The more that you read, the more things you will know. The more that you learn, the more places you'll go.

Dr. Seuss

 
 
 
 
 
Tác giả: Trần Thanh Giao
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 508 / 2
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
háng 3-1987
Tôi thật không ngờ chồng tôi lại nói với tôi câu ấy.
Trưa nay, khi dắt xe đạp ra để đi đến trường, tôi ngần ngừ một lúc mới báo cho anh biết cái điều đã làm tôi bồn chồn, háo hức suốt mấy hôm nay:
- Anh à, chiều nay em về trễ một chút. Anh giúp em cơm nước nghe anh. Thịt em kho sẵn rồi. Bắp cải rửa sạch rồi, chỉ cần bỏ vô nồi. Gạo em đã nhặt thóc rất kỹ.
Anh vẫn im lặng.
Mấy tháng nay, mỗi khi tôi bận họp ở trường hay bận công việc gì ngoài giờ dạy học, anh có vẻ không bằng lòng, và gần đây thì tỏ ra khó chịu. Lắm lúc tôi cũng buồn. Năm năm chung sống với nhau, từ ngày chúng tôi yêu nhau thắm thiết đến lúc có bé Thủy, và bây giờ cháu đã lên bốn, vợ chồng tôi đã tạo nên một gia đình đầy hạnh phúc đến nỗi nạn bè phải ganh tị. các cô bạn cùng trường tôi nói: "Từ ngày con Liên lấy chồng, đố có ai ngồi tâm sự với nó được mười phút. Nhìn vào mắt nó xem: một bên đầy hình của chồng, một bên đầy hình của con. Còn chúng mình, nó không nhìn thấy gì hết, mặc dù mình đang đứng lù lù trước mắt nó!" Có người thì tóm thâu hạnh phúc đó trong một câu nói: "ở vườn hoa, rạp hát, ở Vũng Tàu. cứ trông thấy con Liên là thấy đủ bộ ba. Cứ y như là một tổ chim bồ câu!" Đến thăm tôi, họ bảo: "Đến tổ bồ câu đi!" Hỏi về gia đình, họ bảo: "Sao? Tổ bồ câu dạo này ra sao?" Thật ra, đó là chuyện trước ngày giải phóng. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy hồi đó chúng tôi chỉ là một cái tổ bồ câu, chui rúc dưới một mái nhà giữa cơn giông bão của đất nước chiến tranh, trong cái nếp sống lẻ loi đơn chiếc. Từ khi trường tôi đổi mới, tôi như con bồ câu tung bay trên bầu trời hòa bình, bận bịu, tíu tít với trường. Hay nói đúng hơn, tôi say mê công việc như một con én trong đàn én bận rộn dệt mùa xuân. Có thể là tôi ví von như một cô học trò cấp ba tập làm văn, song thật ra, lòng tôi rất vui. Nếp sống gia đình có bị xáo trộn, nhưng tôi nghĩ chồng tôi rất yêu tôi và sẽ vui cái vui của tôi. Ngày anh ấy đi học tập cải tạo mấy tháng trở về là một ngày vui lớn của gia đình. Chúng tôi trở lại trong vòng tay nhau. Tôi thật không ngờ anh ấy thay đổi nhiều như vậy, suy nghĩ, nói năng lại tiến bộ như vậy. Chồng tôi cũng không ngờ tôi đã làm được bao nhiêu việc trong khi mong đợi anh ấy trở về. Anh nói đùa: "Bao nhiêu thành tích, bao nhiêu giấy khen của em đã làm cho anh sớm được trở về đấy!" Ngày vui lớn nữa là ngày anh ấy được nhận vào làm ở phòng kỹ thuật nhà máy dệt Mùa Xuân như là kỹ sư sửa chữa và bảo dưỡng máy móc. Hôm ấy, tôi đã trích ra một phần tiết kiệm, và người nào quen sẽ bắt gặp cái "tổ bồ câu." trong quán bò bảy món nổi tiếng ở Phú Nhuận. Vì mải mê công việc, vì vui vẻ như thế nên tôi không để ý lắm đến sự thay đổi trong tính tình của chồng tôi. Gần đây, tôi mới thấy điều đó, qua một vài lần va chạm mà tôi thật không ngờ. Anh yêu tôi, nên việc anh giúp tôi cơm nước thì có gì lạ đâu. Anh có việc làm, tôi rất vui, ngược lại, tôi được nhà trường tin cậy, chắc anh cũng vui. Trước đây, tôi chỉ yêu có "tổ bồ câu", nay tôi vừa yêu "tổ chim câu" lại vừa yêu nhà trường của tôi, chẳng lẽ anh không bằng lòng về tình yêu đó? Dù sao thì mỗi lần bận việc ở trường, tôi đều cố gắng thu xếp việc nhà chu đáo, vì tôi rất yêu "tổ chim câu" của tôi.
