The mere brute pleasure of reading - the sort of pleasure a cow must have in grazing.

Lord Chesterfield

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 339 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
on người ta tưởng vậy chứ không dễ mỗi lúc đã gọi được ra cho đúng về nhau. Như anh Mai Ngữ đấy, nhà văn Mai Ngữ, quen biết nhau đã có trên bốn chục năm nay, vậy mà đến lúc muốn viết về anh lấy dăm ba trang thì thật khó. Không phải bởi anh nhạt, càng không phải vì chưa hiểu anh, vậy là làm sao, là thế nào?
Anh Mai Ngữ sinh 1928, năm Mậu Thìn, tuổi rồng rõ rồi còn gì. Trong mười hai con giáp, có nhẽ chỉ có con rồng được người đời kiêng nể nhất. Đến các bậc đế vương còn tự ví mình là rồng thì chả còn gì phải bàn nữa. Nhưng cũng thì là rồng! Có con lẩn trên chín tầng mây, ẩn ẩn hiện hiện, lúc vẫy vùng ngoài bể Nam bể Bắc, lúc lặn sâu trong uyên trong vực, đó là rồng vàng. Lại có loài nằm khoanh trong chuôm trong ao, từ đầu đến đuôi đều trơn tuột. vây móng còn chẳng thấy nói gì đến bay lượn vẫy vùng, đích thị nó là rồng đất.
Có một lần vui chuyện tôi hỏi anh Mai Ngữ vậy anh xem mình là rồng gì ở đời. Anh đưa mắt nhìn xéo sang tôi đầy khinh khi, rồi thủng thẳng nói mình là thứ rồng đất kể gì. Liệu có phải vì vốn là một người khiêm nhường mà anh đã trả lời tôi như vậy không? Tôi cho là hôm ấy anh đã nói rất thành thật, anh thành thật với cả bản thân mình vì anh vốn biết mình, tin ở mình.
Chưa bao giờ tôi thấy anh Mai Ngữ nói to hay nói dài. Trong cuộc họp hoặc ở chỗ trà thuốc dăm ba anh em, anh đều vẫn chỉ có một giọng ấy, nói nhát gừng, nhiều khi lừng khà lừng khừng nghe rất khó chịu. Chừng mực, vừa phải, buồn buồn quanh năm rầu rầu cả nghĩ đó là anh.
Sống giữa một tập thể toàn những người xuất chúng, tài năng tiếng tăm trùm thiên hạ, Mai Ngữ lúc nào cũng chỉ là một người bình thường. Dù là một người bình thường thì anh vẫn có sự tỉnh táo lịch lãm của riêng mình, và anh tự hiểu từ rất sớm mình chưa bao giờ là một người quan trọng. Mà anh cũng chẳng dám có mong ước được là một người như thế. Anh bình thản sống, nhã nhặn, sống và dẻo dai sống, sống như hết thảy mọi người đã sống trong nhiều năm tháng qua.
Mai Ngữ nhập ngũ đầu 1947, vào trung đoàn 42, đại đoàn 32o, gọi là đại đoàn Đồng Bằng. Vào Đảng 1950, suốt đời là một Đảng viên nhưng chưa một lần vinh dự tham gia cấp uỷ, ngay chức tổ trưởng tổ Đảng cũng không đến lượt. Tới 1952, có báo Chiến sĩ khu 3 anh được điều lên làm báo, sang 1954 được điều về báo Quân đội Nhân dân, 1956 sau khi dự trại viết toàn quân chuyển sang Tạp chí Văn nghệ quân đội. Đến dịp phong quân hàm anh cũng có tên trong danh sách, là thượng uý, chưa kịp đeo quân hàm thì lại chuyển ngành ra phòng biên kịch Xưởng phim tổng hợp Trung ương, đó là năm 1959, dạo đó cả nước cũng chỉ mới có một xưởng phim ấy mà thôi. Ở đó được vài ba năm, lại chuyện về giữ chân biên tập viên Nhà xuất bản Văn học, ngày ngày ngồi ngập giữa những chồng bản thảo, bên cạnh là các ông Hà Minh Tuân, Bùi Hiển, Kim Lân, Quang Dũng, Nguyễn Thế Phương...
