Love is always within. When you try to dramatize your love, you lose the depth of the love.

Charan Singh

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 530 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ếu mỗi con người chúng ta là một hạt cát, thì hắn là hạt cát nằm tận đáy cuộc đời!
Chỉ có người chết rồi, mới bị cắt Hộ khẩu. Hắn còn sống nguyên, mà lại bị “cắt Hộ khẩu” khỏi Hộ tịch gia đình!
Thời bao cấp mà không có hộ khẩu thì nguy nan đến chừng nào? Không hộ khẩu nghĩa là không gạo ăn, không vải mặc, không công việc, không chỗ nương thân! Có mặt trên đời hẳn hoi, mà về mặt pháp lý thì không, hoàn toàn không! – Một sự tồn tại mà không tồn tại! Một sự tồn tại bên lề xã hội!
Hắn bị cắt Hộ khẩu khi còn chưa đến ba mươi tuổi; nghĩa là còn rất trẻ, lại đang ở vào thời kỳ cuộc đời sung sức nhât, để lập thân và để cống hiến cho đời! Việc bj cắt Hộ khẩu thực chất không phải lỗi của hắn, mà là lỗi của người khác; lỗi của thời cuộc xoay vần bất ngờ, ngoài khả năng dự đoán của trí tuệ con người.
Nhưng người ta cứ bảo tại hắn chống lệnh! Ôi! Hắn chỉ là một thân phận bé bỏng, một thân phận vốn chỉ biết chấp hành, tuân lệnh; làm sao dám làm chuyện tầy đingf nhường ấy: chống lại mệnh lệnh, cho dù đó là mệnh lệnh của ai? Chẳng qua chỉ là đường cùng, chỉ là sự nhẹ dạ, bồng bột vốn có của tuổi thiếu thời mà dẫn đến kết cục bi đát đó mà thôi!
Cuối năm một chín bẩy tư, theo chỉ đạo của trên, lãnh đạo địa phương tiến hành thành lập một đội quân dân sự, để đi “B” lo việc chuẩn bị thi hành Hiệp định Paris vừa ký kết. Đội quân dân sự đó do một thường vụ ủy viên mới bị thất sủng, chỉ huy. Quan lính là các cán bộ công nhân viên được rút lên từ các cơ quan xí nghiệp. Hắn là một trong số đó. Vinh dự lắm mới được cử đi đợt này, đợt công tác đặc biệt trong một thời điểm đặc biệt của lịch sử! Nhưng đoàn lên đường vào Nam chưa ấm chỗ thì trên cục diện chiến trường có sự thay đổi đột biến: Chiến dich Tây Nguyên nổ ra với những chiến thắng vang dội,… Tiếp đó là sự thừa thắng sốc tới, quân đội ta liên tiếp mở ra nhiều chiến dịch khác, chiến công nối tiếp chiến công!.. Toàn quốc dồn sự chú ý vào chiến dịch lịch sử, và do đó, đội quân dân sự vô tình bị bỏ quên!
Bị bỏ quên giữa chiến trường đang diễn biến cuồn cuộn từng giây từng phút, là điều không có gì ngạc nhiên đối với một đơn vị dân sự như đơn vị này cả. Cái khó là nhiệm vụ đặt ra cho đội quân này khi nó được thành lập, đã không còn ý nghĩa thực tế! Nói chính xác là không còn việc gì để làm cho đơn vị này nữa! Trở về địa phương thì chưa ai ra lệnh rút quân! Ở lại thì không ai giao nhiệm vụ! Ông thủ trưởng lại là người vừa bị “thất sủng” do việc dám ra lệnh phá bỏ hàng cây trồng ven đường, vốn được hình thành trong các dịp TẾT TRỒNG CÂY hàng năm (mà thực ra, ý đồ của ông rất trong sáng và rất đáng được hoan nghênh: ông chỉ muốn mở rộng mặt con đường tỉnh lộ cho khang trang, phục vụ tốt hơn công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế cho quê hương mà thôi. Vả lại, trước đó ông đã cho cấy bù bằng môt hàng cây mới, ngay cạnh hàng cây sẽ cưa cắt đi! Nhưng đấy là cái cớ để “đối thủ” của ông “thanh toán” ông. Hậu quả là vị lãnh đạo này phải bó gối nằm im chờ lệnh, mặc cho quân lính đói khát, vất vưởng vì “vô công rồi nghề”!
Cuối cùng thì một số nhân viên tự động họp lại, để đi đến một quyết định, mà sau này mới nhận ra đó là một quyết định sai lầm tệ hại nhất trong cuộc đời của họ: Cử một nhóm quay về Bắc, xin ý kiến chỉ đạo của Tỉnh! Trong nhóm đó có hắn! Vị lãnh đạo bất lực, không ủng hộ và cũng không có biện pháp ngăn chặn; bởi với hoàn cảnh ông lúc ấy, tiến hay thoái đều nan giải như nhau! Ông đang là một con chim đã bị trúng đạn, mà kẻ dương cung, hẳn chưa chịu buông vũ khí!
