If you truly get in touch with a piece of carrot, you get in touch with the soil, the rain, the sunshine. You get in touch with Mother Earth and eating in such a way, you feel in touch with true life, your roots, and that is meditation. If we chew every morsel of our food in that way we become grateful and when you are grateful, you are happy.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Philip Roth
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Everyman
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1611 / 38
Cập nhật: 2017-08-18 15:48:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
ăm sau lần đặt stent thận, ông lại phải phẫu thuật vì một tắc nghẽn lớn nữa, lần này là ở động mạch cảnh trái, một trong hai động mạch kéo từ động mạch chủ tới đáy sọ mà nếu tắc bên trái có thể gây ra đột quy liệt nửa người hoặc thậm chí là cái chết bất đắc kỳ tử. Bác sĩ sẽ rạch một đường ở cổ rồi kẹp cái động mạch cung cấp máu cho não ấy lại để ngăn không cho máu chảy qua. Rồi nó được rạch banh ra để họ nạo hết và loại bỏ mảng xơ vữa là nguyên nhân gây ra tắc nghẽn. Sẽ đỡ lắm nếu ông không phải đối mặt với phẫu thuật tinh vi này một mình, nhưng Nancy thì luôn ngập đầu trong công việc và áp lực của việc chăm sóc hai con nhỏ một thân một mình, mà vào thời điểm đó cuộc đời ông cũng chẳng còn ai có thể nhờ giúp nữa. Ông không muốn phá bĩnh lịch làm việc điên cuồng của anh trai bằng cách báo cho ông ấy biết vụ mổ xẻ này và làm ông ấy lo lắng, nhất là khi chỉ sáng hôm sau thôi ông đã được ra viện, nếu không có vấn đề nào nảy sinh. Đây đâu phải cuộc khủng hoảng viêm phúc mạc hay phẫu thuật tạo mạch ở những năm chỗ - nhìn theo quan điểm y học thì việc này đâu có gì mà ầm ĩ, hoặc ông đã được vị bác sĩ phẫu thuật dịu dàng thuyết phục tin như thế, ông ta còn trấn an ông rằng loại bỏ nội mạc động mạch chỉ là một phẫu thuật hệ mạch thông thường và chỉ trong một hai ngày thôi ông sẽ được trở về với giá vẽ.
Thế là sáng sớm ông đã lái xe một mình tới bệnh viện và đợi trong buồng đệm vách kính trên tầng phẫu thuật cùng mươi mười hai người đàn ông mặc áo bệnh nhân được xếp mổ trong lượt đầu tiên ngày hôm ấy. Buồng này có lẽ sẽ luôn đông như vậy đến tận bốn giờ chiều. Trong vòng đôi ba tuần, hầu hết bệnh nhân sẽ ra bằng cửa đầu kia, nhưng, cũng có khi một số không qua được; dù sao thì họ vẫn đọc báo buổi sáng cho qua thời giờ, và mỗi lần có người được gọi tên đứng dậy vào phòng phẫu thuật anh ta sẽ đưa những trang mục báo mình đang cầm cho bất cứ ai hỏi mượn. Nhìn sự tĩnh lặng trong căn phòng này bạn có thể nghĩ họ ra ngoài để cắt tóc, chứ không phải, ừm, để người ta mở banh động mạch dẫn máu lên não của mình.
Có một lúc, anh chàng bên cạnh ông, kẻ vừa cho ông mượn trang thể thao trước đó, bắt đầu khe khẽ nói chuyện với ông. Có lẽ gã chỉ cuối bốn đầu năm mươi, nhưng da dẻ đã nhễu nhão còn giọng nói chẳng có chút gì mạnh mẽ hay vững vàng. "Đầu tiên thì mẹ tôi qua đời," gã nói, "sáu tháng sau thì ông cụ cũng đi, tám tháng nữa đến lượt bà chị duy nhất, một năm sau cuộc hôn nhân của tôi tan tành và vợ tôi cuỗm sạch mọi thứ tôi từng có. Và đó là khi tôi bắt đầu tưởng tượng ra có người đến nói với mình, 'Giờ bọn ta sẽ chặt tay phải của mi nữa nhé. Mi nghĩ mi có chịu nổi không?' Thế là họ chặt phăng tay phải tôi. Sau đó họ trở lại và nói, 'Giờ bọn ta chặt nốt tay trái mi nhé’. Rồi khi làm xong họ trở lại và bảo, 'Muốn thôi chưa? Đã đủ chưa? Hay bọn ta sẽ tiếp tục và bắt đầu với chân mi?' Và từ đó tôi lúc nào cũng nghĩ: Khi nào, khi nào thì mình thôi? Khi nào thì mình sẽ bật ga rồi chui đầu vào lò? Khi nào đủ là đủ? Mười năm trời tôi đã sống với nỗi đau thương của mình như thế đấy. Mất mười năm. Và giờ khi cuối cùng nó đã kết thúc thì thứ khốn kiếp này lại bắt đầu."
