What holy cities are to nomadic tribes - a symbol of race and a bond of union - great books are to the wandering souls of men: they are the Meccas of the mind.

G.E. Woodberry

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Little Rain
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1353 / 13
Cập nhật: 2014-06-19 22:57:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
Đã đến mười hôm nay, ông Bảo Sơn chỉ làm có hai việc: một là lại chơi nhà mấy ông lang quen, hai là ngồi dựa vào lưng ghế, ghếch cẳng lên mặt bàn, tay nặn cằm, nhổ râu. Ông lo món tiền nhà sắp phải trả. Ông thường lắc đầu, than thở với vợ:
- Hỏng! Ít người chết thì mình sống làm sao?
Thế rồi nhìn các đồ đạc đã sắm sửa về công cuộc làm ăn, ông chỉ thở dài: mấy cỗ xe tang, chiếc đen, chiếc trắng. Những biển, cờ, bát bửu, đòn, kiệu, vòng hoa, phô đủ các màu đỏ, vàng, trắng, tím, càng sặc sỡ, càng choáng lộn bao nhiêu, càng làm ông nóng ruột nóng gan bấy nhiêu.
Nhưng mà vừa nãy ông cuống quýt lên về một tin mừng: cụ Hường ở dốc Hàng Gà sắp chết. Ông vội vàng mặc quần áo, gói ghém vàng, hương, nến, thuê xe lên Hàng Buồm, mặc cả cặn kẽ để mua một cân vừa lê vừa táo vào hạng nhì, rồi đến thẳng nhà người có bệnh nặng.
Ông hồi hộp, thập thò ngoài cửa chừng dăm phút.
Sau khi hỏi thăm cẩn thận hai bên hàng xóm, ông mới đường hoàng bước vào. Ông phá tan nỗi ngơ ngác của người nhà bằng những lối chào lễ phép và dáng điệu trang nghiêm. Ông tỏ ý muốn được tiếp chuyện cụ.
Chẳng quý báu gì sự lo lắng buồn rầu mà phải giữ độc quyền! Vả từ chối tấm lòng tử tế của một người lạ mặt đến hỏi thăm, lại là bất lịch sự. Cho nên người nhà cảm động, đưa ông đến cạnh giường bệnh nhân.
Cửa màn mở ra. Ngọn đèn le lói chiếu một thứ ánh sáng mập mờ vào một cái gần như cái đầu lâu bọc thừa nhiều da quá. Hai hàm răng nhô vẩu dưới bốn chỗ lõm sâu ở má và ở mắt với tấm thân dẹt đét khẳng khiu, cam đoan chắc chắn rằng cụ Hường không khỏi tránh được miệng lỗ.
Ông Bảo Sơn vững tâm, cúi chào người bệnh. Ông khe khẽ đặt gói quả vào khay, rồi ngồi xuống ghế. Cụ Hường đưa mắt lờ đờ, nhìn khách, lại nhìn con.
- Thưa cụ, chúng tôi thấy cụ yếu nặng, vậy lòng thành, chúng tôi có chút quà mọn đem biếu cụ, và nhờ cụ làm ơn giúp cho một việc.
Nói đoạn, ông kiễng chân đi đến gần người con cụ Hường, và ghé vào tai:
- Xin ông bảo gọt lê táo. Người yếu xơi những thức này, tốt lắm.
Rồi quay lại cụ Hường, ông khen:
- Nhà cụ phúc hậu quá!
Cụ Hường nói rời rạc:
- Tôi cảm ơn ông. Tôi khó lòng sống được.
Ông Bảo Sơn nhìn ông cụ Hường, lắc đầu:
- Vâng, thưa cụ yếu lắm. Chúng tôi biết tin cụ yếu, nên vội vàng đến hầu chuyện cụ. Thưa cụ, chúng tôi là chủ hiệu xe và đòn đám ma Bảo Sơn đây ạ.
Cụ Hường nhắc lại:
- Xe và đòn đám ma?
- Vâng, hiệu Bảo Sơn. Chắc cụ cũng biết tiếng.
