Những nỗ lực của bạn chỉ có thể đơm hoa kết trái nếu bạn quyết không bỏ cuộc.

Napoleon Hill

 
 
 
 
 
Tác giả: Cung Thị Lan
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 41
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1278 / 6
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương Bốn -
à Kim Cúc giật nẩy mình khi bước lên đồi cỏ. Chiếc áo khoác màu xám nhạt thường thấy và cái dáng ngồi cao thẳng quen thuộc báo cho bà biết là anh Duy Anh đã có mặt dưới gốc cây sồi từ lúc nào. Đó là lúc hai giờ bốn mươi phút chiều. Từ thời gian ấy cho đến lúc những người đón học sinh hiện diện sau lưng trường tiểu học thường là khoảnh khắc mà bà ngồi bình lặng dưới gốc cây sồi để hít thở không khí trong lành và chìm mình trong thế giới riêng tư trước khi đón nhận những tất bật khác trong những giờ còn lại của một ngày. Thời gian ấy, địa điểm ấy chỉ là của bà, riêng bà chứ không phải dành cho thêm cho một cá nhân nào khác; vậy mà, giờ đây ở gốc cây sồi vắng vẻ “của bà”, một người thanh niên đang ngồi chờ đợi một cái gì mơ hồ trong yên lặng. Cảnh vật xung quanh anh ta chẳng khác gì cảnh hẹn hò lý tưởng dành cho đôi tình nhân đang ở thời kỳ yêu đương sâu đậm nhất, tình tứ nhất mà người ngồi đợi là chàng thanh niên có tên Duy Anh kia và người đang đến điểm hẹn là bà đây. Toàn thân bà đột nhiên lạnh ngắt khi bà nhìn thấy đóa hoa cúc vàng tươi trên tay người thanh niên. Đoán biết cánh hoa ấy sẽ dành cho mình và cảm nhận một điều gì không bình thường đang diễn ra, bà hồi hộp bước ngập ngừng, nửa muốn tiến lên đồi, nửa muốn quay xuống dốc.
Trong những lần tiếp xúc gần đây, cử chỉ ân cần, lời nói thiết tha, và ánh mắt nồng ấm của người thanh niên càng lúc càng tạo cho bà những cảm giác nghi ngại mơ hồ. Những cử chỉ nhẹ nhàng, và trìu mến mà người thanh niên có tên Duy Anh dành cho đã gợi cho bà nhớ thời thanh xuân của mình và làm bà bâng khuâng nuối tiếc khi nhận ra mình đã mất nó đã lâu nhưng cứ ngỡ chỉ mới hôm qua. Tuy nhiên ý nghĩ về sự đối nghịch của thời gian và vị trí của mình nơi hiện tại, bà xác định việc nên hay không nên làm và kiên quyết chối từ tình cảm mơ hồ của người thanh niên ở độ tuổi của con mình ngay từ lúc nhận biết nó.
Cách đó độ ba mươi phút, trước khi ra đường để đến trường đón con, bà Kim Cúc đã kỳ công xóa bỏ cái nhìn trẻ trung, mà theo ý nghĩ của bà, nó giả tạo do bởi kem son đắt tiền và áo quần thời trang mà bà thường có. Cảm nhận cái bề ngoài trái ngược với số tuổi của mình, bà đã ra công chùi tỉ mỉ nét kẻ trên mí mắt, lớp son trên môi, và lớp kem trên mặt rồi chọn bộ đồ cũ nhất để mặc vào. Sau khi làm xong những điều đó, bà ngạc nhiên ngắm mình trong chiếc gương lớn của bàn trang điểm. Trong tấm gương, một khuôn mặt trẻ trung tươi tắn đến độ bà khó tìm thấy được một dấu chân chim nào sau hai đuôi mắt sáng, khó tìm ra một dấu tàn nhang nào trên làn da mịn, và càng khó tìm hơn một vết khô nứt nho nhỏ nào trên đôi môi tươi. Rồi trong lúc chẳng tìm ra một sợi tóc trắng nào trong mớ tóc đen tuyền mịn mượt tuôn rơi giữa những kẻ tay, bà đã tự hỏi bao nhiêu câu với những chữ “có thể nào như vậy chăng”. “Có thể nào người đàn bà bốn mươi ba tuổi với ba đứa con mà không có một nét nhăn trên khuôn mặt?”, “Có thể nào