Anger is like a storm rising up from the bottom of your consciousness. When you feel it coming, turn your focus to your breath.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 646 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ăm nay các con đi làm xa mà trời thì bão tuyết thường xuyên nên chưa chắc đã chúng có thể về đón Giáng Sinh với vợ chồng già nên Yến chả sửa soạn gì cả. Chả bù cho năm ngoái cứ tíu ta tíu tít mua sắm với sửa soạn. Giáng Sinh năm ngoái sum họp đầy đủ, thân già hơi cực một chút nhưng nghĩ cũng vui. Tôi nhớ là…
Tôi đang miệt mài bơi lội trong “Internet” thì Yến lại cằn nhằn:
- Thôi ông ngưng tay một chút, giúp tôi dọn dẹp nhà cửa; tối nay Giáng Sinh rồi làm sao cho nó ngăn nắp một chút chứ bề bộn như thế này mà ông không giúp một tay… bốn năm giờ chiều rồi.
- Thế bà… Tôi tính bảo “Thế bà bảo tôi dọn dẹp như thế nào” nhưng Yến đã ngắt lời:
- Tôi đang bận dở tay làm bếp đây ông không thấy sao mà còn khiếu nại…chồng con gì mà kỳ vậy?
- Ý tôi muốn hỏi ý bà muốn dọn như thế nào chứ tôi không có tị nạnh gì cả. Chẳng hạn nếu tôi để cái chậu hoa này ở đây rồi lát nữa bà bảo để qua chỗ kia thì có phải tốn phí sức lao động của tôi không. Chưa chi đã day dí. Không bao giờ bà nói được với tôi một lời dịu dàng …chỉ khi nào…
Yến nghiêm nghị:
- Này đừng có mà nỡm. Già mà không nên nết. Ông làm sao thì làm; hôm nay con cái có mặt đầy đủ thì thu xếp nhà cửa ấm cúng một chút chứ ở đây mấy khi mà cả nhà ngồi chung ăn một bữa cơm đâu. Ðứa thì về sớm đứa thì về trễ ăn uống chỉ trật ra còn có hai vợ chồng già…
Tôi lầm bầm:
- Mình theo đạo Phật mà sao cũng bắt sửa soạn Giáng Sinh lỉnh kỉnh thiệt là…
Yến gắt:
- Nhưng mà ở cái xứ này ai cũng đón Giáng Sinh hết, từ người lớn đến con nít chợ búa đều nôn nên về Giáng Sinh thì mình cũng làm cho con nó vui chứ không lẽ để nhà cửa buồn tẻ hay sao…
Tôi đang tính cù cưa câu giờ thêm chút nữa thì thằng Út đi đâu về chạy thốc xuống bếp:
- Mom, Dad.
Tôi đã dạy nó hoài hai chữ bố, mẹ hay ba, má mà nó không nhớ và tôi ghét nhất cái tật nó cứ “mom” trước rồi mới tới “dad” nên tôi gắt:
- Mày phải nói ba rồi mới má chứ mom mom với dad dad cái gì..?
Yến bênh:
- Thôi mà ông đừng kiếm chuyện. Con nó lớn lên ở đây nên nó quen miệng mà bắt bẻ cái gì. Có gì không con?
Thằng nhóc bị tôi gắt khựng lại một chút giờ tuy được mẹ “yểm trợ” nhưng vẫn ngập ngừng:
- Má, tối nay…
Yến cướp lời:
- Tối nay không đứa nào đi đâu cả. Con có biết tối nay là tối Giáng Sinh không? Chợ búa rạp hát không đâu mở cửa cả…
- Không phải. Con muốn mời Chris, bạn làm cùng sở lại đón Giáng Sinh với nhà mình.
Yến lo ngại:
- Có phải cái thằng mà con kể chuyện nó thường hay đánh lộn vào tù ra khám đó phải không?
Thằng út yên lặng như xác nhận khiến Yến hoang mang:
- Trời ơi con rước thứ đó về nhà mình rồi lỡ sau này nó giở chứng thì hậu quả không biết đâu mà lường được đâu con.
