Anyone who says they have only one life to live must not know how to read a book.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Nguyễn Tuấn Anh
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 15124 / 288
Cập nhật: 2015-03-10 12:00:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2 -
hực ra, tên cúng cơm của tôi là Trần Húng chứ không phải Trần Hưng. Sau này lớn lên đi học, thấy cái tên Húng kỳ cục, tôi van nài cha tôi mãi mới được đổi từ Húng sang Hưng. Chỉ cần bỏ cái dấu sắc đi để thêm vào chữ u một cái dấu ư là cuộc đời tôi mang một ý nghĩa khác. Số là bố tôi từ thuở cha sinh mẹ đẻ chỉ mê một món thịt chó. Nghe đâu, trong một cuộc thi ăn thịt chó với bạn bè hồi trẻ, chỉ một ngày ông đã ăn hết sạch hai con cầy tơ. Từ đó, bố tôi có biệt danh là ông Hai Cầy.
Bố mẹ tôi sinh được cả thảy bốn người con. Ông lấy các món ăn trong bữa thịt cầy để đặt tên cho con cái mới kỳ khôi chứ. Chị cả tôi là Trần Thị Mơ, gọi trong nhà là chị lá mơ, cái thứ lá mà khi xơi thịt cầy, nếu không có nó, thịt cầy không còn là thịt cầy nữa. Tôi là Húng, một thứ rau thơm quan trọng không kém lá mơ của bữa thịt cầy. Đó là húng lìu hay húng chó, trong Nam kêu là rau quế. Con em gái tôi được vinh dự mang một cái tên trong món ăn bố khoái nhất là rựa mận, cô Trần Thị Mận. Còn thằng em út tên của nó mới khiếp chứ, thằng Trần Chìa, tức chả chìa. Cái tên của cậu em tôi mới nghe cứ tưởng nó gầy teo, ốm nhách, lòi cả xương sườn ra nhưng nào ngờ nó lại mập ú. Bố tôi bảo mẹ tôi sinh cho ông một đứa nữa, dù trai hay gái, ông nhất định sẽ đặt tên cho nó là Tửu, cứ nam văn nữ thị mà kêu Tửu ơi Tửu, bố sai cái này là thế nào cũng có cút rượu nhắm. Có lẽ vì vậy mẹ tôi sợ quá nên không dám sinh nữa. Thành ra cuộc đời bố tôi luôn luôn thèm rượu và thiếu rượu. Cứ mỗi lần đặt tên con, mẹ tôi lại gây gổ với bố. Nhưng bố tôi quyết đặt tên con cái theo ý của mình, dù trời can cũng không nổi. Cuối cùng mẹ tôi đành khóc lóc nhượng bộ. Khóc xong, bà ngồi một mình ca cẩm phàn nàn thật tội nghiệp. Rằng ông đùa giỡn suốt đời không chán hay sao mà còn lấy cả con cái ra để bỡn cợt. Tội nghiệp các con, tên với chả tuổi, kêu lên toàn là món nhắm, e rằng sau này không có cái bỏ vào lỗ miệng đâu. Bố an ủi mẹ rằng tên con cái hay như thế còn không chịu, đang đói kêu lên một loạt: này con lá Mơ, này thằng Húng chó, này con rựa Mận, hỡi đứa chả Chìa là thấy no cái bụng, sướng cái miệng liền. Tiếc bà không sinh cho tôi một thằng cu Tửu, khi buồn chỉ cần gọi tên con là đã say rồi, đỡ phải mắt tiền ra quán mua rượu bà ơi. Đôi lúc có tí ngà ngà, bố tôi lại nằm đu đưa trên võng ngâm Kiều, đọc thơ Tú Xương, Nguyễn Khuyến. Kết thúc cuộc ngâm vịnh, thế nào ông cũng hát ồ ề câu: sống trên đời ăn miếng giồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không?
Tôi nhớ hồi bố tôi lên mạn ngược buôn bán, khi về mang theo hai con chó con, một bạch một vàng. Ông bảo thứ chó này quý lắm, mau lớn, to con, giữ nhà thì bố trộm cũng không dám bén mảng, lại thịt ngon, nếu có khách ngả ra lúc nào cũng tiện.
Về chó, từ xưa ông bà ta đã có câu: nhất bạch nhì vàng, tam khoang, tứ đốm. Như thế, riêng trong nhà mình, ông đã có đến hai con chó nhất nhì thiên hạ rồi. Rất hay là đôi chó này lại một đực, một cái. Hôm đưa hai con chó quý này về, bố tôi nhờ ngay ông hàng xóm sang bắt nghiến con chó vện đực nuôi trong nhà ra thịt, để mừng hai công tử chó, khiến hai kẻ ấu thơ kia nhìn thấy mà xanh mặt. Bố tôi đặt con bạch là mẻ, con vàng là riềng, hai thứ gia vị thiết cốt nhất của thịt chó. Thiếu hai thứ này, thịt chó coi như bỏ. Hai con chó con dần dần cũng quen với tên gọi của mình, nào biết đâu riềng với mẻ đã ám mình từ ngày bé tí.
Mấy tháng đầu, con riềng và con mẻ kể cũng có hơi lớn. Nhưng tụi nó lớn rất chậm, mặc dù cơm thừa canh cặn hai cu cậu lúc nào cũng chén căng rốn. Nhưng rồi cả năm sau, con riềng với con mẻ mỗi lúc một mỏi mòn đi, ốm nhom ốm nhách không cách gì nở nang ra được. Mấy ông hàng xóm bảo bố tôi đổi tên cho hai con chó này đi, chứ lấy riềng và mẻ mà đặt cho nó, thì còn bố nó cũng sợ toát mồ hôi hột, sợ còn chết khiếp được nữa là tụi nó.
Họ còn bàn ra tán vào rằng dù là con vật, nhưng nó cũng biết chứ, lúc nào cũng bị cái ám ảnh vào nồi, bị cái hình ảnh riềng với mẻ, mùi thơm của riềng với mẻ hành hạ, thì thử hỏi làm sao mà yên tâm sống được cơ chứ. Bố tôi gật gù nghe lời bèn đổi tên cho hai con riềng con mẻ, nhưng nó vẫn cứ lì ra, không chịu lớn thêm một tẹo. Càng ngày hai con chó càng da bọc xương mặc dù chúng ăn thùng bất chi thình. Mấy ông hàng xóm lại góp ý với bố tôi là phải đổi tên của bốn đứa con đi, họa may hai con chó mới đỡ sợ, đỡ mất vía mà yên tâm lớn. Lúc nào trong nhà cũng nghe gọi nào lá mơ, nào húng, nào rựa mận với chả chìa thì còn khiếp đảm hơn là riềng với mẻ ấy chứ. Hừ, đời nào chỉ vì cái chuyện lớn hay không lớn của hai con chó con mà bố tôi lại đi đổi tên bốn đứa con. Ông bèn bán quách hai con chó ốm cho hàng xóm. Nghe đồn khi được nuôi ở nhà khác với tên khác, hai con chó ma mãnh và non gan kia lớn nhanh còn không ngờ. Cho hay là cái nỗi sợ ở đời gớm thật. Đến con chó còn bị nỗi sợ hành cho còn mòn mỏi, để thân tàn ma dại như vậy, nữa là con người suốt một đời phải đối diện với muôn nghìn nỗi sợ trước cái chết, trước bạo quyền, trước những tai bay vạ gió rủi ro... Tồn tại phải chăng là cuộc chiến đấu âm thầm quyết liệt của sinh vật nói chung, của con người nói riêng trước bao nhiêu nỗi sợ hãi?