Cụ Hường gật:
- Vâng.
Ông Bảo Sơn vui vẻ tiếp:
- Thưa cụ, nhà chúng tôi xưa nay có tiếng là làm ăn cẩn thận. Nên hôm nay chúng tôi mới dám đến đây để bẩm với cụ, là nếu chẳng may cụ có mệnh hệ nào, thì cụ cho phép chúng tôi được hầu hạ cụ.
Giữ lúc ấy, có vài tíêng thì thào của mấy người đàn bà đứng gần đó. Nhưng ông Bảo Sơn chẳng muốn để vào tai. Ông lại nói luôn:
- Thưa cụ, hiệu chúng tôi không như những hiệu khác, họ chỉ biết lấy tiền. Vừa tháng trước đây, có một nhà, chẳng biết vô ý thế nào, mà để cho hai con ngựa chạy lồng lên, rơi cả quan tài xuống đất!
- Khốn nạn!
Các bà rú lên những tiếng kinh ngạc. Cụ Hường cũng lắc đầu, cố rặn lấy một nụ cười đau đớn. Ông Bảo Sơn nói tiếp:
- Bởi thế, ta nên vứt hẳn lối kiêng vô ích đi.Trong nhà có ông già bà cả yếu nặng, ta nên nghĩ ngay đến việc đưa rước, mà đi hỏi trước một hiệu nào cẩn thận thì hơn. Vì, thưa cụ với các bà thế này ạ, lúc mà ông già bà cả nằm xuống rồi, thì ta có bao nhiêu việc vội vàng phải làm, nào trình báo, nào sắm sửa lễ vật, vân vân. Lúc ấy, gặp hãng nào mà ta chẳng phải thuê. Có khi bị người ta bắt chẹt là một sự thường.
Cụ Hường nói:
- Phải.
- Thưa cụ, bởi vậy, không muốn để cho các quý khách lầm và hớ, rồi coi cá mè một lứa, nên chúng tôi phải đến hầu chuyện cụ ngay từ bây giờ.
- Vâng.
- Để cụ cho chúng tôi được hầu hạ cụ sau này. Nội các việc trình báo, xin cứ để chúng tôi chu tất hết.
- Ông cho tôi biết ông tính toán thế nào?
Ông Bảo Sơn ghé vào tai người con, hỏi:
- Ông định để cụ ở đâu?
- Nếu chẳng may ông tôi có thế nào, thì chúng tôi để ông tôi ở nghĩa trang hội Hợp Thiện.
Ông Bảo Sơn nghĩ ngợi một lát, rồi hỏi:
- Bẩm cụ cho đi lối ta hay lối tây ạ?
- Lối tây, ông ạ, cho nó giản tiện.
Ông Bảo Sơn lắc đầu, nhìn vào các bà, nói:
- Rước các cụ mà theo lối tây, e không được trọng thể.
Cụ Hường đáp:
- Thôi, cái xe hai ngựa là đủ mà!
Ông Bảo Sơn vội đỡ lời:
- Ồ, tội gì cụ không dùng xe bốn ngựa? Cụ như thế này là thuận cảnh lắm rồi, còn gì? Đi hai ngựa, chúng tôi sợ các ông các bà đây lại ân hận.
- Thì xe bốn ngựa, ông tính bao nhiêu?
- Không hơn bao nhiêu đâu, thưa các bà ạ. Nhưng chúng tôi tưởng các cụ già cả lại đông con cháu, thì không nên chỉ dùng xe không. Nghĩa là rồi còn phải rước ở huyệt về nhà, mới coi được. Nhiều đám, lúc đi thì theo lối tây, nghĩa là chỉ có mấy vòng hoa và cái xe, nhưng bao giờ chúng tôi cũng phải để sẵn năm lá cờ, long đình và dàn nam ở huyệt, để lúc về thì rước.
Một bà nói:
- Như vậy, ông tính bao nhiêu ạ?
