Khi những suy nghĩ của bạn có mục đích, bạn đã được xếp vào nhóm người mạnh mẽ. Những người này xem thất bại là một trong những con đường dẫn đến thành công.

James Allen

 
 
 
 
 
Tác giả: Alberto Moravia
Biên tập: Sakitabi
Upload bìa: Son Le
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2837 / 63
Cập nhật: 2017-09-11 05:06:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Anh Quá Nghèo
ôi lấy chồng năm mười tám tuổi. Chồng tôi sáu mươi, nhưng đúng là một người mà mẹ tôi hằng mong ước cho tôi từ khi tôi còn chưa lọt lòng mẹ: một người giàu. Song, hình thức bên ngoài của ông hoàn toàn không phải như thường thấy ở những người chiếm hữu những gia sản kếch sù: không thô thiển, cục súc hoặc đầu hói, bụng to. Thậm chí trái lại. Dưới mái tóc trắng óng ánh như bạc là một khuôn mặt hồng hào, trìu mến và niềm nở. Nhưng điểm đáng chú ý nhất của ông là đôi mắt: đôi mắt đen, ánh mắt tắt lịm, không biểu hiện một tí tình cảm nào cả. Cái nhìn của ông bất động một cách lạ lùng, nhất là khi ông chú ý nhìn cái gì đó (hoặc ai đó) khiến ông đặc biệt thích thú. Thay cho con ngươi là đôi kính hiển vi mà những người thợ kim hoàng thường đeo lên mắt để nhìn vàng bạc và các loại đá quý. Trong sâu thẳm của đôi con ngươi ấy không bao giờ biểu lộ sự không biết, nỗi ngạc nhiên, sự thán phục hay trí tò mò, mà bao giờ cũng chỉ là sự xét đoán không nhầm lẫn về giá trị của vật này hay vật khác hoặc (tại sao lại không kia chứ?) của một con người, về giá trị được biểu hiện trước hết bằng tiền hoặc dưới hình thức khác được chuyển thành các dạng tiền.
Và lạ lùng thay, tôi đã nghĩ về điều đó không phải sau khi cưới (chẳng hạn khi hai vợ chồng thường hay đi các cửa hiệu vàng bạc và đồ cổ), mà trước khi ông xin cưới, trong thời gian ông còn đang tán tỉnh tôi. Mà săn sóc phụ nữ thì ông là người rất tận tình, ít nhất là căn cứ vào những cử chỉ bề ngoài. Nhưng nghĩ kỹ thì sự nhiệt tình đó có hơi trơ trẽn, ít nhất là xét từ góc độ của người phụ nữ không muốn bị người ta xem như là một bình sứ cổ Trung Quốc hoặc bức tượng nhỏ của bộ lạc Maia. Song đối với tôi, một cô gái trẻ, chưa từng trải, thì sự trơ trẽn đó lại làm tôi thích thú, có tác dụng vuốt ve dây thần kinh, cho nên rốt cuộc tôi đã phải lòng ông ta.
Ông ngồi trong căn phòng tiếp khách nghèo nàn và tù túng của gia đình tôi (tôi với mẹ tôi ở một căn hộ hai phòng và sống rất eo hẹp), hầu như không hề nói năng gì cả, chỉ nhìn tôi. Sau này, khi chúng tôi đã cưới nhau rồi, tôi nhận thấy rằng ông ta nhìn các vật trưng bày ở cửa hàng cũng đúng y như thế.
Phải nói rằng tôi là cô gái rất xinh. Nhưng căn cứ vào cái nhìn của ông, vẻ đẹp của tôi hoàn toàn không hề gây ra ở ông một sự hồi hộp, bối rối nào cả, cũng không làm mê mẩn như đối với những người đàn ông khác. Cách thể hiện của ông là của một người biết rằng nếu muốn, anh ta có thể mua ngay đồ vật ấy và anh ta hiện đang xem xét nó chỉ là để xác định đúng giá của nó hiện nay là bao nhiêu và sau này nó có thể đem lại những ích lợi gì.