người đàn bà bốn mươi ba tuổi với ba đứa con mà không có một chấm đen hay một điểm đồi mồi?”, “Có thể nào người đàn bà bốn mươi ba tuổi với ba đứa con mà đôi môi vẫn còn tươi hồng?” và “Có thể nào người đàn bà bốn mươi ba tuổi với ba đứa con mà không có một sợi tóc bạc?” Sau đó, bà đã tự biện luận là mọi cái trên đời đều có sự ngoại lệ và là thân thể của bà là một ngoại lệ do thượng đế đặc biệt ban cho. Bà cũng tin là đấng vô hình đã ưu đãi cho bà có một dáng vẻ trẻ trung ưa nhìn của cô gái đẹp ở tuổi xuân thì cho nên đã gây nên sự ngộ nhận của người khác trong phút đầu gặp mặt. Cũng ngay lúc đó, bà tóm gọn mớ tóc và quấn nó lại thành búi sau đầu như những người đàn bà tuổi tứ tuần ở Việt Nam thường làm. Mớ tóc mượt của bà không yên vị nơi bà muốn, ương bướng tuôn rơi và tuột xuống vai nhiều lần đến nỗi bà phải buộc thêm chiếc dây thun đen vào mới chịu nằm yên sau ót. Sau khi búi tóc xong, bà Kim Cúc thở dài nửa thất vọng nửa an tâm. Trong chiếc gương, khác hẳn khuôn mặt khô lạnh và đạo mạo của người đàn bà đứng tuổi mà bà tưởng tượng, một khuôn mặt tươi đẹp với mái tóc bới gọn và đôi mắt ngạc nhiên. Đôi mắt nhìn khuôn mặt rất lâu như đang dò hỏi độ tuổi của khuôn mặt trong khi khuôn mặt kia không thể nào biểu hiện được lứa tuổi rõ rệt của nó. Nó không biểu lộ được đó là khuôn mặt của người đàn bà bốn mươi ba tuổi đã lập gia đình và có ba đứa con. Nó cũng không cho biết đó là khuôn mặt của người đàn bà có hai đứa con đang tuổi học đại học và của người đàn bà sắp có dâu và có rể trong vài năm sau.
Quẳng chiếc lược vào cái rổ đựng đồ trang sức giả và đứng phắt dậy, ánh mắt của bà Kim Cúc trở nên thất vọng hơn khi nhận ra một dáng vóc thanh mảnh và mềm mại trong bộ đồ thun đen đã bạc màu. Bộ đồ cũ, được giữ lại hơn tám năm bởi cái kiểu đặc biệt của nó, tưởng đâu làm bà xấu đi và già thêm, hóa ra đã tạo thêm điều trái ngược. Lúc đó, bà bật cười. Bà không những cười cho bộ áo quần bà đang mặc mà cười cho sự ảo tưởng và chủ quan quá đáng của mình. Hổ thẹn vì sự liên tưởng mơ hồ và không thực tế của mình, bà đã tự phá tan ý nghĩ trước đó với lý giải làm sao người thanh niên trẻ đáng tuổi con bà có thể đem lòng yêu thương một người đàn bà đã lập gia đình và có tuổi xấp xỉ hoặc gần bằng số tuổi của mẹ anh ta. Sau đó, bà đã cam chắc là người con trai với trình độ đại học năm nhất không thể nào thương yêu vớ vẩn bậy bạ trên một xứ sở có nhiều yêu cầu về công việc làm ăn và đời sống vật chất cá nhân.
Tin chắc là trực giác trước đây của mình trục trặc và nhầm lẫn, bà Kim Cúc yên tâm rằng người thanh niên đã quen bày tỏ những cử chỉ ân cần với tất cả mọi người trong đó có bà nội của anh ta, ba của anh ta, mẹ của anh ta, chị của anh ta, cháu của anh ta, và những người khác nào đó nữa mà bà không biết rồi bây giờ có cả bà. Hành động kỳ lạ của người thanh niên có lẽ là thói quen của anh đối với tất cả những người xung quanh anh và bà là một trong những người ấy. Bà chợt nhớ đến những chữ “dạ” ngoan ngoãn mà người thanh niên khi đối đáp với bà, rồi khẳng định điều mình lo xa chỉ là sự ngờ vực thái quá. Khi bước ra khỏi nhà, bà Kim Cúc đã khá tự tin với điều mình phân tích vậy mà đối diện với sự kỳ lạ của thực tế, bà như người mất phương hướng.