Khi đến lượt ông, gã liền nhoài người sang lấy lại trang thể thao, còn ông được một y tá dắt sang phòng mổ. Ở trong đó nửa chục người đang tất bật đi đi lại lại dưới ánh đèn chói sáng để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật. Ông không thể xác định đâu là bác sĩ phẫu thuật trong đám người ấy. Hẳn sẽ yên tâm lắm nếu ông được nhìn thấy gương mặt thân thiện của vị bác sĩ, nhưng hoặc là ông ta vẫn chưa vào phòng mổ, hoặc ông ta đang nghỉ trong một góc nào đó mà người khác khó thấy. Vài bác sĩ trẻ hơn đã đeo xong khẩu trang phẫu thuật, và nhìn họ ông nghĩ tới bọn khủng bố. Một trong số họ hỏi ông muốn gây mê hay gây tê tại chỗ theo đúng kiểu bồi bàn hỏi ông thích vang trắng hay đỏ. Ông bối rối - sao lại phải quyết định chuyện gây tê hay gây mê muộn thế này? "Tôi không biết nữa. Thế nào thì hơn?" ông nói. "với chúng tôi thì gây tê tại chỗ sẽ hơn. Chúng tôi có thể giám sát chức năng não tốt hơn nếu bệnh nhân vẫn còn tỉnh." "Anh đang bảo tôi là như thế sẽ an toàn hơn đấy à? Ý anh là vậy phải không? Thế thì tôi sẽ gây tê."
Đó là một sai lầm, một sai lầm hầu như không chịu đựng nổi, vì cuộc phẫu thuật kéo dài đến hai tiếng rồi, đầu ông bị cuốn trong một tấm băng vải ngột ngạt, việc cắt rạch và nạo vét diễn ra quá gần tai ông đến mức ông có thể nghe thấy mọi chuyển động của y cụ như thể ông đang ở trong một phòng vang. Nhưng chẳng thể làm gì. Không giãy giụa vùng dậy. Cứ đón nhận và chịu đựng nó thôi. Cứ buông xuôi theo nó đến chừng nào nó còn diễn ra.
Đêm đó, ông ngủ ngon, đến hôm sau thì đã thấy khỏe và đến trưa, sau khi bịa ra rằng có một người bạn đang đợi đón ông dưới lầu, ông đã được giải phóng, đi thẳng ra bãi đỗ xe và cẩn thận lái xe đưa mình về nhà. Về đến nơi, vào xưởng ngồi xuống nhìn những tấm bạt nơi mình có thể vẽ lại một ngày không xa, ông òa khóc, y như cha ông cái lần trở về nhà sau trận viêm phúc mạc suýt chết.
Nhưng giờ, thay vì kết thúc, nó lại tiếp tục; giờ thì cứ chưa đầy một năm ông lại nhập viện một lần. Là con trai của một cặp cha mẹ sống rất thọ, em trai của một người hơn ông tới sáu tuổi nhưng vẫn luôn có vẻ sung sức như cái thời còn cầm trịch ở trường trung học Thomas Jefferson, nhưng chỉ mới vào tuổi sáu mươi mà sức khỏe ông đã bắt đầu suy giảm và cơ thể lúc nào cũng chực đe dọa ông. Ông từng kết hôn ba lần, có cả tình nhân lẫn con cái, có một công việc thú vị và thành công trong công việc ấy, nhưng giờ dường như đời ông chỉ còn xoay quanh việc lẩn trốn cái chết và toàn bộ câu chuyện chỉ còn là về sự mục ruỗng của xác thân.
