Hãy tiến lên và cứ phạm sai lầm. Phạm thật nhiều sai lầm. Bởi vì đó là nơi bạn sẽ tìm thấy thành công ở phía sau những sai lầm này.

Thomas J. Watson, Sr.

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Minh Khuê
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Minh Nguyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 3
Cập nhật: 2021-01-12 19:41:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
Ông nội gọi từ ngoài sân. Thuyết hả? Đưa ông đi chút con ơi!
Thuyết biết ông nội muốn rủ anh ra ngắm cây bao báp. Giống cây hiếm hoi mà ông có công nghiên cứu trong một phần cuộc đời của nhà thực vật học. Nhưng cái cây đó còn có bao nhiêu nỗi niềm ông gửi gắm. Sau bảy nhăm, trở lại thành phố quê hương ông biết người đàn bà của ông khi ở tuổi hai mươi đã ghé tới nơi này. Chỉ cần biết vùng đất xung quanh cái cây có chân người đẹp đặt tới ông đã thấy cả thành phố đối với ông thiêng liêng hơn, đẹp đẽ hơn ngàn lần ông nhớ tới nó khi sống trên đất Bắc. Cái sự chiêm ngưỡng miếng đất xung quanh cái cây để cảm nhận hơi thở người đẹp làm ông già trên tám mươi tuổi vẫn còn bồi hồi. Như tuổi trẻ.
Thuyết đã mặc quân phục. Đã sắp xuống đơn vị. Việc của anh quan trọng. Còn ông. Khi tới đó ông muốn ngồi cả chiều. Kì cho tới khi sương đã giăng kín mặt sông, kì tới khi những con đò trên sông đã lên đèn. Biết vậy Thuyết gọi thằng Dương em út, đứa ham chơi nhất nhà. Nó đang tập với nhóm nhảy hip hop bên kia đường. Tiếng nó lập bập trong máy, chắc đang say nhảy. “Dạ anh cứ ngồi với ông chút em ra liền. Dạ em dở việc mà anh!”.
Thuyết đứng bên này hàng rào râm bụt chờ ông mặc áo. Ông già chăm chút bề ngoài hàng ngày nên mười lăm phút mới đủ để ông mặc áo, đi giày, thắt cà vạt. Thuyết ngồi xuống một trong những chiếc ghế của bộ bàn ghế mây kê giữa vườn. Chỗ gặp gỡ vui nổ trời của đám trẻ cuối tuần, chỗ ông và bà ngồi im lặng bên nhau nhìn qua hàng rào râm bụt. Khoảng vườn kê ghế mây này nghe nói trong chiến tranh có thời gian sau Tết năm ấy hai bên giành nhau từng xăng ti đất. Có một tiểu đội quân giải phóng đào hào đánh nhau với một đơn vị lính Mĩ mũ sắt súng M16, súng phun lửa, lựu đạn cay. Trang bị tận răng. Mĩ mà. Trận đó bên này bên kia đều có người ở lại vườn này. Quân số gần bằng nhau. Phía Mĩ nhiều hơn. Sau bảy nhăm ông bà ở Bắc về. Bà còn trẻ nhưng ngày trước cả gia đình các cụ thân sinh bà là Phật tử, chỉ nghỉ khi miền Bắc bài trừ mê tín, những ai có tôn giáo cũng e ngại tự rút thờ cúng. Về Nam bà thắp hương trở lại. Bà đếm mấy ngôi mộ quân giải phóng chưa được quy tập, bà hỏi thăm phía Mĩ những ai chết ở đây mà đã được mang đi... Bà thắp hương ngày lẻ mỗi tuần. Bà nội xem tất cả đã là người cõi Phật.
Bà cho người sửa sang cái vườn. Trồng lại hoa. Trồng thêm cây ăn trái. Dạo đầu những năm tám mươi đói kiệt sức, đổi tiền, bão lụt, người người nhà nhà tung tóe khắp hành tinh trên những con thuyền mỏng, có người trả bà bảy chỉ vàng để mua cái vườn mênh mông, bà không bán. Anh, em, các cháu của ông nội chưa về hết. Có người em út của ông ở biên giới, lại có người em nữa của ông, sĩ quan Cộng hòa đang ở trại cải tạo. Người ở biên giới làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, người ở trại cải tạo, có người bên Pháp bên Mĩ... cần phải giữ vườn cho tất cả trở về. Đói cũng phải giữ. Nếu cầm bảy chỉ vàng ngày đó, độ tháng sau giá trị không còn được nửa chỉ. Lạm phát nhanh hơn tên lửa phóng xuyên lục địa. Nhờ thế mà còn cái vườn để kê bộ bàn ghế mây.