Thuở nhỏ, bố tôi học chữ nho, thi mãi không đậu, phẫn chí về đi cày rồi sắm thuyền đi buôn. Có lẽ vì ông là người có học nhất của cái làng Bình Hải bấy giờ, nên bọn cường hào chức sắc rất ghét. Mặc dù trong bụng không ưa gì kẻ sĩ, nhưng bọn cầm quyền phải làm ra vẻ ta đây quý người có chữ, trọng kẻ nhân tài.
Bọn họ hay mời cha tôi tham gia những cuộc chè chén ngoài đình làng, hay trong nhà quan nhà hào phú, cốt để gài cho ông say mà lộ rõ cái chân tướng vẫn giấu trong vẻ ngoài dân dã. Mặc dù bố tôi chúa ghét cái thời thế đảo điên này, nhưng ông lấy sự im lặng làm thượng sách, biết cách dùng cái nhu thắng cái cương. Vả lại, thỉnh thoảng có tí men vào, ông thường nói với mẹ tôi rằng ông đếch thèm chấp với cái đời chó đẻ này, còn chưởi ông cũng không thèm nữa là, có chưởi nó cũng chỉ bẩn cái miệng mình thôi. Có khi nửa đêm ông tỉnh dậy ngồi đối diện với ánh trăng suông, nghe chó sủa ma, rồi hít một hơi dài thuốc lào bằng cái điếu cày gia truyền, đoạn nói thầm một mình rằng cuộc đời láo lếu này ạ, chưởi chúng mày thà ông về chưởi chó còn hơn. Có điều gì buồn bực với thế cuộc là tụi tôi biết ngay, thế nào đêm ấy ông cũng ngồi chong mắt nhìn đêm, rít thuốc lào, rì rầm mắng mỏ cái bàn cái ghế. Có lần tên lý trưởng bảo bố tôi miệng hến. Ông nhấp ly rượu cười: hừ miệng hến chính là miệng tôi.
Có lẽ chính vì thái độ nén mình đó mà trong xã hội phong kiến nhố nhăng, bố tôi đã tránh được bao tai bay vạ gió. Bố tôi dân mèo mù vớ được cá rán. Ông lấy được mẹ tôi vừa đẹp người, đẹp nết. Suốt đời bà lấy sự hy sinh cho chồng con làm 1ẽ sống. Hồi tôi mới sinh, nhà nghèo lắm, gặp dịp đói kém bữa cháo bữa rau. Mùa đông rét cắt thịt, nửa đêm nước sông rạch cạn, mẹ một mình một bóng gọi mấy bà mấy cô lối xóm dậy đi mò cá. Làng tôi như một hòn cù lao nằm giữa vùng sông rạch, cá tôm tương đối nhiều. Có đêm, chỉ bằng hai bàn tay, mẹ tôi đã mò được cả chục ký lô cá. Bàn tay mẹ đầy vết nứt nẻ, rỉ máu vì vết gai cá trê, cá úc, cá hau đâm nát.
Một lần nửa đêm, chị Mơ lay tôi gọi dậy:
- Húng, dậy đi, mẹ chết rồi.
Tôi tỉnh dậy, nghe nóI mẹ chết liền lăn đùng ra khóc, gọi mẹ khản cả tiếng. Chị tôi dìu tôi ra nhà ngoài, nơi có rất đông người vây quanh một đống lửa. Mẹ tôi đang nằm bên đống lửa như một xác chết. Mẹ tôi bị chết cóng khi đang mò cá dưới sông, rét quá cứng đờ cả tay chân. Mẹ bị cấm khẩu trợn tròn đôi mắt. Mấy bà mấy cô cùng mò cá vội khiêng mẹ về. Những người khiêng mẹ vừa đi vừa ngã dúi dụi vì rét run như cầy sấy. Trời rét đến bảy tám độ vẫn ngâm mình dưới nước mò cá, sao không chết cóng được. Nhưng thật may man, bằng cách sưởi mẹ bên ngọn lửa, bằng hô hấp nhân tạo, bằng cách cạy miệng mẹ đổ vào cả tô nước tiểu trộn gừng giã nhỏ, cuối cùng người ta đã cứu sống được mẹ tôi. Vậy mà chỉ ít đêm sau, mẹ lại nai nịt vào người mấy cái mền rách, theo mấy bà xuống sông mò cá.
Ngày bé, tôi là đứa trẻ nghịch ngợm nổi tiếng trong làng. Mỗi lần nghịch phá, bị hàng xóm đến nhà la rầy, hoặc phàn nàn kêu ca với mẹ, mẹ tôi lại ngồi khóc. Hóa ra tôi sợ nước mắt mẹ hơn đòn roi của bố. Nhìn mẹ khóc, tôi thấy quá đau lòng, còn hơn những con lươn của bố hằn trên hai mông đít tôi. Trong nhà, tôi quý nhất con Mận, tức rựa mận, em kế tôi.
Con bé dại lắm. Mà kẻ dại bao giờ cũng được người khôn mê. Lại vì ở với kẻ dại lời lắm, tha hồ cho ta gạt gẫm. Ai đời, lớn tới bốn tuổi mà Mận vẫn chưa biết đếm. Mẹ tôi đi chợ về chia cho chúng tôi mỗi đứa mười củ lạc. Tôi ăn cái vèo hết phần mình. Nhưng Mận để dành. Nó bóc củ lạc bỏ miệng toan nhai, nhưng sợ hết, lại nhả ra cầm trên tay. Nó lấy ước mơ của mình ra để đếm hay sao mà mười củ lạc rõ ràng, lại đếm thành ra hai mươi mốt củ. Tôi ngồi cạnh Mận làm thân. Đột nhiên, tôi chỉ tay lên mái nhà hô:
- Mận ơi, nhìn kìa. Con chuột công mất con mèo nhà ta rồi.
Con bé tưởng thật, vội ngẩng mặt nhìn lên trần nhà, ngơ ngác hỏi với cái giọng ngọng nghịu: âu... âu...? Xưa nay, nó mới chỉ biết một vế thật là mèo tha chuột. Hôm nay, ông anh quý hóa bỗng phát hiện ra điều kỳ lạ của vế thứ hai, dù thật ngược đời, nhưng đang xảy ra trên trần nhà: chuột công mèo, lẽ nào nó không ngó cổ lên nhìn cho được. Vậy là tôi tranh thủ lúc con em mất cảnh giác, thò tay sang phần quà cho nó, thó mất dăm sáu củ lạc rang chứ ít gì đâu. Tuy vậy, khi không nhìn thấy điều anh vừa chỉ, nó lại cúi xuống đám lạc, vẫn còn hai mươi mốt củ mới lạ chứ. Bằng những cách thức lừa mị như vậy, tôi đã dụ dỗ và bóc lột gần hết số lạc của em gái mới thôi. Trong ký ức tuổi thơ của Mận, vẫn mơ hồ có một con chuột tha con mèo, nhưng nó đã không nhìn thấy. Sau này lớn lên, tôi đã học được cái đức tin thơ ngây của đứa em gái, để suốt đời ngơ ngác đi tìm cho ra một con chuột vô hình vừa tha mất con mèo đời sống. Con người từ bao đời nay, hình như vẫn chưa chịu tuyệt vọng, vẫn dùng hết cách để cố tìm ra cái chưa có thực bằng cả nhiệt tình của mình.