Thấy anh vẫn yên lặng, tôi chưa yên tâm ra đi. Tay dắt xe, chân bước mấy bước, tôi lại dừng, quay đầu đưa mắt tìm cặp mắt anh, đôi mắt xưa nay tôi thường trìu mến. Anh vẫn không nhìn tôi, vẫn thản nhiên ngồi cạo râu, cặp mắt nhìn tấm gương để trước mặt. Có nên báo cho anh tin mừng này chưa? Tôi định đến tối nay, khi cháu Thủy ngủ yên, chúng tôi sắp đi nằm, mới báo cho anh biết vì lúc đó đã là sự thật trăm phần trăm rồi. Còn bây giờ thì. sự việc chưa xảy ra. Nó sẽ xảy ra vào cuộc họp chiều nay, lúc hết giờ dạy học. Cho anh biết bây giờ, lỡ ra có gì thay đổi thì. mừng hụt sao? Mà không cho biết lý do tôi phải ở lại trường thì có thể anh. thắc mắc. Thôi, chậc, cứ để tối. Tôi nhắc lại câu hẹn lần nữa rồi dắt xe ra đi.
Tan cuộc họp chiều nay, tôi đạp xe về nhà, lòng vui náo nức. Việc ấy đã là sự thật rồi! Gió chướng thổi vào hàng cây bên đường rào rạt. Tà áo dài tôi cầm trong tay bay phơi phới, chiếc áo màu hồng thích nhất của tôi.
Về đến nhà, trông thấy chồng tôi đang ngồi chải tóc cho con? chắc bé Thủy vừa mới được ba tắm? tôi tươi cười hỏi:
- Anh đã nấu cơm chưa?
Chồng tôi không nhìn tôi, đáp trống không:
- Cho con Thủy đi chơi, mới về.
Ngừng một tí, anh nói tiếp:
- Nó đòi ăn bò bía. Hai cha con ngang dạ rồi.
Từ đó đến tối, anh chẳng ăn cơm của tôi nấu, chẳng nói với tôi câu nào, tránh cả việc nhìn tôi. Anh giận tôi đùn việc bếp núc cho anh chăng? Dù sao, tôi cũng đang vui. Tôi chơi với bé Thủy cả buổi tối rồi dỗ cháu ngủ.
Anh đi nằm trước tôi. Tôi ngồi bên bàn phấn, sửa lại mái tóc và cố nén xúc động, tôi nói:
- Anh có biết chiều nay ở trường họp gì không?
Im lặng.
Tôi quay lại, nhìn anh và mỉm cười, tin rằng câu nói của tôi sẽ xua tan sự hiểu lầm từ trưa đến giờ, sẽ làm anh vui trở lại:
- Chiều nay chi đoàn họp làm lễ kết nạp đoàn viên mới. Đây là lần kết nạp đầu tiên của trường. Được hai người, trong đó có. em!
Tôi sắp sẵn câu này, như một nhà thơ cân nhắc, sắp xếp những chữ thơ của mình. Tôi không lầm: câu nói đã tác động đến anh. Anh đang nằm, hai tay chặp lại để dưới đầu, mắt nhìn mông lung lên trần nhà, liền quay đầu lại nhìn tôi, cái nhìn thẳng đầu tiên từ trưa đến giờ! Tôi sung sướng. Tôi đọc thấy sự ngạc nhiên trong đôi mắt anh. Sự ngạc nhiên đó biểu hiện thành lời trong câu anh hỏi tôi:
- Chi đoàn nào?
Tôi cười tủm tỉm:
- Chi đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh của trường em.
- Kết nạp em vào Thanh niên cộng sản?
- Em vừa nói với anh đó thôi.
- Em đã là. cộng sản?
Tôi cười:
- Chưa. Còn lâu, em mới là đoàn viên Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Thái độ của anh làm tôi hơi cụt hứng. Lẽ nào anh chưa hiểu được ý nghĩa của việc này? Tôi liếc nhìn anh. Anh vẫn nằm, hai tay chặp lại dưới đầu, mắt đăm đăm nhìn lên trần nhà. Tôi thấy lo lắng.
Thật lâu, anh không nói thêm câu nào nữa. Tôi quay sang, quàng tay ngang ngực anh, thủ thỉ:
- Sao? Anh đang nghĩ gì vậy, anh?
Anh nói chậm rãi:
- Anh thấy. có lẽ chúng mình khó tiếp tục chung sống với nhau. vì anh không bao giờ nghĩ là mình sẽ có vợ. cộng sản!
Trời! Tôi rụt tay lại, ngồi phắt dậy, trố mắt nhìn anh. Tôi thật không ngờ chồng tôi lại nói với tôi câu ấy.
Cả đêm, tôi không ngủ. Tôi cố nhớ lại tất cả mọi lời nói, mọi thái độ của anh đối với tôi trong những tháng gần đây. Tôi cố tìm ra nguyên nhân sự việc. Có nhiều việc trước mắt, cũng như có những nguồn gốc sâu xa. Nhưng cái nào là chính đây, cái nào trực tiếp đưa tới câu chuyện này! Tôi không muốn khóc, song suốt đêm tôi đã khóc, nước mắt thấm ướt gối. Có lẽ tiếng khóc của tôi? mặc dù tôi không khóc ra tiếng? đã làm anh nằm bên cạnh không yên nên anh bỏ tôi, ra chiếc đi-văng ở phòng khách.
