I know every book of mine by its smell, and I have but to put my nose between the pages to be reminded of all sorts of things.

George Robert Gissing

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 518 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
rước lúc đưa vợ con vào Nam sinh sống, Hoàn có ghé về thăm quê nhà.
Trong lúc dọn dẹp bàn thờ gia tiên, anh lỡ tay làm rớt cái bài vị của ông tổ xuống nền gạch. Giữa hai lớp ván mỏng được dán bằng sơn nam bị bong ra, anh nhặt được hai tờ giấy dó gói trong một mảnh lụa trắng. Một tờ chi chít chữ Nôm. Tờ kia hình như là một tấm địa đồ.
Hoàn không nói với ai về chuyện ấy, lẳng lặng giấu những vật thiêng liêng ấy đi.
Vào Nam được ít lâu, anh nổi hứng theo học một lớp Hán Nôm vào các buổi tối. Thông minh như anh mà cũng phải mất mấy năm mới hiểu được ý nghĩa của vật qúy. Và cũng chỉ tới lúc ấy, không hiểu vì lẽ gì, ngày đêm anh chỉ mong thằng Cún bỏ quê vào Nam quấy quả mình.
Hoàn còn nhớ lần thằng Cún xuất ngũ, nó khoác ba lô thẳng một mạch từ đơn vị đến nơi anh đang làm việc. Được bảo vệ báo có người nhà tới tìm, anh lật đật chạy xuống phòng khách. Thằng Cún đang ôm chiếc ba lô lộn ngược trong lòng, gõ gõ đế giày xuống sàn nhà; thấy Hoàn, nó thay lời chào bằng một câu hỏi:
- Anh có biết vì sao tôi chưa về nhà mà đến gặp anh ngay không?
Hoàn nén giận, bảo:
- Chắc là tiện xe chú mày rẽ qua?
Thằng Cún cười khẽ:
- Sao anh không nghĩ là tôi sẽ về ở hẳn với anh chị cho có anh có em?
- Thôi được! Hoàn nói- Chìa khoá đây, bây giờ chú mày cứ về nhà đã. Anh em ta sẽ nói chuyện sau.
Thằng Cún dạ dạ vâng vâng rồi ra cổng gọi xích lô chở nó về nhà anh. Chiều hôm ấy, khi rượu ngà ngà say, nó khoe:
- Anh chị biết đấy, nghe anh, tôi đã phấn đấu và mấp mé được đứng trong hàng ngũ của anh chị. Nhưng tôi ngắn học, cấp trên bảo không phát triển lên sĩ quan được!
Hoàn nói:
- Thì về xây dựng quê hương cũng tốt chứ sao? Quê ta đang rất cần những người như chú mày.
Thằng Cún dằn cái li uống bàn cái cộc:
- Không được, anh phải giúp tôi. Tôi không muốn về quê làm một anh xã xệ!
-Vậy thì- Hoàn nhìn thằng em thăm dò- Chú mày có thể làm được gì nhỉ? Khi mà trong tay không có lấy một nghề ngỗng nào?
Thằng Cún hạ giọng:
- Anh không thấy bao nhiêu người như tôi mà vẫn làm nên được tới ông này bà nọ thật à? Chẳng lẽ tài trí như anh mà không nổi cho em một chân thư kí phụ việc giấy tờ, điếu đóm đỡ cho một vị quan chức nào?
Hoàn ngán ngẩm lắc đầu:
- Muốn ngồi ở cái ghế đó chí ít cũng phải mài nát đũng quần ở một trường đại học chú em ạ.
Thằng Cún cười khẩy:
- Ở bộ đội, tôi được dạy cuộc sống là trường đại học lớn nhất. Nếu đúng thế, vừa ở nhà quê, vừa ở bộ đội, tôi chẳng đã có tới hai cái bằng đại học đấy ư?
