A good book on your shelf is a friend that turns its back on you and remains a friend.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 831 / 8
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
rẻ con thường uất ức khi thấy mẹ chúng để ý tới người khác. Trong truyện sau đây, một thằng bé tức tối khi thấy mẹ nó săn sóc cha nó. Khuynh hướng của một thằng bé muốn quấn quít lấy mẹ và tức tối với cha nó được mệnh danh là mặc cảm Oedipus. Oedipus là một nhân vật trong truyện truyền kỳ Hy lạp. Truyện kể rằng Oedipus giết một người đàn ông - mà không biết rằng chính người ấy là cha mình - và lấy vợ người này – mà không biết rằng chính người đó là mẹ mình. Như vậy là anh đã thực hiện một lời sấm truyền kỳ lạ mà anh đã từng được nghe mà không tin nổi được.
Mối thù ghét tự nhiên đối với người cha có thể phát sinh và gây rắc rối cho đời sống bình thường của gia đình ra sao, điều đó được kể bằng giọng văn hài hước trong truyện sau đây. Tác giả nổi danh O’Connor, người Ái nhĩ Lan (sinh năm 1903), cho ta thấy một người đã khôn lớn nhớ lại cảm nghĩ của mình khi còn nhỏ như thế nào. Kết quả ta được đọc một bài kỷ sự hài hước về sự việc kỳ lạ, đó là sự khôn lớn và từ giã cái thế giới ích kỷ của tuổi thơ ấu.
Cha tôi tại ngũ suốt thời kỳ chiến tranh - tôi muốn nói cuộc chiến tranh thứ nhất – bởi vậy, cho tới khi lên 5 tuổi, tôi không gặp người nhiều, và những gì mà tôi thấy không làm cho tôi nghĩ ngợi. Đôi khi tôi tỉnh dậy thì thấy có một hình người to lớn bận quần áo kaki nhìn tôi chòng chọc dưới ánh sáng của cây nến. Đôi khi, lúc sáng sớm, tôi nghe tiếng đóng cửa trước và tiếng giầy đinh lộp cộp trên những viên đá sỏi lát đường. Đó là những lúc cha tôi ra và vào. Cũng như ông già Nô en, ông đi và về một cách bí mật.
Thực ra, tôi cũng thích những sự thăm viếng của ông, mặc dầu phải chen lấn rất khó chịu giữa Mẹ tôi và Ông lúc sáng sớm, khi tôi cũng leo lên nằm trên chiếc giường lớn. Ông hút thuốc nên người ông có mùi mốc meo hay hay, và ông cạo râu coi thích thú lạ lùng. Mỗi lần ông đều để lại một loạt những đồ kỷ kiệm – xe thiết giáp nhỏ, dao thuộc loại dao bộ lạc Gurkha thường dùng có cán vỏ đạn, và mũ lính Đức, và phù hiệu gắn ở mũ, que đồng cài khuy áo và đủ đồ quân trang – xếp cẩn thận trong một chiếc hộp dài để trên nóc tủ áo cho dễ lấy khi nào hữu dụng. Ông hơi giống con chim sáo, ông tin tưởng vật gì cũng có lúc hữu dụng. Khi ông vừa quay đi là mẹ tôi cho tôi bắc ghế đẩu để lục lọi kho tàng của ông, Mẹ tôi có vẻ không quý những đồ này như ông.
Chiến tranh là thời gian yên bình nhất trong đời tôi. Cửa sổ gác xép của tôi hướng về phía đông nam. Mẹ tôi có làm màn che cửa, nhưng cũng ít hiệu quả. Bao giờ tôi cũng thức dậy khi trời tảng sáng, và khi tất cả trách nhiệm của ngày hôm trước đã tan biến, tôi cảm thấy mình tựa như mặt trời, sẵn sàng chiếu sáng và mang lại niềm hân hoan. Đời không bao giờ có vè giản dị, trong sáng, và đầy hứa hẹn như lúc đó. Tôi kéo chân ra khỏi chăn mên: tôi đặt tên cho đôi chân tôi là bà Trái và bà Phải – và bịa ra những hoàn cảnh khác thường để cho họ thảo luận về các vấn đề trong ngày. Ít nhất cũng có Bà Phải thảo luận; bà rất ưa phát biểu ý kiến; nhưng tôi không điều khiển được bà Trái như vậy, nên bà này phần lớn chỉ thích gật gù tán thành mà thôi.