Ông nội đã mặc nghiêm chỉnh. Đội mũ. Cầm can. Là một thứ trang sức không thể thiếu. Lưng thẳng, râu lưa thưa bạc, da dẻ hồng hào. Thuyết nhìn ông rồi ôm vai ông: “Ông ơi ông đẹp dữ đó ông!”.
Thuyết chỉ biết những khi đến chỗ cây bao báp trồng gần phía giáo đường, ông mới ăn mặc như thế. Thuyết gọi taxi, để ông ngồi phía sau. Từ xa nhìn thấy cây bao báp vươn thẳng lên nền trời mùa xuân thành phố. Thuyết thường được ông cho xem những ảnh, những con số ông ghi chép về loại cây mà ông nghiên cứu say mê. Bao báp châu Phi. Bao báp Madagascar. Bao báp Australia... Những cây gỗ can trường sống khỏe trong các điều kiện khô cằn. Lá rụng trong mùa khô. Những cây sống hàng ngàn năm, hùng vĩ, có cây ở Úc đã từng được sử dụng để giam giữ tù nhân thổ dân trên đường đưa họ tới nơi tử hình. Cây ở Úc đó tuổi của nó có gần ngàn năm, ông rất muốn tới đó nhưng sức cạn rồi.
Thuyết bảo có lẽ cháu đưa ông đi được! Sang Úc gần thôi mà, ông! Không. Ông không đủ sức nữa.
Hai ông cháu xuống taxi đi vào khu giáo đường. Ông ngồi trên bậc thềm nhà thờ. Thuyết lại gần cái cây cao sắp tới ba mươi mét, vòng ôm của nó gần ba mét. Đã nhiều lần Thuyết đo để ông nắm chắc chiều cao đường kính thân gốc. Trên cây đã lác đác những quả hình cầu to đến mười xăngtimét. Người dân ở vùng này gọi là cây trái chuột. Ông nội nói như nói với chính mình. Cháu này, ở châu Phi người ta dùng lá cây để ăn đó. Ăn như bột khô. Như rau tươi. Rồi nấu súp. Cùi thịt khô của quả này, sau khi tách khỏi hạt và sợi, có thể ăn ngay, trộn với cháo yến mạch, với sữa. Họ còn chiết dầu thực vật từ hạt...
Ông nói chậm rãi. Mắt nhìn săm soi cây bao báp như nhìn một con người. Nhìn cái gì đó biết rõ mà không thể đi tới. Nhà thực vật trong ông chỉ một phần. Một phần nữa ông dành cho nỗi niềm riêng mà không phải lúc nào ông cũng có thể nói. Bà nội sống suốt cuộc đời với ông mạnh mẽ như cây xương rồng trên sa mạc. Ngoài Bắc thời chiến tranh trong suốt một tháng bom Mĩ đánh phá cây cầu gần nhà bà ôm cha của Thuyết ngâm trong hầm suốt đêm, bị rắn cắn mấy lần. Hầm có cả đỉa. Muỗi bay nghẹt thở. Nhưng bà ôm con trên vai cho con ngủ ngon. Có hôm bà gục xuống vì quá mệt, đánh rơi đứa con nhỏ xuống nước, bà như điên dại tự tát vào mặt mình, tát chảy máu, khi ấy ông không thể ở nhà để can bà.
