Nghịch cảnh là thước đo giá trị của một con người. Tôi trở nên mạnh mẽ hơn sau những khủng hoảng trong cuộc sống.

Lou Holtz

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Little Rain
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1613 / 8
Cập nhật: 2015-11-14 21:19:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ùa báo hiệu bằng một vạt cây kiểng bày ở góc đường. Có lẽ họ chuyển cây suốt đêm hay sao, mà sớm ra đã thấy mai chiếu thuỷ, mai trắng, mai vàng ngậm sương. Những cây mai còn chưa tuốt lá. Bên cạnh đó là những cây kiểng còi, con con. Dăm bụi chùm rụm được tạo dáng chó (năm ngoái là gà, năm nào thì tạo hình ứng với con giáp ấy), nai, phượng, rồng… Lọt thỏm giữa phố chợ đông đúc, nên cả rồng cũng ngơ ngác.
Tôi qua đường sáng ấy, nửa nôn nao nửa thất thần, mèn ơi, Tết tới nơi rồi. Ngày nào cũng xem lịch, cũng biết ngày Xuân đang đến thật gần, nhưng khi thấy hoa tràn về chợ mới thật sự vào cuộc gấp rãi. Rồi bận bịu coi in báo Xuân. Dọn dẹp cơ quan. Trang hoàng nhà cửa. Sắm sửa Tết. Túi bụi cắm mặt vào những công việc cuối năm. Ngẩng lên, bỗng ngộp thở, ngây ngất con đường đến Hội Văn nghệ ngập tràn cây kiểng, hoa tươi, đến nỗi vào cơ quan chỉ còn lối đi nhỏ xíu.
Hoa chẳng cần nói gì hết, điềm nhiên rực dưới nắng trời. Con người sững sờ, sướng điên lên với cái đẹp không lời đó. Cái buồn vì sắp “bị” thêm một tuổi biến đâu mất. Mùa xuân quả là đáng chờ đợi, vì ngọn gió hiu hiu này, vì sự đoàn tụ và sum họp này, vì chỉ dịp này, những con đường ở trung tâm thành phố vốn khô khốc bê tông mới trở thành dòng sông hoa, uốn lượn rực rỡ.
Năm nào cũng vậy, anh cây kiểng đến trước, khi ấy chợ hoa Tết còn vắng. Chỉ có những người bán lặng lẽ đứng tuốt lá mai, sửa sang lại thế cho mấy cây kiểng còi, đôi ba người khác chồm hổm xúm quanh mấy hộp cơm nhỏ xíu. Tôi bỗng chạnh lòng, vào thời điểm mà người ta dồn hết tâm trí về gia đình, chăm chút cho mái ấm thì họ, những người bán hoa Tết lại vào mùa xa nhà. Vạ vật ở những vỉa hè nắng chang chang, thót tim khi thấy hoa chảy tràn ở các ngã đường, có người thở dài; nhìn hoa trở chứng nở rộ khi mới hai ba tháng Chạp, có người nuốt nước mắt. Dường như Lâm Đại Ngọc trong Hồng Lâu mộng cũng không nát lòng bằng người bán hoa khi nhìn từng cánh hoa rơi, mà giao thừa còn năm bảy ngày mới tới. Lại phải thấp thỏm với cuộc được – mất, lỗ – lời…
Họ, phần lớn là nông dân, nom lấm lem và lạc lõng, gương mặt sương nắng dạn dày. Suốt cả ngày ba mươi Tết, họ không thể ngồi, chỉ đứng, ngó mong. Có lẽ, trong lồng ngực họ, nhịp tim bắt đầu hối hả, nhanh dần, nhanh dần… Và thắt lại khi pháo hoa nở rực trên nền trời, những công nhân vệ sinh chợ bắt đầu dồn đuổi thấp thoáng, người bắt đầu thưa khi hoa vẫn còn rực lên một cách tuyệt vọng.
Chỉ kẻ mua là nhẩn nha, mặc cả cho hết giá. Dường như con người ta có một chút khoái trá khi thấy kẻ yếu bị dồn đến cùng đường. Mấy ai nhìn vào khuôn mặt sạm nắng của người bán, để thấy bất nhẫn, giống như mình bỏ thêm muối vào mồ hôi, làm họ càng thêm xót xa thêm. Tôi cũng có lần giận mình, giận luôn chị bạn đồng nghiệp. Mấy cái Tết liền chị không bỏ tiền mua hoa, chị chờ sau giao thừa, cười toe đi lượm hoa ế người ta bỏ lại. Khó khăn ai cũng có, sao không chia sẽ một ít cho nhau?!
Sáng mồng Một qua những con đường này, thấy sót lại vài vạt hoa, vẫn vàng vẫn đỏ, vẫn hồng rực rỡ nhưng sao thấy buồn hiu hiu như người con gái vẫn còn đẹp nhưng quá thì. Chắc người bán cũng đau lắm khi dứt áo trở về nhà. Tôi hình dung, trên một chuyến xe nào đó ngược về Đồng Tháp, hay Bến Tre, họ chào đón năm mới với những nỗi lo trĩu lòng.
Chuyện của Sơn, Thịnh mà tôi biết còn buồn hơn. Năm ngoái, hai anh này “đóng quân” trước Hội văn nghệ. Hôm chuyển cây kiểng xuống, cả hai ngời ngợi vỗ tay cười, nói “năm nay tụi tui làm trùm chợ Cà Mau. Toàn hàng “độc quyền” không thôi. Đây nè, ở đây, cô mà kiếm được cặp cau Nhật nào giống như vầy, chặt đầu tụi tui”. Một người chạy xe ôm đứng nhìn cây cau, buộc miệng, “ủa, sao giống cây chà là quá ta”. Trời, ai đời cây cau nhập ngoại giá cả triệu bạc mà nói giống loại cây hoang dại mọc dọc theo những triền sông. Tôi ngờ là câu nói ấy chắc là điềm báo. Hoa kiểng dội chợ, hai anh chàng ngồi buồn đi buôn… lỗ hơn mười lăm triệu. Sáng mồng ba, tôi đến cơ quan trực, thấy anh Sơn ngồi ở đó, mặt buồn thảm buồn sầu, bộ râu xuôi xị, tiu nghỉu. Anh bảo hồi đi vợ đã cản nhưng anh không nghe, bây giờ về thế nào gia đình cũng xào xáo, đầu năm đầu tháng mà… Ngồi nói chuyện với tôi, một chút anh lại gọi điện cho Thịnh, hỏi với giọng rầu rĩ, tình hình êm chưa mậy? Báo hại, bộ phận công đoàn của cơ quan hí hửng tưởng đâu thu được ít tiền điện, nước, ai dè… nghèo gặp nghèo hơn.
Năm nay, những tờ lịch đã rụng dần về Tết, nhắc chuyện cũ, người cũ, nhớ mấy lần cùng nhau trải chiếu nhậu giữa sân, một anh đồng nghiệp bỗng thốt lên, “sợ lại năm nay hai thằng cha đó không quay lại nữa”.
Ờ, có thể… Nhưng cây kiểng và hoa không vì thế mà lỗi hẹn, chúng vẫn trãi đầy trên những con đường trung tâm thành phố, chúng vẫn như dòng nước mát, tưới tắm tâm hồn người, làm dịu khi khói bụi thị thành.
Có điều, người năm cũ không quay lại, tôi và anh bạn đồng nghiệp biết uống rượu cùng ai. Anh Sơn, anh Thịnh ới ơi!
Mùa Hoa Giữa Phố Mùa Hoa Giữa Phố - Nguyễn Ngọc Tư