- Thưa bà không mấy ạ, độ ngót ba chục. Nhưng thưa các bà, chúng tôi nói thực câu này để các bà xét cho, chứ đám như đám cụ nhà mà đi theo lối tây, tôi e mất cả nghi vệ.
Người con hỏi:
- Theo lối ta thì đi những gì, xin ông cứ cho biết.
- Nếu ông thong thả, mời ông lại đằng nhà chúng tôi mà xem. Bẩm từ đòn đại dư, cho đến cây đèn, thứ nào cũng mới sơn và chạm trổ rất đẹp.
Cụ Hường hỏi:
- Vâng, ông định cho đi những gì?
- Cái đó tuỳ ở cụ, và các ông các bà. Sự sang trọng thì vô giá. Vừa tuần lễ trước, chúng tôi đi một đám mà nguyên một cái nhà táng kết toàn bằng hoa thật cả, đã tốn đến ngót trăm rưởi bạc rồi.
- Cứ thường thường thôi, ông ạ.
- Thế thì năm lá cờ ngũ hành, tám bát bửu, một bộ cà râu, một chiếc phật đình, hai lọng vàng, hai lọng xanh, một bàn độc, minh tinh, tam sự, lợn, bánh, tám chiếc đèn, hai biển, một phường bát âm, một ngọc lộ, bốn dàn nam, một linh xa, một đại dư, một phương du. Bẩm người nhà chúng tôi toàn một lượt áo dài, thắt lưng xanh, khăn trắng, như vậy, phải linh trăm người đấy ạ.
- Có thể nào giản tiện hơn được không, ông?
- Nguyên cái đại dư, thường thường cũng phải bốn mươi hai người khênh, ngọc lộ tám người, còn bao nhiêu đối trướng thì phải lấy thêm bấy nhiêu người nữa.
Cụ Hường lại hỏi:
- Có tốn đến ba bốn chục không, ông?
- Bẩm hơn ạ. Nhưng cụ đừng ngại cái tốn. Hẳn các ông các bà trả nghĩa cụ, cũng không khi nào chịu hà tiện mấy chục đồng bạc để mua lấy tiếng phố xá chê cười.
Cụ Hường nghĩ ngợi một lát, rồi nói:
- Vâng, cái đó tuỳ các con tôi.
- Thưa cụ, đó là chúng tôi tính phác ra mà thôi. Còn tiền nong, thì có thể châm chước được. Miễn là cụ dặn lại các ông các bà một tiếng là đủ.
Cụ Hường gọi:
- Anh cả!
Người con cả ghé tai. Cụ Hường nói:
- Nhớ lấy tên hiệu ông chủ đây.
Ông Bảo Sơn vui vẻ đỡ lời:
- Bẩm hiệu Bảo Sơn, Bảo Sơn ạ.
Đoạn, ông Bảo Sơn đứng dậy, cáo từ. Người con cả tiễn ra đến cửa.
Trước khi từ biệt, ông Bảo Sơn ngậm ngùi, bắt tay chủ nhà thật chặt và thật lâu như thể đôi bạn cố tri. Rồi buông tay ra, ông nói rất thân mật:
- Chúng tôi cảm ơn ngài. Chốc nữa, mời ngài quá bộ đến chơi đằng nhà để xem qua các đồ đạc. Nói đổ xuống sông xuống biển, nếu chẳng may cụ có việc gì, xin ngài cứ tin cậy ở tôi.
- Vâng, ông tôi đã dặn, tôi không dám trái lời.
Rồi thở dài, người con nói tiếp:
- Có lẽ ông tôi khó lòng được ba hôm nữa.
Ông Bảo Sơn an ủi:
- Ngài đừng lo. Nghĩa là tôi nói vậy thôi. Chứ nếu phúc nhà, cụ gặp thầy gặp thuốc mà lại bình phục như thường, thì tôi rất mừng.
o O o
Ông Bảo Sơn hớn hở về nhà, chứa chan hi vọng.
Ông đắc chí, bảo vợ:
- Ở thời buổi chiến tranh, không xuý sẵn như thế là mất món khách.
