A good book is always on tap; it may be decanted and drunk a hundred times, and it is still there for further imbibement.

Holbrook Jackson

 
 
 
 
 
Tác giả: Philip Roth
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Everyman
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1611 / 38
Cập nhật: 2017-08-18 15:48:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
ó một cô gái đặc biệt mà ông chưa lần nào quên vẫy mỗi lần cô chạy bộ ngang qua, và vào một buổi sáng nọ ông khởi sự làm quen với cô. Trước đó lần nào cô cũng mỉm cười vẫy tay đáp lại, nhung rồi lần nào ông cũng buồn bã nhìn cô chạy xa. Lần này thì ông ngăn cô lại. Ông gọi lớn, "Cô ơi, cô ơi, tôi muốn nói chuyện với cô," và thay vì lắc đầu từ chối rồi lướt qua như gió nói "Lúc này thì không được" như ông hoàn toàn hình dung ra, cô đã ngoái lại rồi rảo bước về phía ông đang đợi bên những bậc thang lót gỗ dẫn xuống bãi biển, tay chống nạnh đứng lại cách ông chưa đến nửa mét dài, đẫm mồ hôi, một sinh vật được tạo hình hoàn hảo. Khi nhịp thở đã trở lại bình thường, cô di di một chân đi giày chạy xuống ván lót như một chú ngựa non, mắt ngước lên nhìn người đàn ông không quen biết đeo kính cao hơn mét chín đầu gọn sóng toàn tóc bạc. Hóa ra, thật tình cờ, cô đã làm việc được bảy năm tại một hãng quảng cáo ở Philadelphia, sống ở vùng bờ biển này và hiện đang trong kỳ nghỉ hai tuần. Khi ông nói với cô tên của hãng quảng cáo tại New York nơi ông đã làm việc gần như cả đời cô thấy cực kỳ ấn tượng; sếp của ông là một huyền thoại, và suốt mười phút tiếp đó họ chỉ nói những chuyện quảng cáo vốn chưa bao giờ làm ông thích thú. Cô hẳn đang ở cuối độ hai mươi, nhưng, với mái tóc xoăn dài màu nâu đỏ buộc ngược ra phía sau, quần soóc thể thao, áo quây và vóc người nhỏ bé, cô có thể bị nhầm với trẻ mười bốn. Ông liên tục phải cố gắng ngăn ánh mắt mình khỏi rớt xuống phần nhô lên đang phập phồng theo mỗi nhịp cô thở. Thật khổ sở khi phải bỏ qua. Ý nghĩ này là một sự lăng mạ lương thức và đe dọa sự tỉnh táo của ông. Cơn phấn khích của ông so với bất cứ điều gì từng xảy ra hoặc có khả năng xảy ra đều không tương xứng. Không những ông phải che giấu ham muốn của mình; để không phát điên ông còn cần phải tiêu diệt nó. Nhưng một cách dai dẳng ông vẫn tiếp tục như đã lên kế hoạch, vẫn ngờ rằng còn một vài tổ hợp từ ngữ bằng cách nào đó sẽ cứu ông khỏi thất bại. Ông nói, "Tôi đã để ý cô chạy." Cô khiến ông ngạc nhiên khi đáp lại, "Tôi đã để ý là ông để ý tôi." "Dám chơi không?" ông nghe thấy mình hỏi cô, nhưng cảm thấy cuộc chạm trán lúc này đã vuột khỏi kiểm soát và rằng mọi chuyện đang đi quá nhanh - cảm thấy, nếu chuyện này có thể, còn liều lĩnh hơn hồi ông quàng cái dây chuyền trị giá một gia tài nho nhỏ ấy lên cổ Merete hồi ở Paris. Phoebe người vợ tận tụy và Nancy đứa con thương yêu ở nhà tại New York chờ ông về - mới hôm trước ông còn nói chuyện với Nancy, chỉ vài tiếng sau khi con bé trở về từ trại hè - nhưng ông vẫn bảo với cô bán hàng, "Chúng tôi sẽ lấy nó. Cô không cần gói đâu. Đây, Merete, để anh làm cho. Anh được sinh ra với loại móc khóa dây chuyền này trong miệng đấy. Nó được gọi là móc khóa dạng hộp thuôn. Hồi những năm ba mươi, khóa dạng nầy là chắc nhất với một chiếc dây chuyền thế này. Lại đây nào, đưa cổ ra đây nào." "Thế ông đã nghĩ ra những gì rồi?" cô gái chạy bộ đáp lời táo bạo, táo bạo đến mức ông thấy mình rơi vào thế yếu và không biết phải trả lời thẳng thắn đến mức nào. Bụng cô rám nắng, cánh tay gầy, cặp mông nổi bật tròn lẳn và rắn chắc, đôi chân thanh mảnh với những đường cơ khỏe mạnh còn ngực thì quả là đáng kể so với một người chẳng cao hơn mét rưỡi là bao như cô. Cô có vẻ khêu gợi đẫy đà của những cô gái Varga [8] trong hình minh họa tạp chí thập niên 1940, nhưng là một cô gái Varga thu nhỏ, giống trẻ con, cũng là lý do tại sao từ đầu ông lại vẫy tay với cô.
