Far more seemly were it for thee to have thy study full of books, than thy purse full of money.

John Lyly

 
 
 
 
 
Tác giả: Nhật Hạ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7267 / 12
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
ây đen từ đâu kéo về phút chốc đã che kín cả bầu trời. Quang cảnh trên đường phố chợt nhốn nháo hẳn lên, mọi người ai cũng cố nhanh chân để trở về tổ ấm sau một ngày làm việc mệt nhọc.
Những tia chớp loé lên làm Trúc Đào nhăn mặt, càng cố đạp nhanh, nàng càng cảm thấy chiếc xe càng trở nên nặng nề.
Cơn mưa bất chợt đổ ập xuống làm Trúc Đào quýnh quáng quẹp xe vào mái hiên của một căn nhà sang trọng để tránh mưa. Trúc Đào nép sát người để tránh những hạt mưa đang cố tình chọc ghẹo nàng. Nhìn chiếc cà mèn đang nằm im trên chiếc cổ xe, nàng tặc lưỡi liên tục. "Nếu mà đứng nơi này cho đến khi tạnh mưa, eo ơi, một tô hủ tiếu sẽ trở thành ba tô mất. Nhưng nếu đi về giữa cơn mưa, ba sẽ rầy rà đến quên cả ăn cho mà xem".
- Bim, bim, bim.
Một chiếc du lịch bóng loáng đỗ lại khiến Trúc Đào lúng ta lúng túng, vừa kéo chiếc xe đạp, vừa phải nép sát vào để nhường lối cho chiếc xe hiên ngang chạy thẳng vào sân. Cánh cửa đóng lại một cách lạnh lùng sau đó.
Đứng nhìn màn mưa dày đặc. Trúc Đào cứ nôn nao, bồn chồn, gương mặt chợt phụng phịu khi đưa mắt nhìn chiếc cà mèn.
"Kẹt". Cánh cửa chợt mở. Trúc Đào chưa kịp nhìn xem cần phải né tránh không thì một anh chàng ăn mặc lịch sự, trên tay là một chiếc dù, nhoẻn cười thật tươi:
- Này cô bé. Tôi đóan cơn mưa này sẽ kéo dài lâu lắm đó.
Trúc Đào mỉm cười để hé một chiếc răng khểnh thật duyên dáng:
- Thưa ông, đó là việc của ông trời, làm sao chúng ta có thể thay đổi được ạ?
- Nếu như vậy cô đợi khi nào ông trời thay đổi ý định mới về sao?
Trúc Đào bặm môi, nhìn sững người đối diện.
- Chớ bộ tôi đứng đây làm phiền gia đình ông hay sao? Nếu có, tôi sẽ dầm mưa mà đi ngay.
Người thanh niên khoát tay lia lịa:
- Ấy. Đừng hiểu lầm một cách kỳ khôi như vậy. Tôi hỏi là vì thấy lo cho cô mà thôi.
Trúc Đào tròn mắt lập lại:
- Ông... Ông lo cho tôi?
Người thanh niên mỉm cười:
- Đúng. Vì tôi biết cô không mang theo dù và áo mưa, có phải vậy không?
Trúc Đào cười:
- Đương nhiên. Nếu có thì tôi đâu cần đứng ở đây cho phiền ông.
Biết cô gái không phải tay vừa, chàng thanh niên dịu giọng:
- Tôi chỉ muốn giúp cô, vì sợ lát nữa về trễ, cô sẽ bị mẹ đánh đòn cho mà xem.
Đôi mắt Trúc Đào chợt u buồn:
- Tôi chỉ còn cha thôi, mẹ tôi mất lâu rồi.
Chàng trai xuýt xoa:
- Tôi quả thật hồ đồ. Mong cô thứ lỗi và đây, cô hãy mặc chiếc áo mưa này rồi về, kẻo sẽ bị cảm lạnh đó.
Chàng trai đưa cho Trúc Đào chiếc áo mưa xinh xắn màu xanh nhạt:
- Đoạn đường này vắng lắm, cô phải cẩn thận nhé.
Trúc Đào ngập ngừng:
- Rồi làm sao tôi trả cho ông?
- Có gì khó đâu. Nhà tôi vẫn ở đây, cứ mang áo mưa đến đây để tôi được nhận lời cám ơn.
Nụ cười thân thiện của anh chàng làm Trúc Đào thấy lòng ấm áp. Không thể phụ lòng một người nhiệt tình, lại càng không thể đứng đây mãi nên Trúc Đào nhận chiếc áo và bung ra, loay hoay mặc vào.
- Nè ông. Nếu tôi muốn trả áo thì biết tìm ai? Chẳng lẽ lại bảo: "Đi tìm ông cho mượn áo mưa". Hỏi thế thì ai biết được ạ?
Thật tự nhiên, anh chàng đưa tay sửa lại chiếc áo cho Trúc Đào, chàng nghiêng đầu mỉm cười:
- Cô cứ tự nhiên vào nhà và tìm gặp Đan Trường.
