I speak in hugs & kisses because true love never misses I will lead or follow to be with you tomorrow.

Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 479 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
nh Năm ơi ! Mẹ bệnh nặng, nhập viện Hương An rồi, anh về ngay đi!”. Giọng thảng thốt của em gái trong ống nghe khiến tôi đứng sững với nỗi lo chợt đến. Sau khi gặp anh trưởng phòng xin nghỉ, tôi hộc tốc lao xuống cầu thang, thẳng đến nhà để xe máy. Chỉ kịp ghi lại mấy chữ cho vợ để trên bàn ăn, tôi vơ vội bộ đồ nhét vô túi xách rồi lên xe, vù ga.
Đập vào mắt tôi toàn màu trắng đến lạnh người. Từ tường và trần nhà đến ra, gối, nệm và cả những bộ đồ của bệnh nhân tuyền một màu tinh khiết. Tôi thở phào, lấy lại bình tâm khi biết huyết áp mẹ tôi đã được chế ngự. Ngồi bên mẹ, canh bình đạm chầm chậm nhỏ giọt, tôi lặng lẽ nhìn quanh. Buồng bệnh nhân có bốn giường. Nằm đối diện với mẹ tôi là cụ bà chín hai tuổi, đang kéo dài sự sống nhờ bình ôxy. Phía cửa ra vào là cậu bé với cái chân bó bột trắng toát, gác trên thành giường; cạnh đó là giường của ông cụ có nước da mai mái, với đôi chân đã bắt đầu phù lên. Ông rên khe khẽ, chốc chốc lại phều phào gọi người nhà.
Buồng bệnh mất sự tĩnh lặng vốn có khi con gái, con rể và hai cháu ngoại của bà cụ chín hai tuổi tới thăm. Qua nghe chuyện và cả giọng nói, tôi biết họ vừa từ miền trong về, xuống xe đò và bắt xe ôm tới bệnh viện luôn. Người con gái ấp bàn tay mẹ trong tay mình, cúi xuống ghé vào tai mẹ gọi những lời thân thương. Bà cụ vẫn nhắm mắt, đáp lại lời con là những nhịp thở khó nhọc. Người con gái ngồi bần thần, buồn rầu nhắc lại kỷ niệm trong lần gặp mẹ hồi năm trước rồi quay đi, lén giấu những giọt nước mắt. Có lẽ chưa dự cảm được điều đáng sợ nhất đang đến với bà, hai cháu gái cứ tía lia hỏi về sức khỏe của ngoại. Sự cả nể ngăn tôi có lời nhắc hai cháu nhưng ông cụ nằm cùng phòng thì khác. Ông kêu lên, vẻ bực tức: “Nói gì to dữ vậy?!”. Im lặng được vãn hồi và tôi chú tâm tới ông từ đó.
Hỏi chuyện khi cùng ngồi trên ghế băng ngoài hành lang, tôi biết người cháu nội của ông cụ tên Hiệp. Hiệp đang học năm thứ tư đại học bách khoa, vì ông ốm nên đành lỡ hẹn với những hoạt động hè “sinh viên tình nguyện”. Những đêm mất ngủ khiến khuôn mặt trẻ hốc hác, đôi mắt thâm quầng cùng dáng vẻ uể oải. Ngồi chưa nóng chỗ, Hiệp đã phải đứng lên, khi thì cho ông uống nước, uống thuốc, lúc đỡ ông ngồi dậy hoặc xoa bóp rồi thay đồ, đổ bô. Hiệp làm những việc đó nhuyễn như một hộ lý và kiên trì đến đáng nể.
Khoảng mươi lăm phút, ông cụ lại bảo Hiệp đỡ ngồi dậy. Mỗi lần như thế, ông nhăn nhó rên rỉ, cứ như toàn thân bị đau đớn. Đốt chưa tàn điếu thuốc, ông đã bảo cháu đỡ nằm xuống, lại rên la như bị cực hình. Cái điệp khúc ngồi lên nằm xuống đồ chừng không dày bằng nhu cầu tiểu tiện của ông cụ. Mỗi khi thấy ông nghiêng người, đưa tay xuống quần là Hiệp nhanh chóng lấy bô rồi cầm tấm chăn căng ra che cho ông. Không thấy Hiệp trong chốc lát, ông đã gọi, có khi chỉ vì “sao ông thấy vắng vẻ quá!”. Những lần không có cháu, ông không ngần ngại vẫy tôi lại, nhờ việc gì đó; nhờ nhưng nếu làm trái ý, ông cũng chẳng khách sáo: “Sao lại thế này?!”. Hiệp rỉ tai tôi, giọng hệt như của cậu bé đang học mẫu giáo “Lúc bình thường, ông cháu dễ thương lắm, chú ạ”.
Mũi thuốc giảm đau cùng cơn mưa cuối ngày hình như làm ông cụ dễ chịu. Bằng chứng là từ tối ông không còn rên la và trở mình vật vã. Nghe tiếng thở đều đều báo hiệu giấc ngủ mong đợi đã đến với ông và nhìn Hiệp ngon giấc trên ghế xếp cạnh đó, tôi cảm thấy nhẹ lòng. Tầm ba giờ sáng, ông cụ thức, khó nhọc chống tay ngồi dậy. Ông cầm khăn mặt, cúi xuống xua đám muỗi đang vây lấy đứa cháu rồi ngồi lặng nhìn ánh trăng ngời ngợi ngoài ô cửa. Trăng lung linh trên những vòm lá trong khuôn viên bệnh viện đang hả hê sau trận mưa rào. Nét mặt tươi tỉnh bỗng hiện nỗi lo bất chợt, ông cụ xuýt xoa giữa trời: “Chà, bọn trẻ chất rơm kịp không hay là ướt nhẹp cả rồi?!”. Không cau có, khuôn mặt ông cụ phúc hậu vô cùng. Ông tựa lưng vào tường, hết nhìn khoảng đêm lại nhìn đứa cháu, mắt buồn rười rượi. Ông nghĩ gì mà trầm tư trước một ngày mới đang đến?