Ông đã nói "Dám chơi không?" và cô đã đáp, "Thế ông đã nghĩ ra những gì rồi?" Giờ sao đây? Ông tháo kính ra để cô có thể nhìn thấy mắt ông khi ông nhìn cô chằm chặp từ đầu đến chân. Liệu cô có hiểu khi trả lời ông như vậy có nghĩa là cô đã ám chỉ gì không? Hay đó chỉ là một câu nói chỉ để nói, chỉ để nghe có vẻ tự chủ ngay cả khi cô đang hoảng sợ và không hiểu gì? Cách đó ba mươi năm ông hẳn đã không hề nghi ngờ kết quả của việc theo đuổi cô, dù cho cô có trẻ như vậy, và khả năng bị từ chối ê chề hẳn đã không thể xảy ra với ông. Nhưng niềm vui mà lòng tự tin mang lại đã mất, cùng với nó là tính bông lơn dẫn dắt cuộc chuyện trò. Ông cố hết sức che giấu nỗi lo lắng của mình - và cả thôi thúc được đụng chạm - và cơn khát có được một cơ thể như thế - và tính phù phiếm của tất cả những chuyện này - và sự tầm thường của ông - và có vẻ như đã thành công, vì khi ông lấy một mảnh giấy ra khỏi ví rồi viết số điện thoại, cô không nhăn mặt vừa cười nhạo ông vừa chạy vụt đi mà chỉ nở một nụ cười đồng thuận lành hiền như mèo, kiểu nụ cười rất dễ đi kèm thêm một tiếng gừ gừ thích thú. "Cô biết tôi ở đâu rồi đấy," ông nói, cảm thấy trong quần mình cứng lên đến không tin nổi, nhanh đến thần kỳ, cứ như thể ông mới mười lăm. Và cũng cảm thấy cái cảm giác sắc nét của sự cá tính hóa, tính độc nhất siêu phàm vốn là đặc trưng của một cuộc chạm trán giới tính hay một cuộc tình tươi mới và là cực đối lập với sự giải nhân cách hóa của bạo bệnh. Cô săm soi mặt ông bằng đôi mắt to màu xanh biển sống động. "Ở ông có cái gì đó rất đặc biệt," cô ân cần nói. "Phải, có đấy," ông bật cười, "tôi sinh tận năm 1933." "Trông ông rất hợp với tôi," cô bảo ông. "Cô trông cũng rất hợp với tôi," ông đáp. "Cô biết phải tìm tôi ở đâu rồi đấy." Đầy vẻ quyến rũ cô đung đưa mảnh giấy trong không, như thể nó là một chiếc chuông nhỏ và trước niềm hạnh phúc của ông nhét nó vào sâu trong chiếc áo quây trước khi trở lại con đường chạy tiếp.
Cô chẳng bao giờ gọi. Và mỗi lần đi bộ ông chẳng bao giờ còn trông thấy cô nữa. Hẳn cô đã quyết định tập chạy trên một lối khác, bằng cách đó cản bước nỗi mong mỏi của ông về một lần bùng nổ vĩ đại cuối cùng.
