The man who does not read good books has no advantage over the man who can't read them.

Mark Twain, attributed

 
 
 
 
 
Tác giả: Alberto Moravia
Biên tập: Sakitabi
Upload bìa: Son Le
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2837 / 63
Cập nhật: 2017-09-11 05:06:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Đứa Con
ác bà làm ở hội từ thiện hôm đem tiền cứu trợ đến cho gia đình tôi cũng hỏi vợ chồng tôi: sao anh chị đẻ nhiều con thế? Vợ tôi ngày hôm ấy đang lúc bực dọc, nghe hỏi thế bèn trả lời thẳng tuột: ”Có tiền có của thì tối tối người ta kéo nhau đi chơi, đi xem. Nhưng tiền không có, chúng tôi chơi một tí rồi lên giường đi ngủ, thế là cứ sòn sòn”. Nghe cách nói suồng sã kiểu đó, bà giận, bỏ đi không buồn chào. Bà đi rồi, tôi mắng vợ, rằng không phải lúc nào nói thật cũng là tốt cả, rằng trước khi nói ra cần phải xem xem mình đang nói chuyện với ai đã.
Ngày tôi còn trẻ, chưa vợ, tôi thường đọc trên báo mục tin tức Rôma, kể về đủ thứ tai họa xảy đến với người ta: ăn cướp, giết người, tự sát, tai nạn xe cộ. Lúc ấy tôi nào có thể tưởng tượng ra được là bản thân mình sẽ phải lâm vào một cảnh mà trên báo thường viết là một hoàn cảnh đáng cảm thông, khi con người ta bất hạnh đến mức khiến những người khác phải thương hại mà không phải vì gặp những tai nạn bất thường nào, mà chỉ vì là tồn tại ở trên đời. Nhưng tôi đã nói, khi ấy tôi còn trẻ nên chưa hiểu thế nào là nuôi một gia đình. Còn bây giờ tôi kinh ngạc nhận ra rằng dần dà mình đã lâm vào chính cái “hoàn cảnh đáng cảm thông” kia. Đây, bạn hãy đọc mà xem: “Họ sống trong cảnh túng bấn cùng cực”. Thì chính tôi hiện đang ở trong cảnh túng bấn cùng cực đó, liệu có thể túng bấn hơn được nữa chăng? Hoặc: “Họ ở trong một cái không đáng gọi là nhà”. Còn tôi sống ở vùng ngoại ô Tôrmaranchô với vợ và sáu con trong một cái phòng chỉ vừa đủ kê giường, không còn chỗ quay ra quay vào, mùa mưa thì dột chẳng khác gì ngoài trời. Hoặc như thế này nữa: “Người phụ nữa bất hạnh sau khi biết là mình có mang, bèn có một quyết định tội lỗi là từ bỏ kết quả tình yêu của mình” (1). Thì đây, vợ chồng chúng tôi hoàn toàn nhất trí nếu phải có một quyết định như thế khi biết rằng đứa con thứ bảy của chúng tôi sắp ra đời. Hai chúng tôi quyết định rằng hôm nào ấm trời sẽ đem đứa bé đến bỏ vào một nhà thờ nào đấy, hy vọng vào lòng từ thiện của người nào đó trông thấy nó đầu tiên.
Nhờ sự hỗ trợ của các bà ở hội từ thiện nọ, vợ tôi được đẻ ở bệnh viện. Ra viện, vợ tôi bế con về Tormaranchô. Vừa vào đến trong nhà, cô ta bảo tôi:
— Anh biết không, tuy là ở bệnh viện chẳng sung sướng gì, nhưng mà em sẵn sàng ở lại trong ấy, miễn là để khỏi phải về nhà.
Đứa bé dường như hiểu câu nói đó nên khóc tướng lên. Thằng bé xinh xẻo, bụ bẫm, lại to tiếng làm sao: nó mà khóc đêm thì đừng có ai ngủ được với nó.