Họ thảo luận về những công việc mà mẹ tôi và tôi nên làm trong ngày, về việc ông già Nô en nên cho quà gì nhân ngày lễ giáng sinh và nên làm gì để trang hoàng nhà cửa cho sáng sủa. Thí dụ có cả vấn đề nhỏ nhặt là vấn đề đứa trẻ sơ sinh nữa. Mẹ tôi và tôi không bao giờ có thể đồng ý về việc ấy. Nhà chúng tôi là gia đình duy nhất ở tầng thượng không có trẻ sơ sinh; và mẹ tôi bảo rằng chúng tôi không đủ điều kiện có trẻ mới sinh, phải chờ khi nào cha tôi từ mặt trận trở về, vì muốn có trẻ sơ sinh phải tốn những mười bảy shillings và sáu xu. Như vậy tỏ ra mẹ tôi chất phác chừng nào. Gia đình Geneys ở đầu đường cũn có một đứa trẻ mới sinh và ai chẳng biết là họ không có đủ mười bẩy shillings và sáu xu. Có lẽ đó, là một đứa trẻ sơ sinh thuộc loại rẻ tiền mà mẹ tôi thì lại muốn có một đứa thực tốt, nhưng tôi cảm thấy rằng mẹ tôi quá khó tính. Đứa trẻ nhà Geneys cũng có thể vừa cho chúng tôi rồi.
Sau khi đã đặt kế hoạch cho ngày hôm đó, tôi đứng dậy đặt chiếc ghế dưới cửa sổ gác xép và kéo khung cửa lên đủ thò đầu ra ngoài. Cửa sổ nhìn ra những vườn trước cửa tầng thượng ở phía sau dẫy nhà chúng tôi, và xa hơn nữa, cửa đó nhìn qua một thung lũng sâu ra những căn nhà gạch đỏ xây thành dẫy bên sườn đồi đối diện; những căn nhà này đang còn trong bóng tối trong khi những nhà bên này thung lũng thì đã chan hòa ánh nắng, mặc dầu có những bóng dài lê thê kỳ dị làm cho căn nhà ấy có vẻ xa lạ, cứng đờ như trong tranh vẽ.
Sau đó, tôi qua phòng của mẹ tôi và trèo lên giường lớn. Bà thức dậy và tôi bắt đầu kể cho bà nghe những chương trình của tôi. Lúc đó, tôi lạnh cứng người trong chiếc áo ngủ, mặc dầu hình như chưa bao giờ tôi để ý tới điều đó; rồi tôi nói chuyện và khí ấm áp trở lại cho tới khi cái lạnh cuối cùng tan biến, tôi ngủ gục bên mẹ tôi và chỉ thức dậy khi tôi nghe thấy tiếng bà, ở trong bếp dưới nhà, đang sửa soạn điểm tâm.
Sau điểm tâm, chúng tôi ra phố; đi xem lễ tại nhà thờ thánh Augusstine, cầu nguyện cho cha tôi, rồi đi mua hàng. Nếu buổi chiều trời đẹp, chúng tôi hoặc đi tản bộ ngoài đồng, hoặc tới tu viện thăm Bà phước St. Dominic là bạn rất thân của mẹ tôi. Bà xin tất cả mọi người cầu nguyện cho cha tôi, và mỗi đêm khi đi ngủ, tôi cầu trời cho ông từ chiến trường bình yên trở về với chúng tôi. Thực ra tôi cũng không biết rõ lắm là tôi cầu nguyện để làm gì!
Một buổi sáng kia, khi tôi leo lên giường lớn thì rõ ràng đã thấy cha tôi với cái vẻ ông già Nô en mà ông vẫn thường có; nhưng về sau, thay vì mặc quân phục ông mặc bộ đò xanh bảnh nhất và mẹ tôi thì coi bộ vui sướng lắm. Thôi thì không thấy có gì đáng vui sướng cả, bởi vì không mặc quân phục thì cha tôi chẳng có vẻ gì hay ho hết; nhưng mẹ tôi thì vẫn tươi cười và giải thích rằng những lời cầu nguyện của chúng tôi đã có hiệu quả; rồi chúng tôi đi lễ tạ ơn Chúa đã cho cha tôi bình yên trở về với gia đình.
Thực là trớ trêu! Cũng ngày hôm đó, khi ông vào dùng cơm, ông tháo đôi ủng ra và mang dép, đội chiếc mũ cũ bẩn mà ông đội ở nhà để khỏi bị lạnh, bắt tréo cẳng và bắt đầu nói chuyện với mẹ tôi một cách nghiêm trang và mẹ tôi thì có vẻ lo âu. Dĩ nhiên là tôi không thích mẹ tôi lo âu, vì như vậy làm bà mất đẹp, bởi vậy tôi ngắt lời cha tôi.
Mẹ tôi nói nhẹ nhàng: "Đợi chút nữa Larry."
Đó chỉ là câu bà dùng khi nhà có những hạng khách đến quấy rầy, cho nên tôi cũng không quan tâm đến câu đó và cứ tiếp tục nói chuyện.
Mà sốt ruột bảo: “Larry, im đi. Con không thấy mẹ đang nói chuyện với ba con sao?”
Đó là lần đầu tiên tôi được nghe những lời nói dọa nạt như vậy “nói chuyện với ba”, và tôi không thể không nghĩ rằng nếu Chúa đáp ứng những lời cầu nguyện như thế, thì chắc Chúa không chú ý nghe kỹ những lời cầu nguyện ấy.
Tôi hỏi và cố làm bộ hết sức thản nhiên: “Tại sao má nói chuyện với ba?”