Cuối cùng chúng tôi cưới nhau. Chồng tôi yêu tôi và tôi cũng yêu chồng. Trong suốt hai năm, cuộc hôn nhân của chúng tôi có thể nói là hạnh phúc. Nhưng cần phải nói rõ tình yêu đó là gì và hạnh phúc đó ra làm sao. Tôi sẽ cố gắng giải thích bằng chính ngay thí dụ đó (tôi muốn nói cặp mắt của chồng). Chính mắt, chứ không phải là các giác quan khác, làm sợi dây nối liền ông với thực tế, nói đúng hơn là với những đồ vật mà ông liên tục mua sắm. Mắt ông thiết lập mối liên hệ đó, củng cố nó và cuối cùng cắt đứt nó. Mối liên hệ ấy thường trải qua hai giai đoạn: giai đoạn đánh giá và giai đoạn thưởng thức vật mua về. Giai đoạn đầu diễn ra trước mặt người bán, trong cửa hàng. Chồng tôi ngắm nghía rất lâu vật định mua, đứng xem không sờ mó, hoặc giả cầm lên, lăn đi lăn lại trên tay để xem cho rõ bằng hai con mắt cú mèo
— toàn bộ xúc cảm của ông tập trung ở thị giác chứ không phải ở xúc giác. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn thưởng thức vật mua diễn ra ở nhà, trong phòng làm việc của ông. Đấy là một phòng rộng với một cái bàn lớn cùng nhiều cái giá đóng trên tường để đặt những đồ vật ông mới mua được. Khi mà chúng vẫn còn ở trong phòng, thì có nghĩa là ông vẫn còn đang ngắm nghía, thưởng thức chúng. Ông thưởng thức chúng như thế nào? Như một con quỷ hút máu, bằng cặp mắt mà ánh mắt đã tắt với cái nhìn bất động, ông “hút” đồ vật như hút lòng đỏ lòng trắng trứng từ cái lỗ nhỏ của quả trứng. Quả trứng đã bị hút hết trông vẫn tưởng như còn nguyên nhưng kỳ thực rỗng ruột và bị vứt ra sọt rác. Chồng tôi sau khi “hút” xong đồ vật dĩ nhiên là không vứt đi (còn chưa đến mức độ đó); vật ấy chỉ đơn giản là biến mất khỏi phòng làm việc. Tôi nhớ hồi trước ông có một bình sứ Hy Lạp rất đẹp trang trí những hình người màu đen trên nền đỏ. Cái bình đặt mãi ở trong phòng, rồi biến mất. Một thời gian sau, tôi tìm thấy nó trong một cái bọc.
Tình yêu của chồng đối với tôi cũng hoàn toàn giống như sự say ngắm đồ vật của ông. Ông nhìn ngắm tôi không hề biết chán, lúc nào cũng nhìn suốt: trong khi ăn, trong khi ngủ, ở nhà bạn bè, ở tiệm ăn, trong nhà hát, ngoài vườn, ngoài bãi bể, trên núi, giữa đám đông ngoài phố cũng như khi ngoài chúng tôi ra không có một ai… Chính là trong cái nhìn không dứt, không còn là cái nhìn mang tính chất đánh giá lạnh lùng nữa mà là cái nhìn say sưa không biết chán đó, chứa đựng tình yêu của ông. Còn về phần tôi, tôi rất gắn bó với ông. Có lẽ tôi cảm thấy đối với ông một thứ tình cảm giống như những đồ vật vô tri vô giác cảm thấy đối với ông chủ báu vật của chúng nếu như chúng có tình cảm: đó vừa là một thứ tình cảm biết ơn, vừa là mong muốn khoe sắc đẹp, vừa là sự công nhận uy thế tuyệt đối của ông ta.