Từ miền Trung ông ra Hà Nội học trung học. Loạn lạc. Ông không về nhà mà ở lại thành phố quân Pháp chiếm đóng. Buổi đi bộ lên Hàng Đào mua lụa gửi về Trung cho mẹ, ông bị sét đánh nghĩa bóng. Ông đang quay mặt vào trong hàng trả giá với người chủ Ấn Độ thì thấy như có luồng ánh sáng xanh dịu chiếu rọi từ sau lưng. Ông quay nhìn. Mọi người quay nhìn. Hà Nội dạo chín năm nhiều xe nhà binh Pháp, nhiều lính Pháp mũ bê rê đỏ rầm rập nhưng ở mấy phố gần hồ vắng vẻ, có gì lạ thường là thu hút tất cả mọi người. Ba cô gái mặc áo dài xanh da trời đi giày trắng cặp tóc bồng khoác tay nhau dạo phố. Nhìn cô đi giữa có vẻ là em út, ông nghĩ là phải quen bằng được. Người ta bảo, đó là ba tố nữ con một gia đình có cha dạy môn sinh vật ở trường Bưởi. Ngoài kia là kháng chiến. Là những cuộc hành quân rầm rộ của người Pháp. Là những trận đụng độ của người kháng chiến chống Pháp ở ngay các vùng tề. Trường ở vùng Pháp chiếm vẫn mở cửa. Môn sinh vật vẫn ở trong chương trình. Các tố nữ cũng là nữ sinh nhưng nghe nói cô cả sau này tham gia tổ chức kháng chiến trong thành phố. Bị bắt. Bị ngâm trong bể nước Sở hiến binh giữa mùa đông Hà Nội mà không khai nửa lời. Khi ra khỏi bể nước cô sốt cao rồi chết ở Hỏa Lò. Chuyện đấy ông nội nghe sau. Còn lúc đó ông như bị thôi miên. Ông biết ba tố nữ này không bao giờ ra đường mà không có ai coi sóc. Luôn luôn có một người đàn ông khỏe mạnh mặc áo nâu đội mũ cói đi phía sau. Cô út tên Diễm Cầm. Thông minh nhất. Được cưng chiều nhất.
Thuyết đã xem tấm ảnh đen trắng ông nâng niu dán trên đầu cuốn album gia đình. Một sắc đẹp chỉ có ở thời ấy. Khi nước không khí ánh nắng trong veo. Khi thành phố nhộn nhạo xe nhà binh Pháp nhưng lòng người ta hướng về một vùng rừng núi thiêng liêng. Có điểm để đi tới, có nơi để hi vọng. Nên tâm hồn đơn giản, xử thế hàng ngày phân minh trong sáng... Thuyết bị hút hồn khi nhìn đôi má bầu bầu, cặp mắt to, đôi môi hơi có vẻ nũng nịu mà nghiêm nghị. Thuyết hiểu nỗi đau của ông nội khi xa cách giai nhân. Hai người chụp chung tấm ảnh này khi ông chuẩn bị lên chiến khu. Năm 1947. Ông hai mươi tuổi. Nàng mười bảy. Khi đó ông nội cố làm vẻ già dặn, hơi mỉm cười. Ảnh chụp bán thân. Giai nhân mặc áo dài cổ đeo kiềng vàng. Bà nội thường chăm chú nhìn tấm ảnh trên năm mươi năm, vẫn chê bai một cách trẻ trung. Cô này khảnh ăn hả ba? Thể nào răng cũng sún... Sao không thấy cô này có lắc đeo tay hả ba? Nhà giàu mà! Thỉnh thoảng bà lại tìm được điều gì đó để chê... Nhưng thường bà nội ngồi lâu, trân trọng kỉ niệm của ông chồng già, tay bà xoa lên bức ảnh đen trắng chụp thời đó như không thể cũ với thời gian...
Lúc này ông đã ngả vào cây cột giáo đường. Những cây cột dọc hiên nhà nơi cách cây bao báp mấy chục bước chân. Biết tính ông, Thuyết ngồi xa, kín đáo hút một điếu thuốc, sở thích sắp bỏ được do đã vào quân đội. Thuyết hút thuốc. Nhìn ông nội trong chiều tà. Và nhớ câu chuyện của ông.
Năm một chín năm tư xao xác kẻ đi người ở. Ông nội khi đó mới theo đơn vị dân chính tiếp quản Thủ đô. Biết gia đình Diễm Cầm xuống Hải Phòng. Mấy hôm trước Cầm đã gặp người yêu. Sau chín năm, người đàn ông trên ba mươi tuổi mặc áo lính phong trần ôm thiếu nữ mảnh mai trong tay. Họ gặp nhau ở con phố ít người qua lại. Đi anh! Lên tàu với em. Vào trong kia. Ông nội dùng dằng. Không gật không lắc. Không thể. Còn vì sao không thể thì mãi tới bây giờ sau hơn năm mươi năm ông nội vẫn không trả lời được. Vì sao không thể. Đó là sự lựa chọn giữa bên này bên kia. Có lúc người ta bảo giữa ánh sáng và đêm tối. Nhưng những khái niệm đó ngày càng trở nên mơ hồ. Nó chỉ đúng ở chỗ này mà không đúng ở chỗ khác. Đặc biệt trong cái mối tình như không có lối ra giữa ông và cô gái trong thành tạm chiếm. Ông nội rất khó được tổ chức cho kết hôn. Ngày đó có những chuyện như vậy...
