Tài giỏi không có nghĩa là không bao giờ phạm phải sai lầm, mà ở chỗ nhanh chóng chuyển bại thành thắng.

Bertolt Brecht

 
 
 
 
 
Biên tập: Little Rain
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 15241 / 286
Cập nhật: 2015-09-12 12:47:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Những Trò Chơi Khác Nhau
rên đường đi học về, thằng Nghi than mỏi chân nên tôi với nó ghé vào công viên bên đường ngồi nghỉ.
Ngồi trên ghế đá, không biết làm gì, chúng tôi chơi trò đố nhau.
Thoạt đầu chúng tôi còn đố theo sách vở, chẳng hạn như:
- "Một đàn cò trắng phau phau. Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm" là cái gì?
Hoặc:
- "Vừa bằng cái vung, vùng xuống ao, đào chẳng thấy, lấy chẳng được" là cái gì?
Đố như vậy một hồi đâm chán, chúng tôi đố kiểu khác.
Thằng Nghi nói:
- Tao đố máy giả tiếng gà gáy được!
- Dễ ợt!
Nói xong, tôi đưa tay lên miệng "gáy":
- Ò...ó...o...
Nghi dỏng tai nghe, rồi lắc đầu:
- Không gìống.
Tôi đỏ mặt:
- Giống y chang mà mày kêu không giống!
Nó bĩu môi:
- GIống khỉ ho thì có!
Tôi nổi sùng:
- Vậy mày ngon mày gáy đi!
Không đợi tôi thúc lần thứ hai, Nghi uỡn ngực, "gáy":
- Ò...ó...o...o...
Trong khi "gáy", cặp mắt nó nhắm nghiền. "Gáy" một hơi, nó mở mắt ra hỏi:
- Giống không?
Nghi "gáy" giống hệt con gà trống nhà tôi, tôi đành phải thừa nhận:
- Giống.
Thấy nó nhe răng cười khoái chí, tôi tức mình, đố:
- Bây giờ tao đố mày sủa giống như con Ki Ki!
Ki Ki là con chó cưng của tôi. Mỗi lần đi chơi đâu, tôi và Nghi thường dẫn nó theo.
Tôi vừa đố xong, Nghi ngoác miệng "sủa" liền:
- Gấu gấu gấu gấu!
Nghe nó "sủa", tôi ôm bụng cười bò.
Nghi đỏ mặt:
- Sao mày cười?
- Tại mày "sủa" giống hệt...
Nó khịt mũi:
- Giống mà cười?
- Chứ sao! Giống hệt mèo kêu!
Nghi hất mặt:
- Mày ngon mày "sủa" thử coi!
Tôi lấy hơi, gân cổ "sủa":
- Gâu gâu! Gâu gâu gâu! Gâu gâu! Gâu gâu gâu!
Không đợi tôi hỏi, Nghi vỗ tay khen:
- Đúng là giống hệt con Ki Ki!
Cứ vậy, chúng tôi thi bắt chước tiếng vịt kêu, tiếng bò rống, thậm chí cả tiếng cú rúc, tiếng cọp
gầm...
Làm loài vật mãi cũng chán, chúng tôi lại đổi trò.
- Tao đố mày đi hai tay dưới đất được! - Tôi nói.
Nghi "xì" một tiếng:
- Tưởng gì!
Nó đặt cặp lên ghế đá rồi lập tức trồng cây chuối trên bãi cỏ và chống hai tay đi qua đi lại.
Một lát, nó bỏ chân xuống, đứng lên, thở hồng hộc.
Thở một hồi, nó ngó tôi:
- Mày làm giống tao thử coi!
Tôi nhào xuống bãi cỏ và đi hai tay giống hệt như Nghi vừa rồi, thậm chí chân tôi còn duỗi thẳng hơn nó khi nãy.
Nhào lộn xong, chúng tôi lại ngồi trên ghế đá, thi nhau thở.
Bỗng tôi thấy một con nhỏ đang ôm cặp từ xa tiến lại, sắp đi ngang chỗ chúng tôi. Tôi khều Nghi:
- Bây giờ tao đố mày cái này!
Nghi trố mắt:
- Cái gì?
- Nhưng mà mày dám làm không đã?
Nghi nhăn nhó:
- Nhưng mà làm gì mới được chứ?
Tôi nói lấp lửng:
- Cái này dễ lắm! Dễ hơn trồng cây chuối nhiều!
Nghe nói dễ hơn trồng cây chuối, Nghi gật đầu liền:
- Vậy thì dám! Nhưng mà làm cái gì?
Tôi chỉ con nhỏ lúc này đang đi ngang qua trước mặt tôi và Nghi:
- Tao đố mày ra giật "đuôi gà" của con nhỏ kia!