Sáng nay, tôi phải cố gắng lắm mới chấm xong hết bài vở của các em học sinh. Tôi làm cơm sớm và tay chân sao vụng về quá, tôi đánh vỡ mất một cái chén kiểu bạn bè đã tặng cho hồi đám cưới chúng tôi. Đêm qua, tôi nghĩ đã nhiều và đi đến một quyết định. Tôi thật không ngờ là giờ đây, tôi bỗng nảy ra một ý định như vậy. Điều này cũng rất mới lạ trong cuộc sống của tôi. Song tôi tin là tôi làm đúng.
Vào trường, tôi đến thẳng phòng của chị Hiền. Chị Hiền là hiệu phó và cũng là bí thư chi bộ trường tôi, người đã giúp tôi rất nhiều, chỉ bảo cho tôi biết thế nào là giáo dục xã hội chủ nghĩa, chỉ bảo thêm cho tôi biết làm thế nào để phấn đấu vào Đoàn. Nói tóm lại, chị Hiền là một người chị mà tôi rất tin tưởng, yêu mến.
May cho tôi, chị Hiền đang ngồi một mình trong phòng. Thấy tôi, chị lộ vẻ ngạc nhiên, nhìn thẳng vào tôi như dò hỏi. Phải rồi, đôi mắt tôi đang đỏ và sưng, có giấu đi đâu được. Chị mời tôi ngồi xuống ghế, rót nước cho tôi uống.
- Có chuyện gì vậy, Liên?
Nghe chị hỏi, nước mắt tôi đã chạy vòng quanh. Tôi thật không ngờ lại có cái ngày mà tôi, một cô giáo, đem chuyện riêng giữa vợ chồng tôi ra nói cho một bà "đốc học" nghe, nói tại văn phòng làm việc nghiêm trang của Nhà nước, trong cái giờ làm việc nghiêm trang của Nhà nước như thế này! Nghĩ vậy mà nước mắt tôi cứ trào lăn xuống má.
Tôi thuật hết mọi việc. Chị Hiền chăm chú và im lặng ngồi nghe. Cuối cùng chị lại hỏi:
- Vậy thì em thấy anh ấy như thế nào?
Tôi liền nói:
- Em thấy anh ấy chưa hiểu thật rõ những người cộng sản.
Chị Hiền gật đầu:
- Chị cũng nghĩ như vậy. Có lẽ anh ấy đang thắc mắc với một vài đảng viên nào đó, hoặc là anh ấy chỉ mới hiểu chủ nghĩa xã hội theo một cái sơ đồ mà chủ quan anh tự vẽ ra.
Suốt đêm qua, tôi cũng nghĩ láng máng như vậy, có điều là sự suy nghĩ của tôi còn ngổn ngang, rắc rối, chứ không rõ như chị Hiền vừa nói. Hơn nữa, tôi không đủ sức giải đáp những câu hỏi mà chồng tôi thường nêu ra mấy tháng nay, cả câu hỏi của bản thân tôi nữa. Cho nên, nghe chị Hiền nói vậy, tôi thấy tôi tìm đến chị là đúng lắm. Tôi kể hết tâm tư của chồng tôi cho chị ấy nghe, những thắc mắc đối với ông phường, ông tổ dân phố, nhất là những thắc mắc đối với nhà máy. Tôi cũng không giấu là chồng tôi rất thắc mắc đối với ông giám đốc nhà máy Mùa Xuân, nơi anh đang làm việc. Anh thường nói rằng tôi may mắn gặp bà hiệu trưởng tốt nên có dịp tiến bộ và tiến nhanh. Còn anh, anh không may gặp một ông giám đốc "bảo thủ" nên tài năng rồi cũng chẳng biết để làm gì. Người ta không tin mình, không dùng mình. Thu nhận mình vào nhà máy, người ta làm cái việc na ná như cứu tế! Đó, tâm tư anh như vậy đó, chị ơi! Rồi anh nhắc lại những ngày làm việc dưới chế độ cũ, mà nhắc toàn những chuyện gì đâu, ví dụ chủ thưởng liền tay cho anh mấy trăm ngàn khi có sáng kiến dệt ống nước chữa lửa để đàn áp phong trào sinh viên, dệt rất chắc, rất nhanh, bán rất được tiền cho chính quyền ông Thiệu. Anh nói nó quí trọng chuyên viên như vậy, còn mình thì. Tất nhiên là em phải nhắc nhở, đấu tranh với anh. Vậy là anh bực mình luôn với em, và cuối cùng thì. không thể sống chung với người vợ. cộng sản!