- Ông tên là Đan Trường?
- Vâng. Tên xấu quá hả?
Trúc Đào mỉm cười tinh nghịch:
- Thì... cũng hơi xấu. Thôi, cảm ơn ông trước. Tôi sẽ trở lại. Chào ông.
Đan Trường nhìn theo bóng nhỏ nhắn đến khi mất hút mới quay vào. Cô bé dễ thương, giọng nói mới ấm làm sao. Nhớ đến nụ cười và chiếc răng khểnh dễ thương. Đan Trường muốn chạy đuổi theo đến tận nhà nàng. Không được thế nghe, Đan Trường. Ngày mai thế nào nàng cũng đến. Trường tự nhủ.
Trúc Đào chạy băng băng giữa cơn mưa, thoáng chốc đã đến đầu hẽm nhà nàng. Vì là hẻm của những người dân lao động nên với cơn mưa này, không làm sao tránh được cảnh nước ngập, với bao nhiêu là rác rến nổi bềnh bồng. Không thể nào chạy xe vào được nên nàng đành phải xắn quần để lội vào.
- A. Chị Đào, chị vọc nước phải không?
Tiếng bi bô của đứa trẻ làn Trúc Đào bật cười.
- Ơ, bé Bi. Giờ này làm gì mà còn leo cao vậy?
- Em thích nhìn nước ngập, chị Đào có thích hôn?
- Chị không thích đâu. Thôi chị về, chị lạnh lắm rồi.
- Dạ.
Vừa đặt chân đến cổng rào, Trúc Đào đã thấy ông Nhân, trên tay là chiếc dù đen chạy lúp xúp ra mở cửa.
- Kìa con. Ba trông con mãi. Có ướt áo quần không con?
Trúc Đào nũng nịu:
- Nếu không có...
Gương mặt Đan Trường hiện ra, trông dễ mến làm sao.
- Sao, có gì vậy con?
Ông Nhân đóng cửa cẩn thận rồi quay vào, vừa hỏi.
Đào cười khì:
- Không. Con định nói là có người tốt bụng cho con gái ba mượn chiếc áo mưa này.
Vừa nói Trúc Đào vừa máng chiếc áo mưa vào thành ghế.
- Con gái lớn rồi mà không để ý gì cả. Tại sao đi mà không mang áo mưa theo?
Trúc Đào dẩu môi:
- Tại con quên chứ bộ. Ba ơi. Con có mua hủ tiếu, nhưng bây giờ chắc là không còn hấp dẫn nữa đâu.
Ông Nhân ngạc nhiên:
- Sao vậy con?
- Bởi vì núp mưa lâu quá, bây giờ nó nhừ hết rồi.
Ông Nhân mở nắp cà mèn ra và bật cười:
- Đúng như con nói. Nhưng mà thế này cũng hay, vì hôm nay cha con mình sẽ được một bụng no.
- Con ăn ở nhà hàng rồi, ba ăn đi.
- Không được. Con đi thay đồ rồi ra đây ăn với ba chén cơm. Bác Ba mới cho mấy khứa cá thu kho ngon lắm.
Trời mưa mà được ăn cơm với cá kho thì tuyệt lắm, Trúc Đào tưởng tượng và chợt thấy thèm.
Nàng gật đầu và chạy nhanh vào trong, không quên nói vói lại:
- Ba ăn trước đi, con sẽ ra ngay.
Sau khi tắm rửa thay đồ, Trúc Đào sà xuống ngồi cạnh ông Nhân. Vừa bưng chén cơm lên, nhìn thấy ba đưa đũa vào miệng nàng cười sặc sụa.
Ông Nhân nhìn Trúc Đào, càu nhàu:
- Gì vậy, con nhỏ này? Có ăn đi không?
Trúc Đào vừa cười, vừa chỉ:
- Ba nhìn kìa, cái cọng hủ tiếu nó nhỏ hơn ngón tay út của con một chút xíu thôi.
Ông Nhân cốc vào đầu con gái:
- Có vậy mà cũng cười hoài. Ăn đi.
Nhìn Trúc Đào với nét hồn nhiên ngây thơ, ông cảm thấy nhớ bà Trúc Ly tha thiết. Gương mặt con bé giống mẹ đến lạ lùng. Tội nghiệp, mới hai mươi tuổi đầu đã gánh một trách nhiệm thật nặng nề, nuôi một người cha già và một người em còn đi học. Nếu Trúc Ly còn sống, Trúc Đào chắc đang ung dung nơi cổng trường đại học như nó hằng mong ước.
- Ba ơi! Bộ hủ tiếu không ngon hả ba?
Ông Nhân giật mình trở về thực tại:
- Ngon. Ngon lắm chớ con.
Ông ăn lia lịa, cố chứng minh lời nói của mình để Trúc Đào được vui lòng.
- Thôi đi, ba ăn vừa thôi kẻo mắc nghẹn bây giờ.
Ông Nhân mỉm cười mắng yêu:
- Con nhỏ này, mày dạy ba mày đó hả?