Nhóm của hắn vừa xin ăn dọc đường, vừa bắt xe đi nhờ. Vất vả nhục nhã lắm, nhưng cuối cùng cũng về tới địa phương. Mừng lắm!
Nhưng chưa kịp mừng thì một gáo nước… sôi đã đổ lên đầu cả nhóm: Thế này là các anh đảo ngũ à? Một người “có trách nhiệm” của địa phương đã hằm hằm nói thế! Rồi chắc là sau đấy, các vị lãnh đạo cũng nhận ra cái sơ sót của mình, say chiến thắng mà đã vô tình bỏ quên cả một đơn vị đặc biệt!... Nhưng vốn bảo thủ (bảo thủ là tính cố hữu của những cán bộ loại này!), nên họ ra một quyết định: bắt tất cả những thành viên trong nhóm phải đi lao động công ích hai tháng, mới cho trở về cơ quan xí nghiệp cũ tiếp tục công tác! Một quyết định vô lý đến cùng cực, nhưng chỉ vô lý với nhóm mấy thanh niên dại dột, bồng bột như hắn mà thôi, chứ với lãnh đạo địa phương này, thì đấy vẫn là quyết định đúng đắn và sáng suốt! Bi kịch bắt đầu dáng xuống cuộc đời hắn, bởi vì hắn bướng, hắn nhất quyết không chịu thi hành quyết định, nhất quyết cho mình đã hành động đúng! Cha đẻ hắn nói: nếu không chấp hành quyết định của trên, ông sẽ từ hắn! Tưởng ông chỉ dọa, ai ngờ làm thật! Thế là hắn bị vất ra rìa xã hôi từ ngày ấy, không công ăn việc làm, không tem phiếu, vì không được nhập lại hộ khẩu! Mà việc không cho nhập lại Hộ tịch lại chính là quyết định “sáng suốt” của vị cha đẻ mẫu mực của anh em hắn! Ông là điển hình của một con người thép, “việc công thì cứ phép công mà làm”; trong tim ông, tình cảm cha con không có chỗ để chen vào!
Hắn sống vất vưởng như vậy “hết ngày dài lại đêm thâu” suốt mấy chục năm trời! Sống mà như đã chết. Chết mà vẫn hiện hình ngất ngưởng giữa cuộc đời! Cha không cho ăn thì đã có mẹ, mẹ thời nào thì cũng là người bao dung con cái hơn ai hết. Giờ cha đi làm thì hắn về nhà, cha về thì hắn lang thang ra đường, sống như kẻ đi hoang. Nhiều hôm đói. Nhưng đói mấy cũng chịu, đợi mẹ giấu cha cho được miếng nào ăn miếng ấy, chứ tuyệt đối không đi ăn mày, không nhận của bố thí và càng không đi ăn cắp! Về điểm này thì những lúc rượu vào, hắn thường hay chửi đổng: “Bụng ông lúc nào cũng lép kẹp đây! Ông đang đói, đói nhăn răng đây! Nhưng ông không khốn nạn như cái bọn quan tham, bụng thì no căng mà lúc nào cũng chỉ lăm le ăn cắp của Dân của Nước!”.
Hắn khổ quá, nhục quá, nên đôi lúc cũng “CHÍ PHÈO” một chút! Nhưng đường phố chẳng ai chấp, bởi ai hiểu hoàn cảnh hắn, cũng đều thương hắn. Chỉ có người cha đẻ của hắn, cho đến tận giờ vẫn không thay đổi cách cư xử với hắn. Với ông, hắn vẫn là một tên đảo ngũ, một kẻ phá hoại thanh danh, truyền thống cách mạng của gia đình. Một kẻ đáng phải loại ra khỏi đời sống xã hội!..
Hắn trở thành hạt cát bị vứt bỏ, bị rơi xuống tận đáy cuộc đời, từ một nguyên có rất “ĐỜI” như vậy! Liệu bạn có tin? Nếu tôi là bạn, nghĩa là không trực tiếp tường tận câu chuyện, thậm chí không là hàng xóm của hắn, hẳn tôi cũng không tin! Làm gì cuộc đời lại phũ phàng đến như vậy?!.
Rất tiếc, đấy lại hoàn toàn là sự thật!
