Thất bại đến với ta không phải làm ta buồn mà giúp ta thêm tỉnh táo, không làm ta hối tiếc mà khiến ta trở nên sáng suốt.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 548 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
háng chạp,quýt to bằng nắm tay trẻ nhỏ, da bóng lưỡng như ướt mỡ. Khi ấy gió dịu, trời ửng hồng sáng trong, nắng mới cũng vừa soi ấm vô vàn chùm quýt loà xòa, đung đưa…Đến giữa tháng, quýt chín đỏ vườn …”
Đoạn văn trên tôi tả cảnh quê mình khi còn ngồi học lớp 5, mãi đến hôm nay vẫn còn in trong trí…
- o O o -
Quê nội, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, vỏn vẹn hơn 20 hộ, nằm rải rác hai bên bờ một nhánh sông nhỏ thuộc dòng nước Hậu giang hiền hoà. Chốn ấy từ bao đời có tiếng vì giống quýt hồng thơm ngọt. Nhờ lẽ đó miền đất được người dân quen gọi bằng cái tên mộc mạc:xóm Quýt, dù đất đã có một tên khác khá thơ mộng: Yên Hạ.
Năm ấy cha tôi làm ăn thua lỗ, cha như người dại ; còn mẹ tôi ngồi đâu dáng cũng thẫn thờ. Cuối mùa nước nổi cha phải bán nhà để trả nợ. Ông nội lụm cụm theo chú Tám từ dưới Cần thơ lên bàn bạc, dẫn dắt gia đình tôi về lại quê hương. Với số tiền ít ỏi còn lại, cha chỉ đủ mua hơn 2 công vườn quýt, cả nhà tôi đành ở tạm trong kho chứa củi của ông.
Tôi nhớ mãi buổi sáng hôm đó. Trời vừa bửng mắt, chú Tư đầu xóm cùng đứa cháu hè hụi vác đến mấy cây tre to, dài sọc. Chưa kịp lau mồ hôi, chú gọi vọng: “Sáu ơi, tao đem cho mấy cây tre đây …”. Cảm động xiết bao khi thím Bảy ở tận Bà Vèn cũng bơi xuồng đem lại hơn 200 lá chằm. Còn chị Phương qua làm quen tôi bằng mấy bó lạt vừng … Vậy đó, người góp công, người giúp của. Và ngày cha mẹ tôi dựng nhà, chòm xóm thân sơ đến dùm giúpp thật đông. Không chỉ có vậy, nghe theo lời chú út Võ Tòng: “ Làm nghĩa phải cho trót… ’’, liên tiếp nhiều ngày sau, bà con tạm gác việc nhà đến làm cỏ, be bờ ; tận tình chỉ vẽ cách bón phân, chiết nhánh … Sau này, gia đình tôi còn chịu ơn nhiều tấm lòng đáng qúi khác, như thím Tư chia sẻ cặp heo giống, chị hai Liên dạy cho chị tôi nghề dệt chiếu bông …
Tôi cũng không quên được đêm giao thừa năm ấy. Tiết trời lành lạnh, nhà nhà đỏ lửa, mùi bánh tét, bánh phồng tỏa ngát xóm thôn. Nhờ tiền bán Quýt, sau khi trang trải một phần nợ, mẹ tằn tiện lo được nồi thịt kho rệu, sắm cho chị em tôi mỗi người một bộ áo quần. Chú Chín, bạn thân thiết của cha, sai con mang đến biếu một rổ bánh ít còn bốc khói. Bác Giáo cũng đem qua chè xôi, hai lít rượu nếp cẩm thơm để cúng ông bà. Còn đám trẻ mặt mày ai nấy đều hớn hở, xênh xang với áo màu, dép mới rủ tôi lên đình xem hội… Đã lâu, tôi vẫn như còn thấy sắc mai vàng, quýt đỏ khoe tươi ; đôi má chị ửng hồng, mắt cha mẹ ánh trong và dòng sông nhỏ chảy thầm thì kia cũng ấm…
Lại có những đêm sân nhà ngập ánh trăng, hương hoa quýt thơm lừng. Các người thân hiểu gia đình tôi vừa gặp chuyện không may, nên thường kéo nhau đến ngồi trước sân, đàn ca rôm rả. Già trẻ, gái trai trong xóm cũng xúm xít góp vui. Lẫn tiếng đàn cò, kìm, sáo, nhị là giọng ca mộc mạc, vụng về …vậy mà vẫn có sức quyến rũ lạ …
Và cũng thật xốn xang, khác với bạn bè trên phố phường, các bạn nơi xóm Quýt như Tí Cộc, 14 tuổi, chưa học xong lớp 4; Nghĩa Đen còn ễnh bụng tuyên bố: “ Làm cỏ mướn có tiền, đi học chẳng có xu nào! ’’. Đổi lại, các bạn ấy nói vanh vách từng loại chim: thằng chài, chích choè, thầy bói…; tháng nào mù u trổ bông, cá lên đồng, xiết nước lúc nào cho quýt chín kịp tết. Ngày trước làm văn, tôi hay ca ngợi thú vui nơi thôn dã, như trẻ thơ được mặc sức đùa giỡn, lặn hụp trên sông ; được thi nhau vớt trái mù u để lấy dầu thắp sáng hoặc nhồi đất sét nặn voi, nắn ngựa…Sống lâu miệt đồng, tôi mới hiểu mọi chuyện không hoàn toàn như vậy. Sau giờ học các bạn ấy còn phải đi giăng câu, vớt bèo nuôi vịt hoặc làm cỏ, tưới cây …nghĩa là phải lem lấm, phải đổ mồ hôi để có thêm cái ăn, cái mặc, gánh vác tiếp mẹ cha mà phần lớn đều đông con, nghèo và ít hiểu biết …