Nghe xong, chị Hiền cười nói:
- Anh ấy đã nghĩ tốt cho các chị ở đây. Thật ra thì các chị cũng còn khuyết điểm mà chắc anh ấy chưa biết. Còn em, em có tiến bộ thì do em là chính, phải không em? Nếu em không đổi nếp sống cũ, vẫn chỉ biết có cái "tổ bồ câu" của mình thôi thì các chị "sức mấy" mà dám kết nạp em vào Đoàn Thanh niên cộng sản. Vì vậy phải giúp anh ấy, em ạ!
Tôi ngập ngừng một lúc mới nói điều cuối cùng này:
- Em vẫn cố gắng giúp. Là đoàn viên rồi, em lại càng thấy trách nhiệm của mình. Nhưng chị nghĩ coi, anh ấy bảo rằng chỉ có "thay đổi" ông giám đốc nhà máy, anh ấy mới tiến bộ được. Mà một việc như vậy, em làm sao giúp anh ấy được.
Chị Hiền suy nghĩ một lúc mới chậm rãi nói:
- Đúng là bây giờ khó mà dùng sự giải thích để giúp anh ấy. Phải giúp bằng thực tế em à. Mà thực tế của nhà máy, thì. chị em mình đều không có. Nhưng đây là chuyện của em, tức cũng là chuyện của chị. Để chị thử thu xếp xem.
Chị Hiền nhấc máy nói, quay số:
- Dạ, Sở Công nghiệp đó ạ? Cho tôi xin nói chuyện vói anh Quỳnh, giám đốc. Dạ, anh Quỳnh đó ạ?. Có việc này anh: xin anh cho biết địa chỉ của nhà máy dệt Mùa Xuân. Dạ, anh cho tôi ghi. (chị cười). Dạ, có chút việc riêng của cô em tôi. Nhưng quan trọng chẳng kém việc công nào hết, anh ạ. Ai là bí thư chi bộ ở đó, anh? Anh Ba Trung à? Chồng chị Năm Hương à?. Dạ tôi quen chị Năm Hương, khá thân. Dạ. không quen tôi cũng tới. Quen càng tốt, anh ạ. Dạ, cám ơn anh.
Đặt máy nói xuống, chị Hiền tươi cười nhìn tôi:
- Như vậy là có thuận lợi hơn một chút. Bây giờ em yên tâm, lo dạy tốt, lo làm người vợ tốt, và làm một đoàn viên tích cực. Chị đến gặp anh Trung rồi sẽ bàn thêm với em sau.
Chị đứng dậy đến bên, đặt tay lên vai tôi:
- Thôi em rửa mặt đi, sửa soạn bữa dạy. Đừng để học sinh lo lắng.
Tôi cảm thấy yên tâm hơn dưới bàn tay ấm áp của chị. Tôi không lẻ loi, đơn chiếc nữa. Tôi đã có tổ chức của tôi, tôi có những người hiểu tôi và đang vì hạnh phúc của chúng tôi mà lo lắng.
Hai hôm sau, chị Hiền chờ tôi ở cổng trường, sau giờ dạy học và tươi cười nói:
- Chị đã gặp anh Trung, hỏi được nhiều điều có thể giúp em. Chị nghĩ rằng nếu hai chị em ta cùng đến nhà máy, thì tốt nhất. Em cũng cần gặp anh Trung, trực tiếp nghe anh nói, trực tiếp xem công nhân làm việc, như vậy rất tốt cho em.
Tôi thật không ngờ sự việc lại xoay chuyển ra thế này. Tôi có sự giúp đỡ của nhà trường. Tôi có sự giúp đỡ của xã hội. Tuy nhiên, lần đầu nghe chị Hiền nói vậy, tôi cũng hết sức lúng túng, ngỡ ngàng.
Cái buổi sáng tôi cùng chị Hiền đạp xe đến nhà máy dệt Mùa Xuân, lòng tôi thật khó tả. Con đường này hàng ngày chồng tôi vẫn đi về. Buổi sáng, từ "tổ bồ câu" anh bay đến đây, và buổi chiều thì từ đây anh bay về tổ ấm của chúng tôi. Cái nhà máy kia tôi đã đi ngang qua nhiều lần nhưng tôi không để ý vì lúc đó nó là của ai đâu. Bây giờ nó đã trở nên gần gũi với tôi, vì nơi đây, chồng tôi đang làm việc. Tôi cũng có thể vào đó khi cần, vào đó với một lý do: tôi đi tìm hạnh phúc của tôi! Còn anh, anh làm việc tại nhà máy này, nó là của anh, vậy mà nhiều lần anh thở than, khi tôi nói đến quyền làm chủ. Anh bảo: "Ai làm chủ không biết, nhưng phận của anh thì vẫn đứng bên lề"! Anh ơi, em hiểu anh nên em trách anh lắm đó. Có khi nào anh bình tâm suy nghĩ mà tự trách mình chưa?