Ông vừa xong bữa sáng với mấy thìa cháo thì chị gái Hiệp cùng bạn trai tới “thay ca”. Chỉ lên mấy bịch sữa tươi, nước yến và trái cây để trên tủ nhỏ sát đầu giường, ông bảo Hiệp đem về phân phát cho các cháu ở nhà. Chàng trai bảo đừng; khuyên ông chịu khó ăn uống để hồi phục sức khỏe. Nhưng cậu không thể trái ý ông, sau lời trách xót xa: “Cháu sao lại cãi ông nhem nhẻm thế kia?!”.
Không biết do cháu gái khéo chiều hay cơn bệnh tạm thời “hưu chiến” mà ông cụ bất ngờ dễ tính, ít “yêu sách” hẳn. Nhìn cháu lăng xăng, làm không ngơi tay, ông tỏ vẻ ái ngại “vì ông mà các cháu vất vả quá!”. Rảnh rỗi, cô cháu ngồi tỉ tê, trò chuyện. Giọng con gái dễ thương chắc tác dụng không kém những liều thuốc giảm đau ông vẫn được chích. Khi bạn trai của cháu chào để về, ông bảo cháu đỡ ngồi dậy. Thoáng chút đắn đo rồi ông hỏi thẳng: “Hai cháu quen nhau đã lâu, thế định bao giờ... tổ chức?”. Cô gái ngước nhìn chàng trai chờ đợi. “Thấy ông yếu nên tụi con chưa dám nghĩ đến chuyện vui, ông ạ”. Ông cụ đưa bàn tay run run nắm lấy bàn tay chàng trai, giọng rời rạc nhưng rõ ràng: “Các cháu đừng vì ông mà lỡ chuyện của mình - Ngừng, thở dồn dập một hồi, ông tiếp - Nếu ông có “ngủ” các cháu cũng đừng câu nệ, đừng chờ đến mãn tang...”. Ông cụ chưa nói hết, cô cháu om lấy ông, khóc. Nhưng ông vẫn cố nói tiếp điều đang nghĩ: “Con gái có thì, cháu ạ”.
Quá ngọ, bố cô gái đến thay con, chăm sóc cha. Ông cụ luôn miệng hỏi con trai chuyện nhà, chuyện xóm. Ông sửng sốt, hỏi dồn khi biết một người ở cạnh nhà vừa mất vì tai nạn xe máy. Người con vỗ về: “Thôi, ba nghỉ cho khỏe”. Ông cụ gác tay lên trán, nằm im. Chốc chốc, sực nhớ điều gì, ông lại nhỏm dậy, nói với con. Ông bảo, sao không kiến nghị để người ta sớm hoàn thành con đường ngang qua làng; cứ để đường nham nhở, sống chung với bụi đến bao giờ. Ông lại dặn: cải tạo vườn tạp nhưng nhớ để lại mấy bụi tre, vườn quê mà không có tre thì còn ý nghĩa gì !? Người con liên tục vâng, dạ và khuyên cha “đừng nghĩ đâu đâu nữa”.
Buổi chiều, khi bác sĩ đến khám bệnh lần thứ hai trong ngày, ông cụ bất ngờ quyết định xin ra viện. Anh con trai cùng những người trong phòng, kể cả bác sĩ xúm vào ngăn nhưng không chuyển được ý ông. Người con băn khoăn: “Hay con cháu đã làm gì khiến ba không vui?”. Ông xua tay. Người con kiên trì năn nỉ cha đổi ý, với cái lý “còn nước còn tát”. Giọng ông cụ buồn buồn: “Ung thư dạ dày thì khỏi sao được, hả con?!”. Người con giật mình, hốt hoảng: “Ai bảo ba vậy?”. “Ba biết rồi, đừng giấu nữa!”. Im lặng. Người con bối rối quay đi. Ông cụ rầu rầu giảng giải: “Ba nằm đây, cả nhà phải khổ nhưng bệnh thì không khỏi, phỏng ích gì? Nhà dồn hết tiền lo cho ba, rồi ăn, học bằng gì? Vả lại các con, các cháu còn đi học, đi làm, không thể suốt ngày trực ở bệnh viện - Ông kết thúc - Ba không đành lòng nằm mãi ở đây. Thôi, đưa ba về, được ngày nào hay ngày đó, con ạ”. Người con đứng lặng, không giấu được nước mắt.
Hôm sau, chờ cháu thanh toán viện phí xong, ông cụ về. Cứ nghĩ tạm biệt cũng đồng nghĩa vĩnh biệt người bệnh già chưa kịp biết tên, tôi cảm thấy nao lòng. Trước khi được dìu ra xe tắc-xi đỗ sát cửa, ông cụ bảo Hiệp lấy đường sữa và mấy trái cam cho cậu bé gãy chân nằm cùng phòng. Ông đưa tôi hai tờ báo Sức khỏe và Đời sống: “Trong này có mấy bài thuốc Nam của Giáo sư Đỗ Tất Lợi hay lắm, cháu xem đi”. Tôi rưng rưng, nắm chặt bàn tay gầy, ấm áp.
Ông cụ đi rồi, một góc phòng bỏ trống. Tôi ngẩn ngơ, chốc chốc lại nhìn vào khoảng trống ấy.
Ông Lão Nằm Viện Ông Lão Nằm Viện - Nguyễn Trọng Hoạt