Sau hai tháng tá túc ở nhà Hoàn, cùng anh trai mình gõ hết cửa này tới cửa kia vẫn không kiếm được việc làm thích hợp, thằng Cún mới chịu xách ba lô về quê. Dĩ nhiên là có điều kiện. Như, Hoàn phải bỏ tiền ra xây lại nhà cho bố mẹ. Rồi đứng ra lo trọn đám cưới cho thằng Cún lấy một cô giáo trường làng. Thỏa hai điểm đó nó mới chịu. Bằng không, nó dọa sẽ bỏ quê đi biệt xứ. Mà đi đâu? Biết không? Ra Hà Nội hoặc vào Sài Gòn làm cái bang chơi! Cún này mà đi ăn mày thì xấu mặt cả làng Yên Hàn khoa bảng đã lỡ đẻ ra nó, khác nào bôi gio trát trấu vào cái họ Hoàng nổi tiếng nhờ đời nào cũng lắm người đỗ đạt và giàu có kia! Những điều kiện thằng Cún đưa ra đã được thỏa và mọi chuyện tưởng như đã yên. Sau sự kiện ấy, Hoàn vô tình được hai tờ giấy cổ và chuyển vào sống tại thành phố. Nhờ làm ăn tấn tới, ngoài căn nhà ba tầng lầu toạ lạc trên đường Cộng Hòa dùng để ở, vợ chồng Hoàn còn có một căn nhà khác ở đường Phổ Quang để cho thuê. Mới rồi người thuê nhà có đến nài nỉ xin Hoàn đồng ý để ông ta cho một người bạn cũ được phép tới ở tạm vài tháng. Vợ chồng Hoàn đã đồng ý và dự tính sẽ đến tận nơi để xem xét xem người ở nhờ là người như thế nào vào một dịp thuận lợi. Nhưng bận việc liên miên, anh chưa thu xếp được thời gian.
Cách đây mấy hôm, có một chuyện xảy ra ngoài dự tính của Hoàn. Nhờ trời xui đất khiến như thế nào đấy, vào đúng lúc Hoàn đang mong gặp em trai cháy gan cháy ruột thì thằng Cún đã đột ngột vào thành phố. Nó tìm đến nhà anh mà không hề báo trước một câu. Ngồi chưa nóng chỗ, Cún bảo:
- Trước đây tôi nghe lời anh chị nên đã tình nguyện về quê chăm nom bố mẹ già. Anh chị làm ăn ngày càng tấn tới cũng là do phúc ấm mà cha mẹ để lại cho. Vậy nên, tôi đề nghị...
- Đưa cho chú mày một số tiền để phụng dưỡng bố mẹ phải không? Vợ Hoàn nhanh nhẩu nói.
Thằng Cún lạnh băng:
- Sao chuyện gì anh chị cũng quy ra tiền bạc nhỉ?
Hoàn thấy lạ bèn gặng:
- Sao chú mày không huỵch toẹt ra cho khỏi mất thì giờ?
Thằng Cún cười:
- Anh chị nhầm rồi. Tôi không nói chuyện tiền. Tôi chỉ nói chuyện tình!
- Thôi được! Hoàn nói- Đầu đuôi ra làm sao nào?
- Chuyện là thế này, bố mẹ giờ đã già yếu, lại chán cảnh quê mùa. Ý bố mẹ muốn vào trong này với anh chị.
- Việc ấy đâu khó khăn gì! Vợ Hoàn chặn trước - Bố mẹ chỉ nói một tiếng là tôi ra đón ngay!
Thằng Cún cười tủm tỉm:
- Giả tỉ bây giờ bố mẹ đang ở trong này rồi, chị có đi đón ngay không?
Người chị dâu giật mình:
- Chú đã đưa bố mẹ vào?
- Dĩ nhiên. Mà đang trọ ngay trong cái nhà anh chị cho ông Ba bún bò thuê ấy. Mỗi tháng đỡ cho ông ấy tám trăm tiền mướn nhà.
