Far more seemly were it for thee to have thy study full of books, than thy purse full of money.

John Lyly

 
 
 
 
 
Tác giả: Aziz Nesin
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 936 / 22
Cập nhật: 2014-11-24 14:31:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ột người khách mới bước vào phá vỡ bầu không khí trầm mặc mơ màng trong quán cà fê. Vừa thở hổn hển, vừa để rơi người xuống ghế, không thèm chào hỏi ai cả. Mọi cái đầu quay về phía ông:
- Chào ông Hamít - một ông già đang đăm đăm nhìn bể nước phun ngoài sân ngoảnh lại chào.
- Không dám...
- Ông làm sao thế hả ông Hamít? Có gì mà thở dốc như bò già leo núi vậy?
- Lạy thánh Ala, ông Ali ơi, tôi vừa mới thoát một cơn hoạn nạn... Lạy thánh Ala!... Dù sao trên đời này vẫn còn có công lý. - Ông Hamít đạo mạo nói.
- Xin chúc mừng ông bạn già của tôi! Ông vừa xong nợ nhà băng hay sao?
- Đâu có... Thời buổi bây giờ mà ông còn có thể nghĩ được đến nhà băng à? Tôi thoát là thoát cái máy kéo của nợ của tôi ấy...
Mấy ông già nghe đến hai chữ "máy kéo" thảy dướn cả người lên, nhổm đít trên mấy chiếc ghế đan rồi ngồi xích lại chỗ ông Hamít
- Thật thế ư, ông?
- Tôi thoát được thật đấy!
- Ông thử kể xem nào!...
- Bỏ của chạy lấy người... - Ông Hamít thở dài như trút một gánh nặng. - Ngàn lần đội ơn thánh Ala. May mà tôi còn sống đến ngày hôm nay!
Mọi người sốt ruột đợi chờ. Mấy cái ghế đẩu lại nhích gần thêm về phía Hamít.
- Đấy là cả một thiên lụy sử... Hồi thằng con tôi được giải ngũ, nó bảo: "Bố ơi, ở quân đội con học được nghề lái xe. Bây giờ bố mua máy kéo đi". Mấy hôm ấy vợ chồng con em gái nó cũng về chơi. Hai đứa đều tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, ra làm giáo viên cả. Gặp dịp nghỉ hè chúng về chơi ngay. Vợ chồng nó cũng bảo: "Bố mua máy kéo đi thôi, tội gì mà chịu khổ mãi!... Đôi bò thời nay nào có giá trị gì đâu?" Theo chúng thì tôi là người đầu óc còn lạc hậu. Con gái tôi còn chỉ lên tấm lịch tường: "Bố xem, chúng ta đang sống ở thế kỷ nào đây? Thế kỷ 20, bố có hiểu là thế nào không?..."
Còn thằng con rể thì tối nào ăn cơm xong cũng cho tôi một bài giảng: "Chúng ta đang sống trong thế kỷ máy móc. Thời nay mà còn cày bò thì thật xấu hổ..."
Con trai thì làm khổ tôi bằng những con toán thống kê: "Bố đã thuê bao nhiêu thợ cày? Mười người chứ gì... Họ làm mất bao nhiêu ngày? Một tháng, bố thấy chưa, còn nếu chúng ta mua máy cày thì chỉ cần con làm trong một tuần lễ là đâu vào đấy. Ngoài ra con còn làm thuê cho người khác và người ta còn phải hôn tay cầu cạnh con nữa. Chỉ một năm là chúng ta hoàn vốn".
Con trai im thì con gái mở miệng, con gái im thì con rể mở máy! Nào là bò nghỉ bò cũng phải nhai, còn máy đã nghỉ là nghỉ. Máy muốn chạy thì chỉ cần vài chén dầu xăng là tha hồ bon... Lúc nghỉ nó có đòi hỏi gì đâu. Nào là bò suốt mùa đông ngốn không biết bao nhiêu là cỏ cho vừa cái túi nhai lại của nó.
Một mình tôi đương đầu với lũ con, nhưng những lời tôi nói ra cứ như nói ngoài sa mạc. Chúng còn thuyết phục tôi rằng bò có thể ngã bệnh, già yếu và gục chết. Còn cái máy kéo là sắt là thép. Nó có già yếu mệt mỏi, chết đứt bao giờ đâu...