Ngay sau hành động nực cười với em Varga trông như bé gái mặc quần soóc áo quây, ông quyết định bán căn condo rồi chuyển về New York. Ông coi việc từ bỏ bờ biển này là một thất bại, một thất bại đau đớn cũng gần như chuyện đã xảy ra với tư cách họa sĩ của ông trong suốt nửa năm qua. Trong ba năm ông đã sống theo đúng kiểu nghỉ hưu mình từng suy tính thậm chí từ trước vụ 11 /9; thảm họa 11/9 xảy ra tưởng đã làm tăng cơ hội cho ông làm một thay đổi lớn, nhưng trên thực tế nó chỉ đánh dấu khởi đầu sự yếu đuối và nguồn gốc cảnh tha hương của ông. Nhưng giờ ông sẽ bán nhà rồi về New York, tìm một chỗ gần Nancy trên khu Thượng Tây. Vì chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi ông mua, giá căn nhà của ông đã tăng gần gấp đôi, nên có lẽ ông sẽ có thể đủ tiền mặt mua một chỗ gần Columbia đủ rộng cho tất cả bọn họ, chung sống dưới một mái nhà. Ông sẽ trả tiền sinh hoạt phí cho cả nhà còn Nancy có thể lo được cho bản thân và nuôi con. Cô có thể giảm bớt thời gian đi làm còn ba buổi một tuần và dành cả bốn ngày còn lại cho bọn trẻ, như cô hằng ao ước - nhưng không thể vì thiếu tiền - từ khi đi làm trở lại sau nghỉ đẻ. Nancy, hai đứa sinh đôi, và ông. Đó là một kế hoạch đáng đề nghị với cô. Có thể cô sẽ không ngại ông giúp, mà ông thì đang khát khao có ai đó thân thiết ở bên, người ông có thể cho đi và được nhận lại, và trên đời này, còn ai tốt hơn Nancy?
Ông cho mình vài tuần để quyết định xem kế hoạch này khả thi đến đâu và đánh giá xem nếu đưa nó ra thì mình có vẻ tuyệt vọng tới mức nào. Cuối cùng, khi ông vừa quyết định tạm thời sẽ khoan đề nghị gì với Nancy mà đi New York một ngày, tìm hiểu khả năng tìm được một căn hộ hợp túi tiền, đủ chỗ cho cả bốn người bọn họ sống thoải mái đã, thì tin xấu dồn dập đổ đến qua điện thoại, hôm trước là về Phoebe và hôm sau là về ba đồng nghiệp cũ.
Ông biết tin Phoebe bị đột quỵ khi điện thoại đổ chuông vào lúc hơn sáu rưỡi sáng một chút. Nancy gọi từ bệnh viện. Một tiếng trước đó Phoebe đã gọi Nancy báo mình không khỏe, và trước khi Nancy đưa được bà tới phòng cấp cứu, lưỡi bà đã líu lại khiến hầu như chẳng ai hiểu được bà nói gì còn tay phải đã mất khả năng cử động. Họ vừa chụp cộng hưởng từ xong và Phoebe đang nghỉ trong phòng.
"Đột quỵ ư? Với một người trẻ trung và khỏe mạnh như mẹ con? Có liên quan gì tới chứng đau nửa đầu không? Có thể như thế không?"
"Họ nghĩ là do loại thuốc chữa đau nửa đầu mẹ vẫn uống," Nancy nói. "Đó là loại thuốc đầu tiên có tác dụng. Mẹ biết thuốc đó có một nguy hiểm nhỏ là gây ra đột quy. Mẹ biết. Nhưng một khi đã thấy nó có tác dụng, một khi mẹ đã cắt được cơn đau lần đầu tiên trong vòng năm mươi năm, mẹ quyết định nó đáng để mạo hiểm. Mẹ đã có ba năm thần kỳ thoát khỏi cơn đau. Đó là tuyệt phúc."
"Đến tận bây giờ," ông buồn bã nói. "Đến tận nước này. Con có muốn ba lái xe tới không?"
"Con sẽ báo tin cho ba. Để xem tình hình thế nào đã. Họ tin là mẹ đã qua cơn nguy kịch."