Thế rồi bỗng dưng, vô duyên cớ, chồng tôi không yêu tôi nữa, hoàn toàn không nhìn tôi nữa. Chúng tôi vẫn sống như trước, nhưng ông dường như gạt tôi ra khỏi tầm mắt mình như gạt ra khỏi phòng làm việc những đồ vật mà ông đã ngắm nghía thỏa thuê. Sự thật thì sự gắn bó của ông với tôi trong khi ấy vẫn không hề giảm đi, mà trái lại, lại có phần tăng lên. Cảm giác sở hữu đã mất đi. Ông bắt đầu đối với tôi như đối với một người phụ nữ gắn bó với mình bởi một sự gần gũi lâu ngày. Nói một cách ngắn gọn, tôi thôi không còn là một đồ vật đối với ông nữa, mà trở thành một con người. Người phụ nữ khác ở địa vị tôi hẳn đã lấy làm mừng, cho rằng bước chuyển đó là theo hướng tốt, rằng nó chứng tỏ mối quan hệ vợ chồng như vậy là được củng cố. Nhưng tôi thì đau khổ đến chết đi được, không biết làm thế nào. Tôi cảm thấy rằng mình bị “thương hại”, rằng vị trí của mình đã bị lung lay, và tôi không còn là tôi trước nữa. Vâng, vâng, đúng thế, tôi lấy làm tiếc cái thời mà tôi chỉ là một đồ vật quý, xinh đẹp được người ta mua về ngắm nghía cùng với những đồ vật khác, và thấy đáng ghét làm sao địa vị của người phụ nữ được người ta đối xử bằng những tình cảm kính cẩn và dịu dàng bình thường của con người.
Một năm sau khi diễn ra sự hóa thân — từ đồ vật thành con người — ấy của tôi, thì chồng tôi chết. Như vậy là tôi với ông đã sống với nhau ba năm, nhưng trong đó như “người chủ với đồ vật” chỉ có hai năm. Tôi bỗng nhiên đơn chiếc, trở thành người chủ của một tài sản kếch sù và — than ôi! — hơn bao giờ hết cảm thấy mình là một phụ nữ, một nhân cách, một con người.
Tôi sẽ không kể với các bạn tôi đã sống những năm từ đấy đến đây như thế nào. Hãy giở bất kỳ quyển họa báo thời trang nào, đọc qua mục phóng sự đời sống thượng lưu, bạn sẽ có ngay một khái niệm đầy đủ về tôi, về sinh hoạt của tôi, được minh họa tỉ mỉ bằng những bức ảnh kèm theo: đây là tôi đang trượt tuyết trên núi Cortina, kia là tôi đang tắm nắng ở bãi biển bên hồ Liđô, đi săn ở Kênia, câu cá ở biển miền Nam, vui chơi trong đêm hội thời trang ở Niu Yooc, đánh “gôn” ở Kent, xem đấu bò tót ở Mađrit, còn đây tôi là một tay máu mê cờ bạc tại cái sòng bạc ở Maiami, là khách du lịch đang tham quan khu khai quật ở Pecxêpôn, vân vân và vân vân. Các bạn hẳn đã thấy cảnh tôi vô số lần và có thể còn ghen tị với tôi nữa là khác, dù rằng chẳng có gì đáng ghen tị cả: vì tôi vẫn không thể nào tìm được một người yêu tôi như tôi muốn, bằng một tình yêu mà chồng tôi đã làm cho tôi quen với nó. Với một ý nghĩa nào đó, tôi đã bị chấn thương suốt đời. Người ta bảo chính những quan hệ tình dục đồi bại hoặc quá sớm thường làm cho con người bị chấn thương như thế. Nói tóm lại, tôi cần người ta phải đánh giá, mua và sử dụng như đánh giá, mua và sử dụng một đồ vật hiếm hoi, quý giá. Các phương án khác của tình yêu đều không làm tôi vừa lòng.
Tiếc rằng giờ đây đối với tôi tình hình phức tạp hơn nhiều so với cái ngày hai mẹ con sống trong một căn hộ hai phòng và những người muốn đến “đánh giá, mua và sử dụng” cứ nườm nượp. Nhờ chồng, tôi đã chuyển thứ bậc sang loại người tự mình có đủ khả năng mua tất cả những gì mình muốn, nhưng trở thành vật sở hữu của ai đó thì không trở thành được nữa rồi… Ai dám cho phép mình làm một việc sa hoa dường ấy, “mua” tôi? Tôi hiểu rất rõ rằng cái nhìn mà ngày nào đã khiến tôi rùng mình phát sợ, vì nó cân nhắc một cách lạnh lùng những giá trị của tôi, cái nhìn đã buộc tôi phải yêu khi tôi còn là một cô gái nghèo, cái nhìn ấy bây giờ chỉ người nào đủ sức không chỉ sở hữu tôi mà sở hữu cả toàn bộ cái gia tài không kể xiết này mới có được. Nói cách khác, người ấy phải giàu có hơn tôi. Mặt khác, người ấy lại còn phải muốn sở hữu tôi nữa chứ! Có nghĩa là những xác xuất của tôi bị giảm đi rất nhiều, nếu không phải nói chung chỉ còn là số không.