“Bởi vì ba và má có nhiều việc phải bàn tính. Bây giờ con không được ngắt lời nữa, nghe không”
Buổi chiều, theo lời yêu cầu của mẹ tôi, ba tôi cho tôi đi dạo bộ. Lần này chúng tôi ra phố chứ không đi về miền quê nữa, và lúc đầu tôi nghĩ theo cách lạc quan thông thường của tôi rằng có thể tình hình đã sáng sủa hơn. Nhưng không phải vậy, Ba tôi và tôi mỗi người có một ý niệm hoàn toàn khác nhau về một cuộc đi dạo phố. Ông chẳng để ý gì tới xe điện, tàu thủy, hay ngựa và điều duy nhất làm cho ông giải khuây là nói chuyện với những người trạc tuổi ông. Khi tôi muốn ngừng lại thì ông cứ đi, nắm tay tôi kéo lê theo sau; khi ông muốn ngừng lại thì tôi không có cách gì hơn là cũng làm theo. Tôi để ý thấy mỗi khi ông dựa vào một bức tường thì hình như đó là dấu hiệu ông muốn dừng lại lâu. Lần thứ hai khi tôi thấy ông lại làm như vậy, tôi nổi nóng. Ông lại có vẻ như định ở lỳ đó mãi mãi. Tôi kéo áo và quân ông, nhưng không như mẹ tôi, là khi tôi ương ngạnh, bà nổi giận và bảo: “Larry, nếu con không ngoan ngoãn, mẹ sẽ cho con một cái tát”, ba tôi có tài đặc biệt là chẳng để ý gì đến tôi cả. Tôi nắm lấy ông và không biết có nên khóc không, nhưng ông có vẻ nghĩ đi đâu đâu và có kêu khóc chắc ông cũng chẳng buồn phiền gì. Hoặc ông hoàn toàn không bận tâm tới những cái vặn cái đấm của tôi, hoặc từ trên cao ông nhìn xuống và cười thích thú. Chưa bao giờ tôi thấy người nào lại có vẻ mê mải trầm ngâm như vậy.
Tới giờ uống trà, cuộc “nói chuyện với ba" lại bắt đầu, lần này sinh rắc rối thêm vì ông đọc một tờ báo xuất bản buổi chiều, và cứ vài phút ông lại đặt tờ báo xuống và kể cho mẹ tôi điều gì mới lạ ở trong báo. Tôi thấy đó là một trò chơi không đàng hoàng. Nam nhi với nam nhi, tôi sẵn sàng, bất cứ lúc nào, tranh đấu với ông để chiếm được sự chú ý của mẹ tôi, nhưng nếu ông lại nhờ đến người khác sắp đặt cả cho ông thì tôi hết hy vọng. Nhiều lần tôi cố xoay sang chuyện khác mà không được.
Mẹ tôi sốt ruột nói “Larry, con phải yên lặng trong khi ba con đang đọc báo”
Rõ ràng là hoặc bà thành thực thích nói chuyện vơi ba tôi hơn với tôi, hoặc vì ba tôi chi phối được bà một cách ghê gớm làm cho bà khiếp sợ không dám công nhận sự thực.
Đêm đó khi mẹ tôi đắp chăn cho tôi đi ngủ, tôi nói: “Mẹ ơi, mẹ bảo con có nên cầu nguyện nhiều để Thượng đế lại cho ba đi trận không?”
Bà có vẻ nghĩ ngợi một lúc về câu đó.
Bà vừa cười vừa nói: “Không con ạ, mẹ thấy cha con sẽ không đi trận nữa đâu.”
“Tại sao thế mẹ?”
“Bởi vì không còn chiến tranh nữa, con ạ”
“Mẹ ơi, nhưng Thượng đế có thể tạo nên một cuộc chiến tranh khác chứ, nếu Ngài muốn?”
“Thượng đế không muốn thế đâu con ạ. Không phải Thượng làm ra chiến tranh, mà là những kẻ xấu xa đấy.”
Tôi kêu: “Ồ”
Tôi thất vọng về điều đó. Tôi bắt đầu nghĩ rằng Thượng đế không có quyền phép vạn năng như người ta nói.
Sáng hôm sau, tôi thức dậy vào giờ thường lệ của tôi và cảm thấy minh như một chai rượu sâm banh vậy. Tôi kéo chân ra khỏi chăn và bịa đặt ra một cuộc nói chuyện dài trong đó Bà phải nói về chuyện rắc rối giữa bà ta và chính cha bà cho tới khi bà đặt cha bà vào trong nhà. Tôi cũng không biết rõ nhà là cái gì, nhưng có vẻ đó đúng là chỗ hợp với cha tôi. Rồi tôi lấy chiếc ghế và thò đầu ra ngoài cửa sổ gác xép. Trời vừa tảng sáng, ngập ngừng như có vẻ tội lỗi, làm cho tôi cảm thấy cảm thấy mình vừa bắt được nó quả tang. Trong lúc đầu tôi chứa chất nhiều truyện và nhiều kế hoạch, tôi lảo đảo sang phòng bên và trong ánh sáng lờ mờ, tôi trèo lên giường lớn. Bên cạnh mẹ tôi không còn chỗ, nên tôi nằm vào giữa mẹ và cha tôi. Lúc này, tôi quên bẵng về Ông và trong mấy phút tôi ngồi thẳng dậy nghĩ nát óc xem có thể làm gì ông bây giờ. Ông chiếm quá phần mình trên giường vì vậy tôi nằm không được đàng hoàng, nên đạp cho ông mấy cái làm cho ông càu nhàu và ruỗi thẳng người ra. Mặc dầu vậy, ông cũng nằm thu lại. Mẹ tôi tỉnh dậy và sờ soạng tìm tôi. Tôi nằm lại đàng hoàng xuống giường ấm áp, ngón tay cái nhét vào mồm.