"Mẹ con có phục hồi được không? Bà ấy sẽ nói lại được chứ?"
"Bác sĩ bảo vậy. Ông ấy nghĩ mẹ sẽ phục hồi một trăm phần trăm."
"Tuyệt quá" ông nói, nhưng thầm nghĩ, Để xem điều ông ta nghĩ trong một năm tới sẽ thế nào.
Ông thậm chí còn không cần hỏi, Nancy đã nói, "Khi xuất viện, mẹ sẽ về ở với con. Matilda sẽ trông mẹ ban ngày còn con sẽ lo trong khoảng thời gian còn lại." Matilda là vú em người Antigua and Barbuda, Nancy thuê để chăm sóc bọn trẻ khi cô phải đi làm trở lại.
“Thế thì tốt," ông nói.
"Mẹ sẽ bình phục hoàn toàn, nhưng quá trình phục hồi sẽ mất nhiều thời gian."
Chính ngày hôm đó ông đã định lái xe đi New York để bắt đầu tìm một căn hộ cho tất cả bọn họ; nhưng thay vì thế, sau khi nói chuyện với Nancy, ông vào thành phố thăm Phoebe ở bệnh viện và rồi tối đó lại lái xe trở lại bờ biển đơn độc sống tiếp đời mình ở đó. Nancy, hai đứa sinh đôi, và ông - ngay từ đầu đã thật là một ý tưởng nực cười, và thiếu công bằng nữa, một sự từ bỏ cam kết ông tự đặt ra với mình cái thời mới chuyển tới bờ biển, cam kết sẽ bảo vệ đứa con gái quá nhiệt tình khỏi những nỗi sợ và sự mong manh của một lão già. Giờ thì Phoebe ốm đến thế, và cái thay đổi ông tưởng tượng ra cho họ ấy đằng nào cũng bất khả thi, và ông quyết tâm sẽ không bao giờ ấp ủ bất cứ kế hoạch nào dạng đó cho Nancy nữa. Ông không thể để cô thấy ông như tình trạng thực.
Tại bệnh viện, Phoebe nằm đó trông bàng hoàng. Ngoài líu lưỡi do cơn đột quỵ gây ra, giọng bà yếu đến hầu như không nghe rõ, và bà gặp khó khăn khi nuốt. Ông phải ngồi tựa hẳn vào giường mới hiểu được bà nói gì. Đã hơn hai thập kỷ rồi chân tay họ không ở gần nhau như thế, từ hồi ông khởi hành đi Paris rồi ở đó với Merete trong khi chính mẹ ông chết vì đột quy.
"Bị liệt thật là khủng khiếp" bà bảo ông, đăm đăm nhìn xuống cánh tay phải bất động bên mình. Ông gật đầu. "Cứ nhìn nó," bà nói, "rồi bảo nó cử động đi..." Ông chờ trong lúc nước mắt lăn dài trên mặt bà và bà khó nhọc kết thúc câu nói. Khi bà không thể, ông giúp bà. "Mà nó cứ trơ ra," ông nhẹ nhàng nói. Bà gật đầu, và ông nhớ lại cơn bùng nổ nóng bỏng hùng hồn theo sau sự phản bội của ông. Ông ao ước biết bao rằng giờ bà lại có thể dội thứ dung nham ấy lên ông. Bất cứ thứ gì, bất cứ thứ gì, một bản luận tội, một bài phản đối, một bài thơ, một chiến dịch quảng cáo cho hãng Hàng không Mỹ, một bài quảng cáo một trang cho Reader's Digest-bất cứ thứ gì miễn là bà có thể phục hồi khả năng nói! Phoebe đầy ngôn từ khôi hài, Phoebe thẳng thắn và cởi mở, đã bị khóa lưỡi! "Đó là điều tồi tệ nhất có thể hình dung ra," bà nặng nhọc bảo ông.