Khi chị Hiền đưa tôi lên phòng làm việc của anh Trung, thú thật là tôi rất hồi hộp. Tôi sắp gặp "ông sếp" của chồng tôi đây. Chắc là chị Hiền đã chuyển những lời phê bình của chồng tôi? qua câu chuyện tôi nói với chị? đối với các vị lãnh đạo nhà máy này, kể cả ông giám đốc. Mặc dù tôi rất tin ở chị Hiền, song tôi vẫn thấy lo, nhất là lo cho chồng tôi. Sao tôi lại liều lĩnh thế này nhỉ? Lúc đó, chị Hiền cầm tay tôi nhắc lại lời dặn trước khi đi:
- Em đã tin chị. Vậy thì em đừng lo.
Tôi đã làm việc bên cạnh chị Hiền mấy năm nay. Chẳng những tin tưởng, tôi còn yêu mến kính phục chị, bởi vì chị là mẫu người gần gũi mà tôi có thể học theo. Bàn tay chị cầm lấy tay tôi, tôi yên tâm trở lại. Tôi chỉ còn biết ngoan ngoãn đi theo chị.
Anh Trung đã sửa soạn trước để đón tiếp chúng tôi. Trên bàn đã có sẵn ly và mấy chai nước ngọt. Dù sao thì thái độ của ông phó giám đốc này cũng làm tôi yên lòng, ít nhất là trong buổi gặp gỡ hôm nay. Có điều khiến tôi lúng túng: ông đã đứng tuổi, với mái tóc nhiều sợi bạc, gọi là anh thì không tiện, mà gọi là chú cũng không ổn lắm. Tôi đánh liều gọi ông là "bác" và xưng "em". Ông cười, bảo tôi:
- Đồng chí là nhân viên Nhà nước. Tôi cũng vậy. Đồng chí là đoàn viên, tôi là đảng viên. Đồng chí cứ gọi tôi là anh cũng được.
Tôi hơi đỏ mặt, song thái độ của anh Trung và chị Hiền làm tôi cảm thấy rằng chúng tôi đều là "người nhà" của nhau. Tôi trở nên mạnh dạn hơn. Anh Trung hỏi chuyện tôi như người anh xa nhà trở về gặp lại, hỏi chuyện em. Lúc đầu, tôi nói ít, về sau, tôi cứ nói thật lòng, vì tôi nghĩ rằng đối với cách mạng, không gì tốt hơn là lòng trung thực.
Anh Trung thong thả đáp:
- Vì sao anh ấy nghĩ rằng mình không được tin dùng? Vì sao anh ấy không vừa lòng việc quản lý và điều hành của nhà máy? Bao nhiêu thứ "vì sao". Tôi xin lấy một ví dụ: Nhà máy chúng tôi có một máy dệt kim kiểu rất mới, chủ nước ngoài trước đây mua về đang lắp ráp dở dang thì ta giải phóng. Máy này có công suất cao, lại có bộ phận điện tử tự động. Thế nhưng sơ đồ lắp máy thì chúng nó đã mang đi mất. Chúng tôi giao phòng kỹ thuật nghiên cứu lắp máy này cho được. Một số người ngày đêm mày mò, dò dẫm quên ăn quên ngủ. Anh ấy đề nghị gởi thư mua sơ đồ máy, vì anh ấy biết rõ hãng sản xuất máy này. Chúng tôi bảo, hiện nay, mua một tập sơ đồ ấy là hết sức rắc rối, và động viên anh tự lực làm việc. Song anh cho rằng làm mò kiểu này, thật phí sức mà kết quả không chắc chắn, nên anh làm chẳng nhiệt tình. Anh nói xa xôi rằng điện tử không phải để cho mấy anh thợ và mấy anh chính trị "quyết tâm mày mò" mà ra; rằng ngày xưa, chỉ cần một cú tê-lê-phôn là sơ đồ máy và bất cứ chi tiết máy nào ở bên kia đại dương cũng có thể sang ngay trong vòng mươi hôm. Trong khi đó, do yêu cầu cấp bách của sản xuất, một nhóm thợ, đứng đầu là bác Huỳnh đã tự lực mày mò lắp ráp chiếc máy. Vì vậy mà anh hiểu lầm rằng anh không được tin dùng, anh bị "đứng bên lề".
Tôi bắt đầu hiểu nguyên nhân những điều mà chồng tôi thỉnh thoảng vẫn than phiền với tôi về công việc ở nhà máy. Tôi lo cho anh thật sự: anh bị nếp suy nghĩ và làm việc của xã hội cũ ảnh hưởng quá nặng, mặc dù anh còn ít tuổi. Anh Trung vẫn nói tiếp:
- Thật ra thì chúng tôi đang tìm cách phát huy khả năng của anh ấy vì phải nhận rằng anh ấy rất cố gắng. Ví dụ như gần đây bác Huỳnh và anh em phát hiện rằng một bộ phận điện tử của máy dệt ấy đã bị mang đi mất. Chúng tôi lo quá, tưởng đến nước này là khó vượt qua. Nhưng tin anh ấy nên chúng tôi vẫn giao cho anh nghiên cứu việc đó. Sau một thời gian lùng sục, dò hỏi, anh tìm ra một nơi có bộ phận điện tử ấy. Có điều là người ta chỉ bán tiền mặt, với giá hàng chục ngàn đồng. Anh tính rằng mất bằng ấy tiền mà máy chạy được thì lãi rất to. Song đồng chí giám đốc không thể ký lệnh mua bộ phận điện tử ấy được vì trái với nguyên tắc quản lý tiền mặt của Nhà nước, chờ xin ý kiến bên trên. Anh ấy than phiền là quản lý như vậy "người có tài chẳng biết phát huy vào đâu".