Tôi lè nhè cao giọng và có vẻ bằng lòng: “Mẹ ơi”
Mẹ tôi liền thì thầm “Sssh! Im con, đừng có làm cha tỉnh dậy.”
Đó là một điểm mới xuất hiện, có thể còn nghiêm trọng hơn cả vấn đề nói chuyện với ba nữa. Tôi không thể quan niệm nổi rằng đời tôi lại không có những cuộc nói chuyện buổi sáng sớm trên giường.
Tôi hỏi một cách nghiêm nghị: “Tại sao vậy?”
“Bời vì tội nghiệp ba con đang mỏi mệt.”
Lý do đó đối với tôi có vẻ hoàn toàn không đúng, và tôi thấy khó chịu vì giọng đầy tình cảm của bà khi bà nói “Tội nghiệp ba”. Không bao giờ tôi ưa cách phô bày tình cảm kiểu đó; bao giờ tôi cũng có cảm nghĩ là lối đó không thật.
Tôi nói nhỏ “Ồ” và bằng cái giọng đắc thắng nhất của tôi, tôi nói tiếp: “mẹ có biết hôm nay con muốn đi đâu với mẹ không hở mẹ?”
Mẹ tôi thở dài: “Không con ạ”
“Con muốn xuống sông Gien vớt cá đuối bằng cái lưới mới của con, rồi sau tới tiệm Cáo và Chó Săn và…..”
Mẹ tôi tức giận rít lên: “Đừng làm cha con thức giấc,” và lấy bàn tay bịt ngang miệng tôi.
Nhưng đã quá trễ rồi. Ba tôi đã thức giấc hay gần như thức giấc rồi. Ông càu nhàu và thò tay lấy diêm. Rồi ông nhìn đồng hồ một cách ngờ vực.
Mẹ tôi nói bằng một giọng dịu dàng và nhỏ nhẹ mà tôi chưa hề nghe thấy ở nơi bà bao giờ: “Mình dùng chén trà nhé?” Nghe gần như bà có vẻ sợ sệt.
Ông kêu lên một cách bực tức “Trà à? Mình có biết bây giờ là mấy giờ không?”
“Và sau đó con muốn tới đường Rathcooney.” Tôi nói lớn vì sợ quên mất chương trình của tôi trong lúc bị ngắt quãng như vậy.
Mẹ tôi liền nói gay gắt: “Larry, đi ngủ ngay đi.”
Tôi bắt đầu khóc thút thít. Tôi không làm được cho người ta chú ý tới mình; cứ cái đà mà hai người này nói chuyện với nhau và bóp nghẹt những chương trình buổi sáng sớm của tôi thì có khác gì chôn vùi cả một gia đình khi nó mới chớm phát sinh.
Ba tôi không nói gì, nhưng ông châm ông điếu rồi hít và nhìn ra ngoài bóng tối, không chú ý gì tới mẹ tôi và tôi. Tôi biết là ông nổi khùng rồi.
Mỗi lần tôi phát biểu ý kiến gì là mẹ tôi lại suỵt tôi một cách giận dữ. Tội bị sỉ nhục quá. Tôi thấy như vây là không công bằng mà còn có điều gì chẳng lành trong câu chuyện này nữa. Mỗi lần tôi nói với bằ rằng đặt hai cái giường là phí phạm khi mà hai người có thể ngủ chung vào một thì bà trả lời là làm như vậy vệ sinh hơn; thế mà bây giờ, kìa người đàn ông kia, người đàn ông xa lạ lại ngủ với bà, chẳng đếm xỉa gì tới sức khỏe của bà nữa!
Ông dậy sớm, pha trà, đem lại cho mẹ tôi một chén mà không đem gì cho tôi cả.
Tôi hét lên: “Mẹ ơi, con cũng muốn có một chén trà”.
Bà nhẫn nại nói: “Ừ, con uống chung chén của mẹ cũng được”.
Bây giờ tôi quyết định rôi. Hoặc cha tôi hay tôi sẽ phải rời bỏ ngôi nhà này. Tôi không muốn uống chung với chén của mẹ tôi; tôi muốn được đối xử bình đẳng ở ngay trong nhà tôi; bởi vậy, để làm cho bà bực mình tôi uống cạn chén và không để lại gì cho bà. Bà cũng vẫn thản nhiên.
