I find television to be very educating. Every time somebody turns on the set, I go in the other room and read a book.

Groucho Marx

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Little Rain
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1070 / 10
Cập nhật: 2014-06-19 22:57:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
iếng chuông thứ mười hai vừa dứt, ông chủ giơ cổ tay, nhìn vào chiếc đồng hồ vàng nhỏ xíu. Ông vội vàng xếp các giấy má, khóa ngăn kéo, đứng dậy. Nham bỗng nghe tiếng gõ cửa. Ông ngẩng đầu, nói:
- Ai đấy? Cứ vào.
Rồi thấy không phải khách lạ, ông mỉm cười vừa xâu ta vào áo, vừa hỏi:
- À ông Dụ, chưa về à? Có việc gì đấy.
Dụ xun xoe đến gần bàn giấy, ấp úng nói:
- Thưa cụ, chúng tôi muốn trình cụ một việc.
Vốn đối với người thư ký kế toán này bao giờ cũng hòa nhã, nên ông vui vẽ hỏi:
- Việc lành hay việc dữ?
Và giơ tay mời, ông tiếp:
- Ông ngồi đây.
Dụ khẽ đặt mình trong chiếc ghế bành mây trước bàn, rồi hai tay xoa vào nhau, lễ phép nói:
- Thưa cụ, chúng tôi muốn xin cụ một điều từ lâu, nhưng sợ cụ quá, không dám nói.
Cười một cách thân mật, ông chủ đáp:
- Được bây giờ ông nói đi. Tôi với ông thì thôi tiếc ông điều gì Sao hôm nay ông phải đắn đo thế. Ông cứ nói thẳng điều ông muốn. Trưa rồi, ta cần nghỉ chứ?
- Bẩm cụ, chúng tôi xin cụ cho phép chúng tôi... thôi việc.
Ông chủ tròn xoe hai mắt nhìn Dụ, sửng sốt;
- Ông thôi việc? Tại sao ông không làm với tôi? Dụ cảm động, nhìn đôi mắt đăm đăm của con người đáng sợ ấy. Đôi mắt của tay kiện tướng trên trường thực nghiệp này, đã bao phen quắc lên, khi cái cằm quả quyết lấy hết gân để hò hét người làm công, khiến ai cũng phải tái mét mặt. Đôi mắt ấy bao phen nhíu lại gần nhau, đưa con ngươi xuống để trầm ngâm, nghĩ kế làm phá sản người cùng nghề, khi cuộc cạnh tranh cần phải kịch liệt. Thế mà lần này nó lăm đăm, nó dịu nàng nhìn Dụ.
Dụ làm ở đây đã ba năm. Ông chủ là người có nhiều mánh khóe. Song, ông biết người biết của. Ông rất trọng đãi Dụ. Từ ngày nhận việc, Dụ chưa hề bị ông phàn nàn nửa lời. Trái lại, biết Dụ chân thật, cẩn thận, siêng năng, ông lại giao cho Dụ việc quan trọng nhất sở, là giữ sổ sách về tiền nong và két bạc.
Nhiều bận quá tin Dụ, ông đã đưa cho Dụ hàng vạn mà không cần biên lai. Lại có khi hàng tháng, ông đi vắng, thì chính Dụ phải tự trông nom việc chi thu thay ông. Những khi ấy, Dụ càng hết sức, chẳng dám tơ hào đồng xu nhỏ, và khi ông về, bao giờ Dụ cũng mời ông tính toán lại song ít khi ông xem xét tách bạch.
Dụ được ông trả lương hậu nhất sở: trăm rưỡi một tháng.
Song, Dụ không lấy thế làm sung sướng. Trái lại, Dụ rất lo cho công việc của mình.
Ông chủ Dụ vốn là nhà đại doanh nghiệp. Mà đại doanh nghiệp thì là cái máy làm tiền nhiều hơn là một người. Đã là cái máy làm tiền, thì một khi thấy tiền nong suy suyễn một tí, tất nó đè nghiến lấy Dụ. Sự suy suyển về tiền nong có thể xảy ra bất ngờ, ai giữ hết được, cho nên Dụ chỉ muốn bỏ việc nguy hiểm của ông chủ nguy hiểm này mà kiếm việc khác ở chỗ khác.
Vì thấy Dụ có đức tính đáng quý, nên một ông chủ tàu cố nài cho kỳ được Dụ về làm với ông ta, lương tháng là hai trăm đồng.
Bởi vậy Dụ quyết định thôi việc giữ két hiện giờ. Song, thấy chủ như có ý muốn lưu mình lại, Dụ run run đáp:
- Bẩm cụ, chúng tôi làm với cụ ba năm nay, không có điều tiếng gì. Tôi hết lòng giúp cụ, mà cụ thì thực yêu thương tôi...