Thực vậy, lối xuý khách ấy đã nhiều lần làm cho các bạn đồng nghiệp của ông phải ngẩn ngơ về sự ế hàng của họ. Bởi thế, ông cho nó là cái bí quyết trong cách làm ăn, cần phải giữ kín, kẻo người khác bắt chước.
Từ đó, ông phái người thỉnh thoảng lảng vảng qua nhà cụ Hường. Hễ ở đây nổi lên tiếng khóc, thì nhất định ông phải là người đầu tiên, đem gói vàng hương nến hôm nọ chưa dùng, đến để phúng cụ.
Song, tận hôm thứ ba, là ngày ông chắc cụ Hường hết số, mà ông cũng chẳng được tin tức gì mừng hơn. Thế là ông đâm lo. Lo rằng người nhà ông không làm việc đến nơi đến chốn. Hoặc cụ Hường đã ăn xôi ngay từ hôm sau, mà có hãng nào phỗng tay trên mất khách rồi chăng. Nếu vậy, ông mất toi mấy hào lê táo à? Một trăm lần ông tự hỏi, ấy là một trăm lần ông khó trả lời. Càng bực mình, ông Bảo Sơn càng phát cáu. Thân hành đến tận nhà cụ Hường để hỏi han tin tức cho đích xác, ông cho là bất tiện. Vì vậy, ông phải làm một việc tiện hơn, là cả ngày hôm ấy ông hết mắng đầy tớ khờ dại, lại chửi anh đồng nghiệp đểu giả nào ăn hớt khách của ông.
Đến tận chập tối, ông mới thuê xe xuống dốc Hàng Gà, để hai năm rõ mười về câu chuyện đã làm ông bận trí.
Trước hết, ông lượn qua cửa nhà cụ Hường một lượt. Ông thấy trong nhà, kẻ đi người lại như thường, không có vẻ chi là khác cả. Vậy tất là cụ Hường vẫn còn sống. Ông yên tâm. Nhưng rồi đắn đo thế nào, ông lại đâm nghi. Có lẽ người ta đem người ốm về nhà quê để tiện việc ma chay ở nơi quê cha đất tổ rồi chăng? Ông bèn hỏi thăm nhà bên cạnh, thì ông mới lại yên tâm: đám này có chạy lên mây cũng không thể lọt qua tay ông. Vì ông già định chết ở Hà Nội.
Ông chứa chan hi vọng, lại lượn qua nhà cụ Hường thật thong thả, để thám thính cho thật kĩ càng. Quái lạ, ông nghe thấy có tiếng cười vui? Ông cau mặt, nghĩ ngợi mãi, mà chẳng hiểu thế nào cả.
Rồi ông lại phải qua nhà cụ Hường lần thứ ba. Lần này, đến cửa, ông đứng hẳn lại, cố nhìn vào trong rõ lâu. Vẫn những người đi lại. Vẫn những tiếng nói cưòi. Quái nhỉ! Ông đoán mãi không ra là tại làm sao.
Một lát, thấy thằng nhỏ ở trong nhà mở cửa đi ra phố. Ông mừng rỡ, đứng nép hẳn vào một bên tường, giơ tay ra vẫy nó.
Thằng nhỏ dòm vào tận mặt ông, hỏi:
- Ông hỏi ai?
Ông Bảo Sơn ngần ngừ một lúc, rồi khe khẽ.
- Này anh, cụ hôm nay thế nào?
Thằng nhỏ vội vàng chắp tay cho lễ phép:
- Bẩm ông, mời ông vào chơi, cụ con đã đỡ.
Ông choáng người, trợn mắt:
- Đã đỡ?
- Vâng, đỡ nhiều rồi. Nhờ giờ có thể khỏi được ạ.
Ông Bảo Sơn thất vọng. Ông ngoẹo cổ, nhún vai, thở dài, rồi đút hai tay vào túi quần. Ông quay bước:
- Ồ, mẹc! Con khỉ!
Một Tin Buồn Một Tin Buồn - Nguyễn Công Hoan