Trong lúc người đàn bà ngập ngừng giữa con đường hướng lên đồi cỏ, anh Duy Anh mừng rỡ bước vội đến bên bà. Anh hỏi:
- Mấy hôm nay chị có chuyện gì không? Không thấy chị đến đây em lo quá!
Bà Kim Cúc cười gượng, không nói gì và bước lừng khừng, không dứt khoát. Anh Duy Anh tiếp tục hỏi:
- Chị bị sao vậy? Chị đang bị bệnh hả?
Bà Kim Cúc lắc đầu, nói một cách lúng túng:
- Không, không có! Tại chị thấy ra đây sớm quá nên định về một chút.
- Những hôm trước chị vẫn thường ra đây sớm mà? Có phải chị đã bị bệnh và bây giờ còn yếu không?
- Không phải!
- Vậy sao em không thấy chị ra đón Lisa?
- Đâu phải lúc nào tôi cũng phải đi đón Lisa! Anh chị nó vẫn thường đón Lisa đấy chứ! Giọng nói của bà Kim Cúc gay gắt một cách rõ rệt
- Chị bị lạnh rồi! Mặt chị trắng bệt và môi tím ngắt. Chị cần phải mặc áo khoác! - Anh Duy Anh nói trong lo âu.
Bà Kim Cúc nhìn xuống người và nhớ ra là mình đã quên mặc chiếc áo khoác trước khi ra khỏi nhà. Tuy nhiên, thay vì biết ơn sự ân cần của người thanh niên, bà đã gắt gỏng hỏi anh:
- Sao em biết tôi lạnh? Mồ hôi của tôi muốn tuôn ra khắp người đây!
Bất kể thái độ lạnh lùng và bàn tay vùng vẫy của bà ta, anh Duy Anh nắm vội bàn tay còn lại của bà và dúi cành hoa cúc màu vàng tươi vào đó. Anh ta nói:
- Tay của chị lạnh ngắt hết rồi đây nè. Giữ cho em cành hoa này đi! Nó là của chị đó!
Khuôn mặt của bà Kim Cúc bỗng nhiên trở nên xấu xí lạ thường. Mày cau, mắt quạu, và môi trề đã xóa mất hoàn toàn vẻ đẹp thường có của bà đồng thời biểu lộ rõ ràng sự khả nghi về chứng loạn trí của người thanh niên đứng trước mặt bà. Khuôn mặt xấu xí và đầy nghi ngờ ấy tưởng đâu sẽ khiến bà đối phó với người thanh niên bằng cách quang cành hoa của anh ta đi, bà chỉ hỏi khô khan và cộc lốc:
- Nhận cành hoa này để làm gì? Tôi có phải là công nương hay tiểu thơ đâu mà phải nhận mấy cành hoa này từng ngày?
Thay ánh nhìn u buồn cố hữu bằng nỗi ngạc nhiên trong đôi mắt, người thanh niên nói với bà Kim Cúc bằng giọng cương quyết:
- Nó là hiện thân của chị mà! Nó là hoa cúc màu vàng kim.
- Vô dụng! Cứ như là người kiểu cách cải lương trong thế kỷ thứ mười sáu ở các nước châu Âu - Bà Kim Cúc lầm bầm và tin chắc rằng người thanh niên này hoàn toàn thật sự mất trí như ý nghĩ nghi ngờ trước đó; nhưng bà vẫn cầm cành hoa cúc tươi mát trên tay.
Anh Duy Anh đặt chiếc áo khoác của anh qua vai của bà Kim Cúc đồng thời kéo tay bà đến tận gốc cây sồi, và bà, đột nhiên, răm rắp bước theo anh như một đứa trẻ ngoan ngoãn. Lúc ấy, mùi xào nấu kho chiên khăm khẳm của chiếc áo khoác đã làm tê liệt hoàn toàn ý nghĩ bực bội của bà, đã xóa bỏ tất cả những cảm nhận thực tại mà bà đang hiện hữu và thay chúng bằng những hình ảnh của quá khứ.
