có ma! – Tôi khẳng định chắc như đinh đóng cột.
- Ai mà ngờ được như vậy đâu chứ…! – Tiểu Mai bĩu môi, trông nàng đã bình tâm trở lại.
Đại loại có thể giải thích tiếng gõ cửa bí ẩn không người vừa nãy là như vầy, như đã nói thì từ chiều đến giờ bầu trời bất chợt mây đen vần vũ và gió thổi khá mạnh, chỉ lạ lùng ở chỗ là trời lại không mưa. Và trong khi tôi với Tiểu Mai còn đang tán chuyện trong nhà về cái vụ con chó nhà nào đó trong khu này bỗng dưng lên cơn sủa inh ỏi thì ở ngoài đường, những cơn gió báo hiệu mùa mưa sắp bắt đầu đã thi nhau thể hiện trình độ bay nhảy mạnh mẽ của mình. Gió mạnh đến nỗi thổi tung những thứ linh tinh ở trên mặt đường như rác rứa, bọc nylon, hoa lá hẹ bay tùm lum từa lưa.
Và hài hước làm sao khi mà có thể trẻ em ở khu phố này có cái tật chơi diều xong rồi quăng luôn ngoài đường chứ chả đem lại vào nhà để mai chơi tiếp. Hậu quả là con diều đứt dây của một ông mãnh nào đó quẳng lại ngoài đường đã nằm chỏng chơ trên phố, để rồi khi được các “thần gió” đưa đẩy, con diều tự động bay cao bay xa và… mắc luôn vào thanh sắt cổng nhà Tiểu Mai. Ngẫu nhiên làm sao khi thanh tre làm khung diều lại hướng phần mũi về phía mặt bằng của cổng, thành thử ra cứ mỗi khi gió thổi đến là phần mũi tre đều va đập với cổng sắt, tạo ra một thứ âm thanh gần giống với tiếng gõ cửa.
- Cộp… cộp…viu…viu…..! – Trước mắt hai đứa tôi, con diều vẫn đang mắc kẹt vào cổng, và cứ mỗi lần gió thổi qua là nó lại rung lên bần bật rồi đập vào cửa phát ra âm thanh.
Đến lúc này thì tôi cười cười, nheo mắt quay sang Tiểu Mai trêu:
- Tháo xuống hở? Hay là để luôn con diều trên đây nghe cho vui tai em nhỉ?
- Thôi… gỡ xuống đi anh! – Tiểu Mai vội lắc đầu.
- Hì hì, thì gỡ, anh cũng ngán nó lắm rồi! – Tôi cảm thấy không nên tiếp tục trêu cô người yêu đang sợ hãi từ nãy giờ nữa, vội đưa tay gỡ con diều xuống.
Nhét luôn con diều tai bay vạ gió vào thùng rác bên đường, chừng như đã chắc chắn rằng nó không thể hiển linh mà bay bổng tiếp thêm được nữa thì tôi mới phủi phủi tay rồi đưa mắt nhìn hết một loạt con đường đang vắng vẻ tịch mịch trong đêm.
- Quái… chó nhà ai mà giờ vẫn sủa thế nhỉ? – Tôi lấy làm thắc mắc khi tiếng sủa của con chó nào đó từ nãy đến giờ vẫn đột ngột vang lên.
- Vào nhà thôi anh, nhiễm lạnh mất! – Tiểu Mai lo lắng gọi.
Một chốc sau, tôi đã có thể gọi là an tâm ngồi dựa hẳn người ra ghế mà thư thả nhấm nháp tách trà đào vừa được Tiểu Mai châm lại.
- Quỷ thật con diều, làm em sợ chết khiếp, em ha? – Tôi cười tủm tỉm.
- Hứ, anh cũng sợ còn nói ai! – Tiểu Mai nguýt dài.
- Bậy, em không thấy anh lúc nãy hùng hổ đạp cửa xông ra hay sao? – Tôi phất tay lờ đi màn phản pháo của nàng.