Tháng Năm đã đến, trời trở nên ấm áp, đã có thể ra đường không cần mặc áo bành-tô. Chúng tôi từ Tôrmaranchô lên xe đi vào Rôma. Vợ tôi ôm chặt đứa bé vào lòng sau khi đã quấn lên người nó rất nhiều áo quần, tã lót như thể định đem bỏ nó ở ngoài đồng tuyết. Khi xe đã đến thành phố, như để đánh át nỗi đau khổ, cô bắt đầu nói không nghỉ, thở hổn hển, mắt mở to, đầu tóc rối bời…
Đầu tiên, cô nói về chuyện những nhà thờ nào có thể để con lại, luôn luôn nhắc nhở rằng cần phải chọn nhà thờ nào mà những người giàu có hay đến, bởi vì nếu đứa trẻ rơi vào tay nhà nghèo, thì thà cứ để nó ở lại với mình còn hơn. Rồi cô nói rằng cô muốn chọn một nhà thờ Thánh mẫu nào đó, bởi vì Thánh mẫu cũng từng có con trai, cô nói, Người có thể hiểu và thực hiện ước nguyện của chúng mình. Nghe những chuyện đó, tôi đã mệt cả người, và bắt đầu thấy bực bởi tôi cũng nào có vui thú gì và đâu muốn làm điều đó. Nhưng tôi tự nhủ mình phải bình tĩnh, không nên cáu giận và phải động viên vợ. Tôi tranh cãi một câu gì đó, chỉ là để cắt đứt luồng từ ngữ của cô, và đề xuất:
— Ta để nó ở trong nhà thờ thánh Pi-e vậy.
Cô lưỡng lự một lát, rồi nói:
— Không, ở đây cái sàn rộng quá, người ta không để ý thấy mất. Thử để ở trong một nhà thờ nhỏ trên phố Cônđôtti, ở đấy xung quanh toàn là các cửa hiệu sang… nhiều nhà giàu qua lại… Thật là một chỗ thích hợp.
Hai chúng tôi lên ô tô. Trước đông người, cô yên không nói nữa, chỉ quấn thằng bé chặt hơn vào tấm lót và chốc chốc lại khẽ mở mảnh tã che mặt ra xem. Thằng bé ngủ, chúi cái mặt đỏ hỏn vào tấm lót. Thằng bé ăn mặc cũng xoàng xĩnh, xấu xí như chúng tôi, chỉ có đôi tất tay là đẹp — đan bằng len xanh, và lúc nào nó cũng giơ giơ tay lên như để khoe.
Chúng tôi xuống xe ở gần nhà hát Gônđôni, và vợ tôi lập tức lại bắt đầu nói như máy. Cô dừng lại trước cửa hiệu vàng bạc, chỉ cho tôi xem những đồ trang sức quý giá trưng bày trên nền nhung đỏ ở tủ kính và bảo:
— Xem này, đẹp chưa kìa… Mọi người đến phố này chỉ để mua vàng bạc và những thứ hàng quý giá khác… Ở đây làm gì có dân nghèo… Giữa lúc đi mua bán, họ rẽ vào nhà thờ để cầu nguyện… Họ đang trong tâm trạng vui vẻ… trông thấy đứa bé và bế nó lên.
Cô nói tất cả những cái đó, mắt vẫn dán vào những vòng vàng, kim cương và ôm chặt đứa bé vào lòng hơn, dường như cô đang nói một mình, mắt như dại đi, làm cho tôi không dám tranh cãi gì nữa cả.
Chúng tôi vào nhà thờ. Nhà thờ này nhỏ, tường lát đá hoa cương vàng, có trụ thờ chính. Vợ tôi bảo rằng trước kia cô cảm thấy nhà thờ này khác cơ. Bây giờ không hiểu sao cô không thích nó lắm. Tuy thế, cô vẫn nhúng ngón tay vào nước thánh và làm dấu. Sau đó, ôm sát đứa bé vào ngực, cô đi chầm chậm khắp nhà thờ, vừa đi vừa nhìn quanh một cách không hài lòng và không tin tưởng. Từ trên vòm nhà thờ, qua những ô cửa sổ, dọi xuống ánh sáng rực rỡ và lạnh lẽo. Vợ tôi vẫn đi khắp quanh nhà thờ, hết gian này sang gian khác, nhìn ngắm những bệ thờ, những bức tranh và những hàng ghế như để kiểm tra xem có đáng để đứa bé ở lại đây không. Tôi đi theo sau cô, cách có mấy bước và cứ nhìn ra cửa hoài. Một tiểu thư, người cao, mặc áo đỏ, tóc vàng óng bước vào. Cô quỳ xuống — cái váy ngắn bị kéo căng — làm dấu thánh giá và khấn một lúc rồi ra khỏi nhà thờ, không buồn nhìn chúng tôi.