Năm 1979, khi đặt bước chân đầu tiên trên đất Mỹ bà chỉ vừa đúng hai mươi ba tuổi. Đơn thân và xa lạ trên xứ người, bà chỉ biết bám vào hội từ thiện bảo lãnh bà. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ hạn chế của hội, bà đã không có được tất cả những nhu cầu cần thiết mà bà mong muốn. Bao nhiêu mơ mộng về chỗ ở tiện nghi, việc làm thuận lợi và sự tiến thân trên con đường học vấn khi còn ở trại tị nạn Thái Lan vỡ tan tành theo mây khói bởi những thực tế mà bà đối diện vào những ngày mới đến xứ cờ sao. Đến chỗ xin trợ cấp xã hội với người thông dịch miễn phí, bà mới vỡ lẽ ra là số tiền chính phủ cho người tị nạn vừa ít ỏi vừa giới hạn trong khoảng thời gian nhất định. Số tiền trợ cấp hàng tháng không đủ để thuê nửa căn phòng chiếc nhỏ nhất của một cư xá nghèo nàn và hạn định trợ cấp cho người có bằng trung học như bà chỉ là sáu tháng. Hoài bão được vào học Đại Học để tiếp tục con đường học vấn bị dang dở tại Việt Nam hoàn toàn bị hủy diệt ngay khi ngưòi làm công tác xã hội và thông dịch tiếng Việt cho biết là bà phải lấy các lớp Anh Văn dành cho những người sử dụng Anh Văn như ngôn ngữ thứ hai trước khi ghi danh thi vào trường Đại Học. Cô thông dịch tiếng Việt còn cho biết dù muốn ghi danh vào một trường Đại học có học phí rẻ mạt tại Hoa Thịnh Đốn như đại học U. bà cũng phải có một trình độ Anh văn tối thiểu để đậu các môn thi vào trường như Anh văn và Toán và phải có một số tiền dành cho học phí trước khi làm đơn trong khi chờ tiền trợ cấp học bổng của chính phủ. Lúc đó, chặng đường vào Đại Học đối với bà cứ như chặng đường lên núi cao thăm thẳm và mơ ước thành y tá của bà như một phiến mây mỏng mảnh trên bầu trời xám đen. Các chi phí dồn dập đến một cách không ngờ, chỗ ở chung chạ với những người không thích hợp, và số tiền cần phải gửi về giúp mẹ thăm nuôi bố đã khiến bà quyết định hỏi những người làm công tác xã hội xin cho một việc làm thay vì giúp ghi danh học lớp Anh Ngữ gần chỗ cư ngụ. Sau khi nhận việc làm bồi phòng ở khách sạn H. tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn một tháng, bà đã xoay sở được một căn phòng trọ riêng cho mình. Tuy nhiên, gắng sức với công việc được gần nửa năm, sức khỏe không cho phép bà cáng đáng hàng tá việc vụn vặt như hút bụi những tấm thảm rộng, lau bóng các tấm kính lớn, dọn dẹp chi li bàn tủ, thay trải bốn năm lớp phủ cho những cái giường đôi, chùi rửa những bồn tắm đồ sộ chưa kể đến chuyện chạy khắp nơi trong khách sạn mênh mông để hoàn tất mười ba, mười bốn hay mười lăm phòng ngủ lớn nhỏ tùy theo sự phân công của một ngày. Lúc đó tinh thần của bà suy sụp hẳn và ước mơ duy nhất của bà chỉ là được lập gia đình để được bảo bọc và yên thân ở nhà. Sở dĩ ước vọng được làm vợ, và làm mẹ càng lúc càng ăn sâu vào tim óc vì bà đã tin vào lời của những người đồng nghiệp, vừa là những người đồng hương đến Mỹ trước bà, đồn đãi rằng nếu người chồng có mức lương thấp bởi công việc của người mới định cư, người vợ có con nhỏ không phải đi làm mà còn được cấp phiếu thực phẩm hàng tháng và thẻ khám sức khỏe miễn phí. Hình ảnh an nhàn của những người đàn bà lập gia đình lảng vảng trong trí làm cho bà cảm thấy công việc đang