A man may as well expect to grow stronger by always eating as wiser by always reading.

Jeremy Collier

 
 
 
 
 
Tác giả: Khế Iêm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 771 / 3
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Gặp Gỡ
ng già khuôn mặt vuông, râu tóc đã điểm bạc, kéo một hơi thuốc, nhấp một ngụm café, nhìn ra ngoài hiên vắng.
“Chúng ta mới chỉ là kẻ lưu vong nửa vời... Phải vài thế hệ sau, khi rêu rong được gạn lọc và nước trong nhập vào biển cả. Một thập kỷ trôi vèo mà kẻ lang thang chưa tìm ra điểm trọ.”
Chàng ngẫm nghĩ một lát:
“Cũng giống như cuộc đời tự lưu đày mình của thi sĩ. Tôi vẫn tự hỏi, không biết ngôn ngữ và truyền thống có liên hệ gì với ý thức lưu vong? Chúng ta có cần hủy bỏ tiếng nói để tìm kiếm một âm thanh khác? Và như thế sẽ tự đày đi rất xa... rất xa...”
Ông già lẩm bẩm:
“Hãy cố gắng làm nhẹ mình đi... Khi ý thức trở thành vô nghĩa...”
Mỗi âm thanh rơi xuống đang tự bôi xóa và chàng thấy ông già đang hoài công để phủ nhận mình. Sự sống mong manh, chẳng hề biến mất như khoảng khắc của một hơi thở. Mọi nẻo đường lại được mở ra, réo gọi bước chân tha hương. Triết lý nát vụn dưới bánh xe quay và con người với mớ ranh mãnh được học từ quá khứ vẫn thản nhiên tiếp nối nhau đến chỗ cuối cùng. Ông già nói, nói hoài hủy và bằng một ngôn ngữ chưa hề có, về dòng sông chẳng chảy đi đâu, những bông hoa ngộ nghĩnh được tưới bằng cả nước mắt lẫn nụ cười. Những bếp lửa cháy mãi ở một nơi không có mặt trời.
Chái nhà thấp, đồ đạc mập mờ. Căn phòng méo mó, không có hình dạng như một bố cục chông chênh của bức tranh chưa thành, còn bừa bộn những vệt màu tím than. Ông già quay lại:
“Bây giờ anh ra sao?
“Chung qui tôi vẫn ngồi đây.”
“Mọi thứ dần dần cũ đi. Phố xá đầy người mà không quen ai. Tôi có cảm tưởng như mình đang dẫm lên mảnh đất lạ. Gió mang một mùi vị khang khác. Anh không thấy hoa cũng đã đổi màu?”
“Thời tiết... Ông muốn ám chỉ nỗi hồ nghi?”
“Tôi chỉ tin vào cái thật có. Chúng ta cứ phiếm dụ mãi và coi nhẹ cái phong trần. Đó cũng là khởi đầu cho sự lầm lẫn... Mà này, lâu nay tôi mắc tật nói một mình, ngọng nghịu đầu Ngô mình Sở...”
Chàng trầm ngâm:
“Ta phải nói... hoặc là làm mất đi tình ý hoặc để nghiền nát ngôn từ. Trong đầu vốn dĩ đã chứa đầy những chuyện lộn xộn. Há miệng mắc quai, nhưng có hề gì... Cỏ hoa nào không là của trời đất.
Ông già lặng thinh. Nét mặt và cử chỉ chậm rãi, không thể hiện nỗi vui buồn. Đôi mắt úa héo, quanh co về một nơi không bình yên. Ông già đóng kịch để xóa đi dấu vết của chính mình. Cuộc giằng co không mệt mỏi làm mục ruỗng đời sống. Một trò chơi duy nhất với nấm mồ khi người ta chưa hiểu được cái chết.
Chàng đốt một điếu thuốc, khói tuôn rơi trên thềm nhà. Ông già mấp máy nói, âm thanh lạ hoắt, ngổn ngang những cội cành như tiếng kêu mắc kẹt trong hóc đá hiểm. Ông già mộng du, lang thang trong cõi chẳng phải của mình. Và chàng muốn gõ vào một thứ dĩ vãng trần trụi, nghe lại bài ca thời du mục để mang mang nhớ ra, ngày tháng có thật.