Đến 1966, do yêu cầu trước tình hình mới, Mai Ngữ một lần nữa lại được gọi vào quân đội, làm biên tập viên Tạp chí Văn nghệ quân đội, nhận lương chuyên viên, nghĩa là không cần đeo quân hàm.
Tôi gặp anh Mai Ngữ lần đầu là vào cuối 1963, trong một cuộc gặp mặt cuối năm với các bạn viết do tạp chí tổ chức. Anh Mai Ngữ và tôi đều được mời tới đó. Giữa đám đông quân hàm quân hiệu lấp lánh có một ông nom già chẳng ra già mà trẻ cũng không ra trẻ, ông ta khoác một chiếc áo bông xanh nom càng lụ khụ, lại thêm mùi dầu cù là từ chiếc áo ấy toả ra dữ dội khiến tôi không thể không chào anh. Hình như anh đã biết tôi là ai rồi cho nên vừa bắt tay tôi anh vừa tự giới thiệu: “Mình là Mai Ngữ”. Ôi giời, anh Mai Ngữ. Tác giả Tiếng bom Ngô Mây, tác giả Câu chuyện quê hương, tác giả Đất nước. Tiếng bom Ngô Mây là một truyện vừa viết về anh hùng liệt sĩ Ngô Mây, người đã ôm bom lao vào quân thù trong một trận đánh phục kích ở Nam Trung bộ. Câu chuyện quê hương là kịch bản văn học của một bộ phim truyện dài khoảng sáu cuốn, đây là chuyện kể bằng hình ảnh cuộc sống nông thôn miền Bắc trong công cuộc hợp tác hoá.
Điểm lạ trong kịch bản này là ở chỗ tuy là một phim truyện nhưng lại không hề có nhân vật chính, tất cả đều là nhân vật phụ. Có thể nói luôn đây là một kiểu tìm tòi ít thành công của tác giả và đo đó bộ phim đã bị chết yểu ngay sau khi nó ra đời.
Đúng ra mà nói thì Đất nước mới là tập truyện vững vàng của Mai Ngữ. Đến Đất nước, Mai Ngữ đã khẳng định được vị trí của mình trong nền văn học nước nhà. Có hai truyện in trong tập ấy đã có thể xem là đạt tới mực chuẩn trong bút pháp Mai Ngữ, đó là truyện Đất nước và truyện Nhàn.
Về sau này, đến những năm 90 của thế kỷ vừa qua, đứng trước những đổi thay lớn của đất nước cũng như của cả nhân loại với sự nhạy cảm đặc biệt của mình, Mai Ngữ đã viết một loạt bài in thành hai tập Chuyện thật như đùa và Chuyện đùa như thật. Thêm một lần nữa, cùng với Đất nước, Mai Ngữ đã mang đến cho người đọc những trang văn được viết bằng một tình yêu và một tình thần trách nhiệm lớn. Đó là những trang văn khiến người đọc cười trong nước mắt trước những hiện trạng xã hội đang diễn ra quanh ta, đó là những trang văn mang sức mạnh cảnh báo, mang tính dự báo cao, những trạng văn rất chân thật và rất giàu tinh thẩn xây dựng, khiến mỗi chúng ta càng thêm tin yêu anh, và càng trân trọng những sáng tạo mà anh đã mang đến cho văn học.
Cũng như trong cuộc sống thường nhật, Mai Ngữ đã đi giữa những cơn giống bão của lịch sử bằng những bước đi bền bỉ ý chí. chân cứng đá mềm. Trong công việc của một nhà văn, Mai Ngữ cũng đã lần lượt vượt lên không biết bao nhiêu thử thách, anh đã kíp để lại cho chúng ta những ấn tượng mạnh, những kỷ niệm mình nhiều cảm động về một cây bút văn xuôi khiếm nhường mà lại từng trải, cốt cách.