Năm sau khi phẫu thuật động mạch cảnh ông lại phải phẫu thuật mạch lần nữa vì bác sĩ phát hiện ra thành sau tâm thất ông đang âm thầm bị nhồi máu do một mô ghép bị nghẽn. Tin này làm ông điếng người, mặc dù cũng may là Nancy đã đi tàu đến đưa ông tới bệnh viện và những lời trấn an của cô đã giúp ông bình tĩnh trở lại. Rồi bác sĩ lại tiếp tục phẫu thuật mạch ông, đặt một stent ở động mạch xuống trước trái, sau khi đã nong rộng nó ra ở chỗ những lớp cặn bám mới đã hình thành. Từ bàn mổ ông có thể xem được cảnh cái ống thông ngọ nguậy lên tận động mạch vành - ông chỉ phải dùng một lượng nhẹ thuốc giảm đau và có thể theo dõi toàn bộ quy trình ca mổ qua màn hình như thể cơ thể ông là của người khác. Một năm sau ông lại phẫu thuật mạch và một stent nữa lại được đặt ở một trong số các chỗ ghép mô, lại một chỗ bắt đầu hẹp lại. Năm sau nữa thì ông phải đặt ba stent cùng một lúc - để sửa chữa những điểm tắc động mạch, mà, như bác sĩ nói với ông sau đó, nằm ở những vị trí khiến cho quá trình phẫu thuật chẳng thể như một cuộc dạo chơi.
Như thường lệ, để giữ đầu óc mình khỏi hiện tại ông lại triệu hồi ký ức về cửa tiệm của cha và tên của chín hãng đồng hồ đeo tay và bảy hãng đồng hồ để bàn mà cha ông làm nhà phân phối chính thức; cha ông không kiếm được nhiều tiền nhờ bán đồng hồ, nhưng ông nhập về rất nhiều vì đó là mặt hàng ổn định và luôn thu hút những người vốn chỉ định ngắm nghía từ ngoài phố bước vào. Với những kỷ niệm hạt giống ấy lần nào phẫu thuật mạch, ông cũng làm thế này: ông sẽ lờ tịt đi những lời đùa cợt qua lại mười lần như một giữa đám y tá và bác sĩ trong lúc chuẩn bị mổ, lờ tịt đi thứ nhạc rock xuyên thủng căn phòng lạnh lẽo, vô trùng nơi ông đang nằm, bị đai chặt vào một cái bàn mổ giữa đủ thứ máy móc rùng rợn, được thiết kế để giữ cho đám bệnh nhân tim mạch khỏi chết, và từ cái giây phút họ bắt đầu gây tê háng ông và chọc thủng da để cắm ống thông vào thì ông bắt đầu tự làm mình sao nhãng bằng cách thầm nhắc lại cái danh sách mình từng sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái, từ hồi còn là thằng bé giúp việc trong cửa tiệm sau giờ học - "Benrus, Bulova, Croton, Elgin, Hamilton, Helbros, Ovistone, Waltham, Wittnauer" - vừa tập trung nhớ vẻ đặc biệt của những con số trên mặt đồng hồ đeo tay vừa ngân nga nhãn hiệu của nó, đảo một vòng từ số một đến số mười hai rồi lại ngược lại. Rồi ông chuyển sang đồng hồ để bàn -"General Electric, Ingersoll, McClintock, New Haven, Seth Thomas, Telechron, Westclox" -nhớ lại đồng hồ dây cót đã tíc tắc ra sao còn đông hồ điện tử ì ì thể nào cho tới khi ông nghe tiếng bác sĩ thông báo ca mổ đã xong và mọi thứ đều ổn cả. Trợ lý của bác sĩ, sau khi ấn vết chọc, sẽ đặt một bao cát y tế vào háng ông để cầm máu, và với sức nặng ấy ở yên đó, ông sẽ phải nằm bất động trên giường bệnh trong vòng sáu giờ tới. Kỳ lạ thay, không thể nhúc nhích mới là phần tồi tệ nhất của cuộc phẫu thuật - vì hàng ngàn ý nghĩ không chủ định cứ tràn ngập dòng thời gian trôi đi chậm chạp - nhưng đến sáng hôm sau, nếu mọi chuyện tiến triển tốt sau một đêm, người ta sẽ mang tới cho ông một khay bữa sáng chỉ nhìn được chứ không nuốt nổi cùng một mớ tài liệu hướng dẫn những điều cần tuân thủ hậu phẫu và đến mười một giờ trưa thì ông được tống khỏi viện. Trong ba lần khác nhau, khi đã về đến nhà và khẩn trương cởi đồ chuẩn bị cho cuộc tắm vòi sen chờ đợi đã lâu thì ông mới phát hiện ra mấy miếng điện cực EKG vẫn dính vào người vì y tá giúp ông xuất viện đã quên không gỡ chúng khỏi ngực ông rồi vứt vào thùng rác. Một buổi sáng khác lúc đang tắm ông nhìn xuống và lại phát hiện ra rằng người ta còn chưa buồn gỡ kim truyền tĩnh mạch, một thiết bị họ gọi là khóa hêparin, ra khỏi cẳng tay tím bầm của ông, và thế là lại phải mặc quần áo vào mà lái xe tới chỗ bác sĩ nội khoa quen ở Spring Lake để gỡ ra trước khi nó trở thành một nguồn gây nhiễm trùng.