Ông già đưa những ngón tay khẳng khiu, vuốt mái tóc, mắt nheo lại:
“Tại sao anh đi?”
Chàng cảm thấy tê buốt như bị va bởi miểng đá nhọn. Tiếng nói đưa chàng về... Nơi góc phố hẩm, kẻ lữ khách chờ bước chân mình gõ trên lề đường vắng...
Chàng xót xa:
“Phải, tôi muốn nghe trái tim mình đập, nỗi xao xuyến của nhân sinh; và thử lột xác một lần nữa để hiểu hết ý nghĩa của sự tước bỏ. Chuyến phiêu lưu nào cũng đắt giá cả. Ông là người đã ném cái mộng của mình đi, còn tôi vẫn phải loay hoay trong dòng biến đổi. Tôi muốn hỏi, chẳng lẽ cái bấp bênh của lịch sử cũng không đáng bận tâm sao?
“Tôi như kẻ mục đồng. Anh uống nhằm rượu độc rồi.”
Ông già nhìn quanh. Căn nhà ọp ẹp, ẩn một chút sương ẩm, mang cái vẻ tạm bợ với những đường nét hư thực. Một chiếc giường kê ở góc cùng, khuất sau kệ sách. Ba chiếc ghế mây rải quanh chiếc bàn nhỏ chiếm hết mặt bằng của căn phòng, chỉ chừa được một lối đi ngắn, rộng không đầy nửa thước. Tường nhà cũ, nứt thành những lằn dài ngoằn ngoèo. Mái tôn móp méo, soi xuống những ô nắng lốm đốm. Chàng ném tàn thuốc ra khoảng sân hẹp, nghe hơi gió dấy lên...
Đột nhiên chàng có cảm giác bị cuốn đi bởi một lực hút kỳ dị. Mặt đất chao nghiêng, dợn sóng. Khay nước, trên bàn bay lên giá sách. Ông già cầm ly càfé buột tay rơi xuống. Những mảnh chai vỡ, tan vào dòng nước nâu nhạt, len lỏi qua bậc thềm, ra con ngõ rồi phủ lên toàn cảnh vật một màu xam xám. Cùng lúc chàng nhận ra, bức tường trong suốt. Ông già, đôi mắt lạc thần, trân trối. Những âm thanh rì rầm đâu đó như chuyển động của cơn lốc xoáy. Chàng đứng dây, lảo đảo và ngã nhoài trên đất.
o O o
Chàng tỉnh dậy. Đầu óc ngỡ ngàng về cuộc gặp gỡ bí hiểm. Chàng không thể quyết đoán được, đó là giấc mơ hay câu chuyện thực. Có thể chỉ là một hoạt cảnh của một dọc dài những suy nghĩ hoặc là một mảnh nào đó của đời chàng. Chàng váng người trong nỗi dày vò về quãng đường chàng sẽ bước chân lên. Ông già vẫn ngồi đó, câm lặng và mờ nhạt như bức tượng bằng sương. Chàng muốn sờ mó chút hoang mang và trong khoảng khắc, chàng không tin đôi mắt mình sẽ cho chàng cái nhìn chân xác về thế giới hiện thực. Chàng cảm thấy trong người không còn chút nội lực nào khả dĩ có thể nhấc một bàn chân lên, xê dịch đến chỗ khác trên mặt đất. Sự suy thoái khêu gợi một ý niệm có thật về nỗi thất vọng và đơn độc trong một hành trình không biết trước.
Chàng lẩm bẩm:
“Mỗi người phải tự tìm lấy câu trả lời. Đời sống... chẳng thể đơn giản.”
Chàng chợt nghĩ đến cha mình, một sáng sớm cuối mùa đông, tin đưa về đã chết trong một trại tù ngoài biên giới. Mẹ chàng trong cái lầm lộn của tuổi già vẫn tin người chồng của mình mỗi đêm đều về rất khuya, và sáng lại ra đi rất sớm vì chiến trận chẳng chịu ngừng. Bà thường ngồi kể về những cuộc hành quân không mệt mỏi trong rừng rậm mà ở mỗi gốc cây, mỗi bụi rậm đều có thể là nơi ẩm núp của quân thù; kể về những chiến công và cả những chiến bại của chồng mình thời trẻ tuổi và nguyền rủa loạn quân đã đưa đất nước đến cảnh nồi da.
