What holy cities are to nomadic tribes - a symbol of race and a bond of union - great books are to the wandering souls of men: they are the Meccas of the mind.

G.E. Woodberry

 
 
 
 
 
Tác giả: Alberto Moravia
Biên tập: Sakitabi
Upload bìa: Son Le
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2837 / 63
Cập nhật: 2017-09-11 05:06:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Đừng Nghĩ Ngợi Làm Gì!
hẽ ra Anhezê có thể báo trước với tôi chứ không phải là đi hẳn khỏi nhà như thế, chẳng hề nói một lời từ biệt. Tôi hoàn toàn không tự coi mình là người toàn vẹn, và nếu như cô nói cho tôi biết cô không vừa ý cái gì, thì hai người có thể bàn bạc với nhau. Đằng này không: hai năm trời sống với nhau chẳng điều tiếng gì. Thế rồi đột nhiên, một buổi sáng, nhân lúc tôi vắng nhà, cô bí mật lẻn đi, y như thể một con ở đi tìm chỗ khác tốt hơn. Cô ta bỏ tôi mà đi, đến nay đã sáu tháng rồi, mà tôi vẫn không thể hiểu nổi vì sao cô bỏ đi.
Sáng hôm ấy tôi ra chợ mua tất cả các thứ cần thiết. Tôi thích đi chợ mua bán lấy, vì tôi biết giá cả, biết ở nhà còn thứ gì, thiếu thứ gì, thích mặc cả, sờ thử, nắn thử: tôi phải xem xem bít-tết làm bằng loại thịt gì, táo còn tươi hay héo. Tôi xách làn thức ăn về rồi lại chạy ra mua một mét rưỡi giấy bồi để dán lên tường phòng ăn. Vì trù tính mua các thứ trong một khoản tiền nhất định, nên tôi đi qua các cửa hàng một lượt trước khi chọn được cái mình định mua trong một cửa hàng nhỏ ở phố Uminta. Tôi về đến nhà lúc mười một giờ hai mươi, vội vào phòng ăn để ướm thử mầu giấy với mầu tường, thì thấy trên bàn một lọ mực, một cây bút và một bức thư. Thật ra mà nói thì vết mực đỏ trên tấm thảm trải bàn đập vào mắt tôi trước hết, khiến tôi nghĩ bụng: “Chết cha... mực đổ cả ra thảm rồi!”.
Tôi dọn mực, bút và bức thư, gỡ tấm thảm trải bàn đem vào trong bếp, lấy chanh tẩy sạch mực đi. Sau đó tôi trở vào phòng ăn, trải lại khăn bàn và chỉ đến bấy giờ tôi mới nhớ tới bức thư. Bức thư đề gửi tôi: “Anh Anfrêđô”.
Tôi mở ra và đọc: “Em đã dọn dẹp các phòng. Cơm thì anh đi nấu lấy, anh vốn khéo tay. Em về ở hẳn với má đây. Xin chào. Anhezê”.
Thoạt tiên, tôi không hiểu gì cả. Sau đó tôi đọc lại bức thư và cuối cùng cũng hiểu rằng Anhezê đi hẳn, cô bỏ tôi sau hai năm chung sống.
Theo thói quen, tôi bỏ bức thư vào ngăn kéo tủ, chỗ vẫn thường cất hóa đơn và toàn bộ thư từ, giấy má, rồi ngồi xuống chiếc ghế dựa nhỏ gần cửa sổ. Tôi cũng không biết là mình nghĩ gì nữa, bởi hoàn toàn không hề lường trước các chuyện như thế và không thể tin vào điều đã xảy ra. Trong lúc tôi ngồi trầm ngâm tư lự như thế, mắt tôi nhìn xuống sàn và tôi chợt phát hiện ra một cái lông trắng có lẽ tung ra từ cái chổi phất trần mà Anhezê đã dùng để phủi bụi. Tôi nhặt lấy cái lông, mở cửa sổ vứt ra ngoài. Rồi tôi đội mũ đi ra phố.
Vừa đi trên vỉa hè, và theo thói quen mỗi bước chân một viên đá, tôi vừa tự hỏi: mình đã làm gì Anhezê thế nhỉ? Tại sao cô ta lại bỏ tôi một cách đáng giận như vậy, rõ ràng với ý định xúc phạm, như vậy? Trước hết tôi tự đặt câu hỏi: Liệu Anhezê có quyền trách tôi phải lòng người khác, dù là chốc lát không? Và lập tức tự trả lời: không. Chưa bao giờ tôi thấy hấp dẫn về đàn bà một cách đặc biệt cả. Tôi không hiểu họ, họ không hiểu tôi, còn kể từ ngày tôi lấy vợ thì có thể nói họ — đàn bà — đối với tôi thôi không còn tồn tại nữa. Đến nỗi chính Anhezê có lần hỏi đùa tôi:
— Giả dụ bây giờ anh phải lòng một cô nào thì sao? Tôi trả lời:
— Điều đó không có thể xảy ra. Bởi vì anh yêu em và không ai khác cả. Anh yêu em suốt đời.