Mận là cô bé thật lạ. Mỗi lần ăn xôi đậu đen, nó vẫn băt tôi nhặt hết đậu ra mới chịu ăn. Nó bảo:
- Xôi gì mà toàn ruồi là ruồi.
Trời, đậu đen, những hạt vừa bùi vừa béo ngon vậy mà em gái tôi cho toàn là ruồi. Tôi thì vô cùng thích xơi cái giống ruồi béo ngậy đó. Tôi không giải thích dài dòng làm gì cho mệt, rằng đậu đen ngu ạ, ruồi biết bay cơ mà, thứ này cũng đen cũng bé như vậy, nhưng đâu có biết bay. Nhưng tôi biết tính con nhóc này, nó đã phán là ruồi, thì có chết, đậu đen vẫn cứ phải là ruồi.
Tôi nhanh nhẹn nhặt hết ruồi trong đĩa xôi em gái, rồi cho vào miệng, nhai hết sức ngon lành, thỏa mãn.
Con Mận kinh ngạc reo lên:
- Mẹ ơi, khiếp quá, anh Húng nhai ruồi.
Tôi vừa ăn vừa buồn cười đến phát nghẹn, vừa thương hại đứa em gái ngốc ơi là ngốc. ở đời, nếu là ruồi đi chăng nữa, mà ngon thì cũng cứ nên chén. Từ đó, Mận phục tôi đến sát đất. Nó đi khoe với bọn trẻ con hàng xóm rằng anh Húng nhà tao tài hơn cả thánh, đã ăn bao nhiêu là ruồi. Thấy đám trẻ con lâu la bốn năm tuổi của tôi tròn xoe mắt thán phục, nên tôi càng khoái chí, tự vỗ ngực tao ăn ruồi đấy, khiếp chưa? Nhưng sau cái hãnh diện là đến cái tai hại. Con Oanh, bạn thân nhất của tôi, nhìn tôi tởm quá, tuyên bố không thèm chơi với cái thằng ăn ruồi nữa.
Tôi đã phải đi cải chính, đi giải thích đến khản cả tiếng, đến suýt đánh nhau với bọn trẻ con hàng xóm, rằng tôi ăn hạt đậu đen trong xôi, chứ không phải ăn ruồi, nhưng chúng dứt khoát không nghe. Tôi đi tới đâu cũng bị trẻ con gọi: ê thằng Húng chó ăn ruồi. Đến nỗi sau này thành danh rồi, có người già vẫn kể về tôi cho con cháu rằng ở tại làng Bình Hải này, ngày xưa có một cậu bé toàn xơi ruồi là nhà văn Trần Hưng đấy. Bởi vì đậu đen đã biến thành ruồi từ thời thơ ấu của tôi. Một thằng oắt con như tôi, dám bắt ruồi ăn, thì thử hỏi trên đời này, còn thứ gì hắn trừ mà không cho vào miệng. Sau này khi đã lớn, đôi lúc tôi vẫn nhìn đời bằng con mắt của Mận nhìn vào đĩa xôi thuở nhỏ.
Tôi nhớ đến mười lăm mười sáu tuổi, con Mận mới dám ăn bún. Ngày nhỏ, nó cho bún là giun sán. Tôi đã có kinh nghiệm về cái vẻ ruồi tai hại kia, nên không còn thích tham dự vào chuyện bún hay giun của con bé muốn đặt tên lại các sự vật theo sở thích của mình.
Hồi con Mận đi khoe khắp bàn dân thiên hạ rằng anh nó có tài ăn ruồi, tôi đã lo sợ và buồn vì con bé Oanh không thèm chơi với mình nữa. Nhưng nghĩ lại, tôi không bỏ lỡ cơ hội, tội gì lúc thiên hạ đang phục mình như vậy, lại không xưng vương. Tôi bèn xưng mình là vua. Em gái tôi, tức con Mận làm hoàng hậu. Hoàng hậu năm tuổi mặc quần giải yếm. Đám quan lại lính lác đa số cởi truồng, thò lò mũi, áo xống vá chằng vá đụp. Thằng Tỏi, Lê Xuân Tỏi, con ông Lê Xuân Rồng, giàu nhất làng bên xóm cây đa, hơn tôi hai tuổi, một lần tìm đến. Tỏi là con thứ tư của ông Rồng, một ông để râu cá trê, đi đâu cũng gặp toàn ma là ma. Ông Rồng kể rằng một lần đi đêm, ma đưa ông vào ngồi giữa bụi tre gai, đến độ sáng sớm cả làng kéo ra dùng dao phát tre mới lôi ông ta ra được. Ông Rồng còn kể vô khối chuyện ma tà chỉ nghe đã muốn ù té chạy, nổi da gà, sởn tóc gáy. Thầy pháp khuyên ông nên dùng một thử vũ khí trừ ma rất hữu hiệu là tỏi. Do vậy, ông nhai tỏi như người ăn trầu, mùi tỏi xông lên hôi hơn cú, tanh tanh nhẩn nhẩn rất khó chịu. Bất kể lúc ngủ hay khi thức, trong túi ông lúc nào cũng có một củ tỏi làm bùa hộ mệnh.
Nghe nói từ khi sử dụng món tỏi ấy, ma cũng đỡ hành ông. Cho nên đứa con thứ tư ông đặt tên là Tỏi, âu cũng là dễ hiểu. Tỏi mặc cái quần đùi xanh đã bạc nhưng chưa hề thủng đít.
Làng tôi thời đó, trẻ con chỉ cần bận một cái quần không thủng, không vá đã là sự kiện rồi. Ngoài ra Tỏi còn mặc cái áo màu nâu non rất mới. Một điều khiến tụi tôi há hốc miệng là Tỏi còn đi đôi guốc gỗ sơn xanh có vẽ hoa, gõ loong coong lên đường đất rất vui. Đám trẻ con xóm cây thị của tôi từ khi sinh ra đến giờ, chưa một lần được xỏ chân vào guốc dép. Cả bố mẹ chúng cũng suốt đời đi chân đất đó thôi. Tỏi dắt theo năm sáu đứa con trai, đứa nào cũng suýt soát tuổi tôi.
Tôi đang chơi trò vua chúa, thấy bọn Tỏi tới liền bãi trào. Tỏi tuy lên chín, lớn hơn tôi hai tuổi, nhưng tướng hắn nhỏ thó, vẻ ốm yếu, còi cọc, chỉ duy hai con mắt la sáng quac, khiến gương mặt hắn trở nên rất tinh khôn.
Bọn con gái phe tôi đa số ở truồng, thấy Tỏi diện quá, bèn trơ mắt ếch ra ngó. Chắc chúng đang thèm khát một bộ đồ lành lặn như Tỏi, lại mơ có cả guốc đi nữa chứ.
Thằng Tỏi trao guốc cho một đứa mà tôi đoán chắc là lính hầu. Thằng bé kia cũng dân mặc quần thủng đít như tôi, ôm guốc của chủ áp vào bụng rất lễ phép.
Tỏi gọi tôi:
- Húng ơi.
Nó khôn thật, không dám gây sự với đám tôi nên không thèm kêu tôi là Húng chó như đứa khác.
Con Mận nhanh nhẩu bảo Tỏi:
- Vua chứ, anh Húng đang làm vua đấy nhá.
- Gớm, vua mà phải để thiên hạ nhắc, người ta mới biết đấy là vua, thì cũng chỉ là thứ vua hạng bét.
Tỏi bèn nhỏ nhẹ, gọi cho em gái tôi vừa lòng:
- Vua ơi.