Có một dạo chúng ta thường dễ xúc động trước những thành tựu đầu tiên, những công trình đầu tiên, những đứa con đầu tiên của nền công nghiệp non trẻ của cách mạng. Chẳng hạn nhà máy phân đạm đầu tiên, đập thuỷ điện đầu tiên, chuyến tàu đầu tiên rời cảng, mẻ than đầu tiên ra lò, rồi khu gang thép đầu tiên với mẻ thép đầu tiên... vân vân và vân vân. Bản thân tôi mỗi lần nghe thấy thế cũng hừng hực khua chân múa như thằng sắp lên đồng. Anh Khải cởi trần chắp tay sau đít đi lại trong căn phòng chật hẹp của mình mà trầm ngâm nghĩ ngợi như một nhà minh triết, anh Châu thổi khói thuốc lào lên trời mù mịt. Chỉ có anh Ngữ và anh Nguyễn Thành Long là im lặng ngồi co ro mỗi người một góc, không dám tham gia ý kiến vì thấy không khí có phần nóng bỏng quá.
Rồi chờ đến một lúc thay tình hình như đã mềm xuống, anh Long nói, bước vào học làm công nghiệp mới thấy có một nước Nhật là rất hiếm, không dễ mấy ai đã có đầy đủ bản lĩnh khôn ngoan như dân tộc đó.
Anh Ngữ nói, làm gì thì làm, đã là chuyện kinh tế tất phải xem có lãi hay không. Làm ăn mà bất chấp lỗ lãi trước sau cũng thành trò cười, kết cục sẽ là một đống rác thải công nghiệp vĩ đại và các dòng sông chắc chắn sẽ ngộ bẩn ngộ độc mà chết dần chết mòn mất thôi. Tôi nhớ đó là những mùa đông đã rất xa. Hà Nội vắng. Thành phố phấp phỏng trong báo động, bom nổ lúc như sấm, như sét, lúc lùm bùm như ai gõ trống ngũ liên. Những chao đèn treo lơ lửng ở các ngã ba, ngã tư đường bỗng tự dưng bật sáng vào giữa trưa nhưng suốt đêm lại tối om om. Tôi yêu cái ngôi nhà Tạp chí ở đường Lý Nam Đế và ngôi nhà có mảnh sân nho trong ngõ Dã Tượng mà gia đình anh Long đang sống. Đó là những nơi tôi thường lui tới để nghe hóng những câu chuyện của các anh và tôi hiểu nó chính là những buổi lên lớp cực kỳ tuyệt vời mà mình may mắn có được. Đối với tôi, cùng với trụ sở Hội nhà văn thì những nơi ấy chính là những địa chỉ mang ý nghĩa lịch sử trong đời mình. Nói đến những địa chỉ ấy đã có nghĩa là phải có các anh, rất nhiều các anh, nêu không có các anh thì nó có là cái quái gì. Trong rất nhiều các anh, chắc chắn với tôi phải có anh Mai Ngữ.
Lại một hôm tôi hỏi anh Nguyễn Minh Châu, vậy chứ cái ông Mai Ngữ nhà mình quê quán ở đâu, nom âm thầm nhút nhát thế chắc phải là con cái một ông hương sư ở một nẻo tí hút nào đó.
Anh Châu mở choàng mắt nhìn tôi một lúc lâu, rồi anh cười phá lên, cười và ho sặc sụa, ho không nói được. Lát sau anh giảng giải cho tôi nghe ngọn ngành về anh Ngữ.
Xấp chúng mình ở đây có vài ba anh kịp học tới Thành chung, còn thì đều nhì nhằng “cua suýt”. Anh Chính Hữu đã có tú tài toàn phần, anh Tứ Bích Hoàng còn trên nữa, đã từng là sinh viên trường thuốc. Mai Ngữ thì thế nào, Mai Ngữ cũng đã qua phần một tú tài, tiếng Pháp không buồn nói đấy thôi chứ ở đây anh ấy là người có nhiều sách Pháp nhất. Sức khoẻ anh Ngữ không tốt lắm, chân có tật bẩm sinh, khó đi xa, cho nên anh ấy về đây ngồi biên tập là gánh một công việc trong nhà giúp cho chúng mình rộng chân rộng tay mà tung tẩy đến các mặt trận.