Đến đây, tôi hiểu được nguồn gốc những thắc mắc của chồng tôi rồi. Tôi thật không ngờ sống bên chồng nhiều năm mà tôi chưa hiểu rõ chồng mình. Hóa ra không phải chung gối chung chăn là đã hiểu rõ nhau.
Chị Hiền đưa cốc nước lên môi, tươi cười nhìn tôi, cái nhìn như khuyến khích:
- Bây giờ em Liên nói đi. Nói về chồng em cho anh Trung nghe. Nói những điều mà hôm trước em đã từng nói với chị. Cứ mạnh dạn trình bày em ạ.
Tôi nhìn chị Hiền. Tim tôi đập mạnh. Song có chị Hiền bên cạnh nên tôi yên tâm hơn. Tôi bắt đầu nói cho anh Trung nghe, cố dùng những lời lẽ, những danh từ mà tôi cho là cần thiết, khi nói chuyện nghiêm túc:
- Qua ý kiến đồng chí, tôi thấy rõ vấn đề hơn. Nhưng tôi có cảm tưởng là các đồng chí chưa nhìn thật hết mặt tích cực của nhà tôi cho nên cũng chưa khai thác hết mặt tích cực đó. Có thể là anh ấy cố gắng chưa đúng hướng (việc này tôi sẽ tìm cách nói với anh ấy suy nghĩ thêm) song tôi biết là anh ấy đang rất cố gắng. Ví dụ như hơn tuần nay, anh ấy đi tìm mượn và mang về khá nhiều sách. Đêm nào anh ấy cũng đọc miệt mài rồi ghi chép. Có đêm, tôi đã ngủ được một giấc, khi trở mình, nhìn lại vẫn thấy anh ấy cặm cụi trên bàn. Tôi không hiểu nhiều về điện tử nhưng tôi biết anh ấy đang say mê làm việc cho nhà máy. Tôi có cảm giác anh ấy tìm ra được một cách giải quyết nào đó cho bộ phận điện tử, chắc là của chiếc máy đồng chí vừa nói. Tôi cảm thấy điều đó trong ánh mắt anh, trong hơi thở của anh. Trong cặp mắt đăm chiêu, đã thấy ánh lên những tia tin tưởng, có khi là tự hào nữa đấy đồng chí ạ. Có lúc anh ấy bỏ bút đứng lên, đi ra cửa sổ, lúc ấy tôi thấy nét mặt anh thật rạng rỡ. Tôi dám quả quyết với đồng chí rằng anh ấy rất yêu công việc, rất yêu nhà máy. Chẳng biết tôi diễn đạt có rõ không, vì tôi.
Tôi có phần lúng túng. Anh Trung gật đầu, tủm tỉm cười:
- Tôi hiểu đồng chí. Đồng chí cứ nói đi.
Giọng nói của anh Trung cho tôi một cảm giác ấm cúng. Tôi liếc nhìn chị Hiền. Chị gật đầu mỉm cười. Tôi như được khuyến khích thêm:
- Có thể là nhà tôi có những lời nói và việc làm chưa hợp ý của. Nhưng hình như các đồng chí. chưa tin, mỗi khi anh ấy có ý gì thì. các đồng chí nghĩ là. là. là anh ấy. Tôi nói sao cho đúng nhỉ. Những lúc đó tôi thấy anh ấy bị thương tổn về tinh thần nhiều lắm, các đồng chí à. Về nhà, cặp mắt anh ấy cứ nhìn đăm đăm một nơi, đôi mắt lạc cả thần sắc. Tôi thương anh biết bao nhiêu! Và trong thâm tâm, có lúc tôi thầm trách các đồng chí đó.
Tôi liếc nhìn anh Trung, anh đang chăm chú nghe tôi. Tôi nói tiếp:
- Bản thân tôi cũng có lúc nói sai, làm sai. Nhưng chi ủy và chi bộ trường tôi, cả chị Hiền đây, nhìn những sai sót đó với cặp mắt độ lượng của những người chị nhìn em. Cô em có khi hăng hái quá, hay vụng về quá, hoặc bướng bỉnh quá. Các anh phê bình, có khi phải nghiêm khắc nữa để chúng em biết mà tránh. Chúng em cần chỉ bảo, cần dìu dắt. Và chúng em cũng cần đấu tranh, vì chẳng lẽ. Biết bao nhiêu lần, chi ủy và chi bộ trường em đã nâng đỡ tinh thần em như vậy, nên em mới có ngày nay được đứng vào hàng ngũ của Đoàn. Em cám ơn chi bộ không biết ngần nào. Và rồi em sẽ sống chết với lý tưởng của Bác Hồ chúng ta, như các chị, các anh.