làm mỗi ngày ở khách sạn H. khó khăn hơn và nặng nhọc hơn. Bà thầm mong có được sự giúp đỡ của một đấng phu quân để yên thân yên phận làm vợ, làm mẹ, rồi mơ mộng xa hơn là có thể ghi danh học thêm Anh Văn hay Đại học để sau này có dịp kiếm việc làm nhẹ nhàng và thích hợp hơn với sức khỏe, năng lực và sở thích. Ý nghĩ về chuyện từ bỏ việc làm bồi phòng, chuyện lập gia đình, chuyện tiếp tục học và chuyện được một việc làm nhẹ nhàng kéo dài trong tư tưởng của bà mãi cho đến lúc ông Hoàng, người đi cùng chuyến vượt biển và cùng ở trại tị nạn Thái Lan với bà, được hội từ thiện bảo trợ đến vùng Hoa Thịnh Đốn sau bà bảy tháng vì lý do sức khỏe, mở lời cầu hôn. Bà đã ưng thuận trở thành người vợ để tiếp tục mối tình vừa chớm nở từ đảo Thái Lan và cùng ông đối phó với những thử thách trong cuộc sống tại Mỹ. Sau khi làm giấy kết hôn và tuyên thệ trước người công bố hôn nhân, ông Hoàng đã khuyên bà dọn lên Boston sống để được trợ giúp đặc biệt của bạn ông hiện đang cư ngụ tại đó. Tin tưởng và hy vọng sẽ được thuê nhà cùng với gia đình người bạn của chồng trong khi được sự giúp đỡ, bà đã thuận lòng với ông Hoàng dọn lên miền Đông Bắc của nước Mỹ. Ngờ đâu, khi đến thành phố Boston cả chồng bà và bà mới hiểu ra lời đề nghị của ông bạn kia chỉ là một lời mời khách sáo cho nên vợ chồng bà đã phải đùm túm nhau thuê căn phòng chật hẹp tại khu tồi tàn nhất ở Boston để cư trú. Bà còn nhớ rõ ngày thằng Phụng, đứa con đầu của bà ra đời, ông Hoàng phải đi từ sáng sớm đến tối mịt vì công việc rửa chén trong khách sạn R. và các lớp học Anh Ngữ của ông, còn bà thì ở nhà chăm sóc nó trong bầu không khí đầy mùi thức ăn nồng nặc. Bốn bức tường gò bó và chật hẹp của phòng thuê cộng thêm cái bếp nhỏ ngay trong phòng đã gói trọn bao nhiêu “mùi kho chiên xào nướng ninh hầm” và ảm chặt chúng vào trong áo quần, mền gối kể cả tóc và toàn bộ thân thể của các thành viên trong gia đình bà. Kinh nghiệm thực tế đã cho bà hiểu cái “mùi kho chiên xào nướng ninh hầm” ấy là mùi “không được ưa thích”, và là một trong những “mùi nghèo” ở Mỹ. Bao nhiêu lần nhận những cái chau mày và né tránh của những người đứng gần hay ngồi gần trên xe buýt, bao nhiêu lần bị choáng váng và ngạt thở khi vừa mở cửa về căn phòng trọ, và bao nhiêu lần nhăn mặt khi hôn cậu bé Phụng, rồi đến khi hôn cô bé Loan đã cho bà bấy nhiêu lần thấm thía với “cái mùi nghèo” ảm chặt trong người. Cái “mùi kho chiên xào nướng ninh hầm” ấy, dù đã làm bà đau lòng và xót xa bao nhiêu bận, dù đã được giảm bớt độ nồng bởi những cánh cửa sổ mở rộng và mùi nước thơm xịt trong phòng bao nhiêu lần, đã dai dẳng bám chặt theo bà từ Hoa Thịnh Đốn, Massachusette, rồi đến California. Sau hơn mười hai năm thành đạt tại tiểu bang Maryland, “mùi nghèo” ấy ngỡ đã chết từ lúc nào, nào ngờ nó lại đưa bà về thời gian cùng cực của quá khứ và khiến bà hiểu thấu được hoàn cảnh đang sống của người thanh niên hơn.
Đôi mắt chăm chăm của người thanh niên dán chặt trên khuôn mặt thất thần của người đàn bà. Anh ta nói:
- Chị bị cảm gió rồi.
Không nghe người đàn bà nói gì, ngoài những tiếng ho khan vang khô từng cơn dữ dội, người thanh niên vội vã nói tiếp:
- Để em giựt gió cho chị cho!