Nghĩ đến đây, tôi nhớ lại rằng cái câu “yêu suốt đời” ấy dường như không làm mừng Anhezê, mà trái lại mặt cô hơi xị ra một tí, và cô nín thinh.
Tôi chuyển sang giả thiết khác: hay có thể Anhezê bỏ tôi vì lý do tiền nong hoặc nói chung là do cách sống của hai chúng tôi?
Nhưng lần này nữa tôi cũng đi đến kết luận là không có gì để lương tâm tôi cắn rứt. Thực tình thì tiền nong tôi cũng chỉ đưa cho cô trong những trường hợp đặc biệt cần thiết, nhưng cô nào có cần gì đến tiền? Lúc nào tôi chả ở bên cạnh cô và sẵn sàng trả tiền cho cô. Chúng tôi ăn tiêu không đến nỗi tồi, thử nghĩ mà xem: tuần hai lần xem phim, hai lần đi ăn hiệu, và tôi cũng không phải là người bủn xỉn đến mức để ý xem cô có đặt kem cốc không hay là chỉ cà phê không thôi; báo thì mua hằng ngày. Mùa đông thỉnh thoảng còn đi nghe cả ôpêra; mùa hè thì đi ra nhà nghỉ ngoại ô của ba tôi ở Marinô. Phương tiện giải trí thì như thế, còn về quần áo thì Anhezê lại càng ít lý do để phải phàn nàn. Mỗi khi cô cần mua sắm cái gì, dù là chiếc coóc-xê, đôi tất ni lông hay những khăn mùi xoa này khác, tôi đều chiều ý, đi với cô đến tận cửa hàng, cùng với cô chọn lựa và trả tiền, không chút đắn đo. Khi cô bảo: “Em muốn mua mũ, em cần cái áo”, chưa từng có lần nào là lần tôi không đáp: “Nào ta đi, anh đi cùng với em”. Cũng phải công nhận rằng Anhezê không phải là người đòi hỏi lắm lắm: đến năm thứ hai sau khi lấy nhau, cô hầu như thôi hẳn không nghĩ đến chuyện ăn diện nữa. Chính tôi đôi lần đã phải nhắc cô cần mua áo này áo kia. Cô trả lời rằng cái đó không quan trọng lắm, và rằng quần áo từ năm ngoái của cô vẫn còn. Tôi thậm chí đã nghĩ rằng Anhezê khác những phụ nữ khác ở điểm đó — không thích cầu kỳ.
Như vậy là những nguyên nhân về tình cảm và tài chính là không có. Chỉ còn lại cái mà các luật sư gọi là tính cách không hợp. Nhưng thử hỏi không hợp gì mà suốt hai năm trời giữa hai chúng tôi không có qua một lần nào cãi cọ nhau? Tôi xin cam đoan, không lần nào! Lúc nào chúng tôi cũng ở bên nhau, còn nếu không hợp thì nó phải thể hiện ra bằng cách nào đó chứ. Vậy mà Anhezê không bao giờ cãi lại tôi, có thể nói cô hầu như không chuyện trò gì mấy. Có những khi cả buổi tối ngồi ở tiệm hoặc ở nhà, cô chẳng hề hở miệng, luôn luôn chỉ có mình tôi nói.
Tôi không phủ nhận là mình hay nói và thích nghe mình nói nữa, nhất là lại với một người gần gũi mình. Giọng nói của tôi bình tĩnh, đều đặn, không to, không nhỏ quá, chín chắn đĩnh đạc, và nếu tôi đã nói về một đề tài gì thì nói đến tận chân tơ kẽ tóc, về mọi phương diện. Tôi hay thích nói về những công việc làm ăn: thích bàn luận về giá cả, về cách bố trí giường tủ trong phòng, về các món ăn, về hệ thống lò sưởi, tóm lại là về đủ thứ lặt vặt. Tôi nói không biết mệt về những chuyện như thế và tìm thấy ở đấy sự vui thú, đến mức có vài lần tôi phát hiện ra rằng sau khi đã nói hết về một đề tài rồi, tôi lại nhắc lại toàn bộ những suy nghĩ của mình từ đầu. Nhưng phải công nhận với nhau rằng với đàn bà chính là phải nói những chuyện như thế, nếu không thì nói chuyện gì?
Hơn nữa Anhezê nghe tôi nói một cách chăm chú, hay ít nhất là tôi cảm thấy thế. Chỉ có một lần, trong khi tôi đang giải thích cho cô về cấu tạo cái bình đun nóng trong phòng tắm, cô bỗng thiếp đi. Tôi đánh thức cô dậy, hỏi:
— Em nghe chán lắm à? Cô vội đáp:
— Không, không phải. Em chỉ hơi mệt, chả là đêm qua ngủ ít mà.