Mới nghe nói tới đó, mặt vợ Hoàn đã tái mét, cổ chị như bị nghẹn lại, đắng ngắt. Riêng Hoàn vẫn tỏ ra bình tĩnh, cứ như là chẳng hề có chuyện gì làm anh phải lo lắng hay bận tâm cả. Thằng Cún liếc nhanh về phía anh chị để thăm dò, rồi thủng thẳng bồi tiếp:
- Nói anh chị đừng nổi giận, vì gạo đã nấu thành cơm rồi, tôi đã tạm cầm hết nhà cửa, ruộng vườn ở quê và đưa bố mẹ vào đây trả anh chị. Dĩ nhiên về phần vợ chồng tôi, tôi đến đây không phải để xin anh chị mà để đòi nợ.
Hoàn đập tay xuống bàn:
- Tao nợ mày cái gì? Nói mau, tao nợ mày cái gì?
Thằng Cún xua tay:
- Anh nổi giận vô lí qúa. Nổi giận làm người ta mất khôn. Anh thử bình tĩnh nghĩ thử xem!
- Tao không nợ nần gì mày, nghe chưa? Hoàn quát lên.
- Có đấy! Thằng Cún xoa xoa hai bàn tay vào nhau - Mà nợ hơi bị nhiều đấy...
Hoàn nóng mặt:
- Mày bảo tao nợ mày những gì? Kể ra đi!
Thằng Cún vênh mặt lên, bảo:
- Món anh nợ tôi chính là quá khứ và trí tuệ. Là anh em ruột, có bao nhiêu trí thông minh anh đã lấy hết của tôi. Anh không thèm để lại cho tôi một chút cho gọi là có! Hồi trước, nhà ta nghèo, nhưng bố mẹ còn cố lo cho anh được đi học. Đến lượt tôi thì bố mẹ bảo hết lực rồi. Giả sử lúc đó tôi không chịu tự nguyện bỏ học để anh được học tiếp, liệu bây giờ anh có hơn gì tôi không? Vậy mà anh dám bảo là anh không nợ gì tôi ư?
- Còn gì nữa không? Hoàn đã hơi run nhưng anh cố dằn giọng- Nói tiếp đi!
- Ai đã phải viết đơn tình nguyện đi bộ đội để anh trai mình được ở lại trường đại học? Có phải là tôi không?
Hoàn buông:
- Nói nữa đi!
Thằng Cún xoa xoa hai tay vào nhau, cười khẩy:
- Và ai đã thay anh ở với bố mẹ để anh có thời gian và yên tâm nghĩ cách làm giàu bấy lâu nay? Những cái đó không phải là món nợ mà anh sẽ phải trả cả đời cũng không thể hết được sao?
- Thôi được! Hoàn tỏ ra đuối lý, bất ngờ hạ giọng và vỗ vào vai em trai- Anh chấp nhận sẽ sòng phẳng, coi như cái nhà của anh chị sẽ thuộc về chú mày. Còn cái nhà ở quê, do các món anh chị nợ mà chú đã kể ra, anh sẽ bỏ tiền ra chuộc lại và nó thuộc quyền anh chị sở hữu. Dĩ nhiên phải có điều kiện. Giấy tờ đây, chú mày tự tay viết ra rồi cùng ký vào, mai ta sẽ ra công chứng!
Thằng Cún tưởng mình nghe lầm, hỏi lại một lần nữa. Nghe Hoàn nhắc lại, nó còn cố nài thêm:
- Còn việc phụng dưỡng bố mẹ già, anh chị có điều kiện hơn tôi, mong anh chị đừng từ chối cho trọn chữ hiếu.
Hoàn nói như đanh đóng cột:
- Được!
Rồi giục:
- Viết giấy đi!
Thằng Cún không ngờ tình thế lại diễn ra thuận lợi đến thế. Sợ anh trai mình đổi ý, Cún viết lia lịa và ký toẹt vào tờ giấy.
Hoàn nhận tờ giấy, thản nhiên đút vào túi áo và lạnh lùng bảo vợ đưa cho em trai mình một triệu đồng. Rồi lấy cớ mệt phải đi nghỉ sớm, anh quay vào phòng riêng.