Vợ tôi thấy vậy, nói:
— Không, ở đây không được đâu… Vào đây chỉ toàn là những người kiểu như cô tiểu thư này, chỉ biết vui chơi và đi cửa hiệu này cửa hiệu kia suốt ngày. Ta đi khỏi đây đi, — và vợ tôi bước ra luôn.
Chúng tôi đi bộ gần như chạy đến phố Corxô, vợ đi trước, tôi theo sau, đến gần quảng trường Vơnidơ thì rẽ vào một nhà thờ khác. Nhà thờ này to hơn nhà thờ trước nhiều, rèm cửa sang trọng, mạ vàng, còn trên tường bên dưới lớp kính là rất nhiều trái tim bằng bạc lấp lánh trong bóng tranh tối tranh sáng. Ở đây khá nhiều người đến lễ, xem chừng toàn là khá giả cả: những người đàn bà đội mũ, đàn ông ăn mặc tử tế. Cha cố đứng trên điện thờ giảng đạo, còn con chiên đứng dưới hướng cả về phía ông. Tôi nghĩ bụng: “Đúng thật là thuận tiện, không còn ai để ý thấy cả!” và bảo khẽ vợ:
— Thử ở đây xem.
Cô ta gật đầu. Chúng tôi lẻn sang gian bên. Ở đây không có ai cả, vả lại tối quá, đến nỗi chúng tôi cũng chỉ lờ mờ trông thấy mặt nhau. Vợ tôi kéo tã che bớt mặt đứa bé, đặt nó lên ghế như một cái gói cho nó khỏi chòi tay ra. Sau đó cô quỳ xuống, cầu kinh, hai tay ôm lấy hết mặt. Còn tôi không biết làm gì, đứng xem hàng trăm quả tim lớn nhỏ gắn trên tường. Vợ tôi đứng dậy, nét mặt cô ủ rũ. Cô làm dấu và nhè nhẹ rời khỏi giảng đường và tôi theo sau. Đúng lúc ấy, cha cố nói to:
— Và Chúa Giê-su đã nói: “Quo vadis?” (Con đi đâu vậy? (tiếng la-tinh)). Tôi có cảm tưởng đấy là ông hỏi tôi.
Vợ tôi đã sắp bước ra đến cửa, thì bỗng từ trong có tiếng gọi cô. Cả hai chúng tôi giật nảy mình.
— Bà ơi, bà để quên cái gói ở trên ghế đây này.
Chúng tôi quay lại, thấy một người phụ nữ mặc đồ đen, một trong những bà đạo đức giả suốt ngày khi thì ở trong nhà thờ, khi thì ở ngoài quảng trường.
— Vâng, phải rồi, — vợ tôi nói — Cảm ơn bà, tôi quên khuấy mất.
Chúng tôi cầm cái bọc, ra khỏi nhà thờ, đờ đẫn như người mất hồn. Ra đến đường, vợ tôi nói:
— Không ai thèm lấy con tôi, không ai cần đến nó cả, ôi con trai tội nghiệp của tôi…
Như thể một người bán hàng mong mua bán được chóng vánh, nhưng ở chợ không có ai mua hàng của bà ta cả.
Và cô lại lao về phía trước, đầu tóc rối bời, ngực thở dốc, như hai chân tự đưa cô đi vậy. Chúng tôi đến quảng trường Đức Thánh. Một nhà thờ mở sẵn cửa. Chúng tôi vào, thấy bên trong rộng rãi, quang đãng, ít ánh sáng. Vợ tôi thì thào:
— Đây đúng là nơi thích hợp.