Tôi còn chưa chịu đầu hàng thì bà lão nhà tôi lại bồi cho một đòn nữa: "Nhà Muxa mua rồi, nhà Mêmét đầu hói cũng mua rồi đấy".
Tối cũng chuyện máy kéo, sáng cũng chuyện máy kéo. Nhưng tôi chịu nhất là lời của bà lão: "Nhà trưởng thôn mua máy kéo rồi... Còn ông thì cứ nấn ná... Đến thằng Huyxên con nhà Mêmít cũng mua nữa là..." Thú thật tôi không còn cách nào khác là đành phải...
- Thế nào, ông Hamít? Về sau thế nào? - Mọi người tò mò hỏi.
Có thánh Ala chứng giám, tôi vẫn cứ phân vân trong bụng. Nhưng rồi ông giáo làng tôi bảo: "Ông Hamít, ông vẫn còn phải nghĩ ngợi kia à? Một máy kéo là 80 sức ngựa chứ có ít đâu".
Câu ấy làm tôi tỉnh người. Tám mươi sức ngựa!... Ghê thật đấy! Nó húc đổ cả núi chứ chẳng chơi đâu! Tôi không chịu đựng được nữa. Phải mua thôi! Nhưng cái của nợ ấy giá bao nhiêu? Có người bảo nhà băng sẽ cho vay tiền. Còn máy thì có ba loại: nhỏ, vừa và lớn. Tôi định mua loại nhỏ nhưng thằng con tôi lại nói: "Thứ nhỏ ấy con không thích đâu".
Con gái rằng: "Đã mua thì mua hẳn cái lớn".
Con rể rằng: "Người ta ai cũng mua có một lần".
Bà lão rằng: "Mọi người mua đằng to, làm sao mình lại chịu nhục".
Thế là mấy bố con chuẩn bị lên đường ra tỉnh. Đến nơi gặp một anh chàng cũng tốt bụng. Anh ta hỏi: "Ông có bao nhiêu ruộng?" Tôi đáp: "Tám mẫu". Anh ta bèn khuyên: "Mua cái đằng nhỏ ấy. Tám mẫu chứ đến chục mẫu nó cũng cày bay."
Nhưng tôi không làm sao thuyết phục được con cái. Chúng nó bảo: "Thằng cha ấy lừa bố đấy thôi, chúng con cứ thích đằng to".
"Bốn ngàn đồng tiền mặt, còn đâu tín dụng ngân hàng" - người bán hàng nói. ở đây làm gì có chuyện mặc cả, cũng không thể dấu được anh ta là mình không đủ tiền. Chúng tôi đành về nhà vác bò ra chợ. Mấy con bò sinh ra trong chuồng nhà tôi, chính tay tôi đã tắm rửa cho chúng, nuôi nấng chúng. Con bò xám cứ nhìn chằm chằm vào mắt tôi mà khóc, con bò hung thì cứ liếm mãi hai bàn tay tôi. Tóm lại chúng tôi bán đôi bò đi kiếm được ba ngàn. Còn một ngàn nữa lại vay tín dụng. Cuối cùng mua được cái máy kéo hạng to... Con quái vật ấy đứng lừng lững như một trái núi. Các con tôi kêu hai chén dầu xăng là máy nổ ầm ầm. Làm gì có của ấy!
Chúng tôi đổ vào một biđông madút, còn dầu nhớt thì không biết bao nhiêu mà kể. Con trai tôi trèo lên cầm lái. Chúng tôi cũng trèo lên. Xe chạy xình xịch. Máy tốt hết ý. Theo tục lệ chúng tôi treo lên xe một chiếc giày cũ, một củ tỏi và một dây hạt cườm xanh để tượng trưng cho hạnh phúc. Tối hôm đó khi về đến nhà, chúng tôi cho xe lượn quanh nhà bốn vòng rồi mới đắc ý đỗ lại.
Tất cả những người hôm ấy nhìn thấy chúng tôi, hôm sau thảy đều đi mua máy kéo hết. Ngay cả lão Giuxup có mỗi một mẫu đất chua lại nợ nần như chúa chổm cũng đi tậu máy kéo mới khiếp chứ.