Chờ mỏi mắt mà ngày đi ngắn dần, Diễm Cầm làm một hành động ghê gớm. Xưa nay nàng tuân phục cha mẹ, đi giữa đường vạch mà người lớn qui định. Nhưng đến lúc này nàng không thể tuân phục. Cầm mặc áo cánh như người buôn bán, xách làn cói, đi tắt, nhờ xe để về Hà Nội.
Thành phố mới tiếp quản. Người ta bận rộn sắp xếp, quét dọn. Ông nội hẹn gặp người đẹp trong căn phòng người anh họ cho mượn. Hai người chạy lao tới nhau. Mắt nhòa lệ. Hai người đứng bên cửa sổ nơi có tán cây sấu già um tùm che rợp tất cả. Rợp cả đôi mi giai nhân. Nàng ngoan như thỏ, thổn thức như con nít, chẳng muốn giữ gìn gì nữa. Nhưng ông nội tách xa nàng. Đứng xa cái trái ngọt ông đã nắm trong tay. Ông sợ cái cách người ta bắt tất cả phải có một cái tội gì đó. Phải có tội. Mà tội này có thể khiến ông mất tất cả. Ông lùi lại. Giơ tay. Thôi, em đi đi. Hai năm thôi. Hai năm không lâu đâu. Nàng ngoan ngoãn gật đầu. Hay là ở lại với anh? Ông nội nói thêm. Cậu mợ không cho phép! – Diễm Cầm tuyệt vọng – Mợ em lại đau tim. Đau quá. Em ở lại mợ chết mất.
Buổi chiều đó ngắn như giấc mơ. Lại dài tới năm mươi năm sau đó. Thời kì thư từ còn thông thương hai miền, người đẹp hay gửi ảnh ra. Nàng mặc áo dài cổ cao, chẽn rất chật ở thắt lưng khoe eo thon, mốt của những năm năm mươi. Sau đó là im lặng. Súng nổ như pháo rang suốt chiều dài đất nước. Ông nội bị rất nhiều chỉ trích trong các cuộc chỉnh huấn. Nặng nề nhất cái chuyện yêu đương con gái gia đình trong thành, dù trong mấy chị em Diễm Cầm, không ai làm gì cho phía đối phương. Người chị cả hi sinh được công nhận là liệt sĩ. Nhưng sự ra đi của họ là dấu hỏi lớn. Ông nội đã trải qua nhiều việc. Như mọi người. Chỉnh huấn. Cải tạo công thương. Cải cách ruộng đất. Lại còn người em trai trong Nam là lính Cộng hòa... Sau cùng ông được chuyển về một phòng giáo dục ở vùng gió Lào cát trắng. Chiến tranh làm vùng đất này như trên mặt trăng. Ông kết hôn với bà nội năm một chín sáu mươi khi miền Bắc còn thanh bình. Kết hôn vì sống mãi một mình cũng kì kì. Ngày ấy bà nội cứng rắn khỏe mạnh, ông phải cứng rắn theo bà vì bao nhiêu sóng gió dội xuống cuộc đời thường nhật của con người. Chiến tranh. Bom nổ. Hầm hào. Công việc. Con cái ra đời giữa những đồng lương eo hẹp. Năm một chín bảy nhăm, xong việc lớn, ông nội có trong danh sách đoàn cán bộ giáo dục vào tiếp quản thành phố. Bằng mọi cách ông tìm được nhà ông Hồi. Tìm mà mong không thấy. Ông cũng đã yên bề gia thất đâu có quyền mong người khác chờ ông? Ông Hồi vẫn ở địa chỉ dạo trước bà Diễm Cầm viết thư cho ông. Con đường nhỏ nhiều cây bằng lăng nhất Sài Gòn. Hơn hai mươi năm ông Hồi vẫn không già đi mấy so với ông giáo trường Bưởi năm nào. Ông giáo có ba tố nữ đẹp nức tiếng kinh thành mà dạo đó ông nội quen bằng được. Rồi tìm mọi cách để cô gái ấy yêu mình. Ông Hồi ôm ghì ông nội Thuyết. Chào cậu. Lâu quá rồi. Dạo này đẫy ra đấy chứ, không gầy gò như hôm đi tới nhà lần đầu...
