No man can be called friendless who has God and the companionship of good books.

Elizabeth Barrett Browning

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 642 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ưa thu rắc đều như một làn bụi nước, còn nàng đứng che dù bên cạnh ki-ốt bán báo tối sầm, chân đi đôi giày đen, và gương mặt mờ ảo của nàng tôi thấy có vẻ mệt mỏi. Tôi không nhìn kỹ nàng, vì tôi bỗng cảm thấy lạnh buốt trong ngực (“trời, tại sao tôi lại cảm thấy cái lạnh buốt đó?”). Tôi bèn rời khỏi hàng cột của ga metro để đi về phía ki-ốt thuốc lá sáng sủa vui tươi, mua một bao thuốc châm một điếu, rồi tôi lại đi ngang qua chỗ người phụ nữ, cố lén nhìn kỹ gương mặt nàng. Ánh mắt nàng thờ ơ lướt qua tôi, tôi để ý thấy cặp lông mày nàng uốn cong mềm mại, tôi lập tức nghĩ rằng có lẽ nàng tự do (nàng đã ly dị, đã rời bỏ chồng) và bây giờ đang kiên nhẫn chờ ai đó dưới làn mưa chán ngắt giữa thành phố Matxcơva. Còn tôi, tôi chờ ai? Tôi không chờ ai cả. Chẳng qua tôi bỏ trốn ra những đường phố ban chiều để khỏi phải ngồi ở căn phòng cô đơn trơ trụi lạnh lẽo của tôi, trong đó có rất nhiều những cuốn sách thông minh và những bản thảo, nhưng từ lâu đã nhặt hết mùi ấm cúng, mùi nước hoa và từ lâu đã không có tiếng sột soạt của áo quần phụ nữ. Tôi bỏ trốn để đến với những ánh đèn mùa thu, đến với tiếng rì rào của những cây dương, tiếng xào xạc của lớp lá trên mặt đường, đến với cảnh tấp nập ở gần ga mêtro, đến với giọng nói của bao người xa lạ. Tôi là một cánh chim tự do, tôi sống hoàn toàn một mình, và tôi hạnh phúc đến ứa nước mắt. Tôi tận hưởng cảnh tự do, ngây ngất với tự do.
Tôi chia tay vợ tôi cách đây bốn năm, nhưng cho tới nay, trong trạng thái mơ màng giữa đêm khuya, tôi vẫn còn đưa tay về phía tôi đã quen cảm thấy cô ấy đang ngái ngủ và sao mà ấm áp. Rồi trong những buổi tối dài đằng đẵng cuối thu, đã mấy năm nay tôi sợ đến mức hoang tưởng cảnh tĩnh lặng như ở nghĩa trang, cảnh yên ổn đầy thông thái trong căn hộ vắng vẻ của tôi. Không, trong căn hộ của tôi luôn sáng trưng rất hạnh phúc và tươi vui vì tôi bật đèn ở tất cả các phòng, rất yên bình và ấm áp, thế nhưng từ khắp các ngõ ngách đều toát ra vẻ lạnh lẽo, đơn côi, và tiếng kêu “tách” ở các ngăn giá bị khô hoặc âm thanh cô độc của một giọt nước rơi ở vòi nước trong bếp đều buộc tôi phải giật mình đưa mắt nhìn máy điện thoại. Mà chiếc máy điện thoại cứ im lặng, chẳng khác gì nó bị cảm. Nó im lặng hết tối này sang tối khác, dửng dưng và đần độn. Còn những hồi chuông điện thoại reo lên các buổi sáng, về chuyện công việc, chỉ khiến tôi bực bội. Tôi xiết bao mong muốn, một lần thôi, được nghe thấy một hồi chuông điện thoại, được nghe thấy giọng nói của cô ấy, tôi vẫn hằng chờ đợi bấy lâu ở trong ống nghe, và tôi sẵn sàng tha thứ hết, miễn sao cô ấy gọi tôi bằng tên thân mật, cô ấy cười, miễn sao cô ấy nói bằng một ngữ điệu ấu yếm như trước kia, trong những ngày chúng tôi gần gũi nhau: “Ôi, anh yêu ngốc nghếch của em”.- những lời nói xa xưa tôi không quên được ấy, cho tới nay vẫn còn làm tôi chóng mặt. Cho tới nay vẫn không thể hiểu được tại sao chúng tôi lại chia tay nhau. Mà thật ra, rất đơn giản là cô ấy rời bỏ tôi đấy chứ.