Từ đó chiều chiều, hai bên đường làng máy kéo xếp hàng thẳng tắp. Thằng con tôi lái cái máy ấy cũng thấy vừa tay, chẳng cần gì hơn. Trên đường nó đi đã cũng phải nát. Một lần nó húc phải xe Huyxên, con trai Mêmít. Thực thà mà nói cái xe ấy hoá ra đống sắt vụn. Nó bị lật chỏng gọng như một con rùa nằm ngửa vậy.
Máy kéo để tiêu khiển cũng hay. Cứ đến thứ bảy chúng tôi lại đánh xe ra tỉnh. Thằng con trai tôi xoắn ngược bộ râu lên mà lái. Đến cửa rạp chớp bóng, chúng tôi cho xe đậu vào dãy những xe kéo khác. Lúc về là lúc đua tài. Ai lái giỏi hơn thì vượt lên trên. Bỗng nhiên đang chạy có thằng mất dạy nào húc phải xe của chúng tôi. Rắc một cái, thế là chúng tôi đứng lại. Cầu thánh Ala che chở! Đèn pha vẫn sáng mà xe không nhúc nhích. Không biết hỏng ở đâu, chúng tôi loay hoay mãi, đành chịu bỏ xe dọc đường cuốc bộ đi về...
- Kể đi ông Hamít, rồi sau thế nào?
Chúng tôi thuê một đôi bò kéo con quái vật ấy về. Chỗ hỏng vẫn không tìm được. Chúng tôi đành đến chỗ mua trước nhờ họ đến giúp, hết bao nhiêu xin trả. Đến nơi họ bảo: Không được, không có phụ tùng! Chao ôi, con bò màu hung yêu dấu của tôi ơi! Nó làm gì có phụ tùng ốc vít cơ chứ... Nó chẳng hỏng môtơ, chẳng hỏng guồng máy bao giờ. Thằng con tôi bảo: "Để con đi Stănbum mua cái phụ tùng ấy cho..." Tôi sốt sắng: "Con ơi, đến vụ cày rồi, có đi thì đi nhanh nhanh, con nhé!" Thằng ấy đi Stămbun rồi không thấy về nữa...
- Rồi sau thế nào hả ông Hamít... Ông kể tiếp đi!
Các bạn quí mến ạ, rồi sau tôi không được tin gì của cháu cả. Thật xấu hổ với hàng xóm. Tiền hết, muốn mua bò cũng chẳng có, đành đi thuê tạm một đôi về cày. Mãi mới thấy có tin con: "Bố ơi, con đã tìm được phụ tùng rồi, nhưng suốt thời gian con đi tìm, con đã tiêu sạch cả túi. Bố gửi ngay cho con một ngàn đồng nhé". Tôi chạy đến ngân hàng gửi tiền đi ngay theo đường dây thép. Mấy hôm sau nó về mang một mũ ốc to bằng đồng hào "Cái này mà một ngàn ư con?" - Tôi hỏi. Chúng tôi đi gọi thợ máy bắt ốc. Xe lại chạy tốt... Đến mùa đông tuyết xuống, chúng tôi cho xe vào chuồng bò, buộc vào cái cọc của con bò hung khi xưa. Bấy giờ cũng là lúc phải trả ngân hàng và trả dần món nợ. Mà tiền thì hết... Lại phải đi vay chỗ khác đập vào. Sang hè tôi bảo con trai tôi: "Nào con, cho xe ra đồng đi!" Nó nổ máy. Nhưng bỗng có những tiếng răng rắc chát chúa, rồi cái máy câm tịt. Làm thế nào nhỉ? Không ai biết đằng nào mà lần. Thế là lại phải đi mời người ở cái cửa hàng bán máy. Đến nơi anh ta phán: Tuột đâu mất một bánh răng xe rồi.