- Vậy sao, tự nhiên đột ngột ông bỏ tôi?
Dụ luống cuống, nói dối:
- Thưa tại tôi yếu sức quá.
Ông chủ lắc đầu cười:
- Không phải, tôi biết.
Dụ tái mét mặt:
- Bẩm cụ, thật ạ.
Ông chủ nhìn Dụ một lát, rồi thở dài, hỏi:
- Này ông ít, hay có điều gì tôi làm ông giận chăng? Nếu vậy, tôi xin lỗi ông trước.
Nói đoạn ông giơ tay bắt tay Dụ. Dụ rào rạt:
- Bẩm không ạ. Làm với cụ, chúng tôi không có điều gì đáng phàn nàn. Hiềm vì ít lâu nay, tôi yếu sức quá.
- Tôi rất tin ông về tiền nong, nhưng tôi không tin được các lẽ ông nói rằng ông yếu. Hay ông tìm được chỗ nào hơn lương, nên ông bỏ tôi? Ông cứ nói thực. Nếu có phải thế, thì người ta trả ông bao nhiêu, tôi cũng trả ông bấy nhiêu. Nhất định tôi không để người ta cướp nổi cánh tay phải của tôi đâu.
Thấy chủ quý mến, Dụ lặng nhìn nét mặt nhăn nhó dưới làn tóc bạc phơ của chủ. Song đã trót nói dối, Dụ cứ phải đáp:
- Thưa cụ, nếu thế thì cụ không hiểu bụng cho tôi. Tôi làm ở đây, cụ trả trăm rưỡi một tháng, thực là quá hậu. Vả đối với một ông chủ kẻ cả, có độ lượng như cụ, thì dù cụ chỉ cho một trăm, tôi cũng lấy làm hả rồi. Tôi đã đi làm với nhiều chủ, nên tôi biết rằng ít có người trên xứng đáng như cụ. Tôi vẫn thường nói dù ai gọi tôi hai trăm một tháng, tôi cũng không đi.
Ông chủ thở dài.
- Vậy thế sao bây giờ ông bỏ tôi? Tôi không bằng lòng đâu.
- Thưa cụ thật tại tôi yếu quá.
Ông chủ cau mặt:
- Sao ông nói dối tôi mãi bằng cái câu tôi không tin ấy. Ông bỏ tôi vì lẽ gì; ông cho tôi biết sự thực. Nếu có phải vì lương ông ít, tôi sẽ làm cho ông được vừa lòng.
- Bẩm không phải thế. Tôi yếu sức quá.
Nghĩ ngợi một lát, ông chủ nói:
- Nếu quả vì ông nhất định muốn nghỉ ít lâu, thì tôi không dám giữ ông. Nhưng tôi muốn biệt đãi ông, là dù ông nghỉ mấy tháng cũng được, tôi cứ xin tặng ông món tiền năm mươi đồng một tháng, miễn là khi ông khỏe khoắn, ông lại ra làm với tôi.
Dự cảm động, đáp:
- Cụ đối với tôi như thế, tôi không biết làm thế nào để đáp lại được. Nhưng xin cụ tha thứ cho, tôi không dám quá phiền cụ như thế.
- Thế khi ông khỏe, có thể đi làm thì lúc nào tôi cũng sẵn lòng đón ông. Ông cử trở lại với tôi, đừng đi đâu cả.
- Thưa cụ, cụ cứ tiện việc cho cụ, còn chúng tôi, xin cụ chớ bận tâm.
Ông chủ cau mặt có vẻ giận.
- Tôi xem ý, thì ra ông không muốn làm với tôi, có lẽ tại ai đã trả ông hơn tôi. Vậy tôi xin nhắc lại, ông cứ nói thực, tôi sẽ đãi ông như người ta, chứ không khi nào tôi để người ta cướp nổi ông với tôi đâu.
- Bẩm không phải thế. Chỉ tại sức tôi yếu.
Không biết ông chủ tin hay không tin, ông không nằn nì nữa, quả quyết đáp:
- Được, ông muốn thôi việc cũng được. Nhưng tôi cần ông ở lại ba ngày nữa, để tôi tìm người thay ông.
Dụ mừng rỡ:
- Dạ.
Rồi đãi bôi, Dụ tiếp:
- Không được làm với cụ, chúng tôi tiếc lắm. Nhưng thật là bất đắc dĩ.
- Thôi được, không hề gì. Thế ông về nhé, trưa rồi.