Yến quay qua tôi:
- Ông giải thích cho con nó hiểu đi chứ cứ ngồi đó hay sao?
Thằng út khẩn khoản:
- Nhưng …he has “no place to go”.
Yến dậm chân:
- Không “go” thì ở nhà nó chứ sao lại phải “go” tới nhà mình?
Thấy thằng út như muốn mếu tôi vội can thiệp coi chuyện gì:
- Con phải nói lý do tại sao con muốn mời thằng đó lại nhà mình tối nay thì má con mới yên tâm.
- Nó là thằng luôn luôn giúp đỡ bênh vực con tại chỗ làm. Mấy thằng Mỹ kia hay “make fun at me” là chink choong … Mỗi lần chúng gọi con “Ê dum chink” con nổi giận thì chúng đòi đánh con nên Chris thường bênh vực con khiến tụi nói không dám chọc con nữa. Chris “has no family”. Giáng Sinh nào nó cũng ngồi một mình khóc rồi uống rượu nên con muốn giúp nó đỡ buồn tối nay.
Nếu mà phải nói câu gì dài lòng thòng thì nó nói pha trộn Việt Mỹ như mình ăn cơm độn ngô khoai khiến tôi buồn cười nhưng không muốn làm nó khớp nên tôi vội quay qua Yến:
- Thôi con nó muốn trả ơn bạn bè thì mình cũng phải giúp đỡ nó chứ biết làm sao. Coi bộ thằng đó cũng không đến nỗi nào đâu. Thôi cứ mời bạn con đến nhà mình cho vui.
Thằng nhóc mừng quá ù té chạy về phòng chắc để gọi bạn nó. Còn Yến vẫn không an tâm:
- Nhưng ông phải tìm hiểu thêm coi gốc gác nó ra sao nghe ông chứ tôi không an tâm tí nào.
Thằng út đang học đại học nhưng nó xin làm thâu ngân bán thời gian cho một siêu thị để kiếm tiền tiêu riêng. Vì nó út nên trong nhà cứ gọi là thằng út riết rồi đâm quen. Nó nói tiếng Việt thì ấp a ấp úng còn tiếng Anh thì nó xổ ra như gió nhưng mẹ nó chiều nó nên không la rầy gì cả.
Tối đó Chris đến với gương mặt ngỡ ngàng vì có lẽ lần đầu nó đến ăn Giáng Sinh với một gia đình Á Ðông. Trông Chris khoảng độ 20 tuổi nhưng không có gì là “bụi đời” cho lắm. Ngồi vào bàn ăn Yến luôn chăm chú ngó Chris như cố tìm một nét gì phản ảnh con người thật của nó. Tôi cố gắng tạo không khí thân mật cho buổi họp mặt thêm nồng ấm nhưng Chris thì quá trầm mặc. Sau một hồi vòng vo tam quốc đá đưa chuyện nọ qua chuyện kia đến một điểm thuận tiện tôi mới gợi được cho Chris nói về thân thế và những gì nó đã trải qua và lý do tại sao nó lại bỏ học.
Có lẽ sự tiếp đón nồng hậu của gia đình khiến Chris không e ngại lắm nên nó nói:
- This is long story…
Thằng út vội khuyến khích:
- Yes. Yes. We all want to share with you.
Ngập ngừng một chút rồi Chris chậm rãi kể: Bốn năm trước khi đó tôi mới 16 tuổi… Một đêm gần Giáng Sinh kia tôi đi vào thương xá để coi các tiệm bán đồ mùa Giáng Sinh. Lúc đó trời tối và mưa phùn lạnh lẽo nên tôi chạy vội từ chỗ đậu xe vào mái hiên thương xá đứng lại phủi những hạt mưa đông trên người. Trong một góc tối mái hiên góc đối diện tôi thấy một thiếu niên trẻ cỡ tuổi tôi đang đứng ngó xuống hỏi chuyện một thằng bé khoảng mười một mười hai tuổi đang ngồi khóc sụt sùi. Tôi nghe anh chàng trẻ tuổi này hỏi:
- Tại sao em ngồi đây khóc?