Trúc Đào rùn vai le lưỡi:
- Dạ, không dám đâu ạ. Ba à. Chủ nhật tới, cha con mình đi thăm Minh Bảo đi ba.
- Thôi, con à. Ba cũng nhớ em con, nhưng đi sẽ tốn kém lắm. Con đi làm như vầy là ngoài ý muốn của ba. Ba không muốn xài phung phí đồng nào của con.
Trúc Đào phụng phịu:
- Xem ba kìa. Sao ba lại nói như vậy? Nếu ba nói nữa, con sẽ giận cho mà xem. Ba biết tại sao con có ý định đột xuất như vầy không?
Ông Nhân nhìn con gái lắc đầu tỏ vẻ không hiểu. Trúc Đào hí hửng lấy trong áo ra một tờ giấy xanh còn mới toanh.
- Ba biết hôn, lúc chiều có một đoàn khách Đài Loan vào nhà hàng, không có người thông dịch nên con tình nguyện đứng ra hướng dẫn. Mấy ông có vẻ hài lòng và khen con phục vụ tốt. Sau khi tính tiền, ông lớn tuổi nhất trong đoàn có nhã ý mời con theo đoàn làm thông dịch trong suốt thời gian dài làm việc tại VN. Nhưng nghĩ đến bà chủ đối xử với con có tình nghĩa nên con đã mạnh dạn từ chối.
- Còn tờ giấy kia là gì thế?
- Của mấy ổng tặng con đó ba. Chỉ một tờ như vầy mà có giá trị đến năm trăm ngàn đó ba.
Ông Nhân gật gù:
- A. Thì ra là vậy. Nhưng ba thấy con nên để dành tiền này mua thêm một số quần áo nữa.
Trúc Đào nhăn mặt:
- Quần áo con bao nhiêu đó cũng đủ rồi, ba hãy lấy tiền đó mua gì thêm cho ba và em con. Ba ơi, Bảo sẽ ngạc nhiên lắm, nhất là khi ba cho nó thêm một ít tiền.
Ông Nhân đứng lên, vẻ muốn cắt đứt câu chuyện:
- Con để đó ba dẹp cho, lo đi nghỉ sớm để mai còn đi làm.
- Không được đâu. Con gái ai lại hư đến thế.
Trúc Đào gộp chén đũa ra nhà sau rửa sạch sẽ, nàng hứng nước mưa rửa mặt xong mới bước vào phòng. Nói là phòng chứ thật ra đó chỉ là chiếc giường được ngăn lại bởi tấm màn màu xanh lơ thật trang nhã. Nhà tuy nghèo, nhưng lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng, nhất là từ khi Trúc Đào vào làm tiếp viên cho nhà hàng khách sạn "Lan Anh", gia đình bớt đi phần nào chật vật. Vì có học thức lại có tư cách tốt nên lúc nào cũng được bà chủ quý mến.
- Ba ơi. Ba ngủ chưa ba?
- Gì thế con?
- Con có mua ba tờ báo nè.
Trúc Đào vén màn bước ra, trao tờ báo cho ông Nhân.
- Chúc ba ngủ ngon và luôn mơ gặp được mẹ con.
Trúc Đào quay đi còn ngoáy lại:
- Và còn nhớ uống thuốc nữa chớ.
Ông Nhân sung sướng trước tấm lòng hiếu thảo của đứa con gái.
Tờ đô la xanh kia làm ông áy náy. Trúc Đào còn ngây thơ bé bỏng quá, nếu sống trong môi trường ấy, sau này không biết có ảnh hưởng gì không? Ông tin tưởng tánh tình đoan trang được thừa hưởng ở mẹ của Trúc Đào, nhưng ở đời mà, làm sao không có những chuyện bất ngờ. Bước đến bên bàn thờ của vợ Ông khấn vái.
- Bà à. Bà hãy tha lỗi cho tôi. Tôi không đủ sức để nuôi con ăn học thành tài như ý nguyện của bà. Cơn bệnh tim quái ác đã quật ngã tôi rồi. Trúc Đào nó còn trẻ người non dạ, tôi không yên tâm chút nào cả, nhất là làm việc nơi đó. Tôi cũng biết bà không bằng lòng, nhưng hiện nay hoàn cảnh thế này, tôi biết phải làm sao? Trúc Ly. Bà hãy theo mà dẫn dắt con mình nghe bà.
Khấn xong, ông lấy thuốc ra uống trước khi đặt lưng xuống giường.
Trong khi đó ở trong phòng, Trúc Đào ngẫm nghĩ rồi bật cười một mình khi nhớ đến những lời đối thoại của mình với Đan Trường.
Đan Trường, anh chàng cũng dễ thương đó chứ, nhưng mà anh ta giàu như vậy, mình không nên quan tâm, sẽ khổ đấy. Trúc Đào tự nhủ.