Nghe câu ấy, cả hai người bật cười. Hôm đầu tiên gặp gỡ Diễm Cầm, ông nội lơ ngơ như mọi chàng trai chưa có mảnh tình nào bỏ túi. Mới hơn hai mươi tuổi đầu. Lại đang có mục tiêu lớn: bỏ thành phố quân Pháp chiếm để lên Việt Bắc... Có vẻ ông Hồi cố lái câu chuyện sang hướng khác khi ông nội cứ nhìn lên cầu thang rồi lại nhìn tấm màn ngăn giữa nhà trong và phòng khách. Chuyện trò lan man. Bao nhiêu chuyện cần hiểu nhau sau bấy nhiêu năm. Đến nỗi lạ lẫm như vùng này vùng kia trên trái đất. Sau cùng ông Hồi mới làm như chợt nhớ ra:
- Diễm Cầm nó đi rồi anh à!
- Đi đâu ạ?
- Nó đi từ tháng Ba. Qua Thụy Sỹ. Nghe rục rịch chiến sự ở Tây Nguyên, nó bảo con phải đưa cháu sang học tiếp. Con trai nó có học bổng trung học bên đó. Chồng Diễm Cầm chết bệnh khi nó đang mang thai đứa con, thành thử nó quý đứa con hơn mạng nó. Tôi không ngăn được.
Ông nội thấy bất mãn, thấy tức giận:
- Vậy cô ấy vẫn gửi bưu thiếp cho cháu rồi cô ấy vẫn lấy chồng. - Chuyện dài lắm. Cỡ hai tiểu thuyết chưa hết đâu. Thôi, anh cũng đừng bận lòng mãi. Anh hãy thu xếp đời anh cho trọn... Ông nội im lìm với nỗi đau. Sao ông không tính đến chuyện bà Diễm Cầm nghe tin ông đã có “bếp” riêng, đã có con trai con gái đã thu xếp nhà cửa ngoài Bắc yên ổn mọi bề. Dù sao ông nội vẫn âm thầm đau với vết thương giai nhân rạch cho chảy máu thêm bằng cái sự bà lấy một ai đó rồi nhất quyết ra đi khi biết rằng mọi việc xong ông sẽ trở vô tìm bà.
Dạo đó mọi người ở Bắc vô ở rừng về vẫn co cụm ở đơn vị. Chưa có ai tính ở riêng một chỗ. Ông Hồi đến tìm ông nội. Dùng Hon-đa chở ông nội đi chơi đây đó. Khi dạo trong Thảo cầm viên, cả hai người lặng đi nhìn những cái cây hàng trăm tuổi nằm rải rác. Như nhớ ra điều gì ông Hồi bảo ở thành phố quê anh có một cây bao báp. Trên đồi Phú Cam. Anh nên về bảo vệ cái cây trong tình hình mới. Dạo năm năm sáu tôi và Diễm Cầm có về Huế. Cầm tới thăm mạ anh. Hai cha con tôi có đi xem cây bao báp. Cầm đứng đó lâu lắm. Nó nói anh say mê thực vật, say mê cây cối, khi nào yên hàn chắc anh sẽ thích cái cây này lắm... Tôi nhớ Diễm Cầm đứng tần ngần bên cây bao báp. Nó xoa tay vào thân cây. Nó bảo con gửi thông điệp cho anh ấy đây, ba à... Khi nghe nó nói vậy tôi thương nó đứt ruột. Tôi cầu trời cho xứ sở này hết tiếng súng, để anh và nó thành vợ thành chồng. Lúc đó tôi nhìn vào một trái cây bao báp nói, nếu có linh thiêng xin cho tôi trái này. Diễm Cầm cũng chắp tay cầu khấn. Lạ lắm anh à, khi cha con đi mấy bước thì có gió to. Nghe cái bộp. Trái bao báp rơi xuống gốc. Diễm Cầm chạy tới mà mặt tái xanh vì kinh ngạc. Nó cầm trái vô Sài Gòn. Trái có hình cầu như hình cái thuyền. To đến hơn mười phân. Để lâu lâu, Cầm tách một chút ra nếm thử, kêu hơi chua chua! Có cái hột hình trái thận... Linh thiêng cái lời cầu khấn như vậy mà sao lâu quá. Cứ hết năm này tới năm kia. Nó đi Đà Lạt với mấy cha làm ở trường tôi. Nó dính với một cha còn trẻ tuổi. Nó khóc bảo tôi, con phụ anh ấy rồi!