- Ờ, anh đạp cửa lúc nào mà chẳng hung hăng! – Nàng nhún vai đáp.
Giật thót người biết là Tiểu Mai vừa nhắc khéo vụ lúc nãy tôi đạp cửa xông vào phòng nàng, không dám trêu đùa để lún sâu vào tộil ỗi đã được ân xá nữa, tôi vội lảng sang chuyện khác.
- Tóm lại là do tụi mình thần hồn nát thần tính thôi, chứ trên đời này làm gì có ma cỏ!
- Không hẳn đâu, chỉ là anh chưa gặp thôi, không phải ngẫu nhiên mà con người lại đồn đãi về những gì làm cho họ cảm thấy sợ hãi! – Tiểu Mai cắn môi đáp, nàng nhẹ để ấm trà xuống bàn rồi nhấc một tách dành cho mình.
- Bản tính con người vốn là tò mò trước những điều bí ẩn xung quanh mà, chính vì không thể tìm ra được lí do cho những gì bí ẩn đó, họ đành tự tạo ra những câu chuyện huyền bí nhằm giải thích những sự vật sự việc của thế giới tâm linh. Kết quả là hoàn toàn ngược lại, con người càng cố giải thích những hiện tượng huyền bí bằng truyền thuyết về ma quỷ thì lớp hậu thế thay vì hiểu ý tổ tông, lại đi tin sái cổ và ngày càng sợ hãi vì mấy câu chuyện âm u ghê rợn đó! – Tôi vung tay làm nguyên một tràng thao thao bất tuyệt.
Tiểu Mai tròn mắt ngạc nhiên như thể không tin được những gì tôi vừa nói, nàng nhìn tôi lâu đến nỗi đang tôi đang hào hứng giải thích mọi sự dưới góc nhìn của con mắt khoa học cũng đành phải gãi đầu sượng trân:
- Uầy… em không tin thì thôi, làm gì nhìn anh dữ vậy!
- Không… em nghĩ là anh có thiên khiếu thuyết trình lắm đấy! – Tiểu Mai hấp háy mắt.
- Hả? – Tôi đần mặt ra sửng sốt.
- Anh có thể là một nhà hùng biện đấy chứ! – Nàng nhận xét, vẻ như vẫn chưa hết ngạc nhiên.
Nghe Tiểu Mai nói mà tôi vội xua tay chối đây đẩy:
- Thôi thôi, hùng biện để làm gì, đàn ông là phải thể hiện bằng hành động chứ đâu bằng lời nói!
- Ngốc, một lời nói sắc bén còn quyền lực hơn cả thiên binh vạn mã đấy! – Tiểu Mai nhún vai đáp.
- Ờ, biết, em thì giỏi rồi, nói gì ai mà lại chả nghe! – Tôi thở hắt ra.
- Hì, anh đánh giá em cao quá! – Nàng tủm tỉm.
Không thể tiếp tục để tình trạng “mèo khen mèo dài đuôi “tiếp diễn, tôi liền đánh lạc hướng:
- Trở lại vấn đề chính, em vẫn tin là trên đời này có ma?
- Không hẳn là tin, nhưng cũng không có chối bỏ! – Tiểu Mai trả lời liền tức thì.
- Vậy em qua đây ngồi với anh, này thì ma cỏ! – Tôi vừa nói vừa dang tay vỗ vỗ vào thành ghế bên cạnh mình.
- Làm chi? – Tiểu Mai nheo mắt nhìn tôi như đề phòng.
- Bảo qua ngồi thì cứ qua! – Tôi trợn mắt hung dữ.
Trông thấy bộ dạng hùng hổ như thiên lôi của tôi,Tiểu Mai vội buông tách trà rồi líu ríu bước sang chỗ tôi, ngồi xuống phần ghế nệm cạnh bên.