Cô bé đưa mắt nhìn chiếc áo mưa treo trên móc rồi thở dài. Ngày mai ta sẽ trả áo mưa, nhưng sẽ không bao giờ vào nhà để tránh những cặp mắt soi mói, tò mò. Trúc Đào đã gặp nhiều, thấy nhiều trường hợp, người giàu xem thường người nghèo, may là Đan Trường không phải là loại người như vậy.
Trúc Đào ôm chiếc gối vào lòng, thầm đếm những giọt mưa rơi và chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay biết.
Trúc Đào mặc chiếc áo dài màu hồng phấn có thêu những chú bướm xen lẫn những đóa hoa thật xinh. Vốn khéo léo nên chỉ có ba chiếc áo dài, nhưng chiếc nào cũng vừa mắt người nhìn bởi những đường nét thêu sắc sảo do chính tay Trúc Đào vẽ mẫu. Ngồi ưu tư sau quầy tiếp tân, nàng ngắm nhìn dòng người tấp nập qua lại. Sau cơn mưa đường phố có vẻ quang đãng, sạch sẽ hơn, không biết đêm hôm qua mưa lúc nào mới tạnh nhỉ?
Chiều nay mình sẽ ghé trả áo mưa bằng cách cho vào ô cửa sắt là xong. Không có gì phải bận lòng, khi mình gởi kèm theo hai tiếng cám ơn.
- Trúc Đào. Có chuyện gì suy tư vậy?
Nhoẻn miệng cười thật tươi, Trúc Đào nắm tay cô chủ trẻ sang trọng và xinh đẹp.
- Em có buồn gì đâu. Chị Trang định đi đâu mà sửa soạn đẹp quá vậy?
Trang cười:
- Đâu có đi đâu. Hôm qua có điện thoại của mấy người khách Đài Loan mà chúng ta vừa quen hôm qua. Họ biểu ghé đây với đoàn bạn, đăng ký ăn uống thuê phòng đúng một tháng.
Trúc Đào rạng rỡ hẳn lên:
- Em mừng cho chị quá. Hèn gì... - Cô nàng nghiêng đầu ngắm nghía. - Hôm nay trông chị giống như người chuẩn bị đi thi hoa hậu.
Thu Trang đập vào vai Trúc Đào, bật cười:
- Vừa thôi nghe. Em mới là một bông hoa. Kể từ ngày mai em sẽ đóng vai chính đó. Nè, đây là hai xấp vải áo dài, cứ điện qua tiệm "Hương" bảo chị Trang dặn may gấp, chiều mai lấy. Áo dài này đã vẽ sẵn, em khỏi thuê, cứ mở ra xem coi có vừa ý không?
Trúc Đào ôm hai xấp vải sung sướng. Màu thiên thanh và màu trắng, cả hai màu nàng ưa thích và ao ước từ lâu.
- Vừa ý hôn cưng?
- Sao chị lại biết là em thích hai màu này?
- Thế mới hay chứ?
Thu Trang vuốt đầu Trúc Đào. Con bé vô tư và dễ thương làm sao, nụ cười đẹp như hoa hàm tiếu đã góp phần làm khách sạn Lan Anh ngày càng đông khách.
- Em đi qua bên ấy may liền đi.
- Dạ. Chị Trang ơi. Em mang ơn chị không biết đến bao giờ mới trả được.
- Đừng có mà khách sáo như vậy, Trúc Đào à. Ngày mai chủ nhật, em có định nghỉ như thường lệ không?
Trúc Đào ấp úng:
- Dạ, thưa chị, em với ba định đi thăm Minh Bảo ngày mai.
Thu Trang mỉm cười:
- Nếu vậy em lấy xe chị chở ba đi, rồi về sớm để giúp chị nha. Chỉ có một mình em là chị yên tâm khi có việc mà thôi.
Trúc Đào mỉm cười thẹn thùng:
- Chị nói quá lời. Nếu có chuyện, vậy thôi em nói lại ba, hôm khác sẽ đi.
Thu Trang lắc đầu:
- Không được như vậy. Em cứ tự nhiên đừng làm cho ba thất vọng, miễn sao tranh thủ về sớm là được rồi. Thôi, đi may đồ để chị ngồi thế cho.
Trúc Đào hớn hở bước đi không quên hôn nhẹ vào má Thu Trang.
- Chị vừa ngồi vào, em đã thấy quầy tiếp tân bừng lên rực rỡ. Coi chừng có người xỉu thì anh Tuấn Kiệt sẽ kiện đó.
Thu Trang bụm miệng cười:
- Nói cho quá, chị nứt mũi ra bây giờ.
Trúc Đào bước đi, vạt áo dài bay nhẹ theo làn gió, trông nàng thước tha, quí phái làm sao. Thật là ngược đời, tướng con bé sang trọng như thế mà lại sanh vào ngôi sao xấu.
- Em làm gì mà lầm bầm vậy?
- Kìa anh. Anh định đi đâu đó?
Tuấn Kiệt nhìn vào chiếc gương lớn, sửa lại chiếc cà vạt cho ngay ngắn.