Nghi rụt cổ:
- Thôi, tao không dám giật tóc nó đâu! Con nhỏ này học trường mình, ngày mai nó vô méc cô chủ nhiệm thì chết!
- Nó học lớp khác, chắc không biết mặt tụi mình đâu!
Nghi chép miệng:
- Biết đâu được!
Tôi nheo mắt:
- Sau khi nãy mày kêu dám mà bây giờ mày lại sợ?
Nó ấp úng:
- Khi nãy khác...
Tôi cắt ngang:
- Khác cái khỉ gì! Mày là đồ thỏ đế!
Nghi mím môi:
- Tao không phải là đồ thỏ đế.
- Nếu không phải là đồ thỏ đế thì mày chạy ra giật tóc con nhỏ kia đi!
Nghi có vẻ bị dao động, nó ngắc ngứ:
- Nhưng...nhưng...
Tôi đứng phắt dậy:
- Không có nhưng gì hết! Nếu mày sợ thì tao cùng chạy ra với mày.
Thấy có tôi "hộ tống", Nghi can đảm lên liền.
Hai đứa tôi phóng ra đường, tiến sát sau lưng con nhỏ kia. "Nạn nhân" chẳng hay biết gì, vừa đi vừa hát "là lá la"...
Thấy Nghi còn có vẻ chần chừ chưa chịu ra tay, tôi lấy cùi chỏ thúc vô hông nó. Ngay tức khắc, nó thò tay nắm cái "đuôi gà" lủng lẳng của "nạn nhân" giật mạnh một cái.
Con nhỏ kêu "oái" một tiếng và loạng choạng suýt ngã. Nhưng con nhỏ này thuộc loại "lì". Quay lại trông thấy tụi tôi, nó không những không sợ hãi mà còn nghinh mặt:
- Các người làm trò gì du côn vậy?
Tôi trợn mắt:
- Nè, nói ai du côn?
- Tui nói mấy người đó!
Đang nói tự nhiên nó im bặt và dòm tụi tôi lom lom. Bỗng nó reo lên:
- Tui thấy mấy người này quen quen! Hình như mấy người cũng học trường Sao Mai phải không?
Nghi chối phắt:
- Tụi tui đâu có đi học! Tụi tui ở nhà...giữ bò!
Con nhỏ tỏ vẻ nghi ngờ:
- Mấy người xạo! Ở thành phố làm gì có bò mà giữ?
Thấy tình thế bắt đầu nguy ngập, tôi đằng hắng, nói:
- Giữ bó là nói chơi cho vui chứ thật ra tụi tui đi nhặt bao ni-lông!
Con nhỏ nheo mắt dọa:
- Tui không tin mấy người đâu! Ngày mai tui méc ban giám hiệu cho coi!
Tôi tái mặt. Nếu để nó méc ban giám hiệu thì tôi và thằng Nghi dám bi đưa ra hội đồng kỹ luật lắm, có khi bị đuổi học cũng không chừng!
Lâm vào thế kẹt không biết làm sao, tôi sầm mặt tiến sát đối phương và nói bằng giọng ồm ồm:
- Nhà ngươi méc hả? Ta sẽ bẻ răng nhà ngươi ngay bây giờ!
Thấy bộ tịch hung hãn của tôi, con nhỏ hơi hoảng. Nó lùi lại một bước, la lên:
- Mấy người làm gì vậy? Tui kêu công an bây giờ!
Chắc là con nhỏ chỉ dọa tụi tôi thôi, không ngờ khi quay đầu lại, tôi thấy một chú công an đang đạp xe đi tới thật. Thế là không ai bảo ai, tôi và Nghi co giò chạy lẹ.
Nhưng mới chạy được mấy bước, chúng tôi nghe tiếng còi thổi "rét, rét" sau lưng, liền vội vàng "thắng" lại. Cứ cắm cổ chạy, không khéo bị bắn gãy giò!
- Nào, lại đây hai ông tướng! - Chú công an dừng xe, ra lệnh.
Tôi và Nghi riu ríu bước lại, bụng thấp thỏm.
Chú công an nheo mắt nhìn hai đứa tôi:
- Sao, kể đầu đuôi nghe! Hai ông tướng định giở trò cướp bóc phải không?
Tôi lí nhí:
- Dạ không ạ.
- Thế thì giật đồ?
- Dạ cũng không giật đồ ạ.
Nghi vọt miệng:
- Chỉ có giật..."đuôi gà" thôi ạ.
Chú công an trố mắt:
- Giật "đuôi gà" là sao?
Bây giờ con nhỏ mới lên tiếng:
- Các bạn ấy giật tóc cháu!
Chú công an gật gù:
- À ra thế! Tức là đón đường những người dân lương thiện để hành hung! Hừm! Tội này nặng lắm đây: Phạt tù ba năm là ít!