Vẻ đẹp của bà, từ đầu đã mong manh, đã bị nghiền nát và vỡ vụn, và dù cao như thế, dưới lớp chăn bệnh viện trông bà như teo rút lại và sắp mục ruỗng. Làm sao tay bác sĩ ấy dám bảo Nancy rằng chuyện tàn nhẫn đã đổ xuống đầu bà ấy sẽ không để lại dấu vết gì lâu dài cơ chứ? Ông rướn người ra phía trước chạm vào tóc bà, mái tóc mềm mại bạc trắng, cố hết sức ngăn mình không khóc và một lần nữa nhớ lại - những cơn đau nửa đầu; ngày Nancy chào đời, ngày ông gặp Phoebe Lambert ở hãng, sợ hãi, ngây thơ đến thú vị, một cô gái được nuôi dạy tử tế và, không như Cecilia, không hề bị đám mây lịch sử tan nát nào của tuổi thơ hỗn loạn phủ bóng tâm hồn, mọi thứ ở bà đều lành lặn và lành mạnh, ơn trời không có xu hướng quá khích, nhưng cũng không hề đơn giản: một tính cách tự nhiên tuyệt vời nhất mà giáo phái Quaker ở Pennsylvania và đại học Swarthmore có thể tạo ra. Ông nhớ bà đã trích dẫn từ trí nhớ cho ông, một cách chính xác bằng tiếng Anh thời Trung cổ và không phải để phô trương, phần lời tựa cho The Canterburry Tales [9] và, còn nữa, cách diễn đạt cũ đến ngạc nhiên học được từ người cha kiểu cách của mình, những câu như "Hiểu được cái này hẳn phải khổ sở lắm đây" và "Nói thế cũng chẳng đến nỗi quá oan," đã khiến ông phải lòng bà ngay cả khi chưa hề trông thấy bà sải bước mạnh mẽ qua cửa phòng làm việc của ông, một phụ nữ trẻ chín chắn, người duy nhất trong cơ quan không tô son môi, cao và không có ngực, mái tóc đẹp buộc ra sau khoe cả chiếc cổ thon và đôi tai dái nhỏ thanh tú của một đứa trẻ. "Sao thỉnh thoảng anh cứ cười khi em nói thế," bà hỏi ông vào lần thứ hai ông đưa đi ăn tối, "sao anh cứ cười khi em hoàn toàn nghiêm túc?" "Vì em quyến rũ anh, mà em chẳng hề biết sức quyến rũ của mình." "Còn nhiều điều phải học quá," bà nói khi ông đi cùng taxi đưa bà về nhà; khi ông nhẹ nhàng đáp, không cảm thấy một gợn vội vàng, "Anh sẽ dạy em," bà đã phải lấy hai tay che mặt. "Em đang đỏ mặt. Em đỏ mặt mất thôi," bà nói. "Ai không đỏ mặt chứ?" ông đáp, và ông tin rằng bà đỏ mặt vì nghĩ ông đang có ý nói đến chủ đề ngoài câu chuyện giữa họ khi ấy - không phải về những tác phẩm bà chưa từng được xem - mà là về đam mê tình dục, và đúng là ông có ý đó thật. Trong chiếc taxi ấy ông không hề nghĩ tới việc cho bà xem tranh của Rembrandt ở bảo tàng Metropolitan mà chỉ nghĩ tới những ngón tay dài và khuôn miệng rộng của bà, dù chẳng bao lâu sau đó ông đã đưa bà tới không chỉ bảo tàng Metropolitan mà còn cả Modern, Frick, và Guggenheim. Ông nhớ bà cởi đồ bơi giữa những cồn cát ấy. Ông nhớ họ, vào cuối buổi chiều, cùng nhau bơi qua vịnh về nhà. Ông nhớ mọi thứ ở người phụ nữ bộc trực, chân thành này đã từng khiến ông phấn khích bất ngờ ra sao. Ông nhớ sự cao quý trong tính thẳng thắn của bà. Bà lấp lánh nổi bật ngay trên sự giản dị của mình. Ông nhớ đã từng bảo bà, "Anh không thể sống thiếu em," và bà đáp, "Trước anh chưa ai từng nói với em như thế," và ông thừa nhận, "Chính anh cũng chưa từng nói điều đó với ai."
Mùa hè năm 1967. Phoebe mới hai mươi sáu.
Người Phàm Người Phàm - Philip Roth Người Phàm