&&&
Vâng! Hắn là một hạt cát bị vứt bỏ, mà người đang tay làm việc đó quyết liệt nhất, lại là … cha đẻ của hắn! Tôi nói điều này là có dẫn chứng: sau mấy năm hắn sống ngoài hộ tịch gia đình, tôi, với tư cách tổ trưởng tổ dân phố, có thương lượng với anh cảnh sát khu vực, rồi anh trưởng công an Tiểu khu ( tương tự phường ngày nay) về thực trạng nhân thân của hắn, và đề nghị các anh ấy xét cuộc sống thực tế vô cùng khó khắn của hắn, cũng như chiếu cố tới gia đình hắn là gia đình có công với cách mạng, bố lại đang là cán bộ có uy tín ở UBND tỉnh; để xem có thể cho hắn được nhập lại hộ khẩu không? Không hộ khẩu thì nó không có tem gạo, không tem gạo tức là không có gạo, thế thì hắn sống bằng cái gì? Thức ăn thì có sao ăn vậy, nhưng không gạo thì chết đói mất thôi! Ít lâu sau, tôi được anh cảnh sát khu vực báo tin vui, đề nghị của tôi đã được chấp nhận! Tôi mừng lắm, và bà con trong tổ dân phố cũng mừng lắm! Còn bản thân hắn thì khỏi phải nói, hắn sung sướng đến tột độ khi nghe được tin ấy! Nhưng! Nói ra điều này, tôi đoan chắc thể nào các bạn cũng không tin: Chính ông bố đẻ hắn lại phản đối, và cũng là người duy nhất phản đối! Ông nói vào mặt tôi:
- Tôi không cám ơn ông về cái việc làm vớ vẩn ấy của ông đối với thằng con mất dậy ấy đâu! Tôi cũng nói luôn để ông khỏi mất công thuyết phục tôi, không bao giờ tôi cho cái thằng “B quay” (từ dành gọi những cán bộ, bộ đội được cử vào Nam công tác, chiến đấu, nhưng không chịu được hy sinh gian khổ, đã bỏ trốn trở lại miền Bắc), cái thằng đã làm ô uế thanh danh gia đình cách mạng của tôi, được có tên trong quyển sổ Hộ tịch gia đình tôi! Ông hãy nhớ lấy!..
Đương nhiên là tôi nhớ! Không chỉ nhớ mỗi lúc ấy, mà nhớ đời!
Sau đấy mấy năm thì hắn lấy vợ. Một cô gái thợ hồ nền nã, nêt na nhưng quá lứa, lỡ thì! Về nhà làm vợ rồi, cô gái mới dần nhận ra mình đã bị lừa: người “làm mối” đã nói dối cô, hắn cũng là công nhân nghỉ chế độ, nghĩa là có chút lương để đảm bảo cuộc sống… Mới đầu cô thất vọng lắm, chỉ muốn bỏ cái gia đình quan chả ra quan, dân cũng chả ra dân này, trở về cái miền quê xa xăm yên lành của cô. Chứ sống thế này, ngang với đi ở không công cho người ta. Mà còn quá cả ở không công ấy chứ, bởi vì cô còn phải dùng cái đồng lương “mất sức” còm cõi của mình để bù vào việc nuôi cái gọi là “chồng” ấy nữa! Thật đúng là “của nợ”! Lắm lúc nản quá, cô cũng nghĩ đến việc tự giải thoát, nhưng lại sợ, bây giờ mà vác mặt về quê, có mà thiên hạ chửi cho, một cái mo chứ mười cái mo cũng không che đậy được! Thế rồi cứ nấn ná ở, cuối cùng thì cô đã ở hẳn!
Một thời gian sau thì bà mẹ hắn chết. Thế là từ đấy, cô gánh thêm cả nhiệm vụ làm “mẹ” đẻ nuôi hắn hoàn toàn! Được cái, hắn sống rất biết điều, ngoài lúc say rượu, đôi khi có “chửi vui” cô mấy câu, còn hắn luôn tỏ ra yêu thương cô rất mực. Để có thêm thu nhập cho cái gia đình bé nhỏ ấy, cô đã nhận chăm nuôi mấy đứa trẻ con hàng xóm. Thế cũng vui! Hạnh phúc nhất của người đàn bà thời đại nào cũng vậy, đấy là lấy chồng phải có con. Nhưng cái thằng chồng cô, hắn chưa già lắm, nhưng bằng ngần ấy năm sống vất vưởng, sống mà như đã chết ấy, đã tiêu hao hết sức lực cũng như mọi hứng khởi làm người, thì làm sao còn có khả năng sinh đẻ? Thế là vợ hắn trở thành người đàn bà tần tảo bất hạnh nhất trên đời này! Hắn biết, và bà con hàng phố biết. Chỉ cái người bố kì quái của hắn là không biết! Mặc dù ông đã có chỗ ở khang trang, yên lành, và hiện đang nằm liệt trên giường từ mấy năm nay, do di chứng của một lần đột quỵ; nhưng thi thoảng lại nhắn lời đe dọa sẽ lấy lại căn nhà vợ chồng hắn đang sử dụng. Đó là một gian nhà cấp bốn do Nhà nước phân cho ông; nó đã tồn tại từ cách đây cả ba bốn chục năm, ọp ẹp không khác gì căn nhà của chị Dậu! Ông đã không ở căn nhà đó từ nhiều năm rồi mà dành cho vợ ông, một bà lão hom hem như một mụ phù thủy trong các câu chuyện cổ tích, nhưng thực ra lại rất hiền lành tốt bụng! Thế đấy, Người bố đó đã “căm thù” thằng con đẻ đến mức như vậy, thử hỏi trên thế gian này còn có một người thứ hai?!.