- Phải thế chứ, nghe bảo vợ Nhật chiều chồng lắm mà! – Tôi toét miệng cười hài lòng.
- Hứ, ông mà làm bậy thì biết với tôi! – Tiểu Mai nguýt dài, tuy phản ứng là thế nhưng nàng vẫn ngồi yên vị bên tôi.
- Phải rồi, lúc này đêm hôm khuya khoắt mà nhà lại chỉ có hai đứa mình, anh làm bậy thì em phải biết chớ sao hè! – Tôi giở giọng cười đểu cáng.
- Anh dám…! – Nàng trừng mắt nhìn tôi, khẽ dịch người lùi ra.
Trông bộ dạng Tiểu Mai đang sợ thật, tôi bèn cười giả lả:
- Đùa tí, em sao cứ hay sợ vu vơ thế nhỉ?
- Anh là con gái đi, xem có sợ hay không? – Nàng khẽ nhíu mày.
- Thế là giờ nhất quyết ngồi đó? – Tôi nheo mắt nhìn nàng tinh quái.
- Ừ, nhất quyết! – Tiểu Mai mím môi, hếch mũi lên bướng bỉnh, và ngồi cách tôi một tấm đệm vuông, hai tay đan lại vào nhau.
Biết tỏng là cô nàng đang bối rối thế kia, rõ là muốn sang ngồi cạnh tôi lắm rồi mà trót nói cứng là không qua nên giờ mới đan tay như vậy, tôi liền gục gặc đầu:
- Ừ thì thôi, anh không ép nữa, nhưng để xem lát sau có nhảy bổ qua đây không nhé!
- Việc gì phải qua đó? – Tiểu Mai thẫn thờ hỏi.
- Thì em bảo trên đời có ma, nghe có vẻ thích ma lắm, để anh chiều em luôn!
- Anh… thấy ma rồi ư?
- Chưa, nhưng nghe kể lại!
- Vậy… có gì đâu chứ!
- Ừ, có hay không thì tí nữa mới biết, giờ nghe anh kể đây!
- …………..!
Vậy là chương trình “Kể chuyện đêm khuya “được phép bắt đầu, tôi vờ húng hắng giọng ra vẻ nghiêm trang, rồi trước ánh mắt hồi hộp xen lẫn tò mò của Tiểu Mai, tôi chậm rãi bắt đầu câu chuyện của mình bằng một giọng kể âm u, lạnh lẽo:
- Sáu năm trước, có một hôm nhà anh có khách, đó là một người bạn cũ của mẹ…..
Đúng vậy, tôi đang kể lại một câu chuyện mà chính tai tôi nghe được, câu chuyện này xảy ra vào sáu năm trước, tức là khi tôi còn học lớp năm. Hôm đó, tôi đang ngồi chơi ráp rôbô mô hình ở giữa nhà, vừa chơi vừa lầm bầm rủa thầm Sơn đen cái tội nó ham… phụ việc nhà không đi đá bóng với tôi. Và tình cờ lúc đó, mẹ tôi cùng bà bạn sau một hồi hàn huyên tâm sự đã nhắc đến chuyện không nên nhắc trước mặt con nít:
- Mà bà nhớ bà Hai bán bánh tráng đầu ngõ trường mình hồi đó không?
- Ừ, sao nhỉ? Giờ bà Hai vẫn còn bán à? – Mẹ tôi hỏi lại.
- Không, chồng bả vừa chết tháng trước, nên giờ bả nghỉ bán rồi, mà tui cũng không biết giờ gia đình bả ở đâu nữa! – Bà bạn trả lời.
- Sao chồng bà Hai lại chết? Nhìn ổng khỏe mạnh lắm mà, tập thể dục thường xuyên có bệnh hoạn gì đâu, hay là bị tai nạn? – Mẹ tôi sửng sốt.