- Nó lấy tiền của tôi híc híc…
Anh chàng trẻ tuổi hỏi tiếp:
- Chuyện xảy ra làm sao?
Tôi nghĩ thằng bé này có lẽ lạc bố lạc mẹ khi đi chợ gì đây nhưng khi nghe nó nói có đứa giựt tiền của nó khiến tôi tò mò đứng lặng yên theo dõi xem chuyện như thế nào. Thằng bé sụt sùi kể rằng nó có bốn đứa em nữa, bố nó bỏ mẹ đi đâu mất rồi nên mẹ nó phải làm hai việc một lúc cũng chỉ vừa đủ ăn nên nhà nó rất nghèo.
Mùa nghỉ lễ này mẹ nó dành được có năm chục bạc để mua quà Giáng Sinh cho năm đứa con. Không có thì giờ đi chợ nên trên đường đi làm ca hai ban đêm mẹ nó chở nó đến thương xá này để nó tự mua quà Giáng Sinh cho anh em nó. Mẹ nó dặn chừa lại vài chục xu đi xe buýt mà về. Nó vẫy tay chào mẹ rồi vừa đi vừa đếm tiền dù chỉ có hai tờ 20 đồng và một tờ 10 đồng. Khi nó tính bước vào cửa thương xá thì một thằng nhóc lớn hơn nó ở đâu hiện ra giựt mớ tiền trong tay nó. Nó rán giằng lại nhưng thằng kia cũng giựt được một tờ 20 đồng chạy biến vào trong bóng tối của bãi đậu xe. Bây giờ không đủ tiền mua quà cho các em và không biết sẽ giải thích thế nào cho mẹ nó tin nên ngồi đây khóc để suy tính… Nghe kể xong chàng thanh niên trẻ hỏi:
- Tại sao …em không la làng lên cầu cứu?
Thằng bé nhìn dọc theo vỉa hè thương xá nói một cách buồn bã:
- Tôi có la cầu cứu nhưng không ai nghe nên không có ai chạy lại giúp tôi gì cả
Chàng thiếu niên bảo đứa bé:
- Em la thử tôi nghe coi.
Thằng bé cất giọng khàn khàn: “Bớ người ta” nghe cũng chỉ vừa đủ cho hai người đứng đó nghe thấy mà thôi. Bất ngờ tôi thấy chàng thiếu niên trẻ này giựt nốt mấy đồng tiền trong tay thằng bé rồi ù té chạy nhanh vào bãi đậu xe. Tôi lao người theo thằng nhóc đó và chỉ khoảng năm chục thước là tôi túm được nó. Máu nóng trong người tôi nổi lên tôi đè thằng đó xuống và giáng những đòn như thiên lôi vào mặt nó. Một số người đi chợ hiện đang ở bãi đậu xe chạy ồ lại phía tôi và túm tôi tách rời thằng khốn. Thằng nhóc đó mặt mũi be bét máu la lớn:
- Thằng ăn cướp. Nó là thằng ăn cướp nó đánh tôi để lột tôi. Mấy người coi chừng nó.
Mấy người đó vội vàng túm chặt lấy tôi và kêu cảnh sát. Tôi đâu có ngờ tới việc bị nó lật ngược thế cờ như vậy. Khi không tôi lại trở thành tên ăn cướp nên tôi cố giải thích với mọi người và cảnh sát rằng thằng đó nó giựt tiền của một thằng bé nên tôi can thiệp và vì tôi thương thằng nhỏ quá nên đã quá tức giận và nặng tay với thằng cướp giựt này. Họ hỏi tôi thằng bé nào và tôi dẫn họ lại chỗ thằng nhỏ đứng thì nó đã biến đi đâu mất rồi. Chắc nó tưởng tôi cũng một phường như thằng kia nên hoảng qúa chạy mất biến rồi. Thế rồi tôi nói gì cảnh sát cũng không tin mà họ nhìn mặt mũi bê bết máu của thằng cướp giựt bảo tôi:
- Ngay cả việc cái cậu đó là người phạm tôi, chú mày cũng không có quyền đả thương người ta như vậy.