Những ông chồng thường là bận công việc hoặc bận buôn bán kinh doanh, còn khi không có việc gì thì hay thích giao du với bạn bè. Còn đối với tôi, Anhezê thay thế cho tất cả: cho công việc, cho kinh doanh và cho bạn bè. Không một phút nào tôi để mặc cô một mình, lúc nào cũng ở bên cô, thậm chí, — dù cho các bạn có lấy làm ngạc nhiên đi nữa — cả những lúc cô nấu ăn. Tôi lại có cái thú ham nấu nướng, hàng ngày trước bữa ăn trưa tôi đều mặc tạp dề xuống bếp giúp Anhezê một lúc. Tôi làm mỗi thứ một tí: gọt khoai tây bóc vỏ đỗ, băm bít tết, trông những nồi đang đặt trên bếp. Tôi giúp cô đắc lực đến nỗi cô phải bảo:
— Anh này… hay là anh làm lấy tất đi… em bị nhức đầu, em đi nằm một tí đây.
Thế là tôi bèn nấu một mình; có quyển sách nấu ăn ở đấy, tôi còn thử chế những món mới nữa kia. Chỉ tiếc rằng Anhezê rất khảnh ăn, ít lâu nay cô lại ăn không ngon miệng, chẳng đụng gì đến thức ăn cả. Một lần cô nói với tôi nửa đùa nửa thật:
— Anh sinh nhầm thành đàn ông hay sao ấy… Anh là đàn bà… thậm chí là bà quản gia.
Tôi phải công nhận rằng cô nói như thế cũng có phần đúng: quả là ngoài nấu nướng ra tôi cũng thích giặt, là, khâu vá.
Như tôi đã nói, tôi không bao giờ xa cách Anhezê, cả khi bà mẹ vợ hoặc bạn gái cô đến chơi, cả khi không biết tại sao tự nhiên, cô nghĩ ra việc học tiếng Anh và chỉ để cùng được ở bên cô, tôi cũng cắp sách đi học cái thứ tiếng khó đó. Tôi gắn bó với cô đôi khi đến mức tức cười. Chẳng hạn như có một lần ở trong tiệm ăn, không nghe rõ cô rỉ tai tôi nói cái gì, tôi đã đi theo cô đến tận nhà vệ sinh, và bị người phục vụ chặn lại, bảo đó là nhà vệ sinh nữ, không được vào.
Vâng, một người chồng như tôi đâu có phải dễ tìm. Thường có những lúc Anhezê bảo:
— Em cần đi đến chỗ này gặp người này, không liên quan gì đến anh cả đâu.
Nhưng tôi trả lời:
— Anh đi với… anh chả bận gì cả mà.
— Thôi được rồi, đi thì đi, nhưng em nói trước cho mà biết, ở đó anh sẽ thấy chán cho mà xem.
Nhưng kết quả là tôi chẳng thấy chán gì cả, và sau đó tôi nói:
— Em thấy không, anh chẳng thấy chán tẹo nào.
Nói tóm lại là hai chúng tôi luôn có nhau.
Vừa đi vừa suy nghĩ về tất cả những điều đó và tự hỏi đi hỏi lại mình, tại sao Anhezê lại bỏ đi, tôi đã đến cửa hàng của ba tôi. Đây là một hiệu bán đồ tế lễ ở gần quảng trường Minecva. Ba tôi còn chưa già, tóc vẫn còn đen, quăn, bộ râu đen, bên dưới ẩn một nụ cười mà tôi không bao giờ hiểu nổi. Có lẽ vì quen nói chuyện với các cha cố và những người đi đạo nên phong thái ba tôi rất ung dung, điềm đạm và luôn luôn nhã nhặn. Nhưng mẹ tôi là người biết rõ ông thì nói rằng đó chỉ là do ông rất biết tự chủ.
Tôi đi qua dãy tủ kính bày những đinh đồng, vào phòng trong, ở đó có bàn làm việc của ba tôi. Như thường lệ, ba tôi đang cắn cắn đuôi ria mép ngồi tính sổ sách. Tôi lúng túng nói:
— Ba ơi, Anhezê bỏ con rồi.
Ông ngước mắt lên nhìn như mỉm cười sau hàng râu — hoặc có thể chỉ là tôi cảm thấy như thế.
— Ba rất tiếc, — ông nói, — quả thật rất lấy làm tiếc… Thế đầu đuôi ra sao?
Tôi kể chuyện lại, và thêm:
— Con thì con buồn lắm… nhưng trước hết con muốn hiểu tại sao cô ấy bỏ con.