Và bà bạn của mẹ tôi lúc này thì khuôn mặt tự dưng đăm chiêu hẳn ra, thoáng nhìn quanh quất một hồi, thấy tôi đang cắm đầu vào con rôbô to đùng thì bả mới ghé tai mẹ tôi mà trầm giọng nói, không hay biết ở bên này, hai tai tôi cũng đang dỏng lên hóng chuyện:
- Nghe đâu ổng gặp ma nên hóa điên, rồi chết……!
Ngày trước, mẹ tôi cũng học trường Phan Bội Châu tôi đang theo học bây giờ, và cũng giống Khả Vy, mẹ tôi theo học từ cấp hai đến hết cấp ba. Ở trường, mẹ tôi nổi tiếng là học sinh giỏi Toán nhất khối suốt mấy năm liền đến độ sau này thầy cô khi biết tôi là con của mẹ thì đều gật gù khen “mẹ nào con nấy “, còn mấy ông chú bác con trai trong trường thì si mê mẹ tôi như điếu đổ, thế nhưng mẹ tôi chỉ chọn kết hôn với ba tôi, vì theo lời bà nói là do mẹ chỉ thích những ai thông minh hơn mẹ. Vậy đấy, kết quả của cuộc hôn nhân trên chính là hai anh em tôi bây giờ, thằng nào cũng giỏi, và tôi lại còn giỏi hơn ông anh tôi gấp bội… à quên xin lỗi mọi người, có lẽ tôi đã tự sướng hơi quá đà thì phải!
Quay trở lại câu chuyện theo lời bà bạn của mẹ tôi kể, thì hồi cách đây hai ba chục năm trước, đầu đường vào trường có gia đình chuyên làm bánh tráng nọ, đó là gia đình bà Hai. Bà Hai có hai người con, một ông lớn thì bỏ nhà đi biệt xứ từ hồi trai tráng, ông út còn lại thì dở dở ương ương, tâm thần bất định. Chồng bà Hai là ông Hai từng đi lính ngày trước, sau giải phóng thì hai ông bà kết hôn. Ông Hai rất khỏe mạnh, dáng người đen nhẻm chắc nịch, là cột trụ gia đình, cứ sáng nào ông cũng dậy sớm đun củi rồi đổ bánh tráng, đến sáng ra là bà Hai lại quẩy gánh mang bánh ra chợ bán cho kịp phiên chợ trưa.
Ông Hai có một thói quen vẫn giữ từ hồi còn đi lính, đó là sáng nào ông cũng dậy thật sớm từ 3 giờ khuya để đạp xe từ nhà mình vào cánh rừng cách nhà mình độ năm cây số, vừa kết hợp tập thể dục vừa chở củi từ rừng về nhà để sinh hoạt. Nhà ông là một căn nhà cấp bốn xập xệ nằm lọt thỏm trong một vùng cây cối um tùm ít dân cư qua lại, sáng nào ông cũng lọ mọ đạp xe từ đó đến cánh rừng nọ để lấy gỗ.
Khuya hôm ấy, khi bầu trời còn tối mịt mờ, ông Hai vươn mình tỉnh dậy sau giấc ngủ rồi bước ra hiên nhà, vục mặt vào lu nước mát lạnh cho tỉnh táo. Đưa mắt nhìn bầu trời tối đen như mực, ông hít một hơi dài những không khí lạnh của buổi khuya rồi lại dắt xe ra ngoài, trong nhà vợ và con ông vẫn còn đang say ngủ. Tay vắt lại những sợi dây thừng sau yên xe và cây rìu giắt sau lưng, ông ngồi lên rồi đạp đi theo hướng cũ vào rừng.