Nhưng đêm hôm đó, khi bà đặt tôi vào giường, bà nói nhẹ nhàng: “Larry, mẹ muốn con hứa với mẹ một điều.”
Tôi hỏi: “Cái gì thế mẹ?”
“Con hãy hứa không vào phòng ngủ và quấy phá ba con lúc sáng sớm nữa. Tội nghiệp ba con, con hứa chứ?”
Lại “Tội nghiệp ba con" nữa! Tôi bắt đầu nghi ngờ tất cả những gì dính líu đến người đàn ông hoàn toàn không thể chịu đựng nổi này.
Tôi hỏi: “Tại sao vậy?”
“Bởi vì ba con buồn phiền, mệt mỏi nên ngủ không được ngon”
“Mẹ ơi, tại sao ba lại không ngủ ngon?”
“Này nhé, con biết không, khi ba con đi trận thì Mẹ lĩnh tiền ở nhà Bưu điện”
“Lãnh của cô Mac Carthy phải không?”
“Phải rồi. Nhưng bây giờ, con thấy không, cô Mac Carthy không còn tiền cho mẹ lãnh nữa, bởi vậy ba phải đi kiếm tiền cho cả nhà chúng ta. Con có biết rằng nếu ba không kiếm được tiền thì sẽ ra sao không?”
Tôi nói: “Không, mẹ nói đi”
“Này nhé, Mẹ nghĩ rằng có thể chúng ta sẽ phải ra phố xin tiền như bà già đáng thương ngày thứ Sáu đó. Mẹ con ta không muốn như vậy phải không con?”
Tôi đồng ý: “Không, không mẹ ạ”
“Vậy con hứa không vào phòng làm ba con thức giấc nữa chứ?”
“Vâng, con hứa”
Nên nhớ rằng tôi thực tâm muốn hứa như vậy. Tôi biết rằng tiền là vấn đề quan trọng, và tôi hoàn toàn chống lại việc phải đi ăn mày vào những ngày thứ Sáu. Mẹ tôi bày tất cả đồ chơi của tôi thành một vòng kín xung quanh giường, để dù bằng cách nào, nếu tôi ra khỏi giường là tôi sẽ bị ngã lên một trong những đồ chơi này.
Khi tôi thức dậy, tôi nhớ tới lời hứa ngay. Tôi trỗi dậy và ngồi lên sàn chơi – đôí với tôi hình như đến mấy tiếng đồng hồ. Rồi tôi lấy chiếc ghế và nhìn ra ngoài cửa sổ gác xép trong mấy tiếng nữa. Tôi ước rằng bây giờ đã đến giờ ba tôi dậy; tôi mong có ai đó pha cho tôi một chén trà. Tôi cảm thấy mình không giống mặt trời chút nào cả; ngược lại, tôi buồn và thấy rất, rất lạnh. Tôi chỉ mong muốn cái ấm áp và sự lõm sâu của chiếc nệm lông lớn mà thôi.
Cuối cùng tôi không chịu nổi nữa. Tôi sang phòng bên. Vì không còn chỗ bên mẹ tôi, tôi leo lên người bà nên bà giật mình thức dậy.
Bà nắm chặt tay tôi, thì thầm: “Larry, con đã hứa cái gì?”
Bị bắt quả tang, tôi rên rỉ: “Con giữ lời hứa, nhưng con đã giữ im lặng quá lâu rồi.”
Bà buồn rầu, xoa tất cả người tôi và nói: “Ồ, con lạnh cóng hết người rồi. Bây giờ nếu như mẹ cho con ở lại đây thì con có hứa là sẽ không nói chuyện không?”
Tôi lại rên rỉ: “Nhưng con muốn nói chuyện, mẹ ạ”
Bà nói một cách quả quyết mà tôi chưa từng thấy: ”Điều đó không ăn nhập gì với việc này. Ba con cần ngủ. Bây giờ con hiểu chưa?”
Tôi hiểu quá rồi. Tôi nói chuyện, còn ba tôi muốn ngủ - Dầu sao thì nhà này là nhà ai?
Tôi cũng nói một cách quả quyết không kém: “Mẹ ơi, con thấy nếu ba ngủ giường riêng của ba thì vệ sinh hơn”
Câu nói đó hình như làm cho bà rất luống cuống vì bà lặng đi một lúc không nói gì.
Rồi bà nói tiếp: “Bây giờ má nói một lần này thôi, con phải hoàn toàn im lặng hoặc trở về giường của con. Con muốn đằng nào?”
Sự bất công này làm tôi buồn rầu lắm. Tôi đã kết tội bà do chính những lời nói mâu thuẫn và không biết điều của bà, và bà cũng không buồn trả lời tôi nữa. Vì giận quá, tôi đạp cho ba tôi một cái mà bà không thấy, nhưng làm cho ông càu nhàu và kinh hoàng mở mắt ra.