Họ gằn mạnh cái câu mà người Mỹ thường dùng: “You can not take the law into your own hand”. Sau đó tôi bị tống giam. Lúc đó vì tôi dưới 18 tuổi nên tôi được đưa qua toàn án thiếu nhi nhưng bố mẹ tôi giận tôi nên không đóng tiền cho tôi tại ngoại và cũng không thèm nghe tôi giải thích. Tôi cay đắng ở trong trại tế bần sáu tháng và khi được trả tự do đi về nhà tưởng được bố mẹ tôi đón mừng nhưng không, bố tôi trước khi đóng cửa lại nói với tôi chỉ một câu: “Ðừng bao giờ bước chân vào căn nhà này. Nhà này không có con cái là một thằng ăn cướp vặt” rồi ông đóng sầm cửa lại. Trước khi quay đi tôi còn thoáng thấy mắt mẹ tôi đẫm ướt. Tôi bước đi lang thang với đầy ắp sự phẫn nộ trong lòng mà tôi nghĩ rằng không có ai trên đời này hiểu được.
Không nhà không cửa không tiền tôi sống lang thang với những kẻ vô gia cư (homeless) và trộm đạo vào tù ra khám một thời gian sau cùng tôi quá giang xe vận tải lưu lạc đến thành phố này. Tôi đã làm đủ nghề từ rửa chén bát cho nhà hàng rồi nhà kho, xếp hàng hoá cho siêu thị cho nên dần dần tôi có đủ tiền trả tiền “share” phòng với vài người cùng sở. Tôi mất việc hoài vì tôi hay đánh lộn can thiệp vào những việc của những kẻ ỷ thế chủ ăn hiếp người cùng làm việc với mình.
Năm rồi tôi xin được chân “cashier” rồi được nâng lên chức “head cashier full time” cho siêu thị nên tôi đủ tiền mướn riêng một chung cư một phòng ngủ cho riêng mình và đủ tín dụng để mua thiếu một chiếc xe cũ. Tôi dự định luyện thi trung học phổ thông rồi nếu đủ phương tiện hy vọng tôi sẽ học nghề hay học đại học..
Có điều khi ở một mình tôi mới cảm thấy cô quanh và thèm khát một mái ấm gia đình có đầy đủ cha mẹ anh em. Nhất là mỗi khi mùa Giáng Sinh về tôi muốn điên lên vì thèm muốn sự ấm cúng của không khí gia đình. Ngày nào nhìn TV cũng nghe khúc ca Giáng Sinh, những ngọn đèn cầy, những hình ảnh gia đình sum họp trong một phòng ấm cúng với cây Noel lấp lánh ánh đèn mầu. Có những buổi tối tôi lầm lũi đi ngoài đường dưới cơn mưa phùn vắng lạnh để nhìn vào những ánh đèn, nghe những tiếng nhạc hay nghe những tiếng cười hạnh phúc vọng ra từ những căn nhà ấm cúng để tôi đo lường sự thèm khát một mái gia đình của tôi. Những đêm Giáng Sinh tôi không thể chịu đựng được sự trống vắng thường hay đến những quán rượu uống thật say rồi quăng mình ngủ vùi cho quên lãng cho Giáng Sinh chóng qua… nên tôi thường bị trễ ở buổi đi làm sau đó và đó cũng là lý do tôi bị đuổi khỏi sở làm vì tôi quá cay đắng nên dễ cáu giận…
Nghe kể tới đây Yến bồn chồn ngắt lời Chris:
-Tại sao cháu không gọi cho ba má cháu, biết đâu giờ ba má cháu sẽ nghĩ lại mà thương cháu.
Chris chán nản:
- Ðã ba bốn năm rồi năm nào Giáng Sinh về cháu cũng viết thiệp chúc mừng gửi về hay gọi điện thoại để chúc mừng ba má cháu, nhưng ba má cháu không trả lời. Không hiểu ai nghe điện thoại nhưng mỗi khi nghe tiếng cháu trong điện thoại thì cúp xuống nên năm nay cháu không còn lòng dạ nào mà gọi nữa.