Con đường ông Hai thường đạp xe vào rừng là một cung đường có nhiều khúc quanh, khá hẹp và nhỏ nên ít khi có xe cộ qua lại, chỉ trừ những người khách bộ hành can đảm. Bởi dọc hai bên đường một bên là rừng cây hoang vu, một bên là núi đá, ngộ nhỡ trời mưa sạt lở đất đá thì núp vào bên nào cũng cầm chắc cái chết. Khuya hôm nay, ông Hai vẫn cần mẫn đạp xe vừa để tăng cường sức khỏe, vừa để vào rừng kiếm ít củi cho sinh hoạt gia đình.
Qua đến một đoạn đường nọ, ông thoáng ngạc nhiên khi thấy trước mặt mình có một bóng người đang đứng lớ ngớ đầy bối rối. Lẽ hiển nhiên rằng ông Hai sẽ phải cảm thấy sửng sốt bởi đây là đoạn đường đã quá đỗi quen thuộc với ông khi ngày nào cũng đi qua, và đâu có lí nào vào lúc nửa đêm khuya khoắt thế này lại có người nào đó đứng yên bên đường, giữa không gian tịch mịch âm u của rừng cây và núi đá.
Giây lát sau, ông Hai chầm chậm đạp xe đến trước nhân ảnh đang đứng tại chỗ ấy và…
- Bác ơi, cho con đi nhờ xe một đoạn được không…?
Trước mắt ông Hai lúc này là một người con gái khá xinh xắn, mái tóc cô dài ngang lưng và được búi qua một bên vai, cô hấp háy mắt nhìn người đàn ông trung niên đang đờ người ra đối diện mình rồi cười nắc nẻ:
- Coi kìa, bác sao vậy?
- Con… sao giờ này con lại.. đứng một mình ở đây? – Ông Hai sửng sốt tột độ, vì ai cũng biết ra ngoài vào lúc này thì đàn ông cũng có đôi chút e dè, đừng nói là cô thiếu nữ chân yếu tay mềm trước mặt.
- Con đi vào phố mua thuốc cho mẹ, dọc đường thì bị trật chân, con đợi ở đây nãy giờ mới có người đến giúp! – Cô gái trả lời.
- Ai đến giúp? – Ông Hai thắc mắc.
- Bác chứ ai trời! – Cô gái khúc khích cười.
- Vậy chứ lúc tối con đi xe gì vào phố?
- Con đi xe ôm, nhưng đến gần nhà thì con xuống định đi bộ cho khỏe người với lại tiết kiệm ít tiền, đi được một lúc thì vấp hòn đá nên té trật khớp!
- Rồi con đợi từ lúc đó đến… giờ luôn à?
- Dạ, bác chở con về nhà giúp nha, kẻo mẹ con lại lo!
- Ừ.. ừ… nhà con gần đây không?
- Dạ cũng gần, còn một đoạn nữa là đến thôi bác!
- Vậy con lên xe đi!
Rồi trước sự giúp đỡ tận tình của ông Hai, cô gái bí ẩn ấy khập khiễng từng bước tễnh chân lên yên sau xe đạp.
- Con bám chắc nhé, đường ở đây xốc lắm đấy! – Ông Hai cẩn thận dặn dò.
- Dạ, con biết mà bác! – Cô gái gật đầu đáp.
Rồi chầm chậm đạp xe đi, ông Hai hoàn toàn tin hẳn vào lời nói đầy mâu thuẫn của cô thiếu nữ này mà không một chút ngờ vực. Bởi lẽ là thân con gái dặm trường thì ai mà lại chẳng sợ, thế nhưng giữa rừng hoang âm u tịch mịch lúc này, cô gái ấy đã đứng đợi người đến giúp một thân một mình suốt từ lúc tối đến tận nửa đêm. Nếu đúng theo lời cô thì lúc này mẹ cô đang bệnh cần mang thuốc về, và thật sự nếu nhà cô ở gần đây thì theo lẽ tự nhiên, cô dù có đau chân cách mấy cũng phải cố gượng bước về nhà mới phải. Đằng này cô vẫn bình thản đứng đợi người dù biết đoạn đường này vắng người qua lại, thế nên… lấy gì làm chắc chắn sẽ có người đến giúp?