Ông không nhìn Mẹ tôi mà nhìn ngay ra cửa như là thấy ai ở đó, rồi hỏi bằng một giọng hoảng sợ: “Mấy giờ rồi?”
Bà trả lời dịu dàng: “Hãy còn sớm. Chỉ tại thằng nhỏ thôi. Mình cứ ngủ nữa đi… Nào Larry”; bà ra khỏi giường và nói thêm: “Con đã đánh thức ba dậy, vậy con phải trở về phòng con đi.”
Lần này, dù bà trầm tĩnh, tôi biết ngay là bà không nói chơi nữa và những quyền hành và đặc quyền chính yếu của tôi coi như bị tiêu tan trừ phi tôi đòi hỏi những quyền đó tức thời. Khi bà nhấc bổng tôi lên, tôi hét lớn đến người chết cũng phải thức dậy, chứ đừng nói gì đến cha tôi nữa. Ông càu nhàu:
“Cái thằng quỷ này! Nó không ngủ bao giờ sao?”
Bà điềm nhiên nói: “Đó chỉ là một thói quen mình ạ" mặc dầu tôi nhận thấy bà bị phật ý.
Cha tôi bắt đầu nhỏm dậy và gầm lên: “Vậy thi đã đến lúc nó phải bỏ thói quen ấy đi.”
Bỗng nhiên ông thu tất cả chăn mền vào người, quay mặt vào tường và ngoái cổ lại, làm tôi chỉ thấy hai con mắt đen nhỏ đầy tức giận. Gã đàn ông này trông thật dữ tợn.
Muốn mở cửa phòng ngủ, mẹ tôi phải đặt tôi xuống, nhân đó tôi thoát ra, chạy vụt tơi góc phòng xa nhất và kêu thét lên. Cha tôi lại ngồi nhỏm dậy trên giường.
Ông nói bằng giọng nghẹn ngào: “Câm đi, đồ chó con.”
Tôi ngạc nhiên quá đến nỗi tôi ngừng hét. Chưa bao giờ, chưa có người nào lại dùng giọng đó nói với tôi. Tôi nhìn ông một cách hoài nghi và thấy mặt ông nhăn nhó vì phẫn nộ. Tới lúc này tôi mới nhận thấy một cách rõ ràng là Thượng đế đã lừa gạt tôi, đã nghe lời cầu nguyện của tôi để cho con quỷ này trở về an toàn.
Tôi cũng nổi điên và kêu lớn: “Ông cũng câm đi.”
Cha tôi nhảy vọt ra khỏi giường và thét lên: “Mày nói gì?”
Mẹ tôi kêu: “Mick, Mick, mình không thấy là nó chưa quen tính mình hay sao?”
Cha tôi vung hai canh tay như điên dại và thét: “Tôi thấy người ta cho nó ăn nhiều hơn là giáo dục nó. Nó muốn người ta phát vào đit nó.”
Những câu la lối lúc trước của ông không thấm gì so với những câu tục tĩu này dùng để chỉ tôi. Những câu này thực làm cho máu tôi sôi lên.
Tôi hét lên như cuồng trí: “Phát đít ông ấy! Phát đít ông ấy! Câm đi! Câm đi!”
Tới đó ông không còn nhẫn nại được nữa và ông đã đánh tôi. Ông đánh tôi nhưng thiếu sự tin tưởng, điều này rất dễ hiểu ở nơi một người đứng trước con mắt kinh hoàng của mẹ tôi nên sau cùng chỉ là một cái tát nhẹ; nhưng niềm công phẫn vì bị một kẻ xa lạ đánh, một hẻ hoàn toàn xa lạ đã phỉnh phờ để từ trận địa được trở về, rồi chen vô giường lớn của chúng tôi, nhờ sự cầu xin ngây thơ của chính tôi làm cho tôi hoàn toàn phát khùng. Tôi rít lên và rít lên, rồi nhẩy cẫng với hai bàn chân không, còn ba tôi thì có vẻ ngượng nghịu và người ông đầy lông lá vì ông chỉ bận có chiếc áo sơ mi nhà binh màu xám và ngắn, nhìn xuống tôi như một trái núi muốn giết người. Tôi nghĩ rằng phải đến lúc đó tôi mới nhận thấy ông cũng ghen tuông; và mẹ tôi cũng đứng đó trong chiếc áo ngủ, trông hình như bà bị tâm can vò xé giữa hai chúng tôi. Tôi mong muốn bà cũng có cảm nghĩ như vẻ người của bà. Tôi thấy bà đáng chịu tất cả cái đó.
Từ buổi sáng hôm đó trở đi, đời tôi là một hỏa ngục. Cha tôi và tôi là thù địch rõ ràng và công khai. Chúng tôi tiến hành một loạt những trận nhỏ chống nhau, ông thì đoạt thì giờ của tôi sống với Mẹ tôi, còn tôi thì cố đoạt thì giờ của ông. Khi bà ngồi trên giường tôi kể chuyện cho bà nghe thì ông làm bộ tìm đôi ủng cũ mà ông bảo là đã để lại nhà hồi mới chiến tranh. Trong khi ông nói chuyện với mẹ tôi thì tôi chơi đùa và làm hyên náo với những đồ chơi để tỏ ra là tôi không quan tâm gì. Một buổi tối kia ông làm dữ ghê gớm khi ông đi làm về và thấy tôi lấy chiếc hộp của ông ra và đang chơi với những phù hiệu quân đội, dao Gurkha và que gài khuy áo của ông. Mẹ tôi đứng dậy và thu chiếc hộp lại.