- Anh đến cơ quan của Đan Trường chơi một chút. Trúc Đào đâu mà em ngồi ở đó?
- Con bé vừa đi may áo.
- Thu Trang à. Tháng này em nhớ tăng lương, anh thấy con bé làm việc được, lại vừa lòng khách lắm.
Thu Trang liếc chồng:
- Anh khỏi phải nhắc. Em mới thương xót con bé sanh nhằm ngôi sao xấu đó. Em nhất định sẽ là bà mai cho con bé sống trong hạnh phúc.
- Anh cũng chúc cho em được thành công. Trúc Đào xứng đáng được hưởng. Thôi, anh đi nha.
Trang nhìn theo chồng, lòng gợn lên niềm vui. Anh ấy lúc nào cũng có một tấm lòng nhân hậu. Nhà hàng khách sạn là nơi ngập đầy phức tạp, riêng Tuấn Kiệt vẫn giữ uy tín của mình, không để đồng tiền làm hoa mắt.
- Chị Trang. Em đã đo rồi. Hôm nay em lên ký hơn tháng trước đó.
- Vậy hả? Chắc là uống nhiều bia phải không?
- Không. Em uống rất ít, chỉ khi nào khách quá nhiệt tình, nhưng có lẽ em ăn quá nhiều phô mai.
- Trời ơi. Đúng rồi. Ăn thứ đó thì mau lên cân lắm. Khi nào thì em lấy áo?
- Em thuyết phục dữ lắm, chị Hương mới đồng ý chiều lấy, chỉ nhăn nhó quá trời.
Trúc Đào leo lên chiếc ghế cao ngồi đối diện với Thu Trang, mái tóc đung đưa theo những cái ngúng ngẩy của cô bé.
- Chị Trang nè. Chị và anh Kiệt yêu nhau rồi đi đến hôn nhân hay là bị gia đình sắp xếp hở chị?
Thu Trang cười toe toét:
- Trúc Đào ơi. Sao mà em khờ quá vậy? Nhìn thấy anh chị, em không đoán được hay sao?
Trúc Đào mở to mắt:
- Thấy mà thấy cái gì vậy chị?
- Ối cha. Thì thấy tình yêu giữa hai người đó.
- Làm sao mà em thấy được điều đó?
Trúc Đào phụng phịu. Thu Trang giả lả.
- Thôi, chị nói chơi thôi, đừng giận. Chị và anh Kiệt yêu nhau ghê lắm, phải trải qua bao nhiêu gian khổ mới đến được với nhau.
Trúc Đào tròn mắt:
- Lại có vấn đề gian khổ nữa sao?
Thu Trang gật đầu:
- Đúng vậy. Tình yêu mấy ai được suôn sẽ, nhưng cũng nhờ vậy đó mới yêu nhau nhiều hơn. Thôi, hôm nào rảnh sẽ bàn tiếp, chị phải đi công chuyện một chút.
- Vâng. Chị cứ đi đi.
Thu Trang đã đi từ lâu, nhưng Trúc Đào vẫn còn ngồi suy nghĩ. Tại sao trong tình yêu lại không được suôn sẽ. Ôi nhức đầu quá đi. Không suôn hay suôn gì mặc kệ mi, tình yêu ạ. Ta không sờ tới mi đâu. Ngày mai chị sẽ đến thăm em nghe Minh Bảo. Nghĩ đến gương mặt của đứa em trai, Trúc Đào chợt mỉm cười. Cái thằng tánh tình y như con gái. Hai năm nữa nó ra trường, mình sẽ nhờ anh Tuấn Kiệt tìm cho em mình một chỗ làm thật thích hợp, chắc là nó vui sướng lắm.
- Trúc Đào. Chuẩn bị đi con, khách đến đông lắm đó.
Bác bảo vệ vừa nói, vừa gõ gõ vào mặt quầy làm Trúc Đào giật mình.
- Eo ơi. Sao mà khách lại đến sớm như vậy? Phải chi có chị Trang ở đây thì hay biết mấy.
Trúc Đào bước ra tiếp đón. Khách khoảng hơn ba mươi người, họ toàn là người Đài Loan. Họ hỏi bằng tiếng Anh và Trúc Đào trả lời cũng khá trôi chảy. Sau khi hoàn thành thủ tục, anh quản lý cùng bác bảo vệ đưa mọi người đi nhận phòng. Trúc Đào thở phào nhẹ nhõm, vừa hát nho nhỏ.
Trúc Đào vừa dẹp những tờ hộ chiếu theo thứ tự, ngỡ ngàng cô nhìn lên khi nghe một giọng nói trầm ấm.
- Này cô. Tôi có thể hỏi thăm cô một chút được không?
- Vâng. Mời ông ngồi.
Trúc Đào cảm thấy ngạc nhiên trước giọng tiếng Việt rất chuẩn của người khách Đài Loan.
- Ông có điều gì muốn hỏi?
- Tôi muốn biết tên cô.
Trúc Đào nhoẻn miệng cười, nụ cười làm người đối diện phải chới với.