Ông hỏi một cách bâng quơ:
— Thế con không hiểu tại sao à?
— Không.
Ông im lặng một lát, rồi thở dài nói:
— Anfređô ạ, ba rất lấy làm tiếc, nhưng ba không biết nói thế nào với con cả… Con là con, ba nuôi con, quí con… Nhưng còn chuyện vợ chồng thì tự con, con phải nghĩ lấy.
— Vâng, nhưng tại làm sao cô ấy lại bỏ con mới được chứ? Ông lắc lắc đầu:
— Ở địa vị con thì ba chả nghĩ ngợi làm gì cho mệt. Mặc kệ… Biết nguyên nhân đối với con quan trọng lắm hay sao?
— Quan trọng lắm… quan trọng hơn hết.
Giữa lúc ấy có hai vị cố đạo bước vào. Ba tôi đứng dậy, ra tiếp họ và bảo với tôi:
— Lúc khác con lại nhé… ta sẽ lại nói chuyện… Bây giờ ba bận. Tôi hiểu rằng không chờ đợi được gì nữa ở ông, bèn đi.
Nhà mẹ của Anhezê ở gần đấy, trên đại lộ Víchto Emenuen. Tôi nghĩ rằng người duy nhất có thể giải thích cho tôi biết bí mật của sự ra đi đó chính là Anhezê. Thế là tôi đến đó. Tôi lên cầu thang, vào phòng khách. Nhưng ra tiếp tôi không phải Anhezê mà là bà mẹ cô, mà tôi vốn rất ghét. Bà ta cũng buôn bán. Đấy là một phụ nữ tóc nhuộm đen, má bôi phấn, luôn luôn tươi cười, kín đáo và giả tạo. Bà mặc áo dài trong nhà, ngực áo đính bông hồng. Trông thấy tôi, bà làm ra bộ đon đả:
— A, anh Anfređô, tự nhiên hôm nay anh lại đến, thế là thế nào?
— Má biết tại sao con đến đây rồi, — tôi trả lời — Anhezê bỏ nhà đi.
Bà bình tĩnh nói:
— Ừ, nó đang ở đây, con ạ. Biết làm thế nào? Những chuyện như thế ở đời thường vẫn xảy ra mà.
— Lẽ nào đấy là tất cả những gì má có thể nói với con? Bà nhìn tôi chăm chú rồi hỏi.
— Anh đã cho gia đình anh biết chưa?
— Có, con có nói với ba con.
— Thế ông cụ bảo sao?
Ba tôi bảo sao thì việc gì đến bà ta mới được kia chứ? Tôi trả lời gióng một:
— Má biết tính ông cụ rồi đấy… Cụ bảo mặc kệ, đừng nghĩ ngợi làm gì.
— Phải đấy con ạ… Chả cần nghĩ ngợi làm gì.
— Nhưng mà suy cho cùng, — tôi bắt đầu thấy máu nóng bốc lên, — tại sao cô ấy lại bỏ đi mới được chứ? Con đã làm gì cô ấy? Tại sao má không nói?
Tôi vừa nói những lời giận dữ ấy vừa đưa mắt nhìn lên bàn. Trên khăn trải bàn là một tấm vải móc ren, trên đó đặt một bình hoa anh túc đỏ. Nhưng tấm vải móc nằm hơi lệch, không phải ở chính giữa mặt bàn. Tức khắc, thậm chí không ý thức được mình làm gì nữa, tôi nhấc bình hoa lên, đặt lại tấm vải cho đúng chính giữa, trong lúc bà cứ nhìn tôi mủm mỉm cười không đáp.
Đến lúc ấy thì bà nói:
— Khá lắm… Bây giờ thì bình hoa ở chính giữa bàn… Tôi cũng không phát hiện ra, vậy mà anh thấy ngay… Giỏi lắm… Thế còn bây giờ thì anh có thể đi được rồi đấy.
Bà đứng dậy, và tôi cũng đứng dậy. Tôi định hỏi liệu có thể gặp Anhezê được không, nhưng lại thôi, vì hiểu rằng vô ích; thêm nữa tôi cũng sợ gặp cô ta tôi mất bình tĩnh, rồi thì sẽ làm hoặc nói những điều thất thố. Thế là tôi đi, và kể từ ngày ấy không gặp lại vợ tôi nữa. Có thể rằng một ngày nào đó cô sẽ quay về, sau khi hiểu ra rằng những người chồng như tôi chẳng dễ mà có được. Nhưng tôi quyết không cho cô bước qua được ngưỡng cửa mà vào nhà, chừng nào còn chưa chịu giải thích cho tôi hiểu tại sao cô đã bỏ tôi ra đi như vậy.
Những câu chuyện thành Rôm Những câu chuyện thành Rôm - Alberto Moravia Những câu chuyện thành Rôm