Bà nói một cách nghiêm nghị: “Con không được chơi bằng đồ chơi của ba trừ phi ba cho phép. Ba có chơi bằng đồ chơi của con đâu?”
Vì một lý do gì, ông nhìn bà như vừa bị đả kích, rồi ông quay đi, mặt cau lại.
Ông càu nhàu, lấy chiếc hộp xuống một lần nữa, coi xem tôi có lấy mất gì không và nói: “Những cái này không phải là đồ chơi, một số trong những vật lạ này rất hiếm và đáng giá.”
Nhưng với thời gian trôi qua, tôi càng thấy rõ cách ông ly gián mẹ tôi và tôi. Tệ hại hơn nữa là tôi không nắm được phương pháp của ông hoặc thấy được ông có điểm gì quyến rũ đối với mẹ tôi. Về tất cả mọi phương diện, ông không hấp dẫn bằng tôi. Ông có một cái giọng lỗ mãng và làm ầm ĩ khi uống trà. Có lúc tôi rằng có lẽ mẹ tôi ưa thích báo, bởi vậy tôi cũng tạo lấy một ít mẩu tin tức của riêng tôi để đọc cho bà nghe. Rồi tôi lại nghĩ rằng có lẽ do việc hút thuốc, mà riêng tôi cho là hấp dẫn, và tôi lấy những chiếc ống điếu của ông và đi chung quanh nhà vừa đi vừa nhỏ nước dãi vào những ống điếu cho tới khi ông bắt được tôi. Tôi còn làm ầm ĩ vào giờ uống trà, nhưng mẹ tôi chỉ bảo rằng tôi đáng ghét. Tất cả câu chuyện như xoay quanh cái thói quen thiếu vệ sinh ngủ chung, bởi vậy tối cố ý bất thình lình vào phòng ngủ của cha mẹ tôi và nhòm ngó mọi nơi làm bộ nói chuyện một mình; như vậy họ sẽ không ngờ là tôi đang rình họ; nhưng không bao giờ họ làm cái gì mà tôi có thể thấy được. Cuối cùng tôi đành bó tay. Hình như cái đó tùy thuộc ở sự trưởng thành để có thể tính chuyện hôn nhân và tôi nhận thấy rằng tôi phải chờ đợi.
Nhưng đồng thời, tôi cần cho ông ấy hiểu là tôi chỉ đang chờ, chứ không bỏ cuộc. Một buổi tối khi ông đang tỏ vẻ lố lăng đặc biệt, nói chuyện như qua mặt tôi, tôi mới cho ông một đòn.
Tôi nói: “Mẹ ơi, mẹ có biết khi con lớn lên con sẽ làm gì không?”
Bà trả lời: “Không con ạ, con sẽ làm gì?” Tôi thản nhiên nói: “Con sẽ lấy mẹ.”
Ba tôi bật cười lớn, nhưng ông không đánh lừa được tôi đâu. Tôi biết đó chỉ là giả vờ mà thôi. Và dù thế nào chăng nữa, mẹ tôi vẫn thích thú. Tôi cảm thấy có lẽ bà vui vẻ vì biết rằng một ngày kia ba tôi sẽ không chi phối được bà nữa.
Bà mỉm cười nói: “Chuyện con nói hay đấy chứ.”
Tôi nói một cách tin tưởng: “Hay lắm bởi chúng ta sẽ có nhiều, rất nhiều con.”
Bà điềm đạm bảo: “Đúng rồi con ạ. Mẹ nghĩ là nhà ta cũng sắp có có một đứa, và con sẽ tha hồ có bạn.”
Tôi vui mừng khôn xiết về việc đó vì nó chứng tỏ rằng, mặc dầu bà phục tùng cha tôi, bà vẫn lưu tâm tới những ước vọng của tôi. Ngoài ra có thằng nhỏ như vậy thì nhà Geneys sẽ hết làm phách.
Nhưng việc xẩy ra không đúng như vậy. Trước hết là bà rất bận tâm – có lẽ bận tâm về việc không biết bà lấy ở đâu ra mười bẩy shillings và sáu xu – và dù buổi tối cha tôi bắt đầu có thói quen vắng nhà tới khuya, sự việc đó cũng không có gì đặc biệt lợi cho tôi. Bây giờ bà không đưa tôi đi chơi tản bộ nữa, bà cũng dễ cáu kỉnh nóng nảy như lửa và bợp tai tôi mà không lý do gì hết. Đôi khi tôi ước tôi không hề nhắc tới đứa nhỏ chết tiệt kia – hình như tôi có đặc tài mang lấy tai họa vào mình.