Tôi sẽ làm thế nào đây? Không biết.
Để chứng minh cho những lời tôi vừa nói, tôi xin kể lại vắn tắt một câu chuyện, về việc suýt nữa tôi có một thiên tình sử với một anh chàng trí thức trẻ mà tôi gặp cách đây ít lâu ở nhà những người bạn quen chung của cả hai chúng tôi. Trí tuệ sắc sảo của anh ta, tính nghiêm túc lạ thường, thậm chí hơi quá mức của anh, và điều chủ yếu là cái cách nhận xét rất mới của anh về sự việc và con người rất thu hút sự chú ý của tôi. Tôi với anh ta bắt đầu gặp gỡ nhau ngày càng thường xuyên hơn. Thường thường, tôi hẹn anh ta ở một quảng trường nào đó, anh ta đứng đợi tôi, tôi đi xe đến đón anh ta đi ra ngoại ô, có khi đi rất xa. Chúng tôi nói chuyện với nhau. Chúng tôi không làm gì khác ngoài nói chuyện với nhau. Đúng hơn là anh ta nói, còn tôi nghe. Anh hay nói và nói rất hùng biện, đến nỗi đôi lúc tôi chợt nghĩ: nếu lời nói mà đánh giá được bằng trọng lượng vàng thì chắc chắn anh ta đã có thể mua nổi tôi rồi! Nhưng than ôi, anh thanh niên trí thức của tôi lại rất nghèo. Kết quả tất nhiên là anh ta đâm yêu tôi. Tôi — trong những trường hợp như thế — hiểu ngay ra điều đó căn cứ vào cách anh ta nhìn tôi. Nhưng cái nhìn của anh, cái nhìn nồng cháy bình thường của một kẻ đang yêu gặp phải con người tôi lạnh lẽo. Tôi cần phải thấy được trong cái nhìn của người đàn ông thể hiện sự đánh giá lạnh lùng, chính xác những giá trị của tôi, mà một cái nhìn như vậy chỉ có thể có được nếu được cổ vũ bởi một sự giàu có ghê gớm đủ sức nuốt được một cách dễ dàng cả cái vốn tài sản đồ sộ của tôi. Nói giả dụ, nếu tôi đáng giá năm tỉ, thì cái nhìn ấy phải có một sức mạnh ít nhất là ngang bằng với năm mươi tỉ. Cần nói thêm là tỉ lệ giữa sự nghèo nàn của tôi và sự giàu có của chồng tôi ban đầu lớn hơn thế nhiều.
Do đó, khi anh người yêu trí thức của tôi làm một bước đầu tiên nhích lại gần tôi, không đắn đo gì cả tôi liền gạt ngay đi, bảo:
— Không, không, tôi xin anh, chúng ta chỉ có thể là bạn với nhau thôi! Anh quá nghèo để có thể trở thành tình nhân của tôi.
Việc đó xảy ra ở ngoại ô, xa thành phố. Anh ta không nói một lời, ra khỏi xe, đi bộ theo đường cái. Tôi cũng không gọi anh ta nữa. Sức mạnh của cái nhìn của anh khi anh định hôn tôi tính ra (than ôi!) không phải là năm mươi tỉ, mà là một số đồng bạc ít ỏi hàng tháng anh ta nhận được của cha. Thực ra tôi có thể làm với anh cái điều mà ngày xưa chồng tôi đã làm với tôi: tức là đánh giá anh ta để mua và sử dụng. Trên thực tế, từ nay vốn tài sản của tôi có thể cho phép tôi đóng vai trò đó được. Nhưng, như tôi đã nói, cuộc hôn nhân đầu tiên đã làm chấn thương tôi rồi. Sợ rằng số phận tôi là làm một đồ vật suốt đời đi tìm chủ nhân mà không thấy.
Những câu chuyện thành Rôm Những câu chuyện thành Rôm - Alberto Moravia Những câu chuyện thành Rôm