Rồi một hôm, có lẽ chán nản với những câu chuyện cứ lập lại và có thể cha chàng đã về thật để rủ người bạn đời tham dự vào một chuyến đi không bao giờ trở lại. Bà đã đi một mình trong đêm, vội vã, không kịp trang điểm để đẹp như một hoàng hậu. Trong phòng, nơi chiếc tủ chứa đầy những loại nước hoa, phấn sáp và những kiểu quần áo đã rất xưa, còn thơm mùi long não. Chàng nhìn mẹ chàng nằm tiều tụy và bất động, nhìn những đồ vật đã được chuẩn bị rất lâu cho một giờ cuối cùng, lòng se lại. Sắc đẹp và mộng mị cũng chứa đầy mầm phản bội. Bà chẳng để lại cho chàng điều gì ngoài đổ nát và băng giá.
Không chịu nổi nỗi ray rứt và ám ảnh, chàng đành phải bán căn nhà đã cho chàng bao nhiêu nguồn vui, mong trút bỏ cái ký ức nặng nề mà mỗi đêm cứ đánh thức chàng dậy, dẫn chàng ngược về sống lại những mảnh đời của cha ông cách xa hàng thế kỷ.
o O o
Thục không nhận được tin tức gì của Thưởng, ngoài dòng chữ phong kín: “Anh đi vắng vài ngày. Thưởng.”, qua đường Bưu điện. Nàng dò hỏi những người bạn Thưởng, cũng không ai biết chàng ở đâu. Nàng còn lo hơn khi nghe Mẫn bị bắt. Nàng bỏ công mò mẫm theo những địa chỉ nàng mang máng nhớ ra, nhưng chỉ nhận được những ánh mắt tò mò. Chàng vẫn biệt tăm. Có thể chàng đã đi khỏi thành phố này, ở một nơi rất xa. Một nhà tù hay một miền đất hẻo lánh. Chàng vẫn thường mong sống trên một hòn đảo vô danh, với mối tình của cô gái thổ dân, lánh xa những phiền toái, nghe sóng vỗ kể về những số phần phiêu bạt. Chàng nằm mơ thấy bầy sư tử bên bờ biển Phi Châu, mặc cho cảnh đời man dã quyến rũ tâm hồn mình. Đời sống chàng đầy rẫy bí ẩn mà nàng không hiểu nổi. Thưởng đối với nàng nhiều lúc cũng thờ ơ như đối với bản thân chàng. Chẳng thể nào nàng tìm được bình yên khi biết chàng cứ mãi cột buộc chằng chịt những điều bất thường. Trong cử chỉ dịu dàng của chàng có điều gì rời rạc. Nàng vẫn khóc thầm sau mỗi lần gặp gỡ vì biết rằng vết thương của chàng càng ngày càng nặng. Chàng tự đẩy mình vào góc kẹt, làm trầm trọng đến cả nỗi viển vông. Chàng vui thú với cô độc và coi như giấc mộng đẹp làm lộng lẫy ưu phiền.
Thục ngã bịnh, một căn bình kỳ lạ. Nàng giả vờ sống cũng như giả vờ chết. Nàng không còn nhận ra nổi con đường nàng đang đi, căn nhà nơi nàng ở, và những người thân chập chờn như chiếc bóng quẩn quanh làm bân rộn đời nàng. Chỉ trong đêm tối nàng mới nhận ra được nhan sắc của mình. Mặt trời làm nàng đui mù. Những đóa hoa ngâu mang mùi chua chát. Nàng phải đóng chặt cửa phòng để những chiếc ly khỏi tuột khi chạm tay đến, thấy lại thân thể mình và nằm mơ với tình yêu hồi sinh trong hầm vắng. Nàng đi lang thang trong căn nhà rộng thênh thang mỗi đêm, ngạc nhiên về sự vắng vẻ và dịu mát. Nàng ăn uống, tắm rửa và hát, ngợi ca về những mối tình của hàng ngàn măn trước. Nàng đánh mất trí nhớ hay ký ức đang đẩy nàng ngược về với ngọn nguồn? Nàng đã xẩy chân hay cảm xúc ứ tràn làm nàng bị trơn trợt trên vũng lầy thực tế?