- Ông muốn biết thật à?
- Rất thật.
- Nếu vậy, ông hãy cho biết tên mình trước đi.
- Thật hân hạnh. Để cho dễ cô cứ gọi tôi là Jim.
- Còn tôi Trúc Đào. Mai thị Trúc Đào là cả họ tên.
Jim mỉm cười hiền lành:
- Tên đã đẹp mà người còn đẹp hơn cả tên. Trúc Đào. Cho tôi được kết bạn với cô nhé? Xin đừng làm cho tôi thất vọng.
- Tại sao ông nghĩ là mình sẽ thất vọng? Người Việt chúng tôi rất hiếu khách và sẵn sàng kết bạn với bất cứ ai có hảo ý.
Jim lắc đầu nhè nhẹ:
- Cô nói gì bao la quá vậy? Tôi chỉ muốn giữa chúng ta có một tình bạn đúng nghĩa và có thể cùng nhau chia sẽ những nỗi buồn vui.
- Chia sẽ buồn vui? - Trúc Đào lập lại và lắc đầu - Tôi sợ mình đảm đương không nổi vì tôi rất vụng trong việc an ủi người khác.
Gương mặt Jim thật buồn bả:
- Như vậy là cô thật sự từ chối?
Jim đứng dậy bỏ đi, Trúc Đào quýnh quáng sợ mất lòng khách.
- Này, này. Ông Jim. Bộ Ông giận tôi hả?
-...
- Sở dĩ tôi từ chối là vì thấy mình không xứng đáng. Sau này tôi sợ Ông hối hận thì đã muộn, vì tánh tình của tôi hơi kỳ khôi một chút.
Jim mừng rỡ, anh nắm tay cô đưa lên môi hôn thật trìu mến.
- Cám ơn em. Thế là từ nay nơi đất nước VN, anh không còn cảm thấy lạc lỏng, bơ vơ.
Trúc Đào cảm thấy ngượng ngùng, khi anh chàng này có vẻ tự nhiên quá, nhưng phóng lao thì phải theo lao.
- Nè, anh Jim. Bác Phúc đã giao phòng cho anh chưa?
Jim đưa ra chiếc chìa khóa có cả bản số phòng 205.
- Vừa đến cửa phòng, anh đã vội trở xuống đây vì sợ em về mất.
Như chợt nhớ ra, Jim dặn dò thêm.
- Trúc Đào nè. Đừng nhận làm bạn với người nào nữa nhé?
Trúc Đào ngạc nhiên:
- Sao thế anh?
Jim tỏ ra đăm chiêu:
- Vì anh không muốn em phải đau đầu khi phải sắp xếp giờ giấc để tiếp bạn hoặc đi chơi.
Trúc Đào định la lên: "Làm gì có chuyện đi chơi", nhưng nàng đã kịp dừng lại.
- Vâng. Em hiểu rồi. Trông anh có vẻ mệt mỏi, anh hãy về phòng nghĩ đi.
- Em quả là người có cặp mắt quan sát rất giỏi. Quả thật lúc nãy anh rất mệt, nhưng từ khi tiếp chuyện với em, anh đã thấy trở lại bình thường.
Trúc Đào có vẻ không tin:
- Anh nói gì nghe có vẻ là em có phép màu không bằng.
Jim nắm chặt bàn tay Trúc Đào:
- Em có biết là mỗi nụ cười của em, có thể làm người đối diện cảm thấy tiêu tan đi nỗi phiền muộn hay không?
Trúc Đào rút tay lại và ngượng ngùng:
- Miệng lưỡi của anh thật là đáo để.
Một người đàn ông đến nói nhỏ gì đó, Jim quay lại nói với Trúc Đào:
- Anh có việc đi ngay bây giờ, hẹn gặp lại nhé.
- Vâng anh đi.
Sau khi Jim đi, Trúc Đào nghĩ ngợi. Tự dưng hai người ở hai phương trời mà đòi kết bạn, không biết anh ta có dụng ý gì không? Mình phải cảnh giác mới được, nhưng xem ra mặt mũi cũng không đến nỗi nào.
Trúc Đào liếc nhìn hộ chiếu. "Anh ta" lớn hơn mình những mười tuổi mà trông còn rất trẻ. Chị Trang mà biết chuyện này, chắc là trêu mình cho mà xem. Vài người khách bước vào cắt đứt dòng suy nghĩ của Trúc Đào.
- Minh Bảo ơi. Có ba và chị lên thăm kia kìa.
Đang nằm đọc sách, Minh Bảo bật dậy và chạy nhanh ra cửa.
- Ba.
- Chị Hai.
Hai chị em ôm nhau xoay tròn trước ánh mắt yêu thương của ông Nhân.
- Minh Bảo nè. - Trúc Đào nghiêng người ngắm Minh Bảo:
- Độ rày chị thấy em hơi gầy, có phải không?