Đó thực sự là cái họa! Thằng Sonny tới một cách ầm ỹ ghê gớm – chỉ nội có việc tới thôi mà nó cũng phải làm ầm ỹ - và ngay từ lúc đầu tôi đã ghét nó rồi. Nó là một đứa nhỏ khó tính – đối với tôi thì lúc nào nó cũng khó tính và đòi hỏi người ta chú ý đến nó nhiều quá. Mẹ tôi thì rõ ràng mê mẩn vì nó và không phân biệt được lúc nào nó lấy le làm điệu. Về việc làm bạn với tôi thì nó còn tệ hại hơn là vô dụng. Nó ngủ suốt ngày, và khi tôi đi trong nhà, tôi phải rón rén để nó khỏi thức giấc. Bây giờ khẩu hiệu là “Đừng làm Sonny thức giấc”. Tôi không thể hiểu tại sao thằng nhỏ không chịu ngủ đúng giờ đúng giấc, bởi vậy khi mẹ tôi vừa quay đi là tôi đánh thức nó. Đôi khi để giữ cho nó khỏi ngủ tôi còn cấu véo nó nữa. Một hôm mẹ tôi bắt được quả tang và nện cho tôi một trận nên thân.
Một buổi tối, tôi đang chơi xe lửa ngoài vườn trước thì ba tôi đi làm về. Tôi vờ như không để ý đến ông, trái lại tôi làm như đang nói một mình và nói lớn: “Nếu có một đứa nhỏ khốn kiếp nào khác vào nhà này là mình bỏ đi liền.”
Ba tôi đứng sững lại và ngoái nhìn tôi.
Ông hỏi một cách nghiêm nghị: “Mày nói gì?”
Tôi cố giấu sự luống cuống và trả lời: “Con nói chuyện một mình con. Đó là việc tư mà.”
Ông quay đi và vào nhà, không nói một lời. Nên nhớ rằng tôi định trịnh trọng cảnh cáo, nhưng hiệu quả lại trái hẳn. Ba tôi bắt đầu tỏ ra thực dễ thương với tôi. Dĩ nhiên tôi có thể hiểu được điều đó. Mẹ tôi hoàn toàn bận bịu về bé Sonny. Ngay trong bữa ăn, bà thường đứng dậy và đùa giỡn với đứa bé nằm trong nôi với một nụ cười ngớ ngẩn, bà còn bảo cha tôi làm theo mình. Bao giờ ông cũng lịch sự về điểm đó nhưng ông có vẻ bối rối đến nỗi ta có thể thấy là ông không hiểu bà đang nói gì. Ông than phiền về chuyện Sonny khóc đêm, nhưng chỉ làm bà cau có và bà bảo Sonny không bao giờ khóc trừ khi nào nó có gì khó chịu – đó là một câu nói dối trắng trợn, vì Sonny không bao giờ có gì khó chịu, và nó chỉ khóc để được người ta chú ý tới mà thôi. Thực là buồn khi thấy bà thực thà quá như vậy. Ba tôi thì không hấp dẫn, nhưng khá thông minh. Ông hiểu Sonny quá và bây giờ ông biết là tôi cũng hiểu ông như vậy.
Một đêm bỗng nhiên tôi bừng tỉnh. Có ai nằm cạnh tôi ở trên giường. Trong một lúc sung sướng quá tôi chắc mẹ tôi đã hồi tâm bỏ hẳn ba tôi, nhưng rồi tôi nghe tiếng Sonny đang khóc thét ở phòng bên và mẹ tôi thì đang nói: “Nằm, nằm yên nào. Nằm, nằm yên nào” và tôi biết là không phải bà nằm bên tôi. Đó là ba tôi, ông đang nằm cạnh tôi. Tỉnh táo, thở mạnh và hình như cáu lắm.
Một lúc sau tôi hiểu ngay tại sao ông cáu. Bây giờ tới phiên ông. Sau khi đuổi tôi ra khỏi giường, nay ông cũng bị đuổi như tôi vậy. Bây giờ mẹ tôi không đếm xỉa đến bất cứ ai trừ thằng nhãi con Sonny khó thương. Tôi không thể thông cảm thấy thương hại ba tôi. Tôi cũng đã trải qua bước đó và ngay với cái tuổi này, tôi đã có độ lượng. Tôi bắt đầu dỗ dành ông và nói: “Con đây mà! Con đây mà!” Không hẳn là ông động lòng.
Ông gầm gừ: Con cũng không ngủ sao?”
Tôi nói: “À, ba xích lại đây và ôm lấy con được không?” và ông ôm tôi một cách là lạ. Tôi tưởng ta có thể nói là ông ôm tôi một cách dè dặt. Người ông xương xẩu, nhưng có người ôm mình còn hơn không.
Tới lễ giáng sinh, ông cố gắng mua cho tôi một chiếc xe lửa thật đẹp.
Mặc Cảm Oedipus Của Tôi Mặc Cảm Oedipus Của Tôi - Sưu Tầm