Tội gì mà tôi không nhận danh hiệu ấy. Tôi trả lời:
- Ơi!
Tỏi nói tiếp:
- Xin mời vua ra đây nói chuyện riêng với dân.
Tôi sợ gì mà không ra. Vua mà.
Khi Tỏi dắt tôi tới sát gốc cây bàng, xa đám thần dân đang ăn tiệc bằng đất và các thứ lá, Tỏi hỏi tôi không còn kiêng nể gì nữa:
- Tao nghe mày ăn được ruồi hả Húng?
Tôi giận quá, tính thoi cho Tỏi một quả vào mặt để biết thân. Rằng mày đừng có xách mé, lúc vua, lúc mày, không còn trên dưới gì nữa. Nhưng thấy quân lính của Tỏi quá mạnh nên tôi đành thôi. Tôi đáp cho bù lại cái uy vừa bị hắn xúc phạm:
- ừ đấy vua thì cái gì mà không ăn được.
Tỏi cười. Cái cười rất lâu. Hắn móc trong túi áo ra một cái sâu kèn to bằng ngón tay. Đoạn Tỏi đổ từ sâu kèn ra giữa lòng bàn tay mình có đến hàng chục con ruồi thật đã chết, bảo tôi:
- Biếu mày đắy. ăn đi vua.
Tôi hoảng quá, xanh cả mặt. Cái thằng cu Tỏi này ranh ma quá, đâu có dễ tin như đứa trẻ khác. Điều gì cũng cứ phải thử cái đã, xem thực hư ra sao.
Tôi bèn đánh bài lờ:
- Vua no rồi.
Tỏi cười ngất, trừng mắt:
- Mày nói dối đúng không?
Nó vừa hỏi vừa liếc nhìn cái đám đệ tử hùng hậu của mình, có ý đe nếu mày không khai thật, hãy coi chừng nhừ xương đó con.
Tôi đành phải gật đầu, ngầm thú nhận mình bịp. Tuy vậy, tôi vẫn chữa thẹn:
- Tao ăn hạt đậu đen trong xôi cơ. Tại em gái tao bảo tao ăn ruồi đấy chứ.
Thằng Tỏi nghĩ một lúc bảo:
- Tao sẽ báo cho tất cả biết mày nói dối. Tao sẽ bắt mày ăn ruồi thật trước đám lính của mày. Căi đồ chỉ quen ăn ruồi giả.
Tôi van nài nó:
- Đừng, mày đừng làm vậy Tỏi ơi. Tao nhường cho mày làm vua đấy.
Tỏi được nước, bèn sỉ nhục tôi:
- Tao ỉa vào làm vua ấy.
Tôi xuống nước:
- Từ nay tao cũng không dám làm vua nữa đâu.
Tỏi khuyên:
- Thôi, bỏ cái chuyện ruồi với vua đi. Tao vẫn để cho mày được cái tiếng ăn ruồi nghe chưa!
Tôi gật đầu. Có mỗi cái tài ăn ruồi, mà nó khui ra là bịp, thì tôi còn gì để làm oai với thiên hạ?
Thằng Tỏi lại vỗ vai tôi:
- Mày có thích đi guốc không?
- Thích.
- Thỉnh thoảng tao cho mày mượn đi vài bước nghe chưa.
Ôi chao, được xỏ chân vào đôi guốc có sơn hoa của nó mà đi vài bước, với tôi lúc đó cỏn gì bằng, thật là một đặc ân. Tỏi ra lệnh tiếp:
- Nhưng tao đi đâu mày phải theo sau đấy. Rồi mày còn phải xách guốc cho tao nữa chứ. Chịu không?
- Chịu.
Tỏi bảo tôi:
- Mày cứ làm vua nước mày đi, tao không cấm đâu.
Thì ra, Tỏi đã dùng đôi guốc dụ khị được bao nhiêu đứa đi theo. Chính nó cũng quý đôi guốc hơn vàng. Đi học, nó bỏ guốc vào cặp xách, tới trường mới xỏ guốc vô. Trẻ con làng tôi ngày đó, có lẽ duy nhất chỉ có Tỏi là có guốc đi. Bọn tôi chỉ vì mê đi guốc mà chấp nhận làm nô lệ cho nó. Riêng đối với tôi lúc đó, Tỏi còn có một thâm ý. Rằng mày cứ việc làm vua đi, nhưng là đồ vua xách dép.
Cho tận lúc con Oanh xinh đẹp, bạn thân của tôi bỏ tôi vì ghê tởm cái tật ăn ruồi. Tôi gặp thằng Tỏi nhờ nó cải chính giùm cho, nhưng chính nó còn thề với Oanh là đã chứng kiến cảnh thằng Húng chó ăn hết ba mươi ba con ruồi đực, mười hai con ruồi cái trong một nháy mắt. Từ đó, Tỏi đã dụ được đứa con gái xinh nhất xóm cây Thị, đi theo phe xóm cây Đa của tụi nó.
Tỏi hay sang nhà tôi chơi. Trưa mẹ tôi đi chợ về, có quà vẫn chia đều cho mọi đứa. Tỏi cũng có phần nên càng thân với tôi hơn. Có lần buổi trưa tôi đang chơi bên nhà hắn, bỗng nhiên Tỏi hét tướng:
- Húng, mẹ mày đi chợ đã về kìa, tới đầu ngõ rồi đó. Về nhanh không trẻ con nó chén hết bánh đó.
Tôi chạy hớt hải về nhà, nhưng tìm mãi không thấy mẹ mình đâu. Tôi bèn chạy qua nhà nó, thì thấy mẹ nó đã đi chợ về, chia bánh cho nó và nó đã ăn sạch. Sau này tôi mới hiểu là khi nhìn thấy bóng mẹ nó sắp về, nên bịa ra chuyện mẹ tôi, để tôi cút cho rảnh. Vì nó sợ sự có mặt của tôi, khiến mẹ nó phải cho bớt quà đi. Trò chơi gì Tỏi cũng bày đầu, cũng tổ chức. Nó đã có cái máu cầm quyền, máu ưa thống trị kẻ khác từ khi còn để chỏm.
Cho hay quyền lực đâu chỉ hấp dẫn thế giới người lớn. Bằng đôi guốc và sự mưu mẹo, thằng Tỏi đã chinh phục được gần hết trẻ con làng tôi ngày bé. Nó đã biết cách trở thành lãnh tụ khi còn trong tuổi đái dầm.
Tôi nhớ một lần tên Tây đoan trên tỉnh về làng khám rượu. Bọn tôi đang chơi nặn đất thì thấy trẻ con, người lớn ùn ùn chạy ra phía bờ sông như ong vỡ tổ. Không biết chuyện gì, bọn tôi cũng chạy vù đi. Có người nào đó hô: xe đạp, xe đạp. Tiếng hô như ngòi pháo châm vào đám trẻ con đang chen nhau chí chết đổ ra bờ sông. Tôi và hai ba đứa con gái rơi xuống bờ mương ướt hơn chuột lột, mãi mới bò lên chạy tiếp được. Thế rồi tôi cũng chen được ra bờ sông nhìn sang bên kia. ôi chao, một sự lạ lùng.
Ông Tây đoan mặc quần soọc, đội mũ cát, đi xăng đan đang đạp cái xe gì hai bánh lao vùn vụt. Bọn tôi phục quá, vỗ tay ầm lên.