Nghe nói ở tù, Nghi sợ run. Nó lắp bắp:
- Tụi cháu cũng là dân lương thiện ạ. Tụi cháu là học sinh!
Con nhỏ cười hí hí:
- Vậy mà khi nãy bảo là đi nhặt bao ni-lông!
Nghe nó chọc quê, hai đứa tôi mắc cỡ quay mặt đi chỗ khác.
Chú công an lại hỏi:
- Học sinh tại sao lại đi giật tóc người khác để đến nỗi sắp sửa đi tù?
Chú công an nhấn giọng chỗ "sắp sửa đi tù" khiến thằng Nghi sợ muốn đứng tim, không nói nổi. Tôi phải rụt rè giải thích:
- Tại vì tụi cháu chơi đố nhau ạ.
- Hừm! Đố nhau! Đố cái gì?
Tôi kể:
- Đố bắt chước tiếng gà gáy.
- Rồi sao nữa?
- Rồi đố bắt chước tiếng chó sủa.
- Tiếng chó sủa? Hừm! Rồi sau đó?
- Sau đó là bắt chước tiếng chim hót.
Chú công an khoát tay:
- Thôi, khỏi kể chuyện bắt chước nữa! Hãy kể tại sao lại có cái trò giật tóc ở đây!
Tôi lúng túng:
- Tại vì...tại vì sau đó tụi cháu đố nhau đi hai tay...
Chú công an ngơ ngác:
- Đi hai tay thì sao?
- Dạ chẳng sao cả! Đi hai tay xong, tụi cháu lại...đi hai chân!
Chú công an lộ vẻ sốt ruột:
- Nhưng mà tại sao các cháu lại đi giật tóc người ta?
Tôi nuốt nước bọt:
- Tại vì...tại vì cuối cùng tụi cháu chẳng còn biết đố nhau chuyện gì nữa.
Chú công an nhăn mặt:
- Thế là đố nhau cái trò giật tóc?
Hai đứa tôi đành phải gật đầu.
Con nhỏ "đuôi gà" méc thêm:
- Các bạn này còn đòi bẻ răng cháu nữa!
Chú công an đằng hắng:
- Lại còn chuyện đó nữa! Sao lại đòi bẻ răng người ta?
Con nhỏ này đúng là lắm mồm. Nó khai ráo:
- Tại vì các bạn đó sợ cháu méc với ban giám hiệu.
Chú công an nhún vai:
- Hừm! Nếu vậy thì quá lắm! Thôi, chú sẽ không bỏ tù hai ông tướng này nữa! nhưng mà chú sẽ báo với ban giám hiệu!
Nói xong, chú công an rút cây viết và cuốn sổ trong túi ra cầm sẵn trên tay.
- Nào, hai cháu khai báo đi! - Chú công an nhìn hai đứa tôi, ra lệnh - Học sinh lớp mấy, trường nào?
Khỏi phải đi tù, chúng tôi mừng rơn. Nhưng nghe chú công an nói sẽ báo với ban giám hiệu, đứa nào đứa nấy xanh mặt. Tôi năn nỉ:
- Chú tha cho tụi cháu! Tụi cháu chỉ lỡ có một lần.
Nghi cũng hùa vô:
- Chú báo với ban giám hiệu, tụi cháu bị đuổi học mất!
Chú công an gục gặc đầu:
- Thôi được! Nếu các cháu sợ bị đuổi học thì chú sẽ không báo với ban giám hiệu nữa. Chú sẽ báo với bố mẹ các cháu vậy. Nào, các cháu cho biết địa chỉ nhà đi!
Thấy chú công an hí hoáy cây viết định ghi, tôi hoảng hồn kêu lên:
- Không được đâu chú ơi! Bố mẹ cháu không đuổi học nhưng bố mẹ cháu đánh đau lắm!
Chú công an dang tay ra:
- Hai chú bé này lạ thật! Báo nhà trường thì lo, báo gia đình thì lại sợ! Thế mà bày đặt đi giật tóc người khác! Thôi thì các cháu theo chú vô tù vậy!
Nghi mếu máo:
- Chú tha cho tụi cháu lần này đi, chú ơi! Cháu sợ ở tù lắm!
Chú công an chép miệng:
- Tha hả? Tha thì cũng được nhưng rồi mai mốt các cháu lại đố nhau làm bậy nữa thì sao?
Nghi lắc đầu lia lịa:
- Không có đâu, chú ơi! Tụi cháu chỉ đố nhau bắt chước tiếng gà gáy, tiếng chó sủa, tiếng...
Chú công an ngắt lời:
- Nhưng khi hết chuyện đố rồi thì sao? Lại đố nhau giật tóc?