Ngữ chịu đọc, am tường nhiều mặt, làm biên tập rất vững. Còn như anh ấy quê đâu, từ đâu ra thì tiện thể mình cũng nói riêng để ông biết. Cụ nội, ông nội anh ấy đều làm quan, cụ ngoại ông ngoại đều làm quan. Các cụ đều là những người đỗ đạt, đều làm quan tới chức Tổng đốc. Và đều được nhà vua ban hàm Thái tử Thiếu bảo Đông các Đại học sĩ. Tính ngược về trước nữa lại càng lắm phẩm tước lắm khoa bảng. Ông nội là cụ Mai Trung Cát - Tổng đốc Hải Dương chán lại sang Tổng đốc Bắc Ninh. Ông ngoại là cụ Nguyễn Khắc Vỹ, người gốc Hưng Yên, Tổng đốc Hà Nội thay cụ Hoàng Diệu, còn cụ ngoại nguyên là Tuần phủ châu Điện Biên thời Tự Đức, sau đó vào làm Bố chánh Sài Gòn - Gia Định.
Các cụ đều đã được quê hương đưa vào danh sách danh nhân. Đến thời ông thân sinh ra anh Mai Ngữ thì cùng với sự sa sút của Nho giáo nói chung, các gia đình quan lại An Nam mỗi nhà sa sút một cách. Ông cụ tuy cũng có học nhưng không thi cử gì nữa, lui về điền viên vui thú, kín cổng cao tường, thắp hương cúng giô, ra vào với vài ba bà vợ. Anh em nội ngoại vỡ ra tứ tung, người thành điền chủ, người đi du học, người thành công chức tầm tầm. Nhiều người qua lại Paris làm ăn, có nhà cửa bên đó, hoạ sĩ Mai Trung Thứ chính là chú ruột anh Ngữ. Tình cảnh này ông Nguyễn Bính lúc còn trẻ đã choảng mấy câu rất vui:
Mực tàu giấy bản là thôi,
Nước non không chọn những người áo xanh,
Vỡ duyên búi tóc củ hành,
Trường thi Nam Định hoá thành trường bay!
Nói tóm lại một câu Mai Ngữ là một cậu ấm. Trông bộ dạng còm ròm thế mà gớm, ăn mặc thì xuềnh xoàng như thằng ăn mày, lúc nào cũng bước thấp bước cao như đứa không nhà không cửa, nhưng hỏi ra rõ nhà là toà ngang dãy dọc, xưa kia ở đường Nguyễn Thái Học, ở đường Tràng Thi đều có cả. Thằng ấy thuở bé đi học là có xe nhà đưa đón, tao với mày gặp ở ngoài đường chớ có gọi, vô phúc thằng xe nhà cậu nó cho mấy cái đá đít thì hết viết văn.
Rồi anh Châu lại nhìn tôi mà buồn cười. Tôi ngồi ngẩn tò te nhìn anh rồi cũng cười Anh Châu bảo, thằng ấy lười bỏ mẹ, nó mà chịu khó ngồi viết tiểu thuyết hay hồi ký nhỉ, cứ lấy chuyện nhà mình ra mà viết thì Tào Tuyết Cần có sống lại cũng phải xem nó là bậc sư phụ.
Mấy hôm trước, nghĩa là thượng tuần tháng sáu, tôi đến thăm anh Mai Ngữ ở khu tập thể phố Ông Ích Khiêm. Anh Ngữ nằm bất động trên giường, chân tay chỉ còn là những cái que, bác sĩ Viện 108 nói xương cốt của anh đã mục hết rồi, xương người ta về già đều thế cả gọi là bệnh loãng xương. Chỉ có hai con mắt là vẫn còn sáng, vẫn còn đầy đủ tinh thần, giọng nói vẫn trong mặc dù nghe đã run rẩy. Tôi thấy chỗ đầu giường có để một số tạp chí Văn học nước ngoài mới ra, hỏi ai đọc cho anh nghe, anh nói là vợ đọc chứ còn ai vào đây.