Tên Tây đoan dừng lại, dựa xe vào hông, giơ tay vẫy. Chúng tôi càng vỗ tay tợn. Mấy người lớn thi nhau giải thích cho đám trẻ con biết đấy là cái xe đạp, máy móc ghê lắm, phải có bùa phép mới cỡi lên được. Bữa đó có hai đứa trẻ con rơi xuống sông tí chết đuối vì chen nhau xem xe. Đấy là lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy cái xe đạp. Không biết bằng cách nào, một ngày sau, thằng Tỏi đã dụ được tên Tây đoan cho ngồi trên pocbaga để nó chở đi đến cả chục mét.
Từ đó, uy tín thằng Tỏi càng lên cao một cách khủng khiếp, trong thế giới trẻ con trong làng. Nó đã trở thành thần tượng của đám trẻ con nghèo khổ chúng tôi.
Đến bảy tuổi tôi mới được học vỡ lòng do một ông giáo già dạy dỗ. Hôm đầu tiên xếp hàng vào lớp, tôi được xếp đứng trước cô bé Oanh. Oanh là con gái bác phó Lãm chuyên hàn nồi niêu và làm lò rèn gần nhà tôi. Trước kia, tôi với Oanh chơi thân nhau lẫm. Nhưng từ khi nghe đồn tôi ăn ruồi, nó khiếp quá.
Thấy tôi, nó toàn nhổ nước miếng ra vẻ kinh tởm. Oanh nghỉ chơi với tôi để sang chơi với cánh thằng Tỏi. Con bé xinh xắn cho nên đi đâu cũng sướng. Thằng Tỏi cho Oanh mượn guốc đi có khi cả tiếng đồng hồ. Một bên dễ thương, một bên có guốc, chơi với nhau thành ra hai bên đều có lợi. Tôi giận Oanh từ đó. Cái đồ tham phú phụ bần, mới thấy đôi guốc đã hoa mắt lên như vậy, huống hồ trước những bả vinh hoa thật thì còn mê đến mức nào. Thấy Oanh, tôi làm lơ, coi như không có. Nhưng thật khổ thân tôi, con bé vẫn có, vẫn tí tởn. Thấy tôi nó còn nhăn mũi lên, thiếu điều bảo thẳng vào mặt tôi là cái đồ ăn ruồi.
Hôm lần đầu xếp hàng vào lớp học, Oanh đứng sát sau tôi mà không biết. Có lẽ có đứa quái quỉ nào nghịch, xô hàng lên, khiến Oanh dúi vào tôi, đạp cả chân lên chân tôi nữa trời ạ. Đạp xong, con bé vẫn rút bàn chân nhỏ nhắn, trang trẻo của mình về một cách tỉnh bơ, coi như không có chuyện gì xảy ra vậy. Thực tình, tôi chả thấy đau là gì cả, có khác gì bàn chân mèo êm như nhung đạp phải chân mình đâu. Nhưng khi đó, tôi đang ghét Oanh. Trò đời khi yêu củ ấu cũng tròn, ghét thì bồ hòn cũng méo. Sau này, mỗi lần hồi tưởng lại chuyện đó, tôi chắc chắn Oanh vô tình đạp phải chân tôi chứ nào phải cố ý. Nhưng tôi cho rằng đây là âm mưu của Oanh để làm nhục tôi. Tôi tính đá cho con bé một cú, nhưng thấy bọn con trai trong hàng đứa nào cũng muốn nịnh nọt, muốn lấy lòng để được về phe nó chỉ vì mặt mũi nó đẹp. Tôi vỡ lẽ ra rằng đứa con gái đẹp nào cũng lắm kẻ hầu hạ, nhiều lính tráng lâu la. Tôi dẹp ngay ý định dùng võ lực với Oanh bữa đó. Nhưng tôi để bụng. Tôi là thằng thù dai nhất trần đời à mày dám đạp vào chân ông hử? Nhớ lấy nhé, thế nào rồi ông cũng tìm được cách trả thù đích đáng cho nó có đi có lại. Suốt một tuần lễ sau đó, ngày nào xếp hàng vào lởp, tôi cũng tìm cách đứng sau Oanh, nhưng không lại với những đứa khác. Dù đám con trai mới bằng hạt mít đi nữa, nhưng đã rất thích, rất quý trọng, tìm cách đứng gần đứa bạn gái xinh đẹp. Cuối cùng, tôi đã tìm được cách đứng sát sau Oanh để tìm cách trả thù. Tôi lừa lừa giơ thẳng bàn chân đầy đất cát, đạp hết ga xuống mu bàn chân của đứa con gái sáu tuổi. Thắng lợi rồi, thù đã trả xong, tôi hí hửng đứng nhìn Oanh mếu máo khóc. Chắc là con bé đau lắm, khóc rên rỉ mãi. Nó quay lại vừa chùi nước mắt vừa bảo tôi: Đồ ác, què chân người ta rồi này. Trời ơi, nhìn gương mặt con bé lúc đó, sao tôi thấy nó đẹp làm vậy, dễ thương làm vậy. Những giọt nước mắt của nó làm tôi tan nát cõi lòng. Chính là tôi đau đớn quặn thắt chứ không phải nó. Quả là tôi ác với nó quá. Tôi muốn quỳ xuống đắt, nâng bàn chân bé bỏng của Oanh lên mà vuốt ve, xoa nan cho hết cơn đau. Nếu chỉ có hai đứa chắc tôi đã quỳ xuống thật. Nhưng trước đám đông, dù sao tôi cũng tự ái.
Oanh ngồi xuống lấy tay xoa bàn chân đau. Đoạn nó đứng lên, mắt còn ngấn nước, bảo tôi: Đền chân cho tao đi. Tôi buột miệng trả lời: ừ, tao đền. Tôi nhìn như muốn nuốt sống Oanh vào đôi mắt ốc nhồi của mình. Bao nhiêu thù hận của tôi với Oanh từ trước đến giờ, bỗng rơi mất hết, chỉ còn toàn thương cảm. Có nỗi gì lâng lâng từ gan ruột dâng lên nghẹn lấy họng tôi, khiến tôi trở thành câm điếc. Chắc con bé đã hết đau, lấy tay áo vá quệt nước mắt rồi đứng lên theo hàng vào lớp. Tôi cúi xuống trộm ngam bàn chân phải của Oanh, nơi tôi vừa đạp thẳng cánh với tất cả sức vũ phu trâu bò của đứa con trai bảy tuổi. Bàn chân ấy hơi ửng đỏ lên như đôi má lúc xấu hổ vậy. Oanh bảo tôi phải đền chân cho nó. Nếu Oanh cần bàn chân của tôi, giá có thể chặt được tặng nó tôi cũng vui lòng. Dường như giây phút ấy đã ảnh hưởng còn toàn bộ ý nghĩa cuộc đời tôi. Tôi đã mắc nợ Oanh bàn chân để suốt đời phải trả. Sau này lớn lên, khi có tình yêu, tôi mới hay rằng trong hành trình trần thế, con người ta luôn luôn được đi bằng đôi chân của một người nào đó như là mẹ ta, bạn bè ta hay người con gái ta yêu. Bữa đó vào lớp học, việc đầu tiên là tôi phải tự trừng phạt bản thân mình. Hừ, sao mày dám đạp lên bàn chân của Oanh một cách ác độc như vậy hả? Tôi dùng bàn chân trái tự đạp thật mạnh vào bàn chân phải của mình cả chục cái, đau ứa cả nước mắt. Làm như vậy, tôi thấy an lòng hơn. Tôi đã tự mình trả thù cho Oanh theo kiểu như vậy đó.