Chúng tôi hỏi mua, anh ta rằng không có bán. Không có bánh răng mà dám bán máy. Thế có phải là lừa dân đen không? Hỏi thế thì họ bảo: ”Nếu mọi người mua một cái máy kéo nữa thì sẽ đủ phụ tùng cho cái máy cũ.“ Nhìn mặt người làng tôi thực xấu hổ. Nhục nhã thật... Bấy giờ cánh đồng nào cũng có một vài cái máy kéo đứng im như xác ướp. Thỉnh thoảng dân làng lại vấp chân phải những đống sắt vụn, dây xích, guốc xích...
Ôi chao, con bò mầu nâu, con bò mầu hung của tôi... Dùng nó tha hồ mà bền. Sống nó cũng là tiền, chết nó cũng là tiền. Còn cái con bọ sắt này có phải là bò đâu, chẳng chọc tiết được, cũng chẳng xài được.
Lại đến đợt hai phải trả tiền ngân hàng..."Tôi trả máy nhà các ông đấy" - tôi bảo thế. Họ liền đáp: "Chúng tôi lấy làm gì cái rả rách ấy."
Phát điên lên được! Bỗng có tin đồn rằng ở Ađana sản xuất phụ tùng. Tôi liền quát con: "Ê, cái thằng già mồm kia, mày bắn súng không nên thì phải đền đạn. Đi mà sắm phụ tùng đi cho rồi..."
Thằng con tôi đi Ađana. Đến nơi thằng thợ bảo: "Không thấy người ốm làm sao chữa bệnh".
- Kéo nó đi Ađana chứ sao, tôi bảo.
Thế là phải thắng một đôi bò mộng.
Hai tuần mới mò đến được Ađana. Cái thằng thợ máy ấy đòi đúng năm trăm mới nhả ra cái con bánh răng ấy. Để đỡ mất mặt với bà con, tôi đành phải bán đỡ hai sào ruộng rồi gửi năm trăm đi Ađana cho nó... Lúc ấy vợ chồng đứa con gái tôi đến chơi. Tôi nghĩ: "Đã mất bao nhiêu tiền cho cái xe khốn khổ kia thì cũng phải hưởng được đôi chút chứ." Thế là cả nhà tôi trèo lên xe. Tôi bảo con trai: "Cái của này không phải như con ngựa đua đâu, cẩn thận đấy con, dọc đường gặp cái gì phải tránh cái đó!" Nhưng con trai tôi đâu có nghe. Nó vừa trông thấy xe nhà Huyxeen, con trai Mêmít là lao ngay vào. Cái đầu máy rền như con lừa đực gặp con lừa cái... Tôi chưa kịp quát con hãm lại thì cái các-bua-ra-tơ đã nổ rồi. "Thằng mất dạy, đồ khốn - tôi sấn đến cạnh nó. Đến ngựa chiến bên A rập cũng không chịu được nữa là... Mà đây lại là máy móc nước ngoài. Mày có còn đầu óc không đấy?" Chúng tôi hò nhau xuống đẩy nhưng nó không thèm nhúc nhích nữa. Lúc ấy làm sao tôi quên được đôi bò tuyệt diệu của tôi kia chứ?
Tôi kéo con gái và con rể ra bảo: "Hai con trả lời cho bố một câu. Chúng ta đang sống ở thời đại nào đây? Có phải là thế ký 20 không? Cái thời của bố thì chỉ dùng một con bò xám, cho nó nắm rơm, cột nó vào xe là ra nương, ra rẫy..."
- Rồi thế nào nữa hả ông Hamít?
- Thế rồi, các ông anh ạ, lại đến lãi suất nhà băng, lại tiền trả vốn ngân hàng. Trời phạt tôi đấy. Tôi phải đi bán thêm mười sào nữa. Còn cái máy kéo lúc thì mất bù -loong - 500 đồng, lúc thì một cái ốc một nghìn đồng... Giá thử cái xích mà đứt thì chịu không thể tìm đâu ra cái khác mà thay. Phụ tùng không có...vá víu chỗ này, vá víu chỗ kia, cái máy kéo yêu dấu của chúng tôi giống hệt như cái áo rách.
Lúc ở ngoài đồng toàn thân nó run lên bần bật như phải cơn sốt, còn ngoài cánh đồng thì vương vãi toàn những ốc, những mũ, những mẩu sắt gì nữa, tựa hồ chúng tôi rắc những phụ tùng vứt đi ấy thay cho hạt giống.