Hắn bất chấp, và cô vợ hắn cũng bất chấp! Bà con đường phố biết rõ gia cảnh nhà hắn, cũng đồng cảm với hai vợ chồng hắn, mọi người khuyên, cứ kệ đời ông ấy, yên tâm mà ở đi, ông ấy chả thể vứt đồ đạc của anh chị ra đường đâu. Còn có bà con, còn có chính quyền chứ! Nói thì nói vậy, nhưng lắm lúc cũng tháy lo cho cái cô vợ hắn: nhỡ mai ngày hắn chết trước ( mà điều đó dễ thành hiện thực lắm, hắn nhiều tuổi hơn vợ, lại đã bị kiệt sức như vậy!), không cẩn thận, co phải ra khỏi căn nhà đó, vì họ lấy nhau vì đồng cảm thôi, chứ đâu có giấy giá thú. Hắn có hộ khẩu đâu mà đòi giấy giá thú?!.
Nhưng đấy toàn là những chuyện “lo xa”, chứ trước mắt, hai vợ chồng hắn sống rất vô tư. Hàng ngày chị vợ đi làm thêm, phụ vào đồng lương ít ỏi, để chăm lo cho bữa ăn của cả hai vợ chồng. Không có con, thì lấy con người làm hạnh phúc. Mà như thế lại hay, vợ hắn có cả một đàn con hàng tá đứa, quý mến “mẹ” như mẹ đẻ vậy! Ngoài hai bữa cơm chính, vợ hắn còn lo cho chồng chút rượu sau bữa cơm tối. Mấy tay đàn ông đường phố nhiều khi cũng phát “ghen” lên với hắn: Mình có lương hưu hẳn hoi, lại kha khá là đàng khác, vậy mà có uống chút bia, hay hút điếu thuốc lá, cũng đôi khí phải giấu các bà, sợ các bà ca cẩm; chứ đâu được vợ tự tay mua rượu mang về tận nhà cho như hắn?!.
Đúng là ở đời thường có luật bù trừ: Không ai được hết thảy, cũng không ai mất tất cả! Lắm lúc tôi cứ nghĩ, nếu như “ông Trời” không run rủi đưa đến cho hắn một người đàn bà tốt nết đến thế, thì không biết sau khi mẹ hắn qua đời, ai sẽ là người cưu mang cuộc đời hắn đây? Vâng, nhất là khi hắn không còn trẻ nữa, khi cái thân sác hắn đã đến hồi “thân tàn ma dại” như ngày nay! Thế còn vợ hắn thì sao? Liệu cô có tìm thấy hạnh phúc nơi hắn? Có đấy! Đôi khi cũng có người tọc mạch, đem điều đó ra hỏi cô, được cô trả lời: Vợ chồng là “cái duyên cái số”, không ai tự sắp xếp cho mình được. Số em là phải gắn bó cuộc đời mình với anh ấy, thì em phải chấp nhận thôi! Có điều anh ấy thật cũng đáng thương, có cha, mà còn tệ hơn là không có! Vả lại, em còn đáng sống hơn chán vạn chị em sống độc thân, không có bất kì ai ngoài bố mẹ, anh chị em, cần đến sự có mặt của mình trên cõi đời này! Chồng em mà không có em, thì ông ấy sống thế nào? Đấy chính là niềm tự hào của em, của một người vợ, phải không các bác các chị?!.
Đúng trong những ngày tôi viết về cuộc đời hắn đây, người cha đẻ của hắn cũng đang nằm liệt giường chờ ngày tân số! Ấy vậy mà ông ấy vẫn thều thào trong hơi thở:
- Tôi! Tôi nhất định sẽ đòi … lại cái căn nhà… đó! Cái căn nhà mà … Nhà nước cấp cho gia đình cán bộ, chứ không phải cho cái thằng “B quay”!
Không biết, cứ nung nấu trong người cái ung nhọt thù hận không đâu ấy, liệu khi sang thế giới bên kia, ông bố ấy có được siêu thoát?!.
Hạt Cát Dưới Đáy Cuộc Đời Hạt Cát Dưới Đáy Cuộc Đời - Sưu Tầm