Bảo ôm ông Nhân:
- Ba nhìn chị Hai kìa, y như đang tuyển lựa vậy. Con như vầy mà bảo là gầy. Ở trên đây tụi em tập thể dục dữ lắm đó.
Ông Nhân gục gặc đầu:
- Ba thì thấy con khỏe hơn nhờ màu da sạm nắng.
- Ba nói rất là đúng. Ngày hôm qua tụi con mới thi đấu bóng chuyền.
Trúc Đào vênh mặt:
- Ba nói đúng, còn chị thì sai à?
Bảo đưa tay gãi gãi đầu:
- Ậy. Cả hai người đều đúng cả. Thôi, vào phòng đi, hôm nay tụi bạn con về hết rồi.
Minh Bảo đi giữa, một tay cầm tay ba còn tay kia cặp vai Trúc Đào. Tuy là em, nhưng anh chàng cao hơn chị cả một cái đầu.
- Em định về, nhưng biết thế nào cha và chị cũng sẽ lên nên quyết định ở lại.
Trúc Đào bặm môi nhéo vào hông em mình.
- Đừng nói dóc. Em định làm thầy bói từ lúc nào vậy hả?
- Một chút em sẽ bói cho chị một quẻ để chị biết tài của em. Ba à. Để con bói coi, chị ấy chừng nào có người rước đi.
Cả ba cùng cười giòn tan. Trúc Đào đấm vào lưng em thùm thụp.
- Em còn ghẹo chị thì chị sẽ đem quà về cho mà xem.
- Em nói thật chứ bộ. Chị định ở giá luôn hay sao?
- Thôi, đừng có nhiều chuyện.
Bước vào căn phòng của Bảo, Trúc Đào nhăn mặt càu nhàu:
- Mấy em thật bầy hầy. Xem quần áo kìa, treo tùm lum như vầy để cho muỗi đễ sinh sống hả?
- Chị Ơi. Chị nên nhớ đây là phòng tập thể mà là của nam nữa, tránh sao những cảnh như vầy. Thôi, ngồi xuống đây, đừng quan sát nữa.
Bảo rót ly nước mời ba.
- Ba uống nước đi, nước đã đun sôi rồi. Chị Hai. Em đi gọi nước mía cho chị nha.
Trúc Đào nhìn em thương mến:
- Em lúc nào cũng nhớ ý thích của chị.
- Chỉ có hai chị em, chẳng lẽ em tệ đến nỗi không biết được chị mình thích gì à?
Trúc Đào mỉm cười không nói gì, nàng soạn đồ trong giỏ ra:
- Chị mua cho em đầy đủ hết đó, cất vào đi. Những đồ dùng cá nhân để chị cho tiền, nếu muốn mua gì gởi bà bếp mua giùm nghe.
Bảo nắm lấy tay chị:
- Chị điệu ghê ta. Ba à. Bộ chị Đào mới trúng số hả ba? Nói chuyện nghe phách dữ.
Ông Nhân cười hà hà:
- Con cứ hỏi chị con sẽ rõ.
Trúc Đào liếc Minh Bảo:
- Em nhiều chuyện quá, nói hoài cũng không bỏ. Rót nước thêm cho ba uống thuốc đi.
Minh Bảo nhìn ông Nhân lo lắng:
- Ba à. Bệnh của ba có bớt chút nào không mà uống thuốc hoài vậy?
Ông Nhân vuốt đầu con:
- Không có gì đâu con. Tại gì chị Hai con lo xa nên buộc ba uống hoài.
Minh Bảo nhăn mặt khi thấy chị đưa cho ba cả nắm thuốc:
- Thấy ba uống thuốc, con nổi da gà.
- Hừ. Con trai gì mà nhát gan.
- Chưa chắc đâu nha. Ai sợ ma mới bị gọi là nhát gan.
- Không dám đâu. Bây giờ chị hết sợ ma rồi, hỏi ba xem.
Minh Bảo nhăn mũi:
- Khỏi hỏi, em cũng biết, dễ gì mà hết. Nè. Nãy giờ em quên hỏi, ba và chị đi xe gì mà lên sớm quá vậy?
- Cúp. - Đào vênh mặt.
Minh Bảo trố mắt:
- Chị trúng số thiệt hả?
Trúc Đào bật cười:
- Trúng đâu mà trúng. Có đời nào chị và ba mua vé số đâu mà trúng. Xe cúp chị mượn, không được hả?
Minh Bảo tiu nghỉu:
- Không chịu nói sớm để người ta mừng hụt.
Trúc Đào nhìn ba rồi chuyển qua em trai, nàng thấy thương em quá.
Trúc Đào nhìn ba rồi chuyển qua em trai, nàng thấy thương em quá.
Trúc Đào dư biết ước mơ của em mình, một ước mơ tầm thường muốn có được chiếc xe để dễ về thăm nhà cũng như đi thực tập. Nhưng gia đình bất lực, không đáp ứng được ước mơ của em, Trúc Đào buồn quá. Minh Bảo ôm lấy vai chị:
- Chi Hai ơi. Chị buồn em hả? Cho em xin lỗi. Em chỉ lỡ lời thôi.