Một hôm có một nghị sĩ đảng dân chủ về làng. Tôi gặp ông ta, nói: "Bây giờ ông bảo chúng tôi làm thế nào? Cái máy lừng lững như con voi, mà chỉ thiếu một chi tiết bằng đồng xu là đứng im. Còn chi tiết ấy thì không kiếm đâu ra được".
- Nói tiếp đi, ông Hamít! Cái nhà ông nghị sĩ ấy bảo sao?
- Ông ấy còn nói gì được nữa... Ông ấy cũng có nói một thôi dài, thậm chí tôi cũng không hiểu gì lắm. Ông ấy bảo trước kia người ta sống ở thời kỳ đồ đá, bây giờ là thế kỷ đồ sắt. Nền văn minh xâm nhập vào đất nước ta cùng với sắt thép. Tôi bảo: "Thôi được, các ông đã chuyên chở văn minh vào nước ta là tốt, nhưng phụ tùng của nó đâu? Ông thử ra ngoài đồng chúng tôi mà coi, những văn minh vứt đi còn đầy như xác chết cả đó. Vậy có nên hạn chế bớt văn minh đi không?"
- Rồi sau thế nào nữa, ông Hamít? Ông ấy trả lời ra làm sao?
- Các bạn quí mến ạ, sau đó ông ấy đáp: "Thứ này chúng ta đặt mua ở Mỹ. Mai đây chúng ta sẽ xây dựng nhà máy riêng! Các bác chịu khó chờ ít lâu nữa thôi, phụ tùng sẽ tràn về như lũ tháng bảy", ông ta hứa thế. "Chúng tôi thì chờ được, nhưng nhà băng có chờ đâu, - tôi đáp - Ông làm ơn bảo nhà băng họ cũng nán chịu".
Lại đến kỳ trả nợ không xê xích ngày nào. Thật tình tôi tiếc đôi bò quá. Lúc đem chúng ra chợ bán tôi đã khóc thầm trong bụng... Tóm lại, thế là tôi phản bán hết cả ruộng đất để trả nợ nần.
- Rồi sau ta sao, ông Hamít?
- Rồi sau tôi gọi con gái và con rể đến. Tôi lại lôi bà lão và con trai tôi ra. Tôi dẫn họ ra chỗ con quái vật ngốn tiền ngốn đất của tôi mà rằng: "Hoặc là các người giết sống tôi đi, hoặc là tôi buộc các người vào xe làm bò cày ruộng..."
Họ lại ra sức nổ máy, tiếng máy đinh tai nhức óc, cua-roa chạy văng mạnh, sửa chỗ này hỏng chỗ kia, lắp được cái ốc lại gãy bánh răng, cứ thế không cùng.
- Rồi sau thế nào, ông Hamít?
- Sau đó, các bạn quí mến ạ, tôi hiểu ra rằng chẳng ăn thua gì cả. Vợ con tôi dúm dụm vào nhau. Tôi liền vác ra một cái búa và quát: "Đồ súc vật, lui hết cả ra, để ta dậy cho cách sửa chữa". Rồi tôi cứ thế quai búa vào tay lái, vào máy móc... vừa quai vừa quát: "Này thế kỷ hai mươi này, này văn minh này, này phụ tùng này". Tôi quai búa đến mỏi nhừ tay ra thì thôi. Bấy giờ bà lão nhà tôi bỗng kêu váng lên:
"Ối giời ơi, cứu chúng tôi với, ông lão nhà tôi điên rồi..." Các con tôi mỗi đứa chạy một đường. Tôi vứt búa rồi đến thẳng đây đấy. Cho tôi một cốc nước với.
- Rồi sau sao nữa, ông Hamít? - Những người nghe tròn mắt thúc giục.
- Thế là hết. Tôi đã thoát được con quái vật. Ngàn lạy ơn thánh Ala chí công... Tôi thấy mình như được thoát xác. Cho tôi một tách cà phê mau lên và đặc vào nhé! - Lão Hamít sung sướng quát gọi chủ quán.
Phụ Tùng Thời Đại Văn Minh Phụ Tùng Thời Đại Văn Minh - Aziz Nesin