Nói tới đây, lời tôi nghẹn lại. Tôi phải cố gắng lắm mới kìm được xúc cảm của mình. Tuy vậy, nước mắt tôi đã chạy vòng quanh. Tôi nhớ tới những buổi tâm sự với chị Hiền. Tôi nhớ đến "con đường khổ ải" của chị, một tiểu tư sản học sinh bỏ nhà ba mươi năm theo cách mạng, con đường phấn đấu gian truân của chị. So với chị thì những "khổ ải" của chúng tôi đã thấm vào đâu. Tôi chưa dạy học trong rừng sau những cơn sốt rét mê sảng, tôi chưa chịu đựng những trận mưa bom B52 để góp phần có được hôm nay. Vậy mà mới qua những thử thách nhỏ, tôi đã. Nước mắt tôi lăn xuống má, trách anh Trung mà lại tự trách mình.
Anh Trung nãy giờ ngồi mỉm cười độ lượng nghe tôi. Thấy tôi ở trong tình cảnh này, anh liền chủ động thay đổi ngay không khí. Anh đứng lên:
- Các đồng chí uống nước đi. Rồi chúng ta đi thăm xưởng máy. Cô Liên à, tôi sẽ đưa cô đi xem cái máy dệt đó, cái máy mà tôi vừa nói với cô. Rồi cô sẽ rõ cả.
Chết chưa! Tôi thật không ngờ lại có "tiết mục" này! Lỡ tôi "đụng đầu" với chồng tôi tại đó thì biết ăn nói với anh ấy ra sao đây. Tôi luống cuống nhìn chị Hiền. Song, hình như anh Trung cũng khá "tinh tế" nên nhận ra sự lúng túng của tôi:
- Anh ấy hôm nay đi vắng, cô Liên à. Gần tuần nay, anh ấy được phân công sang một đơn vị bộ đội trong sân bay Tân Sơn Nhất tìm các linh kiện điện tử cho bộ phận đang thiếu trong chiếc máy dệt đó mà.
Tôi ngớ ra. Anh ấy? Vẫn tiếp tục được giao nghiên cứu bộ phận điện tử máy dệt? Lại vì công việc mà được vào Tân Sơn Nhất? Được các anh bộ đội giúp đỡ? Anh ấy vẫn được tin dùng? Hèn chi, suốt tuần nay, đêm nào anh ấy cũng miệt mài với đèn, với sách! Vậy mà tôi tưởng các anh không tin chồng tôi nữa. Rõ lẩn thẩn! Tôi nhìn anh Trung lúng túng và thẹn thùng lau vội mấy giọt nước mắt còn sót lại. Có lẽ mặt tôi hơi đỏ. Anh Trung cười, tiếng cười vui vẻ, giòn tan. Chị Hiền cũng cười. Và tôi, bất giác tôi cũng mỉm cười theo.
Anh Trung đưa hai chị em tôi xuống xem xưởng máy. Tôi vẫn còn hồi hộp, tim đập rộn ràng, mặc dù tôi biết chồng tôi đi công tác, không có ở đó. Tôi cứ lo nếu anh ấy về xưởng bây giờ, gặp mặt tôi ở đây không biết tôi sẽ.
Xưởng máy chật hẹp, nóng bức, đầy tiếng ồn ào, đầy bụi bặm. Anh Trung nói đó là xưởng của chủ cũ, ban giám đốc đang đặt hệ thống thông gió và hút bụi, tốn khá nhiều tiền. Nhưng máy móc thì? cũng theo lời anh Trung? vào loại hiện đại và còn rất mới. Anh đưa chúng tôi đến một chiếc máy lớn, đặt trong góc xưởng. Đây chính là chiếc máy mà chồng tôi đang cùng mọi người đem hết tâm sức làm cho nó chạy được. Bất giác tôi lùi lại, đi khuất sau lưng chị Hiền. Nhưng không có anh ấy ở đây, trong số người mặc quần áo xanh, từ đầu đến chân bụi bông bám trắng như tuyết. Anh Trung hỏi to:
- Đến đâu rồi bác Huỳnh ơi?
Một bác thợ già quay lại, mặt mũi dính dầu mỡ, tóc tai quần áo đầy bông:
- A, anh Trung, máy chạy được rồi, anh ạ! Tụi này cho chạy thử, anh xem nhé!
Bác đóng điện. Chiếc máy bắt đầu làm việc. Hàng ngàn kim mổ lách tách, rào rào, tiếng kim nhảy thật nhịp nhàng, hòa hợp. Tấm vải thun hình ống xoay tròn bên trên và cuộn lại quanh ống cuốn. Anh Trung ghé tai tôi, nói át tiếng máy:
- Vậy là thành công bước đầu rồi, dệt ra vải rồi. Bước thứ hai là lắp bộ phận điện tử tự động cho máy. Bước thứ ba là nghiên cứu cách đột lỗ băng giấy để cho bộ điện tử điều khiển tự động máy dệt ra hoa theo ý muốn của mình. Bác Huỳnh và anh em thợ đã hiểu được máy rồi.