Chỉ trừ một lí do duy nhất, đó là cô gái ấy biết được ngày nào ông Hai cũng chạy qua đoạn đường này, vào thời điểm này.
Nhưng không thể trách ông Hai được, bởi nếu ma quỷ là có thật thì chúng hẳn có thuật nhiếp hồn, có thể là con người mụ mê đi không còn tỉnh táo như ngày thường nữa.
Ông Hai lúc này không mảy may nghi ngờ gì những lời cô gái nói, mà trái lại ông còn chủ động bắt chuyện:
- Chừng nào gần đến nhà thì con báo để bác biết nhé!
- Dạ, cũng gần đến rồi đó bác! – Cô gái thoáng mỉm cười u tịch.
- Ủa, nhanh vậy à? – Ông Hai ngạc nhiên.
- Dạ, đây nè, đến rồi bác ơi! – Cô gái gọi giật.
- Đến đây được rồi, con cảm ơn bác nha!
- Sao được? Để bác đưa con vào tận nhà chứ, chân con bị đau mà!
- Dạ không sao đâu, con tự đi vào được, gần mà!
- Ừm… vậy con cẩn thận đấy!
- Dạ, cảm ơn bác nhiều!
Vậy là ông Hai đưa cô gái đến tận nhà, nhưng không vào luôn bên trong mà chỉ dừng lại ở đầu ngõ. Đó là một con đường mòn dài và hẹp, xung quanh là những rặng cây bạch đàn đang xì xào trong gió, màn đêm cô liêu lạnh lẽo càng làm tăng thêm không khí u ám của buổi đêm, khi mà dương khí suy giảm và âm khí cực thịnh.
Ông Hai đứng nhìn nhân ảnh cô gái đi xiêu vẹo trong gió, mái tóc bay lưa thưa theo từng đợt không khí lạnh thổi qua, mãi đến khi trong thấy cô gái khuất sau một mái nhà tranh có ánh đèn dầu thấp thoáng thì ông mới tặc lưỡi đạp xe đi tiếp.
Và câu chuyện sẽ không có gì để kể tiếp nếu như ông Hai không còn gặp cô gái ấy thêm lần nào nữa. Sự thật đi ngược lại như thế, hàng đêm cứ đúng 3 giờ, ông Hai vẫn đạp xe một mình để vào rừng lấy củi. Và trên đường đi, ông Hai thỉnh thoảng vẫn chở cô gái đang đứng đợi ông ven đường về lại đầu ngõ. Lần nào cũng vậy, cô gái không cho ông vào nhà vì lí do đêm hôm khuya khoắt, mẹ cô sẽ không đồng ý có đàn ông lạ mặt vào nhà.
Lí do tại vì sao ông Hai cứ tiếp tục chở cô gái đi thì không một ai hay biết, và họ cũng không dám biết vì sợ mang tiếng là phải tội với “người âm “. Mọi sự cứ thế tiếp diễn, ông Hai trên đường đốn củi về cho gia đình vẫn luôn tiện đường đưa cô gái ấy về đầu con ngõ đầy những hàng cây bạch đàn. Gia đình ông, cả vợ lẫn con đều không lấy làm thắc mắc gì khi mà lượng gỗ ông Hai mang về ngày một nhiều hơn bình thường, mà theo lời ông là có người tốt chỉ chỗ cho ông nên đốn chỗ này, chỗ kia sẽ được dễ dàng hơn. Ông Hai vẫn đưa cô gái về nhà, cô gái ấy luôn chỉ ông hai nơi có gỗ tốt như là một cách trả ơn, sự vẫn diễn ra đều đặn như thế.
Yêu Nhầm Chị Hai Được Nhầm Em Gái Yêu Nhầm Chị Hai Được Nhầm Em Gái - Leo Aslan Yêu Nhầm Chị Hai Được Nhầm Em Gái