Tôi bảo Chris:
- Cháu phải kiên nhẫn và tiếp tục vì cháu phải tìm dịp giải tỏa nỗi oan ức mà cháu phải chịu đựng bác tin rằng cha mẹ cháu khi hiểu sẽ ân hận cho sự nghiêm khắc của mình và sẽ thương cháu vô cùng. Ðây này, có điện thoại đây, cháu gọi ngay đêm nay thì mới có ý nghĩa.
Chris vẫn chán nản:
- Cháu biết là chỉ mất thì giờ vô ích. Bác không tin cháu hay sao?
Yến chen vào khuyến khích:
- Thì bác trai đã bảo phải kiên nhẫn mà con. Cứ thử nữa đi mở “speaker” lên để hai bác cùng nghe xem sao.
Chris lắc đầu nhấc điện thoại ở bàn phía sau lưng và ra hiệu cho tôi nhấc một điện thoại khác để cùng nghe. Khi tiếng điện thoại reo vang ba hồi thì đầu giây bên kia có tiếng đàn bà:
- Hello…
Chris run run:
- Mẹ! Con là Chris đây…
Ðâu giây bên kia im lặng vài giây và có tiếng giựt mạnh ống nghe rồi một giọng gắt gỏng ồm ồm vang lên:
- Ai vậy? (who is this?)
Tiếng Chris run run biểu lộ sự quá xúc động:
- Ba! Con là Chris đây. Con gọi chúc mừng Giáng Sinh ba má..
Tiếng ồm ồm bên kia đầu giây ngắt lời:
- Xin lỗi! Ông đã gọi sai số điện thoại rồi. Và điện thoại bị cúp xuống cái cụp.
Chris chậm chạp gác điện thoại và tay kín đáo gạt đi dòng lệ trên má nó trước khi nhìn tôi như thầm bảo: “Tôi đã nói mà bác không tin tôi”. Tôi nhìn Chris tỏ ý tiếc là đã bảo nó gọi nhưng thực tình trong lòng tôi không ân hận tí nào cả. Tôi đến vỗ vai Chris bảo:
- Bây giờ cháu cứ tạm coi đây là như là gia đình cháu. Bác cám ơn cháu đã bênh vực và giúp đỡ thằng út của bác. Biết đâu năm tới cha mẹ cháu sẽ đổi ý vì mỗi ngày mỗi gìa sự nóng giận sẽ nguội dần. Cứ nhớ lời bác nói, sang năm cháu cứ tiếp tục gọi hoặc gửi thư về thăm hỏi cha mẹ cháu.
Yến chen vào:
- Bây giờ cháu cứ chú tâm vào việc làm, đừng đi ba quán nữa, để dành tiền, rồi tiếp tục học hành. Khi cháu thành tài thì cha mẹ cháu sẽ ngạc nhiên và những ấn tượng không đẹp về cháu sẽ biến đi.
Chris thều thào:
- Vâng. Có lẽ sang năm. Có lẽ sang năm.
Mấy đứa con tôi nẫy giờ yên lặng vì bố mẹ nói hết phần của chúng nên chỉ nhìn Chris với tất cả sự thông cảm. Thằng út như cố ý đánh tan bầu không khí quá trầm lặng hỏi trống không:
- Cà phê nữa không? Có ai uống cà phê nữa không?
Chris với giọng hơi mệt mỏi:
- Thôi! Cám ơn hai bác và tất cả nhà đã cho tôi một đêm Giáng Sinh tuyệt vời. Giờ tôi cần về vì cần ít phút yên lặng để suy nghĩ. Thôi cám ơn hai bác...
Khi tiễn Chris ra cửa Yến nắm tay Chris và trao cho nó một gói quà và nói:
- Cái này của cháu. Merry Christmas!
Chris bỡ ngỡ vài giây rồi mỉm cười đáp lại:
- Merry Christmas!
Mái Ấm Mái Ấm - Sưu Tầm