Năm sau vụ đặt ba stent ông tiếp tục bị đè ngửa ra trên bàn mổ trong một lát để lắp vĩnh viễn vào người một máy khử rung tim giúp đảm bảo an toàn trước những diễn tiến mới đe dọa mạng sống của ông đi kèm với một tổn thương ở thành sau tâm thất và việc phân suất tống máu tâm thất chạm ngưỡng biến ông thành một ứng cử viên được hưởng chứng loạn nhịp tim chết người. Chiếc máy khử rung tim này là một hộp kim loại mỏng chỉ to bằng một chiếc bật lửa hút thuốc; nó được cấy vào bên dưới phần da phía trên ngực, cách vai trái chỉ vài phân, có dây nối với trái tim mong manh của ông, sẵn sàng phóng ra một xung động để chỉnh sửa nhịp tim ông - và làm thần chết rối trí - nếu nhịp trở nên bất thường một cách nguy hiểm.
Lần phẫu thuật này Nancy cũng ở bên ông, và sau đó, khi ông trở lại phòng mình và vạch một bên áo bệnh nhân xuống cho cô xem chỗ phồng lên vì phải bao trọn máy khử rung tim bên trong, cô đã phải quay mặt đi. "Con yêu," ông nói với cô, "nó bảo vệ ba mà - không có gì phải sợ cả." "Con biết là nó bảo vệ ba. Con mừng vì vẫn có một thứ như thế bảo vệ ba. Chỉ là trông thấy nó con sốc quá, vì," rồi thấy mình đã đi quá xa không thể nghĩ ra được một lời nói dối an ủi, cô chỉ nói, "vì ba vẫn luôn trẻ trung thế kia mà." "Chậc, có nó ba sẽ trẻ trung hơn là không có. Ba vẫn có thể làm mọi thứ mình thích, chỉ không phải lo vụ loạn nhịp tim sẽ đẩy mình vào mấy nguy cơ nghiêm trọng nữa thôi." Nhưng cô đã tái dại đi vì cảm giác bất lực và không sao ngăn nổi nước mắt lăn xuống trên mặt mình: cô muốn cha mình vẫn như cái hồi cô mười mười một mười hai mười ba tuổi, không có gì trở ngại, hay không thể - và ông cũng vậy. Cô không thể nào lại muốn điều đó bằng ông, nhưng tại thời điểm ấy ông thấy nỗi buồn của mình dễ chấp nhận hơn của cô. Ông khát khao đến cháy bỏng được nói điều gì dịu dàng để xoa dịu những nỗi sợ hãi của cô, như thể, lại một lần nữa, cô mới là người dễ tổn thương hơn trong hai bọn họ.
Ông chưa từng thực sự ngừng lo lắng cho cô, cũng chưa từng hiểu nổi làm sao mà một đứa con như vậy lại có thể là con ông. Không hẳn ông đã làm nhiều điều tốt đẹp để được hưởng điều này, dù Phoebe thì có. Nhưng có những người như thế, những người tốt đến ngoạn mục - những phép màu, thực sự là vậy - và ông thật đại may mắn khi một trong số những phép lạ ấy lại là đứa con gái bất khả tha hóa của ông. Ông kinh ngạc khi nhìn quanh và thấy các bậc cha mẹ có thể gây thất vọng đến cay đắng ra sao - như chính ông trong mắt hai anh con trai đầu, những người đến giờ vẫn làm như thể chuyện xảy ra với họ chưa từng xảy ra với ai khác trước đây và sau này cũng vậy - thế mà rồi lại có một đứa con số một đủ đường. Đôi khi ông thấy dường như tất cả đều là sai lầm ngoại trừ Nancy. Vậy nên ông lo lắng cho cô, tới giờ ông vẫn chưa bao giờ đi qua một cửa hàng quần áo phụ nữ mà không nghĩ tới cô và bước vào, kiếm vài món mà cô sẽ thích, và ông nghĩ, mình rất may mắn, rồi lại nghĩ, một điều tốt đẹp nào đó phải xuất hiện ở đâu đó, và nó đã xuất hiện trong con người con bé.