Tôi chợt nghĩ, hoá ra suốt một đời anh Mai Ngữ gần như cũng chỉ quẩn quanh ở Hà Nội và mấy tỉnh đồng bằng sông Hồng là chính. Trong đời anh ngoài vài chuyến vào các tỉnh phía Nam thì chuyến đi xa nhất là cùng ông Kim Lân qua thăm Liên Xô hai tuần lễ. Nhưng chuyến đi đáng kể nhất của anh có lẽ lại là chuyến sang công tác Campuchia năm 1980, một chuyến đi gặt hái được nhiều kết quả, anh viết xong tiểu thuyết Trong tay Ăngka in ở Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân và được nước bạn trao tặng Huy chương Hữu nghị. Đến lúc nghỉ hưu là vừa tròn bảy mươi tuổi, năm chục năm sống quẩn quanh ở Tổng cục Chính trị, từ thời còn ông Nguyễn Chí Thanh, ra về với bậc lương ngang một đại tá nhưng không hiểu vì sao lại không được tính thâm niên ba mươi hai năm kể từ lúc có quyết định trở lại quân đội. Việc này từ các đồng chí lãnh đạo cho đến anh em trong cơ quan đều lắc đầu lấy làm tiếc. Năm mươi năm ấy không thể nói là ít tình nghĩa lưu luyến nhưng vấn đề nguyên tắc thủ tục giấy tờ ở nước ta chỗ nào cũng còn lắm lôi thôi. Đời như đùa như thật, thì chính anh từng nói thế. Riêng anh Mai Ngữ chỉ im lặng cười. Cũng dễ hiểu thôi, anh là một con rồng cơ mà. Con rồng đất cũng rất có thể còn là một con rồng ẩn. Cũng bình thường thôi, cũng xoàng xoàng vậy thôi, lam lũ mà sống vậy thôi, nhưng nó vẫn cứ là rồng. là không thể tầm thường là sống trọn một đời giản dị và luôn luôn biết giữ gìn, để không ai có thể khinh vào đâu được.
Đời anh Mai Ngữ là sự vượt lên trên chính mình, tìm lấy cho mình bước đi đường hoàng giữa nhân dân. Số phận một người chính là tính cách của người đó cộng với hoàn cảnh thời cuộc. Một cái tên người rất có thể đã mang trong nó nhiều tiên nghiệm: Khen cho các cụ nhà anh đã khéo chọn cho thằng cháu một cái tên vào ngày anh ra đời. Mai Ngữ là lời một cây mai. Là mai cốt cách tuyết tinh thần. Là gian nan mà cũng là kiêu hãnh. Hai mươi tuổi dám ra đi, từ chối sự nhàn tản đầy quẩn quanh bế tắc để tìm đến với một cuộc lên đường hùng vĩ của cả dân tộc. Một cuộc lên đường không mấy dễ dàng chóng vánh với một tương lai cơ chừng rất mong manh. Đó là một cuộc lựa chọn chỉ một lần trong đời, không bàn hơn thiệt được thua. Đó là phẩm chất đáng quý ở những người trọng danh dự, ở tất cả các anh, một thế hệ rường cột của thời đại mới đang đến. Sau mọi gian lao, cái mầm sống gan góc của một dòng tộc nhiều truyền thống đã trở thành một cây mai già biết thì thầm trò chuyện bằng những lời có mang buồn vui của những năm tháng giàu ý vị mà nó đã trải qua. Lão phố y nhiên tài vãn cúc, sóc phong vô thức đố cổ mai. Vườn xưa lác đác dăm ba bông cúc cuối mùa, cơn gió lạnh xiết thổi ấy là đánh thức cây mai già bừng dậy. Một người vợ trẻ vẽ đẹp và đảm đang, một đứa con trai vẽ đẹp và hiếu thảo, cô con gái cực dịu dàng và thông minh, đó chính là quà tặng lớn nhất mà cuộc đời công bằng sau tất cả đã mang đến cho anh.
Lời Mai Trò Chuyện - Đỗ Chu Lời Mai Trò Chuyện - Đỗ Chu - Sưu Tầm