Tôi vội vàng lên tiếng:
- Tụi cháu không giật tóc nữa đâu! Cháu nghĩ ra rồi! Lúc đó tụi cháu sẽ đố nhau chuyện học tập!
- Chuyện học tập hả? - Chú công an gật gù- Chuyện học tập thì được! Nhưng mà các cháu có nói chắc không đó?
Tôi và Nghi đồng thanh đáp:
- Dạ, chắc ạ!
Chú công an bỏ cây viết và cuốn sổ vô túi, nheo mắt nói:
- Nếu vậy thì lần này chú tạm tha cho hai cháu. nhưng chú mà còn bắt gặp các cháu làm bậy lần nữa thì chú không tha đâu!
Nghe chú công an nói vậy, chúng tôi thở phào và dơm chân định đi thì chú công an kêu lại:
- Khoan đã! Hai cháu phải xin lỗi cô bé này đã chứ!
Cái mặt con nhỏ nhơn nhơn ngó dễ ghét! Nhưng có chú công an đứng đó nên chúng tôi phải bấm bụng bước lại lí nhí xin lỗi nó. Xong, hai đứa vội vã chuồn thẳng.
Dọc đường, Nghi trách tôi:
- Tại mày đó! Mày xúi bậy!
Tôi chống chế:
- Tao xúi bậy thì mày đừng làm! Ai bảo mày nghe theo chi!
- Hừ, vậy mà cũng nói!
Lúc gần về tới nhà, Nghi hỏi tôi:
- Khi nãy, mày bảo đố nhau chuyện học tập là đố như thế nào?
Tôi tặc lưỡi:
- Tao cũng chẳng biết! Tao chỉ mới nghĩ thế thôi!
Nghi nghĩ ngợi một hồi rồi đề nghị:
- Hay là mình đố nhau học bài đi! Xem đứa nào thuộc trước!
- Bài gì?
- Bài tập đọc ngày mai đó!
Tôi đồng ý liền.
Nhà tôi và nhà Nghi kế nhau trong một khu tập thể. Vừa về tới nhà, không kịp thay đồ, hai đứa đã đem bài ra học.
Thấy vậy, thằng Bo em tôi vỗ tay hét toáng:
- Chuyện lạ, bà con ơi!
Chả là từ trước đến giờ tôi nổi tiếng lười học. Thậm chí có lần mẹ tôi phải lôi tôi vào bàn, bắt ngồi tại chỗ học bài không cho đi đâu.
Nhưng, vì thi đua với Nghi, tôi cặm cụi học, không thèm đếm xỉa đến thái độ ầm ĩ bất lịch sự của thằng Bo.
Tôi đang học lõm bõm được vài câu thì Nghi chạy qua, mặt mày hớn hở:
- Tao thuộc rồi.
Tôi nhìn nó nghi ngờ:
- Xạo đi mày! Thuộc đâu mà lẹ vậy!
- Thật!
- Mày đọc coi!
Nghi đọc ro ro:
- Rừng xa vọng tiếng chim gù
Ngân nga tiếng suối, vi vu gió ngàn.
Nhưng đến câu tiếp theo thì nó ngắc ngứ:
- Mùa xuân...mùa xuân...
Nó "mùa xuân" một hồi rồi nhìn tôi cầu cứu:
- Mày nhắc giùm tao một chữ đi!
Tôi rộng lượng:
- Mùa xuân đậm lá...
Nghi sáng mắt cất cao giọng:
- Mùa xuân đậm lá ngụy trang
Đường ra...đường ra tiền tuyến...tiền tuyến...
Lần này, nó lại nhìn tôi năn nỉ:
- Tiền tuyến gì mày?
Tôi phẩy tay:
- Dẹp! Tao không nhắc nữa đâu!
- Một chữ nữa thôi!
Tôi kiên quyết:
- Một chữ cũng không nhắc! Mày về học lại đi!
Thấy không lay chuyển được tôi. Nghi đành phải chạy về.
Còn tôi thì tiếp tục cắm đầu vô cuốn tập, ê a:
- Rừng xa vọng tiếng chim gù
Ngân nga tiếng suối, vi vu gió ngàn...
Mẹ tôi ở dưới bếp đi lên, thấy tôi ngồi học bài bèn cốc tôi một cái:
- Cha mày! Mấy bữa nay la rát họng cũng không chịu ngồi vô bàn, sao bữa nay siêng học bất tử vậy!
Lần đầu tiên mẹ tôi khen tôi siêng học. Tôi cảm thấy thích thú và nghĩ bụng:
"Đố nhau học tập vui như vậy mà trước nay mình không nghĩ ra! Ngốc thật!".
1987
Út Quyên Và Tôi Út Quyên Và Tôi - Nguyễn Nhật Ánh Út Quyên Và Tôi