Bà Kim Cúc đang bụm miệng ho, hốt hoảng đưa cánh tay có chiếc hoa cúc cản bàn tay toan rờ trên trán của mình:
- Không! Chị không muốn “cạo gió”!
- Không phải “cạo gió” mà “giựt gió”!
- Gọi là gì cũng được! Người đàn bà cằn nhằn với giọng khô khan và cộc lốc - Có gió đâu mà “giựt”?
- Bị nhiễm lạnh giống như bị nhiễm gió vậy! Có “giựt gió” mới khỏe - Người thanh niên ôn tồn giải thích.
- Ở đây chứ có phải Việt Nam đâu mà mỗi lần đau là mỗi lần “giựt gió”, “bắt gió”, “cạo gió”để phô những dấu đỏ trên trán trên đầu cho người Mỹ với những người ngoại quốc khác cười? Thuốc thang ở đây thiếu gì mà phải...
Người đàn bà đang cao giọng tự dưng ngưng bặt vì ánh mắt oán trách của người thanh niên. Ánh mắt ấy hình như đang lột cho bà thấy bà là một người Mỹ hóa rởm; một người làm bộ quên đi những thói quen và tập tục từ cội nguồn, nơi mình xuất phát. Rồi bỗng chốc, ánh mắt ấy toát nên vẻ thành khẩn, thiết tha rồi van nài như ánh mắt của người y tá có lương tâm đối với bệnh nhân cứng đầu khiến người đàn bà dịu bớt sự bực dọc đang có bằng câu nói tiếp với vẻ nhẹ nhàng hơn:
- Chị không sao cả! Mượn cái áo khoác của em một lúc là được rồi!
Người thanh niên gật đầu tỏ ý hài lòng, anh nói:
- Em chờ chị suốt một tuần bây giờ mới được gặp chị.
Giọng nói bà Kim Cúc, bỗng nhiên, trở lại khô khan và lạnh lùng:
- Để làm gì? Tặng hoa?
- Không phải chỉ như vậy - Người thanh niên nói một cách ôn tồn - Em muốn báo cho chị biết là em đã lấy được bằng lái xe.
- Em học hồi nào mà thi lấy bằng?
- Em không học ở trường. Em nhờ chị của em tập lúc giữa khuya và ban đêm rồi ghi danh đi thi.
- A, ra là vậy! Nhưng lấy bằng lái xe ở bang Maryland này chẳng khó khăn gì, người ta chỉ yêu cầu người thi lái trong sân chứ không phải ra ngoài đường như ở những bang khác! Biết tận dụng thời gian sau khi có bằng luật để lấy bằng lái xe như em thật là một sự tính toán thông minh. Chị chúc mừng em!
Đưa cánh hoa cao ngay tầm mắt, bà Kim Cúc nói chậm rãi:
- Thì ra cánh hoa này là sự cảm ơn! Chị đã nói với em nhiều lần là em không cần bận tâm chuyện ơn nghĩa như thế này đâu. Muốn cảm ơn chị, gặp chị nói cảm ơn là được rồi. Chuyện chị giúp em biết chỗ thi lái xe là chuyện xoàng thôi không nên để tâm nhiều. Lần sau chị không muốn nhận cái hoa nào nữa đâu nhé!
Bà đứng phắt dậy khi nghe tiếng còi tan học và chấm dứt cuộc đối thoại bằng lời nói kiên quyết:
- Em chỉ đáng tuổi con của tôi. Đáng lý gọi tôi là cô hay dì thay bằng chị. Vì ngộ nhận trong lúc ban đầu nên lối xưng hô quen thuộc khó thay đổi, tuy nhiên, đây là cành hoa cuối cùng tôi nhận nơi em. Tôi nghĩ là em nên sống thực tế trên xứ Mỹ này để tìm cho mình một tương lai sáng lạng hơn.
Dứt lời bà trả lại cho người thanh niên chiếc áo khoác màu xám nhạt, đặt chiếc hoa cúc trên lớp cỏ trước mặt anh ta rồi tất tả lẩn khuất vào đám đông. Những tiếng ho khan của bà vẫn còn lưu lại ở đàng sau.
Tình Trên Đỉnh Sầu Tình Trên Đỉnh Sầu - Cung Thị Lan