Nàng nghĩ dến chàng đằm thắm hơn, nhưng là một Thưởng đã bị tước bỏ hết những kinh nghiệm quái gở, chỉ còn lại nét đơn giản, trẻ trung. Chàng và nàng rong chơi qua những đồng cỏ núi đồi hoặc một cảnh chùa cheo leo trong sương. Những buổi chiều bơi thuyền lênh đênh trên sông đào; tiếng cười, tiếng chim kêu, tiếng chèo bì bõm lan man thành giải sóng gợn. Tình yêu đã làm sạch rêu rong, cháy hết rơm rạ và tro than là dấu vết vĩnh cửu.
Rồi nàng vẽ chàng thành nhiều hình dạng. Những cánh tay dài ngoằng, những bàn chân to, bè ra và cho chàng những khuôn mặt đủ kiểu của phường tuồng. Chàng là tập hợp của mọi giai cấp ở từng thời kỳ. Trò chơi kéo dài vô tận đã làm cho nàng quên đi một Thưởng có thật ở ngoài đời. Đến một lúc, nàng chẳng còn nhớ đến cả tên chàng. Bóng dáng chàng phai dần đã làm lành nỗi thương nhớ nhưng lại làm nàng sa vào tình trạng lẫn lộn. Những chiếc mặt nạ chồng chất trong ký ức nàng chẳng khắc họa đường nét rõ rệt nào ngoài sự buồn cười. Nàng tâm sự và đùa bỡn với những hình nộm. Nàng cứ lấn sâu vào thế giới giả trang, đánh mất cá tính, xáo trộn nếp sinh hoạt và không biết mình là ai. Nàng quên cả chính nàng.
Nàng ngủ suốt ngày, không cần biết đến những lo lắng, bàn tán của mọi người. Và ban đêm thức dậy, bình thường như thời khắc được hoán đổi. Cha mẹ nàng thương con, bỏ ngoài tai những dị nghị, chỉ cầu xin con mình tai qua nạn khỏi, vì ngay cả thày thuốc cũng không tìm ra bằng chứng của bệnh lý. Nàng sống đoạn tuyệt với thực tại. Thời gian bồng bềnh trôi, không có ai ngay cả Thục bận tâm tới sự vắng mặt của Thưởng, thử tính xem chàng đã đi mấy ngày, mấy tuần, mấy tháng.
Một buổi tối, khi thức dậy, trang điểm xong, nàng ra khỏi phòng. Dưới nhà trống trơn, cha mẹ nàng đã lên lầu nghỉ, mấy đứa em còn đi chơi khuya. Nàng bật đèn, đi quanh, nhìn ngắm những giá sách, những cổ vật trưng bày trong tủ kính, những bức hình treo tường và như có một tia sáng trong trẻo soi rọi tâm hồn nàng. Nàng nhớ những ngày còn đi học, tươi tắn trong chiếc áo dài, quấn quít ước mơ; nhớ đến cha mẹ nàng, đã già, quẩn quanh với u buồn vì tương lai mờ nhạt của đàn con. Nàng chợt nghĩ tới chàng với tất cả nỗi xao xuyến của một mối tình đã được đánh thức. Nàng nhẩm lại dòng chữ chàng để lại, những âu lo và băn khoăn vẫn nguyên, nỗi nhớ nhung não người.
Nàng dẫn xe ra, rồ ga và lao đi. Phố, người tràn đầy một thứ ánh sáng nhức mắt. Nhà cửa, cột điện ngả nghiêng, mặt đường bóng nhẫy, lượn sóng và trơn trượt. Tiếng kêu la, sợ hãi từ những khối đen càng lúc càng dầy thêm, tràn xuống đường. Nàng run lên, tuyệt vọng. Và rồi như những lằn chớp bổ xuống theo hình đan lưới, nàng bay ra khỏi xe, chỉ còn kịp nghe những âm thanh quái đản phát ra từ trên không.
Lời Của Quá Khứ Lời Của Quá Khứ - Khế Iêm