Trúc Đào bẹo vai Minh Bảo.
- Chị có buồn gì đâu?
- Chị Hai. Chị em mình đi chợ về nấu cơm ăn nha.
- Không, em ạ. Ở đây nấu nướng bất tiện lắm, ra tiệm ăn là xong.
- Trời ơi. Hôm nay chị tôi sang hết ý luôn kìa. - Bảo xuýt xoa.
Trong khi ba và em trai giải bày tâm sự, Đào soạn một số áo, đơm nút lại cho em, sắp xếp lại ngăn quần áo. Đào cằn nhằn:
- Ăn mặc gì kỳ vậy? Nút áo này kết qua khuy áo kia, thiệt hết chỗ nói.
Minh Bảo nhìn ba, le lưỡi nói nhỏ:
- Ba xem chị Hai giống bà cụ non ghê chưa.
Ông Nhân sung sướng nhìn hai con, chúng thương yêu nhau, dù có chết ông cũng mãn nguyện.
- Minh Bảo nè. Chủ nhật tuần sau em nhớ ghé thăm anh Kiệt và chị Trang nha? Hai người nhắc em hoài.
- Khách sạn của anh chị làm ăn có khá hôn chị?
- Khá lắm. Nhờ phần đông là khách nước ngoài, nhất là Đài Loan, người này giới thiệu người kia nên khách sạn lúc nào cũng thiếu phòng.
- Trong đó hẳn là có sự góp phần của chị? - Bảo cười cười.
Trúc Đào vừa cắn chỉ, vừa nói:
- Chị có làm gì mà` đóng góp.
- Chị Ơi. Khách bước vào khách sạn, người đầu tiên phải gặp là chị có phải hôn?
- Phải rồi. Gặp chị để làm thủ tục.
- Trong lúc chị ghi chép thì người ta mặt sức mà ngắm chứ gì?
- Lại nhiều chuyện nữa.
Trúc Đào nhìn Minh Bảo, nháy mắt về hướng ông Nhân. Nhận được tín hiệu nên Minh Bảo im bặt.
- Em con nói đúng đó con. Con phải hết sức cẩn thận khi làm ở đó. Bất đắ dĩ ba mới đồng ý cho con làm ở đó. - Ông Nhân thở dài.
Minh Bảo nhanh nhẩu:
- Ba đừng lo. Vì anh Kiệt và chị Trang là hai người đáng tin cậy đối với gia đình mình.
Trúc Đào cười tươi:
- Nói vậy nghe mới dễ thương chớ. Ba à. Con xin ba đừng lo. Nếu không làm ăn đàng hoàng thì khách sạn đâu được tồn tại đến bây giờ, phải không Bảo?
- Đúng đó ba. Nhưng nói gì thì nói, con mong đến ngày ra trường, tìm được việc làm ổn định phụ giúp chị và phụng dưỡng ba.
Trúc Đào nhìn em hài lòng:
- Em thật hiếu thảo. Muốn đạt được điều đó, em phải cố gắng học tập hơn nữa và đừng nghĩ ngợi gì cả. Chị còn khả năng nuôi ba và em.
Ông Nhân mủi lòng, nghẹn ngào:
- Thấy hai đứa thương yêu nhau như vậy chắc là ở suối vàng, mẹ con cũng vui theo. Hai có đừng trách ba không có trách nhiệm với các con nha.
Minh Bảo nhăn nhó:
- Ba nói gì vậy? Tụi con đời nào dám nghĩ về ba như vậy.
- Thôi, đi ăn cơm. Bao tử của con lên tiếng rồi ba ạ. Thay đồ lẹ đi Bảo.
- Mọi khi em vẫn mặc quần short đi ăn cơm có sao đâu, chị màu mè quá.
- Vô duyên quá. Đi ăn tiệm mà mặc đồ như vậy đó hả? Sinh viên không nghiêm túc gì hết, không sợ con gái nó cười cho.
Minh Bảo mặc chiếc áo thun màu xanh dương vào, cười khì:
- Ở đó mà cười. Ba ơi. Không biết hồi còn đi học ba như thế nào, chứ bây giờ rất nhiều cô tôn con làm thần tượng đó.
Ông Nhân nhìn Bảo, phì cười.
Riêng Trúc Đào thì trề môi:
- Nói mà không biết ngượng. Em hãy lấy gương soi lại mặt mình xem sao.
- Chị đừng khi dễ nha. Chị coi thường em nhưng với mọi người em cũng co hạng lắm đó.
Lát sau, ba cha con cùng đi ăn.
Ông mặt trời đã lên cao, nhìn họ như mỉm cười. Không biết thấm ý điều gì mà Trúc Đào rượt đuổi Minh Bảo trong tiếng cười nắc nẻ, ông Nhân nhìn theo thấy cõi lòng mình ấm áp.
Thương Nhau Ngày Mưa Thương Nhau Ngày Mưa - Nhật Hạ