Đứng trước gương, lòng lâng lâng như bay, Hoàn sung sướng ngắm mãi những nét thanh tú trên khuôn mặt vốn rất sáng sủa của anh. Anh biết rằng, nay mai vợ chồng anh sẽ giàu hơn bây giờ nhiều lần. Bởi khi đã có trong tay hai tờ giấy, một là tờ giấy nói về kho báu, một là bản đồ chỉ dẫn cùng với căn nhà mà bố mẹ và em trai đã đồng ý để cho vợ chồng Hoàn toàn quyền định đoạt, việc lấy kho báu trong lòng đất dưới bục thờ tiên tổ đối với anh chỉ còn là vấn đề thời gian.
Giao nhà cho em trai xong, vợ chồng Hoàn lấy vé máy bay về quê.
Trưa hôm sau Hoàn làm một mâm cơm cúng, mời các chú các bác đến họp. Anh nói:
- Anh em cháu bỏ quê đi kiếm ăn xa. Ấy cũng là có lỗi với dòng họ. Thôi thì các bác, các chú cho vợ chồng cháu bù lại bằng cách đứng ra xây lại cái bục thờ trong từ đường họ ta...
Các ông chú bà bác vỗ tay tán thưởng, khen vợ chồng Hoàn hiếu nghĩa.
Hôm sau, lấy cớ phải chọn giờ động thổ tượng trưng, vào nửa đêm, Hoàn xắn tay áo, hì hục đào một cái hố nhỏ dưới bục bàn thờ.
Mới chừng nửa mét, Hoàn đã moi được một cái hộp gỗ. Bật nắp hộp, hai vợ chồng anh mừng phát khóc khi thấy bên trong có một pho tượng. Đúng là vàng ròng thật rồi! Vợ Hoàn giữ khư khư cái hộp trên tay. Trống ngực chị đập thình thịch. Mắt chị hoa lên…
Chị chợt thấy thằng Cún đứng lù lù bên cạnh, nhăn nhở cười, rồi đưa tay giật phắt lấy cái hộp. Pho tượng văng ra khỏi hộp, rơi xuống nền gạch cái cạch và bị gẫy làm đôi. Thằng Cún cúi xuống vồ lấy pho tượng. Nó tròn mắt, lạc giọng kêu lên:
- Đá! Chỉ có đá!
Rồi ném ngay pho tượng xuống đất, quay mặt bỏ đi thẳng.
Có lẽ thằng Cún đã lờ mờ nhận ra điều uẩn khúc đằng sau việc Hoàn lấy lại cái nhà tồi tàn ở quê kia? Nên nó đã theo anh chị về tận đây để biết rõ hư thực? Nhưng nó đã không biết khối đá lạnh ngắt kia còn qúy hơn cả vàng ròng?
Cái rủi, cái may ở đời thực ra chỉ có trời mới biết trước! Xây từ đường xong, vợ chồng Hoàn đem pho tượng về thành phố, trang trọng đặt ở phòng tiếp khách; bạn bè Hoàn đến chơi, ai cũng khen đẹp. Chuyện lọt tới tai một tay buôn đồ cổ ở đường Lê Công Kiều. Hắn tìm tới thăm Hoàn và bỏ ra mười ngàn đô la để mua pho tượng đá. Hoàn chưa hết mừng thì thằng Cún lại đã lù lù xuất hiện. Nó đứng giữa cửa, dọa sẽ kiện anh nếu không chia cho nó một nửa pho tượng...
Nhớ tới đây, Hoàn chặc lưỡi:
- Ở đời ai cũng phải gánh một nỗi khổ riêng! Người thì khổ vì sướng. Kẻ lại khổ vì cực. Còn ta, ta khổ vì cái gì đây?
Lúc ấy, có thấy tiếng xe máy rồ ngoài cửa. Đoán là vợ đã về nhưng Hoàn vẫn không ngẩng mặt lên. Anh đã đau đầu lắm rồi, dù có phải chịu đựng thêm vài giờ bị vợ chì chiết nữa cũng chẳng hề hấn gì. Nhưng bên tai anh lại loáng thoáng tiếng thằng Cún:
- Tôi lói... cho anh hay...Anh mà...thì anh sẽ...
Mắt Hoàn bỗng tối sầm lại.
Anh lâng lâng bay vào một giấc mơ vô tận...
Món Nợ Món Nợ - Sưu Tầm