Nghe anh Trung nói, tôi cảm thấy lòng nao nao. Vậy là chồng tôi đã bỏ lỡ cơ hội lập công ở bước đầu. Còn bước thứ hai và bước thứ ba? Anh đã kịp nhận ra chưa? Nếu chưa, anh lại sẽ rơi vào bi kịch của ngày mới giải phóng khi thấy rằng mình chẳng có công lao gì đóng góp.
"Tuy ngoài miệng anh ấy nói như vậy chứ trong lòng anh ấy đã nhận ra".
Tôi tin lời anh Trung. Tôi tin ở sự miệt mài, tận tụy làm việc của chồng tôi những ngày gần đây. Và tôi hy vọng.
Đêm nay cũng là một đêm đáng nhớ trong cuộc sống của gia đình tôi. Bé Thủy đã ngủ rồi, mái tóc mềm bay lất phất khi ngọn gió mát mẻ qua cửa sổ lùa vào phòng. Vợ chồng tôi vẫn chưa ngủ được. Niềm vui của cuộc gặp mặt buổi tối tại nhà này vẫn chưa tan. Tôi không ngờ "tổ chim câu" của tôi lại có buổi vui rộn ràng như vậy. Mà chỉ cách cái đêm tôi nằm khóc một mình không lâu! Mới nửa tháng thôi!
Chiều nay nhà tôi có khách! Xế chiều, chị Hiền đã đến, mang cho bé Thủy một bộ đồ làm bếp bằng nhựa. Bé Thủy reo lên, ôm cổ cô Hiền, rồi bày đồ chơi ra nấu nướng. Trong khi đó, chị Hiền làm món "nhậu" để cho tôi rảnh tay nấu món suông. Món này nấu với tôm bóc vỏ, giã mịn, chồng tôi rất thích. Tôi biết được anh Trung quê ở Gò Công, món này là món đặc biệt của xứ Gò! Chắc là anh Trung phải thích lắm! Tôi đoán quả không sai! Anh Trung khen món suông hết lời. Chẳng biết các nhà thơ khi viết xong thì ra sao chứ phụ nữ chúng tôi mà làm bếp xong thì chỉ chờ đợi những lời khen! Bác Huỳnh cũng khen. Chị Hiền cũng khen món suông Gò Công. Còn chồng tôi thì niềm vui hiện trên nét mặt.
Bây giờ, niềm vui ấy chưa tan. Chẳng phải hôm nay anh Trung mới đến nhà tôi. Anh đã đến lần đầu, ít hôm sau khi tôi tới xưởng máy gặp anh. Anh Trung và nhà tôi, hai anh nói chuyện khá lâu. Câu chuyện sôi nổi nhất khi hai bên bàn về cái bộ phận điện tử. Bây giờ việc đó đã xong. Chiếc máy dệt đặc biệt của xưởng Mùa Xuân đã chạy với bộ phận điện tử làm việc hoàn hảo. Chồng tôi đã đóng góp không nhỏ vào việc làm ra bộ phận điện tử này, bằng những linh kiện tự anh tìm ra trong những chiếc máy hỏng với sự giúp đỡ hết lòng của các anh bộ đội, hoặc tự tay anh tính toán thay thế. Anh đã được tặng một giấy khen của cấp thành, do giám đốc Sở Công nghiệp ký, kèm theo tiền thưởng hơn trăm đồng! Phần nhỏ tiền thưởng này, tôi rút ra làm buổi liên hoan hôm nay. Còn bằng khen, chồng tôi chưa muốn treo lên. Anh nói: Để bao giờ nghiên cứu xong cách đột lỗ băng giấy cho bộ phận điện tử dệt ra hoa theo ý muốn thì lúc đó. anh sẽ treo luôn hai cái một thể!
Khuya rồi. Tiếng xe máy chạy ngoài đường đã thưa hẳn. Chồng tôi vẫn chưa ngủ. Anh mở mắt nhìn mãi lên trần nhà. Tôi quay sang, quàng tay ngang ngực anh hỏi:
- Sao? Anh đang nghĩ gì vậy anh?
Anh cũng quay sang vuốt tóc tôi, nhìn vào mắt tôi:
- Em phấn đấu vào Đoàn có khó lắm không?
Lòng tôi dậy lên một niềm vui mới.
Tôi áp mặt vào ngực anh, ghì chặt anh.
Cái "tổ bồ câu" của chúng tôi không còn lẻ loi trong cuộc sống nữa. Không lúc nào như lúc này, tôi thấy yêu cái "tổ bồ câu" của tôi hơn, yêu thành phố này hơn. Tôi thấy giàu có hơn trong tình yêu. Tôi thấy chồng tôi bắt đầu tin rằng chúng tôi có thể tạo được hạnh phúc của riêng mình.
Tôi Thật Không Ngờ Tôi Thật Không Ngờ - Trần Thanh Giao