…Sống nơi quê nội vui buồn như thế mấy năm, cậu Tám sắm được xe, mời cha tôi lên phụ giúp. Gia đình lại dắt díu nhau đi.Đêm trước khi xa quê, tôi lặng lẽ khóc, tuy lòng hé vui vì biết mẹ cha và chị sẽ vơi bớt nỗi nhọc nhằn. Nhưng không bùi ngùi sao được khi tôi phải xa ông bà nội, mặc dù tuổi cao vẫn hết lòng lo lắng, yêu thương con cháu ; xa bà con xóm Quýt nhèo tiền nhưng giàu chữ nghĩa nhơn. Nhất là phải xa đám bạn bè hôi như cú mà thật thà như đất, xa vuông vườn tuổi thơ bé nhỏ đã cho gia đình tôi không biết bao nhiêu là hoa trái ngọt lành …
- o O o -
Tết này tôi có về xóm Quýt, quê xa. Thăm lại ông bà cùng bao người ơn đã giang tay đùm bọc gia đình tôi suốt một thời khốn khó. Tuy trên gương mặt, nếp nhăn có nhiều theo năm tháng ; nhưng qua ánh mắt tôi hiểu tấm lòng bà con vẫn đôn hậu như xưa. Tôi chỉ buồn, khi nhịp sống nơi thành thị ngày một sôi nổi, đi lên ; những cảnh đời chốn vùng sâu chưa đổi thay mấy. Vẫn nhiều những tol, lá … nóng bức, ẩm thấp với mớ đồ đạc cũ kỹ. Vẫn là thứ ánh sáng qua nhiều trung gian, le lói buồn thiu… Tôi nghe đâu mấy năm trước quýt được mùa, được giá ; nhiều hộ đã sắm được xe gắn máy, tivi…Mấy năm gần đây chén cơm của họ khá bấp bênh, do nguồn nước tưới bị ô nhiễm ; giá thuốc sâu, phân bón vùn vụt tăng cao và sâu “vẽ bùa” kháng thuốc nên chồi lá cứ vàng úa, quăn queo, hoa trổ rồi lại rụng, lũ kiến vàng lũ lượt bỏ đi. Đến khi vào mùa vụ thì quýt hồng không sao cạnh tranh nổi với lê, táo nhập nên giá rẻ như bèo, như cho…
Tôi cũng dành nhiều thì giờ đi thăm hỏi bạn bè. Gặp lại nhau, ai nấy đều nửa mừng, nửa tủi. Sáu Đèo, Khách, Bích ; con nhà kha khá còn được học. Số đông bạn đành chịu dở dang về lam lũ với ruộng vườn. Thương Tí Cộc, Tâm Hô theo cha chú làm phụ hồ tận Sông Bé, ngày tết vẫn không về được.
Đêm đó, tôi ngồi bên nội cùng canh lửa cho nồi bánh nếp lá dừa, nghe bà kể chuyện người, chuyện đất … Về giống quýt hồng nhờ ai mà có, về bao nổi gian lao của cha ông thuở mở đất, khai nguồn. Bà cũng phiền trách mấy đứa con của thím Sáu không chịu làm gì, chỉ ham mê rượu chè, đàn đúm, ngày đêm cứ tơ tưởng số tiền đất sẽ được bồi hoàn. Tôi nghe mà lòng chạnh xót xa. Chợt nhớ lại ánh trăng đêm nào cùng lời ca cũ: “ Đất như người mẹ hiền tần tảo, vắt kiệt sức mình nuôi lớn các con …” Và cũng đêm đó tôi mơ thấy những đoàn tàu chở đầy quýt đỏ, những áo màu dự lễ hội kỳ yên, nghe lại giọng hát hò trên cánh đồng lúa mới và tiếng chị tôi reo vui khi đàn kiến trở về ….
Lẽ ra, tôi không nên viết thêm những câu buồn bã vào cuối mẩu chuyện này. Không hiểu sao có những chiều như hôm nay, lẫn trong những kỉ niệm êm đềm nơi xóm Quýt xưa kia, hình bóng chị Phương thân thiết lại cứ hiện về. Nhớ mà đau, cha chị mất sớm ; rồi vì mẹ vì em, chị bằng lòng lấy chồng người Đài loan cao tuổi và nghe đâu phải lâm cảnh đắng cay, mặn nhạt ở xứ người… Những ngày nơi xóm Quýt, chiều nào chị cũng sang nhà rủ tôi đi quét lá quýt khô để dành nhóm bếp. Có lẽ chiều nay chị âm thầm ngồi đâu đó một mình, nhớ mẹ nhớ quê, nhớ cả khói lên trời …
Xóm Quýt , Quê Xa… Xóm Quýt , Quê Xa… - Bùi Thụy Đào Nguyên