Cũng lạ, từ ngày đó, Oanh không bao giờ gọi tôi là thằng Húng chó ăn ruồi nữa. Tôi nghĩ chắc con bé sợ cú đạp chân trời giăng kia. Rằng đừng chọc cái thằng quỷ sứ ăn ruồi ấy, có ngày nát chân, lấy gì để đi học, đi chơi. Oanh giận tôi đúng một năm, không thèm nhìn, không thèm nói chuyện, dù tôi đã xuống nước đến mức ê mặt. Bấy giờ chúng tôi đã lên lớp một. Nhà hai đứa gần nhau, cùng đi một đường, nhưng cô bé không bao giờ chịu đi chung với tôi.
Một lần đi học về, tôi đi trước chờ Oanh ở ngã ba cây thị. Chả là cách đây mấy tiếng đồng hồ, không hiểu sao Oanh đánh nhau với hai con bé trong lớp giờ ra chơi, nếu không có tôi xông vào bênh, chắc là con bé đã bị cào mặt, bị giật hết tóc tới mức trọc đầu, vì hai con quạ con kia dữ dằn quá. Vì vậy, sau lần lập công chuộc tội, tôi đã có cớ làm lành với Oanh. Thấy tôi đứng chờ, Oanh có vẻ cảm động. Nó ngồi xuống vệ cỏ, quay mặt ra con mương, tay bứt cọng cỏ chỉ đưa lên miệng nhấm. Tôi liều mạng, gần như nín thở, dịu dàng tới sát con bé gọi:
- Oanh ơi.
Oanh vẫn tỉnh bơ, không thèm nhìn tôi, ngúng ngoẳng:
- Không ai thèm thưa đâu mà gọi.
Tôi biết sau hơn một năm, cô bé con này vẫn còn tức tôi.
Tôi hỏi tiếp:
- Chắc cậu giận tớ năm ngoái đạp vào chân chứ gì?
Oanh cộc lốc:
- Không thèm.
Tôi hạ mình xuống tới mức, có thể biến thành con chó con ngay bây giờ:
- Húng xin lỗi Oanh.
Oanh nhìn tôi, hai mắt tròn xoe, cười:
- Đừng có xin, tớ không cho đâu.
Tôi chợt thấy cần phải làm một hành động gì ghê gớm, để chứng tỏ sự chân thành hối cải của mình. Tôi bèn nhặt ngay một cái vỏ ốc biêu vỡ bên cạnh, bảo Oanh:
- Oanh hãy nhìn tớ trừng phạt cái bàn chân gây ra tội lỗi này.
Không hiểu lúc đó ông trời vì sao lại phú cho thằng lỏi con là tôi một sức mạnh lạ lùng đến thế. Tôi liều mạng, nghiến răng, dùng cái cạnh sắc nhất của vỏ ốc vỡ, rạch một cái thật mạnh vào bàn chân phải của mình, cái bàn chân năm ngoái đã đạp vào chân Oanh để gây ra mối thù suốt hơn một năm nay. Mọi việc xảy ra trong nháy mắt trước cái nhìn kinh ngạc của Oanh. Sau này, nhìn lại hành động rất Chí Phèo ấy, tôi vẫn chưa thể lý giải nổi. Phải chi cái dũng khí này theo tôi cho đến giờ, chắc chắn cuộc đời tôi đã không kết thúc đau buồn và vô nghĩa như thế. Cho hay, cuộc đời ta thành hay bại, tốt hay xấu, nhiều khi lại do những tác động của người con gái nào đó...
Thấy tôi rạch chân mình chảy máu, để trả thù cho Oanh thì ít, mà để cô bé mủi lòng thương hại thì nhiều, Oanh sợ quá, khóc ầm lên. Xong, cô xé một tờ giấy trắng trong quyển vở học của mình ra băng bó bàn chân cho tôi, nhưng máu vẫn chảy. Vậy là, cuối cùng hai đứa, tôi tám tuổi và Oanh bảy tuổi, đã ngây thơ cào đất bột trên đường để đắp vào vết thương. Do chiến thắng lừng lẫy của cú ăn vạ rạch chân ấy, hai đứa tôi chơi lại với nhau từ đó. Lớn lên, chúng tôi đều được gia đình gởi lên tỉnh học hết đệ nhị rồi đệ tam cấp. Nhớ hồi mẹ tôi cùng với mẹ Oanh dẫn chúng tôi lên tỉnh tìm nhà trọ học. Lần đầu tiên, hai đứa bé nhà quê mới thấy thành phố, thấy điện, thấy nước máy. Việc đầu tiên của hai bà mẹ là tìm mua cho chúng tôi mỗi đứa một đôi guốc, chứ lên thành phố ai lại đi chân đất như ở nhà quê, người ta sẽ chả khinh cho bằng rác ấy. Lần đầu tiên đi guốc đối với chúng tôi thật là cực hình. Lúc đau quai guốc làm bàn chân chúng tôi bị lột da rồi rớm máu.
Đi được vài đường phố, hai chúng tôi đành phải xách guốc, vừa đi vừa nhìn chân y hệt hai quân ngố rừng. Thấy hàng bán kem que, hai bà mẹ mua cho chúng tôi mỗi đứa hai cây ăn cho biết. Mặc dù từ bé đến giờ đã biết kem kiếc là cái quái gì đâu, bèn ra vẻ ta đây trước mặt Oanh, cầm que kem cắn cái rụp. Trời ơi, hai hàm răng tôi tưởng rụng hết, buốt đến váng óc. Tôi phải nhăn mặt nhổ hết kem ngậm trong miệng ra đường, kêu nóng quá, nóng quá. Đoạn, tôi cầm que kem còn lại thổi phù phù cho nguội. Mẹ tôi cười quá. Oanh cũng cười theo. Cô bé vẫn chưa chịu ăn cái của lạ này, chờ xem cái đã. Mẹ Oanh bảo tôi: Kem lạnh chứ không phải nóng đâu cháu ạ. Lúc đầu bác ăn kem cũng vậy, cứ tưởng nó nóng đến bỏng mồm bỏng miệng, ai ngờ nó lại lạnh buốt đến mức ấy.
Tôi quê quá, đỏ mặt. Mười ba tuổi rồi mới cầm que kem, đã không biết thì hỏi người ta, lại hay làm ra bộ ta đây sành sỏi, rõ cái thằng không biết ngượng. Tôi tự rủa mình: cái đồ chỉ được nước giỏi ăn ruồi thôi. Trong làng năm ấy chỉ có tôi và Oanh được lên tỉnh học. Số là ba năm trước, bố tôi phất lên được nhờ đi vô tận xứ Mèo, mua được hàng trăm cái mật gấu với giá rẻ, đưa về tỉnh bán lời quá. Từ đó, bố tôi có vốn khá, buôn bán phát đạt, số cho ông được giàu. Ông bèn mua cả chục mẫu ruộng, cho người ta phát canh thu tô. Thoắt một cái, gia đình bố mẹ tôi đang từ chó nhảy lên voi. Gia đình Oanh số trời cũng ủng hộ. Lò rèn của bác phó Lãm, bố của Oanh suốt ngày đêm phì phà phì phò như voi thở, bếp than rực hồng và tiếng búa đe chí cha chí chát. Bác phó Lãm thuê cả chục người thợ, cung cấp dao cuốc, búa liềm cho khắp cả vùng quê rộng lớn.