Nhưng về sau trong hàng tiếng đồng hồ đằng đẵng tôi tự nguyện chịu ướt dưới mưa, đi đi lại lại trên khoảng rộng xung quanh ga mêtro, như thể cũng kiên trì chờ đợi ai đó (đã lâu lắm rồi, trong một cuộc đời khác kia, tôi vẫn chờ cô ấy ở nhà hát về), đôi khi tôi tưởng như ngay lúc đó tôi sẽ trông thấy cô ấy trong đám đông, đang đi ra từ chỗ chan hoà ánh điện, từ những cánh cửa bằng kính được đẩy qua đẩy lại không ngừng, thoạt tiên, tôi sẽ trông thấy chiếc mũ quen thuộc, cái cổ áo măng tô dựng cao lên qua quít, cái xắc đeo choàng qua vai, rồi đến nụ cười chậm chạp, hình như có vẻ tội lỗi và đồng thời lại có một nét gì đó rất trẻ thơ, nụ cười ấy là dành cho tôi: “Ôi, chào anh, chàng hiệp sĩ kiên nhẫn của em!”. Rồi mặc dù không muốn thế và lần nào cũng đau khổ, tôi vẫn cứ kiếm tìm ở những người phụ nữ tôi gặp trên đường phố, một ánh phản chiếu, một đường nét của cuộc sống chung xưa kia, giữa hai chúng tôi, ít ra cũng là một mảnh vụn mờnhạt của quá khứ, một chút xíu cảm giác xốn xang của những năm hạnh phúc đã qua, và điều đó lại đưa tôi quay trở lại với trạng thái say mê yêu đương cuồng nhiệt vô tội, với nỗi đau khổ lặng lẽ của hồi tưởng. Những lúc ấy, tôi nhếch mép mỉm cười và tự hỏi mình: có thể cô ấy vốn tinh nghịch, táo bạo, cô ấy bỏ tôi bởi tôi là một anh gàn cổ lỗ làm cô ấy ngán vì lúc nào tôi cũng quá đứng đắn và rất ngây thơ?
Người đàn bà vẫn cầm dù đang chờ đợi ai đó bên cạnh ki-ốt bán báo hoàn toàn không giống vợ tôi, nhất là lúc ban đầu tôi chưa có can đảm để nhìn kỹ nét mặt nàng. Làn mưa cuối thu vẫn rơi hoài, mặt đường dưới ánh đèn bóng nhẫy từng chỗ như những vết mỡ, toàn bộ khoảng trống gần ga mêtro sáng loáng như một tấm gương đen, gió thổi lạnh buốt, và người đàn bà hơi nghiêng dù sang một bên để chắn không cho gió thổi vào mặt. Sau đó, co người lại, nàng thận trọng dựng cổ áo pantô lên, lúc ấy, tôi nhìn rõ trên bàn tay nàng có một chiếc găng tay màu đen mà không rõ vì sao tôi bỗng rất muốn được hôn vào đó. Cử chỉ đó của nàng có một vẻ gì yếu đuối và trong khoảnh khắc, tôi tưởng tượng ra cái cảnh nàng đứng chịu rét cóng ở ngoài trời giữa lúc thời tiết ẩm ướt thế này có lẽ đã hơn một tiếng đồng hồ và cùng với nàng, cũng lạnh cóng và chốc chốc lại rùng mình trước ngọn gió ướt át, tôi đã bắt đầu cảm thấy lo lắng bồn chồn. Bởi lẽ dù sao rồi cũng đến lúc đoàn tàu chạy ngầm dưới đất kia đưa anh ta tới ga này. Thang máy sẽ đưa anh ta lên, và dù tới trễ nhưng chẳng băn khoăn gì mấy, anh ta sẽ lại gần nàng đang rét cóng và đầy vẻ quy thuận, anh ta sẽ gạt chiếc dù sang một bên, mỉm cười nhìn vào đôi mắt đang ngước lên của nàng. Tôi thấy rõ cái cảnh sau đó nàng áp nhẹ cặp môi nàng vào môi anh ta (sự đụng chạm này như thoáng nhắc tới mối quan hệ gần gũi), nàng sẽ khoác bàn tay đeo găng vào tay anh ta rồi họ sẽ đi vào khoảng tối giá rét và biến mất sau góc phố, nơi tủ kính lắp đầy đèn neon của một hiệu kim hoàn đang tỏa thứ ánh gócg trần trụi trên dãy vỉa hè nhẵn bóng nước mưa.
Nhưng nào có ai đến với nàng đâu, người đàn bà vẫn đứng bên cạnh ki-ốt bán báo mà chờ đợi, gương mặt nàng như nhợt nhạt hơn dưới bóng của chiếc dù. Nàng lơ đãng nhìn những cánh cửa sáng trưng của ga mêtro cứ liên tục nhả ra bao nhiêu là người vừa mới được đoàn tàu đưa tới đây, nhưng trong số đó không có anh ta. Nàng là ai vậy nhỉ? Và người nàng yêu là ai? Cuối cùng, nàng chẳng chờ gặp được ai, và tôi buồn rầu nhìn thấy đôi giầy của nàng đều đặn bước qua các vũng nước, nhìn thấy chiếc dù chao đảo trên vai nàng, khi nàng cô đơn thong thả rời khỏi ga mêtro. Và tôi lo sợ nghĩ rằng ngày mai tôi sẽ không trông thấy nàng, sẽ không gặp nàng, người đàn bà không quen biết có gương mặt mệt mỏi dễ thương ấy. Suốt một tháng trời, tối nào tôi cũng trông thấy nàng ở bên cạnh ga mêtro, nàng có vẻ điềm tĩnh và bề ngoài rất bình thản, cứ chờ đợi mãi một ai đó trong khoảng trời tối của ki-ốt bán báo, rồi bỗng một hôm, với cảm giác nhói đau trong lòng, tôi chợt hiểu rằng cả hai chúng tôi đều chờ đợi cái người sẽ chẳng bao giờ đến với chúng tôi. Lẽ nào số phận buộc nàng phải yêu một ai đó cũng tuyệt vọng như số phận đã buộc tôi. Và có chiếc phao nào cứu được những con người cô đơn trong đám đông kia?
Người Đàn Bà Cầm Chiếc Dù Người Đàn Bà Cầm Chiếc Dù - Sưu Tầm