Khi sắp kết chuyện nó bảo chồng con chết rồi. Con không chờ “người ấy” được vì con đã phụ “người ấy”. Con đưa cháu sang Thụy Sỹ đây ba à. Tôi không ngăn được nó... Thôi. Mọi chuyện không thể theo ý được. Đừng trách nó mà tội!...
Câu chuyện đó Thuyết nghe ông nội kể. Nay đoạn này mai đoạn kia. Chắp lại là một chuyện tình dang dở trong cuộc chiến. Nhưng khi ấy nếu gặp bà Diễm Cầm thì ông xử ra sao. Ông đã có bà nội. Đã có ba Thuyết. Một đời nhọc nhằn chiến tranh ngoài Bắc. Đói kém ngoài Bắc. Bà Diễm Cầm không thể hiểu đâu.
Thuyết hay theo ông nội đến đây. Có những lúc trong ánh ngày rực rỡ, cái cây cao vút lên trời xanh. Vô số thân cây tỏa ra từ thân chính, lá cây xanh sẫm. Những trái màu xanh nằm giữa những bông hoa nở muộn màu trắng. Có những mùa cây tỏa ra um tùm một khoảng sân. Ông nội thích những mùa như thế.
Dạo đó ông nội về Huế. Đói kém, dân thành phố xao xác chạy, ăn bo bo như dân Bắc. Cảnh đó mà một cái cây lạ lại chiếm nhiều diện tích mặt bằng làm người ta ngứa mắt. Một ông tỉnh ngoài nhưng là một trong những sếp chính của thành phố nói nặng trịch:
- Cây ni tui đọc tài liệu rồi. Do một ông cố đạo Tây đem tới trồng. Dân ni có biết cây chi. Cứ gọi là cây trái chuột. Cây gòn. Có ích chi mô. Chặt đi cho rộng đất. Lại được củi. Bây giờ dân cần củi. Cần chi mấy thứ lăng nhăng!
Sếp nói thế. Đao búa sắp tập kết. Ông nội như cuồng lên. Ông gõ cửa sếp lớn nhất thành phố, xin khoan khoan. Ông viết thư cho ông sếp nữa ở Hà Nội. Ông đi khắp nơi. Thư từ trong Nam ngoài Bắc. Dạo đó còn bé, Thuyết thấy ông gầy rộc, hai ba ngày mới về một lần. Cái cây của ông. Cây có bàn tay bà Diễm Cầm xoa lên cầu cho bình an đến với mọi người. Cái cây hiếm hoi ở xứ Phi Châu đem tới cho Việt Nam màu xanh lạ. Không được chặt.
Ông cứ đi. Kêu gào. Vậy rồi giữa những năm tâm trí con người chỉ bị hạt gạo ám ảnh, dạ dày đau thắt vì đói, người ta đã nghe ông. Cái cây được giữ lại. Nó tiếp tục to ra, cao lên, vượt lên những năm khốn khó để đến hôm nay.
Sau đó ông nội lọ mọ gieo hạt lấy từ trái cây già. Có ba hạt nảy mầm ngoài khu đất ông rào trong vườn. Cả nhà quây quanh mấy mầm cây xem như có những linh hồn sống động trong đó. Nhưng trận lụt tai ác ập tới nhấn thành phố vào biển nước. Trận lụt kì quái nước ngập cả bàn thờ mọi nhà, có kẻ ác mồm bảo Việt cộng về mới có trận lụt này. Nước rút đi nhưng nước lấp xấp mặt đất chưa khô được. Mấy mầm cây bao báp bị thối rễ. Chết cả. Ông nội im lìm ngồi trong bóng tối ngôi nhà cổ giữa những bùn đất còn phủ lên giường lên ghế. Bà nội bảo: ông buồn có lấy lại được đâu. Cái cây còn đó. Sang năm lấy hạt khác mà ươm lại. Cứ mua sầu não vào người! Lần đó ông nội cáu: bà thì hiểu gì...