Thằng Lê Xuân Tỏi cũng học trên tỉnh, hơn chúng tôi hai lớp Lúc tôi gặp Tỏi trên trường, cậu ta đã mười lăm tuổi gần như một chàng trai tỉnh thành đi xăng-đan, quần tây xanh, sơ mi trang bỏ trong quần, đầu chải rẽ đôi bóng mượt, nhìn chúng tôi cười cười vẻ chế giễu. Cuối năm 1944, tôi không gặp Tỏi trong trường nữa. Việc Tỏi và một số bạn khác bị đuổi học làm xôn xao anh chị em chúng tôi. Có người đồn vì Tỏi chủ mưu hại hai bà giáo người Pháp dữ như hai con cọp cái, tính cực đoan, hay chưởi dân An nam mít dốt đặc, tuổi đã lớn nhưng chưa có chồng. Nghe đâu Tỏi đã dắt theo hai trò khác lẻn vào chỗ phơi đồ của hai bà giáo bí mật xát ớt, loại ớt hiểm chỉ thiên cay nhất thế giới vào hai cái coọc-xê của hai bà giáo, khiến suốt một tuần hai bà giáo phải nghỉ vào bệnh viện điều trị. Một số đứa thề là đã nhìn thấy hai nạn nhân này, với hai cặp vú sưng to gần bằng bốn quả đồi. Nhưng có nguồn tin nói Tỏi vào hội kín bị đuổi học. Sau này tôi mới biết Tỏi bị cảnh binh Nhật truy lùng khắp nơi. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, tôi mới biết Tỏi đã hoạt động Việt Minh từ đó.
Khi tới tuổi mười lăm, tôi bỗng nhiên trở thành một người khác; hiền lành, ít nói, thậm chí còn có vẻ e lệ nữa là đằng khác. Tôi đã cao lớn, ra dáng một trang nam nhi. Sau bao nhiêu lần nì nèo, xin xỏ, bố tôi đã cho phép tôi đổi tên từ Trần Húng sang thành Trần Hưng. Chỉ cần bỏ đi dấu sắc, thêm cái dấu ư là tôi đã từ thằng Húng chó ăn ruồi nghịch ngợm thành ra một thằng Hưng rồi nghe cuộc đời. Cứ vài ba tháng, tôi lại từ tỉnh về làng xin tiền bạc hoặc để thăm gia đình bà con. Ai gặp tôi cũng ngó, không sao nhận ra cái thằng ngày xưa ăn ruồi nữa. Chả bù cho ngày nào vì thằng Húng chó thù ông Giáp Lộng không cho câu cá, đã lẻn vào bè sạch cam non trên ba cây cam sành nhà ông, tuyệt nhiên không lấy một quả, mà xếp tất cả cam dưới gốc cho ông già biết tay. Húng chó từng rình cho đám trẻ chăn trâu mười ba mười bốn tuổi nhảy sông tắm truồng, mê trò chơi lấy bùa sơn cùng người làm quỷ, bỏ mặc đống quần áo hôi như cú trên bờ. Vậy là Húng chó lẻn tới theo kiểu lính đặc công, ôm cả mớ áo quần ấy giấu tít lên ngọn cây bàng, khiến các cu cậu phải ngâm mình dưới sông chờ tối mới dám mò về nhà. Húng chó tổ chức đám trẻ con vào chùa ăn cắp tượng Phật, lấy bẹ chuổi đóng quan tài đặt tượng, kéo nhau đi như kiến làm đám ma. Húng chó bắt rắn nước buộc vào đuôi chú bê nhà ông Thả, khiến đứa con gái út nhà ông khi gọi bê về chuồng, nhìn thấy sợ quá ngất xỉu. Húng chó giấu cây gậy vạn năng của ông Y, bõ nhà thờ, còn rình bên gốc cây gạo lúc chập tối, giả làm ma dọa ông già bảy mươi, khiến cụ vắt giò lên cổ chạy thục mạng, té đái ra quần. Húng chó bỏ hàng chục trái ké ngựa giấu trong túi áo, rồi thừa cơ xoa lên đầu bọn con gái, khiến chúng phải mệt công lắm mới gỡ nổi trái ké kia ra khỏi tóc. Trời ơi, chuyện nghịch phá của Húng chó tôi có kể thâu đêm suốt sáng cũng không hết. Đến nỗi bất kỳ vẻ nghịch ngợm của bất cứ đứa nào trong làng, người ta đều đổ tội cho nó. Thành ra, tôi bị tiếng oan nhiều lắm, bị đánh chửi nhiều mà nghịch chẳng bao nhiêu.
Thậm chí nhớ hồi lên tỉnh học rồi, về quê chơi, gặp dịp thuận lợi, tôi vẫn còn nghịch. ấy là lần đi qua sân nhà ông Khoản, thấy đang phơi tượng ông thánh An-rê bằng gỗ mít với nước sơn tuyệt đẹp. Chắc là chủ nhân mang ngài xuống để lau chùi sạch bụi, lại để đầu ngài một nơi, thân ngài một nẻo. Thấy vậy không hiểu ma quỷ cám dỗ làm sao, trông trước trông sau không thấy ai, tôi bèn thó ngay cái đầu ông thánh bỏ vào túi, chuồn mất. Tôi công phu quành xuống chùa ông Lý Đào, bỏ đầu thánh An-rê vào chiếc bát nhang trước tượng Phật Thích Ca. Ông Khoản thấy đầu vị thánh thiêng liêng không cánh mà bay, bèn quỳ xuống làm dấu đọc kinh líu cả lưỡi, đấm ngực mình thùm thụp, tuyên bố là đầu ngài đã bay lên trời, khiến cả làng kéo tới khấn vái om sòm. Chủ nhân bê vị thánh cụt đầu đặt lên bàn thờ, sợ một phép, đi ra lạy, đi vào vái, rồi mời bà con có đạo trong làng đến đọc kinh tập thể hàng mấy chục đêm. Tín đồn nhà ông Khoản có phép lạ bay đi khắp vùng. Người ta ở khắp nơi kéo nhau đến nhà ông Khoản, khấn khứa vị thánh cụt đầu đến độ chen nhau bẹp ruột. Cha xứ bèn nghĩ ra cái kế làm thùng đựng tiền để bà con bổn đạo đóng góp cung phụng thánh An-rê. Nghe nói tiền ấy thu được khá nhiều, nhà thờ và chủ nhân chia nhau. Sau này, một lần thắp hương trước tượng Phật, ông sư ấm chùa Lý Đào thấy tượng đầu ông Tây bằng gỗ, râu ria tùm lum, mắt nhìn không chớp, hoảng hồn la làng. Khi định thần lại, sư ấm kéo cả vãi, cả tiểu vào chùa quỳ xuống lạy đầu ông Tây như lạy tà, làm cả tuần cúng bái. Người xóm đạo nghe tin, tới coi biết ngay là đầu thánh An-rê nhà ông Khoản, bèn nói ngài bay vào chùa giảng đạo cho Phật Thích Ca nghe. Ông Khoản, cha xứ kéo cả họ đạo tới chùa, mang kiệu, xin sư ấm cho rước đầu ngài về, nhập lại với thân đứng bơ vơ suốt mấy tháng không đầu. Đám rước đầu ông thánh đạo có cả sư ấm chap tay đi theo, với tiếng cha cố hát tiếng Latinh, tiếng con chiên đọc kinh vang cả góc trời.