Cô cả quyết đi thẳng vào gian bên, đặt đứa bé lên một chiếc ghế dài, rồi không làm dấu không khấn vái gì cả, thậm chí cũng không hôn lên trán con, quay ngay ra cửa như thể đất dưới chân đang cháy bỏng. Nhưng cô vừa đi được mấy bước thì một tiếng khóc to vang lên khắp nhà thờ. Đã đến giờ cho bú, đứa bé khóc vì đói. Vợ tôi như mất trí vì tiếng khóc to đó: cô lao ra cửa, rồi lại chạy ngược trở lại, rồi, cũng chẳng cần nghĩ là cô đang ở đâu, ngồi ngay xuống chiếc ghế dài, nâng đứa con lên tay, vạch vú ra cho nó bú. Nhưng khi cô vừa mới đưa vú ra và thằng bé liền ôm chặt với cả hai tay và bắt đầu bú lấy bú để thì có tiếng quát:
— Trong nhà thờ không ai người ta làm như thế đâu nhá… Đi ra khỏi đây mau, ra ngoài đường đi!
Đó là một ông già có chòm râu bạc, giọng nói rắn rỏi hơn chính bản thân ông. Vợ tôi đứng dậy, kéo áo xuống, lấy tã đậy lại đầu cho thằng bé, đoạn nói:
— Thế mà Đức Mẹ ở trong các tranh… bao giờ chả cho con bú. Ông kia thì:
— Lại dám ví với Đức Mẹ nữa, rõ không biết xấu hổ!
Tóm lại, chúng tôi từ giã nhà thờ ra ngồi ở vườn hoa trên quảng trường Vơnidơ. Ở đó, vợ tôi lại giở vú ra cho con bú, lần này thằng bé bú no, nên ngủ tít.
Trời đã về chiều, bắt đầu sâm sẩm tối. Các nhà thờ đóng cửa, còn chúng tôi ngồi đấy, mỏi mệt, ủ rũ, đầu óc không nghĩ ra được cái gì cả. Chúng tôi cảm thấy tuyệt vọng hễ cứ nghĩ đến việc chúng tôi đã bỏ phí mất bao nhiêu thời gian vào một việc mà nhẽ ra không nên làm. Tôi nói với vợ:
— Này em, đã muộn rồi đấy, cứ thế này nữa anh không chịu được đâu, phải xem thế nào mà quyết định đi.
Cô trả lời chua cay:
— Đây là con anh, giọt máu của anh… Anh muốn thế nào: đem vứt nó đi, quẳng vào một xó như một cái bọc cho mèo nó tha ư?
— Không, không, — tôi nói, — Nhưng mà những chuyện như thế này hoặc là phải làm ngay, không đắn đo chần chừ gì cả, hoặc là hoàn toàn không làm.
Thế mà cô ta đáp lại:
— Anh chỉ sợ tôi nghĩ lại rồi mang nó về nhà chứ gì?... Đàn ông các anh đều hèn tất!
Tôi hiểu rằng lúc này không cãi lại cô được nên giảng hòa:
— Anh hiểu lắm chứ, hãy bình tĩnh, nhưng em xem: dù có thế nào đi nữa cũng vẫn còn hơn là giữ con lại mà nuôi trong căn nhà dột nát không có bếp và nhà vệ sinh ở Tômaranchô của chúng mình, mùa đông thì rét mướt, mùa hè thì ruồi nhặng.
Lần này thì cô không nói gì cả.
Chúng tôi lại đi, cũng không biết là mình đi về đâu, dọc theo lộ Naxiônalê lên phía tháp Nê-rông. Đằng sau tháp có một cái phố nhỏ, vắng người. Và một chiếc ô tô con màu xám đang đỗ, bên trong không có người. Tôi lại gần chiếc xe, vặn nắm đấm cửa, cửa xe mở ra. Tôi bảo vợ:
— Mau lên, tiện quá này, đặt con lên ghế sau đi.
Cô nghe theo, đặt đứa bé vào trong xe, còn tôi đóng cửa xe lại. Tất cả chúng tôi chỉ làm trong nháy mắt, không có ai trông thấy. Thế rồi, tôi cầm lấy tay cô, cả hai chạy ào về phía trước quảng trường Quyrinalê (Cung điện hoàng gia cũ, nay là nơi chính phủ Ý đóng trụ sở) sáng một vài cây đèn, và đằng sau cung điện đêm đêm là những ngọn đèn thành phố của Rôma. Vợ tôi lại gần đài phun nước cạnh tượng đài, ngồi xuống một cái ghế đá, nét mặt buồn bã, rồi quay mặt đi khỏi tôi, bỗng khóc lên hu hu.