Lúc này Thuyết đã hút đến điếu thuốc thứ ba. Sương chiều đã lơ mơ quẩn quanh mái giáo đường. Ông nội có vẻ chưa muốn về. Ông ngồi rất thoải mái trên bậc thềm. Cằm tì vào cái can.
Sắp đến giờ phải có mặt ở đơn vị. Thuyết gọi thằng em. Thằng Dương em út ham chơi có khi đi mất hút hai ngày mà không báo cho ai làm cả nhà tá hỏa. Mà cũng chỉ có nó mới nhờ được. Ba mẹ đi ra Bắc cả tuần rồi. Vợ con Thuyết cũng bận, lại ở xa nhà ông bà...
Dương! Anh phải về đơn vị đây!
Dạ em nghe rồi anh! Thằng Dương rất ngoan ngoãn mỗi khi nói với anh. Ông anh thiếu tá quân đội được nó kính trọng. Nhất nhất nghe lời.
Dương này, ông nội ngồi ở đây tới tối. Nửa tiếng nữa em tới đón ông về bằng taxi. Nửa tiếng thôi nghe không. Sương xuống lạnh ông ốm đó. Nghe không?
Dạ em nghe rồi anh! Yên tâm đi anh!
Thuyết về đơn vị cách thành phố hơn hai mươi cây. Mọi việc xong xuôi. Tám giờ tối thằng con Thuyết tới nhà ông có việc gì đó. Bà nội đã ngủ. Bà hơn tám mươi tuổi, câu trước vừa nói xong câu sau bà đã xóa hẳn. Trí nhớ bà như trẻ lên ba. Giường ông không ai nằm bà cũng không hiểu. Thằng con Thuyết gọi điện thoại: Ba ơi cụ đâu? Trong đêm Thuyết phóng xe phân khối lớn đèo một chú lính trẻ phía sau. Xe đi bất chấp luật lệ. Tâm trí Thuyết như cuồng loạn. Đã có lần ông nội bảo ông muốn đi xa dưới gốc cây bao báp. Thuyết đã bảo ông: bà Diễm Cầm vẫn sống khỏe bên Thụy Sỹ. Ông đi với ai? Thằng Dương, cái thằng ham chơi kì cục, hai mấy tuổi đầu còn thích nhảy hip hop. Nó nhìn ông nội gắn bó cây bao báp, nó cười cười, thế hệ ông khổ rứa, cứ đèo bòng kỉ niệm. Như bọn em nè, xóa cái rụp. Đỡ nhọc! Thuyết phóng xe lên đồi Phú Cam. Trong bóng đêm, quang cảnh giáo đường huyền bí, như một cõi đâu đó trong mơ. Cây bao báp làm quang cảnh vững vàng. Cây như điểm nhấn. Đã thấy lốc nhốc một bọn thanh niên đứng dưới bậc thềm giáo đường. Thằng con lớn của Thuyết đang bóp vai cụ nội. Ông nội Thuyết ngồi đó, dưới gốc cây suốt mấy tiếng đồng hồ. Ông từ từ đứng dậy dưới sự trợ giúp của đám thanh niên bạn của thằng con Thuyết.
Thuyết thở hắt ra. Vậy là không có việc xấu. Vậy là có ai đó săn sóc ông. Thuyết nhìn cây bao báp ngạo nghễ nổi lên trong bóng tối cạnh giáo đường. Thuyết giao xe máy cho con, đỡ ông vào taxi. Khi chỉ có hai ông cháu ông mới thì thầm: chắc bà Diễm Cầm đi rồi con ạ! Ông ngủ gục mà không ngã. Ông thấy bà ấy đặt tay lên vai ông, nói với ông: khi nào đi thì tìm bà ấy!
Thuyết lắc đầu, cười lớn: ông cứ nói không đâu vào đâu. Ông đi thế nào được! Ông còn trăm tuổi cơ. Có dịp con đưa ông sang Thụy Sỹ tìm bà ấy. Con hứa...
Điện thoại kêu. Tiếng thằng Dương lập bập: anh ơi, em nhớ việc anh giao rồi. Giờ em về tìm ông nội đây!
Thằng quỷ! Mày sẽ biết tay tao! Cái bọn vô lương tâm như mày sao mà đông thế? Thằng quỷ!
Năm Mươi Năm Chiều Dài Năm Mươi Năm Chiều Dài - Lê Minh Khuê