Ngay bố mẹ tôi còn kinh ngạc vì sự thay đổi tính nết của tôi, huống nữa người ngoài. Từ một đứa trẻ quá quất và oái oăm đó, bỗng nhiên tôi lành như con búp bê, dễ thương và đứng đắn đến độ người làng còn phải nghi ngờ, cảnh giác. Tất nhiên, có nhiều yếu tố làm thay đổi tâm tính tôi. Nhưng cái tác động mạnh nhất, điều cải hóa tôi hữu hiệu nhất chính là Oanh, người bạn gái cùng xóm, cùng học một trường từ thuở tấm bé. Khi Oanh sang tuổi mười bốn, mái tóc nàng bỗng dài kỳ lạ, đen óng ả có thể soi gương được. Môi Oanh chưa hề đánh son mà lúc nào cũng đỏ cháy như màu hoa lựu. Má nàng ửng hồng, cặp mắt lúc nào cũng ươn ướt, lấp lánh, sâu hút còn hơn cả một đời người. Oanh có một chiếc răng khểnh mà thiếu nó, cô có thể mất đi hơn một nửa cái duyên ngầm. Nhiều khi tôi trộm nghĩ một cách dông dài rằng, nhờ chiếc răng khểnh ấy của nàng, mà tôi còn có chỗ bám víu, để vịn vào, không phải trôi tuột đi trong cái cõi đời như trò chơi leo cột mỡ này. Đôi môi Oanh mỏng nhưng lạ là cô rất ít nói. Từ khi sang tuổi mười ba, tôi đã thấy Oanh toàn nói bằng mắt. Dường như mỗi tia nhìn của Oanh là một tín hiệu, tôi đã học được bằng một phương pháp đặc biệt của linh cảm, không cần qua cái miệng phiên dịch. Sống mũi Oanh cao nhưng hơi ngắn, có người đoán rời sau này sẽ khổ vì tình. Oanh càng lớn càng đẹp, một vẻ đẹp hiền hậu, thùy mị của một thôn nữ biết kết hợp với nét đẹp sắc sảo, nhạy cảm của cô gái thị thành. Đến đây, chả giấu gì các bạn, tôi xin khai thật là mình đã yêu Oanh không biết tự khi nào. Tình yêu biến cải con người hơn mọi phép lạ. Tmh yêu chính là động lực sống của tôi suốt tuổi thơ đến tuổi trưởng thành. Hồi còn thiếu nhi, chúng tôi kêu nhau lúc mày tao, lúc cậu tớ, lúc Oanh Oanh Húng Húng.
Đến khi sang tuổi thanh niên, xưng hô với nhau là gì cũng thật ngượng ngùng. Chúng tôi bèn cứ gọi trống không cho tiện rằng có cuốn truyện mới của Nguyễn Công Hoan hay lắm gởi cho để đọc đây. Hoặc sáng mai nghỉ học về quê, có đi không? Hay mẹ gởi lên cho ít trái na, ăn đi...
Tuổi mười bảy mười sáu ngày xưa sao đẹp vậy. Hai đứa ngồi bên nhau trên băng ghế chiếc ca-nô đang thả xuôi dòng, đã từng quen thân nhau từ hồi mới tập đi, vậy mà vẫn không dám ngồi sát vào nhau, vẫn để một kẽ hở đủ con mèo chui lọt. Chỉ còn khi hành khách chen nhau, đẩy hai đứa sát vào nhau khiến nàng dúm người lại như phải bỏng. Oanh mặc quần lụa đen, áo cánh trắng, tóc kẹp đuôi gà, hai tay ôm cặp sách để trong lòng, má đỏ ửng, mắt ngó lơ cửa sổ con tàu. Tôi ngồi cạnh nàng, nửa phần sung sướng hồi hộp, nửa phần ngây ngô, nghiêm trang, mắt lúc nào cũng nhìn thẳng, đến mỏi cả cổ cũng không dám quay ngang quay ngửa. Nếu lúc bấy giờ người quen gặp chúng tôi, chắc chắc đoán hai đứa giận nhau, vì cô ngoảnh đi đàng cô, cậu ngoảnh đi đàng cậu. Trên dòng sông quê hương, chúng tôi đã cùng lên xuống bao lần. Những làng xóm bên sông với mái rạ màu đất, tháp chuông nhà thờ cao, khóm tre gù lưng kẽo kẹt. Tháng sáu vào hè, chúng tôi ra bờ lúa ngắm trăng buổi tối. Hai đứa cứ tần ngần như khách lạ. Chỉ có trăng, có gió, có hương lúa biết chúng tôi nghĩ gì. Đối với tôi suốt thời ấy, mọi hình ảnh chính là Oanh hóa thân và ngược lại.
Cách mạng tháng Tám năm 1945, tất cả học sinh chúng tôi đều tham gia đoàn biểu tình lao vào tòa thị chính, cướp chính quyền từ tay Nhật Pháp. Rồi giặc Pháp chiếm lại thành phố quê hương. Tôi chưa kịp lấy bằng tú tài đã theo đoàn vệ quốc lên chiến khu chống Pháp. Tôi mặc quân phục lính vệ quốc quân, áo trấn thủ, mũ calô, đi giày đinh lộp cộp, vai khoác súng trường đến tìm Oanh chia tay trong tiếng đại bác ban ầm trời. Oanh trọ học trong một nhà bà con tại khu phố nhỏ. Lúc ấy tối rồi, trời rét như cắt, trăng non lờ nhờ trong sương, phố xá không ánh điện. Thấy tôi đến, Oanh hớt hải chạy ra liền. Nàng mặc một chiếc áo len mỏng, cổ quàng khăn vuông màu tím, quần lụa Hà Đông, kéo chiếc guốc lộc cộc hỏi trong hơi thở:
- Anh đi hả?
Tôi trả lời cộc lốc:
- Đi! Oanh nhìn đó, súng ống đạn dược đủ cả.
Chính ra, lúc ấy, tôi cần phải ôm lấy nàng, để suốt đời không bị cái buổi tối buốt giá tháng mười hai ấy theo ám ảnh giày vò mãi.
Không hiểu vì rét hay xúc động, tôi thấy Oanh run lập cập.
Tôi đứng sát vào Oanh bên cạnh cái cột điện gãy như kẻ chết đói, nói rất nhanh, hổn hển:
- Tạm biệt em.
Nói xong, tôi run bắn lên, như thể cục cao su bật ra khỏi chỗ đứng. ấy là lần đầu tiên tôi kêu nàng bằng em một cách nghiêm chỉnh và trang trọng như không khí của những ngày tháng ấy.
Oanh nói như khóc trong tiếng gió bấc:
- Nhớ viết thư cho em.
Vừa nói Oanh vừa cầm tay tôi như nâng đỡ một đứa bé.
Bàn tay nàng ấm áp như con chim trốn tuyết của Pôn Galucô tôi vừa đọc, đã đậu vào tay tôi.
Trong đêm tối của chiến tranh và giá rét, tôi nắm chặt lấy tay nàng, cúi xuống hôn ngấu nghiến vào từng ngón tay búp măng tuyệt đẹp, rồi bỏ chạy như thể một kẻ chết đói cướp để ăn. Tôi nghe tiếng Oanh chạy đuổi theo sau lưng một đoạn mới chịu dừng lại, để nhòa vào bóng tối của đêm tháng chạp biệt ly rét đến nỗi, những thanh sắt bên đường han rỉ cũng phải quằn quại lên, cong queo lên.
Chạy đến đầu phố, tôi ngoái lại, chìa tay ra vẫy, nhưng chỉ có những tiếng nổ ghê rợn của đạn đại bác, đạn moọc-chê của quân Pháp vạch tửng đường đỏ lừ như máu từ phía sông ban vào thành phố đáp lại.
Ly Thân Ly Thân - Trần Mạnh Hảo Ly Thân