Nói đoạn ông chủ bắt tay Dụ, và nghi ngờ nhìn theo Dụ đến tận công sở.
Hai rưỡi chiều.
Dụ vừa đến bàn giấy, người tùy phái đã chạy vào gọi:
- Ông ra cụ chủ bảo gì. Cụ chờ ông ở ngoài kia.
- Ở đâu?
- Cụ có việc vội, phải đi Hải Phòng ngay, cụ đã ngồi trên xe rồi, mới bảo tôi gọi ông.
Dụ rảo bước ra hè phố. Ông chủ vẫy Dụ lại gần:
- Tôi phải đi ngay Hải Phòng để mua tranh món sắt, nhân tiện tìm người thay ông, chừng bảy giờ tối thì về. Hễ giờ ấy ông chủ máy gạo có đến, thì ông mời ngồi lại để chờ tôi nhé.
- Vâng.
Đoạn ông móc túi lấy tờ giấy đưa cho Dụ và tiếp:
- Tôi đưa tờ biên nhận này, ông lấy cho tôi bốn nghìn, mau lên, tôi chờ.
Dụ cầm tờ giấy, chạy vào buồng, mở tủ bạc, đếm đủ tiền, rồi ra đưa chủ.
Ông chủ chẳng đếm lại, cuộn cả tập giấy bạc nhét vào túi trong, rồi mỉm cười, bắt tay Dụ. Đoạn chiếc xe hơi bóp cò và lái ra giữa đường.
Dụ hớn hở đi vào. Nhưng vừa được vài bước, thì bỗng thấy xe dừng lại, và ông chủ gọi với:
- Này ông Dụ.
Dụ quay lai, rảo cũng đến. Ông chủ hỏi:
- Trong két còn bao nhiêu?
- Bẩm còn bảy trăm rưỡi.
Mừng rỡ, ông chủ nói:
- Thế thì thấy quá. Ông chạy vào lấy ngay cho tôi mượn nốt. Ông làm giấy biên nhận, rồi tối về, tôi sẽ ký nhé.
Dụ thấy chủ vội, bèn vội vàng theo lệnh.
Tiền trao xong, chiếc xe từ từ đi, rồi bon bon như ngốn thì giờ.
- Alô. Alô. Ông Dụ đấy phải không?
- Alô. Vâng, ai đấy?
- Tôi, tôi ở Hải Dương đây.
- À, thưa cụ, cụ gọi có việc gì đấy ạ?
- Này, ông Dụ ạ, cái việc ông nói với tôi sáng ngày ấy mà, cái việc ông xin thôi việc với tôi ấy mà, ông dừng nghĩ đến nữa nhé.
Dụ kinh ngạc, tròn xoe hai mắt, hỏi:
- Bẩm làm sao ạ?
- Tại tôi không muốn để ông đi, mà ông cũng không đi được vì tôi biết ông rồi. Không ai tin ông nữa đâu. Bởi vì ông là người thụt két, ông có biết không?
- Tôi? Thụt két? Thưa cụ?
- Phải, ông, ông thụt két của tôi. Đó là tại ông khờ. Tôi muốn lưu ông mà ông không ở, nên bất đắc dĩ phải bày ra mưu này. Ông đã đưa cho tôi bảy trăm bạc mà không một chữ ký biên nhận của tôi. Vậy là ông đã thụt két. Tôi có thể ngay bây giờ, trình Cẩm đến sở để khám tủ bạc và làm biên bản ông sẽ mang tiếng suốt đời. Và rồi không có ai dám mượn ông nữa. Nhưng tôi không nỡ làm thế. Tôi chỉ yêu cầu ông ở lại làm với tôi. Có thế thôi. Vậy thế nào, ông trả lời ngay.
Giọng run rẩy, Dụ nói:
- Thưa cụ, thưa cụ...
- Tôi biết rằng đã bắt ông trả lời ngay tức khắc một bài tính đố khó quá. Song làm thế nào được? Một là ông làm giấy cam đoan giúp tôi một hạn là mười năm, hai là ông sẽ đến chỗ pháp luật. Chắc ông giận tôi lắm. Nhưng đó là tại tôi quý mến, quyến luyến ông. Ông trả lời đi. Tôi không đi Hải Phòng đâu. Mau lên, hết giờ rồi. Ông trả lời đi cho tôi quyết định.
Ở một đầu giây nói, Dụ thở đài, lắc đầu đáp:
- Vâng tôi xin vâng lời cụ.
Ở một đầu giây nói, ông chủ cười khà khà:
- Ồ, thế thì quý hóa quá, tôi cảm ơn ông nhé.
Thụt Két Thụt Két - Nguyễn Công Hoan