Tôi nói:
— Gì mà em khóc dữ thế?
— Bây giờ em bỏ nó đi rồi, em thấy trống trải quá, em thấy thiếu đi ở đây này, nơi ngực em mà nó vẫn nằm, em vẫn bế nó.
Tôi nói:
— Anh hiểu, tất nhiên… Nhưng rồi sẽ qua đi thôi.
Cô nhún vai và vẫn tiếp tục khóc. Rồi bỗng nhiên nước mắt cô chợt khô đi như mặt cầu sau cơn mưa, gió thổi. Cô vùng dậy kêu toáng lên như người điên tay chỉ về phía cung điện hoàng gia cũ:
— Tôi sẽ đến đấy, gặp vua, sẽ kể hết cho vua nghe!
— Dừng lại! — tôi quát, giữ lấy tay cô, — Cô điên rồi sao?... Cô không biết là đã từ lâu không có vua sao?
— Có vua hay không có vua cũng được. Tôi sẽ nói cho người nào đang ngồi đấy biết. Phải có ai đó ở trong ấy chứ?
Cô lao về phía cửa cung điện, và chắc hẳn đã làm om sòm lên nếu như tôi không kịp thời hét to:
— Này, anh nghĩ lại rồi, hay là thế này… Ta quay lại ô tô lấy con đi… Thôi cứ để nó lại mà nuôi, đằng nào chả thế — thêm một đứa, bớt một đứa, có vấn đề gì đâu.
Cái ý nghĩ ấy mà rõ ràng là vẫn quanh quẩn ở trong óc cô, lập tức lấn át mất ý nghĩ về vua.
— Liệu con nó có còn ở đấy không? — cô hỏi và lao nhanh về phía phố kia.
— Làm gì chẳng còn, — tôi nói, — chưa đầy năm phút mà.
Thật thế, chiếc xe vẫn còn đỗ ở đó. Nhưng đúng vào lúc vợ tôi mở cửa xe ra, thì từ trong nhà, một người đàn ông trung niên, thấp, béo tốt, hồng hào chạy ra, quát:
— Này, này! Bà làm gì ở trong xe tôi đấy?
— Tôi lấy cái này của tôi, — vợ tôi trả lời, không hề ngoái lại, chỉ hơi khom khom người để bế đứa bé từ ghế xe ra.
Nhưng người đàn ông vẫn làm căng:
— Bà lấy cái gì ở đây đấy? Đây là xe của tôi… có hiểu không? Xe của tôi!
Ôi chao, phải trông thấy vợ tôi khi ấy mới được! Cô dướn thẳng người lên, cho anh ta một tràng:
— Ai người ta thèm lấy cái gì của nhà ông? Đừng lo, không ai lấy gì của ông cả đâu. Còn tôi thì tôi nhổ toẹt vào xe của nhà ông, tôi thèm vào… Đây này.
Và cô nhổ toẹt vào cửa xe thật.
— Thế cái bọc này là cái gì?... — người đàn ông đã hơi bị lúng túng.
— Đây không phải là cái bọc gì… mà là con trai tôi… Ông xem này.
Cô mở mảnh tã che mặt đứa bé, đưa ra cho ông ta xem rồi lại tiếp:
— Ông với vợ ông cả đời cũng chả đẻ được đứa trẻ xinh như thế này… đừng hòng giữ tôi lại mà làm rầy rà, chả có tôi đi gọi cảnh sát báo là ông định đánh cắp con tôi cho mà xem.
Nói tóm lại là cô đã cho ông ta một thôi một hồi, đến nỗi ông ta chỉ còn biết há hốc miệng ra và tức đỏ mặt. Cuối cùng thì vợ tôi cũng thôi, quay ra và đuổi kịp tôi ở ngã ba.
Những câu chuyện thành Rôm Những câu chuyện thành Rôm - Alberto Moravia Những câu chuyện thành Rôm