Ông nhớ lại giai đoạn làm ngôi sao điền kinh ngắn ngủi của cô. Hồi mười ba tuổi cô đã về nhì trong cuộc thi ở trường nữ sinh, một cự li chừng hai dặm, và cô đã thấy khả năng về một thứ gì đó mình có thể xuất sắc. Cái gì cô cũng giỏi, nhưng đây là một kiểu danh tiếng khác. Suốt một thời gian ông đã bỏ không đi bơi hằng sáng để mỗi ban mai họ có thể chạy cùng nhau và đôi khi cả vào những giờ tắt nắng nữa. Họ tới công viên và thường ở đó chỉ có hai bọn họ cùng bóng tối và ánh sáng. Hồi ấy cô ở trong đội chạy của trường, và trong một buổi tập lúc chạy ở khúc quanh cô đã bị trượt chân và ngã rất đau xuống đường chạy. Điều đã xảy ra chỉ là một điều có thể xảy ra, với bất cứ cô gái nào ở tuổi tiền dậy thì - vì ở tuổi đó xương vẫn chưa cứng chắc hẳn, điều mà với một phụ nữ trưởng thành có thể chỉ là dãn dây chằng thì với Nancy khi ấy khủng khiếp hơn nhiều: dây chằng chưa đứt nhưng một mẩu xương hông bị trật ra. Cùng với huấn luyện viên, ông vội vã đưa Nancy vào phòng cấp cứu bệnh viện, ở đó cô vô cùng đau đớn và hoảng sợ, đặc biệt khi nghe tin họ sẽ chẳng can thiệp gì, mặc dù đồng thời cô cũng được bảo, cũng đúng, rằng, chỗ đau sẽ tự lành sau một thời gian. Nhưng đó là dấu chấm hết cho sự nghiệp điền kinh của cô, không chỉ bởi phải mất cả mùa thì cô mới phục hồi mà còn vì tuổi dậy thì đang lơ lửng trên đầu cô, và chẳng mấy chốc ngực cô sẽ lớn lên, hông sẽ rộng ra và cái tốc độ từng là của cô thời cô còn sở hữu một cơ thể trẻ con sẽ bay biến mất. Và rồi, như thể cái kết cho cuộc chạy đua trở thành nhà vô địch và sự thay đổi thể chất chưa đủ khiến cô choáng váng, cũng chính năm đó đã mang tới nỗi khốn khổ của việc có ba mẹ ly hôn.
Vì nhiều lý do mà cô ngồi đó trên giường ông ở bệnh viện và khóc trong vòng tay ông, nhưng trước nhất là vì ông đã bỏ cô đi khi cô mới mười ba tuổi. Cô đã tới bờ biển này để giúp chăm sóc ông nhưng tất cả những gì cô con gái điềm tĩnh và lý trí này làm được chỉ là hồi cố lại những khó khăn mà cuộc ly dị đã gây ra, và thừa nhận cái ảo tưởng về một cuộc làm lành của mẹ cha, mà cô đã dành hơn nửa đời mình hy vọng đến giờ vẫn chưa chết. "Nhưng có ai làm lại thực tế được đâu," ông khẽ khàng nói, xoa lưng cô, lùa tay vào tóc cô và dịu dàng rung cô trong tay mình. "Chuyện nó tới thì mình chấp nhận thôi. Đứng vững và đón nhận khi nó tới. Chẳng còn cách nào khác."
Đó là sự thật và cũng là điều tốt nhất ông có thể làm - cũng chính là điều ông từng nói với cô nhiều năm về trước, cái hồi ông ôm cô trong vòng tay trên chiếc taxi đưa họ về nhà từ phòng cấp cứu còn cô thì run lên trong tiếng nức nở vì những biến cố chẳng thể giải thích tại sao.
Người Phàm Người Phàm - Philip Roth Người Phàm